Thánh Augustinô đã từng nói rằng nếu ngài bất chợt gặp phải một điều có vẻ là sai sót trong Kinh Thánh, ngài sẽ kết luận rằng: a) dịch giả của bản văn thánh đã phạm phải một sai sót khi ông dịch từ bản gốc Hipri hoặc Hy Lạp sang tiếng mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ phổ biến; b) những người sao chép bản viết tay từ những thủ bản đã phạm phải sai sót; c) ngài như một độc giả thì đang diễn giải sai một bản văn và đang không dùng ý nghĩa mong muốn của tác giả. Ngài không bao giờ có thể chấp nhận cái tiền đề cho rằng Kinh Thánh có bất cứ sai sót nào. Ý tưởng này được gọi là tính không thể sai lầm.
Không ai từ chối việc có một số khó khăn trong những bản văn Kinh Thánh. Bản văn nguyên thủy trong tiếng Do Thái và Hy Lạp, Cựu và Tân Ước được sao chép bằng tay. Hầu hết những điều không nhất quán hay bất thường trong Kinh Thánh là do sai lỗi của con người chứ không phải từ tác giả thánh ngay từ ban đầu; những sai lỗi ấy do những người dịch phạm phải khi chép tay từ bản gốc hoặc từ một bản sao khác. Những từ bị đánh vần sai, những con số bị sai (danh từ số nhiều với những động từ số ít và ngược lại), giống không phù hợp, những tính từ có phần cuối là giống cái lại đi với những danh từ có phần cuối là giống đực hay giống trung và ngược lại) v.v. có thể tìm thấy được trong nhiều bản in. Ngày nay, máy vi tính quản lý việc kiểm tra chính tả. Còn trước đó, bạn phải dùng một biên tập viên. Những bản sao này lại được dịch sang tiếng Latin, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Ba Lan, Nga, Slovania, Czech, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Ả-rập, v.v.
Chỉ có bản viết tay nguyên thủy của tác giả thánh (được các học giả Kinh Thánh gọi là “thủ bản”) được đảm bảo là không thể sai lầm, và được linh hứng. Không may thay, không còn thủ bản nào còn tồn tại. Xưa kia, giấy cói được sử dụng và nó dễ bị hư hoại hơn giấy ngày nay do sự thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, các sử gia và thần học gia tin rằng các bản dịch và những phiên bản Kinh Thánh mới của chúng ta khá gần với nguyên bản.
Những khó khăn trong Kinh Thánh xuất hiện khi việc chú giải theo nghĩa đen được dùng để giải thích một đoạn trích vốn phải được giải thích theo nghĩa ẩn dụ hay nghĩa biểu trưng. Khi Giôna được Thiên Chúa sai đi, tới thành Ninivê, Kinh Thánh cho biết thành Ninivê là một thành phố rộng lớn đến nỗi phải mất ba ngày để đi xuyên suốt dọc thành phố (Gn 3,3). Diễn giải theo nghĩa đen, nếu một người trung bình tại thời điểm đó có thể đi bộ 20 dặm trong một ngày, có nghĩa rằng thành phố ấy có đường kính là 60 dặm. Bạn đã từng thấy nạn kẹt xe trong nội ô thành phố Manhattan hoặc Thành phố Trung Tâm Philadelphia chưa? Khi người ta bước từng bước trên những con đường đông nghẹt người: doanh nhân, người bán hàng, động vật, xe bò, xe ngựa, v.v., nó không giống kiểu đi bộ trên đường Appian tới Rôma. Thời gian và khoảng cách đi bộ của bạn sẽ phải khác nhiều khi bạn đi trong một thành phố lớn hay một thị trấn vùng quê. Nếu giải thích theo nghĩa ẩn dụ, ba ngày không có nghĩa là 72 giờ không ngừng đi bộ.
Người Do Thái xưa không có lối so sánh hơn hay so sánh nhất như chúng ta có trong tiếng Anh (tốt, tốt hơn, tốt nhất). Vì thế họ dùng lối ngọa ngôn hay lối nói cường điệu để làm nên một điểm nhấn. Điểm nhấn không có ý được giải thích theo nghĩa đen. Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Giải thích theo nghĩa đen, người Kitô hữu sẽ phải ghét bỏ cha mẹ của mình, nhưng các điều răn nói chúng ta phải tôn trọng cha mẹ. Matthêu 10,37 sử dụng khái niệm của tiếng Hy Lạp khi nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Khi bạn so sánh hai đoạn trích trên, bạn thấy được cách thích hợp để hiểu từ “ghét” trong Luca 14,26 là “yêu ít hơn” chứ không phải là dung dưỡng sự thù ghét.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 26-27.