(Ảnh từ Internet: Plato và Aristotle)
Lối so sánh của Plato về cái hang là gì?
Plato giới thiệu phép so sánh về cái hang trong tác phẩm Cộng Hòa để truyền đạt sức mạnh của kinh nghiệm về những hình thái (forms) và mô tả tầm quan trọng của chúng. Phúng dụ cái hang là siêu hình học của ông vốn được tóm gọn một cách đầy thi vị. Hình ảnh cái hang, mà nơi đó, các tù nhân bị xích lại và mặt họ quay vào một bức tường, nên họ chỉ thấy hình bóng của những thứ hình bóng ở trên tường vốn được hắt lên bởi một ngọn lửa sau lưng họ. Nếu một tù nhân được tự do, trước tiên anh ta sẽ đối diện với những đối tượng trong cái hang mà anh ta đã từng nhìn thấy hình bóng của nó trước đó. Khi anh ra đi ra khỏi hang, tưởng tượng sự kinh ngạc của anh ta khi nhìn thấy những đối tượng này và những điều còn lại trên thế giới, trong một ánh sáng chứa chan. Cũng hãy tưởng tượng các đồng bạn tù của anh ta có thể phản ứng ra sao khi anh ta cố gắng kể lại những gì anh ta đã thấy cho họ. Cái hang diễn tả hiện hữu và nhận thức thông thường và những đối tượng dưới ánh sáng là chính là thế giới của các hình thái.
Câu 62: Plato muốn nói gì qua đường phân chia?
Điều Plato nhắm tới qua giới hạn phân chia [hay lý thuyết lằn ranh] được giải thích qua lời của Socrates trong tác phẩm Cộng Hòa (Republic):
Bây giờ, lấy một đường kẻ bị chia thành hai phần không bằng nhau, trong mỗi phần ấy chia ra những tỷ lệ tương đồng nhau, rồi dùng hai phần phân chia chính để trả lời, một đối với những gì hữu hình và phần khác chỉ tới thứ chỉ có thể hiểu được bằng trí khôn; sau đó so sánh những phần chia nhỏ ra đối với phần rõ ràng của chúng và phần thiếu sự rõ ràng; và bạn sẽ thấy phần đầu tiên trong khoảng hình cầu của phần hữu hình bao gồm các hình ảnh. Trong phần thứ nhất, nhờ những hình ảnh mà tôi nhắm tới: những bóng hình; và trong phần thứ hai, những phản ảnh trên nước và trên phần rắn, phẳng và những phần bóng láng, hay tương tự thế: bạn có hiểu ý tôi không?
Những gì mà Socrates mong người nghe hiểu là những gì họ thấy qua sự ngắm nhìn thì ít rõ ràng và còn xa mới với tới chân lý so với những gì họ có thể “thấy” trong “con mắt tâm trí” hay trí hiểu.
Câu 63: Phải chăng Plato đã thay đổi lối nhìn triết học của mình khi về già?
Plato trở nên dè dặt hơn trong lối nhìn của ông và lưu tâm hơn tới những giá trị xã hội cũng như truyền thống đang tồn tại trong thời đại của mình. Thành quốc trong tác phẩm Republic đòi buộc một cuộc cách mạng để bắt đầu. Trong tác phẩm sau này, Laws, Plato dần ít cách mạng hơn và mô tả một thành quốc “tốt nhất-đệ nhị” nơi đó có những gia đình truyền thống và những nhà lãnh đạo được tuyển chọn hơn là nòi giống đặc biệt.
Trong tác phẩm Parmenides, Plato đưa ra một loạt những phê bình về học thuyết hình thái trước đó của ông, học thuyết mà có vẻ như ông không thể biện giải và sau này được Aristotle bàn tới. Nổi tiếng nhất trong số đó là “lập luận của người thứ ba.” Giả sử chúng ta khám phá ra một hình thái mà giải thích cho những gì làm cho những thứ tương tự giống như vậy. Ví dụ, mọi con mèo thì khác nhau, nhưng tất cả chúng đều chung chia cùng “tính mèo” bởi vì chúng cùng tham dự vào hình thái mèo. Bây giờ, nếu chúng ta so sánh hình thái này với bất kỳ những thứ mà nó tham dự vào hình thái này – trong trường hợp này, so sánh con mèo của bạn với hình thái mèo – hình thái và vật tham dự vào hình thái đó sẽ có những điều tương tự mà làm cho nó tất yếu đặt vào một hình thái thứ hai. Nếu sau đó chúng ta thực hiện những so sánh về con mèo đối với hình thái thứ hai, một hình thái thứ ba sẽ cần được đặt ra, và tiến trình ấy tiếp tục và cứ tiếp tục đến vô hạn. Điều đó có nghĩa là, Plato ý thức về những vấn đề thiếu thực tế với học thuyết về hình thái của ông.
Câu 64: Plato có thay đổi lý thuyết triết học về hình thái của ông không?
Trong tác phẩm Philebus, một trong những tác phẩm sau này của ông, thay vì việc đặt ngang hàng cuộc sống tốt với sự chiêm ngắm hình thái, Plato thừa nhận rằng sự hài lòng dường như là một yếu tố quan trọng với những gì là tốt đẹp. Do đó, ông giải thích về sự tốt lành bao gồm sự cân đối, vẻ đẹp và chân lý như thế nào. Ông lập luận rằng sự hiểu biết thì tốt hơn sự hài lòng vì nó gần với ba thành tố trên. Đây là một điểm mới, gần với thực tế hơn về đời sống hạnh phúc vì nó cho thấy cuộc sống tốt đẹp nhất đối với một người phải là một cuộc sống vui hưởng những gì dường như là thực sự, hơn là một cuộc sống mà chỉ dành cho việc chiêm ngắm hình thái.
Câu 65: Quan điểm của Plato về tình yêu là gì?
Plato có hai lý thuyết về tình yêu: một là “Platonic” (tình yêu thuần khiết) và một thì không thuần khiết. Trong tác phẩm Phadreus, ông mô tả sự tăng triển của đam mê giữa một người trưởng thành và một cậu bé tuấn tú. Tình yêu của người đàn ông dành cho một người xinh đẹp cụ thể lớn lên thành một tình yêu đối với cái đẹp nói chung. Tình yêu chung chung dành cho những thứ đẹp đẽ đó dần trở thành một tình yêu dành cho cái đẹp theo những luật lệ, và hình thức cuối cùng của nó là một tình yêu dành cho cái đẹp trong tư tưởng, hay là hình thái của cái đẹp. (Cần nhớ rằng, người Hy Lạp cổ đại đánh giá cao những gì mà ngày nay chúng ta gọi là mối quan hệ đồng tính luyến ái giữa những thanh niên đẹp đẽ và người đàn ông khôn ngoan có tuổi. Người đàn ông già là người yêu, người thanh niên là kẻ được yêu.) Trong lối diễn tả của Plato về những sự hiệp nhất như vậy, hình thái cao nhất của chúng là đức trinh khiết, hay điều mà dần được gọi là “tình yêu thuần khiết” (Platonic love).
Trong tác phẩm Symposium của Plato, Socrates công nhận nhân vật Diotima với những gì ông biết về tình yêu. Diotima đã từng nói với ông rằng tình yêu hay Eros (tình yêu xác thịt) là một thần linh, (Eros là con của thần Need và Resource [hay Lack và Plenty]), người mà được thụ thai với sự ra đời của Aphrodite (vị nữ thần của cái đẹp) […]
Nhà soạn kịch Aristophanes có mặt trong cuộc thảo luận này, và ông đưa ra một lời giải thích tại sao tình yêu lại rất quan trọng đối với con người. Ngay từ đầu, con người đã có ba kiểu mẫu mà mỗi kiểu mẫu bao gồm hai người kết hợp ở trong một hình cầu: nữ với nữ; nam với nam; nam và nữ. Những thụ tạo này này rất khỏe mạnh và cố để xông vào chính Thiên Đường. Các vị thần không muốn tiêu diệt chúng, nhưng đôi khi họ phải làm vậy. Giải pháp của thần Zeus là phải làm cho chúng yếu đi bằng việc cắt mỗi thụ tạo ra làm đôi. Kết quả là mọi con người đều trong tiến trình tìm kiếm một nửa còn thiếu của mình. Người đàn ông và đàn bà vốn được kết hợp như những loài lưỡng tính tìm đến với nhau, những người đồng tính nữ tìm người đàn bà khác để hoàn thiện chính họ, và những người đàn ông vốn được gắn liền với đàn ông thì được lôi cuốn tới người đàn ông khác. Những giải thích của cả Diotima và Aristophanes về tình yêu rõ ràng là dính dáng đến sự hoàn hợp tình dục và do đó, không phải là một “tình yêu thuần khiết”.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 30-32.