Thứ nhất, không có nghiên cứu khoa học nào kết luận rằng việc sử dụng hương trầm gây ra ung thư. Thứ hai, hầu hết các nhà thờ đều rộng rãi, thoáng đãng, và khói hương tan nhanh khi được sử dụng.
Hương có truyền thống lâu đời trong đời sống thờ phượng. Không chỉ những người ngoại giáo, mà cả những người Do Thái giáo trong các buổi cử hành trong Đền thờ cũng sử dụng hương khi hiến tế động vật.
Thánh vịnh 141 ví hương trầm như lời cầu nguyện khi nói, “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan”. Môi-se truyền cho dân Do Thái ngoài việc hiến tế động vật, còn phải đốt hương trước Hòm Bia Giao Ước, nơi chứa Mười Điều Răn. Hương thơm ngào ngạt nhắc nhở người dâng lễ về lòng thương xót ngọt ngào của Thiên Chúa.
Vào thời Trung cổ, hương có công dụng thiết thực hơn. Các nhà thờ, nhà thờ chánh tòa và các nhà nguyện tu viện thường được sử dụng làm bệnh viện, và vệ sinh kém cỏi dẫn đến mùi hôi không cân xứng với việc thờ phượng. Hương được sử dụng như một hình thức cổ xưa của túi thơm. Trong Đền thờ thánh Giacôbê ở Compostelo, Tây Ban Nha, một trong những ngôi đền cổ xưa và được nhiều người hành hương tìm đến nhất, một bình hương khổng lồ (một bình bằng kim loại treo trên dây xích đốt than nóng với hương trầm) lắc qua lắc lại từ đòn tay nhà thờ vẫn còn được liên tục sử dụng.
Giáo Hội luôn dùng hương trong Phụng Vụ trong Hy Lễ Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, và cử hành trọng thể các giờ Kinh Chiều. Theo Kinh Thánh, hương là một trong ba món quà mà các đạo sĩ dâng tiến hài nhi Giêsu. Nó tượng trưng cho chức tư tế thượng phẩm của Chúa Giêsu. Trong Thánh lễ, hương được xông trước bốn sự hiện diện của Chúa Kitô – đó là công bố Tin Mừng, các lễ vật sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, linh mục và các tín hữu. Tại lễ tang, thi hài được xông hương, vì đó là Đền thờ của Ba Ngôi Chí Thánh nhờ phép Rửa lúc người đó còn sống.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 169-170.