Làm vinh hiển là ban phúc hay thánh hóa, là làm trở nên thánh thiêng. Làm vinh hiển cũng có thể là tôn kính và coi là thánh, hay thiêng liêng. Ví dụ, “làm vinh hiển mặt đất này” nghĩa là tôn kính nơi chúng ta chôn cất người thân đã khuất. Khi chúng ta cầu nguyện với Lạy Lạy Cha, dòng chữ “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”[1] không có nghĩa là chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban phúc cho danh của Ngài, thay vào đó, chúng ta đang tuyên bố mạnh mẽ rằng danh của Thiên Chúa là thánh và phải được coi là thánh.
Điều răn cấm chúng ta kêu danh Chúa cách vô cớ (phạm thượng) được ám chỉ ở đây, nhưng điều này còn đi xa hơn khi nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ kêu tên Ngài vô cớ, mà chúng ta còn tôn kính danh ấy và coi là thánh. Tên của ai đó không chỉ là một từ. Đó là cách họ được người khác nhận biết, cả bạn bè lẫn kẻ thù. Thánh danh của Thiên Chúa như đã được mạc khải cho Môsê trong Xuất Hành là bộ bốn chữ YHVH được phiên âm từ tiếng Hípri, và đó là tên riêng và thánh thiêng của Thiên Chúa Toàn Năng. Không một ai có thể gọi danh ấy trừ vị thượng tế trong Đền Thờ Giêrusalem mỗi năm một lần vào ngày Chuộc Tội (Yom Kippur), khi ông đứng sau tấm màn trong gian cực thánh trước Nhà Tạm, nơi đặt hai phiến đá ghi Mười Điều Răn.
Vì vậy, danh ấy rất thánh đến độ người Do thái mộ đạo cho đến ngày nay cũng không gọi, thay vào đó họ sử dụng các thuật ngữ Adonai (Đức Chúa) hoặc Elohim (Thiên Chúa). Ngày nay, các Kitô hữu sử dụng danh Thiên Chúa và Chúa Giêsu để thề hứa và nguyền rủa mà chẳng chút xấu hổ hay ngượng ngịu. “Xin cho danh thánh Cha vinh hiển” là điều mà người Kitô hữu cần tái khám phá. Giữ danh của Chúa, ngày của Chúa (Chúa Nhật), và ý của Chúa là cách chúng ta “làm vinh hiển” hay thánh hóa đời sống chúng ta.
[1] Bản Kinh Lạy Cha tiếng Việt hiện nay dịch thành “nguyện danh Cha cả sáng” – người dịch.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 238-239.