Hollywood thường miêu tả các thiên thần như là những vị thần trần truồng bay lượn trong không trung hoặc như những sinh vật huyền bí lúng túng cố ẩn mình khỏi con người. Một cốt truyện phổ biến là một thiên thần cố gắng giành được đôi cánh của mình bằng cách làm những việc tốt cho một người trên mặt đất. Nếu thiên thần thành công trong sứ mạng của mình, Thiên Chúa sẽ ban cho họ đôi cánh. Thậm chí, một số bộ phim còn miêu tả các thiên thần như là những con người đã chết, những người phải giành được phần thưởng vĩnh hằng của họ trước khi bước vào cổng thiên đường.
Giáo hội Công Giáo bác bỏ tất cả những điều đó. Trước hết, con người không phải là những thiên thần và họ không bao giờ có thể trở thành những thiên thần, giống như loài vật không bao giờ trở thành con người và thực vật không bao giờ trở thành động vật vậy. Khi con người qua đời và lên thiên đường, họ được gọi là thánh. Thiên thần là những linh hồn tốt lành đã sống trên trời rồi. Họ chưa bao giờ là người trong một đời sống nào đó trước đây. Thử thách của họ đã diễn ra trước khi Thiên Chúa tạo ra trái đất hay Ađam và Eva [xem thêm câu 6].
Không ai giành được đường lên thiên đàng. Pelagianism[1] là một lạc thuyết cho rằng bất cứ ai cũng có thể tạo ra con đường cứu độ của họ. Vào thế kỷ thứ V, Thánh Augustinô kịch liệt phản đối ý tưởng này. Ngài dạy rằng bất cứ việc tốt lành nào, việc thân xác hay thiêng liêng về lòng thương xót, chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả nhờ quyền năng ân sủng của Thiên Chúa. Trong khi Martin Luther đề xuất ý tưởng về duy đức tin (sola fide), thì thánh Augustinô có lẽ thích ý tưởng về duy ân sủng hơn (sola gratia). Ân sủng cần để chấp nhận và bền bỉ trong đức tin và để thi hành các việc tốt lành đáng khen ngợi.
Việc nói về các thiên thần giành được đôi cánh của họ là một lối nói uyển ngữ và nhân cách hoá. Là những thực tại tinh thần không thân xác, các thiên thần thực sự không cần, và cũng không có cánh. Nghệ thuật tôn giáo mô tả các thiên thần với đôi cánh và các thánh với hào quang, cả hai đều là những chi tiết được sử dụng để tượng trưng cho một cái gì đó không thể nhìn thấy được với mắt thường của con người. Trong bộ phim “It’s A Wonderful Life,”[2] Clarence, thiên thần cần phải cứu George Bailey để giành được đôi cánh của mình. Nếu Clarence thực sự là một thiên thần hộ thủ, anh ta đã có “đôi cánh” của mình rồi. Là một thiên thần, anh ta đã đến thiên đàng rồi, và không cần phải chứng minh bất cứ điều gì trên đó.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 16-17.
[1] Một lạc giáo phủ nhận tội tổ tông, con người được cứu độ chỉ nhờ cố gắng của chính mình (ND).
[2] Tựa đề tiếng Việt là “Cuộc Sống Tươi Đẹp”. Phim được sản xuất năm 1946 do đạo diễn Frank Capra (ND)