Trong chương này:

▶ Thánh Giêrônimô, người chuyển ngữ Kinh thánh qua tiếng La-tinh

▶ Các vị thánh Giáo phụ La-tinh khác của Giáo Hội

________________________

Chương này tập trung vào những vị thánh được đặt lên hàng các Giáo phụ La-tinh của Giáo hội. Những vị học giả này đã giúp nắn đúc và hình thành nên Giáo Hội Kitô giáo tiên khởi, và vì ảnh hưởng thần học của họ và vị trí lịch sử của họ trong thời cổ đại, họ đã nhận được danh hiệu Giáo Phụ của Giáo Hội.

Các Giáo Phụ của Giáo Hội trong chương này được gọi là Giáo Phụ La-tinh để phân biệt họ với các Giáo Phụ của Giáo Hội Đông Phương hoặc Byzantine đương đại với họ. Hoàng đế Constantine thiết lập hoàng thành Constantinople (trước đây là Byzantium) khi ông trở thành Hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ tư. Ông đã tạo ra thành phố này để phục vụ như một loại Rôma thứ hai, cho Đế Quốc La Mã và Giáo Hội Công Giáo hai khu vực – phía đông và phía tây. Các tỉnh phía đông được điều hành bởi Constantinople, trong khi Roma vẫn phụ trách khu vực phía tây. Đức giáo hoàng đứng đầu Giáo hội, với sự trợ giúp của các Thượng phụ của Giêrusalem, Alexandria, Antioch, và Constantinople.

Các tác phẩm tiếng La-tinh từ thời Giáo Hội sơ khai là từ các Giáo Phụ phương Tây; các Giáo Phụ phương Đông đã thoải mái hơn bằng cách sử dụng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của đế quốc phía đông (Chúng ta bàn luận về các Giáo Phụ Hy Lạp trong Chương 16).

……………

Làm thế nào để được đặt làm một Giáo Phụ của Giáo Hội?

Một vị không được gọi là Giáo Phụ của Giáo Hội nếu chỉ đơn giản tham gia vào việc hình thành Giáo hội Kitô, mặc dù điều đó chắc chắn nằm trong danh sách các tiêu chuẩn. Trên thực tế, có bốn điều kiện để đạt được danh xưng Giáo Phụ của Giáo Hội. Để được xem xét, vị đó phải có:

✓ Sống vào thời Giáo Hội còn non trẻ, từ thế kỷ thứ nhất đến thứ sáu

✓ Có một cuộc sống thánh thiện không bị điều tiếng bởi vụ bê bối hoặc những điều bí mật

✓ Có các bài viết không liên can đến dị giáo, nhằm giải thích và bảo vệ tín lý Công giáo

✓ Có những bài viết được Giáo Hội niêm ấn, cho thấy sự chấp thuận.

…………….

1. Thánh Ambrosiô, Giám Mục Milan

Trier (Nước Đức) (AD 340–AD 397)

Đấng Bảo Trợ: những người nuôi ong, những người làm nến

Mừng Lễ: ngày 7 tháng 12.

Thánh Ambrosiô được đặt làm Giám mục Milan từ một cuộc tranh cãi dữ dội sau cái chết của Giám mục Auxentius. Chưa được rửa tội, Ambrosiô đã không thành công trong việc từ chối làm giám mục; vị hoàng đế đã nài nỉ để Ambrosiô được rửa tội và tấn phong Giám mục trong cùng một ngày, ngày 7 tháng 12, năm 347 AD.

Trong thời ngài trị vì với tư cách là giám mục, Thánh Ambrosiô đã chiến đấu mạnh mẽ cho sự độc lập của Giáo hội và bảo vệ Giáo Hội chống lại sự kiểm soát và ảnh hưởng của đế quốc. Ngài được biết đến nhiều nhất với câu trích dẫn “ubi petrus ibi ecclesia”, có nghĩa Latinh là “nơi nào Phêrô đang ở, nơi đó là Giáo hội”. Nói cách khác, bất cứ nơi nào Đức Thánh Cha, vị kế nhiệm của Thánh Phêrô, đang dạy dỗ hay nói năng một cách có thẩm quyền, thì ngài đang nói cho toàn thể Giáo hội Công giáo.

Thánh Ambrosiô đã chống lại Arianism, một bè rối khẳng định rằng mặc dù Chúa Kitô cũng giống như Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài không ngang hàng với Thiên Chúa. Arianism tiếp tục cho rằng Thiên Chúa đã nhận Chúa Giêsu làm con của Người và ban cho Ngài những khả năng thần linh. Trong những ngày tiên khởi, Kitô giáo đã lên án niềm tin đó là dị giáo. Giáo huấn bây giờ là Chúa Kitô là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần). Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người; thần tính và nhân tính. Ngài là một ngôi vị thần linh nhưng có cả hai bản tính, vừa trọn vẹn và đầy đủ bản tính thần linh, vừa trọn vẹn và đầy đủ bản tính con người.

2. Thánh Augustinô, Giám Mục Hippo

Thagaste, Numidia (nước Algeria) (AD 354–AD 430)

Đấng Bảo Trợ: các triết gia, thợ in

Mừng lễ: Ngày 28 tháng 8

Thánh Augustinô cũng là một trong các vị Tiến Sĩ Giáo Hội (xem chương 13) và là Giáo Phụ Latinh. Ngài con trai ngoại hôn của một người cha ngoại giáo và một người mẹ Kitô giáo sùng đạo, Augustinô đầu tiên sống một cuộc sống suy đồi của người theo chủ nghĩa khoái lạc, tìm thỏa mãn nếm trải mọi ý thích bốc đồng và lòng ham muốn. Giống như giáo phái Epicureans xa xưa từ thời La Mã Cổ đại, Augustinô trẻ tuổi đã sống trong sự phóng đãng sôi động.

May mắn thay, ở tuổi trung niên, sau khi có đứa con trai ngoài hôn nhân, ngài đã nhận thức được rằng cuộc sống trần thế và những thú vui là tạm bợ như thế nào. Ngài đã đi từ thái cực này đến thái cực khác, đi từ kẻ phóng đãng đến mét con người khắc kỷ. Augustinô đã chấp nhận một cuộc sống khắt khe và triết lý của Manichaeism, thuyết này coi thế giới vật chất là xấu ác và chỉ có tinh thần là tốt. Điều đó có nghĩa là thân xác và tất cả các thú vui vật chất đều có tội.

Với sự trợ giúp từ những lời cầu nguyện thường xuyên của mẹ Ngài, Thánh Monica (xem chương 4), và sự giám hộ của Thánh Ambrosiô (xem chương 13), Augustinô tẩy sạch hành vi của mình và được chịu phép rửa trở thành một Ki-tô hữu. Nhờ khả năng trí tuệ và học vấn của mình, Ngài đã sớm thụ phong linh mục và sau đó làm giám mục. Sự tinh thông về ngôn ngữ và triết học của Ngài thật vĩ đại đến nỗi một thiên tài thời Trung cổ, Thánh Thomas Aquinas (xem chương 13), ngưỡng mộ Ngài với sự ngỡ ngàng và kính trọng lớn lao.

Các bài viết của Ngài bác bỏ tính lạc giáo của nhóm Pelagianism ngày nay vẫn được nghiên cứu. Bè rối Pelagius cho rằng linh hồn con người có thể đạt được hoặc tự mình tìm lối vào thiên đàng. Thánh Augustinô đã dạy rằng con người không thể tự mình làm được gì ngoài trừ tội lỗi. Mọi công việc tốt phải được linh hoạt và gợi hứng từ ân sủng của Thiên Chúa. Khi một linh hồn chấp nhận và hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa, thì mọi thứ đều có thể.

3. Thánh Syprianô, Giám mục Carthage

Carthage (Bắc Phi) (AD 200–AD 258)

Mừng Lễ: ngày 16 tháng 9

Thánh Syprianô, một luật sư ngoại giáo, giáo sư và nhà hùng biện, đã trở lại Kitô giáo vào năm 246 và đã trở nên thông thạo Kinh thánh cũng như các tác phẩm của Tertullian (một Giáo Phụ của Giáo Hội, bắt đầu như một ngôi sao sáng của đức tin Kitô giáo, sau lại rơi vào tình trạng dị giáo). Thần học của ngài nói về uy quyền tối cao trong thẩm quyền giảng dạy của Đức giáo hoàng (về các vấn đề đức tin và luân lý) sau đó được Thánh Ambrosiô cải thiện. Syprianô cũng tin vào quyền tối cao của Đức giáo hoàng – theo khái niệm rằng Đức giáo hoàng có thẩm quyền cao nhất trong tất cả các vấn đề của Giáo hội.

Dưới sự bảo vệ của Thánh Syprianô đối với quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng, ngài tin rằng mỗi giáo xứ sẽ vẫn có linh mục làm vị lãnh đạo tinh thần, và một khu vực địa lý của các giáo xứ sẽ ở dưới sự chăm sóc của giám mục như một mục tử thiêng liêng. Vai trò của Đức giáo hoàng sẽ là đấng hướng dẫn cũng như biểu tượng – nghĩa là, Vị lãnh đạo đại diện cho Hội thánh phổ quát, đưa ra các quyết định liên quan đến tín lý hoặc kỷ luật mà các tín hữu trên khắp thế giới phải tuân theo.

Thánh Syprianô cũng khiển trách linh mục Novatus về sự khoan hồng đối với những người đã chối bỏ tôn giáo của họ trong thời kỳ Roma bắt đạo và sau đó quay trở lại tìm kiếm sự hòa giải. Mặc dù ngài tin vào lòng thương xót của Chúa trong việc cho phép hòa giải, nhưng Syprianô không muốn tầm thường hóa tội lỗi, thay vào đó ngài nhìn nhận việc chối bỏ Chúa Kitô và Giáo hội như một tội lỗi nghiêm trọng và ủng hộ một việc đền tội thích hợp. Syprianô đứng giữa hai vị trí cực đoan: những người ủng hộ sự khoan hồng, những người yêu cầu các cựu chiến binh phải đi xưng tội, và những người tin rằng sau khi rời khỏi Giáo hội, sự tha tội đòi hỏi một phép rửa mới. Lập trường của Syprianô cho rằng những người đã chối đạo, rời bỏ Giáo hội, sẽ được nhận lại sau khi làm một số việc công khai tuyên xưng đức tin và công khai đền tội.

4. Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả

Roma, nước Ý (AD 540–AD 604)

Được phong Thánh: AD 604

Được tôn phong Tiến sĩ Hội Thánh: 1298

Đấng Bảo Trợ: các nhà giáo dục, nhạc sĩ, ca sĩ, giáo hoàng, và những người bị bệnh gout

Mừng Lễ: ngày 3 tháng 9

Cha của Grêgôriô là một nhà quý tộc giàu có (Gordianus), người sở hữu những tài sản lớn ở Sicily và một dinh thự ở Roma. Mẹ ngài (Silvia) được công nhận là thánh, và ngày lễ của bà vào ngày 3 tháng 11. Hai cô của ngài (chị gái của cha, Tarsilla và Aemiliana) cũng được phong thánh.

Sau một thời gian ngắn hoạt động phục vụ đế chế, Grêgôriô trở thành một tu sĩ ở tuổi 34. Bốn năm sau, ngài được kêu gọi ra khỏi tu viện và được Đức Giáo Hoàng tấn phong làm một trong bảy vị phó tế của Rôma và được gửi đến Byzantium (Constantinople) để tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoàng đế Đông phương trong việc bảo vệ Roma khỏi quân Lombards.

Trở về Rôma năm 586, ngài được bổ nhiệm làm Viện Phụ của Đan viện Thánh Anrê. Ngài vui vẻ tận hưởng cuộc sống đan tu, nhưng chỉ được bốn năm. Đức Giáo Hoàng Pelagius II qua đời vào năm 590, hàng giáo phẩm và công dân của Rôma đồng lòng bầu Grêgôriô làm vị giáo hoàng kế tiếp. Ngài cố gắng trốn thoát, cảm thấy mình không xứng đáng với danh dự này. Người ta tìm thấy ngài đang cố gắng để rời khỏi Roma ăn mặc như một người hành hương nghèo. Đối mặt với vận mệnh của mình và sự quan phòng thiêng liêng, Grêgôriô đã đồng ý và trị vì cho đến khi ngài qua đời vào năm 604.

Là giáo hoàng, Grêgôriô cải cách phụng vụ thánh, tiêu chuẩn hóa các phần của Thánh lễ và thúc đẩy việc sử dụng thánh nhạc trong việc thờ phượng thánh thiêng. Ngài cũng đã viết nhiều về đức tin và rất quan tâm đến hoạt động truyền giáo. Grêgôriô đã gởi Thánh Augustinô thành Canterbury đi thành lập đức tin Công giáo ở Anh.

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng danh hiệu “Tôi tớ của các Tôi tớ của Chúa”, coi chức vụ giáo hoàng là một sứ vụ chứ không chỉ là một vị trí danh dự và quyền lực. Grêgôriô đã làm được nhiều điều để cải thiện vai trò của Đức giáo hoàng bằng cách tham gia vào các hoạt động thiêng liêng, phụng vụ (thánh ca Gregorian được đặt tên theo ngài), cũng như các vấn đề chính trị và thế tục. Ngài cũng được biết đến với sự bác bỏ Thượng phụ Eutyches của Constantinople, người đã phủ nhận sự chắc chắn rõ ràng của thân xác phục sinh. Grêgôriô đã phản bác lại rằng thân xác của Đức Kitô Phục Sinh không phải là siêu thực nhưng có bản thể như đã được chứng minh khi Chúa Giê-su yêu cầu Tôma sờ vào tay chân Ngài, và những lần Chúa Phục Sinh đã ăn với môn đệ.

5. Thánh Irênê, Giám mục Lyons

Smyrna, Tiểu Á (AD 130–AD 200)

Mừng lễ: Ngày 28 tháng 6

Trong thời kỳ Ngài làm Giám mục Lyons, Thánh Irênê đã chiến đấu chống lại thuyết Ngộ đạo, một lạc giáo dựa trên niềm tin rằng có một bí mật về sự cứu rỗi mà chỉ có những người tìm kiếm – người Giác ngộ – mới có thể khám phá. Chủ thuyết Ngộ đạo mâu thuẫn với niềm tin của Kitô giáo và Do thái giáo về sự mặc khải cho công chúng, nơi Thiên Chúa mặc khải chân lý với mọi người. Chủ thuyết này cũng phủ nhận sự cần thiết của ân sủng Chúa cho sự cứu rỗi. Chủ thuyết Ngộ đạo cho rằng chỉ có sự hiểu biết mối có thể mang lại hạnh phúc thật sự, và nó không có chỗ mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa.

Thánh Irênê phản bác rằng mặc khải là có ý nghĩa đối với tất cả mọi người và chân lý không thuộc về giới tinh hoa có giáo dục. Chúa Giê-su đã sai các Tông Đồ đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng; theo thuyết Ngộ đạo, những người theo chủ thuyết này trốn ở những nơi bí mật thề hứa sẽ giữ thông tin mới cho chính họ. Thánh Irênê thường rao giảng để phơi bày những sai lầm về mặt triết học và thần học, và những mâu thuẫn bất nhất của chủ thuyết Ngộ đạo để mọi người được mở ra cho sứ điệp giải phóng của Tin Mừng Kitô giáo.

6. Thánh Giêrônimô

Stridon, Dalmatia (AD 343–AD 420)

Bảo trợ : nhân viên thư viện, các học giả kinh thánh, dịch giả

Mừng lễ: ngày 30 tháng 9

Eusebius Hieronymous Sophronius đã được Giáo hoàng Pope Liberius rửa tội với tên là “Giêrônimô” vào năm 360 và được dạy bởi Donatus, một nhà ngữ pháp ngoại giáo nổi tiếng, và Victorinus, một nhà hùng biện Kitô giáo.

Thánh Giêrônimô tìm cách sống một cuộc sống cầu nguyện như một ẩn sĩ, một phần bởi vì ngài biết sống với người khác sẽ khó khăn. Là một người ngoại đạo, ngài có thể là một đối thủ ghê gớm và hung hăng trong các cuộc tranh luận bằng lời, cả về trí tuệ và cảm xúc. Bởi vì cũng có thể trở nên quá căng thẳng, Giêrônimô đã bỏ lại những cám dỗ của cộng đoàn và sống một cuộc sống thong dong không phiền toái. Đức ĐGH Damasus đã từ chối không cho vị học giả rực rỡ này đi vào sự cô tịch của ngài, thay vào đó Ngài yêu cầu Giêrônimô dịch cuốn Thánh Kinh đầu tiên của Kinh thánh. Trước đó, mỗi sách của bộ Cựu Ước và Tân Ước đã được viết như là một phần riêng biệt cả trong tiếng Do thái, tiếng Aramaic, hoặc tiếng Hy Lạp. Giêrônimô là người đầu tiên kết hợp tất cả 46 sách của bản Bảy Mươi của người Do Thái (bản dịch tiếng Hy Lạp của Cựu Ước) và tất cả 27 cuốn sách Kinh Thánh Kitô giáo thành một bộ sưu tập đầy đủ.

Phải mất 18 năm, thánh Giêrônimô mới dịch được tất cả các quyển sách của Kinh Thánh sang cùng một ngôn ngữ và trong một bộ chung, sử dụng tiếng Latinh, ngôn ngữ chính thức của Đế quốc Roma và là ngôn ngữ được sử dụng bởi quần chúng. Bản dịch tiếng Latinh của Thánh Giêrônimô của bộ Cựu Ước và Tân Ước được gọi là Vulgate (Bộ Kinh thánh La-tinh) vì nó đã được thực hiện theo ngôn ngữ thông thường (vulgata) thời của Ngài. Nó được xem là Bộ Kinh thánh hoàn chỉnh đầu tiên, đưa tất cả các phần của bản dịch trước vào một thể tích. Giêrônimô cũng là người đầu tiên sử dụng từ bible để mô tả bộ sưu tập hoàn chỉnh của cả Cựu Ước và Tân Ước trong một bộ chung. Từ Biblia bằng tiếng Latinh đến từ tiếng Hy Lạp Byblos, có nghĩa là “sách”. Bộ Kinh Thánh thực tế là một bộ sưu tập sách, từ sách Sáng thế ký đến Khải Huyền.

7. Thánh Paulinus, Giám mục Nola

Bordeaux, Gaul (France) (AD 353–AD 431)

Mừng lễ: ngày 22 tháng 6

Paulinus là con của Pontius Meropius Anicius Paulinus, một quận trưởng của Rôma ở Gaul. Ngài trở thành một luật sư thành công và giữ văn phòng công chúng như cha ngài đã làm trước kia. Trong khi ở Tây Ban Nha, ngài gặp và kết hôn với Therasia. Con duy nhất của họ chết một tuần sau khi sinh. Paulinus được chỉ định làm linh mục vào năm 393 bởi Giám mục Barcelona.

Paulinus thường xuyên liên lạc với Thánh Augustinô và Thánh Giêrônimô, cũng như Thánh Ambrosiô và Thánh Martin thành Tours. Năm mươi mốt bức thư và ba mươi hai bài thơ của ngài vẫn còn đây đó ngày hôm nay. Paulinus đã viết về phẩm giá và sự thánh thiện của hôn nhân Kitô giáo và cổ võ sự tôn kính (vinh danh) các thánh, đặc biệt là các vị tử đạo và các di tích của họ để bày tỏ lòng biết ơn vì sự hy sinh của họ đối với đức tin. Ngài cũng khuyến khích những người khác can đảm như những vị tử đạo trong việc bảo vệ tôn giáo của họ.

8. Thánh Phêrô Chrysologus

Imola, Bologna (nước Ý) (AD 406–AD 450)

Mừng lễ: Ngày 3 tháng 7

Phêrô đã được đặt biệt danh là Chrysologus – lời vàng – sau khi thuyết giảng một bài giảng hùng hồn cho Nữ hoàng Galla Placidia. Đức Giám mục Felix của Ravenna đã lưu giữ 176 bài giảng của Phêrô trong thế kỉ thứ tám.

Phêrô đã viết cho Eutyches thúc giục ông bỏ lạc giáo: “Chúng tôi khuyến khích ngài với tất cả lòng tôn trọng, hỡi người anh em đáng kính, hãy để ý vâng phục những gì đã được viết bởi vị Giáo Hoàng được chúc phúc nhất của thành Roma; kế vị Thánh Phêrô, đấng đang sống và chủ trì trên ngai tòa của Ngài, đem lại chân lý đức tin cho những người tìm kiếm”. Eutyches trước đó đã chống lại bè rối Nestorianism nhưng đã đi đến thái cực ngược chiều theo thuyết Nhất Tính, tuyên bố Chúa Giêsu chỉ có một bản tính (thần linh) chứ không phải hai bản tính (con người và thần linh).

9. Thánh Vinh Sơn thành Lérins

Southern Gaul (Pháp) (unknown–AD 450)

Mừng lễ: Ngày 24 tháng 5

Thánh Vinh Sơn đã bỏ cuộc đời của một người lính để trở thành một tu sĩ ở Lérins. Có ít điều được biết đến trong cuộc đời của ngài, khác với cụm từ mà ngài đặt ra, điều này cực kỳ hữu ích trong việc đánh giá tính xác thực của hầu hết mọi thứ trong Giáo hội Công giáo: quod ubique, quod sempre, quod ab omnibus creduni est (điều đã được dạy ở mọi nơi, mọi thời, ở tất cả mọi chỗ, bởi tất cả các thầy dạy có thẩm quyền).

Cụm từ đó đã được biết đến dưới cái tên “Vincent canon” (luật Vinh Sơn) và được cho là một bài kiểm tra chính xác cho sự chính thống. Điều đó có thể được tìm thấy trong tác phẩm nổi tiếng của ngài, bộ sách Commontorium.

Chuyển ngữ: Sr. Maria Nguyễn Thị Ngọc Lan, FMM

Nguồn: John Trigilio & Kenneth Brighenti, Saints for Dummies, (Indianapolis, Indiana: Wiley Publishing, Inc., 2010), pp. 215-222.