Công đồng là những cuộc hội họp chính thức của các Hồng y, Giám mục, thần học gia và những người đứng đầu của các dòng tu, cũng như những đại diện khác của Giáo hội nhằm thảo luận những vấn đề về giáo thuyết, kỷ luật, hoặc những vấn đề tôn giáo khác. Công đồng Giêrusalem được triệu tập vì đã có nhiều chia rẽ và bất đồng giữa những Kitô hữu tiên khởi liên quan đến những điều kiện mà các Dân Ngoại phải có để trở thành thành viên của Giáo hội. Các Kitô hữu Do Thái cho rằng các Dân Ngoại phải tuân thủ tất cả các Lề Luật của người Do Thái. Lập trường này do thánh Giacôbê dẫn đầu. Thánh Phaolô và Barnaba lại có lập trường đối lập với thánh Giacôbê. Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi và là người phân xử, đã dung hòa cuộc tranh luận ở Giêrusalem. Sau nhiều thảo luận, một công bố đã được đưa ra có tính ràng cho toàn Giáo hội. Lập trường của thánh Phaolô đã được chấp nhận: Những luật lệ của người Do Thái không còn là điều kiện bắt buộc nữa.
Công đồng Giêrusalem có vai trò quan trọng vì nhiều lý do. Đầu tiên, Công đồng này cho thấy sự phát triển và tổ chức của Giáo hội. Sự kiện Đức Kitô bị đóng định, khi máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Người, được xem như là thời điểm khai sinh của Giáo hội. Sau đó, Giáo hội đã lãnh nhận sứ mạng của mình khi được Thần Khí ngự xuống dưới hình lưỡi lửa. Đức Giáo Hoàng và các Giám mục là những người kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Công đồng đầu tiên cho thấy cách thức Giáo hội vận hành như thế nào. Một cách dứt khoát, Thánh Phêrô đã đưa ra quyết định có tính ràng buộc toàn cho Giáo hội sau khi đã lắng nghe những suy tư từ cả hai lập trường cũng như từ các tông đồ và môn đệ khác.
Quyết định của Công đồng là một dấu hiệu dứt khoát cho thấy Giáo hội đã tách mình khỏi nguồn gốc Do Thái và bắt đầu sứ mạng của mình dành cho các Dân Ngoại. Không còn nhiều bó buộc pháp lý mang tính nhân loại của đức tin Do Thái, Giáo hội đã có thể mở rộng và bắt đầu thu hút được nhiều người hơn. Theo cách này, Giáo hội trở nên phổ quát thay vì chỉ có tính địa phương. Giáo hội trở nên phương tiện của ơn cứu độ dành cho mọi người, ở mọi thời, cho đến tận cùng thế giới. Giáo hội trở thành bí tích đầu tiên của Đức Kitô trên mặt đất này.
Với những nền tảng đã đặt ra ở những Công đồng Đầu Tiên, các Công đồng khác ở các thế hệ khác nhau đã giải quyết những vấn đề, đưa ra những diễn giải và chỉnh sửa lại những thực hành theo một cách tương tự. Đã có cả thảy hai mươi mốt Công đồng kể từ Công đồng Giêrusalem. Công đồng chung cuối cùng tính đến nay của Giáo hội là Công đồng Vaticanô II, được tổ chức vào năm 1962.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 271-272