Đạo Công giáo đặt niềm tin tưởng vững vàng nơi việc Tạo dựng, tức là Thiên Chúa tạo dựng thế giới, vũ trụ và nhất là linh hồn con người. Người tín hữu xác tín rằng Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ giống hình ảnh Ngài, như những gì được viết trong sách Sáng Thế. Sáng tạo tức là tạo nên một điều gì đó từ hư vô. Đó không phải là việc làm thay đổi từ thực thể này sang thực thế khác; nhưng là làm ra một điều gì đó vốn không tồn tại từ trước. Sáng Thế ký (chương 1 câu 1) nói với chúng ra rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.” Ngoài ra, câu 27 của chương 1 cũng cho thấy “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” Kinh Tin Kính của các Tông đồ và Kinh Tin kính công đồng Nicêa cũng tuyên xưng một niềm tin “Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất.”
Vậy, về vấn đề tiến hóa thì sao? Giáo Hội Công giáo lên án hay chấp nhận việc tiến hóa? Tiến hóa vô thần, tức là phủ nhận sự tồn tại và phủ nhận tính tất yếu của một Hữu Thể Tối cao và Đấng Tạo Hóa, bị lên án mạnh mẽ. Dầu vậy, một lý thuyết tiến hóa dung hòa vốn công nhận sự tồn tại và tính tất yếu của một đấng tạo thành siêu nhiên thì được chấp nhận. Thiên Chúa có thể sử dụng các quá trình mang tính tiến hóa để thay đổi những diện mạo trong quá trình tạo hóa của Ngài. Điều này ngụ ý rằng Thiên Chúa sáng tạo ra sự tiến hóa khi Người làm nên các quy luật vật lý, hóa học, toán học và thiên văn học. Nếu sự tiến hóa tồn tại và vận hành, thì nó phải là một phần trong ý định của Thiên Chúa, vì không gì có thể hoặc tồn tại hoặc xảy ra ngoài ý định của Thiên Chúa.
Điều mà Đức Giáo Hoàng Piô thứ XII (1939-1958) dạy trong Thông điệp Humani Generis (năm 1950) của ngài là Đức Tin Công Giáo đòi buộc một niềm tin nhất nguyên – tức là nguồn gốc con người bắt nguồn từ một cặp cha mẹ loài người (Adam và Eva trong Kinh Thánh). Đa nguyên là thuyết cho rằng con người bắt nguồn từ một vài cặp cha mẹ. Ba mươi ba năm sau đó, một nhóm các nhà hóa sinh tại California, tự nhận là những người theo thuyết bất khả tri, đã khám phá ra rằng ADN ty thể cho thấy mọi người trên trái đất, gồm những ai đã từng sống và sẽ sống, là có liên quan họ hàng với nhau, bởi vì về mặt gen, thì mọi người nam và người nữ đều có thể được truy về một người nữ ban đầu. Người ấy là mẹ di truyền của loài người.
Khi những người đề xuất thuyết tiến hóa đặt Thiên Chúa ngang bằng với những điều khác, thì điều đó được xem như là đối nghịch với Đức tin Công giáo. Bất kỳ lý thuyết khoa học nào cho rằng đời sống con người không là gì hơn ngoài một sự pha trộn tình cờ của các axit animo, mà dưới những điều kiện thuận lợi đã độc lập tiến hóa thành những dạng sự sống cao hơn, là không thể chấp nhận được đối với Công giáo. Nếu một lý thuyết xác nhận rằng các lực tự nhiên đang vận hành, nhưng không từ chối sự thiết kế tài tình ẩn đằng sau những vận hành vật lý và sinh học đó, thì có thể chấp nhận được. Tuyên bố rằng con người được tiến hóa từ loài khỉ là một chuyện, nhưng từ chối việc Đấng Tạo Thành ban tặng cho con người một linh hồn bất tử và lý trí sẽ bị coi là dị giáo. Sách Sáng Thế chương 2 cho hay Thiên Chúa lấy bụi đất và thổi vào đó hơi thở của sự sống, và do đó con người được tạo dựng. Tự bản chất, bụi đất không bao giờ tiến hóa thành một linh hồn bất tử. Tự nhiên có thể hoặc không thể thay đổi toàn bộ các động vật, nhưng chiều kích thiêng liêng vốn làm cho người nam và người nữ trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa thì nằm ở linh hồn bất tử do Thiên Chúa tạo dựng. Các loài khỉ và mọi loài động vật khác không có linh hồn bất tử, chỉ con loài người mới có mà thôi.
Một số Kitô hữu cho rằng Thiên Chúa dựng nên thế giới chính xác trong sáu ngày, mỗi ngày hai mươi bốn tiếng. Những Kitô hữu khác lại đồng ý rằng từ “ngày” được sử dụng trong sách Sáng Thế trong Kinh Thánh là một cách nói – một phép loại suy hoặc ẩn dụ. Đạo Công giáo dạy rằng điều đó là để cho các nhà khoa học có thể khám phá ra xem Tạo thành đã được diễn ra như thế nào. Tôn giáo thì giải thích ai đã thực hiện và tại sao. Khoa học chỉ khám phá như thế nào và khi nào. Một ngày có thể tượng trưng cho một thời kỳ hay một thời đại, hoặc nó cũng có thể có nghĩa là một ngày như chúng ta vẫn thấy. Trước Tạo thành, chẳng có thời gian và không gian, vì thế sẽ thật khó để giải thích và miêu tả về nơi chốn và thời điểm trước khi có một nơi chốn và một thời điểm. Thiên Chúa tồn tại đời đời, Ngài tồn tại vượt không gian và thời gian, cho nên Ngài không bị giới hạn cũng như không bị giam hãm bởi cùng một thực tại không gian thời gian mà bạn và tôi bị giam hãm.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 11-12.