HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Cảm Thức Chung Minh Họa Cho Quá Trình Phát Triển Nhận Thức Tự Nhiên Của Con Người
Theo Quan Điểm Của Bernard Lonergan

Luận văn tốt nghiệp
chương trình Dự Bị và Triết Học
Tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện
Giuse Nguyễn Thế Anh, S.J.

Giáo sư hướng dẫn
Giuse Vũ Uyên Thi, S.J.

Tháng 03 năm 2020

Dẫn nhập

Sau hai cuộc thế chiến, con người băn khoăn đi tìm ý nghĩa cuộc sống hay ý nghĩa của hiện hữu của chính bản thân mình. Chiều kích hiện sinh chi phối toàn bộ nền triết học lúc ấy. Bên cạnh đó, với việc khám phá ra chuỗi ADN năm 1952 và nhiều phát minh khoa học khác, chủ nghĩa khoa học thực nghiệm cũng dần chi phối não trạng của con người. Dường như khoa học thực nghiệm chiếm vị trí quan trọng trong việc truy tìm chân lý. Ít nhiều các trường phái triết học cũng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy khoa học và chủ nghĩa khoa học thực nghiệm. Đối với nhiều triết gia thuộc trường phái này, việc truy tìm chân lý phải đưa ra những kết quả rõ ràng, chính xác như trong toán học hay chân lý phải được kiểm chứng như trong các ngành khoa học thực nghiệm.

Trong bầu khí của Giáo Hội, từ khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra thông điệp “Aeterni Patris” (1879) để khởi xướng, khích lệ, cổ võ đường hướng “tân kinh viện”, nhiều các triết gia, thần học gia công giáo đã làm mới, tìm hiểu học thuyết của các triết gia Kinh Viện dưới nhãn quan của hệ tư tưởng hiện đại. Qua đó, có thể đối thoại với những luồng tư tưởng đương thời. Trong Dòng Tên, cũng đã có những suy tư để cổ võ trào lưu “tân kinh viện” này, trong số đó phải kể đến Joseph Maréchal (1878-1944), người quan tâm đặc biệt đến việc đối thoại với Kant. Bernard Lonergan (1904-1984) cũng một phần bị ảnh hưởng bởi Maréchal, cũng như nhiều triết gia công giáo khác ông cũng “muốn phát triển triết học để có thể hợp nhất những trực quan vào tri thức con người, điều được bắt nguồn từ những phát triển của khoa học hiện đại nhưng cũng tiếp tục mở ra những trực quan trong địa hạt đạo đức và tôn giáo dưới cái nhìn của Giáo Hội.”[1]

Tác phẩm Trực quan (Insight)[2] được ra đời trong bối cảnh đó, lần đầu xuất bản năm 1957. Ở khía cạnh nào đó đặc biệt trong lãnh vực tri thức luận, tác phẩm Trực quan như là cuộc đối thoại giữa triết thuyết của Aristotle, thánh Thomas Aquinas và Immanuel Kant. Một mặt, Lonergan không phủ nhận vị trí của khoa học thực nghiệm khi cho rằng, mọi nhận thức đều đến từ kinh nghiệm hay hình ảnh (image), một mặt cũng đồng quan điểm với Kant về vai trò của phán đoán trong quá trình tri nhận tri thức.

Đối với Lonergan, tri thức con người không phải là thứ mà con người có dễ nắm bắt, hay dễ công thức hóa. Con người không thể đạt được chân lý tuyệt đối (ideal knowledge), nhưng chỉ hiểu phần nào hay một mảng nào trong kho tàng tri thức rộng lớn. Do vậy, bên cạnh tri thức của toán học và khoa học thực nghiệm, con người cũng cần đến một loại tri thức khác mà Lonergan gọi là cảm thức chung hay cộng thức (common sense) để làm phong phú cho tri thức của mình. Tri thức của cảm thức chung là tiền đề và là sự bổ sung cho tri thức của khoa học. Bài viết là nỗ lực phân tích tri thức của cảm thức chung trong tiến trình phát triển nhận thức cách tự nhiên nơi con người trong dòng lịch sử nhân loại. Qua đó phần nào minh họa cho cấu trúc nhận thức bất biến năng động được khởi xuất từ kinh nghiệm sau đó là hiểu biết và cuối cùng là phán đoán. Cấu trúc năng động này cũng được thể hiện trong tri thức của khoa học thực nghiệm. Tuy thế, do giới hạn về thời gian và năng lực, bài viết chỉ cố gắng tập trung vào khái niệm cảm thức chung giới hạn trong chương sáu và chương bảy của Trực quan. Vì thế, người viết ít nhiều chỉ làm rõ được hai bước đầu trong quá trình nhận thức: kinh nghiệm, hiểu biết. Chiều kích phán đoán cũng như những yếu tố khác bổ sung cho khái niệm này được Lonergan khai triển ở những chương tiếp theo và trong những tác phẩm hậu Trực quan.

Ngoài phần giới thiệu này, bài viết còn gồm 3 phần khác. Trong phần một, tương ứng với năm chương đầu của Trực quan. Dựa trên những phân tích tỉ mỉ về nền tảng nhận thức trong toán học cũng như trong khoa học thực nghiệm, Lonergan đưa ra cấu trúc nhận thức bất biến trong mọi hoạt động nhận thức của con người. Qua đó, ít nhiều cũng thể hiện nhãn quan của ông về thế giới và tri thức. Phần hai, là phần trọng tâm của bài viết, phần này họa lại tư tưởng của tác giả về khái niệm cảm thức chung gói gọn trong hai chương sáu và bảy của Trực quan. Phần này ít nhiều là những minh họa của cấu trúc nhận thức được hình thành cách tự nhiên nơi con người ngang qua sự phát triển của cảm thức chung trong lịch sử văn minh nhân loại. Phần cuối là phần kết luận, tóm lược lại bài viết cùng một số nhận định cá nhân.

Chương 1: Tính năng động trong thuyết nhận thức

Năm chương đầu của Trực quan, Lonergan đã phân tích chi tiết tiến trình trực quan để đạt được tri thức ngang qua toán học cũng như khoa học thực nghiệm. Qua đó đặt nền cho cấu trúc của trực quan. Ông không chú trọng vào bản chất của nhận thức là gì, nhưng đề cao cấu trúc của nhận thức ngang qua câu hỏi: “chúng ta làm gì khi nhận thức.” Đáp án cho câu hỏi đó là cấu trúc nhận thức bất biến không chỉ áp dụng trong tri thức khoa học mà còn nơi cảm thức chung (common sense). Qua sự phân tích trực quan trong khoa học thực nghiệm, Lonergan cũng diễn tả quan điểm mình về thế giới: đó không phải là một vũ trụ tĩnh hoặc tất định, nhưng là một thế giới năng động và đang phát triển. Thế giới ấy cũng diễn tả về tri thức con người, qua thế giới “để nắm bắt sự năng động thiết yếu nơi trí tuệ con người.”[3]

Cách nhìn về thế giới như cách nhìn về tri thức

Lonergan quan niệm về thế giới không mang tính bất động hay tất định nhưng là một thế giới chuyển động theo tính xác xuất nổi lên (emergent probability). Có ba yếu tố trong sự phát triển năng động này. Đầu tiên, trong thế giới có những chu trình được tái diễn (schema of recurrence). Chẳng hạn, ta có một chuỗi các sự kiện A, B, C, có một sự liên hệ giữa các điều kiện của mỗi sự kiện để sự kiện khác có thể xảy ra. Nếu A xảy ra, B sẽ xuất hiện; nếu B xuất hiện sẽ dẫn đến sự xuất hiện của C… Và cứ thế sẽ lại xuất hiện A lần nữa. Một ví dụ sự tái diễn này là chu trình tái sinh của nước hay vòng tuần hoàn của Nitrogen hay hệ thống các hành tinh, các chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái và thậm cả hệ thống kinh tế. Chúng được lập đi lặp lại theo một chu kì nhất định dưới những điều kiện nào đó. “Ý niệm về giản đồ tái diễn xuất hiện khi nó ghi nhận lại những chuỗi điều kiện tích cực khác nhau vì một sự kiện thường xảy ra theo một vòng tuần hoàn.”[4] Để có một chuỗi các sự kiện tái diễn cần có những điều kiện cụ thể xác định và chắc chắn lập lại. Giản đồ tái diễn là sự kết hợp của các quy tắc cổ điển; một cách cụ thể, nó bắt đầu, tiếp tục và ngưng lại dựa theo các quy luật xác suất thống kê.[5] Ba khái niệm cần được phân biệt trong chu trình tái sinh là tính khả thi (possible), hầu chắc (probable) và chắc chắn (actual) sẽ xảy ra.[6]

Kế đến, quan niệm của Lonergan về thế giới là thế giới của tính xác suất nổi lên. “Xác suất nổi lên là sự nhận thức liên tục dựa trên những lịch trình liên tiếp trong xác suất của một chuỗi những điều kiện của giản đồ tái diễn.”[7] Nói cách khác, những gì khả dĩ sớm muộn gì cũng trở thành hiện thực nếu hội đủ những điều kiện thích hợp. Một khi đi vào vận hành, xác suất nổi lên của giản đồ tái diễn sẽ đem đến xác suất tồn tại cho chính nó.[8] Cả hai phương pháp cổ điển và thống kê đều có những điểm còn thiếu sót trong việc truy tìm tri thức. Tuy thế, cả khoa học lẫn toán học đều không thể nào diễn tả được một tri thức tuyệt đối, vẫn còn những phần mà khoa học không giải quyết định được, phần đó là phần xót của thực nghiệm (empirical residue). Việc truy tìm tri thức vẫn phải áp dụng nguyên tắc xấp xỉ hay gần đúng hoặc tính xác suất trong các phép toán. Tính xác xuất hiện lên vừa có tính xác suất thống kê vừa theo những quy luật cổ điển.

Sau đó, thế giới của Lonergan là thế giới luôn chuyển dịch năng động đến những góc nhìn cao hơn (higher viewpoint), sự hiểu biết cao hơn này bao hàm một hiểu biết nảy sinh dựa trên các phép toán được thực hiện theo quy tắc cũ và được diễn đạt trong một công thức của một quy tắc mới.[9] Thế giới quan hay cái nhìn của Lonergan về tri thức là một cái nhìn năng động và tri thức là điều luôn ở trong trạng thái chưa thành toàn và điều đó luôn thúc bách con người kiếm tìm tri thức. Tri thức con người cũng không chỉ gói gọn trong một khái niệm, công thức như trong toán học. Nhưng tri thức ấy vẫn ngày càng được phát triển theo quy luật nhất định của tính xác nổi lên nơi những chu trình tái diễn để đạt đến những hiểu biết cao hơn.

Sự tự thủ đắc (Self-appropriation) điểm đến và phương pháp[10] của nhận thức

Lonergan đưa ra hai khía cạnh khi đề cập đến self-appropriation: đó là điểm đến và phương pháp của nhận thức. Phần nào Lonergan cũng nằm trong trào lưu hiện tượng luận khi nhấn mạnh đến ý thức chủ thể tính trong quá trình nhận thức. Sự biết mình (self-knowledge) hay sự tự thủ đắc là đích nhắm mà Lonergan muốn nhắm đến. Toàn bộ quyển Trực quan được xem là những “bài tập” để thực tập, hầu đạt đến sự tự thủ đắc này.[11]

Con người làm gì khi nhận thức? Câu hỏi đã được Lonergan đưa ra để đặt nền tảng cho thuyết nhận thức của mình. Quá trình trả lời câu hỏi trên cũng là quá trình đi tìm cho mình một sự tự thủ đắc. “Sự nhận thức về những gì chúng ta biết đến từ những gì chúng ta là. Nhận thức chúng ta biết như thế nào đòi hỏi việc nhận ra chúng ta là ai.”[12] Đó là lời mời gọi cách cá vị để hiểu và hành động, qua đó hiểu được chính bản thân mình dưới khía cạnh tình yêu, hay hành động, và để tái lập cái căn tính riêng của riêng mình: “sự tự thủ đắc làm cho con người có khả năng như là một chủ thể nhận thức, người chọn lựa, người diễn viên để khám phá và tạo lập chính bản thân mình như là một hữu thể độc nhất và siêu vượt.”[13]

Khi chủ thể đạt đến sự tự thủ đắc là đạt đến chính cái hữu thể, cái logos của chính mình. Khi đó, chủ thể không chỉ hiện diện hay hiện hữu với người khác, “nhưng còn hiện diện chính mình trong bản thân mình. Hiện diện có được khi tôi ý thức về chính tôi và những điều tôi bận tâm.”[14] Ngoài ra, Ferera Lambe còn cho rằng tri thức như là sự tự thủ đắc (knowledge as self-appropriation), và sự tự thủ đắc đạt được khi chính bản thân một người trải nghiệm cách ý thức, hiểu biết cách rõ ràng, và phán đoán cách lý trí mà đạt đến sự hiểu biết về thực tại.[15] Do đó, có thể nói tiến trình tri thức là tiến trình để đạt được Sự tự thủ đắc nơi ấy chủ thể ý thức về bản thân mình cũng như những vận hành tri thức trong mình:

Sự tự thủ đắc hoặc biết mình là ý thức nơi chủ thể. Biết mình như là thành tựu lớn nhất của sự hiểu biết. Bước đầu, tôi ý thức về tôi, nhưng không phải về sự biết mình của tôi. Biết mình không phải là tức khắc nhưng là trung gian qua các hoạt động nhận thức. Do đó, để làm chủ (appropriate) hoặc hiểu về bản thân mình, tôi phải hiểu hoặc chiếm hữu những hoặc động nhận thức, mà nơi đó bản thân tôi như là người vận hành (operator).[16]

Chúng ta làm gì khi nhận thức? Ít nhiều câu trả lời được diễn tả qua phương pháp hay đích đến của tiến trình nhận thức, tôi được mời gọi để ý thức về hoạt động nhận thức. Quá trình ấy cần có sự phản tỉnh trên chính phán đoán nơi hiểu biết để có được tri nhận về đối tượng. Qua đó phần nào cũng mở ra phương pháp siêu nghiệm dựa trên nền tảng của sự tự thủ đắc: “một hệ quả của sự tự thủ đắc là phương pháp siêu nghiệm, kinh nghiệm, hiểu biết, phán đoán và chọn lựa của chính tôi như là kinh nghiệm, hiểu biết, phán đoán và chọn lựa của hữu thể.”[17] Phương pháp ấy là phương pháp thực nghiệm trong khía cạnh, “chúng quan tâm dữ liệu của ý thức với ý thức của chủ thể trong kinh nghiệm hiện sinh và trong hành vi hiểu biết của chủ thể.”[18] Phương pháp ấy không chỉ giới hạn ở cái biết lý thuyết, nhưng còn đẩy mạnh ở khía cạnh quyết định và thực hành, “trên hết, mục đích của Trực quan là mời gọi mỗi cá nhân, quyết định và hành động.”[19] Như thế, sự tự thủ đắc là sự chú tâm – chú tâm đến chính mình khi kinh nghiệm, lãnh hội và phán đoán. Kế đến là sự hiểu biết chính mình khi kinh nghiệm, lãnh hội và phán đoán. Sau cùng là khẳng định chính mình khi kinh nghiệm, lãnh hội và phán đoán.[20] Quá trình nhận thức là hành động có ý thức, ngang qua ý thức cách con người ý thức được hoạt động ý thức nơi bản thân mình.[21]

Trực quan và cấu trúc nhận thức của trực quan

Lonergan lấy ví dụ điển hình ngang qua câu chuyện nổi tiếng của Archimedes để minh họa cho những đặc điểm của trực quan. Có năm đặc tính của trực quan.[22] Đầu tiên, như là sự tháo gỡ những căng thẳng của việc tìm tòi, nhờ sự tháo gỡ căng thẳng này mà Archimedes đã thốt lên “eureka” trong vui sướng. Kế đến, chúng đến cách bất chợt, không ngờ trước được. Thứ ba, trực quan như là một kiểu vận hành không nằm ngoài bối cảnh, nhưng là điều kiện bên trong của bối cảnh ấy. Thứ tư, trực quan là ngưỡng cửa giữa sự cụ thể và trừu tượng. Trực quan là sự liên kết giữa giác quan và sự tưởng tượng, giữa điều được phô bày và điều ngụ ý. Cuối cùng, trực quan trở thành cách sắp xếp tính thói quen trong trí của một người.

Đối với Lonergan, con người có thể có nhiều dạng trực quan khác nhau, chẳng hạn những trực quan trong toán học, khoa học thực nghiệm và ngay cả trực quan trong cảm thức chung. Tuy nhiên, có các dạng tri thức này có một điểm chung là có cùng cấu trúc để hình thành nên tri thức ấy, cấu trúc ấy được gọi là quá trình nhận thức. Cấu trúc đó là cấu trúc bất biến, nền tảng cố định mà Lonergan đã quả quyết: “để hiểu thấu đáo những gì để hiểu, bạn không chỉ hiểu tất cả theo đường rộng những gì được hiểu, nhưng còn sở hữu một nền tảng cố định, một mẫu thức bất biến, mở ra sự phát triển xa hơn nữa của sự hiểu biết.”[23] Quá trình hay mẫu thức bất biến ấy trải qua ba bước được khởi đi từ kinh nghiệm, sau đó là sự hiểu biết và cuối cùng là phán đoán.

Ở bước thứ nhất, là bước của ý thức thường nghiệm (empirical consciousness) hay gọi đơn giản hơn là kinh nghiệm. Ảnh hưởng bởi tư tưởng của Aristotle và thánh Thomas Aquinas, Lonergan cho rằng quá trình nhận thức phải khởi đi từ kinh nghiệm. “Nếu không có kinh nghiệm thì không có bất kỳ một sự hiểu biết nào. Cho dẫu con người có tiềm thể để hiểu biết, nhưng tri thức thực sự chỉ đến sau kinh nghiệm, nơi ấy con người tiếp xúc trực tiếp với thực tại.”[24] Trong bước này, chủ thể thâu nhận dữ liệu của giác quan, dữ liệu của ý thức thường nghiệm. Những kinh nghiệm này vẫn chưa là tri thức nhưng đó chỉ là một dữ liệu cảm quan mang tính chủ quan nơi chủ thể. Dữ liệu cần được đào sâu hơn nữa để có thể mang giá trị khách quan hơn. Bên cạnh những dữ liệu giác quan, chủ thể kinh nghiệm còn thu nhận cả dữ liệu ý thức trong qua trình kinh nghiệm sự vật.[25]

Kế đến, con người là động vật có khả năng suy tư, phản tỉnh và đặt câu hỏi, “khi con vật không làm gì, nó ngủ. Khi con người không làm gì, họ đặt câu hỏi.”[26] Con người đặt những câu hỏi để giải thích hoặc đào sâu những dữ liệu kinh nghiệm ở bước đầu. Đó cũng là giai đoạn tiếp theo trong quá trình nhận thức: hiểu biết (understand) hay ý thức mang tính tri thức (intellectual consciousness). “Cấp độ này cũng quan tâm đến các hành vi hiểu biết (acts of understanding), và việc hình thành các khái niệm. Các khái niệm biểu tỏ hành vi hiểu biết, và cả hai đều là thành quả của sự tìm hiểu (inquiries).”[27] Ở bước thứ hai này, khao khát tìm kiếm tri thức của con người qua việc đặt câu hỏi, trả lời các câu hỏi và phát triển thành các khái niệm, tiền đề, giả thiết, công thức mang tính phổ quát.

Không dừng lại ở việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi. Những vấn đề khác sâu hơn, rộng hơn lại được gợi lên và con người tiếp tục tìm kiếm những câu trả lời ở cấp độ phản tư (reflection) từ đó có được sự hiểu biết mang tính phản tư (reflective understanding). Cấp độ hiểu biết chỉ dừng lại ở bình diện tri thức ở bình diện cái hiểu (intelligibility). Cấp độ phản tư đi xa hơn để khẳng định một vật là hiện hữu (existence) hay thực tại (reality).

Đáp án cho câu hỏi về sự tồn tại hay thực tại là một phần của cấp độ thứ ba của quá trình nhận thức, Lonergan gọi là lý tính của ý thức (rational consciousness) hoặc là phán đoán. Như vậy, cấp độ thứ ba khẳng định hoặc phủ định về một vấn đề, một sự việc.[28] Phán đoán là một hành động của lý trí.[29] Đó là kết quả cuối cùng hành vi phản tỉnh của sự hiểu biết, thông qua những gì chúng ta hiểu biết về thực tại để xác quyết hoặc phủ nhận thực tại. Qua sự phán đoán, hình thành một tri thức về chân lý (truth).[30]

Khi chia thành ba bước hay ba giai đoạn của quá trình nhận thức, không có nghĩa những bước này xảy ra riêng lẻ hay tuần tự, hoặc có sự phân biệt và không có sự nối kết giữa chúng. Ngược lại, đó là một quá trình năng động của nhận thức. Cả ba bước được kết hợp trong một tiến trình duy nhất. “Tiến trình nhận thức cũng không chỉ là kinh nghiệm, không chỉ là hiểu biết, không chỉ là phán đoán, cũng không chỉ là những cái nhìn tức thời hoặc trực giác về sự vật. Nhưng đó là quá trình của cả kinh nghiệm, hiểu biết và phán đoán kết hợp chung với nhau.”[31] Cả ba bước hòa quyện lại thành một thành một thể thống nhất, thành một cấu trúc cho các tri thức của con người. Khi đó, “cái tổng thể được liên kết bởi cái từng phần, mỗi phần lại liên kết với những phần khác qua chức năng. Một tổng thể sở hữu một sự tất yếu nhất định trong sự thống nhất của nó, nếu loại bỏ bất cứ phần nào thì cái tổng thể sẽ bị tiêu tan, và bất cứ phần nào khác thêm vào thì cũng trở nên dư thừa.”[32] Ngoài ra, trong quá trình kinh nghiệm, hiểu biết, phán đoán để đưa ra quyết định, các cấp độ cao hơn hoặc nhấn chìm hoặc phủ nhận những cấp độ bên dưới, vượt lên chúng nhưng cũng đồng thời bảo tồn và giữ lại chúng.[33]

Cần phải có quá trình tự hiệu chỉnh (self-correcting) cho quá trình nhận thức này. Tiến trình tự hiệu chỉnh này là “sản phẩm của những hành vi lặp đi lặp lại, có sự thiết lập dữ liệu mới, sửa chữa những trực quan còn dang dở, sửa lỗi những phán đoán sai lầm. Những thiếu sót của những trực quan lại gợi lên những câu hỏi khác để bổ sung vào cho trực quan. Phán đoán gợi lên những câu hỏi sâu hơn và làm cho tri thức phát triển.”[34] Trí hiểu gợi lên câu hỏi từ kinh nghiệm, trí hiểu tìm câu trả lời và tiếp tục đặt câu hỏi rộng hơn. Sau đó để tìm những hiểu biết mới hơn về để phản tỉnh. Qua đó có những trực quan cao hơn. Trong khoa học, quá trình tự hiểu chỉnh này phát xuất từ việc đưa ra những định đề, giả thiết sau đó đi chứng minh và cuối cùng đạt được những trực quan qua những định nghĩa (definition).

Đối với Lonergan, tri thức con người là một yếu tố động. Có sự tích lũy theo chu trình tái diễn đến những góc nhìn cao hơn và có tính chất nơi tính xác nổi lên. Hơn nữa, quá trình nhận thực là một tiến trình năng động với một cấu trúc bất biến được áp dụng chung cho sự nhận thức của con người trong mọi lãnh vực. Quá trình nhận thức ấy có khởi điểm là chính ý thức nơi chủ thể, có một điểm đến và một phương pháp nơi sự tự thủ đắc. Từ những khái niệm căn bản trong thế giới quan của Lonergan, cũng như quá trình nhận thức và phương pháp của nhận thức, ta thử đi tìm hiểu sự phát triển của cảm thức chung trong lịch sử nhân loại, liệu sự phát triển này có nét tương đồng nào trong thuyết nhận thức đã đề cập ở trên?

Chương 2: Quá trình phát triển nhận thức qua cảm thức chung

Trong chương trước, ta đã có cái nhìn sơ khởi về thuyết nhận thức của Lonergan. Cấu trúc nhận thức ấy không chỉ được áp dụng trong khoa học thực nghiệm nhưng còn trong cảm thức chung. Chương này phần nào làm rõ quá trình phát triển của cảm thức chung, qua đó cố gắng làm rõ sự phát triển trong quá trình nhận thức cách tự nhiên của con người. Chương này gồm ba phần: đầu tiên là những đặc điểm cũng như cách hiểu của Lonergan về khái niệm cảm thức chung, đó là tri thức thực hành đến từ những vấn đề cụ thể của cuộc sống. Kế đến, vai trò của chủ thể hay nói đúng hơn là chính chủ thể vận hành quá trình hình thành và phát triển của cảm thức chung. Cuối cùng, là sự phát triển của cảm thức chung dẫn đến sự phát triển của các cộng đồng hay xã hội trong lịch sử nhân loại.

Đặc điểm của cảm thức chung

Có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm cảm thức chung. Cảm thức chung không phải là một trong những thiên hướng (instinct) hoặc cảm xúc đặc biệt của chân lý, hay cảm thức chung liên quan đến hoạt động tức thời của tri thức, mang đặc tính tự nhiên trước khi được học hành hay huấn luyện đặc biệt nào.[35] Phần nào cả hai nhận định trên đều cho rằng cảm thức chung nhấn mạnh đến vai trò của trực giác. Tuy nhiên, cảm thức chung được Lonergan sử dụng ở đây với mục đích làm sáng tỏ tính tự nhiên và vai trò của trực quan xung quanh bối cảnh hoạt động của tiền nhận thức.[36]

Cảm thức chung – tri thức thực hành

Lonergan không đưa ra một định nghĩa rốt ráo hay một khái niệm tròn đầy về cảm thức chung. Tuy thế, Lonergan cũng chỉ là những mô tả, những gợi ý, mang đến cho tâm trí con người điều gì đó thuộc kinh nghiệm của chính họ, điều gì đó quen thuộc với những kinh nghiệm đời thường. [37] Con người không chỉ tri nhận những trực quan trong các lãnh vực lý thuyết thuần túy như: toán học, vật lý, sinh học. Bên cạnh đó, có những trực quan khác cũng là một phần của tri thức. Chúng là những tri thức thực hành (practical intelligent) hay được gọi là cảm thức chung, hoặc là cộng thức, điều mà không được dạy ở trường lớp, không được diễn tả qua định nghĩa, công thức hay ngôn từ. Đó là tri thức hay tài khéo của người nông dân trên ruộng đồng, hay bàn tay điệu nghệ của những thợ thủ công, là kỹ năng tuyệt vời cũng những người thợ máy, là sự hiểu biết về những kinh nghiệm cuộc sống, hay về tình yêu hoặc kinh nghiệm về kiếp nhân sinh của con người.[38]

Cảm thức chung cũng là một dạng trực quan, do đó, cũng có sự tích lũy và phát triển. Trong tác phẩm Hiểu Biết và Hữu Thể (Understanding and Being), Lonergan đã miêu tả cách thức hay phương pháp cảm thức chung được tích lũy và phát triển: “cách thức thông truyền căn bản của cảm thức chung là ngang qua những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, qua đó những người muốn hiểu, những người muốn trở nên khôn ngoan, có thể có những trực quan, điều mà sẽ thành toàn trong cuộc sống của họ.”[39] Cảm thức chung là sự khôn ngoan thực tiễn được thông truyền tương tự cách thức lưu truyền những kinh nghiệm dân gian. Cái cảm thức chung của một nhóm người chưa chắc đã có thể áp dụng vào nhóm người khác vì mỗi nhóm người đều có những trực quan riêng của mình. Bởi vì, mỗi người đều có một căn tính riêng, và có nhiều điểm khác nhau về: giới tính, sở thích, bối cảnh nghề nghiệp, văn hóa xã hội. Vì thế, cảm thức chung cũng là trực quan biệt thù và có nhiều dáng vẻ khác nhau: “có sự đa dạng trong cảm thức chung ở mỗi địa phương, mỗi nghề nghiệp, mỗi hệ thống xã hội. Tùy vào từng nơi, từng nghề và từng nhóm người mà một người có những cách xử trí qua lời nói hoặc hành động khác nhau phù thuộc vào mỗi hoàn cảnh và địa vị của người ấy.”[40] Đó là điều làm nên sự khác biệt và đa dạng giữa các trực quan trong cảm thức chung.

Hơn thế, tri thức thực hành là điều sống còn của con người trong xã hội nguyên thủy. Con người không chỉ tìm kiếm tri thức vì tri thức nhưng là do chính nhu cầu, khao khát được sống và phát triển đã thúc đẩy con người truy tầm tri thức. Cảm thức chung thỏa mãn nhu cầu đó của con người, “khao khát hiểu biết, đơn giản là một phần của khao khát được sống, và tri thức là một phần của cuộc sống. Tri thức là phần quan trọng và có vai trò cơ bản trong cuộc sống.[41] Tri thức không tách biệt với cuộc sống và tất cả tri thức đều là thành quả kiếm tìm để phục vụ cho sự phát triển của con người.

Một điểm khác cần được nhấn mạnh là về chính chữ “chung” (common) của cảm thức chung. Chính từ ngữ này đã gợi lên cho người đọc một suy nghĩ, cảm thức chung không của riêng ai, nhưng là chung của một nhóm, một cộng đồng. Theo nghĩa nào đó cảm thức chung là “sự kết hợp của những ý kiến hoặc niềm tin với nhau, ít nhiều cũng có yếu tố sai lỗi và thành kiến trong đó, cảm thức chung tạo thành tiếng nói chung trong cộng đồng, điều mà ai cũng biết.”[42] Trong tác phẩm Phương pháp luận Thần học (Method in Theology), Lonergan nhấn mạnh lại điều này: “cảm thức chung mang tính chung trong cộng đồng, không phải cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời, nhưng chỉ là chung trong một nhóm người thuộc một cộng đồng qua việc thông truyền với người khác.”[43] Vì là trực quan hay sự hiểu biết chung trong cộng đồng nên những hiểu biết này cũng có thể được chia sẻ trong cộng đồng để giúp người khác có thể học được qua sự truyền thông và tương tác với người khác. “Mỗi cảm thức chung của cộng đồng thì là một cái kho chứa chung, ẩn tàng sau sự tích lũy ấy là những giải pháp để giải quyết những vấn nạn, phục vụ những nhu cầu, bận tâm, sở thích cụ thể của cộng đồng.”[44]

Do thế, một mặt cảm thức chung là trực quan rất riêng xuất phát từ chính chủ thể và phần nào cũng bị ảnh hưởng bởi tác động nhu cầu của cộng đồng. Những trực quan này phải được hiểu trong những bối cảnh cụ thể và đặc thù, đó là tương quan của chính chủ thể với thế giới. Vì lẽ đó, cảm thức chung chỉ có thể được giải thích và làm sáng tỏ bằng cảm thức chung và chỉ nơi cảm thức chung mà thôi.[45] Để hiểu cảm thức chung nhất thiết phải hiểu được bối cảnh sống của chính chủ thể, là nhân tố chính hình thành nên cảm thức chung. Mặt khác, cảm thức chung là gia sản chung trong nền văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Tóm lại, cảm thức chung là tri thức thực hành, liên quan đến một số bối cảnh sống cụ thể; mỗi thời gian và địa điểm đều có cảm thức chung của giây phút nơi chốn ấy.[46] Do vậy, “cảm thức chung, bao gồm những trực quan cơ bản cho phép con người giải quyết các tình huống cá nhân và cụ thể trong các sự việc phát sinh từ cuộc sống thường nhật, theo tiêu chuẩn của văn hóa hoặc địa vị mà người ấy thuộc về.”[47]

Đặc tính của cảm thức chung

Có hai đặc điểm của cảm thức chung. Thứ nhất, cảm thức chung được xét đến ở khía cạnh tri thức (intellectual). Cảm thức chung được tìm thấy nơi mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong bất kì nền văn hóa, bất kỳ hoạt động nào của con người, ngay cả người khôn cũng như kẻ dại. Cảm thức chung được khơi lên từ việc đặt câu hỏi xuất phát từ óc hiếu tri hay sự tò mò của con người.[48] “Có một sự xây dựng của một nhóm (cluster) các trực quan, nhưng nhóm này không nhằm mục đích đi đến các định nghĩa phổ quát và các định đề phổ quát, điều chịu ảnh hưởng bởi sự suy luận có hệ thống và nghiêm ngặt. Các nhóm này nhằm mục đích hướng dẫn hành động cụ thể, và nó được thể hiện, không phải trong cách thức nghiêm ngặt, mà bằng giao tiếp.”[49]

Tuy thế, quá trình tìm kiếm sự khôn ngoan ban đầu cũng chỉ là nhưng hành vi thẩm vấn (inquiry) tự phát, giống như một đứa trẻ luôn hỏi, cái gì đó? Và tại sao lại như thế? Quá trình này cũng mang đến sự tích lũy trực quan, nhưng chỉ là những trực quan tự phát. Từ sự hiểu biết ban đầu này, có những câu hỏi khác được gợi lên và từ đó tích lũy được những trực quan cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tích lũy những trực quan cao hơn, không thể tránh khỏi những sai lỗi hay hiểu sai về trực quan trước. Vì thế, cần một quá trình gọi là tự hiệu chỉnh và học hỏi để có thể được tích lũy và tiến triển trong cảm thức chung. Quá trình tự hiệu chỉnh này sẽ kiểm tra, rà soát phát hiện ra những lỗi lầm của con người và từ đó sửa đổi để có thể tĩch lũy những trực quan. Quá trình này tương tự như quá trình tự hiệu chỉnh trong khoa học:

Như các nhà toán học phát triển từ hình ảnh qua những trực quan và công thức đến các biểu tượng thúc đẩy những trực quan cao hơn, như nhà khoa học phát triển từ dữ liệu thông qua trực quan và công thức đến những thực nghiệm, điều cũng thúc đẩy những trực quan cao hơn, quá trình học tập tự phát (spontaneous process of learning) và tự hiểu chỉnh là một vòng tròn (circuit) trong đó những trực quan bộc lộ những nhược điểm qua các hành động hoặc lời nói hoặc suy nghĩ được biểu lộ trong thông truyền, tất cả chúng sẽ thúc đẩy những câu hỏi tiếp theo và dẫn đến những bổ sung cho những trực quan.[50]

Một mặt sự tích lũy những trực quan mang tính chủ quan nơi cá nhân chủ thể. Nhưng, những trực quan này cũng có thể được thông truyền, truyền đạt từ người này sang người khác. Con người là động vật có tính xã hội, do đó, quá trình học hỏi nơi chủ thể có phần chủ động, tìm kiếm trực quan, nhưng chủ thể cũng một phần bị động dưới tác động khác nhau của môi trường mà chủ thể đang hiện hữu. Lonergan đã diễn tả rất rõ điều này:

Việc cộng tác tự phát của các cá nhân cũng là sự phát triển chung của tri thức trong gia đình, bộ tộc, quốc gia, và toàn thể nhân loại. Một người được sinh ra không chỉ với những nỗ lực để tìm tòi và hiểu biết thuần túy của bản thân; nhưng họ còn được ném vào trong cộng đồng, nơi ấy sở hữu những câu trả lời từ một cái “kho” (fund) chung, và mỗi người cũng có thể rút ra phần chia sẻ của mình từ kho chung đó, được đo bằng năng lực, sở thích và năng lực của mình.[51]

Và do đó, quá trình học hỏi và sửa lỗi không phải là chỉ là quá trình của cá nhân, nhưng còn là tác động của cả môi trường của xã hội và cộng đồng. Hơn nữa, chính cộng đồng cũng là điểm khởi cho việc cải thiện và phát triển trực quan để mang lại lợi ích cho cộng đồng không chỉ trong thế hệ này mà cho thế hệ tương lai.[52] Quá trình tích lũy trực quan trong cảm thức chung là quá trình không hồi kết vì luôn có sự đi tìm và sửa chữa những hiểu biết sai lạc trong nhận thức. Tuy thế, không có một phương pháp kiểm chứng nhất định, không có khái niệm đúng sai, phải trái, hay tốt xấu trong cảm thức chung. Nhưng sự nhận định và đánh giá của cộng đồng, với những tác động của những trực quan này với lợi ích chung, chính là việc khách quan hóa cảm thức chung nơi chủ thể.

Thứ hai, khi đề cập đến cảm thức chung, Lonergan còn đề cập đến khía tính chất thực hành hay thực tiễn (practical) của cảm thức chung. Cảm thức chung không chỉ mang chiều kích tri thức, có thể được tích lũy và thông truyền trong một cộng động, cảm thức chung mang tính thực tiễn (practical). Tri thức không chỉ ở bình diện cái biết ở trên lý thuyết nhưng còn diễn tả cái biết trong những trường hợp cụ thể. Khía cạnh này diễn tả đến những kiến thức thực hành, thực tiễn trong cuộc sống. Như những đặc điểm của cảm thức chung đã nêu ở trên, chúng vận hành trong một cộng đồng, không tồn tại hoàn toàn trong bất kỳ một người nào. Chúng được chia nhỏ trong nhiều người, để cung cấp cho mỗi người một sự hiểu biết về vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc phát triển cảm thức chung.[53]

Tự bản chất của cảm thức chung đã mang tính thực tiễn, Lonergan đã miêu tả cảm thức chung là “những tác vụ thực tiễn của cuộc sống thường nhật”[54] và chúng tìm kiếm tri thức trong lãnh vực “chế tạo và hoạt động.”[55] Trở lại với thời văn minh sơ khai của con người, con người đã biết truyền cho nhau những tri thức thực hành. Tri thức này giúp con người phát triển các công cụ lao động, biết làm lưới đánh bắt cá, cải tiến và phát triển thành các loại công cụ khác nhau nhờ quá trình tự hiệu chỉnh. Ngay cả những phát minh về kỹ thuật trong thời hiện đại cũng có thể đã được khởi hứng từ những tri thức thực hành của con người trong lịch sử phát triển của nhân loại. Chính động lực và khát khao sinh tồn đã làm cho con người nảy ra những sáng kiến trong lịch sử và từ những sáng kiến này dẫn đến sự phát triển trong lịch sử văn minh của con người.

Có hai nghĩa của từ “thực tiễn” (practical). Một mặt, từ này mang nghĩa tương đương với khái niệm “poeis” của Aristotle. Theo nghĩa này, “thực tiễn” nghĩa là việc phát triển những kỹ năng sử dụng công cụ lao động hay phát triển công cụ lao động ấy. Nhưng tính “thực tiễn” không chỉ dừng lại ở việc “thực thành” những kĩ năng sử dụng sự tài khéo đôi tay, bàn chân mà còn mang tính “praxis” nghĩa là một dự hướng để tạo lập nên chính con người của mình, như là một hữu thể vừa mang tính cá nhân vừa mang chiều kích cộng đồng. “Praxis”, không đơn thuần là đạt được kết quả cách thực tiễn nhưng là sự nhận thức toàn vẹn tính chủ thể nơi con người. Chủ thể không chỉ là chủ thể mang tính tri thức hay ý chí, hay chủ thể của tri thức thực hành, nhưng còn là chủ thể hiện sinh. Theo ý nghĩa này, góc nhìn Lonergan về praxis như là khuôn mẫu của cuộc sống, nơi ấy chủ thể hiện hữu cấu thành nên chính mình và thế giới quan của bản thân mình.[56]

Tương quan với khoa học thực nghiệm:

Cũng như khoa học, cảm thức chung cũng tạo nên những trực quan và là một phần của tri thức con người. Cũng có sự tích lũy, tăng trưởng để đạt đến những trực quan cao hơn. Tuy thế, những trực quan của cảm thức chung vẫn có các điểm khác với trực quan của các ngành khoa học thực nghiệm.

Đầu tiên, cả cảm thức chung và khoa học đều có chung một cách thức hay một phương pháp để đạt được trực quan. Quá trình tự hiệu chỉnh trong khoa học và cảm thức chung cùng khởi đi từ những trực giác hay việc đặt những nghi vấn cho những vấn đề hay hiện tượng trong tự nhiên cũng như trong xã hội. Sau đó phát triển thành những câu hỏi, những tìm tòi, những giả thuyết để có thể giải đáp được những nghi vấn đó. Và cuối cùng đạt được trực quan. Tuy thế, sự phát triển và tự sửa lỗi của cảm thức chung không đưa đến một định đề hay một khái niệm mang tính phổ quát như trong khoa học. Do đó, cùng một tiến trình phát triển nhưng cảm thức chung không giống như khoa học vì chỉ đề cập đến tri thức trong bối cảnh cụ thể và đặc thù mà thôi:

Không giống như khoa học, cảm thức chung là dạng tri thức riêng đặc thù trong những trường hợp cụ thể. Chúng không mang tính phổ quát vì bao gồm một tập hợp những trực quan vẫn còn dang dở cho đến khi có thêm ít nhất một trực quan cao hơn (further insight) được thêm vào; một khi trực quan cao hơn được thêm vào thì lại không còn phù hợp, do đó, cảm thức chung ngay lập tức trở lại đến trạng thái chưa kiện toàn của nó.[57]

Do vậy, tuy cảm thức chung và khoa học cùng khởi đi từ những vấn đề, những trường hợp cụ thể trong cuộc sống, nhưng cảm thức chung không xây dựng cho mình một hệ thống vững chắc, những khái niệm phổ quát và không mang tính phương pháp hay lý thuyết (theory). Sự chắn chắn hay tính tri thức thuần túy nơi cảm thức chung không được đề cao. Vì bị tác động và ảnh hưởng bởi tính chủ quan nơi chủ thể nên không có một cơ chế để xác thực hay khách quan hóa các trực quan của cảm thức chung. Lonergan phần nào miêu tả cụ thể hơn đặc điểm này của cảm thức chung: “có một loại tri thức với một phương pháp khác với kĩ thuật logic. Đó là cảm thức chung, và ai trong chúng ta cũng có chúng. Mặc dù có sự khác biệt về cảm thức chung từ tầng lớp này đến tầng lớp khác, nền văn hóa này đến nền văn hóa khác hay từ công việc này đến công việc khác, nhưng cảm thức chung đủ là điểm chung cho mọi người.”[58] Ngược lại, những trực quan trong khoa học thực nghiệm toán học thì lại đưa ra những định lý, những định đề để từ đó phát triển theo hướng diễn dịch những tiền đề để đạt được những tri thức khách quan, phổ quát và được kiểm chứng nơi mọi người. “Đó là tri thức là kết quả minh nhiên đến từ nỗ lực có phương pháp, để đạt đến kiến thức vì chính kiến thức, mà không chú ý đến bất kỳ lợi ích thực tiễn nào có thể phát sinh từ chúng.”[59] Chẳng hạn như sự phát triển của toán học, ban đầu con người chưa tìm ra được ứng dụng của chúng, nhưng sau đó con người mới biết áp dụng những tiến bộ trong toán học đến phát sinh ra nhưng lợi ích thực tiễn trong cuộc sống.

Nhà toán học và nhà khoa học quan tâm đến chính kiến thức lý thuyết đặc thù, trong khi những người khác chuyên về áp dụng những kiến thức vào cuộc sống thực tiễn. Tuy nhiên, mọi người phải tự gánh vác cuộc sống của mình; tất cả mọi người phải liên tục đương đầu với những con người những tình huống cụ thể. Đó là một kiến thức phát sinh trong bối cảnh sống toàn cầu và bối cảnh đó quyết định giới hạn của sự hiểu biết này.[60] Do vậy, khoa học cần cảm thức chung, vì một mình khoa học thì chưa đủ để làm cho tri thức trở nên trọn vẹn: “khoa học cần phương pháp để đạt đến đối tượng trừu tượng và phổ quát; nhưng các nhà khoa học cũng cần cảm thức chung để áp dụng các phương pháp đúng đắn trong thực thi các nhiệm vụ cụ thể của các nghiên cứu cụ thể, như các nhà logic học cần cảm thức chung nếu họ muốn năm được ý nghĩa đằng sau hành vi ngôn ngữ của con người.”[61]

Hơn nữa, ở khía cạnh nào đó, cảm thức chung cũng bổ sung cho cái biết của khoa học:

Các câu hỏi của cảm thức chung và trực quan nảy sinh từ việc đi vào các tình huống rõ ràng, cụ thể, duy nhất, mà ở đó chúng ta như là chủ thể của cảm thức chung tham dự và hướng về chúng trong cuộc sống của chúng ta. Trong khi những trực quan của khoa học liên quan đến các mối quan hệ trong dữ liệu theo nghĩa độc lập với bất kỳ cá nhân nào liên quan đến chúng, những trực quan của cảm thức chung trực tiếp đưa ta đến với những tình huống đó.[62]

Tri thức con người không chỉ là tri thức thuần túy mang tính khoa học. Những tri thức được xác định rõ ràng và được biểu hiện qua các con số, các công thức có giá trị phổ quát như tri thức của toán học hay các ngành khoa học thực nghiệm. Bên cạnh đó, tri thức còn có những mảng khác vượt qua khỏi những gì là thường hằng bất biến, phổ quát. Chúng đi vào từng chi tiết của cuộc sống mà nơi đó không một con số hay một công thức nào có thể biểu diễn được. Tri thức đó là tri thức thực hành, tri thức của cảm thức chung. Một mặt tri thức là chắc chắn là hệ thống, nhưng một mặt tri thức cũng mang nghĩa linh hoạt; linh động. Sự phát triển của khoa học không tách rời với sự phát triển của cảm thức chung. Cả hai có những tách biệt, khác nhau nhưng cùng hỗ trợ và cùng phát triển mang lại sự phát triển cho tri thức con người.

Tóm lại, cảm thức chung là kết quả của tiến trình tích lũy các trực quan để đạt đến sự hiểu biết cao hơn (higher viewpoints). Đó là sự phát triển của con người xét theo mối liên hệ với những sự vật khác và với vật được liên kết, phát triển trong môi trường cũng như cấu trúc của xã hội.[63] Tri thức con người được khởi đi từ chính những cảm thức chung – những tri thức trong thực hành. Đó là việc kinh nghiệm để hiểu biết những vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống và giải quyết những vấn đề ấy theo cách tự nhiên mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Nói cách khác, lịch sử tri thức con người bắt đầu hình thành từ những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống, những tri thức thực hành. Những tri thức là một phần của cuộc sống mang lại cho con người cái nhìn tự nhiên về chính thế giới với giác quan tự nhiên của mình. Bên cạnh tri thức khoa học vẫn còn loại tri thức thực hành. Tri thức này gắn bó với từng hoạt động trong đời sống thường nhật. Tuy thế, chúng lại không được áp dụng phổ quát hay công thức hóa. Đó là những nền tảng cho việc phát triển những quy tắc phổ quát trong khoa học. Có thể nói cảm thức chung là nền tảng, là bước đầu trong quá trình nhận thức. Chúng khởi đi những gì là căn bản, gắn liền với cuộc sống, gắn liền với những kinh nghiệm thường nghiệm của con người. Sau đó, những nhà khoa học mới cố gắng khái quát chúng để tạo nên những khái niệm phổ quát và trở nên những tri thức khách quan. Sự phát triển của cảm thức chung phần nào cũng là sự phát triển của tri thức cách tự nhiên của con người. Cảm thức chung được hình thành và phát triển trước tiên nơi chủ thể trong mối tương quan với các sự vật (đối tượng) khác và cảm thức chung cũng tạo ra sự phát triển nơi sự vật (đối tượng) ở trong mối liên hệ với chúng ta.[64]

Chủ thể kinh nghiệm điểm khởi cho quá trình hình thành cảm thức chung

Tiến trình nhận thức, đặc biệt tri thức thực hành là sự tích lũy trực quan mang tính chủ quan nơi chủ thể nhận thức. Cái trực quan của chủ thể được khởi xuất, tích lũy và phát triển trong thế giới quan của chủ thể. Do đó, chủ thể chính là điểm khởi để phát sinh và phát triển cảm thức chung. Bước đầu, sự phát triển của cảm thức chung cũng là sự phát triển tri thức nơi chủ thể. Tuy nhiên, mỗi người cũng đều thay đổi và phát triển vì thế, chính bản thân của cảm thức chung cũng đã bị thay đổi theo chủ thể.

“Chủ thể của cảm thức chung lại là bối cảnh của chủ thể.”[65] Do đó, có thể phần nào sự hình thành cảm thức chung được khởi xuất từ sự hiểu biết từ cái nhìn chủ quan của chính chủ thể. Dần dà cái nhìn chủ quan đó được khách quan hóa dần dà để tạo ra những trực quan khách quan trong cộng đồng. Để hiểu được sự phát triển của cảm thức chung nơi chủ thể phải hiểu được điều gì đã cấu thành nên chính chủ thể. Theo Lonergan, đó chính là mẫu thức hay khuôn mẫu của kinh nghiệm (pattern of experience). Vậy mẫu thức kinh nghiệm là gì? Và đâu là đặc điểm đặc biệt trong cách hiểu của Lonergan về mẫu thức kinh nghiệm? Mẫu thức kinh nghiệm có đóng góp gì cho sự phát triển của cảm thức chung.

Mẫu thức kinh nghiệm nơi chủ thể:

Lonergan nhấn mạnh đến kinh nghiệm là điểm khởi của tiến trình nhận thức: “xuất phát từ kinh nghiệm, từ những sự vật khả giác mà con người đạt đến căn nguyên hữu hình của tri thức con người.”[66] Con người được khuôn mẫu lên bởi những kinh nghiệm, điều đó khuôn đúc nên sự hiểu biết của con người. Hơn nữa, kiểu hiểu biết quyết định nên chính bản thân mỗi người. Do thế, hoạt động chủ thể kinh nghiệm cũng là hoạt động con người tự tạo nên chính bản thân mình (self-making). Khác với con vật, con người không chỉ kinh nghiệm, giác quan để duy trì sự sống, nhưng còn là sống có phẩm giá, một sự phát triển trọn vẹn của trong cuộc sống con người.

Với Lonergan, cách hiểu kinh nghiệm cũng có thể khác so với nhiều các tác giả khác. Ông không bàn bạc đến kinh nghiệm của giác quan, nhưng đề cập đến mẫu thức kinh nghiệm – điều gì làm nền tảng cho quá trình nhận thức trong kinh nghiệm của con người. Khái niệm này có thể được hiểu thông qua hay tiếp cận qua sự trừu tượng của giác quan (sensation):

Khái niệm mẫu thức kinh nghiệm có thể tiếp cận cách tốt nhất khi ta nhận thấy thật trừu tượng khi nói về giác quan. Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả chúng ta đều quen thuộc với các hành vi nhìn thấy, nghe, chạm, nếm, ngửi. Tuy nhiên, những hành động như vậy không bao giờ xảy ra cách độc lập với các sự kiện khác. Trái lại, chúng có chung một nền tảng; chúng có chức năng liên quan đến các việc chuyển động nói chung; và chúng xảy ra trong một vài bối cảnh năng động cách này cách khác thống nhất các nội dung đa tạp của giác quan và các hành vi giác quan.[67]

Theo quan điểm của Lonergan, kinh nghiệm không chỉ dừng lại ở những giác quan hay cảm giác (impression) nhưng còn mở ra trong khía cạnh ý thức (consciousness) là điều kiện cho kinh nghiệm có thể xảy ra. “Kinh nghiệm được hiểu theo nghĩa là ý hướng tính ý thức trong các cấp độ và dòng chảy của ý thức.”[68] Như thế, phần nào Lonergan đã phủ nhận triết thuyết duy nghiệm khi giới hạn tri thức con người chỉ giới hạn trong giác quan và cảm giác.[69] Theo Michael Vertin, có hai chiều kích của kinh nghiệm: chiều kích nội tại và chiều kích ngoại tại.[70] Chiều kích ngoại tại hướng đến các cơ quan tiếp nhận cảm giác để tạo nên những hình ảnh hay giác ảnh (phantasms). Đó là bước đầu hiểu biết về sự vật và gồm cả hiểu biết về chủ thể khác. Trong chiều kích nội tại hay chiều kích ý thức bao gồm những hành động ý thức ẩn phía sau. Chiều kích này là khởi đầu cho việc ý thức những hành động của mình, ý thức mình như một chủ thể kinh nghiệm. Đây là bước đầu trong quá trình nhận thức bản thân hay ý thức được chính mình.

Vì thế, kinh nghiệm, không phải là kinh nghiệm của giác quan, nhưng là những gì là toàn bộ con người như là chủ thể. Đó là con người của kinh nghiệm, nhưng không chỉ là kinh nghiệm của các cơ quan cảm giác, nhưng là dữ liệu của kinh nghiệm (data of experience).[71] Dữ liệu kinh nghiệm chỉ cung cấp cho con người những dữ liệu cảm quan (data of sense), nhưng chủ thể còn được đẩy đến dữ liệu của ý thức (data of consciousness). “Dữ liệu ý thức được nảy sinh trong sự tỉnh thức (awareness) hay ý thức về những hoạt động trí năng cũng như sự ý thức về chủ thể của các hoạt động này. Con người có thể trở nên ý thức về những hoạt động của hiểu biết, cảm xúc cũng như những hoạt động của giác quan.”[72] Hay nói cách khác, mẫu thức kinh nghiệm chính là ý thức của con người. Kinh nghiệm của con người khác với các sinh vật khác cho dẫu cũng có những cơ quan cảm giác tương tự. Nhưng con người có ý thức và ý hướng trong kinh nghiệm của mình. Do vậy, ở đây ta không đề cập đến dữ liệu cảm quan của kinh nghiệm, nhưng đề cập đến ý hướng hay ý thức hay điều kiện hoặc mẫu thức để có được những kinh nghiệm.[73]

Mẫu thức kinh nghiệm được miêu tả trong sự liên hệ như là một thành phần trong cái tổng thể như trong quá trình hình thành trực quan. Kinh nghiệm không là kinh nghiệm giác quan không phải riêng lẻ, nhưng đó là một dòng chảy kinh nghiệm được định hướng bởi ý thức được đặt trong bối cảnh cụ thể: “khi đã được bổ sung bởi những ký ức và kéo dài bởi những hành động tưởng tượng đoán trước, dòng cảm giác trở thành dòng nhận thức. Đó là dòng chảy nhận thức mà chúng ta ý thức.”[74]

Mẫu thức kinh nghiệm của mỗi người được phân biệt bởi những thúc đẩy khác nhau đến từ nội tại của con người. Những thúc đẩy ấy làm cho con người ý thức về chính kinh nghiệm mình sẽ thủ đắc. Nhưng ý thức của con người thì đa diện. Một người có thể nói rằng, không chỉ một dòng ý thức, nhưng có một nguyên lý nền tảng cấu thành trong ý thức và được điều khiển bởi ý muốn, quyền lợi, sở thích và chú tâm.[75] Mẫu thức điều khiển quá trình nhận thức nhưng lại bị chi phối bởi các quá trình sàng lọc của hệ thần kinh: “Các nhu cầu của các mẫu thức và các tiến trình thần kinh (neural) hướng tới việc kiểm soát và chọn lựa, chúng được gọi là sự vận hành của nhu cầu (demand functions). Sự vận hành này sẽ tìm một vài tâm lý tiêu biểu (psychic) và liên hội ý thức, nhưng các yêu cầu cụ thể của chúng có thể được đáp ứng trong nhiều cách thức khác nhau.”[76]

Hơn nữa, Lonergan cho rằng kinh nghiệm mỗi người thì khác nhau vì những nhu cầu và sở thích khác nhau của từng người:

Sự khác biệt giữa dòng tri giác của một người so với người khác được tìm thấy trong mẫu thức của sở thích (interests) và mục tiêu (objectives), trong khao khát và sợ hãi, điều nhấn mạnh các yếu tố và khía cạnh của trình bày khả giác, làm phong phú chúng với các liên tưởng (associations) và kí ức, dự phóng của cá nhân, và đưa chúng vào các tiến trình (courses) tương lai của các hoạt động có thể mang lại hoa trái.[77]

Như thế, các kinh nghiệm phần nào đã được ý thức chọn lọc trước, những kinh nghiệm những dữ liệu cảm quan nào được ý thức thì mới trở nên dữ liệu kinh nghiệm. Có một cơ chế chọn lọc xảy ra trước khi các cơ quan cảm giác thâu nhận dữ liệu cảm quan. Cơ chế này được định hướng hay giới hạn bởi “ước muốn, sở thích, ý hướng và chủ đích của con người.”[78] Đó cũng làm nên sự đa dạng trong nhận thức của chủ thể này với các chủ thể nhận thức khác. William A. Matthew cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng: “ý thức của con người được cấu thành bởi những điều kiện của cơ thể, và bị chi phối bởi những “ước muốn”, chính những ước muốn này là khuôn mẫu cho những kinh nghiệm.”[79]

Kinh nghiệm của chủ thể khởi đi từ ý thức của chủ thể. Lonergan phân biệt nhiều mẫu thức kinh nghiệm khác nhau. Những mẫu thức này phụ thuộc vào cách con người ý thức hay quan tâm bị chi phối bởi những luồng ý thức hay những bận tâm của chủ thể về chúng.

Những mẫu thức kinh nghiệm khác nhau

Mỗi kinh nghiệm mang tính cá vị và chủ quan vì mỗi người được tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, có các mẫu thức kinh nghiệm khác nhau, có ý thức cũng như sở thích hay bận tâm khác nhau. Với Lonergan, có nhiều loại kinh nghiệm, mỗi loại kinh nghiệm ấy được định hướng bởi những bận tâm hay luồng ý thức về chúng. Tuy chia ra thành các kinh nghiệm nhưng không có nghĩa là có một kinh nghiệm nào đó là tinh tuyền chúng được trộn lẫn, chuyển đổi và thậm chí là xung đột với nhau: “ý thức của con người là đa hình. Các mẫu thức kinh nghiệm có thể mang tính sinh học, nghệ thuật, thẩm mỹ, trí tuệ, thực hành và huyền bí. Các mẫu thức này xen lẫn; pha trộn hay trộn lẫn; hoặc có thể can thiệp, xung đột và thậm chí làm cho con người định hướng sai hoặc đổ vỡ trong nhận thức.”[80] Ta thử đi tìm hiểu ba mẫu thức kinh nghiệm và xem đâu là điều cấu thành nên chủ thể và phát triển cảm thức chung trong chủ thể kinh nghiệm.

Đầu tiên, Lonergan chú tâm vào phân tích mẫu thức sinh học của kinh nghiệm: “mẫu thức là một tập hợp các mối quan hệ khả tri (intelligible), liên kết các chuỗi cảm giác, ký ức, hình ảnh, quan niệm, cảm xúc và chuyển động cơ thể với nhau; và việc gọi tên mẫu thức sinh học đơn thuần là để khẳng định rằng những chuỗi liên kết này quy về các hoạt động hấp thụ và sản sinh sau cùng, hoặc nói trong phạm vi tiêu cực là sự tự bảo tồn.”[81] Mẫu thức sinh học của kinh nghiệm bận tâm đến nhu cầu tồn tại hay duy trì nòi giống của các sinh vật. Tất cả hoạt động này chi phối đến những kinh nghiệm cũng như những trực quan của loài. Nói khác đi, yếu tố ngoại tại tác động lên ý thức của chủ thể, chủ thể không ý thức đến những yếu tố nội tại nhưng bị định hướng bởi những điều kiện và những thay đổi ngoại tại.[82]

Tiếp đến, mẫu thức tri thức (intellectual) của kinh nghiệm. Con người là động vật bậc cao, do đó, những kinh nghiệm của con người không chỉ gói gọn trong kinh nghiệm của sinh học với những nhu cầu hay bận tâm về cái ăn, cái ở, hay chỉ dừng lại ở chuyện sinh tồn hoặc duy trì nòi giống. Theo Aristotle, con người là động vật khao khát được hiểu biết. Do đó, ngoài mẫu thức sinh học, kinh nghiệm còn có mẫu thức tri thức hay trí tuệ. Mẫu thức này bị tri phối bởi tinh thần ham tìm kiếm hay học hỏi của con người trên khía cạnh lý thuyết.[83] Con người đam mê khi đi tìm sự hiểu biết, nghiên cứu những vấn nạn hay những bí ẩn trong cuộc sống dưới nhãn quan của khoa học. Vẫn có những dòng ý thức để tìm kiếm những điều mới để thỏa lòng khao khát hiểu biết của con người. Mẫu thức này một phần bị chi phối bởi: “năng khiếu tự nhiên, trong khi đào tạo, phát triển theo độ tuổi, trong những cảnh huống ngoại tại, khi có cơ hội đối mặt với một vấn đề và cung cấp ít nhất là cơ hội gián đoạn (intermittent) để giải quyết vấn đề.”[84] Mẫu thức này không chỉ bị chi phối bởi năng lực nội tại nơi chủ thể, nhưng phần nào cũng chịu tác động của môi trường môi trường sống và nhiều yếu tố ngoại tại khác.

Cuối cùng là mẫu thức kịch nghệ (dramatic)[85] của kinh nghiệm. Mẫu thức kinh nghiệm này đề cập đến kinh nghiệm cuộc sống hằng ngày (ordinary living) của chủ thể với khía cạnh tương quan với người khác xét như là một hữu thể hiện sinh.[86] Do đó, mẫu thức này cấu thành nên con người trong cách đối nhân xử thể, trong sự tương quan hài hòa giữa chính mình và với người khác. Những quan tâm chi phối mẫu thức này là làm cách nào có thể sống tốt, hài hòa với người khác và đạt được cuộc sống hạnh phúc ngang qua việc đưa ra một quyết định và thực thi quyết định ấy hay sống quyết định ấy.

Với Lonergan, cuộc sống hằng ngày thì đầy ắp những cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi đó, con người có “khả năng của sự giải phóng có tính mỹ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật. Cuộc sống chính là nghệ thuật. Không như toán học, con người không thể tìm được lời giải chính xác và minh bạch cho các vấn đề trong cuộc sống của mình, trong nghĩa nào đấy, cuộc sống của mỗi người là một nghệ phẩm và con người chính là nghệ sĩ cho tác phẩm ấy.”[87] Nếu không có kinh nghiệm kịch nghệ, nếu không có cảm xúc thì con người chẳng khác nào một cỗ máy. Kinh nghiệm kịch nghệ khiến cho cuộc sống con người thêm phần sinh động, đáng sống, có chút kịch tính, có chút bay bổng, lãng mạn nhưng không kém phần lý tính:

Con người không chỉ có khả năng tự do thẩm mỹ và sáng tạo nghệ thuật mà tác phẩm đầu tiên của con người chính là cuộc sống của anh ta. Ta cần nhận ra chính nơi cơ thể và hành động của anh ta sự đẹp đẽ, quý giá và đáng ngưỡng mộ cần phải được tôn vinh trước tiên, rồi sau đó mới tính đến những tác phẩm hội họa, điêu khắc, âm nhạc và thơ ca họa lại chính cuộc sống ấy. Cái giá trị, phong cách ấy phải được tôn vinh nơi con người trước hết, sau đó mới là nơi các sản phẩm nghệ thuật.[88]

Bên cạnh đó, con người là động vật có xã hội tính, những tương quan chi phối cuộc sống của mình. Con người cũng bận tâm đến việc làm sao sống tốt trong tương quan với người khác. “Con người hình thành và tạo lập được cuộc sống kịch nghệ của mình với những đóng góp cá nhân và những đóng góp ấy thành hình lên cuộc sống cá nhân của con người.”[89] Do vậy, mẫu thức kịch nghệ thì tìm đến phẩm giá của mình, là kinh nghiệm để sống và biến cuộc đời mình thành một nghệ phẩm. Mẫu thức này là mẫu thức quan trọng trong việc hình thành cảm thức chung. Chúng mẫu thức kinh nghiệm của hành động, giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống trong tương quan hài hòa với người khác.

Cảm thức chung được hình thành đầu tiên nơi chính chủ thể. Mẫu thức kinh nghiệm kịch nghệ làm cho con người có ý thức đi tìm kiếm những giải pháp cách tự nhiên để giải quyết những vấn nạn trong cuộc sống. Theo thuyết nhận thức của Lonergan, tri thức xuất phát từ chính kinh nghiệm nơi chủ thể. Điều đó tương đồng với cảm thức chung, xuất phát từ những hành động và việc làm cụ thể trong cuộc sống.

Các cộng đồng – hoa trái của sự phát triển cảm thức chung

Quá trình hiểu biết (knowing) của con người không chỉ giới hạn trong sự hiểu biết của cá nhân, nhưng còn mở rộng ra với tri thức của cả cộng đồng nhân loại.[90] Chính sự phát triển tri thức đã làm cho xã hội phát triển. Khi đó, con người có những tương quan mới, trong một thế giới mới: “thế giới đó là cộng đồng, là xã hội của chủ thể, nơi ấy hình thành lên những hoàn cảnh tương quan của cá nhân cũng như trong nhóm. Chủ thể liên hệ nhiều cách với thế giới qua kinh nghiệm, qua cảm xúc hay sự tự phát, ý thức và đạo đức.”[91]

Bước đầu, trực quan của cảm thức chung được hình thành từng nơi cá thể. Nhưng với những tương quan trong xã hội, cảm thức chung của chủ thể có thể tác động hoặc bị tác động bởi cảm thức chung của chủ thể khác. Cảm thức chung lúc này phải được kiểm chứng nơi cộng đồng, khi đó cảm thức chung trở thành cảm thức chung nơi cộng đồng. Nói khác đi, cảm thức chung được hình thành nơi chủ thể kinh nghiệm sau đó chúng được phát triển trong cộng đồng nguyên thủy với tính liên chủ thể tự phát. Sự hình thành cảm thức chung cũng minh họa cho bước thứ nhất của nhận thức: kinh nghiệm. Kế đến, sự phát triển của cảm thức chung dẫn đến sự hình thành của xã hội dân sự, hay đó là sự “khái niệm hóa” cảm thức chung, đây được xem là bước thứ hai của quá trình nhận thức: sự hiểu biết. Đến đây, ta cùng xét hai thành quả trong sự phát triển cảm thức chung: tính liên chủ thể và tính xã hội.

Tính liên chủ thể trong cộng đồng nguyên thủy

Lonergan khẳng định rằng: “Cộng đồng nguyên thủy đã có tính liên chủ thể (intersubjectivity).”[92] Trong xã hội nguyên thủy, con người đã có những tương quan rất căn bản để có thể tồn tại. Con người không là một đơn tử (monad) tách rời với các đơn tử khác theo cách hiểu của Leibniz. Nhưng con người là một động vật có xã hội tính, là loài vật có tương quan. Con người chỉ có thể sống còn là nhờ các mối tương quan trong xã hội với tư cách là “thành viên của một bầy, một tổ, có chức năng và phụ thuộc lẫn nhau.”[93] Có những tương quan tri phối tiến trình nhận thức của cá nhân, do vậy con người dường như không có một tri thức thuần túy (pure intelligence), nhưng ít nhiều chịu tác động bởi yếu tố liên chủ thể.

Đầu tiên, con người bị ảnh hưởng bởi những tương quan trong gia đình. Trong gia đình có truyền thống có lịch sử của dòng họ, có những “gia quy” những chuẩn mực đạo đức riêng của mỗi dòng họ. Trong gia đình, con người có các tương quan căn bản nhất trong xã hội. Đó là “Sợi dây nối kết mẹ với con thơ, vợ với chồng, cha với con đi vào quá khứ của tổ tiên, mang lại ý nghĩa và sự gắn với bộ tộc, bộ lạc và quốc gia.”[94] Tiếp đến, con người bị ảnh hưởng bởi làng xã, đất nước trải dài trong truyền thống cũng như trong chiều dài lịch sử của quốc gia, mỗi người là một phần của lịch sử của xã hội, có vai trò trong việc hình thành tính liên chủ thể trong cộng đồng. Từ đó hình thành tính liên chủ thể không chỉ giới hạn trong gia đình, bộ tộc, quốc gia mà còn có thể mở rộng trong cả lịch sử nhân loại. Mỗi gia đình, bộ tộc hay quốc gia đều có những tiêu chuẩn riêng trong việc hành xử và phát triển cảm thức chung trong cộng đồng.

Từ sự liên kết này, có thể con người có những kinh nghiệm, phán đoán và hành động tương đồng với nhau, điều đó thể hiện tính “tự phát” (spontaneous) trong mỗi cộng đồng. Do đó, có sự cộng hưởng trong những tương quan trong cộng đồng: “các liên kết của liên chủ thể, làm cho kinh nghiệm của mỗi người cộng hưởng với kinh nghiệm của người khác; ngoài sự chia sẻ cơ bản này, còn có các hoạt động hướng đến hướng đến việc hiểu và nhấn mạnh cách hành xử thông minh, điều tạo ra và bổ sung cách cư xử, cam kết chung.”[95] Từ chính sự cộng hưởng này, tính liên chủ thể dường như là sợi dây liên kết mọi người để mọi người có cùng chung một số kinh nghiệm: vui mừng, buồn đau, thống khổ… của người khác trong cộng đồng. “Cái cảm thức thuộc về một nhóm đưa ra một tiền đề năng động cho những công việc chung, cho sự giúp đỡ lẫn nhau, cho sự đồng cảm để chia ngọt sẻ bùi với nhau.”[96] Đó là những cảm thức chung mang chiều kích nhóm hay cộng đồng.

Sự phát triển của cảm thức chung phải đưa đến một lợi ích cụ thể nào đó.[97] khi cảm thức chung không phù hợp với tiêu chuẩn khách quan hóa của cộng đồng, chúng sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng và không trở thành điểm chung trong cộng đồng. Đối với Lonergan, con người gắn bó với cộng đồng liên chủ thể thông qua sự nhạy của (sensitivity), tính liên chủ thể, tính tự phát, hoặc tính liên chủ thể tự phát của con người.[98] Đó là cách cư xử cơ bản nhất của một con người bình thường, chúng mang tính bộc phát và tự nhiên và phần nhiều mang yếu tố cảm xúc trong quyết định. Tuy nhiên, cách cư xử bình thường đó phải mang đến cái tốt: “một mẫu thức khả tri về các mối quan hệ tạo điều kiện cho việc kiện toàn các mong muốn của mỗi người bằng những đóng góp của anh ta để thực hiện những ước muốn của người khác và bảo vệ mỗi người khỏi những nỗi sợ hãi của riêng họ theo cách mà họ đóng góp cho việc giúp người khác xua đuổi những đối tượng người khác sợ hãi.”[99] Do đó, sự tốt lành là đối tượng của khao khát (object of desire) là sự hài hòa trong cộng đồng là tiêu chuẩn và là kết quả của sự phát triển hài hoà cảm thức chung.

Hơn thế, sự trật tự đó phải là thành tựu của bốn cấp độ. Khởi đầu từ bởi sự lượng định các kinh nghiệm chung, hoặc một lịch sử chung mà các thành viên có thể nói và nghĩ với nhau. Cộng đồng được đưa ra bởi các hình mẫu và thức thông qua việc hiểu biết và phán đoán chung như là sự tán thành ý nghĩa nơi các kinh nghiệm chung. Và cộng đồng tiến đến hiệu quả qua những cam kết để tìm kiếm một lợi ích chung.[100] Lúc này, cộng đồng không chỉ là tập hợp những cá thể sống gần, tập trung lại với nhau, giới hạn trong một không gian địa lý. Cộng đồng là “sự đạt được ý nghĩa chung”, ý nghĩa chung này đã được hình thành từ những thế hệ trước trong lịch sử, và đạt sự thành toàn chung này có thể là ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, xã hội, kinh tế…[101] Hơn thế, “một cộng đồng được khởi từ sự kết hợp các chức năng cấu thành và giao tiếp của ý nghĩa. Đường biên của chúng được đánh dấu bởi những kinh nghiệm, hiểu biết và phán đoán chung.”[102] Sự phát triển của cảm thức chung dẫn đến việc tách rời con người ra khỏi tính “tự nhiên” trong các tương quan và thiết lập nên một chuỗi những chiều kích tương quan mới.[103]

Cảm thức chung phát xuất nơi chủ thể và được khách quan hóa trong cộng đồng và tạo nên tính liên chủ thể tác động ngược lại lên chủ thể. Ngay trong cộng đồng liên chủ thể này đã có sự phát triển của cảm thức chung từ kinh nghiệm của cá nhân thành những kinh nghiệm chung, phán đoán chung của một nhóm. Tuy thế, nó vẫn thể hiện tính tự phát hay là tính “cảm xúc” tự nhiên nơi liên chủ thể tính.[104] Không dừng lại ở cộng đồng nguyên thủy, cảm thức chung tiếp tục được “cơ chế hóa” hay cộng đồng nguyên thủy được mang những chiều kích mới trong tương quan với một xã hội dân sự, nghĩa là có tổ chức và có cơ cấu hay thể chế.

Từ cộng đồng nguyên thủy đến cộng đồng dân sự

Với sự phát triển của cảm thức chung, con người không chỉ dừng lại ở xã hội nguyên thủy tương quan với người khác trong tính liên chủ thể. Hơn thế, có những phát kiến dựa trên nền tảng của cảm thức chung, từ đó hình thành nên cộng đồng dân sự. Con người thuộc về thế giới của cộng đồng dân sự nơi ấy có các cơ chế về kinh tế, luật pháp, chính trị. Ban đầu, tri thức thực hành phát triển tạo nên những công nghệ hay công cụ lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, và kéo theo là sự ra đời pháp luật, chính trị và thể chế nhà nước. Sự phát triển của cảm thức chung cũng hòng phục vụ cho một xã hội phát triển trong trật tự.[105] Điều con người muốn đạt đến lúc này nơi cảm thức chung là sự phát triển cuộc của sống trong một xã hội ổn định.

Chính cảm thức chung là nguyên tố dẫn đến bước chuyển từ xã hội nguyên thủy sang xã hội dân sự. Cộng đồng dân sự là thành quả của tri thức thực hành được chuyển hóa vào trong cuộc sống con người. Cộng đồng dân sự tích hợp những cải tiến mới của công nghệ và kinh tế trong sự phân công lao động.[106] Con người được kết nối với cộng đồng dân sự chủ yếu thông qua sự hiểu biết liên quan đến các vấn nạn và những gì đang xảy ra trong cuộc sống của cộng đồng.[107] Nói khác đi, sự phát triển của cảm thức chung đã đưa đến những cơ chế hay định thức cho xã hội.

Như trong bài giảng “The Role” giả thiết, tính liên chủ thể, cộng đồng dân sự và văn hóa không hề khác biệt về mặt địa lý hay riêng biết, nhưng chúng giống như các cấp độ khác nhau trong cùng một cộng đồng.[108] Theo Lonergan, lịch sử phát triển của loài người của loài người hệ tại ở việc mở rộng các ý tưởng nơi cảm thức chung. Có một chu trình tái diễn nhưng dưới tác động của con người trong việc hình thành cơ chế xã hội. Đầu tiên, có sự tích lũy cảm thức chung từ hoạt động thường nhật. Cảm thức chung thúc đẩy những phát triển công nghệ, điều thúc đẩy kinh tế và dẫn theo đến những thay đổi trong cơ cấu chính trị. Từ những sự thay đổi này sẽ dấn đến việc phát triển cảm thức chung. Chu trình lại tiếp tục tái diễn không có điểm dừng và tiếp tục tác động để cảm thức chung phát triển. Lonergan viết: “khi các phát kiến được tích lũy, chúng đặt ra các vấn đề và nảy sinh các phát kiến khác. Các phát kiến mới bổ sung và cải thiện các phát kiến cũ, để bộc lộ những khả năng mới và cuối cùng, để lần lượt đưa ra một chuỗi những hiểu biết cao hơn về cơ học và công nghệ, đánh dấu sự tiến bộ trong tiến trình phát triển vật chất của con người.”[109]

Theo dòng lịch sử nhân loại, sự phát triển của xã hội là kết quả của sự phát triển tri thức nơi cảm thức chung. Xã hội dân sự là kết quả của trật tự xã hội mang tính tri thức của cảm thức chung và xã hội nguyên thủy là sản phẩm của tính liên chủ thể tự phát.[110] Từ những tri thức thực hành liên quan đến đời sống trong xã hội nguyên thủy, cam thức chung đã được cụ thể hóa ngang qua sự phát triển của công nghệ, tổ chức nhà nước. Đó là sự phát triển tri thức rất tự nhiên nơi lịch sử con người. Sự phát triển cảm thức chung này minh họa cho quá trình nhận thức mà năng động theo ba bước đã nêu lên ở trên. Xuất phát từ những vấn đề cụ thể mà con người bận tâm trong cuộc sống, con người cố gắng gọi tên hay “khái niệm” hóa những vấn đề ấy. Từ trực quan ở chiều kích kinh nghiệm, có sự phát triển tự nhiên để đến những trực quan cao hơn ở chiều kích tri thức, hay sự hiểu biết. Một mặt khi con người sống trong một xã hội có thể chế, nền văn minh nhân loại đã có một tiến đáng kể. Nhưng mặt khác, những thành tựu ấy cũng đã làm cho con người ngày càng xa xã hội nguyên thủy, xa với cách thức tự nhiên trong hành xử của con người và con người ngày càng có nhiều tương quan phức tạp khác. Vì thế, có tương quan căng thẳng nhưng cũng chính là những năng động trong quá trình phát triển của cảm thức chung.

Những căng thẳng trong việc phát triển cảm thức chung

Có hai năng động cũng là những căng thẳng trong cộng đồng. Lonergan không sử dụng từ căng thẳng theo nghĩa tiêu cực, nhưng đó là yếu tố then chốt của sự phát triển. Phát triển cần có sự căng thẳng giữa giới hạn hiện tại và sự vượt lên của giới hạn đó để tạo nên những thành quả mới.[111] Ngay trong chính chủ với tính liên chủ thể nhận thức đã có sự căng thẳng và hơn nữa cũng có sự căng thẳng khi xét đến quan hệ của tính liên chủ thể ấy trong tương quan với những phát triển của cảm thức chung để thành những cơ chế xã hội mới.

Trong chủ thể, có hai yếu tố dẫn đến sự căng thẳng này: ý thức cũng như những gì nằm sâu trong tầng vô thức của con người. Trong chủ thể và đặc biệt trong mẫu thức kịch nghệ kinh nghiệm, Lonergan dùng một hình ảnh mang tính ẩn dụ, trong nhà hát, con người không chỉ yêu mến ánh sáng, nhưng còn thích bóng tối, vì cả ánh sáng và bóng tối đều mang lại cho cuộc sống sự kịch tính trong đó.[112]

Kế đến, sự năng động và căng thẳng trong cộng đồng tạo ra sự phát triển trong xã hội. Noi xã hội nguyên thủy thể hiện tính liên chủ thể tự phát, cái tốt đơn giản là đối tượng của sự khát khao, nhưng trong xã hội dân sự, cái tốt là cái được diễn tả trong trật tự của xã hội. Dường như đó cũng là tiêu chuẩn khách quan nơi cảm thức chung để khách quan hóa các trực quan nơi chủ thể kinh nghiệm. Tuy thế, sự nổi lên của xã hội dân sự vẫn không hủy bỏ tính liên chủ thể của xã hội nguyên thủy, vì “cả hai tính chất liên chủ thể và xã hội trật tự tri thức đều có nền tảng bên trong chính con người.”[113] Chính hai yếu tố ấy cũng là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong cộng đồng, cả hai đều có những đặc điểm và những khuynh hướng khác nhau, nhưng cùng được phú bẩm trong bản tính con người.[114] Một mặt, cảm thức chung phát triển và tạo nên hình thức cộng đồng dân sự. Nhưng một mặt cộng đồng dân sự vẫn không tách rời khỏi tính liên chủ thể tự phát nơi con người.

Những căng thẳng này tạo ra những cặp biện chứng. Với Lonergan, phép biện chứng có bốn đặc điểm: (1) Có sự hội tụ của các sự kiện nơi một đặc tính đã xác định; (2) những sự kiện này có thể được truy hồi bởi cả hai nguyên lý; (3) Những nguyên lý là đối nghịch nhưng bao hàm lẫn nhau; (4) Những nguyên lý này được sửa chữa bởi những thay đổi là kết quả được rút ra từ chúng.[115] Các cặp biện chứng này đối lập nhưng được kết nối cách sống còn, vì vậy những thay đổi tổng thể mà chúng tác động sẽ được xác định bởi tỷ lệ của sự cân bằng.[116] Nếu tương quan biện chứng giữa các cặp hài hòa thì sẽ tạo nên sự phát triển ngay cả trong cá nhân và cộng đồng. Ngược lại, nếu các cặp phát triển không hài hòa sẽ dấn đến tình trạng thoái hồi trong sự hiểu biết nơi cảm thức chung.

Quá trình phát triển biện chứng của cảm thức chung

Quá trình phát triển tri thức cụ thể trong cảm thức chung được diễn tả qua những căng thẳng căng thẳng như đã trình bày ở trên. Đi tìm sự hài hòa trong những căng thẳng cũng chính là phát triển.[117] Có sự phát triển cảm thức chung nơi chính chủ thể và trong các cộng đồng.

Phát triển biện chứng trong chủ thể:

Có thể nói, khi đề cập đến sự phát triển nơi chủ thể, Lonergan chú trọng đến yếu tố phát triển ý thức nơi chủ thể tính. Do vậy, sự phát triển nói chung có xuất phát điểm từ ý thức và phát triển là phát triển ý thức. Thomas J. McPartland cho rằng: “Lonergan nhấn mạnh đến tiến trình tìm kiếm cách ý thức là một tiến trình có cấu trúc và được vận hành bởi kinh nghiệm, hiểu biết và phán đoán.”[118]

Tri thức không chỉ là một ý tưởng và bản chất của nó là thứ điều được khám phá trong quá trình theo đuổi tri thức; nhưng còn làm cho chính bản thân chúng ta phát triển.[119] Phát triển tri thức không chỉ để thỏa mãn tính hiếu tri của con người, nhưng còn là để con người phát triển bản thân mình trở nên hài hòa với mình và với các tương quan khác. Có sự phát triển từ bên trong của con người khi đó mỗi chủ thể trở nên thức tỉnh (aware), ý thức rõ ràng, về những gì tri thức là; trở nên ý thức rõ ràng về sự phán đoán là gì; và thấy ý nghĩa ngầm ý nơi những gì tri thức và phán đoán là.[120] Trong chủ thể, cảm thức chung được tích lũy và phát triển ngang qua mẫu thức kinh nghiệm kịch nghệ. Một phần cảm thức chung được phát triển nơi chủ thể. Nơi chính chủ thể có sự tích lũy để phát triển trực quan. Phát triển là phát triển chiều kích ý thức, do đó, “sự phát triển của con người là sự phát triển bề trong nơi chủ thể, là chính bản thân tôi với các cấp độ vận hành khác nhau của ý thức.”[121]

Có hai yếu tố căng thẳng có tương quan biện chứng trong chủ thể: sự kiểm duyệt cho phép diễn tả hồn của việc vận hành nhu cầu qua lựa chọn những hình ảnh phù hợp hay sự kiểm duyệt cũng có thể kiềm chế chúng. Tác động của việc cho phép hay bỏ qua vận hành nhu cầu thay đổi lũy tĩch tri thức nơi chủ thể. Việc cho phép việc vận hành nhu cầu có thể mang đến sự pháp triển cụ thể và dự đè nén có thể ngăn cản sự phát triển ấy.[122] “Vì sự định hướng của kiếm duyệt bất cứ lúc nào và những nhu cầu thần kinh có thể gặp cả hai trường hợp, tùy thuộc vào quá khứ của dòng ý thức.”[123]

Sự phát triển của con người có thể nổi lên từ 3 khía cạnh cấp độ: cơ quan sinh học, ý thức và tri thức (intellectual).[124] Trong những cấp độ phẩm trật của hồn (psychic) và tri thức đó là những cấp độ của ý thức. Các yêu cầu thần kinh, mặc dù vô thức, vẫn tìm kiếm sự diễn tả hồn và hội nhập trong ý thức cảm giác, nhưng chúng ta có ý thức về các quá trình hữu cơ chỉ khi họ đang thất vọng từ các thói quen bình thường của mình. Lonergan cho rằng: “Con người, cũng như con vật, tồn tại những nhu cầu vật chất tiềm ẩn, và mẫu thức kinh nghiệm phải đương đầu những nhu cầu này bằng cách cấp cho chúng sự diễn tả hồn tâm linh và tích hợp ý thức. Ở con người, yếu tố sinh học không thể bị bỏ qua tuy nhiên, yếu tố ấy cần phải được chuyển đổi.”[125] Khi đề cập đến sự phát triển của con người, Thomas J. McPartland nhận định rằng: “Lonergan cho rằng ông có thể thiết lập đầy đủ các hoạt động nhận thức và mối quan hệ của họ trong ý thức trưởng thành, các giai đoạn phát triển cần thiết để đạt được ý thức trưởng thành khác biệt hoàn toàn của ý thức, và các loại thành kiến vừa ngăn chặn sự phát triển của cấu trúc nhận thức, vừa ngăn chặn sự thực thi trọn vẹn của hoạt động nhận thức.”[126]

Hơn nữa, con người còn là một chủ thể mang tính hiện sinh. Do đó, có một sự hội nhất trong hoạt động nhận thức bởi sự vận hành của sự cân nhắc, lượng giá và quyết định.[127]

“Con người không chỉ là một người của hiểu biết nhưng còn là con người của hành động; cùng một ý thức thông minh và lý trí làm cơ sở cho việc hành động cũng như hiểu biết; và từ bản sắc của ý thức, chắc chắn sẽ nảy sinh một sự cấp thiết không thể chối cãi cho sự tự nhất quán trong việc biết và làm.”[128] Phát triển chủ thể là phát triển những tính cách, đặc điểm đã cấu thành nên con người. Việc phát triển trong nơi chủ thể của cảm thức chung là dẫn đến “tiểu sử cá nhân,”[129] phát triển chủ thể chính là phát triển để đạt tới chính Sự tự thủ đắc.

Quá trình phát triển biện trong các cộng đồng

Quá trình phát triển cảm thức chung không chỉ dừng lại trong chủ thể. Nhưng sự phát triển ấy còn mở rộng ra hơn trong chiều kích tương quan với các cộng đồng. Sự phát triển nơi chủ thể cũng góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng. Cả hai phát triển cách biện chứng cách hài hòa để tạo nên một xã hội trật tự. Một mặt, cá nhân phát triển cộng đồng dân nguyên thủy tạo nên cộng đồng mang tính tự phát. Mặc khác, từ tính tự phát này có những phát minh trong công nghệ, dẫn đến sự khác biệt về kinh tế, định chính trị. Ngoài ra, sản phẩm tích lũy của những cảm thức chung đôi lúc không đến từ cộng đồng nguyên thủy nhưng lại đến từ cá nhân. Cá nhân là nguồn gốc của sự đột phá về công nghệ, kinh tế, chính trị và văn hóa.[130] Do vậy, quá trình biện chứng cộng đồng liên hệ đến nhiều dáng vẻ khác nhau của biện chứng cá nhân.

Theo đó, người ta có thể nói rằng một phép biện chứng trong cộng đồng có thể liên quan đến sự đa dạng nơi phép biện chứng từng cá nhân. Trong mối quan hệ này, cộng đồng giữ vai trò thống lĩnh, nó làm phát sinh các nhu cầu và định hình hướng đi trong việc hình thành tri thức nơi cảm thức chung.[131] Quá trình phát triển hay thoái hồi trong cộng đồng phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại trong việc thích nghi tính liên chủ thể với những đòi hỏi nơi cảm thức chung.[132] Khi chủ thể nhận thức đặt trong bối cảnh của cộng đồng nguyên thủy, nếu có sự phát triển hài hòa thì tạo ra một trật tự tốt, hoa trái của sự phát triển cảm thức chung là trật tự của xã hội, một xã hội được phát triển hài hòa giữa cá nhân và tập thể, giữa kinh tế, chính trị, giữa văn hóa và xã hội. Tri thức con người tạo ra một xã hội phát triển và sự ổn định. Sự phát triển của kỹ thuật, dân sự, kinh tế, văn hóa phần nào cũng tương ứng hay tỉ lệ với sự phát triển của tri thức. Do đó, đích đến tối hậu của tri thức hay sự phát triển của con người là phát triển trong trật tự.

Quá trình phát triển biện trong cộng động nguyên thủy và dân sự được thể hiện ở sự căng thẳng của tính tự phát hay tính cảm xúc nơi liên chủ thể tính và những đòi hỏi lý tính trong việc phát triển xã hội. Sự ra đời của nhà nước dân sự không loại trừ xã hội nguyên thủy.[133] Chính sự căng thẳng giữa các khuynh hướng, đặc tính của liên chủ thể tự phát và tính tri thức trong trật tự xã hội làm nên cấu trúc của xã hội. Giá trị của phép biện chứng nằm trong sự liên quan của nó với kiến thức và hoạt động của con người, đặc biệt là “sự mở rộng tính lịch sử của cảm thức chung.”[134] Do đó, phân tích biện chứng rất hữu ích cho việc khám phá khái niệm cộng đồng và, cụ thể hơn, cách mà các cộng đồng đặc biệt đàm phán mối quan hệ giữa liên chủ thể và cảm thức chung mang tính thực hành, điều Lonergan miêu tả như là sự biện chứng trong cộng đồng.[135]

Theo quan điểm của Lonergan, có ba giai đoạn phát triển của tri thức trong lịch sử loài người. Đầu tiên, giai đoạn phát triển của các tri thức thực hành (common sense). Giai đoạn hai, sự phát triển của lý thuyết khoa học, giai đoạn này đề xuất những nền tảng hiện tượng vật chất hoặc văn hóa điều tác động đến việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Giai đoạn ba là những tiềm thể những phân tích tổng quát của nội giới được đặt nền trên sự tự thủ đắc, điều có thể xem xét mọi địa hạt của hữu thể như tỷ lệ (proportionate being).[136] Ba giai đoạn tri thức ấy cũng tương đồng với ba bước của tiến trình nhận thức. Sự phát triển của giai đoạn sau không loại bỏ nhưng vẫn cần sự bổ sung và thậm chí là vẫn tồn tại những căng thẳng giữa chúng. Tuy thế, sự phát triển không cố gắng loại bỏ sự căng thẳng nhưng cố gắng tìm sự hài hòa giữa chúng.

Kết luận

Có thể nói, con người luôn có khao khát tìm kiếm tri thức, tìm để biết cái mình chưa biết. Khi quan sát sự phát triển của triển tri thức con người ngang qua khái niệm cảm thức chung bằng lăng kính lịch sử, Lonergan đã chỉ ra một cấu trúc nhận thức tự nhiên của con người. Cấu trúc bất biến năng động này được thể hiện qua ba bước: kinh nghiệm, hiểu biết và phán đoán với vai trò ý thức nơi chủ thể. Đó không chỉ là khao khát được hiểu biết, nhưng còn là khao khát để xây dựng cuộc đời mình như một tác phẩm nghệ thuật trong sự hài hòa các tương quan. Trong tác phẩm nghệ thuật ấy, con người như chủ thể của tri thức phải biết chủ động sắp đặt thế giới ý nghĩa.[137]

Tiến trình nhận thức ít nhiều cũng được thể hiện qua việc phát triển hình thành và phát triển cảm thức chung trong cộng đồng nhân loại. Cảm thức có xuất phát điểm từ chính chủ thể với những bận tâm về cuộc sống hiện sinh của mình. Có những mẫu thức kinh nghiệm chi phối và làm nên chủ thể. Có thể nói, cảm thức chung như là bước đầu trong tiến trình nhận thức của Lonergan. Khởi đi từ chính kinh nghiệm của chủ thể, với những vấn đề cụ thể của cuộc sống. Tiếp đến, cảm thức chung không chỉ được phát triển trong chính chủ thể, nhưng còn được mở rộng ngang qua sự hình thành của các cộng đồng. Hơn nữa, nơi chính các cộng đồng cũng có tương quan biện chứng trong quá trình phát triển cảm thức chung. Đó có thể là bước thứ hai của tiến trình nhận thức, các kinh nghiệm được phổ quát hóa hay được công thức hóa trong các cộng động.

Tri thức không chỉ là cái hiểu rõ ràng, minh bạch được diễn tả nơi những con số, những công thức, định đề, hay những yếu tố phổ quát, nhưng còn bao gồm tri thức nơi cảm thức chung, những tri thức thực hành. Cảm thức chung chỉ là tri thức có tính tương đối, không có tiêu chuẩn để kiểm chứng cách khách quan như tri thức toán học hay khoa học thường nghiệm nơi lý trí thuần túy. Tiêu chuẩn ấy dựa trên cái “cảm”, cái đạo đức chung để tạo ra cái tốt trong một nhóm, một cộng đồng. Tuy nhiên, Lonergan khẳng định: “một lựa chọn lý tính không phải là chọn lựa một trong hai yếu tố hoặc là khoa học hoặc là cảm thức chung. Nhưng nó là chọn lựa của cả hai, đối với khoa học thì chú trọng đến những vấn đề phổ quát, còn với cảm thức chung bàn về những vấn đề cụ thể.”[138] Do đó, cảm thức chung vẫn có ý nghĩa nhất định trong việc phát triển tri thức. Cảm thức chung và khoa học tạo nên đôi cánh cho quá trình phát triển tri thức của con người. Giữa tri thức khoa học và tri thức thực hành có tương quan biện chứng với nhau trong sự phát triển của tri thức. Hơn nữa, nếu xem sự hiểu biết nơi cảm thức chung nơi những là những niềm tin chưa được kiểm chứng hay những câu chuyện thần thoại hoang đường thì chúng vẫn có một giá trị nhất định trong xã hội ngày này dù bị chi phối bởi kinh tế, khoa học kỹ thuật. Những mẫu chuyện thần thoại thậm chí là giả tượng ấy vẫn là nguồn cảm hứng để các nhà khoa học chế tạo ra những phát kiến trong để nâng cao cuộc sống của con người.

Trong cuộc sống thường nhật, cũng có nhiều có nhiều tương cặp có biện chứng tương tự: căng thẳng giữa luật và truyền thống, giữa lý trí và đức tin…. Thoạt nhìn, tưởng chừng chúng có khuynh phát triển theo những chiều hướng đối nghịch nhau, loại trừ nhau, tạo ra những căng thẳng không thể nào hòa hợp được. Nhưng chính sự căng thẳng này là điều kiện để cho tri thức con người phát triển. Xét cho cùng, chúng không loại trừ nhau, trái lại còn bổ sung cho nhau, cùng phụ thuộc vào sự phát triển của tương quan còn lại.

Khi xét đến quá trình nhận thức của Lonergan, nếu tri thức chỉ dựa trên một trong ba ba bước sẽ không có được một tri thức đầy đủ. Với thuyết nhận thức đặt nền trên ba bước, Lonergan phần nào phủ nhận trường phái duy tâm (idealism) khi cho rằng tri thức được rút kết từ tư tưởng. Lonergan không bắt đầu từ tư tưởng (thought), hoặc định đề, phát biểu hoặc khái niệm, nhưng bắt đầu từ việc tra vấn (questioning). Thực tại là những gì được trung gian qua sự vận hành mang tính nhận thức với ba cấp độ khác nhau: kinh nghiệm, hiểu biết và phán đoán. Do vậy, phần nào có thể xác định Lonergan thuộc trường phái duy thực phê phán (critical realism), chứ không theo trường phái duy tâm (idealism) hay duy nghiệm (empiricism) và cả duy thực ngây thơ (naïve realism).[139]

Mở rộng hơn nữa trong lãnh vực thần học, hệ thống thần học cũng phần nào khuôn theo bốn bước trong tiến trình nhận thức mà Lonergan đã đề ra. Ở giai đoạn đầu, có sự nghiên cứu để thu thập dữ liệu, sau đó giải thích để hiểu biết những ý nghĩa của những dữ liệu đó, tiếp theo là phán đoán những khẳng định nêu ra từ cách hiểu các dữ liệu đó, và cuối cùng là đưa ra quyết định để chọn một lập trường thần học. Sau khi đã quyết định được những lập trường, ít nhiều các nhà thần học thể hiện tính chủ quan nơi lập trường của mình. Ngoài ra, hệ thống các khoa của thần học cũng đi theo cấu trúc nhận thức nhưng thứ tự đảo lại: chúng ta đi từ nền tảng của quyết định nơi thần học căn bản, đến phán đoán các chân lý nơi thần học tín lý, đến sự hiểu biết nơi thần học hệ thống và cuối cùng kinh nghiệm hay trải nghiệm nơi thần học thực tiễn.[140]

Không dễ để có thể kín múc hết tư tưởng của Lonergan trong vài trang giấy. Từng khái niệm, từng vấn đề được ông giải quyết rất rõ ràng và rành mạch. Vẫn còn nhiều dang dở trong bài viết, đây chỉ là bước đầu để hiểu tư tưởng của Lonergan, vẫn còn nhiều điều chưa nắm bắt hết. Tiến trình nắm bắt tư tưởng của Lonergan nói riêng và của nhân loại nói chung là tiến trình không hồi kết được khởi đi từ kinh nghiệm, hiểu biết và phán đoán, và được mở rộng thêm bước hành động trong những tác phẩm hậu Trực quan. Tri thức nói riêng và triết học nói chung không nên bắt đầu với siêu hình nhưng nên bận tân đến những vấn đề cụ thể, những kinh nghiệm sống.[141] Chính cuộc sống là nguồn của mọi tri thức và triết học.

Thư mục tham khảo

Dadosky, John D. The Structure of Religious Knowing. Albany: State University of New York Press, 2004.

Flanagan, Joseph. Quest for Self Knowledge: An Essay in Lonergan’s Philosophy. Toronto: University of Toronto Press, 1997.

Kanaris, Jim. Benard Lonergan’s Philosophy of Religion. Albany: State University of New York Press, 2002.

Kanaris, Jim, and Mark J Doorley, In Deference to the Other – Lonergan and Contemporary Continental Thought. Albany: State University of New York Press, 2004.

Khoa, Nguyễn Luật, ed. Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. TPHCM: NXB Phương Đông, 2008.

Komonchak, Joseph A. “The Church.” In The Desire of the Human Heart, edited by Vernon Gregson. New Jersey: Paulist Press, 1988.

Lamb, Matthew L., ed. Creativity and Method – Essay in Honor of Bernard Lonergan. Milwaukee: Marquette University Press, 1981.

Lamb, Matthew L. “The Social and Political Dimension of Lonergan’s Theology.” In The Desires of The Human Heart, edited by Vernon Gregson. New Jersey: Paulist Press, 1988.

Lambe, Ferena. Methodical Relations of Cognitional Theory, Epistemology and Metaphysics in Bernard Lonergan. Roma: Gregorian & Biblical Press, 2017.

Lonergan, Bernard. Insight – A Study of Human Understanding. New York: Philosophical Library, 1957.

—. Method in Theology. Toronto: University of Toronto Press, 1990.

—. Understanding and Being. Edited by Elizabeth A. Morelli, & Mark D Morelli. Toronto: University of Toronto Press, 1990.

—. Verbum: Word and Idea in Aquinas. Edited by David Burrell. Notra Dame: University of Notre Dame, 1967.

Marsh, James L. “Self-Appropriation Lonergan’s Pearl of Great Price.” In In Deference to the Other, edited by Jim Kanaris and Mark J. Doorley. Albany: State University New York Press, 2004.

Mathews, William A. Lonergan’S Quest – A Study of Desire in the Authoring of Insight. Toronto: University of Toronto Press, 2005.

McPartland, Thomas J. Lonergan and the Philosophy of Historical Existence. Columbia: University of Missouri Press, 2001.

Meynell, Hugo A. An Introduction to The Philosophy of Benard Lonergan. Macmillan Academic and Professional Ltd, 1991.

Morelli, Mark D., and Elizabeth A. Morelli, . The Lonergan Reader. Toronto: University of Toronto Press, 1997.

Murray, Elizabeth A. “Lonergan and the Key to Philosophy.” In Finding God in All Things, edited by Mark Bosco and David Stagama. New York: Fordham University Press, 2007.

Oduke, Charles Onyango. Lonergan’s Notion of Cosmopolis: a Study of a Higher Viewpoint and a Creative Framework for Engaging Individual and Social “Biases” with Special Relevance to Socio-Political Challenges of Kenya and the Continent of Africa. PhD diss, Boston: Boston College, 2005.

Orji, Cyril. Ethics and Bias in Africa – An Analysis of Bias, Decline, And Conversion Based on The Works of Bernard Lonergan. Milwaukee: Marquette University Press, 2008.

Potter, Vincent G. On Understanding Understanding: A Philosophy of Knowledge. New York: Fordham University Press, 1994.

Shute, Michael. The Origins of Lonergan’s Notion of the Dialectic of History: A Study of Lonergan’s Early Writings. Baltimore: University Press of America, 2003.

Stagama, Mark Bosco and David, ed. Finding God in All Things. New York: Fordham University Press, 2007.

Sullivan, Daniel J. An Introduction to Philosophy. Illinois: Tan Book and Publisher, INC, 1992.

Teevan, Donna. Lonergan, Hermeneutics, & Theological Method. Milwaukee: Marquette University Press, 2005.

The Fellows of the Woodstock Theological Center. The Realms of Desire: an Introduction to the Thought of Bernard Lonergan. Washington DC: Woodstock Theological Center, 2011.

Vertin, Michael. “Meréchal, Lonergan, and the Phenomenology of Knowing.” In Creativity and Method – Essay in Honor of Bernard Lonergan, edited by Matthew L. Lamb. Milwaukee: Marquette University Press, 1981.

Whelan, Gerard. “The Continuing Significance of Bernard Lonergan.” La Civiltà Cattolica, September 6, 2008.

Wilkins, Jeremy D. Before Truth – Lonergan, Aquinas, and the Problem of Wisdom. Washington DC: The Catholic University of America Press, 2018.

 


[1] Gerard Whelan S.J., “The Continuing Significance of Bernard Lonergan,” La Civiltà Cattolica, September 6, 2008.

[2] Rất khó để có thể diễn tả hết được nội hàm của từ “Insight” trong tiếng Việt. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin tạm “Insight” thành “Trực quan”. Tuy theo nghĩa thông thường từ “trực quan” vẫn không diễn tả được hết nội hàm của từ “Insight”. Nhưng trong bài viết từ “Trực quan” ở đây được dùng theo nghĩa: đó như là một sự hiểu biết sâu xa, cái nhìn thấu đáo, hay một sự thông hiểu xuyên suốt và có sự phản tỉnh của chủ thể trên sự vật, hiện tượng.

[3] Lonergan, Insight – A Study of Human Understanding (New York: Philosophical Library, 1957), 33.

[4] Lonergan, Insight, 118.

[5] cf. Hugo Meynell, An Introduction to The Philosophy of Benard Lonergan (London: Macmillan Academic and Professional Ltd, 1991), 33.

[6] cf. Lonergan, Insight, 119.

[7] Lonergan, Insight, 122.

[8] The Fellows of the Woodstock Theological Center, The Realms of Desire: an Introduction to the Thought of Bernard Lonergan (Washington DC: Woodstock Theological Center, 2011), 34.

[9] Lonergna, Insight, 16.

[10] Nhưng đúng hơn phải sử dụng từ: sư phạm, cách thức mà người thầy truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thầy giáo thì không giải thích căn kẽ mọi điều nhưng chỉ khơi gợi lên cho học sinh và từ đó học sinh tự tìm tòi và thực hiện. Từ đó câu hỏi về cách thức đạt được tri thức thì quan trọng hơn và khó hơn là chính tri thức.

[11] Lonergan, Understanding and Being, ed., Elizabeth A. Morelli, & Mark D Morelli (Toronto: University of Toronto Press, 1990), 3.

[12] William A. Mathews, Lonergan’s Quest – A Study of Desire in the Authoring of Insight (Toronto: University of Toronto Press, 2005), 242.

[13] James L. Marsh, “Self-Appropriation Lonergan’s Pearl of Great Price”, in In Deference to the Other, ed. Jim Kanaris and Mark J. Doorley (Albany: State University New York Press, 2004), 54.

[14] Lonergan, Understanding and Being, 15.

[15] Ferena Lambe, Methodical Relations of Cognitional Theory, Epistemology and Metaphysics in Bernard Lonergan (Roma: Gregorian & Biblical Press, 2017), 308.

[16] cf. Ferena Lambe, 371.

[17] James L. Marsh, “Self-Appropriation Lonergan’s Pearl of Great Price,” 55.

[18] Ferena Lambe, 315.

[19] Lonergan, Insight, 19.

[20] Lonergan, Understanding and Being, 33.

[21] Vincent G. Potter, On the Understanding Understanding (New York: Fordham University Press, 1994), 35.

[22] cf. Lonergna, Insight, 4-6.

[23] Lonergan, Insight, xxviii.

[24] Ferena Lambe, 254.

[25] John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing – Encountering the Sacred in Eliade and Lonergan (New York: State University of New York Press, 2004), 46.

[26] Lonergan, Insight, 10.

[27] cf. John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing, 46.

[28] cf. John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing, 47.

[29] cf. Lonergan, Verbum: Word and Idea in Aquinas, ed. David Burrell (Notre Dame: University of Notre Dame, 1967), 72.

[30] cf. Lonergan, Verbum: Word and Idea in Aquinas, 60-61.

[31] Ferena Lambe, 261.

[32] Cyril Orji, Ethics and Bias in Africa – An Analysis of Bias, Decline, And Conversion Based on The Works of Bernard Lonergan (Milwaukee: Marquette University Press, 2008), 59.

[33] John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing, 46.

[34] Michael Shute, The Origins of Lonergan’s Notion of the Dialectic of History: A Study of Lonergan’s Early Writings (Baltimore: University Press of America, 2003), 13.

[35] Cf. Daniel J. Sullivan, An Introduction to Philosophy (Illinois: Tan Books and Publishers, 1992), 248.

[36] Mark D. Morelli and Elizabeth A. Morelli, ed., The Lonergan Reader (Toronto: University of Toronto Press, 1997), 97.

[37] cf. Lonergan, Understanding and Being, ed. Elizabeth A. Morelli, & Mark D Morelli (Toronto: University of Toronto Press, 1990), 88.

[38] cf. Lonergan, Insight, 173.

[39] Lonergan, Understanding and Being, 92.

[40] Lonergan, Insight, 180.

[41] Lonergan, Understanding and Being, 86.

[42] Daniel J. Sullivan, An Introduction to Philosophy, 247.

[43] Lonergan, Method in Theology (Toronto: University of Toronto Press, 1990), 154.

[44] cf. Lonergan, Insight, 175.

[45] cf. Lonergan, Insight, 177.

[46] cf. Jeremy D. Wilkins, Before Truth – Lonergan, Aquinas, and the Problem of Wisdom (Washington DC: The Catholic University of America Press, 2018), 253.

[47] Lonergan, Understanding and Being, 91-92.

[48] Lonergan, Understanding and Being, 88.

[49] Lonergan, Understanding and Being, 89.

[50] Lonergan, Insight, 174.

[51] Lonergan, Insight, 175.

[52] cf. Lonergan, Insight, 175.

[53] cf. Lonergan, Insight, 211.

[54] Lonergan, Method in Theology, 89.

[55] Lonergan, Insight, 207.

[56] cf. Donna Teevan, Lonergan – Hermeneutics & Theological Method (Milwaukee: Marquette University Press, 2005), 189.

[57] Lonergan, Insight, 175.

[58] Lonergan, Understanding and Being, 94.

[59] Lonergan, Understanding and Being, 94.

[60] cf. Lonergan, Understanding and Being, 86.

[61] Lonergan, Insight, 179.

[62] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 330.

[63] cf. Charles Onyango Oduke, S.J., “Lonergan’s Notion of Cosmopolis: a Study of a Higher Viewpoint and a Creative Framework for Engaging Individual and Social “Biases” with Special Relevance to Socio-Political Challenges of Kenya and the Continent of Africa” (PhD diss., Boston College, Boston, 2005), 126.

[64] Lonergan, Insight, 242.

[65] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 330.

[66] cf. Lonergan, Understand and Being, 161-169.

[67] Lonergan, Insight, 181.

[68] Elizabeth A. Murray, “Lonergan and the Key to Philosophy,” in Finding God in All Things, ed. Mark Bosco and David Stagama (New York: Fordham University Press, 2007), 61.

[69] cf. Ferena Lambe, 349.

[70] cf. Michael Vertin, “Meréchal, Lonergan, and the Phenomenology of Knowing,” in Creativity and Method – Essay in Honor of Bernard Lonergan, ed. Matthew L. Lamb (Milwaukee: Marquette University Press, 1981), 415-416.

[71] cf. Lonergan, Understanding and Being, 16.

[72] Seeking for Foundations

[73] cf. Ferena Lambe, 348.

[74] Lonergan, Insight, 73.

[75] Lonergan, Insight, 205.

[76] Lonergan, Insight, 190.

[77] Lonergan, Insight, 73.

[78] Lonergan, Insight, 182.

[79] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 331.

[80] Lonergan, Insight, 385.

[81] Lonergan, Insight, 183.

[82] cf. Lonergan, Insight, 183 – 184.

[83] John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing, 50.

[84] Lonergan, Insight, 186.

[85] Từ Dramatic xuất phát từ gốc từ “drama” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là làm (do), hành động (act) hoặc sống (live).

[86] John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing, 50.

[87] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 333.

[88] Lonergan, Insight, 187.

[89] John D. Dadosky, Structure of Religious Knowing, 51.

[90] Ferena Lambe, 9.

[91] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 338.

[92] Lonergan, Insight, 212.

[93] Lonergan, Insight, 212.

[94] Lonergan, Insight, 212.

[95] Lonergan, Insight, 215.

[96] Lonergan, Insight, 212.

[97] Matthew L. Lamb, “The Social and Political Dimension of Lonergan’s Theology,” 258.

[98] cf. William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 339.

[99] Lonergan, Insight, 213.

[100] cf. Joseph A. Komonchak, “The Church,” in The Desire of the Human Heart, ed. Vernon Gregson (New Jersey: Paulist Press, 1988), 228.

[101] cf. Lonergan, Method in Theology, 79

[102] Donna Teevan, Lonergan – Hermeneutics & Theological Method, 160.

[103] Mark D. Morelli and Elizabeth A. Morelli, The Lonergan Reader, 123.

[104] cf. Matthew L. Lamb, “The Social and Political Dimension of Lonergan’s Theology,” in The Desires of The Human Heart, ed. Vernon Gregson (New Jersey: Paulist Press, 1988), 267.

[105] cf. William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 339.

[106] Michael Shute, The Origins of Lonergan’s Notion of the Dialectic of History, 26.

[107] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 340.

[108] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 339.

[109] Lonergan, Insight, 208.

[110] Michael Shute, The Origins of Lonergan’s Notion of the Dialectic of History, 27.

[111] Matthew L. Lamb, The Social and Political Dimension of Lonergan’s Theology, in The Desires of The Human Heart, ed. Vernon Gregson. 267.

[112] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 334.

[113] Lonergan, Insight, 214

[114] Lonergan, Insight, 215.

[115] Lonergan, Insight, 217.

[116] William A. Mathews, Lonergan’s Quest, 341.

[117] Donna Teevan, Lonergan – Hermeneutics & Theological Method, 148.

[118] Thomas J. McPartland, Lonergan and the Philosophy of Historical Existence (Columbia: University of Missouri Press, 2001), 31.

[119] Lonergan, Understanding and Being, 99.

[120] Lonergan, Understanding and Being, 99.

[121] Thomas J. McPartland, Lonergan and the Philosophy of Historical Existence, 41.

[122] cf. Michael Shute, The Origins of Lonergan’s Notion of the Dialectic of History, 23.

[123] Lonergan, Insight, 217.

[124] Lonergan, Insight, 469.

[125] Lonergan, Insight, 187.

[126] Thomas J. McPartland, Lonergan and the Philosophy of Historical Existence, 40-41.

[127] Lonergan, Method in Theology, 34-41.

[128] Lonergan, Insight, 599.

[129] Lonergan, Insight, 218.

[130] cf. Thomas J. McPartland, Lonergan and the Philosophy of Historical Existence, 45.

[131] cf. Lonergan, Insight, 218.

[132] Mark D. Morelli and Elizabeth A. Morelli, The Lonergan Reader, 123.

[133] Xem thêm Shutte, 27.

[134] Lonergan, Insight, 422.

[135] Donna Teevan, Lonergan – Hermeneutics & Theological Method, 147.           

[136] cf. Michael Shute, The Origins of Lonergan’s Notion of the Dialectic of History, 40.

[137] Nguyễn Luật Khoa, ed., Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết (TPHCM: NXB Phương Đông, 2008), 77.

[138] Lonergan, Insight, 179.

[139] cf. Ferrera Lambe, 261.

[140] cf. Nguyễn Luật Khoa, Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, 79.

[141] Gerard Whelan S.J., “The Continuing Significance of Bernard Lonergan,” La Civiltà Cattolica, September 6, 2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *