(Hình ảnh từ Internet)

Trong Chương này, chúng ta cùng tìm hiểu:

– Cuộc chiến chống lại bè rối Ario và các bè rối khác

– Xây dựng nền móng của Giáo Hội Đông phương

……..

Sau khi hoàng đế Constantinus của đế quốc Roma (thế kỷ IV sau Công nguyên) thiết lập thành phố tráng lệ Constantinople (trước đây là Byzantium, nay là Istanbul), ông phân chia đế quốc thành 2 miền: Đông và Tây. Miền Tây sử dụng tiếng Latinh và miền Đông dùng tiếng Hy Lạp. Giáo Hội Công giáo tuy không chính thức nhưng về phương diện văn hóa, phân chia thành Đông và Tây. Có một hoàng đế và một giáo hoàng nhưng lại mang hai sắc thái, có thể nói như thế.

Trong nhiều trăm năm, Kitô giáo hợp nhất dưới một mái nhà, dù với 2 truyền thống (Tây–Latinh và Đông–Hy Lạp). Vào thế kỷ XI (năm 1054), có cuộc ly giáo lớn phân chia Đông và Tây thành hai Giáo Hội tách biệt nhau, là Công giáo và Chính Thống giáo. Sau đó, vào thế kỷ XVII, nhiều cộng đoàn Chính Thống giáo phương Đông trở về hiệp thông trọn vẹn với giáo hoàng Roma, được gọi là Giáo Hội Công giáo Byzantine hoặc Công giáo Hy Lạp, để phân biệt với Giáo Hội Công giáo Roma Latinh ở phương Tây.

Chúng ta vừa học hỏi về các thánh giáo phụ phương Tây (x. Chương 15), vài học giả nổi tiếng của Giáo Hội phương Đông cũng được biết đến như các giáo phụ Hy Lạp. Trong chương này, xin giới thiệu các giáo phụ Hy Lạp, đã giúp hình thành nên Giáo hội Công giáo Đông phương.

1. THÁNH ATHANASIUS THÀNH ALEXANDRIA

  • Sinh tại Alexandria, Ai Cập (297–373)
  • Mừng lễ: Ngày 02 tháng 5.

Là môn đệ của thánh Alexander –giám mục thành Alexandria– Athanasio học được ngay cách bảo vệ giáo huấn chính thống của Giáo Hội Công giáo. Alexander là đối thủ đầu tiên của bè rối Ario tại Công đồng Nicea năm 325; và Athanasio –lúc ấy là phó tế– đã giúp Alexander. Athanasio theo sự hướng dẫn của Alexander, mạnh mẽ tố cáo bè rối Ario (phủ nhận thiên tính của Chúa Kitô) bất cứ khi nào có thể. Ngài được bầu chọn là Giáo phụ Alexandria năm 326 sau khi Alexander từ trần.

Athanasio là người đầu tiên sử dụng từ “công giáo” nhiều lần. Trong tiếng Hy Lạp, katholikos nghĩa là “phổ quát”; Athanasio thêm từ này vào từ vựng Kitô giáo để thiết lập một tôn giáo hiệp nhất. (Ngày nay, “công giáo” (catholic) với chữ “c” thường vẫn mang nghĩa là “phổ quát”. Khi chữ “C” được viết hoa (Catholic), nó ám chỉ Giáo hội Công giáo hoặc là niềm tin.)

Athanasio cũng viết một kinh tin kính dài, Quicumque vult (bất cứ ai muốn, đều được cứu độ), để chính thức tập trung vào giáo lý của Giáo Hội liên quan đến Ba Ngôi và những sai lạc của bè rối Ario. Kinh tin kính này xác nhận thần tính của một chúa ba ngôi (một Thiên Chúa nhưng ba ngôi vị). Chúa Ba Ngôi là nền tảng của Kitô giáo, và những gì kém hơn –chẳng hạn một hoặc hai ngôi– đều không thể chấp nhận.

2. THÁNH BASIL CẢ, TỔNG GIÁM MỤC CAESAREA

  • Sinh tại Cesarea, Cappadocia (329–379)
  • Mừng lễ: Ngày 02 tháng 01

Basil lớn lên trong môi trường có đức tin mạnh mẽ. Ngài là con của thánh Basil the Elder và thánh Emmelia; là cháu nội của thánh Macrina; là anh của thánh Gregory thành Nyssa, thánh Macrina the Younger và thánh Phêrô thành Sebastea.

Với dòng dõi gia đình như thế, Basil đã lộ rõ sự thánh thiện của ngài khi còn trẻ tuổi, ngài nấu ăn cho người nghèo và gây quỹ giúp họ. Các thành viên trong gia đình quý tộc của ngài gián tiếp giúp những người có nhu cầu qua các gia nhân của mình, còn Basil lại thích “tra tay” vào và thực hành niềm tin của mình. Rốt cuộc là ngài trở thành một đan sĩ và được xem như tổ phụ của đan tu phương Đông, giống như thánh Benedict là tổ phụ của đan tu phương Tây (x. Chương 15).

Basil là người bảo vệ giáo huấn của công đồng Nicea (325) và công đồng Constantinople I (360). Ngài mạnh mẽ chống lại bè rối Ario. Khi trở thành giám mục Caesarea vào năm 370, ngài là người canh tân khi phạt bất kỳ ai phạm tội buôn bán lộc thánh. Ngài đòi hỏi sự lương thiện và chính trực nơi hàng giáo sĩ. Các môn đệ của ngài rất hãnh diện về ngài –một giám mục, một người rao giảng, một thầy dạy– và ngài được nhìn nhận là Basil Cả ngay khi còn sinh thời.

3. THÁNH CLEMENT THÀNH ALEXANDRIA

  • Sinh tại Athens, Hy Lạp (150–215)
  • Mừng lễ: Ngày 04 tháng 12

Clement là thầy của Origen tại Trường Giáo lý thành Alexandria. Ngài cống hiến nhiều trong việc áp dụng tư tưởng triết học Hy Lạp khi nghiên cứu, bảo vệ, và hiểu biết về Thần học Kitô giáo.

Ba tác phẩm lớn của Clement là Protrepticus (khuyến khích người Hy lạp về luân lý Kitô giáo), Paedagogus (giáo huấn về hành vi đạo đức); và Stromata (hợp tuyển luân lý). Các tác phẩm của ngài khởi xướng sự đổi mới, qua đó tính hợp lý và triết học được dùng để giải thích và hiểu tư tưởng trào tràn từ điều được mạc khải trong Kinh Thánh.

4. THÁNH CYRIL VÀ THÁNH METHODIUS

  • Thánh Cyril (Constantine): Sinh tại Thessalonica, Hy Lạp (827–869)
  • Thánh Methodius: Sinh tại Thessalonica, Hy Lạp (826–885)
  • Mừng lễ: Ngày 14 tháng 02

Cyril (còn được gọi là Constantine) và anh của ngài là Methodius sinh tại Thessalonica, Hy Lạp. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo I tuyên phong các ngài là “Tông đồ của người nô lệ” và cùng là thánh bổn mạng của Châu Âu –cùng với thánh Benedict thành Nursia– vì những công tác thừa sai của các ngài giữa các dân tộc nô lệ của Trung Âu.

Methodius yêu thích đời đan tu; trong khi Cyril –thông thạo ngoại ngữ và trí khôn sắc bén về thần học– lại muốn trở thành một học giả. Cyril thường xuyên trao đổi với các học giả Do Thái giáo và Hồi giáo, cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa 3 tôn giáo độc thần lớn (Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo).

Hoàng đế sai Cyril đến hoán cải ngài Russian Khazars, và Methodius đồng hành với em mình. Cyril khai triển bảng mẫu tự được gọi là chữ cái Kyrin dành cho ngôn ngữ của người nô lệ, vẫn được sử dụng cho đến ngày nay tại Nga và các dân tộc trước đây thuộc Sô-viết.

Những công cuộc về ngôn ngữ và tôn giáo của hai anh em rất nổi tiếng; họ được gởi đến Moravia để hiệp nhất các dân tộc ở đó, cùng chung một ngôn ngữ, một bảng mẫu tự, một tôn giáo. Những người Đức dạy tiếng Latinh Séc, nhưng hoàng tử Rastislay (thủ lãnh của Moravia) lại muốn độc lập, không muốn bị ảnh hưởng của người Đức.

Hai anh em tin tưởng vững vàng vào việc sử dụng tiếng bản xứ của dân địa phương, một niềm tin tương phản rõ rệt với những phong tục thời bấy giờ. Tại đế quốc phương Tây, tiếng Latinh là ngôn ngữ chuẩn mực của luật lệ, học đường và nhà thờ; Tại đế quốc phương Đông, tiếng Hy Lạp được dùng trong mọi lãnh vực. Các ngài đào tạo nhân lực cho hàng giáo sĩ và gửi họ đến Roma để lãnh nhận chức linh mục. Các giám mục Đức không chấp nhận việc truyền chức này, cho rằng các tân linh mục không biết nói tiếng Latinh. Đức Giáo Hoàng lại cho phép họ được lãnh nhận chức linh mục, và sử dụng ngôn ngữ Slave trong các giáo xứ quê nhà như là ngôn ngữ phụng vụ chính thức.

Cyril qua đời vào ngày 14 tháng 02 năm 869. Đó là ngày mừng lễ của cả hai anh em, mặc dù Methodius qua đời sau Cyril 16 năm.

5. THÁNH DIONYSIUS CẢ

  • Sinh tại Alexandria, Ai Cập (190–264)
  • Mừng lễ: Ngày 17 tháng 11

Dionysius –môn đệ của Origen– được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngoại giáo. Là một thanh niên, ngài say mê đọc sách và nghiên cứu. Sự nghiên cứu đã làm dấy lên niềm yêu thích và tính hiếu kỳ về chân lý và sự khôn ngoan, điều này dẫn ngài đến việc trở thành Kitô hữu. Sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, ngài dùng khả năng xuất chúng của mình để đẩy lui các bè rối, giải thích và bênh vực đức tin mới mẻ ngài đã cảm nghiệm.

Dionysius trở thành giám mục rồi giáo phụ thành Alexandria và mạnh mẽ bênh vực giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cũng chiến đấu chống bè rối của Novatian, cho rằng các Kitô hữu đã chối bỏ đức tin trong cuộc bách hại tại Roma, sẽ không bao giờ được giải hòa lại với Hội Thánh. Ngài tin rằng lòng thương xót của Chúa trải rộng đến những người này nếu họ hối cải, thật lòng xưng thú tội lỗi, và thực thi việc đền tội cân xứng.

6. THÁNH GREGORY THÀNH NAZIANZUS

  • Sinh tại Arianzus, gần Nazianzus, Cappadocia, Tiểu Á (329–390)
  • Mừng lễ: Ngày 02 tháng 02

Gregory –giống bạn mình là thánh Basil– sinh trưởng trong một gia đình rất thánh thiện: Ngài là con của thánh Gregory thành Nazianzus the Elder và thánh Nonna, là anh của thánh Caesar Nazianzen và thánh Gorgonia. Cha của Gregory trước đây ngoại đạo, sau trở thành giám mục Nazianzus. Khi được 94 tuổi, giám mục Gregory mong muốn con mình là Gregory làm giám mục phó –người kế vị đương nhiên khi giám mục chính qua đời, hoặc từ nhiệm, hoặc về hưu.

Gregory trước tiên là một linh mục nổi tiếng, nhưng ngài không cảm thấy xứng đáng với thiên chức linh mục, và giám mục. Cha ngài phải thuyết phục rằng ngài sẽ trở nên cao quý biết bao nếu thuộc về cả Giáo Hội và cha mình khi đón nhận sứ vụ giám mục. Hai cha con cùng nhau chiến đấu chống lại bè rối Ario, và Gregory được tấn phong giám mục vào năm 370.

Vào năm 381, Gregory đón nhận chức vụ Tổng giám mục, dưới thời hoàng đế Valens, người theo bè rối Ario. Hai năm sau, kế vị Valens là hoàng đế Theodosius –người mạnh mẽ ủng hộ bè rối Ario. Thế là Gregory trở thành mục tiêu cho sự phỉ báng, bách hại, ngược đãi khi ngài cố gắng đưa những người theo bè rối Ario trở về hiệp nhất với Giáo Hội. Ngài mong được sống cô tịch, tránh xa chính trị của đế chế, và cam chịu những đau khổ trong suốt 7 năm, trước khi qua đời tại quê nhà.

7. THÁNH GREGORY THÀNH NYSSA

  • Sinh tại Caesarea, Cappadocia (330–395)
  • Mừng lễ: Ngày 09 tháng 3

Gregory là anh của thánh Basil và là bạn của thánh Gregory Nazianzus (x. mục từ trên trong chương này), là nhà tu từ học, ngài bị học sinh ghét bỏ đến nỗi phải bỏ nghề giáo; sau đó trở thành đan sĩ, yêu thích nếp sống tĩnh lặng của đan viện.

Khi trở thành giám mục Caesarea, Basil thuyết phục Gregory đón nhận trách nhiệm làm giám mục Nyssa vào năm 372. Nyssa có nhiều người theo bè rối Ario, Gregory cố gắng phục hồi lại giáo huấn của Giáo Hội. Thủ lãnh của bè rối Ario là Demosthenes vu khống cho Gregory về tội biển lận tài sản của Giáo Hội và tống ngục ngài. Sau đó Gregory thoát khỏi ngục nhưng bị truất phế, sau được phục hồi nhờ hoàng đế Gratian can thiệp.

Gregory tham dự Công đồng chung Constantinople I vào năm 381, ngài tái lên án bè rối Ario, trước đây đã bị Công đồng Nicea (325) lên án. Nhờ tài hùng biện, ngài được gọi là “cha của các giáo phụ”, trở nên cột trụ cho giáo lý chính thống và là người trung thành bảo vệ đức tin.

8. THÁNH GREGORY THAUMATURGUS

  • Sinh tại Neocaesarea, Tiểu Á (213–270)
  • Mừng lễ: Ngày 17 tháng 11

Sinh ra trong một gia đình giàu có, Gregory và anh ngài đã muốn trở thành luật sư, nhưng khi đang học tập, hai anh em đã gặp Origen và học trường thần học của Origen tại Caesarea (Origen là một trong những nhà triết học và thần học gia Hy Lạp đầu tiên có ảnh hưởng và danh tiếng nhất thời bấy giờ, thế kỷ III. Giáo huấn của Origen ảnh hưởng đến nhiều thế hệ). Cả hai anh em đã trở lại đạo Công giáo.

Gregory vẫn muốn trở thành luật sư, nên vào năm 238 ngài trở về Neocaesarea. 17 Kitô hữu ở quê nhà ngài, nghe biết ngài trở lại đạo, đã bầu chọn ngài làm giám mục. Giáo huấn của ngài càng vượt trội qua các cuộc chữa lành diệu kỳ (chữa người mù, điếc, què, v.v…), và ngài được gọi là Thaumaturgus, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “người thực hiện những việc lạ lùng”. Khi các cuộc bách hại nổi lên vào năm 250, ngài bắt giáo dân đi trốn, ngài cùng một phó tế trốn vào sa mạc trong 2 năm. Khi trở về, Gregory phải đấu tranh với bệnh dịch và sự xâm lược của người man di Goths. Ngài và giáo phận của ngài đã kiên trì và được sống sót.

9. THÁNH IGNATIUS THÀNH ANTIOCH

  • Sinh tại Roma (35–107)
  • Mừng lễ: Ngày 17 tháng 10

Ignatius là bạn của Gioan Thánh sử và là giám mục thứ ba của Antioch. Vài người cho rằng Ignatius chính là đứa trẻ Đức Giêsu ôm vào lòng theo Tin Mừng của Thánh Marco 9:35, dù không có chứng cứ về điều này.

Tuy được sống sót trong cuộc bách hại của hoàng đế Roma là Domitian, Ignatius lại đón nhận phúc tử đạo dưới thời hoàng đế Trajan năm 107 do bị thú dữ ăn thịt. Cuộc hành trình đến Roma –và cái chết của ngài– trải qua nhiều tháng. Ngài đã dùng thời gian đó để viết các bức thư mà các Kitô thời Giáo Hội sơ khai xem như những lời khích lệ.

Trong lá thư gửi tín hữu Roma, Ignatius viết:

Tôi là hạt lúa mì của Chúa và sẽ bị nanh thú dữ nghiền nát… Hãy để cho tôi được làm thức ăn cho thú dữ, vì nhờ đó tôi được về với Chúa. Tôi là hạt lúa mì của Chúa và sẽ bị nanh thú dữ nghiền nát, ngõ hầu được trở nên tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô. Xin cầu nguyện cùng Đức Kitô cho tôi để thú dữ chính là phương tiện giúp tôi trở nên hy lễ cho Thiên Chúa.

10. THÁNH JOHN CHRYSOSTOM THÀNH CONSTANTINOPLE

  • Sinh tại Comana, Tiểu Á (347–407)
  • Mừng lễ: Ngày 13 tháng 9

Cách rao giảng hùng hồn của John khiến ngài mang tên Chrysotom, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “kim khẩu” (miệng vàng). Ngài được lãnh chức “Đọc sách”, nên được đọc Sách Thánh lớn tiếng trong thánh lễ. Giám mục Meletius nhận ra khao khát của John và truyền chức Phó tế cho ngài vào năm 381; Giám mục Flavian –kế vị Giám mục Meletius– truyền chức linh mục cho ngài vào năm 386. Ngài nổi tiếng nhờ năng lực và lời giáo huấn trong các bài giảng, và lời lẽ thiêng liêng khôn ngoan của ngài đã thấu đến tai hoàng đế Areadius.

Lẽ ra John phải kế vị giám mục Flavian tại Antioch, nhưng hoàng đế Areadius lại muốn John kế vị giám mục Nectarius thành Constantinople khi vị này qua đời vào năm 397. Hoàng đế gây áp lực khiến Thượng phụ Theophilus thành Alexandria  đồng ý sai John đến Constantinople. John được tấn phong giám mục vào tháng 02 năm 398.

John là người giúp canh tân trái tim con người, tìm cách khử trừ cả gương xấu lẫn chước cám dỗ, truyền cho các linh mục không được nhờ các nữ tu giúp việc cho họ. Ngài chia sẻ một nửa những chi phí riêng của ngài cho các đan sĩ,  và truyền cho các đan sĩ phải ở lại đan viện.

Dù ngài có tình bạn tốt đẹp với Đức Giáo Hoàng Innocent I và hoàng đế Honorius, các kẻ thù của John tại Constantinople, Antioch và Alexandria khiến ngài phải cay cực. Ngài thường xuyên bị bách hại và là đối tượng cho sự dối trá, lăng nhục và tấn công. Rốt cuộc là ngài bị lưu đày sang Pythius và qua đời trên đường đi tới đó.

John Chrysostom (x. hình 16-1) xây dựng nền Phụng tự (Thánh lễ) vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Giáo Hội Công giáo nghi lễ Bizantine và các Giáo Hội chính thống Đông phương đôi khi sử dụng Phụng vụ của thánh Basil (x. hình 16-1), nhưng Phụng vụ của thánh John Chrysostom được sử dụng rộng rãi hơn.

Hình 16-1: Bức Icon của thánh nữ tử đạo Paraskeve, cùng với các thánh Gregory Nazianzus, John Chrysostom, và Basil Cả.

11. THÁNH JOHN DAMASCENE

  • Sinh tại Jerusalem (676–749)
  • Mừng lễ: Ngày 03 tháng 12

John được biết đến như là Chrysorrhoas (nguồn suối vàng) và được xem như là giáo phụ cuối cùng, theo thứ tự thời gian. Sau khi Charlemagne được Đức Giáo hoàng Leo III phong làm hoàng đế Roma vào ngày lễ Giáng Sinh năm 800, thời Trung cổ bắt đầu, và thời kỳ của các giáo phụ, cả Đông và Tây, được xem như khép lại.

Cha của John –Mansur– là nhà tài chính giàu có, đã cho phép ngài giữ đạo và giữ của cải. Ngài thường mua lại các Kitô hữu nô lệ rồi trả tự do cho họ.

Mansur thuê một đan sĩ dạy cho John Triết học và Thần học –nghề của các đan sĩ– John say mê cả 2 ngành này. Ngài say mê đọc sách, tỏ ra khả năng tri thức chưa từng thấy. Ngài áp dụng những gì học hỏi được để bảo vệ đức tin, đặc biệt là để chống lại những người bài trừ thánh tượng.

Những người bài trừ thánh tượng thấy những hình ảnh của Chúa, của Đức Trinh Nữ Maria và các thánh như là những ngẫu tượng, và họ hủy diệt tất cả những bức tượng ấy khi họ có chúng trong tay. John Damascene không chấp nhận điều này và cự tuyệt những lý luận của họ, điều này gây ra những kẻ thù mạnh mẽ chống đối ngài. Một số người cho rằng Germanus –Giáo phụ của Constantinople– mưu đồ chống lại ngài, giả mạo một lá thư ám chỉ rằng John phản bội lại quốc vương Hồi giáo (vị thủ lãnh Hồi giáo phần đời). Quốc vương truyền chặt tay của John, nhưng Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra và nối lại bàn tay cho John; nhờ đó sự tin tưởng của những người bài trừ thánh tượng đối với John được phục hồi.

12. THÁNH JUSTIN MARTYR

  • Sinh tại Roma (100–164)
  • Mừng lễ: Ngày 01 tháng 6

Justin là một triết gia ngoại đạo, trở lại đạo vào tuổi 30. Trước hết, ngài nghĩ rằng sự khôn ngoan của người Roma theo phái Xtôic hoặc của người Hy Lạp theo triết học Platon có thể làm thỏa mãn niềm khao khát tri thức của ngài. Sau đó ngài nhận ra có một cái gì đó vượt trên sự hiểu biết nhân loại, đó chính là sự khôn ngoan thánh thiêng, có thể đạt được bằng đức tin. Trong tư cách là Kitô hữu, ngài quý trọng mạc khải thần linh, không như một cái gì đó phải cạnh tranh với triết học của con người nhưng như một sự canh tân và hoàn thiện nó.

Justin trở thành người bảo vệ Kitô giáo nổi tiếng và tỏ bày mạc khải thần linh cho dân ngoại, tương hợp với mạc khải được ban cho người Do Thái trong Cựu ước.

Justin bị giết khi đang trên đường đi đến Roma. Ngài đến đó để thành lập một trường Triết học Kitô giáo nhưng bị triết gia ngoại đạo Crescens chặn lại, tố cáo với chính quyền Roma rằng ngài là Kitô hữu. Vì Justin và 6 bạn đồng hành không chịu phụng thờ các thần ngoại của người Roma, nên bị kết án tù. Justin bị hoàng đế ra lệnh chặt đầu. Tuy nhiên các tác phẩm của ngài vẫn tồn tại, và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc những người ngoại giáo Roma và Hy Lạp trở lại đạo Công giáo.

13. THÁNH POLYCARP THÀNH SMYRNA

  • Sinh tại Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ) (69–155)
  • Mừng lễ: Ngày 23 tháng 02

Polycarp là môn đệ của Thánh sử Gioan và là bạn của thánh Ignatius thành Antioch. Lá thư ngài gởi cho giáo đoàn Philipphê là một trong những tài liệu tôn giáo không thuộc về Kinh Thánh vẫn còn nguyên vẹn, cho thấy sự hiện hữu và sử dụng văn chương Tân ước trong suốt những ngày đầu của Giáo Hội Kitô giáo cổ xưa.

Người Roma xem những Kitô hữu là vô thần vì họ từ chối tôn giáo đa thần của hoàng đế. Lòng căm thù đối với Polycarp mạnh mẽ, ngài bị xem như lãnh tụ của giáo phái chống lại văn hóa. Muốn thú dữ ăn thịt ngài và muốn thấy ngài bị xé ra từng mảnh, họ thúc giục chính quyền Roma giết Polycarp rất dã man. Các kẻ thù của ngài trói ngài vào cọc rồi thiêu sống, nhưng thân thể ngài không bị thiệu rụi. Tức giận, chúng đâm ngài cho đến chết (nhưng máu ngài phun ra dập tắt ngọn lửa) và ngài được lãnh nhận cái chết của vị tử đạo. Những bài viết của Polycarp, được Irenaeus xác nhận, là sự tiếp tục sứ mạng của các tông đồ về giáo huấn và giáo lý.

Chuyển ngữ: Sr. Maria Têrêsa Lê thị Kim Thu, SJP

Nguồn: John Trigilio & Kenneth Brighenti, Saints for Dummies, (Indianapolis, Indiana: Wiley Publishing, Inc., 2010), pp. 223-232.