Thánh tử đạo là người đã chọn đau khổ, thậm chí cái chết, hơn là chối bỏ đức tin hoặc các nguyên tắc Kitô giáo. Hiểu theo nghĩa chặt, thánh Stêphanô phù hợp với định nghĩa này. Tuy nhiên, truyền thống xưa nay vẫn coi “các thánh Anh Hài” như những vị thánh tử đạo tiên khởi. Các ngài được nhắc đến trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, khi Đức Kitô ra đời tại Bêlem và các Hiền Sĩ từ Phương Đông đến để thờ phượng Người. Đầu tiên, họ đã đến với vua Hêrôđê để tìm vị Vua mới sinh của dân Do Thái. Vua Hêrôđê đã nổi giận vì ông không muốn có bất cứ ai đe dọa vinh quang của mình. Ông sợ sẽ bị mất ngai vàng; thế nên ông đã đề nghị các Hiền Sĩ sau khi tìm thấy Đấng Cứu Thế hãy báo cho ông biết. Vua Hêrôđê lên kế hoạch thủ tiêu vị Vua mới sinh, nhưng các Hiền Sĩ sớm đã nhận ra âm mưu của vua và đã quay trở về bằng một đường khác. Điều này làm vua Hêrôđê nổi giận và ông đã ra lệnh xử tử tất cả các trẻ nam từ hai tuổi trở xuống trong khắp Bêlem và vùng phụ cận. Quân lính đã thực hiện công việc xấu xa đó, thế nhưng Đức Kitô đã thoát được. Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu, đã đưa Người và Mẹ Maria sang Ai Cập.

Chính thánh Irênê, Augustinô và các Giáo Phụ tiên khởi khác đã gán cho các hài nhi bị giết hại ấy tước hiệu các vị thánh tử đạo. Họ được tưởng nhớ như những vị thánh tử đạo từ thế kỷ I. Những nạn nhân vô tội này đã làm chứng cho Đấng Mêsia và cũng là Đấng Cứu Thế, không phải bằng lời nói nhưng bằng máu huyết của các ngài. Các ngài đã chiến thắng thế gian và giành được triều thiên cho mình mà không cần có kinh nghiệm về sự xấu xa của thế gian.

Sau khi Đức Kitô lên trời, Thánh Stêphanô, một môn đệ của Người, đã được chọn làm một trong bảy phó tế. Tên của ngài có nghĩa là “triều thiên”. Ngài cũng là môn đệ đầu tiên nhận được triều thiên tử đạo. Thiên Chúa đã làm nhiều dấu lạ qua ngài. Ngài đã nói năng với sự khôn ngoan và tài hùng biện, giúp nhiều người trở lại Kitô giáo. Các kẻ thù của Đức Giêsu đã rất tức giận trước thành công qua lời giảng dạy của ngài, và đã âm mưu giết ngài.

Nhiều người đã đứng lên chống lại Stêphanô và ngài đã bị kết tội phỉ báng Môsê và Đức Chúa Trời. Vào năm 35 s.C.N., ngài đã bị đem ra trước Hội đồng, một tòa án ở Giêrusalem, để rồi bị đưa ra khỏi thành phố và bị ném đá cho đến chết. Ngài đã đối diện với những kẻ xử tử mình mà không sợ hãi và đã quở trách các kẻ thù của ngài vì đã không tin vào Đức Giêsu. Thế nhưng, họ đã không nghe ngài và đã từ chối sự thật. Quỳ gối trước những kẻ mưu hại mình, ngài kêu gọi thống thiết: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ”. Vị tử đạo đã chết, giống như Đấng Cứu Độ Đầy Ơn Phúc, với con tim không chút thù hận quân thù. Ngài đã đón nhận phần thưởng nước trời với một gương mặt thiên thần. Do cách thức mà ngài bị xử tử – bị ném đá – thánh nhân đã trở thành thánh bổn mạng của những thợ đẽo đá.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 270-271.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *