(Ảnh từ Internet)
Câu 58: Các cuộc đối thoại của Plato là gì?
Các tác phẩm còn lưu giữ lại được của Plato được ông viết trong một giai đoạn khoảng 50 năm tuổi. Ông đã viết dưới hình thức những đoạn đối thoại đầy thanh nhã, mang tính kịch nghệ và đầy chất thơ văn, mà các nhà trí thức luôn chia thành các giai đoạn khác nhau. Các tác phẩm Apology, Charmides, Crito, Eupyphro, Hippias Minor, Ion, Laches, và Protagoras (được xếp theo thứ tự ABC) được xem như những tác phẩm “thời kỳ đầu” của ông. Các tác phẩm thuộc thời kỳ giữa bao gồm Phaedo, Symposium, Republic và Phaedrus, và những tác phẩm được viết về sau, gồm Sophist, Statesman và Philebus. Tác phẩm Timaeus của Plato có thể xếp vào hoặc là giai đoạn giữa hoặc cuối. Các bức thư (Letters) từ số I – XIII được viết vào khoảng cuối đời của ông. Chỉ các bức thư II, VII, VIII và XIII có tính xác thực không cần bàn cãi, như là di chúc của ông.
Không có bản in nào vào thời Plato và cũng chẳng có tiệm sách cũng như thư viện ở Athens khi ông viết. Các cuộc đối thoại hầu chắc vươn tới thính giả qua những cuộc trình diễn kịch nói và có thể chính Plato vào vai của Socrates.
Câu 59: Đâu là các tư tưởng chính của Plato được trình bày và phát triển trong các cuộc đối thoại ban đầu của ông?
Các cuộc đối thoại trong thời kỳ đầu rất mang tính tranh biện, và chúng trình bày phương pháp Socrates. Socrates là nhân vật chính, ông bắt đầu bằng việc gợi lên một câu hỏi. Các kết luận không đạt tới trong mức độ các câu hỏi được gợi lên và làm rõ. Chủ đề là luân lý, bắt đầu với những giá trị được chia sẻ như lòng hiếu thảo hay đức công bình và sau đó minh chứng cách thức ít người có thể thực sự được biết về chúng.
Trong Meno, Socrates vận dụng những câu hỏi của mình nhắm tới đoạn kết tích cực hơn về việc trình bày kiến thức là bản năng trong linh hồn như thế nào. Meno là một cậu bé nô lệ ít học, mà từ Meno, Socrates rút ra tri thức về hình học qua một loạt những câu hỏi khéo léo. Socrates kết luận rằng vì linh hồn đạt được sự hiểu biết trước khi sinh ra, nên những gì chúng ta biết thì không phải được học, nhưng là do nhớ lại [hay hồi tưởng] mà thôi.
Câu 60: Các chủ đề nào được nhắm tới trong các tác phẩm ở thời kỳ giữa của Plato?
Học thuyết của Plato về sự bất tử được bàn đến trong các tác phẩm Phaedo, Republic và Phaedrus. Plato cho rằng, linh hồn con người sống sót sau khi thân thể chết đi. Tuy nhiên, những ký ức của linh hồn về cuộc sống của nó bị tẩy sạch ở sông Lathe; sau đó linh hồn quay trở lại như là linh hồn của một người khác để sống một cuộc sống mới qua sự hạ sinh. Cũng trong các tác phẩm này, Plato khai triển ý niệm của ông về các hình thái [hay ý niệm] (forms). Ông giới thiệu ý niệm này lần đầu ở Phaedo và tiếp tục xác định nó như là vĩnh cửu, không thay đổi và phi vật chất. Mối quan hệ giữa các sự vật thực với hình thái của nó là một sự tham dự. Một con mèo cụ thể hay thú cưng của bạn là một con mèo chẳng hạn, nó là một con mèo bởi vì nó tham dự vào hình thái của một con mèo. Trong khi con mèo của bạn có thể bị lác mắt hay bộ lông xấu, hình thái mèo lý tưởng không nhắm tới những ngoại lệ như vậy. Tuy nhiên, không chỉ những thứ đẹp đẽ hay trung tính mới có hình thái của nó, nhưng mọi thứ đều có. Tức là, mắt con mèo xấu hay bộ lông xấu vẫn có hình thái mà nơi nó chúng tham dự vào. Nói cách khác, ý tưởng hay hình thái của một con mèo thì bao gồm tất cả những gì làm cho một con mèo thành một con mèo, do đó, bao gồm cả diện mạo của con vật yêu thích cụ thể của bạn.
Câu 61: Plato định nghĩa một “thành phố công bình” trong Republic (Cộng Hòa) của ông như thế nào?
Trong Republic, học thuyết về hình thái của Plato đạt tới sự phát triển đầy đủ của nó khi ông trình bày một con đường không tưởng về cuộc sống (utopian way of life). Để hiểu công bình theo nghĩa đơn lẻ, ông khởi đầu bằng việc diễn tả một thành phố công bình. Nguyên lý chính trị chính của công bình là một dạng thức phân chia lao động được phản ánh trong sự phân chia ba phần trong thân xác con người, gồm: lý trí, linh hồn, xúc cảm và tinh thần (với Plato, những gì chúng ta kinh nghiệm như thể xác thì đã thuộc về lãnh vực của vẻ bề ngoài đơn thuần). Con người hạnh phúc nhất chỉ khi lí trí của họ làm chủ, do đó điều cần thiết là thành phố lý tưởng được cai trị bởi những người mà nơi họ, lý trí hoàn thiện nhất: tức là, vị vua và nữ hoàng triết gia.
Dưới những người lãnh đạo là một tầng lớp bảo vệ – vệ binh hay người lính, họ tương tự như phần tinh thần của một linh hồn cá nhân, và ở dưới cùng là những người thợ máy, những người phục vụ và nông dân, những người giống như phần khao khát, hay là một thân thể thể lý của một cá nhân.
Để đảm bảo rằng những người cai trị yêu mến và phục vụ thành phố của họ trên hết tất cả, Plato đề nghị rằng, hệ thống gia đình nên được bãi bỏ. Trong cấu trúc xã hội của mình, nam và nữ, cuộc sống của họ không phải dựa vào vai trò sinh sản sinh học. Sự tư hữu cũng như là mối tương quan tính dục của một vợ một chồng hay kết hôn truyền thống không cần thiết,. Những người thông minh nhất, khỏe mạnh nhất và toàn bộ những trẻ trai và trẻ gái sẽ được huấn luyện đặc biệt, bắt đầu với một chế độ ăn kiêng đơn giản, điều kiện sống đơn sơ và luyện tập trong bầu khí cởi mở.
Vì những nhà thơ nói dối và giảng dạy nghịch đạo, nên sẽ không còn văn chương ở trong chương trình mới nữa. Trẻ vị thành niên, các nhà lãnh đạo trẻ sẽ được dạy về Toán học và Triết học. Khi 35 tuổi, họ sẽ được sai vào thế giới 15 năm để phục vụ cộng đồng như là những nhà quản trị cấp thấp, cảnh vệ và binh lính. Ở tuổi 50, họ sẽ sẵn sàng để cầm quyền, càng như thế vì nó sẽ bị chống lại khao khát của mình để dành phần còn lại trong cuộc sống của họ để nghiên cứu về hình thái. (Plato cũng giống như nhiều người thời ông tin rằng: những người mà không muốn cai trị lại chính là những người nên cai trị).
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 28-30.