Giáo hội Công giáo dành cho tất cả mọi người. Được thiết lập bởi Chúa Kitô, sứ mệnh của Giáo hội là cứu vớt các linh hồn và cứu càng nhiều càng tốt. Đôi khi, chúng ta có thể thấy xuất hiện thuật ngữ Societas perfecta (xã hội hoàn chỉnh – không cần đến xã hội khác để đạt mục đích của mình) khi nói về Giáo hội Công giáo. Nghĩa đen của thuật ngữ này là “xã hội hoàn hảo”. Và một cách tự nhiên, nhiều người đã hiểu sai. Thuật ngữ này không có nghĩa là tất cả hoặc chỉ các thành viên của Giáo hội Công giáo mới hoàn hảo hoặc không có tội, và cũng không có nghĩa là chỉ những người Công giáo mới được lên thiên đàng. Ý nghĩa của thuật ngữ này chính xác là, xét như một xã hội, Giáo hội hoàn toàn có tất cả mọi thứ mà các thành viên cần để đạt đến cùng đích đời mình. Một xã hội hoàn hảo không bao gồm các thành viên hoàn hảo; đúng hơn, xã hội ấy đem đến một cách hoàn hảo và đầy đủ tất cả những gì mà các thành viên cần. Sự tròn đầy của ơn sủng (cả bảy bí tích, chứ không chỉ hai) và sự viên mãn của chân lý (Thánh Truyền và Kinh Thánh, chứ không chỉ sola scriptura).
Dựa trên tiền đề rằng chỉ một mình Giáo hội Công giáo mới có đầy đủ mọi thứ để đáp ứng tất cả nhu cầu và sự cần thiết thiêng liêng bởi có sự trọn vẹn của ơn sủng và sự viên mãn của chân lý, thì ta có thể khẳng định đây là lý do khiến Giáo hội không mang tính tùy chọn nhưng là thiết yếu. Không phải các Tông Đồ đã thành lập Hội Thánh; nhưng chính Đức Kitô đã nói: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Matthêu 16:18). Ngài đã xây Hội Thánh trên đá tảng Phêrô và các Tông Đồ, những người kế vị các ngài tiếp tục công việc của Giáo hội hơn hai ngàn năm qua.
Extra ecclesia nulla salus theo nghĩa đen là: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”. Khi bị tách ra khỏi bối cảnh, câu này nghe có vẻ rất kiêu căng, bài ngoại, hiếu thắng, bảo thủ và bè phái. Nhưng thật ra nó không có nghĩa là chỉ những người Công giáo mới có thể lên thiên đàng, cũng như ai không phải là Công giáo đều bị tự động phạt xuống hỏa ngục. Nhưng câu này muốn nói chỉ có Giáo hội Công giáo mới có thể đem đến những gì cần thiết cho sự cứu rỗi bởi vì chỉ mình Giáo hội mới có chân lý trọn vẹn được mạc khải, do Giáo hội nắm giữ cả Sách Thánh (Kinh Thánh) và Thánh Truyền; các tôn giáo tuyên xưng rằng chỉ có Kinh Thánh thì đang tự giới hạn mình vào một nửa sự mặc khải của Thiên Chúa. Chỉ có Giáo hội Công giáo mới có thể trao ban ơn sủng tròn đầy khi có tất cả bảy bí tích, trong khi nhiều Giáo hội Tin Lành chỉ có hai bí tích.
Vào đầu thế kỷ 20, cha Leonard Feeney, SJ, một linh mục Dòng Tên ở Boston, đã giảng dạy một hình thức cực đoan của extra ecclesia nulla salus: “Nếu bạn không phải là người Công giáo mang thẻ (đã đăng ký và được rửa tội), bạn sẽ xuống hỏa ngục”. Diễn giải cực đoan của cha chỉ tập trung vào tư cách thành viên bên ngoài, và cũng bác bỏ hiệu lực của việc rửa tội bằng máu và rửa tội bằng ước muốn mà Giáo hội Công giáo luôn dạy có giá trị như rửa tội bằng nước. Cha đã bị vạ tuyệt thông vào năm 1949 vì niềm tin cực đoan của mình nhưng đã được ơn hòa giải trước khi qua đời vào năm 1978.
Có một cách thích hợp để hiểu tiền đề này. Bất cứ ai và mọi người đều có thể lên thiên đàng bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã chết thay cho tất cả, và theo Thánh Augustinô, Thiên Chúa ban cho mọi người đầy đủ ơn sủng để được cứu độ. Ơn sủng của Thiên Chúa chỉ trở nên hữu hiệu đối với những ai chấp nhận và sẵn sàng cộng tác. Ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa đã được Thánh Tôma Aquinô trình bày trong Summa Theologica III, Chương 68, tiết 2, trong đó ngài thảo luận về sự cần thiết của phép rửa để được cứu rỗi, và giải thích rằng có một phép rửa bằng ước muốn đủ cho những ai không thể có được phép rửa bằng nước.
Một số nhà thần học gọi người được rửa tội như thế là một Kitô hữu vô danh hoặc là một Kitô hữu Công giáo vô danh, nếu không phải do lỗi của mình, người đó không có chủ ý, cố tình và muốn từ chối Đức Kitô và Giáo hội Công giáo. Sự vô tri bất khả triệt (invincible ignorance) dùng để chỉ một người không biết sự thật nhưng cũng không nhận ra mình không biết điều đó. Chỉ người nào biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa và sau đó từ chối Ngài một cách có ý thức, hoặc biết Giáo hội Công giáo là Giáo hội đích thật và từ chối Giáo hội một cách có ý thức, mới phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Giáo lý của Hội Thánh Công giáo dạy rằng:
1258 – “Được tẩy rửa bằng máu, cũng như ước muốn chịu Phép Rửa, vẫn mang lại hiệu quả của bí tích Rửa Tội, tuy đó không phải là bí tích. Và 1260 – ‘Vì Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người… nên chúng ta phải hiểu rằng, Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách nào đó chỉ có Chúa biết.’ Bất kỳ ai, dù không biết Tin Mừng của Đức Kitô và không biết Hội Thánh của Người, nhưng tìm kiếm chân lý và thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo như họ biểu biết, thì có thể được cứu độ. Có thể giả thiết rằng, những người như vậy hẳn đã minh nhiên khao khát lãnh nhận bí tích Rửa tội, nếu họ đã biết đến sự cần thiết của bí tích này”.
Vào năm 2000, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố rằng:
#20 – “Giáo hội là ‘bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi’,… [nhưng] đối với những ai không là thành viên của Giáo hội cách chính thức và hữu hình, sự cứu rỗi trong Chúa Kitô có thể đạt được nhờ một ơn sủng, bao lâu còn có một tương quan mầu nhiệm với Giáo hội, ơn sủng đó không làm cho họ nên thành viên của Giáo hội cách chính thức, nhưng soi sáng họ trong cách xứng hợp với hoàn cảnh thiêng liêng và vật chất của họ”. [Tuyên Ngôn Dominus Iesus]
Phải chăng điều này muốn nói rằng Giáo hội Công giáo đúng và những tôn giáo khác sai? Không! Lập luận này chỉ muốn cho thấy Giáo hội Công giáo có sự thật tròn đầy (mặc khải) và ơn sủng viên mãn (các bí tích), trong khi các tôn giáo khác có một số nhưng lại không có tất cả. Nếu có bảy bí tích và một tôn giáo nào đó chỉ cử hành có hai, hoặc nếu mặc khải của Thiên Chúa đến từ cả Thánh Kinh (Kinh Thánh) và Thánh Truyền, nhưng lại chỉ dạy từ một nguồn, thì các thành viên chỉ nhận được một phần của các ơn sủng và một phần của chân lý mà thôi. Những gì các tín hữu nhận được đều chân thật, nhưng đó không phải là sự toàn vẹn và viên mãn mà Chúa trao ban. Hãy so sánh trường hợp này với việc bạn học trong một ngôi trường chỉ dạy phép cộng và trừ. Những gì bạn học được là chân thật. Tuy nhiên, trường học đối diện bên kia đường lại dạy cộng trừ và cả phép nhân chia nữa. Ở một trường, bạn nhận được một số sự thật, còn một trường khác, bạn lại nhận được sự thật toàn vẹn. Thế nên thay vì tranh luận ai đúng ai sai, câu hỏi đặt ra là ai có thể trao cho chúng ta chân lý nhiều nhất và đầy đủ nhất?
Những Kitô hữu ngoài Công giáo ngây thơ không biết rằng Giáo hội Công giáo là Giáo hội chân thật sẽ không bị trách phạt vì những gì họ không biết hoặc không thể biết. Cố Tổng Giám mục Fulton Sheen từng nói rằng 98% những người từ chối Giáo hội Công giáo là từ chối những gì họ nghĩ Giáo hội Công giáo như thế, chứ không phải những gì mà Giáo hội Công giáo thực sự là. Hầu hết những người từ chối Công giáo đều bác bỏ một khái niệm sai lệch về Công giáo hoặc một giải thích sai lầm về những giáo huấn của Giáo hội, hoặc vịn vào những yếu đuối bất toàn mang tính nhân loại của các nhà lãnh đạo và của cá nhân các thành viên trong Giáo hội. Nhiều tín hữu Tin Lành, Do Thái, và những người không theo Công giáo tốt lành khác có thể và thực sự được lên thiên đàng bằng cách sống một đời sống đạo đức tốt đẹp và cố gắng thực thi ý muốn của Thiên Chúa; họ chỉ không biết những gì họ còn thiếu mà thôi. Nhưng những ai đã biết và đưa ra một lựa chọn có chủ ý để từ chối mới phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).