Thánh Augustinô đã có một câu châm ngôn: “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống của Giáo hội Kitô giáo”. Nói cách khác, chính lòng trung thành của các vị tử đạo đối với Chúa Giêsu Kitô là một minh chứng bất diệt về sự trung tín đối Thiên Chúa. Xuyên suốt các thế kỷ, Giáo hội vẫn lớn mạnh dù bị bách hại. Qua cuộc bách hại khủng khiếp ở Rôma vào ba thế kỷ đầu tiên, nhóm người nhỏ bé, được gọi là Kitô hữu, cuối cùng cũng chinh phục được Đế chế hùng mạnh. Họ thực hiện điều ấy không nhờ vào vũ khí hoặc quân đội nhưng bằng một đời sống đạo đức theo Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Đã có tổng cộng mười cuộc bách hại lớn trong Đế chế La mã hơn ba trăm năm ấy. Trở thành môn đệ của Đức Kitô hoặc thậm chí chỉ đồng tình với Kitô giáo cũng có thể phải chịu tra tấn hoặc chịu chết. Các thánh tử đạo được tôn kính nhờ vào chứng từ anh hùng của họ. Chính chứng từ này dẫn đến nhiều cuộc hoán cải. Kitô giáo bảo vệ cho quyền lợi của người nghèo, người già, nô lệ, phụ nữ và trẻ em. Những thành phần này bị xã hội xem là ngoài lề và bị tước hết mọi quyền lợi. Giáo sĩ, các giáo dân giàu có, các phụ nữ đã trở lại Kitô giáo và mọi cơ cấu hỗ trợ trong Giáo hội đã chung tay để mang nhiều người trở lại với đức tin. Ngoại giáo là một tôn giáo không có đạo đức và thậm chí không mang lại hy vọng nào về đời sống sau khi chết, và cuối cùng trật tự cũ của ngoại giáo đã không đủ mạnh để bóp nát các Kitô hữu. Kitô giáo trong những năm còn lại của Đế chế cuối cùng đã trở thành quốc giáo.

Cứ lấy ra bất kỳ thế kỷ nào và bất kỳ địa phương nào mà Giáo hội bị bách hại, bạn sẽ thấy một cộng đồng Kitô hữu sống động và mạnh mẽ. Ví dụ, ở Hàn Quốc và Phi Châu (giữa thế kỷ XIX) và Bắc Mỹ (thế kỷ XVII), ai cũng đã nhìn thấy một sự lớn mạnh đáng kể trong Giáo hội Công giáo trong suốt những giai đoạn bị bách hại. Chính chứng từ đức tin của các Thánh Tử Đạo và đời sống đạo đức của họ đã chinh phục được vô số các linh hồn về với Kitô giáo. Thậm chí trong suốt cuộc bách hại của Giáo hội Công giáo trong các quốc gia Công giáo hoặc đã từng là Công giáo – như Tây Ban Nha trong suốt cuộc cách mạng những năm 1930, cuộc cách mạng ở Pháp những năm 1790 và ở Anh năm 1570 – Giáo hội vẫn vững vàng và nguyên vẹn. Chứng từ vĩ đại của Ireland trước những nhà cầm quyền Tin Lành là đất nước ấy vẫn luôn là quốc gia Công giáo. Nhiều giáo phận ở Mỹ đã được các Giám mục Ireland cai quản, hoặc được chăm sóc về mặt thiêng liêng bởi các tu sĩ nam nữ hoặc linh mục Ireland. Thậm chí trong cuộc đàn áp của Cộng sản, Giáo hội vẫn phát triển mạnh mẽ. Ba Lan cùng với phong trào tôn giáo-chính trị của đất nước này, phong trào Đoàn Kết, đã lật đổ chính quyền Cộng sản. Đức Giáo Hoàng người Ba Lan đã trở nên nổi tiếng nhờ lật đổ chính quyền Cộng sản trong các quốc gia vệ tinh và thậm chí ngay tại Mẫu Quốc Nga.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *