Không thành vấn đề nếu bạn cầu nguyện bằng tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp, tiếng Anh hay tiếng Latinh. Hầu hết mọi người cầu nguyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thiên Chúa không chỉ hiểu được mọi ngôn ngữ trên mặt đất, nhưng Ngài biết suy nghĩ của chúng ta trước khi chúng ta diễn tả chúng. Bạn có thể sử dụng “tiếng Anh của Nữ hoàng” hoặc phương ngữ thông dụng của bạn. Ngôn ngữ bạn dùng không là vấn đề vì Thiên Chúa là Đấng toàn tri (biết hết mọi sự).

Một số người thấy hữu ích về mặt tinh thần khi cầu nguyện bằng phương ngữ thông thường của họ, vì nhờ đó họ cảm thấy gần gũi và mật thiết hơn với Thiên Chúa. Những người khác lại thích giữ lời cầu nguyện của mình được trang trọng và họ sử dụng một số từ ngữ có thể gọi là cổ ngữ. Dù bạn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Thần Khí, hay Spiritus Sanctus, cả ba danh xưng đều giống nhau.

“Cầu nguyện bằng lời” được gọi là glossolalia (tiếng Hy Lạp glossa có nghĩa là “lưỡi” và lalia mang nghĩa “nói”). Kinh Thánh kể lại trong Cv 2,1-12 chuyện các tông đồ có thể nói các ngôn ngữ họ không biết vào ngày Lễ Hiện Xuống. Phêrô, Giacôbê, Gioan, và các tông đồ còn lại đều nói tiếng Aram bản xứ của mình, nhưng những người có mặt ở đó cũng được nghe các ngài nói các loại tiếng bản xứ khác, dù đó là tiếng Hy Lạp, Latinh, Ba Tư hay Ai Cập. Những người Công Giáo có đặc sủng còn khẳng định một kiểu cầu nguyện bằng lời khác. Khi họ cầu nguyện, thường thì một số người trong nhóm bắt đầu nói một thứ ngôn ngữ không rõ. Một người khác được ban cho đặc sủng (tài năng) giải thích ngôn ngữ sẽ phiên dịch cho những người còn lại.

Không phải mọi tín hữu Công Giáo đều tin hay tham gia vào kiểu cầu nguyện này, tương tự thế, không phải tất cả Kitô hữu Tin Lành đều là tín đồ theo Đặc Sủng hay Ngũ Tuần. Những người tin và tham gia kiểu cầu nguyện này nhận thấy nó có ích cho kinh nghiệm thiêng liêng của họ. Người Công Giáo không bị cấm đoán và cũng không bị buộc phải chấp nhận thực hành thiêng liêng này. Điều này tùy vào chọn lựa của từng người.

Ngôn ngữ phụng vụ trang trọng hơn vì đó là lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội. Các Đức giáo hoàng gần đây đã kêu gọi người Công Giáo theo nghi lễ Rôma hãy cứ đề cao và giữ sự quen thuộc đối với Latinh, cũng như Chính Thống Hy Lạp đã làm với tiếng Hy Lạp, thậm chí với những người sống ở Mỹ, Canada, hay Anh Quốc. Tiếng Anh có thể là tiếng mẹ đẻ và nó được phép dùng trong phụng vụ thánh, nhưng Giáo Hội cũng muốn duy trì truyền thống và giữ sự liên tục với quá khứ bằng cách giữ gìn và duy trì một số phần chung của Thánh Lễ bằng tiếng Latinh từ thời này qua thời khác, nếu không nói là mọi thời. Người Do Thái đã làm như thế với tiếng Hipri, và người Hồi giáo cũng làm như vậy với tiếng Ả-rập.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 232.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *