Bốn đặc tính của Giáo hội được liệt kê trong Kinh Tin Kính Nicea là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông Truyền. Thánh Rôbertô Bellarminô (1542-1621) đã mở rộng thành mười lăm đặc tính, nhưng Kinh Tin Kính vẫn chỉ đề cập đến bốn đặc tính mà thôi. Bốn điều này biểu thị những đặc tính của Giáo hội đích thật, tức là Giáo hội do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Hãy xem những đặc tính này như là thương hiệu xác định nhà sản xuất của một sản phẩm.
Duy nhất là đặc tính đầu tiên của Giáo hội được diễn tả trong Kinh Tin Kính bằng câu: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất,… “. Khi có sự hợp nhất, thì cũng có sự hài hòa. Cơ thể con người là một tổng thể, và tổng thể lớn hơn tổng số các bộ phận ghép lại với nhau. Chúng ta có hai lá phổi, hai mắt, năm giác quan, nhiều xương và cơ quan – nhưng là một cơ thể hoàn chỉnh. Hình ảnh và sự loại suy của cơ thể là một nhưng có nhiều bộ phận với các chức năng khác nhau được Thánh Phaolô dùng để mô tả Hội Thánh trong thư Rôma 12:4-5: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể”.
Giáo hội có một bộ giáo thuyết (Giáo lý), một tiêu chuẩn thống nhất về việc thờ phượng mang tính cộng đồng (bảy bí tích) và một bộ quy tắc và lề luật phổ quát (Bộ Giáo luật). Có một người đứng đầu hữu hình của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng, đồng thời cũng là Giám mục Rôma. Ngài là người được trao danh hiệu Đại diện của Chúa Kitô và Người kế vị Thánh Phêrô, vốn được coi là vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo hội (Matthêu 16:18). Giáo hội Công giáo ở Hoa Kỳ dạy các giáo lý giống nhau và cử hành các bí tích giống như Giáo hội Công giáo ở Anh, Ireland, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Mêxicô, Canada, Ba Lan, Pháp và khắp nơi trên thế giới. Sự thống nhất về nội dung của đức tin (giáo lý và giáo huấn luân lý), sự thống nhất về cơ cấu (một hệ thống phẩm trật được nối kết và hợp nhất với Đức Giáo Hoàng như là thủ lãnh tối cao), và sự thống nhất về việc thờ phượng (bảy bí tích giống nhau trên toàn thế giới) là những cấu thành của một Giáo hội chân thật. Tuy nhiên, sự thống nhất này không phá hủy hoặc chống lại sự đa dạng. Trong khi chỉ có một bộ giáo lý và quy luật, nhưng lại có rất nhiều hương vị và cách thức diễn đạt đức tin khác nhau như chúng ta sẽ thấy trong đặc tính thứ ba.
Thánh thiện là đặc tính thứ hai của Giáo hội được thể hiện qua câu: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện,…”. Vì người sáng lập là Chúa Giêsu Kitô, và Ngài là Con Thiên Chúa và là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, đồng thời Chúa Giêsu cũng nói Ngài sẽ xây dựng Giáo hội của Ngài (Matthêu 16:18), nên chính Giáo hội phải thánh thiện do gốc gác thần linh của mình. Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô (Rôma 12:4-5) và cũng là tân nương (hiền thê) tinh tuyền của Ngài (Êphêsô 5:25; Khải huyền 21:2). Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội bảy bí tích do chính Ngài thiết lập. Nhờ các bí tích mà con người được thánh hóa và trở nên thánh thiện bởi ơn sủng thần linh mà họ được thông dự.
Công giáo là đặc tính thứ ba của Giáo hội được thể hiện qua câu: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo,…”. Tính đa dạng của Giáo hội được thể hiện trong ý niệm rằng Giáo hội thực sự là phổ quát (katholikos trong tiếng Hy Lạp). Điều này có nghĩa là Giáo hội không phải là một Giáo hội ở địa phương nào đó, chẳng hạn như Giáo hội ở Anh hoặc ở Scotland. Không giống như Chính Thống giáo Hy Lạp hoặc Chính Thống giáo Nga, Giáo hội Công giáo không bị một quốc gia hay nền văn hóa nào xác định cách riêng biệt. Giáo hội Công giáo có một phần Phương Đông (Byzantine) và một phần Phương Tây (Latinh hoặc Rôma), nhưng tất cả đều công nhận cùng một thủ lãnh (Đức Giáo Hoàng) và cùng một tín điều (Giáo lý). Mặc dù thủ lãnh của Giáo hội là Giám mục Rôma, nhưng ngài được trợ giúp bởi các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia đều có một hoặc nhiều Hồng y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng và là những người sẽ bầu cử tân Giáo Hoàng khi Đức Giáo Hoàng đương nhiệm qua đời. Tất cả các Hồng y này cũng có đủ điều kiện để được bầu làm Giáo Hoàng, bất kể họ thuộc chủng tộc, ngôn ngữ hay quốc tịch nào. Có một số truyền thống phụng vụ Đông Phương trong Giáo hội – chẳng hạn như Ruthenian, Ukraina, Maronite, Melkite, Coptic và Ethiopia – và ở Tây Phương, có Novus Ordo của của Đức Phaolô VI (Phụng vụ ngày nay bằng tiếng bản ngữ kể từ Công đồng Vaticanô II) và Thánh Lễ theo nghi thức Piô IV (Thánh Lễ Latinh cũ từ thời Công đồng Trentô). Cho dù tiếng Latinh hay tiếng Anh, tiếng Hy Lạp hay tiếng Slava cổ, theo nghi lễ Rôma hay Đông Phương, các yếu tố căn bản của Thánh Lễ (Phụng vụ Thánh Lễ) đều giống nhau. Bánh và rượu đã biến đổi trở thành Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Đức Kitô cách thực sự, chân thật và bản thể khi một linh mục được truyền chức cách hữu hiệu đọc chính xác từng lời của Chúa Giêsu (gọi là Truyền Phép).
Tông truyền là đặc tính thứ tư của Giáo hội được thể hiện qua câu: “Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền”. Tông truyền có nghĩa là đạo Công giáo có thể truy nguyên nguồn gốc về tận mười hai Tông Đồ lúc ban đầu. Được xây dựng trên nền tảng của các Tông Đồ (Êphêsô 2:20; Gioan 6:70) và được tiếp tục với những người kế vị, với các Giám mục, Giáo hội đã tồn tại hơn hai thiên niên kỷ qua, nhưng luôn có mối liên hệ chặt chẽ với cội nguồn của mình. Mọi Giám mục khi được truyền chức phải được tấn phong bởi một Giám mục có “dòng dõi Thánh Chức” với một trong số mười hai Tông Đồ ban đầu. Đây được gọi là sự kế nhiệm các Tông Đồ (Apostolic Succession). Cũng như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô, mỗi Giám mục Công giáo là người kế vị các Tông Đồ. Mối liên hệ lịch sử chặt chẽ với các Tông Đồ không chỉ là sự hoài niệm. Thánh Vinh Sơn Lerins (thế kỷ V s.C.N) nói rằng để đảm bảo tính liên tục của đức tin thì chỉ có giáo huấn chính thống mới được bảo tồn. Tính tông truyền đảm bảo rằng những điều được giảng dạy ở tất cả mọi nơi, mọi lúc trong Giáo hội (quod ubique, quod semper, quod ab omnibus) là giáo lý chính thống.
Thánh Augustinô (thế kỷ IV s.C.N) nói rằng: “Có nhiều yếu tố khác có thể giữ tôi một cách trọn vẹn nhất trong lòng Giáo hội Công giáo. Sự đồng tâm nhất trí của các dân tộc và các quốc gia đã giữ tôi trong Giáo hội. Thẩm quyền của Giáo hội, được khai sinh cách màu nhiệm, được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng, được củng cố bởi tình yêu và được xác chuẩn bởi chính sự trường tồn của Giáo hội, đã giữ tôi trong Giáo hội. Tính kế thừa của các linh mục, từ ngai tòa của Thánh Phêrô Tông Đồ, là người mà chính Đức Kitô sau khi phục sinh đã giao trách nhiệm chăn dắt chiên của Ngài (Gioan 21:15-17), cho đến hàng Giám mục ngày nay, đã giữ tôi ở trong lòng Giáo hội. Và cuối cùng, chính danh hiệu Công giáo chỉ thuộc về một mình Giáo hội này mà thôi. “
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).