Trong chương này chúng ta cùng sẽ tìm hiểu về:

  • Thánh Nicôla và thánh Patrick
  • Cùng các thánh mục tử đáng kính khác trong Giáo Hội.

Có những vị thánh đã dâng hiến cuộc sống mình để phục vụ Giáo Hội trong vai trò người mục tử – các ngài là những linh mục, giám mục, những người có trách nhiệm coi sóc đời sống thiêng liêng của dân Chúa. Mục tử hay “chủ chăn”, là những con người tốt lành luôn hướng đến những nhu cầu của đàn chiên mình và sẵn sàng bảo vệ đàn chiên của mình. Các ngài là những mẫu gương sống động trong việc coi sóc đàn chiên đã được Chúa giao phó cho các ngài. Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu một vài vị thánh nổi bật nhờ gương sáng của các ngài.

1. THÁNH LU-Y  GONZAGA

Sinh tại Lombardy nước Ý (1568-1591)

Phong chân phước: 1605

Hiển thánh: 1726

Ngày kính: 21 tháng 6

Bổn mạng: các sinh viên (ngài được giao phó sứ vụ dạy giáo lý cùng với các sinh viên), bổn mạng của tập sinh dòng Tên, những người mắc bệnh AIDS và những người chăm sóc bệnh nhân.

Lu-y là con trai trưởng của dòng tộc Marquis Castiglione, vì thế việc ngài sinh ra là kì vọng và là niềm mong chờ của nhiều người. Cha ngài hi vọng rằng khi lớn lên thánh nhân sẽ gia nhập quân đội và trở thành một vị chỉ huy mạnh mẽ, nhưng Lu-y muốn sống một cuộc sống tu trì ẩn dật.Thánh nhân và anh trai của mình đã được gửi đến học tại viện hoàng gia Tây Ban Nha, nơi đây hầu hết các hoàng tử nhỏ đều tham gia học tập. Cuộc sống nơi đây trở nên mệt mỏi và chán chường đối với cậu bé Lu-y, thay vì tham gia vào các thú vui sẵn có nơi trường học, thánh nhân tiếp tục thực hành các việc đạo đức và các kỉ luật sẵn có của mình. Ngài đã ăn chay, dậy sớm để cầu nguyện và làm giờ thánh, và thực hiện các việc khổ hạnh nặng nề.Cái chết của hoàng tử Tây Ban Nha đã giải thoát Lu-y khỏi tất cả các bổn phận của hoàng gia, và sau đó ngài nỗ lực hết mình để bước vào đời sống tu trì. Thánh nhân đã đọc các tạp chí và các tài liệu khác về các vị thánh và chuyện các tu sĩ, và được cuốn hút bởi công cuộc truyền giáo của các tu sĩ dòng Tên tại Ấn Độ. Ngài muốn tham gia vào nhánh cải cách của dòng Tên.Lu-y gia nhập tập viện dòng Tên ở Rôma vào năm 1585 khi sức khỏe của ngài rất yếu, ngài bị đau thận và chứng đau đầu kinh niên. Trong thời gian học Milan, vì sức khoẻ yếu đã cản trở Lu-y tiếp tục công việc học tập. Thánh nhân trở lại Rôma vào mùa bệnh dịch hạch tràn lan khắp thành phố. Ngài tình nguyện phục vụ và chăm sóc các bệnh nhân trong bệnh viện Dòng Tên.Cuối cùng Lu-y cũng đã nhiễm dịch bệnh và qua đời vào năm 1591. Ngài được tôn kính tại nhà thờ thánh Inhaxiô ở Rôma.

2. THÁNH AN-GA-RI-Ô

Sinh tại nước Pháp (AD 801-865)

Ngày kính: mùng 3 tháng 2

An-ga-ri-ô là một cậu bé thuộc tầng lớp quý tộc, ngài đã được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong đan viện Corbie gần Amiens, nước Pháp. Thánh nhân lớn lên trong tình yêu mến và lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Ngài gia nhập đời sống đan viện tại tu viện Corbie. Sau đó ngài chuyển đến miền Westphalia (một vùng của nước Đức), nơi đây ngài tiếp tục công việc giảng dạy. Những cơ hội mới cho đạo Công giáo và Kitô giáo bắt đầu mở ra trong khu vực Bắc Âu và An-ga-ri-ô đứng đầu trong số những người tìm cách giới thiệu Kitô giáo cho Đan Mạch và Thụy Điển. Ngài đã rất thành công trong việc thiết lập các giáo hội địa phương cho khu vực này.Theo lệnh của Lu-y cả, hoàng đế  Rôma, thánh nhân đã trở lại Pháp và được bầu làm Tổng giám mục Hamburg vào năm 831. Ngài tiếp tục thúc đẩy và phát triển Giáo Hội ngang qua việc giáo dục và xây dựng nhà thờ cũng như các đan viện .Khi hoàng đế Lu-y qua đời vào năm 840, việc cai quản đất nước bị chia cách cho ba người con trai của hoàng đế cai quản, các nhà thờ mới bị tấn công, bao gồm tổng giáo phận Hamburg. Nhưng cuối cùng, tân hoàng đế, Lu-y II, đã mang lại bình an cho đất nước và An-ga-ri-ô tiếp tục xây dựng và củng cố lại giáo phận của mình. An-ga-ri-ô không chỉ quan tâm chăm sóc giáo hội cách chung nhưng ngài còn quan tâm đến mục vụ cho từng cá nhân cụ thể.  Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ của mình với tư cách là Tổng giám mục, thánh nhân đã nuôi nấng, chăm sóc cho từng người ốm đau, nghèo nàn, những công việc bác ái từ thiện của ngài đã được rất nhiều người biết đến. Ngài từ chối bất kỳ lời khen ngợi nào cho vai trò phục vụ của mình như là một Tổng Giám Mục. Thánh nhân được coi là vị tông đồ kính đáng vùng Bắc Âu và là vị thánh bảo trợ của Đan Mạch. Ngài cũng được tôn kính trong nhà thờ của Chính thống Phương Đông, cũng như một số giáo phái Tin Lành và Anh giáo.

3. THÁNH ANTÔN ẨN SĨ

Sinh tại: Ai Cập

Bổn mạng của những người làm giỏ, bán thịt và các ẩn sĩ

Ngày kính: 17 thánh 1.

Mặc dù đời sống đan sĩ đã tồn tại được một thời gian dài trước đó, nhưng thánh Antôn được coi là tổ phụ sáng lập đời sống đan tu ở phương Đông, bởi những công việc thánh nhân làm trong việc xây dựng đời sống đan tu thì không một tu sĩ nào khác có thể làm được. Khi còn nhỏ, thánh nhân đã hướng đến một cuộc sống tách biệt khỏi thế gian và ngài không tham dự buổi học nào ngoài việc học tại nhà. Khi bố mẹ qua đời, thánh nhân đã thừa hưởng tài sản khổng lồ mà cha mẹ để lại và trở thành người chăm sóc cô em gái của mình.

Trong khi tham dự các công việc phục vụ tại nhà thờ, thánh Antôn đã nghe đoạn Phúc Âm nói về chuyện người thanh niên giàu có bán tất cả những gì anh có và cho người nghèo. Thánh nhân nhận lấy sứ điệp này như một dấu chỉ cho thấy Chúa muốn ngài làm những điều tương tự, vì vậy ngài đã đưa em gái của mình vào dòng cho các nữ tu chăm sóc-đây là bước khởi đầu của đời sống đan viện – sau đó thánh nhân đã bán hết tài sản của mình.

Thánh Antôn đã tự chọn cho mình đời sống ẩn dật và chuyên cần cầu nguyện, ăn chay, đọc sách và lao động chân tay, ngài hướng đến cuộc sống trọn hảo qua việc thực tập các đức tính như khiêm nhường, yêu mến và sự trinh khiết.

Vào năm 305, thánh Antôn thành lập một đan viện đầu tiên trong số rất nhiều đan viện khác. Người ta cho rằng thánh nhân đã qua đời ở tuổi 105 sau khi sống một cuộc đời nhiệm nhặt và kỷ luật.

Thành phố Vienna, Áo, có một nhà thờ lớn của tôn kính thánh Antôn, và một đan viện cũng để tôn kính ngài.

4. THÁNH ANTÔN CƠ-LA-RET

Sinh tại Tây Ban Nha (1807-1870)

Phong chân phước: 1934

Phong thánh: 1950

Bổn mạng của những nhà làm sách, ấn bản, các nhà truyền giáo Cơ-la-ret và giáo phận Canary.

Ngày kính:  24 tháng 10

Thánh Antôn sinh ra ở Tây Ban Nha trong một gia đình sản xuất len. Gia đình thánh nhân sống cuộc sống rất hạnh phúc và coi trọng tầm quan trọng của việc giáo dục. Ở tuổi vị thành niên, Antôn chuyển đến Barcelona để tiếp tục nghề buôn bán len, tại đây ngài khám phá ra ơn của mình và bị thu hút bởi đời sống đời tu trì.  Antôn đã mong ước được gia nhập và sống lối sống nhiệm nhặt theo luật dòng Carthusians, nhưng vì sức khoẻ yếu không cho phép ngài theo lối sống nhiệm nhặt này. Thay vào đó thánh nhân được phong chức linh mục trong giáo phận của ngài tại Vic, Catalonia, Tây Ban Nha. Thánh nhân đã cố gắng cộng tác với các tu sĩ Dòng Tên ở Rôma trong công việc truyền giáo, nhưng một lần nữa, sức khỏe của ngài đã bắt đầu xấu đi. Trở về Tây Ban Nha, ngài rao giảng trong giáo phận của mình và quần đảo Canary. Ngài thành lập một cộng đoàn tu trì, dòng con Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ hay còn gọi là dòng Cơ-la-ret.  Sự thánh thiện, kỹ năng tổ chức, và nhiệt huyết truyền giáo của thánh Antôn đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của Nữ hoàng Isabella II Tây Ban Nha. Theo đề nghị của nữ hoàng Isabella II, Đức Giáo Hoàng Piô IX bổ nhiệm thánh Antôn làm Tổng Giám mục của Santiago, Cuba. Đây là một giáo phận còn nhiều lộn xộn và khó khăn cả về thể lý lẫn tâm lý do chịu ảnh hưởng của một cuộc cách mạng. Tổng giám mục Antôn đã tái tổ chức lại giáo phận, thành lập trường học, đề cao kỉ luật của các giáo sĩ và tái cấu trúc chủng viện. Thánh Antôn được gọi trở lại Tây Ban Nha để làm cha giải tội cho nữ hoàng, ngài làm việc tại cung điện quân sự, Escorial, nơi đây ngài đã thành lập phòng thí nghiệm khoa học cho tu viện. Tại Barcelona, ngài thành lập một thư viện. Trong khi ở Ý và Tây Ban Nha tình hình chính trị đang theo chiều hướng xấu đi, Antôn đi đến Rôma để chuẩn bị cho Công Đồng Vatican I, công đồng tuyên bố tín điều về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Vào thời điểm đó, Ý đang trải qua thời kì khó khăn về sự hiệp nhất, triều đại giáo hoàng bị đe doạ, nhưng thánh Antôn Cơ-la-ret cho thấy rằng ngài một lòng sự hỗ trợ và bảo vệ cho Đức Giáo Hoàng Piô IX.

5. THÁNH ANTÔN DA-CA-RI-A

Sinh tại nước Ý (1502-1539)

Phong chân phước: 1890

Phong thánh: 1897

Bổn mạng: cộng đoàn Barnabite

Ngày kính: 5 tháng 7

Antôn Da-ca-ri-a được đào tạo nghành y khoa và trở về quê hương của mình để phục vụ như một bác sĩ. Không lâu sau đó ngài nhận được tiếng gọi từ trời cao và được thu hút sâu sắc về đời sống tu trì và ngài được phong chức linh mục vào năm 1527. Thánh Antôn thực hành các hoạt động bác ái cho những người nghèo và trong các bệnh viện.

Ngài đã tổ chức ba học viện cho các linh mục, nữ tu và giáo dân. Tu đoàn các linh mục tại thế của thánh Phaolô đã cam kết sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục tuy nhiên họ không khấn định sở trong tu viện hay đi khất thực. Hội các nữ tu thiên thần hộ thủ của thánh Phaolô đã được thành lập để giúp các thiếu nữ tránh rơi vào những cạm bẫy của thế gian. Cuối cùng, tu đoàn Giáo Dân của thánh Phaolô được thành lập cho các cặp vợ chồng như là sự hỗ trợ trong ơn gọi của họ.

Các giáo sĩ tại thế đã chọn nhà thờ thánh Barnabas ở Rôma làm trụ sở chỉnh được gọi là Barnabites. Công việc tông đồ chính của họ là khuyến khích sống phụng vụ thánh và các bí tích, và cuối cùng, Antôn bắt đầu việc tôn kính và chầu Thánh Thể trên bàn thờ của các nhà thờ trong ba ngày, ngày nay được biết đến như là bốn mươi giò tôn kính Thánh Thể. Việc tôn kính này được công bố ở Hoa Kỳ bởi Thánh Gioan Neumann (xem chương 11).

Antôn thực hành khổ hạnh nghiêm ngặt – một cuộc sống từ bỏ bản thân và hành xác và sống tinh thần nhiệm nhặt khổ chế- nên một phần lớn sức khỏe của ngài đã bị lấy đi. Vào năm 1539, trong khi đang thuyết giảng ngài đã bị sốt cao và qua đời một thời gian ngắn sau đó.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phong ngài lên bậc hiển thánh, và một đền thờ tôn kính ngài nằm trong Tu viện của thánh Phaolô ở Milan, Ý.

6. THÁNH ÂUTINH THÀNH CAN-TƠ-BƠ-RI

Sinh tại Can-tơ-bơ-ri, nước Anh (khoảng năm 605)

Bổn mạng: Can-tơ-bơ-ri, nước Anh và vương quốc Anh

Ngày kính: ngày 27 tháng 5

Âutinh là một tu sĩ Dòng Biển Đức và là bề trên một tu viện gần Rôma. Đức Giáo Hoàng Gregory Cả đã thấy được các ơn riêng và tài năng của thánh nhân và bổ nhiệm ngài làm sứ vụ truyền giáo tại Anh quốc. Lúc bấy giờ, do một vài cuộc chiến tranh và các cuộc xung đột của người ngoại giáo, nước Anh đã bị chia thành cộng đồng Kitô giáo nhỏ.

Các Kitô hữu ở Anh đã xin Đức Giáo Hoàng gửi thêm nhiều nhà truyền giáo nữa, và Âutinh đã được chọn đến để hướng dẫn họ. Đức Giáo Hoàng đã gửi nhiều phương tiện đến giúp thánh Âutinh có thể sử dụng trong việc tái lập Giáo Hội, bao gồm các linh vật, đồ thánh, đồ trang trí bàn thờ, và sách. Sau khi rửa tội vị vua nước Anh, thánh nhân trở lại Pháp để được thụ phong giám mục.

Thánh Âutinh đã thấy một thị kiến, sau đó ngài xây dựng một đan viện và nhà thờ mà ngày nay là Nhà thờ chính Tòa Can-tơ-bơ-ri. Thánh nhân cũng thành lập giáo phận Luân Đôn và Rochester và phải đối phó với những tàn dư của cuộc lưu đày của Giáo hội Cornwall và Wales bởi những cuộc xâm lược của ngoại giáo. Thánh Âutinh đã nỗ lực rất nhiều với hi vọng tái hợp nhất với nhóm này nhưng cuối cùng vẫn thất bại, tuy nhiên qua những cống hiến của ngài và các nhà truyền giáo khác đã được Rôma sai đến tạo nên nền móng vững chắc cho giáo hội tại Anh.

7. THÁNH BÊ-NA-ĐI-Ô XI-Ê-NA

Sinh tại Ý: 1380-1444

Phong thánh:1450

Bổn mạng: những người thiết kế quảng cáo, những người đau ngực, những người nghiện cờ bạc.

Ngày kính: 20 tháng 5

Thánh Bê-na-đi-ô sinh vào ngày 8 tháng 9, trùng với ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria, vì thế ngày sinh có ý nghĩa rất đặc biệt đối với ngài. Đây cũng là ngày thánh nhân lãnh Bí Tích Rửa Tội và ngày ngài được lãnh tu phục dòng thánh  Phanxicô, đây còn là ngày ngài được lãnh nhận thiên linh mục của mình.

Những thông tin suốt 12 năm đầu trong đời sống tu trì của thánh rất là hiếm hoi ngoại trừ việc chúng ta biết rằng ngài đã tuân giữ kỉ luật dòng Phanxicô một cách rất nghiêm ngặt, ngài có thuyên chuyển đến một nơi khác trong khuôn khổ của tu viện. Một người trong số anh em trong dòng đã xác quyết rằng thánh nhân cũng đã đi rao giảng cho vùng Lombardy.

Bất cứ nơi nào ngài đến, thánh Bê-na-đi-ô đều kêu gọi ăn năn sám hối và từ bỏ các thói hư nết xấu. Thánh nhân cũng truyền bá lòng tôn sùng thánh danh Chúa Giêsu và sử dụng thuật ngữ IHS để chỉ về danh thánh của chúa Giêsu – IHS là những chữ cái đầu tiên của tên Chúa Giêsu viết bằng tiếng Hy Lạp, sau này được dịch sang tiếng Latinh. Người ta thấy những tia sáng mặt trời phát ra từ những chữ viết tắt nơi biểu tượng xinh đẹp này.

Thánh Bê-na-đi-ô đã rao giảng khắp nước Ý. Thánh nhân tuân thủ các luật lệ dòng thánh Phanxicô một cách nghiêm ngặt, dòng thánh Phanxicô lúc bấy giờ chỉ có khoảng 300 người; nhờ việc thuyết giảng đầy xác tín và mạnh mẽ của ngài mà sau khi ngài qua đời, số thành viên của hội dòng đã tăng lên tới 4.000 người.

Thánh Bê-na-đi-ô đã được Giáo hoàng Ni-cô-la V phong thánh và được chôn cất tại Aquila, Ý, nơi cuối cùng ngài rao giảng.

8. THÁNH BƠ-RU-NÔ

Sinh tại Đức (1030-1101)

Phong thánh: 1623

Bổn mạng của thành Ruthenia và các nạn nhân bị quỷ ám

Ngày kính: 6 tháng 10

Đức Tổng Giám mục Manasses của Rheims, người đã bổ nhiệm ngài làm trưởng ấn trong giáo phận Rheims, Pháp, Bơ-ru-nô chứng kiến ​​nhiều vụ lạm dụng và sự tục hóa của hàng giáo sĩ trong đó có cả giám mục Rheims. Thánh nhân đã tường trình tất cả những gì mình biết qua các cuộc điều tra để kết tội ngài, tuy nhiên Đức Tổng Giám mục Manasses đủ  thông minh để nhận ra những báo cáo của Bơ-ru-nô liên quan đến mình vì thế ngài vẫn giữ được vị trí Giám Mục của mình. Thánh Bơ-ru-nô và các linh mục bạn của ngài đã thách thức Đức Tổng giám mục và các ngài đã bị bách hại sau đó.

Thánh Bơ-ru-nô muốn nghỉ hưu và cống hiến cuộc đời lại của mình trong đời sống tu dòng, và ngài đã gia nhập Dòng Carthusian ở Chartreuse, Pháp. Đức Giáo hoàng Urban II nghe về đời sống đạo đức của thánh Bơ-ru-nô và đã mời ngài đến Rôma để giúp Đức Giáo Hoàng trong phủ Giáo Hoàng. Thánh nhân nhận ra sự vâng phục vị chủ nhân giáo hội là một điều chính đáng và như một đức tính cần thiết cần được thi hành tại Rôma. Thánh nhân đã thành lập tu viện sống tinh thần  khắc khổ và giúp đỡ Đức Thánh Cha trong việc cải cách đời sống hàng giáo sĩ.

Khi Bơ-ru-nô đã sẵn sàng cho một cuộc sống ẩn dật của một tu sĩ, Đức Thánh Cha đã cho phép ngài  đến  sống tại Calabria, Ý. Tại đây, thánh nhân  đã xây dựng thêm hai tu viện và duy trì liên lạc với đan viện cũ của ngài ở Chartreuse.

9. THÁNH GA-Ê-TA-NÔ

Sinh tại Ý (1480-1547)

Phong chân phước: 1629

Phong thánh: 1671

Bổn mạng của những người thất nghiệp và đang kiếm việc làm:

Ngày kính: 7 tháng 8

Ga-ê-ta-nô được sinh ra với biệt danh  “Gaetano” ở Vicenza, Ý, và sống trong thời kỳ có sự thay đổi lớn lao cả về chính trị lẫn tôn giáo. Ngài được cử tới Padua, nơi đây thánh nhân tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ luật và làm việc dưới thời Đức Giáo Hoàng Julius II trong văn phòng trưởng ấn (tương đương văn phòng công chứng ngoài xã hội). Khi Đức Giáo Hoàng Julius qua đời, Ga-ê-ta-nô từ chức và gia nhập chủng viện. Ngài được phong chức năm 1516 và lấy tên là Ga-ê-ta-nô. Thánh nhân đã nỗ lực cho việc canh tân hàng giáo sĩ qua việc tổ chức lại tu đoàn Tình yêu Thiên Chúa của các linh mục nhằm giúp đỡ những người nghèo và trong các bệnh viện.

Ga-ê-ta-nô quay trở lại Vicenza và sau khi nhận ra sự cần thiết phải cải cách Giáo Hội, ngài đã làm việc với các linh mục khác để thành lập tu đoàn các linh mục tại thế hay còn gọi là Theatines. Tu đoàn này có mục đích khôi phục tinh thần và nhiệt huyết tông đồ trong hàng giáo sĩ, Ga-ê-ta-nô xác tín rằng sẽ không có sự canh tân đích thực trong Giáo hội nếu các linh mục không tự cải cách chính mình.

Thánh nhân qua đời vào ngày 7 tháng 8 năm 1547, tại Naples, nước Ý, và được phong thánh năm 1671 bởi Đức Giáo Hoàng Clement X.

10. THÁNH CA-XI-MIA

Sinh tại: Hà Lan (1458-1484)

Phong thánh: 1522

Bổn mạng đất nước Hà Lan và Lithuania

Ngày kính: 4 tháng 3

Ca-xi-mia là con thứ ba của vua Ca-xi-mia IV và  nữ hoàng Elizabeth nước Áo – con gái của Hoàng đế Albert II – và là hoàng tử của Lithuania. Từ nhỏ thánh nhân đã cam kết sống cuộc đời độc thân và ngài làm việc không mệt mỏi để phục vụ những người nghèo khổ. Cha và anh trai của Ca-xi-mia rất cảm kích trước việc làm của thánh nhân vì thế họ đã cùng tiếp tay với ngài trong việc làm phúc bố thí.

Ca-xi-mia miễn cưỡng vâng lời cha mình và chấp nhận lên ngai để cai quản ở Hungary. Ông đã buộc phải tham gia vào chính trị khi người dân Hungary đang rơi vào khủng hoảng vị vua của họ thờ ơ trong lãnh đạo, cùng với sự đe dọa của nhóm Hồi giáo Ottoman đang du nhập vào Christendom qua Hungary. Nhưng quân đội của Ca-xi-mia mất đi rất nhiều quân số, và thánh nhân trở về Ba Lan. Vua cha đã không hài lòng trước việc làm của Ca-xi-mia và bỏ tù ngài trong một lâu đài bên ngoài Kraków.

Trong suốt thời gian bị tù đày, đức tin, sự khổ hạnh và lòng sùng kính mến đã bừng cháy trong cuộc đời của thánh nhân. Cuối cùng ngài đã được đào tạo về tổ chức chính trị, vì thế ngài đã có thể lãnh đạo và cai trị Balan một cách khôn ngoan và cẩn trọng trong suốt thời gian cha ngài vắng mặt. Ngài qua đời vì bệnh lao vào ngày 4 tháng 3 năm 1484, và được chôn cất tại nhà thờ Vilna ở Lithuania

11. THÁNH CA-RÔ-LÔ BÔ-RÔ-MÊ-Ô

Sinh tại Ý (1538-1584)

Phong chân phước: 1602

Phong thánh: 1610

Bổn mạng của các giáo lý viên,, những người tân tòng, các chủng sinh và giáo phan Monterey, California,

Ngày kính: 4 tháng 11

Thánh Ca-rô-lô được đặt làm hồng y phó tế do chính người chú của mình là Đức Giáo Hoàng Piô I. Sau khi cha của ngài là bá tước Gilberto Borromeo qua đời, thánh nhân được thừa hưởng khối gia tài khổng lồ bao gồm rất nhiều tiền của và đất đai. Thánh nhân đã từ bỏ tất cả đi theo Chúa và ngài đã được thụ phong linh mục. Và sớm trở thành Tổng giám mục của Milan.

Thánh Ca-rô-lô đã miệt mài làm việc cùng chú của mình tại công đồng Trentô. Khi Đức Giáo Hoàng Pius IV qua đời, vị tân giáo hoàng Pius V, đã giữ lại Ca-rô-lô để làm việc. Thánh nhân đã đóng góp rất nhiều công sức trong các cuộc thảo luận của công đồng nhằm cải cách Giáo hội, đặc biệt ngài đã đóng góp phần lớn công sức để cải cách về phụng vụ và các bí tích cũng như cho ra đời cuốn giáo lý của công đồng Trentô.

Cùng với Đức Giáo Hoàng Piô V, Thánh Philip Neri, và Inhaxia thành Loyola, thánh Ca-rô-lô đã góp công xây dựng và cải cách Giáo Hội, những đóng góp này được xem như công việc cải cách Giáo Hội. Dầu vậy, thánh Ca-rô-lô muốn làm việc cho chính tổng giáo phận Milan của mình; sau nhiều năm bị bỏ rơi. Thánh nhân bắt đầu công việc cải cách của mình vào năm 1566 bằng cách thực hiện các cuộc thảo luận của công đồng Trentô, và sau đó ngài điều chỉnh đời sống, nơi ăn chốn ở cho hàng giáo sĩ, ngài thiết lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục và đã dành suốt cả cuộc đời và tài sản cho người dân Milan.

12. THÁNH CÔ-LUM-BAN
Sinh tại Ý (AD 540- 615)
Bổn mạng của những người đóng sách,  làm thơ và chống bão lụt.
Ngày kính: 23 tháng 11.

Cô-lum-ban sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc ở Ailen vào thế kỷ thứ sáu rồi di chuyển đến vùng Iona, Scotland, và sau đó sang Pháp. Ngài được thụ phong linh mục và lập các tu viện trên khắp các nước Ireland, Scotland, Ý, và Pháp, thánh nhân đã áp dụng các quy luật của dòng Thánh Biển Đức vào trong các đan viện của mình.

Trong bản luật – hoặc hiến luật bằng tiếng Latin – đề ra những quy luật mà mọi thành viên trong cộng đoàn phải tuân giữ. Bản luật này cũng nêu rõ những gì người phụ trách phải làm cũng như những gì các thành viên trong cộng đoàn có thể hoặc không thể làm trong cuộc sống hàng ngày. Bản luật của thánh Biến Đức là một trong những bản luật lâu đời nhất và đơn giản nhất, nó nêu rõ hai khía cạnh nổi bật của đời sống đan sĩ đó là cầu nguyện và lao động (ora et labora).

Những bản luật sống của thánh Cô-lum-ban cho đời sống tu viện, đã được thánh nhân viết thành những bản văn hoặc thi ca. Thánh nhân qua đời vào ngày 23 tháng 11, năm 615 tại Bobbio, Ý, nơi đây đan viện đã trở thành pháo đài đức tin và môi trường học hỏi cho bậc đan sĩ, sau khi qua đời thi hài thánh nhân lưu giữ trong nhà thờ các đan sĩ ở Bobbio.

13. THÁNH ÊU-XÊ-BI-Ô THÀNH VÉC-SE-LI
Sinh tại: Sardinia (AD 283–AD 371)
Bổn mạng của giáo phận Vercelli,  nước Ý
Ngày kính: 2 tháng 8

Thánh Êu-xê-bi-ô được đào tạo để trở thành giảng viên ở Rôma trước khi đến Véc-se-li ở miền bắc Italy để làm giám mục đầu tiên của vùng này. Trong khi Êu-xê-bi-ô đang cai quản giáo phận Vec-se-li, phái dị giáo Arian đã thâm nhập vào trong Giáo hội. Để chống lại bè phái này, Đức giáo hoàng Liberius đã gửi Đức Giám Mục Êu-xê-bi-ô gặp hoàng đế và xin phép triệu tập một công đồng để chống lại những bè rối trong giáo hội Công giáo.

Thượng hội đồng đã được tổ chức tại Milan vào năm 355 AD, nhưng Êu-xê-bi-ô đã nhận thấy rằng sóng gió đã xoay hướng và sự hòa giải khó có thể xảy ra. Hoàng đế từ chối chấp nhận các quyết định của Công đồng Nicea và lên án chống đối Thánh Athanasiô. Hoàng đế mong muốn tất cả các giám mục cam kêt đồng ý với việc kết án Athanasiô, nhưng Êu-xê-bi-ô từ chối, ngài tin vào sự vô tội của Athanasiô và hiệu lực của công đồng Nicea. (Athanasiô là đối thủ của Arius, người đã chối bỏ thần tính của Đức Kitô. Công đồng Nicea đã bênh vực và bảo vệ Athanasiô và đồng thời lên án Arius.)

Sau đó, Êu-xê-bi-ô đã bị lưu đày tới Palestine. Sau khi lễ đăng quang của vị tân hoàng đế, các giám mục lưu vong được phép trở lại tòa giám mục của mình. Êu-xê-bi-ô đã gặp Athanasiô ở Alexandria để cùng làm sáng tỏ học thuyết Kitô học.

Cuối cùng, Êu-xê-bi-ô trở lại Véc-sê-li và qua đời vào ngày 1 tháng Tám, năm 371.

14. THÁNH PHAN-XI-CÔ PAO-LA
Sinh tại: Calabria, nước Ý (1416–1502)
Phong thánh: 1519
Bổn mạng: vùng Calabria, những người thợ thuyền, và quân đội hải quân.
Ngày kính: 2 tháng 4

Thánh Phanxicô Pao-la được các linh mục Phanxicô giáo dục và là đấng sáng lập thành lập Dòng các anh em Phanxicô hèn mọn, vào năm 1492. Việc tuân giữ nghiêm ngặt các quy luật của Thánh Phanxicô đã thu hút rất nhiều người đến tu viện mới của ngài tại Cosenza.

Thánh Phanxicô được mọi người biết đến như là một con người với đời sống  thánh thiện và  hay làm phép lạ. Khi vua Louis XI của Pháp lâm bệnh nặng, ông muốn gặp gỡ Phanxicô, tuy nhiên ngay từ ban đầu thánh nhân đã từ chối. Vì thế, nhà vua đã xin sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng, và Phanxicô cảm thấy cần phải vâng phục Đức Giáo Hoàng. Ngài đã sang Pháp và chuẩn bị gặp nhà vua trước khi vua qua đời.

Sau khi vua qua đời, Phanxicô muốn trở về Ý, nhưng vị vua mới không cho phép ngài đi, nhà vua muốn Phanxicô ở lại Pháp vì đời sống thánh thiện tốt lành của thánh nhân.

Thánh Phanxicô qua đời ở tuổi 91 tại Pháp. Những người theo đạo Tin Lành tại Pháp đã quật mộ của thánh nhân lên vào năm 1562 và thấy thi thể của ngài vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị phân rã. Họ đốt xác của người, và những người Công Giáo mộ đạo lấy lại những mảnh xương vỡ còn sót lại của ngài để tôn kính.

15. THÁNH  GIÊ-RÔ-NI-MÔ Ê-MI-LI-A-NI

Sinh tại Ý: (1481–1537)

Phong chân phước: 1747
Phong thánh: 1767
Bổn mạng của các trẻ mồ côi, những người bị bỏ rơi
Ngày kính: 8 tháng 2

Giống như hầu hết những người đàn ông có địa vị xã hội vào thời bấy giờ, Giê-rô-ni-mô bắt đầu sự nghiệp của mình trong quân đội ở nước Cộng hòa Venice. Khi sức mạnh của Venice đã lan rộng và một cuộc chiến đã diễn ra.

Giê-rô-ni-mô bị bắt ở thị trấn Treviso miền bắc Ý và bị bỏ tù. Khi ở tù, thánh nhân đã có thời gian để suy ngẫm về cuộc sống trần thế của mình, nơi mà người ta không tin có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tại một nhà thờ ở Treviso, Giê-rô-ni-mô quỳ dưới chân bàn thờ của Đức Mẹ, và đã đặt cánh tay của mình lên đó để thánh hiến cuộc sống mình cho Mẹ Thiên Chúa.

Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-ni được thụ phong linh mục năm 1518 và dâng hiến bản thân mình để phục vụ cho người những người đau ốm, nghèo khổ, người mồ côi, và các nạn nhân bị dịch bệnh. Công việc tông đồ của thánh nhân đã thu hút rất nhiều người khác tham gia và  thánh nhân đã thành lập một tu đoàn các giáo sĩ tại thế tại Somascha, được gọi là dòng các linh mục Somaschi. Họ đã dâng hiến đời sống để phục vụ cho những người nghèo và thường xuyên thuyết giảng cho giới lao công.

Một lần nọ, khi đang thuyết giảng trong một cuộc viễn chinh thánh nhân đã lên cơn sốt cao và qua đời ở Somascha vào năm 1537.

16. THÁNH GIOAN BAO-TI-XI-TA LASAN
Sinh tại nước Pháp (1651–1719)

Phong chân phước: 1888
Phong thánh: 1900
Bổn mạng: các nhà giáo dục, giáo viên trẻ và hiệu trưởng các trường học.
Ngày kính:  7 tháng 4

Gioan sinh ra từ một gia đình có nguồn gốc quý tộc, khi cha mẹ qua đời thánh nhân đã dâng cúng toàn bộ tài sản được kế thừa của mình cho người nghèo. Ngài gia nhập chủng viện và được thụ phong linh mục vào năm 1678. Sau khi được phong chức Gioan rất quan tâm đến việc giáo dục cho các trẻ em nghèo và thiết lập một dòng tu mới, trường học công giáo của các sư huynh, chuyên phục vụ cho việc giáo dục.

Dòng thánh Gioan Lasan đã sớm trở thành dòng chuyên lo giáo dục lớn nhất trong Giáo Hội sau thời kì cải cách. Các trường học lan rộng khắp nước Pháp, tất cả dành cho việc giáo dục các trẻ em nghèo. Các sư huynh đã sử dụng ngôn ngữ địa phương của các quốc gia nơi họ đang sinh sống để dạy học thay vì dạy bằng tiếng Latinh.

Các trường học công lập cảm thấy nguy cơ bị tan rã, vì thế thánh Gioan và anh em của ngài phải đối diện với sự phản đối dữ dội từ phía các trường công lập. Nhờ sự sự kiên trì bền bỉ để bảo vệ các cơ sở giáo dục, các sư huynh đã vươn lên để xây dựng vững chắc các trường học của dòng.

Một thay đổi lớn trong hoạt động tông đồ của dòng đã xảy ra khi vua James II của nước Anh, bị lưu đày ở Pháp, nhà vua muốn xây dựng một ngôi trường cho các con của mình và các tầng lớp quý tộc tham gia. Gioan đã đề ra một cuốn sổ tay hướng dẫn trong đó đề ra các tiêu chuẩn cho tất cả các trường thuộc dòng anh em Lasan theo một chương trình học và quy chế nhất định.

Trụ sở chính của tỉnh dòng Gioan Lasan tọa lạc tại Rôma.

17. THÁNH GIO-AN KÊ-TY
Sinh tại: Hà Lan (1390–1473)
Phong chân phước: 1676
Phong thánh: 1767
Bổn mạng: Lithuania và  Hà Lan
Ngày kính: 23 tháng 12

Gioan đã dạy Kinh Thánh tại Đại học Kraków và là một giáo sư nổi tiếng, điều này đã tạo ra sự ganh ty giữa các giáo sư khác trong trường. Sau khi đã được phong chức, ngài được gửi đến để làm việc cho một giáo xứ. Thánh nhân đã rất lo lắng và căng thẳng về các sứ mạng mà ngài được giao phó với tư cách là mục tử trong giáo xứ vì những người trong giáo xứ của ngài không thích ngài. Nhưng Gioan vẫn kiên trì với sứ mệnh của mình qua việc cử hành Thánh lễ một cách trang trọng cùng với những bài giảng xuất sắc đã làm thay đổi thái độ của giáo dân. Khi ngài được gọi quay trở lại trường đại học để dạy Kinh Thánh, các giáo dân của ngài đã rất tiếc nuối không muốn ngài ra đi.

Gioan là một người bạn tuyệt vời của những người nghèo, ngài thường chia sẻ thức ăn, của cải và tiền bạc của riêng mình cho họ. Với tinh thần khiêm tốn như thế nên khi đi hành hương tới Rôma, ngài đã đi khắp mọi nơi với rất ít những thứ cần thiết.

Ngài qua đời ở tuổi 83. Một tu đoàn mang tên thánh Gioan kê-ty đã ra đời. Tu đoàn nà  đã cống hiến cuộc sống mình để làm việc cho việc khôi phục phụng vụ Latinh, và các cử hành thánh lễ ngoại lịch được sử dụng trước Công Đồng Vatican II.

18. THÁNH GIOAN  CA-PÉT-RA-NÔ
Sinh tại Ý  (1386–1456)
Phong chân phước: 1650
Phong thánh: 1690
Bổn mạng : các nhà thẩm phán, linh hướng quân đội,
Ngày kính: 23 tháng 10

Khi còn là một thanh niên, thánh nhân đã theo học luật tại Đại học Perugia và cuối cùng được bầu làm thống đốc của một khu vực. Bấy giờ nước Ý đang trải qua sự thay đổi và khó khăn về chính trị và kinh tế; cuộc nội chiến đã xảy ra.

Gioan đã bị bắt và bị bỏ tù, nơi đây ngài có thời gian để suy nghĩ về cuộc đời của mình. Cuộc hôn nhân của ngài đang có nguy cơ chia rẽ, không thể hàn gắn, và thánh nhân đã quyết định gia nhập Dòng Phanxicô.

Gioan được thụ phong linh mục vào năm 1420 và trở nên nổi tiếng như một nhà hùng biện tài ba. Hoàng đế Frederick III khuyến khích Gioan dùng tài năng của mình để kêu gọi chống lại một nhóm dị giáo, Hussites, đang nở rộ ở miền trung Âu.

Nhóm này có nguồn gốc ở Prague và được lãnh đạo bởi nhà cải cách Gioan Huss. Mặc dù Huss đã bị kết án và bị xử tử như một kẻ dị giáo, phong trào của ông vẫn còn tồn tại, nhờ lời rao giảng mạnh mẽ của Gio-an Ca-pét-ra-nô đã đưa mọi người trở lại với giáo hội.

Công giáo ở châu Âu đang bị đe doạ lớn với sự sụp đổ của Constantinople trong tay của người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kì. Đức Giáo Hoàng Nicôla V kêu gọi thánh Gioan dẫn đầu một cuộc thập tự chinh chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ, và thánh nhân đã thuyết giảng cho người dân Áo và Hungary, khuyến khích họ tham gia cuộc chiến. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chùn bước, ít nhất là trong một thời gian.

Thánh Gioan bị bệnh ngay trên chiến trường, khi ngài đang cử hành các bí tích, và Thánh Lễ. Ngài qua đời vào ngày 23 tháng 10 năm 1456.

19. THÁNH GIÔ-SÊ-MA-RI-A ÉT- KA-RI-VA
Sinh tại Rôma, nước Ý (1902–1975)
Phong chân phước: 1992
Phong thánh: 2002
Bổn mạng của những người lao công
Ngày kính: 26 tháng 6

Khi lên 15 tuổi, Giô-sê-ma-ri-a phải chứng kiến ba người chị em của mình lần lượt ra đi còn người cha thì bị phá sản. Cảm nhận được tiếng Chúa gọi trong thiên chức linh mục, thánh nhân đã gia nhập chủng viện, lấy bằng thần học và luật dân sự, và được thụ phong năm 1925.

Đang khi thi hành vai trò của một linh mục giáo xứ, Giô-sê-ma-ri-a Ét- ka-ri-va đã nhận ra Chúa mời gọi ngài tiến xa hơn nữa, và ngài đã thành lập phong trào Opus Dei, dịch tiếng Latin là “những người làm việc của Chúa”. Gần 35 năm trước khi Công đồng Vatican II người ta sử dụng cụm từ “lời mời gọi đến sự thánh thiện phổ quát”, Giô-sê-ma-ri-a Ét- ka-ri-va đã khái niệm hóa cụm từ này và thành lập phong trào Opus Dei như là một phương tiện kêu gọi các tín hữu Công giáo bình thường có thể thánh hóa cả cuộc đời của họ qua việc thánh hóa công việc hàng ngày của họ.

Trong thời trung đại, tầng lớp nông dân cho rằng chỉ có các nam nữ tu sĩ mới có khả năng đạt đến sự thánh thiện, tầng lớp bình dân (không phải là quý tộc) tìm đến những nhà đạo hạnh được thấm nhuần đời sống đạo đức. Những người sống đời trì tu đề cao công việc và cầu nguyện, trong khi đời sống đời thường có rất nhiều công việc nhưng ít thời gian để cầu nguyện.

Thay vì đi nhà thờ bất cứ khi nào chuông reo (như các tu sĩ nam nữ phải làm mỗi ngày), Giô-sê-ma-ri-a suy nghĩ về cuộc đời của Thánh Giuse và Đức Trinh Nữ Maria, hai người đạo đức thánh thiện nhất sau Chúa Giêsu Kitô. Thánh Giuse và Mẹ Maria là những người dân giản dị và khiêm tốn. Các ngài đã dành hầu hết thời gian của mình làm lao động thủ công. Là những người Do Thái trung thành, thánh Giuse và Đức Mẹ cũng đi lên đền thờ để cầu nguyện nhưng không phải mỗi ngày. Nó không buộc phải làm như thế.

Cũng thế, Giô-sê-ma-ri-a nghĩ, sự thánh thiện của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào thời gian dành để đến những nơi thánh mà là công việc hàng ngày được hiến thánh cho Thiên Chúa. Trong khi cầu nguyện hàng ngày là điều thiết yếu, vì vậy cần làm cho công việc hàng ngày trở thành một “lời cầu nguyện”. Giô-sê-ma-ri-a khám phá ra rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức vì bất cứ công việc thường lệ nào của mỗi người đòi hỏi và cống hiến nỗ lực của mình cho Đức Chúa Trời, thì công việc đó được làm nên thánh.

20. THÁNH MÁC-TI-NÔ THÀNH TOURS
Sinh tại: Thượng Pannonia, Hungary (AD 316-AD 397)

Bổn mạng: người ăn xin, người chơi ngựa, và người giám hộ của Thụy Sĩ; chống nghiện rượu, bần cùng, nghèo đói

Ngày kính: 11 tháng 11

Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo ở Hungary, Mác-ti-nô học và theo Kitô giáo khi mới tuổi 10. Ngài trở thành một người lính và phục vụ trong quân đội của hoàng đế.

Trong thời gian làm việc trong quân đội, Mác-ti-nô đã viếng thăm điện Amiens thuộc nước Pháp ngày nay. Vào một buổi sáng giá lạnh, và tại cổng thành có một người ăn xin đang đứng đó với cái lạnh buốt giá và bụng đói meo, trên người thì quần áo không đủ ấm. Mác-ti-nô không có nhiều để chia sẻ, bởi vì những người lính được trả lương thấp. Ngài đã xuống ngựa và chia sẻ cho người ăn xin một nửa chiếc áo choàng của mình.

Nhìn những vết rách chiếc áo choàng của Mác-ti-nô,  một số người đã cười mỉa mai, trong khi những người khác cảm thấy xấu hổ vì họ đã không góp phần giúp đỡ một ông lão nghèo. Khi câu chuyện tiếp tục trong đêm đó, Mác-ti-nô đã có một giấc mơ rằng Chúa Chúa Kitô đến với ngài và mặc thêm mảng vải choàng đã bị mất đi khi ngài chia sẻ cho người ăn xin. Câu chuyện trên đáng cho Kitô hữu suy gẫm khi họ làm những cử chỉ tốt đẹp cho tha nhân.

Mác-ti-nô tiếp tục là một người lính, và trong một cuộc chiến thành công, vị hoàng đế đã sẵn sàng thưởng công rất lớn cho ngài, nhưng Mác-ti-nô từ chối và muốn được rời khỏi quân đội. Điều này làm cho hoàng đế tức giận, bởi vì Mác-ti-nô là một người lính tốt, và ông đã giam Mác-ti-nô vì tội phản bội với hy vọng rằng thánh nhân sẽ thay đổi ý định của mình. Cuối cùng ngài được thả tự do ở Poitiers, Pháp.

Mác-ti-nô muốn sống một cuộc sống yên tĩnh như một tu sĩ và bắt đầu đời sống đan viện tại đây. Sau khi Giám mục Tours qua đời, người ta muốn thánh trở thành giám mục mới của họ. Mặc dù rất vẫn thích cuộc sống thanh tịnh nơi đan viện, thánh nhân đã chấp nhận thỉnh cầu của họ để trở thành giám mục. Thông qua việc giảng dạy và mẫu gương của đời sống thánh thiện, thánh nhân đã hoán cải và kêu gọi được nhiều người ngoại giáo trở lại. Các nơi thờ ngẫu tượng và nhiều đền thờ ngoại giáo đã bị phá hủy, thay vào đó là các nhà thờ Công Giáo được xây dựng.

Lúc bấy giờ, nhiều nhóm dị giáo bắt đầu hình thành bởi sự nhầm lẫn trong học thuyết về đức tin. Nhóm Priscillian – một tông phái tôn giáo ngộ đạo là một điển hình, và phái Manichean. Mác-ti-nô thành công trong việc chống lại nhóm dị giáo này, nhưng khi hoàng đế lên án các thành viên này cho đến chết, Mác-ti-nô cầu xin cho sự khoan hồng và tha thứ cho họ.

21. THÁNH NI-CÔ-LA BA-RI
Sinh tại Thổ Nhĩ Kỳ (AD 270–AD 346)
Bổn mạng: lính thủy, giới trẻ phương Tây, ….
Ngày kính : 6 tháng 12

Nicôla là Giám mục của Myra ở Tiểu Á. Vào thời của thánh nhân, các thiếu nữ không thể kết hôn trừ phi họ có một tài sản thích hợp. Một người đàn ông nọ, có ba cô gái, đã mất tất cả tài sản của mình và phải bán cả ba cô con gái mình cho vào nhà chứa. Nicôla nghe thấy điều này, vào giữa đêm, ngài lấy một bao tải vàng, đủ để con gái lớn kết hôn, và ném nó qua cửa sổ mở của ngôi nhà của người đàn ông nọ. Ngài cũng đã làm điều này cho hai người cô gái còn lại, và người cha đã đào một lỗ nhỏ để xem ai đã quảng đại và hào phóng như thế.

Khi câu chuyện huyền thoại của Nicôla đã lan rộng khắp nơi, thánh Nicôla trở thành Sinter Klaas theo tiếng Hà Lan và ông già Noel dịch sang tiếng Anh. Câu chuyện về ông già vui nhộn và tử tế đã được đề cập trong nhiều ca khúc Giáng sinh, đó chính là thánh Nicôla Bari. Tuy nhiên, những hình ảnh ngày nay về thánh nhân thì diễn tả rất ít về con người thực của ngài. Thánh nhân không mặc bộ com-lê đỏ-trắng, cũng không phải là ông già cưỡi xe trượt tuyết với tám con tuần lộc. Đây là những yếu tố huyền thoại của ca khúc “người cha Giáng sinh” những yếu tố này đã được gắn cho thánh Nicôla sau khi những người nhập cư Châu Âu đến Thế giới Mới. Thánh Nicôla thực sự đã ăn mặc như một giám mục thời đó, đã làm nhiều công việc tốt và thực hiện nhiều phép lạ cho trẻ em, những người mà ngài rất mực yêu thương và quý mến.

Thánh nhân được tôn kính trong nhiều nhà thờ Công giáo Chính thống và Byzantine vì đã bảo vệ cho đức tin Kitô giáo chống lại nhiều lạc giáo gây ra cho Giáo hội trong thế kỷ thứ ba và thứ tư, đặc biệt là  phái Arius. Ngài là bảo trợ của thủy thủ bởi vì, theo truyền thuyết, những thuỷ thủ ở biển Địa Trung Hải đã nhắc đến tên của ngài trong cơn bão, và thánh nhân hướng dẫn và giúp họ cập bến an toàn. Ngày lễ mừng ngài được tổ chức trọng thể và trong bầu khí hân hoan vui nhộn ở các nước Bắc Âu.

Vào thế kỉ thứ 11, trong suốt thời kỳ người Hồi giáo đóng chiếm rất nhiều thành phố và các cứ điểm của Kitô giáo ở vùng Địa Trung Hải, di hài của thánh Nicôla đã được rước về một cách an toàn  tới Bari, Ý, và tồn tại cho đến ngày nay. Tại thành phố này, một vương cung thánh đường tuyệt đẹp được xây dựng để tôn kính ngài. Người Nga đã tôn kính thánh nhân như là người bảo vệ cho chính thống giáo, do đó, cho đến khi cuộc cách mạng Nga diễn ra, người Nga thường xuyên đi đến Bari để hành hương và kính nhớ ngài.

22. THÁNH  PÁT-RÍCH
Sinh tại nước Anh (AD 387–AD 461)
Bổn mạng: Ai-len, một số giáo phận tiếng Anh, và kỹ sư; được kêu gọi chống lại sự sợ hãi của rắn và bị rắn cắn.
Ngày kính: 17 tháng 3

Pát-rích sinh ra ở thành phố Hadrian phía Nam nước Anh, trước đây là một phần của Đế chế La Mã. Khi còn là thanh thiếu niên, thánh nhân đã bị những người Ai-len bắt cóc và được đưa tới Ai-len, nơi ngài bị bắt làm nô lệ trong sáu năm. Trong thời gian đó, ngài đã lớn lên trong nền văn hóa Ai-len. Khi trốn thoát và trở về đoàn tụ với gia đình, thánh nhân nguyện sẽ trở lại Ai-len một ngày không xa.

Ngài tích cực tham gia học tập tại nhiều đan viện khác nhau và cuối cùng được thụ phong linh mục và sau đó là giám mục. Đức Giáo hoàng Celestine đệ nhất đã ủy nhiệm cho Pát-rích làm sứ thần cho Ai-len.

Ban đầu thánh Pát-rích gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc với những người ngoại đạo, đặc biệt là các thầy phù thủy. Họ không muốn từ bỏ quyền lực của mình trên tôn giáo cũ và họ rất sợ thánh Pát-rích và Kitô giáo. Mặc dù nhà cầm quyền, vua Laoghaire, không theo Kitô giáo, nhiều thành viên trong gia đình ông trở lại, và dần dần, giáo phái cũ bắt đầu lụi tàn. Pát-rích đi từ thị trấn này tới thị trấn, phá hủy các thần tượng và đền thờ và đồng thời cho xây dựng nhà thờ Công giáo. Vào năm 444, nhà thờ chính tòa đầu tiên của Ai-len được xây dựng tại Armagh.

Ngài đã làm phép rửa, ban phép thêm sức và cho thụ phong nhiều linh mục, ngài cũng đã xây dựng nhiều trường học và tu viện. Hàng ngàn người trở lại Công Giáo dưới sự dẫn dắt của ngài. Thánh nhân đã hoàn thành tất cả các hoạt động này trong vòng chưa đầy 30 năm, trong thời gian đó toàn bộ đảo quốc Ai-len đã được trở lại đạo. Vào cuối cuộc đời, thánh nhân đã viết cuốn  tự thuật”, trong đó ngài ghi lại cuộc đời và sứ mệnh của mình. Thánh nhân qua đời vào ngày 17 tháng 3 năm 461, vì tuổi già bệnh tật. Ngài đã được chôn cất tại Downpatrick thuộc Bắc Ai-len ngày nay.

Nhiều câu chuyện kể về thánh Pát-rích. Chim cỏ ba lá là hình ảnh được vị giám mục thánh thiện này dùng để giải thích Ba Ngôi Thiên Chúa cho người ngoại giáo. Một huyền thoại nữa là Pát-rích đã xua đuổi được tất cả loài rắn ra khỏi Ai-len; rắn là một biểu tượng phổ biến trong số những người ngoại giáo Ai-len. Ngài là một trong những vị thánh được tôn kính nhất trong Giáo hội Công giáo. Lời cầu nguyện nổi tiếng “sự phù trợ của thánh Pát-rích”, được cho là của chính thánh nhân.

23. THÁNH PHAOLÔ THÁNH GIÁ Sinh tại nước Ý (1694–1775)
Phong chân phước: 1853
Phong thánh: 1867
Bổn mạng: Ovada, Ý
Ngày kính: 19 tháng 10

Ngay khi còn rất trẻ thánh Phaolô có lòng say mê yêu mến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, ngài thấm nhuần tinh thần này là do mẫu gương của mẹ ngài, người đã dạy thánh nhân biết thánh hóa những đau đớn và những khó khăn thử thách mà ngài sẽ gặp phải cho Thiên Chúa.

Thời niên thiếu, Phaolô đã nhận được một thị kiến, điều này đã thúc đẩy ngài thành lập một dòng tu mới cho các linh mục, dòng Chúa Giêsu Cứu Thế, dòng này được còn gọi là dòng anh em Chúa Cứu Thế, vào năm 1720. Hội dòng dâng hiến để phục trong các giáo xứ và giúp cho các chủng viện, nhà đào tạo và các đan viện. Vào cuối cuộc đời của mình, thánh Phaolô cũng thành lập một hội dòng nữ chuyên chiêm niệm được gọi là dòng Các Nữ tử Chúa Cứu chuộc.

Ngày nay, nhiều đền thờ trên khắp châu Âu và ở Mỹ được các tu sĩ dòng Chúa Cứu Chuộc cai quản trong đó có ngôi đền nổi tiếng của Thánh Gabriel khổ nạn thuộc dãy núi Abruzzi ở Ý, và tại Hoa Kỳ, đền thờ thánh Anna ở Scranton, Pennsylvania. Ngoài ra, các linh mục này cũng làm việc trong các tu viện và trung nhà tĩnh tâm khác nhau. Đền thờ chính của thánh Phaolô, nơi chứa các thánh tích của ngài, là Nhà thờ Thánh Gioan và Phaolô ở Rôma.

24. THÁNH VINH SƠN  PHÊ-RI-Ê
Sinh tại Tây Ban Nha (1350–1419)
Phong thánh: 1455
Bổn mạng: nhà xây dựng, công nhân xây dựng, thợ ống nước, nhà sản xuất gạch, ngói.

Ngày kính: 5 tháng 4

Vinh Sơn đã có một tình yêu tuyệt vời đối với người nghèo và sẵn sàng chia sẻ những gì mình đã có cho họ. Ngài gia nhập vào dòng thánh Đaminh, và được thụ phong linh mục. Chẳng bao lâu ngài trở thành một học giả và nhận bằng tiến sĩ. Ngài am hiểu về các lãnh vực như triết học, thần học, và Thánh Kinh. Người ta nói rằng thánh nhân đã có một thị kiến về Thánh Đaminh và Thánh Phanxicô trong thời giai đầu của đời linh mục và từ đó có nhiều kinh nghiệm thần bí.

Kiến thức uyên bác của ngài đã sớm được lan truyền khắp nơi. Trong thời kỳ li giáo Tây phương năm 1378-1417, ba người tuyên bố đồng thời là giáo hoàng. Vinh Sơn bắt đầu rao giảng kêu gọi sự hiệp nhất của Giáo Hội khắp Châu Âu. Ngài cầu xin những vị giáo hoàng giả phải từ chức để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Vị giáo hoàng giả Biển Đức XIII, người đã bị lên án tại Avignon, Pháp, đã được Vinh Sơn khuyên kêu gọi trở lại để chấm dứt sự phân ly.

Vinh Sơn tư vấn cho Vua Castile của Tây Ban Nha rút lui khỏi sự ủng hộ của ông đối với việc chống đối giáo hoàng lại Avignon, điều này đã chấm dứt triều đại cai trị của Biển Đức XIII. Sự từ chức của vị giáo hoàng chân chính và truất phế hai vị giáo hoàng giả đã mở đường cho việc tuyển chọn người kế vị đích thực cho Thánh Phêrô, đó là di sản lớn nhất của thánh Vinh Sơn.

Thánh nhân đã làm rất nhiều phép lạ trước và sau khi ngài qua đời. Đền thờ chính nằm ở thành phố Vannes (Pháp) ở Nhà thờ chính tòa Vannes là nơi chôn cất thi hài của thánh nhân.

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Thúy Nga, NVHB

Nguồn: John Trigilio & Kenneth Brighenti, Saints for Dummies, (Indianapolis, Indiana: Wiley Publishing, Inc., 2010), pp. 195-214.