Antiokia, Giêrusalem, Alexandria, Constantinople và Rôma là năm Tòa Thượng Phụ chính trong thời Cổ đại. Mỗi Tòa có một vị Tổng Giám mục thường được gọi là Đức Thượng Phụ. Trong đó, Rôma được xem là Tòa Thượng Phụ đứng đầu bởi vì Thánh Phêrô và các vị kế nhiệm đã cai quản Hội Thánh từ thành phố này. Thánh Phêrô và các Đức Giáo Hoàng là những vị đứng đầu Giáo hội hoàn vũ từ thời Đức Kitô, khi Ngài ủy thác cho thánh Phêrô Chìa Khóa Giáo hội.
Là thành phố lớn nhất ở phía Đông Đế chế La mã, Antiokia là nơi có nhiều tân tòng Do Thái. Trong số đó, có một số vị có học thức đã bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và vì thế, đã có một số rất đông người hoán cải. Thánh Barnaba đã được gửi tới Antiokia để chăm lo cho Giáo hội ở đây. Chính trong thành phố này mà lần đầu tiên những người theo Đức Kitô được gọi là Kitô hữu.
Giêrusalem quan trọng bởi vì đó là nơi khởi đầu của Kitô giáo. Những đền thánh ghi dấu cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu cũng nằm trong thành phố này. Đây là nơi mà Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông Đồ và tinh thần truyền giáo của Giáo hội ra đời. Mối liên hệ với những địa điểm trong Kinh Thánh, sự gắn kết hữu hình với các nơi chốn cụ thể trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đảm bảo cho sự độc nhất của Tòa Thượng Phụ này. Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, vào thế kỷ IV đã đi đến Giêrusalem để tìm nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh. Bà đã tìm thấy nhiều thánh tích vốn được lưu giữ ở Rôma ngày nay. Những cuộc Thập Tự Chinh vào các thế kỷ XI và XIII đã diễn ra để bảo đảm an toàn cho những người hành hương đến Đất Thánh.
Alexandria được biết đến với một thư viện khổng lồ và những sưu tập các bản văn cổ. Đây là một trung tâm học tập và giáo dục đại học của thế giới cổ đại. Constantinople đã trở thành một thủ phủ quan trọng khi trụ sở chính quyền của Đế chế La mã chuyển từ Rôma đến thành phố này (được đặt tên theo Hoàng đế Constantine). Rất lâu sau khi phần phía Tây của Đế chế La mã tan rã, Constantinople vẫn là một thành trì vững chắc và được gọi là Đế chế Byzantine. Sau cuộc ly khai với Rôma, Constantinople cũng trở thành trung tâm tôn giáo của Kitô giáo phía Đông hoặc hoặc còn gọi là Kitô giáo Chính Thống. Trong thế kỷ XIV, Constantinople đã mất vào tay những người Hồi giáo và được đổi tên thành Istanbul. Rôma, nơi Thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, vẫn là nền tảng của Công giáo. Đến ngày nay, Thành Phố Vĩnh Cửu vẫn là trung tâm dành cho các Đức Giáo Hoàng, những vị kế nhiệm Thánh Phêrô.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).