Chủ đề của chương này:
- Các Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh thông thái, như thánh Augustinô, Giêronimô và Tôma Aquinô
- Các Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh có tầm ảnh hưởng lớn
Đời sống và giáo huấn của một số người nam và người nữ thánh thiện quá uyên thâm và có ảnh hưởng đến nỗi tước hiệu của họ đã vượt qua danh hiệu Linh Mục hay Nữ Tu của Giáo Hội Công Giáo. Những vị này là Tiến Sĩ Hội Thánh, một danh hiệu công nhận những việc làm, các tác phẩm cũng như chính cuộc sống của họ. Đức giáo hoàng là người đưa ra sự chấp thuận cuối cùng trước khi tước hiệu này có thể được ban cho một người được xem là xứng đáng.
Trong chương này, chúng tôi giới thiệu những Tiến Sĩ mà những việc làm và tác phẩm của họ đã thay đổi thế giới một cách đáng kể.
Thánh Albertô Cả
Lauingen, Bavaria (1206–1280)
Chân phước: 1622
Hiển thánh: 1931
Tiến sĩ Hội Thánh: 1931
Quan thầy: Các nhà khoa học, hóa học
Ngày lễ kính: 15 tháng 11
Là thành viên của Dòng Thuyết Giảng, còn được gọi là Dòng Đaminh, Albertô khởi sự việc giảng dạy của mình tại Cologne, Regensburg, Strasburg, và Paris, nơi ngài đã nhận bằng thạc sĩ. Các tác phẩm của ngài bao gồm cả một thư viện có giá trị về triết học, thần học, và các nghiên cứu về Kinh Thánh. Ba mươi tám bộ các tác phẩm của ngài vẫn còn tồn tại, một số trong đó là các bài giảng của ngài. Albertô là một học giả am tường trong lãnh vực khoa học tự nhiên (vật lý, địa lý, thiên văn, khoáng vật, thuật giả kim và sinh học) cũng như trong ngành triết học (logic, siêu hình học, toán học, và đạo đức học).
Albertô đã đóng góp rất nhiều vào lĩnh vực triết học qua việc dịch các tác phẩm của Aristotle và kết hợp chúng vào các nghiên cứu của Kitô giáo. Triết học, một ngành dựa vào lý luận và logic của con người, là một công cụ không thể thiếu cho sự hiểu biết thần học, nghiên cứu chân lý mạc khải của Thiên Chúa.
Tôma Aquinô, người học trò ưu tú của thánh Albertô, cũng đã trở thành một vị thánh và một Tiến Sĩ Hội Thánh (xin xem bài về ngài trong phần sau của chương này).
Thánh Anphonsô Liguori
Marianella, Campania, Kingdom of Naples (1696–1787)
Chân phước: 1816
Hiển thánh: 1839
Tiến sĩ Hội Thánh: 1871
Quan thầy: các học giả
Ngày lễ kính: 1 tháng 8
Anphonsô từ bỏ nghề luật sư để theo đuổi ơn gọi linh mục, cuối cùng ngài đã thành lập Dòng Chúa Cứu Thế. Hai cuốn sách của ngài, Thánh Thể và Vinh Quang Đức Maria, là câu trả lời cho những chống đối, không chấp nhận cho việc Rước Lễ hằng ngày, và sự tận hiến cho Mẹ Maria.
Thánh Ambrôsiô
Trier, Germany (AD 337–AD 397)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1298
Quan thầy: giáo viên và học sinh
Ngày lễ kính: 7 tháng 12
Ambrôsiô là một người mạnh mẽ và kiên cường bảo vệ đức tin và thần tính của Đức Kitô, chống lại bè rối Ariô và cuối cùng đã loại trừ được dị giáo này. Bộ sưu tập các bài giảng của Ambrôsiô đã hình thành nền tảng cho tổng luận nghiên cứu thần học của ngài.
Ambrôsiô đã có hai cuộc đối mặt đáng kể trong sự nghiệp của mình — một cuộc đụng độ với hoàng đế La Mã Theodosiô và sự hoán cải của Augustinô.
Để trả thù những người chống đối quyền lực của mình, Theodosiô đã ra lệnh giết 7.000 người chỉ để chứng tỏ uy quyền. Ambrôsiô truyền lệnh cho hoàng đế phải làm việc sám hối công khai, và hoàng đế đã thi hành mệnh lệnh này.
Augustinô, người đang né tránh lãnh Bí Tích Rửa Tội, và Mônica, mẹ của Augustinô, đến nghe Ambrôsiô thuyết giảng. Augustinô được đánh động mãnh liệt bởi bài giảng của Ambrôsiô đến nỗi đã xin lãnh Bí Tích Rửa Tội ngay lập tức, và sau đó đã trở thành một trong các nhà thần học và các thánh vĩ đại nhất của Giáo Hội.
Trong nhiều tác phẩm của mình, Ambrôsiô đã giải quyết các vấn đề về cải cách phụng vụ, cơ cấu giáo phận, bài giảng trong thánh lễ, thần học tu đức và thần học thi ca. Ngài qua đời vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 397, nhưng ngày lễ kính của ngài được mừng vào ngày 7 tháng 12, ngày mà ngài được chọn làm Giám Mục của Milan.
Thánh Anselm
Aosta, Kingdom of Burgundy (1033–1109)
Hiển thánh: 1494
Tiến sĩ Hội Thánh: 1720
Ngày lễ kính: 21 tháng 4
Anselm được coi là cha đẻ của trường phái Kinh Viện, một phương pháp học thần học và triết học thời trung cổ dựa theo học thuyết của Aristotle, Augustinô, và các nhà lãnh đạo khác của Giáo Hội sơ khai. Trường phái Kinh Viện là chiếc cầu nối cho khoảng cách giữa tôn giáo và lý trí.
Các tác phẩm của Anselm góp phần đáng kể cho việc xác định các thuộc tính của Thiên Chúa cũng như giải thích sâu rộng hơn các khái niệm về chân lý, tự do ý chí, nguồn gốc của sự ác, và nghệ thuật lý luận. Hai trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là Monologium, cung cấp bằng chứng siêu hình về sự tồn tại của Thiên Chúa, và Proslogium, một nghiên cứu về thuộc tính của Thiên Chúa.
Ngài trở thành Tổng Giám Mục Canterbury năm 1092. Mặc dù hiện nay nhà thờ Chính Tòa thuộc về Giáo Hội Anh Giáo và bị hư hại bởi sự tàn phá của cuộc nổi dậy chống Vua Henry VIII của người Tin Lành, người ta tin rằng thánh tích của ngài vẫn còn được giữ trong một nhà nguyện dành riêng cho ngài trong tòa nhà này.
Thánh Antôn Padua
Lisbon, Portugal (1195–1231)
Hiển thánh: 1232
Tiến sĩ Hội Thánh: 1946
Quan thầy: tìm kiếm những vật bị mất
Ngày lễ kính: 13 tháng 6
Vị thánh với cái “Lưỡi Vàng”
Mặc dù ảnh hưởng trong lớp học và nơi bục giảng có thể đã đưa Antôn đến biệt danh như là vị thánh với cái “Lưỡi Vàng”, biệt danh trở nên quan trọng hơn sau cái chết của ngài, khi người ta phát hiện ra rằng lưỡi của ngài không bị phân hủy. Ngài thuyết giảng quá hùng hồn đến nỗi trong một dịp, khi thị trấn của những kẻ dị giáo nhất định từ chối lắng nghe ngài, Anthony đã giảng cho cá trong hồ ở gần đó. Bầy cá đông đúc xếp thành những hàng ngang và hàng dọc rồi ngóc đầu lên khỏi mặt nước, như thể để lắng nghe nhà hùng biện vĩ đại. Khi người dân trong thị trấn thấy sự kiện kỳ diệu này, họ đã quyết định lắng nghe và đã sớm trở lại với đức tin.
Khả năng hùng biện xuất chúng của Antôn — cả trong lẫn ngoài bục giảng — khiến ngài được Đức Giáo Hoàng Gregory IX gọi là “Hòm Bia giao ước”. Tài năng nói trước công chúng đã đưa ngài đến một nhiệm vụ tại Đại học Padua, nhưng tài năng thực sự của ngài đến từ bục giảng, nơi ngài giành được nhiều linh hồn qua nghệ thuật thuyết phục.
Antôn đã trở thành một thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM), thường được gọi là Dòng Phanxicô, vào năm 1220. Ngài chịu trách nhiệm về việc cải tổ trong Giáo Hội, cũng như nhiều cuộc hoán cải về với Giáo Hội.
Antôn là vị thánh bảo trợ mà bạn có thể cầu cứu, khi bất cứ cái gì (hay ai đó) bị mất. Một ngày kia, Antôn bị mất cuốn sách kinh, ngài đã cầu nguyện với Chúa và đã tìm thấy nó. Hóa ra là một tập sinh đã ăn trộm cuốn sách và trốn đi, có ý định rời bỏ đời tu và bán sách để lấy tiền. Tuy nhiên, ngay khi Antôn cầu nguyện, tập sinh đó đã hoán cải, ăn năn tội lỗi của mình, trở về với các thầy dòng và trả lại cuốn sách. Kể từ đó, người Công Giáo đã kêu cầu thánh Antôn để tìm chìa khóa xe, kính đeo tay, và nhiều vật dụng bị mất, chưa kể đến những người bị mất tích.
Thánh Athanasiô
Alexandria, Egypt (AD 296–AD 373)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1568
Ngày lễ kính: 2 tháng 5
Athanasiô là một người bảo vệ mạnh mẽ cho sự chính thống Kitô giáo và kiên trì chiến đấu chống lại dị giáo Ariô. Tác phẩm của Ngài, Incarnation, bảo vệ thần tính và nhân tính của Chúa Kitô. Ngài thường cảm thấy mình là mục tiêu của sự tấn công từ những kẻ dị giáo, một nhóm rất mạnh vào thời điểm đó, và đã bị lưu đầy nhiều lần.
Với các tác phẩm thần học (đặc biệt chống lại bè rối Ariô), việc thuyết giảng và giảng dạy vững chắc, và đau khổ thể xác do bởi tính chính thống của mình, Athanasiô đã được ban danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh vào thời điểm phong thánh của mình. Thánh tích của Ngài hiện đang được lưu giữ tại thành phố Venice.
Thánh Augustinô
Thagaste, Numidia (AD 354–AD 430)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1298
Quan thầy: triết gia và thợ in
Ngày lễ kính: 28 tháng 8
Augustinô là một nhà vô địch của đức tin Công Giáo qua các tác phẩm và bài giảng của ngài, và đã nỗ lực để diệt trừ giáo phái Manikê, một giáo phái mà ngài đã từng thuộc về. Những tín đồ của giáo phái này tin tưởng vào việc tách biệt giữa vật chất và tinh thần, giữa thiện và ác, dẫn dắt họ chiều theo những điều phi luân lý.
Sau khi trở lại với đức tin Công Giáo, Augustinô đã viết nhiều tác phẩm thần học và tu đức, bao gồm Tự Thuật, Ba Cuộc Đối Thoại, Về Hạnh Phúc, và Về Trật Tự. Ngài trở thành Giám mục của Hippo và phải đương đầu với những giai đoạn khởi đầu của một giáo phái Cơ Đốc mới, bè rối Donatô. Trong một lần ngoại giao, Augustinô đã gặp các nhà lãnh đạo của giáo phái, một cuộc họp mà cuối cùng đưa đến sự suy tàn của họ.
Sau đó là với bè rối Pelagianô, một giáo phái phủ nhận học thuyết về tội nguyên tổ và dạy rằng phép Rửa Tội chỉ là một “tấm vé vàng” để lên trời, và rằng ân sủng không cần thiết cho sự cứu rỗi. Augustinô kiên quyết phản đối giáo phái này qua các bài thuyết giảng và tác phẩm của ngài.
Augustinô đã thành lập cộng đoàn tu cho nam giới và nữ giới, và đã đưa ra một hệ thống luật lệ, Quy tắc, để quản lý cộng đoàn này — một hệ thống vẫn còn được sử dụng trong Dòng thánh Augustinô.
Thánh Basil
Caesarea, Cappadocia (AD 329–AD 379)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1568
Quan thầy: Cappadocia (một vùng của Turkey), các quản trị viên của bệnh viện
Ngày lễ kính: 2 tháng 1
Basil xuất thân từ một dòng tộc thánh thiện: cha mẹ ngài là thánh Basilique Elder và thánh
Emmelia; một số anh chị em của ngài là thánh Gregory Nyssa, thánh Macrina the Younger,
và thánh Phêrô Sebaste; và bà ngoại của ngài là thánh Macrina.
Basil là một nhà hùng biện và một nhà văn, bảo vệ đức tin trong sự đối mặt với những chống đối và vu khống từ các tín đồ của dị giáo Ariô. Ngài qua đời vào năm 379 sau Công Nguyên và được tôn kính trong cả hai Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương như một Tiến Sĩ Hội Thánh.
Thánh Bede, Venerable
Sunderland, England (AD 672–AD 735)
Hiển thánh: 1899
Tiến sĩ Hội Thánh: 1879
Quan thầy: các học giả
Ngày lễ kính: 25 tháng 5
Từ lúc còn nhỏ, Bede đã muốn sống theo đường lối của các tu sĩ Benedictine, ngài đã vào một đan viện để học hành và cuối cùng gia nhập vào chính đan viện ấy và đã trở thành một tu sĩ. Các đan sĩ này sống một đời sống “cầu nguyện và lao động” (ora et labora). Ngày sống của họ được phân chia giữa việc cầu nguyện trong nhà nguyện và làm việc trong đan viện. Các tu sĩ Benedictines thuộc tầng lớp rất trí thức; nhiều đan viện có thư viện rộng lớn nơi mà việc nghiên cứu thần học, phụng vụ và Kinh Thánh không đâu sánh bằng.
Suốt cuộc đời trong đan viện, Bede đã viết lịch sử của nước Anh đến thế kỷ thứ tám và dịch Kinh Thánh từ tiếng Latin sang tiếng Anh cổ. Một trong những tác phẩm cuối cùng của ngài là bản dịch Tin Mừng thánh Gioan. Cùng với các tu sĩ, Bede hát thánh vịnh ca tụng Chúa, bắt đầu từ sáng sớm và vào những giờ được ấn định trong ngày theo truyền thống của đời đan tu. Mặc dù rất hiếm khi các đan sĩ được ban tặng một danh hiệu cao cả, Bede vẫn được các đệ tử của ngài gọi là Người Đáng Tôn Kính, vì kiến thức uyên thâm và tính cách cẩn trọng, có suy nghĩ của ngài.
Thánh Bernard Clairvaux
Fontaine-lès-Dijon, France (1090–1153)
Hiển thánh: 1174
Tiến sĩ Hội Thánh: 1830
Quan thầy: người nuôi ong, người làm nến
Ngày lễ kính: 20 tháng 8
Bernard, đấng sáng lập của đan viện Xitô, là một người bảo vệ dũng mãnh của Đức Giáo Hoàng và thường được mời để thuyết giảng trong những cuộc thập tự chinh khi Đức Giáo Hoàng cảm thấy Đất Thánh và đền thờ bị đe doạ. Bernard đã làm việc này với sự nhiệt tình lớn lao, tin tưởng rằng các vật thánh thiêng trong cuộc đời Đức Kitô phải được các Kitô hữu giữ gìn. Trong cuộc thập tự chinh thứ hai, Bernard nhận thấy sự tôn sùng và lòng đạo của những người lính bị khô khan, và họ đã sa vào những hành vi tội lỗi, dẫn đến sự thất bại của cuộc thập tự chinh.
Bernard có một ảnh hưởng rất lớn trên kiến trúc tôn giáo. Hầu hết các nhà thờ vào thời đó được xây dựng theo phong cách Gothic — trang hoàng rất công phu và lộng lẫy. Ngược lại, nhà nguyện và phong cách của Bernard đã nổi tiếng với ánh sáng và sự giản dị, một phong cách đã trở nên phổ biến trong mọi nhà nguyện của dòng Xitô. Một mảng rộng lớn các tác phẩm và bài giảng của ngài thể hiện sự tôn sùng tuyệt vời đối với Đức Trinh Nữ Maria; Bernard được ghi nhận như là người đã biên soạn bản kinh nổi tiếng “Kinh Hãy Nhớ”. Ngài cũng cũng có công trong việc biên soạn một loạt các bài giảng để chống lại dị giáo Albigensian. Nhờ lời giảng của Ngài, nhiều người đã được ơn hoán cải, chữa lành, và đưa về chính giáo.
Thánh Bonaventura
Bagnoregio, Province of Viterbo, Papal States (1221–1274)
Hiển thánh: 1482
Tiến sĩ Hội Thánh: 1588
Quan thầy: các giáo sư thần học, những người có vấn đề về đường ruột
Ngày lễ kính: 15 tháng 7
Một trong những nhiệm vụ lớn nhất trong cuộc đời Bonaventura là việc tìm kiếm sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Đông Phương hay Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Tây Phương hay Giáo Hội La Tinh. Hoàng đế của Constantinople yêu cầu Đức Giáo Hoàng quan tâm đến tính khả thi của sự thống nhất, và Bonaventura đã được chọn để thực hiện nhiệm vụ này sau cái chết của Tôma Aquinô. Mặc dù đã có những bước tiến triển, Bonaventure đã chết trước khi sự hiệp nhất diễn ra.
Trước khi nhận nhiệm vụ này, Bonaventura là một sinh viên xuất sắc tại đại học Paris, thông thạo về triết học và thần học, đặc biệt là tân triết học kinh viện. Trong đời sống tu của mình, ngài là người nhân ái, khiêm tốn và làm việc chăm chỉ. Bonaventura được coi là vị sáng lập thứ hai của Dòng Phanxicô, sau một cuộc mâu thuẫn giữa hai nhóm: một bên tìm kiếm thực hiện quy luật một cách chặt chẽ hơn, còn bên kia muốn được dễ dàng hơn. Khi được bầu làm bề trên, Bonaventura tìm kiếm nhân đức, thường được tìm thấy ở giữa hai phe đối lập. Ngài chỉ ra bản dịch chính thức về quy luật của thánh Phanxicô cho hội dòng, và đã viết nhiều sách về thần học huyền bí, thích nghi với triết lý của Plato trong ánh sáng Kitô giáo.
Thánh Catherina Siena
Siena, Italy (1347–1380)
Hiển thánh: 1461
Tiến sĩ Hội Thánh: 1970
Quan thầy: Ý, Châu Âu, những người bị sẩy thai
Ngày lễ kính: 29 tháng 4
Catherina đã chiến đấu vì đức tin của mình rất sớm trong cuộc đời — đầu tiên là với cha mẹ mình, và sau đó với những người hoài nghi về những thị kiến về thiên đàng mà ngài đã nhận được. Một số người nghĩ Catherina là một vị thánh, một số khác lại cho Catherina là một người cuồng tín, và những người khác thì coi ngài là một kẻ đạo đức giả. Ngài bị các thần học gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo thẩm vấn và hỏi cung, và tất cả đều thấy Catherina là người chân thật đáng tin.
Catherina hiến dâng đời mình để nuôi dưỡng và chăm sóc những người bị bệnh nan y: bệnh ung thư và bệnh phong. Ngài có thể biến đổi những tội nhân, những người ban đầu đã nhạo báng và nói xấu ngài; ngài cũng đến nhà tù thăm các tử tội, giúp họ hoán cải để có thể lãnh nhận Bí Tích sau cùng. Catherina được biết đến nhiều nhất với tư cách là Quan Thầy của nước Ý, một danh hiệu được ban cho vì Catherina đã làm hết sức mình trong việc đưa Đức Giáo Hoàng trở về Ý.
Trong hơn 70 năm, các Giáo Hoàng đã tự ý lưu vong ở Avignon, Pháp, vì những điều kiện tồi tệ ở Rôma và phần lớn ở các trung tâm của Ý tại thời điểm đó. Điều đó đã trở nên quá nguy hiểm đến nỗi, vào năm 1305, Giáo Hoàng Clement V, một người Pháp, đã chuyển Giáo triều đến Avignon, đến một lãnh thổ mà các Giáo Hoàng đã sở hữu trong nhiều thế kỷ.
Khi Catherina đến các dinh thự của Giáo Hoàng, cầu xin vị Giáo Hoàng La Mã trở lại Rôma, thì đã có bảy vị Giáo Hoàng đã cư ngụ tại Avignon, từ năm 1305 đến 1377. Danh tiếng của Catherina, như một nhà thần bí được kính trọng, dường như đã có giá trị, khi yêu cầu của ngài được chấp nhận và ngai tòa của Giáo Hoàng đã được đưa trở về Rôma.
Thánh Cyril Alexandria
Theodosius, Egypt (AD 378–AD 444)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1882
Quan thầy: Alexandria, Ai Cập
Ngày lễ kính: 27 tháng sáu
Cyril đã làm việc cật lực để bảo vệ đức tin, chống lại nhiều dị giáo liên quan đến Chúa Kitô. Một trong những dị giáo được diễn giải bởi Nestorius, giáo trưởng của Constantinople, cho rằng Chúa Kitô là hai người — một là Thiên Chúa và một là con người — thay cho giáo huấn chính thống đã dạy rằng Chúa Kitô là một Ngôi Vị với hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Cyril đã xin Thánh Giáo Hoàng Celestine I tra cứu giáo thuyết Nestorianism; Đức Giáo Hoàng đã thấy giáo thuyết của Nestorius là dị giáo và đã lên án họ.
Việc lên án đã dẫn tới việc triệu tập Công Đồng Chung Ephêsô năm 431, trong đó Cyril là vị giám chức hàng đầu. Công Đồng long trọng xác định ngôi hiệp (hypostatic union) — một ngôi vị với hai bản tính, thiên tính và nhân tính. Công Đồng cũng xác định danh hiệu “Maria, Mẹ Thiên Chúa”. Nestorius cho rằng chỉ có tước hiệu “Mẹ Chúa Kitô” có thể được sử dụng vì Maria không phải là một nữ thần và do đó không thể là mẹ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Cyril và Công Đồng đã bảo vệ việc sử dụng cụm từ “Mẹ Thiên Chúa”. Trong khi vẫn là một con người, Đức Maria đã thụ thai đã sinh hạ Con Thiên Chúa. Con của Mẹ, Chúa Giêsu, là Thiên Chúa. Do đó, nhờ mối liên hệ của Mẹ với Chúa Giêsu, Maria có thể được gọi là “Mẹ Thiên Chúa” như con trai mình thật sự là Con Thiên Chúa.
Cyril cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ cho việc Rước Lễ. Ngài vững tin rằng bánh và rượu được linh mục truyền phép trong Thánh Lễ trở nên mình và máu, linh hồn, và thần tính thật của Chúa Kitô. Ngài kêu gọi các tín hữu hãy lãnh nhận Mình Thánh Chúa một cách xứng đáng và thường xuyên.
Thánh Cyril Jerusalem
Caesarea Maritima, Palestine (AD 315–AD 386)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1882
Quan thầy: Giêrusalem
Ngày lễ kính: 18 tháng 3
Cyril của Giêrusalem là một linh mục và là một giảng viên triết học vĩ đại, một người rất tin vào các bí tích và tin mạnh mẽ rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thật; niềm tin mạnh mẽ này được thể hiện trong nhiều tác phẩm của ngài, qua các hướng dẫn để nhận ra và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.
Các hướng dẫn của ngài được sử dụng như nền tảng trong cuốn sách “Dạy Giáo Lý”, một trong những tác phẩm của ngài. Ngài chống đối Arius, ông tổ của dị giáo Arianism, người đã phủ nhận rằng Chúa Giêsu có cùng phẩm tính như Thiên Chúa. Công Đồng đầu tiên của Nicea long trọng xác định rằng Chúa Con thực sự đồng hàng với Đức Chúa Cha và rằng Đức Kitô đồng bản tính (cùng một bản chất, không chỉ tương tự) với Thiên Chúa Cha. Quyết định này đã được phê chuẩn một lần nữa tại Công Đồng Constantinople thứ nhất vào năm AD 381.
Thánh Ephraem Syria
Nisibis, Mesopotamia (AD 306–AD 373)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1920
Quan thầy: các vị linh hướng
Ngày lễ kính: 9 tháng 6
Âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Ephraem cũng như trong sứ vụ của ngài. Ephraem đã giúp chống lại dị giáo Gnostic bằng cách trình bày thần học chính thống qua những bài thánh ca và âm nhạc. Ngài bắt đầu sử dụng một dàn hợp xướng nữ trong phụng vụ và được coi là người góp phần lớn lao về âm nhạc trong phụng vụ Syriac. Chính trong việc phụng vụ này mà Ephraem được ban danh hiệu “Đàn Hạc của Đức Thánh Linh”.
Bộ sưu tập nổi tiếng nhất về các tác phẩm của ngài là Hymns against Heresies. Trong số các dị giáo mà ngài đã chiến đấu với là học thuyết docetism, học thuyết này cho rằng thân thể vật chất của Chúa Giêsu chỉ đơn thuần là ảo tưởng.
Thánh Phanxicô Salê
Château de Thorens, Savoy (1567–1622)
Hiển thánh: 1655
Tiến sĩ Hội Thánh: 1877
Quan thầy: báo chí Công giáo, người khiếm thính
Ngày lễ kính: 24 tháng 1
Phanxicô là một nhà vô địch của thời kỳ cải cách Công Giáo, với niềm tin và sự thánh thiện, ngài thuyết giảng, dạy dỗ, làm chứng cho Chúa và giúp nhiều người hoán cải. Ngài là một người học thức, được đào tạo về luật pháp, triết học, thần học, và thuật hùng biện. Ngài sáng lập Dòng Oblates Thánh Phanxicô Salê, vốn là một lực lượng trong phong trào cải cách.
Cùng với thánh Jane Frances de Chantal, ngài đồng sáng lập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng, và một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài, vẫn còn được sử dụng ngày nay, là cuốn The Introduction to the Devout Life, đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngài đã viết một quyển sách giáo lý bỏ túi dựa trên những cải cách và những giáo huấn của Công Đồng Trentô; sách giáo lý này đã được sử dụng trong giáo phận của ngài khi ngài trở thành Giám Mục của Geneva. Nó được biết đến như là “Giáo Lý của Giám Mục” và là một thành lũy trong việc hoán cải vùng đó trở về với đạo Công giáo, đặc biệt là giới trẻ. Ngài cũng sáng chế ra một ngôn ngữ ký hiệu để giúp hướng dẫn người khiếm thính.
Thánh Grêgôriô Nazianzen
Arianzum, Cappadocia (AD 329–AD 390)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1568
Ngày lễ kính: 2 tháng 1
Grêgôriô là một vị thánh không tự nguyện; ngài đã chạy trốn khỏi gia đình sau khi thụ phong linh mục, việc thụ phong hầu như là do cha của ngài sắp xếp. Bạn của Grêgôriô, thánh Basil, thuyết phục Grêgôriô trở về giúp đỡ cha của mình lúc bấy giờ là giám mục của giáo phận và cũng là quê hương của họ. Thánh Basil sau đó tìm cách thánh hiến Grêgôriô thành một giám mục và gửi ngài đến một khu vực đang có nhiều rắc rối. Nhưng vì lý do chính trị, Grêgôriô không thể tiếp quản được giáo phận, nhưng đã làm việc cùng với cha của mình như là người đồng nhiệm.
Sau cái chết của Tổng Giám Mục Constantinople, Grêgôriô được triệu tập đến đó để xem xét và đưa dân chúng về với đức tin chính thống. Một khu vực đã bị cô lập gần 30 năm vì bè rối Ariô. Bị ép buộc nhưng với sự vâng phục, ngài đã chấp nhận trở thành Tổng Giám Mục mới.
Lúc đầu Grêgôriô gặp sự chống đối; Đế quốc Đông Phương từng mong đợi một nhân vật nổi trội hơn và hùng mạnh hơn. Bất chấp sự tiếp đón lúc ban đầu, các bài giảng của Grêgôriô về Chúa Ba Ngôi chống bè phái Arianism rất được ca tụng. Grêgôriô đã bị tấn công bởi nhóm Arianists, và chỉ sau khi hoàng đế hoán cải thì Grêgôriô mới được nhậm chức Tổng Giám Mục. Những kẻ thù mới sớm xuất hiện, tuy nhiên — thời gian này các đối thủ chính trị đang tìm cách chiếm lấy tổng giáo phận. Grêgôriô xin hoàng đế xem ngài có thể trở về quê hương để bảo vệ hòa bình không, và hoàng đế đã đồng ý.
Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả
Rome, Italy (AD 540–AD 604)
Hiển thánh: AD 604
Tiến sĩ Hội Thánh: 1298
Quan thầy: các nhà giáo dục, nhạc sĩ, ca sĩ, giáo hoàng, và những người bị bệnh gout
Ngày lễ kính: 3 tháng 9
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô là một nhà cải cách vĩ đại và một nhà văn có tài, cống hiến cuộc đời mình như một “đầy tớ của những đầy tớ của Thiên Chúa” trong vai trò giáo hoàng. Grêgôriô là một người rao giảng Phúc Âm tuyệt vời, ngài đã gửi các nhà truyền giáo đến với những người mọi rợ (Barbarians) ở miền Bắc và những người ngoại giáo Anglo-Saxons của Anh quốc vào lúc Rôma bị tàn phá vì các cuộc xâm lấn của Barbarians. (Xin xem chương 8 để biết thêm về sự tiến triển và những hoạt động của Grêgôriô trong chức vụ giáo hoàng.)
Tuy nhiên, chính những tác phẩm của Grêgôriô mới làm cho ngài được xem như một Tiến Sĩ Hội Thánh. Trong suốt sự nghiệp của mình, Grêgôriô đã viết 40 bài giảng về Phúc Âm cũng như cuộc đời của thánh Bênêđictô, diễn giải Sách Gióp, Quy tắc của các Mục Tử, và hơn 800 bức thư.
Thánh Hilary Poitiers
Pictavium, Gaul (France) (AD 315–AD 367)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1851
Quan thầy: những người bị lưu vong; chống rắn cắn
Ngày lễ kính: 13 tháng 1
Được sinh ra bởi cha mẹ ngoại giáo, Hilary đã sử dụng sức mạnh của lý trí và kết luận rằng phải có một Thượng Đế. Chính bởi Kinh Thánh, mà ngài được giới thiệu, đã đưa ngài trở về với Kitô giáo. Hilary đã kết hôn vào lúc ngài được thánh hiến làm giám mục và, một cách khiêm tốn, không muốn nhận một chức vụ tôn giáo nào cả — nhưng ngài đã được mọi người nhất trí đề cử.
Hilary là một nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống bè rối Ariô và đã viết De fide Orientalium, một tác phẩm thần học đặc biệt dành cho những người theo Ariô. Các tác phẩm khác bao gồm De Trinitate Libri XII, một tác phẩm thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi và Ad Constantium Agustum Liber Secundus, một bức thư gửi hoàng đế để tự vệ, chống lại những điều dối trá của những kẻ thù của ngài và tranh luận để chứng minh cho luận điểm Ba Ngôi của mình.
Thánh Isidore Seville
Cartagena, Spain (AD 560–AD 636)
Hiển thánh: 1598
Tiến sĩ Hội Thánh: 1722
Quan thầy: computers, internet
Ngày lễ kính: 4 tháng 4
Isidore được coi là một trong những Giáo Phụ cuối cùng của Giáo Hội Tây Phương. Bộ bách khoa của ngài, Etymologiae, hoặc Origines, đã có ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu cách hệ thống các tác phẩm cổ điển trong các đại học trong suốt thời Trung Cổ. Tất cả các nghiên cứu cổ điển — logic, thần học, địa lý và kiến trúc — đều được bao phủ trong bộ bách khoa của ngài. Các tác phẩm khác bao gồm các bài chú giải Kinh Thánh, một bản tóm tắt về thần học luân lý và tín lý, và một cuốn sách về đời sống đan tu.
Thánh Giêrônimô
Stridon, Dalmatia (AD 347–AD 419)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1298
Quan thầy: các nhà khảo cổ, học giả Kinh Thánh, dịch giả, người bảo quản văn khố, quản thủ thư viện
Ngày lễ kính: 30 tháng 9
Sử dụng kiến thức về ngôn ngữ Do Thái và Hy Lạp của mình — hai ngôn ngữ được sử dụng rất nhiều trong cả Cựu Ước và Tân Ước của Kinh Thánh — Giêrônimô đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, bản Vulgate, được coi là xác thực hơn những bản dịch trước đó bởi vì Giêrônimô đã sửa lại những lỗi của các bản dịch trước. Ngài cũng đã viết rất nhiều chú giải Kinh Thánh. Tác phẩm của ngài bao gồm tiểu sử của nhiều vị thánh và các thư từ, cũng như một luận văn thần học chống lại Arianism. Tác phẩm của ngài cũng bao gồm nhiều bức thư, trong đó có những bức thư bảo vệ học thuyết về sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria. Giêrônimô chỉ đứng sau thánh Augustinô là tác giả sáng tác nhiều nhất của thời các Giáo Phụ. Ngài đã rút về sống ẩn dật như một tu sĩ ở Bethlehem và đã chết ở đó vào năm 420 AD.
Thánh Gioan Kim Khẩu
Antioch (AD 347–AD 407)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1568
Quan thầy: các nhà thuyết giảng, diễn thuyết, nói trước công chúng, và những người đau khổ vì bệnh động kinh
Ngày lễ kính: 13 tháng 9
Thánh Gioan Kim Khẩu là một nhà hùng biện vĩ đại, nhà giải thích Kinh Thánh, và thần học gia, người phải đối mặt với nhiều giáo chủ khác, những người muốn chiếm vị trí Tổng Giám Mục Constantinople của ngài. Ngài là một trong những nhà giảng thuyết vĩ đại nhất trong Giáo Hội sơ khai và đã viết nhiều bài giảng về cả Tân Ước và Cựu Ước; các bài giảng của ngài về tà giáo đã thuyết phục dân chúng phá bỏ các đền thờ tà thần. Những lời cầu nguyện và chỉ dẫn phụng vụ của ngài vẫn còn được sử dụng ngày nay trong Giáo Hội Công giáo Byzantine.
Ngài qua đời vào năm 407 AD lúc đang bị lưu vong, thi thể của ngài đã được mang trở về một cách rất long trọng và được chôn cất trong nhà thờ Các Tông đồ ở Constantinople.
Thánh Gioan Damascene
Damascus, Syria (AD 645–AD 749)
Hiển thánh: 1890
Tiến sĩ Hội Thánh: 1890
Quan thầy: các nghệ nhân Kitô giáo, trẻ em bị bệnh
Ngày lễ kính: 4 tháng 12
Ngài còn được gọi là thánh Gioan Damascus. Gioan tiếp bước cha mình làm việc cho chính phủ Hồi Giáo cho đến khi phái bài trừ ảnh tượng làm lung lay Giáo Hội Đông Phương; lúc đó, Gioan đã dồn nghị lực và tập trung vào việc bảo vệ cho sự chính thống. Ngài đã viết nhiều luận thuyết về tính chính thống của các ảnh tượng, chẳng hạn như những bức tranh vẽ về Chúa, Đức Mẹ, và các thánh.
Hoàng đế của Constantinople đã hiểu sai về đoạn Kinh Thánh liên quan đến các ảnh tượng và tìm cách cấm đoán, và Gioan đã từ chối theo lệnh vua. Hoàng đế tức giận và đã giả mạo một lá thư cho Vua Hồi, đưa ra những cáo buộc sai, một hành động dẫn đến sự trừng phạt khủng khiếp cho Gioan – bàn tay viết lách của ngài đã bị cắt đứt. Nhưng thông qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, bàn tay của ngài đã được phục hồi. Vua Hồi nhìn thấy sự vô tội của Gioan và muốn phục hồi chức vụ trong chính phủ cho ngài. Tuy nhiên, Gioan có một mong muốn khác, đó là gia nhập một đan viện gần Giêrusalem, nơi ngài được tấn phong linh mục và sáng tác rất nhiều tác phẩm.
Trong số các tác phẩm nổi tiếng của Gioan là Fountain of Knowledge, được chia ra thành ba phần: “Các chương về triết học”, “Liên quan đến các dị giáo” và “Những trần thuật chính xác về đức tin chính thống”. Để đối phó với dị giáo Monophosyite, Gioan đã sáng tác bài thánh ca “Trisagion”, vẫn được sử dụng trong phụng vụ Byzantine ngày nay.
Thánh Gioan Thánh Giá
Fontiveros, Spain (1542–1591)
Hiển thánh: 1726
Tiến sĩ Hội Thánh: 1926
Quan thầy: các nhà thần bí, thần học, nhà thơ, đời sống chiêm niệm
Ngày lễ kính: 14 tháng 12
Gioan Thánh Giá là một nhà cải cách hàng đầu, cả khi cùng với thánh Têrêsa Avila (xem phần tiếp theo của thánh nữ trong chương này) và khi một mình trong phong trào cải cách. Những người bạn đồng chí hướng, các thầy dòng Cát Minh, không tán thành mong muốn cải cách của Gioan, đó là đưa hội dòng quay trở về nguồn, vì họ đã quen với cuộc sống thoải mái và nhuốm mùi thế tục mà họ đang sống. Vì thế, Gioan bị từ chối, bỏ rơi, hành hạ, và bị giam cầm. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng cho phép Gioan thành lập một nhánh các linh mục Cát Minh, cũng giống như Têrêsa Avila đã thành lập một nhánh cho một số nữ tu Cát Minh. Cả hai nhóm này đều được biết đến với tên gọi Cát Minh Discalced (có nghĩa là không đi giày — chỉ mang dép).
Các tác phẩm của Gioan bao gồm các bài viết cổ điển về đời sống tâm linh như The Dark Night of the Soul, chuyện kể về hành trình của linh hồn từ trần gian hướng về thiên đàng; The Ascent of Mount Carmel; and Spiritual Canticle. Gioan cũng đã làm thơ, bao gồm O Living Flame of Love, Poems, and A Collection of Spiritual Maxims. Các tác phẩm của Gioan (cũng như sự đóng góp văn chương của thánh Têrêsa Avila) phản ánh di sản thần bí vĩ đại đặc trưng cho việc cải cách của Giáo Hội ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 16.
Thánh Lawrence Brindisi
Brindisi, Apulia (Italy) (1559–1619)
Hiển thánh: 1881
Tiến sĩ Hội Thánh: 1959
Quan thầy: Brindisi (một thành phố cổ của Ý)
Ngày lễ kính: 21 tháng 7
Vừa là một thầy dòng Phanxicô khiêm tốn vừa là một nhà ngoại giao vĩ đại, Lawrence đã được gửi đi như một sứ thần — đại sứ của Tòa Thánh — tới Bavaria, rồi tới Prague và Vienna để thành lập các tu viện của dòng Phanxicô. Các tu viện đã trở thành những trung tâm, nơi các linh mục giảng dạy đức tin Công Giáo.
Lawrence cũng là một nhà hùng biện nổi tiếng và được Hoàng đế La Mã Rudolf II yêu cầu thành lập một đội quân chống lại các mối đe dọa của Ottoman ở biên giới Hungary. Các tác phẩm của ngài bao gồm các bài giảng, các bài chú giải Sách Sáng Thế và một luận thuyết chống lại Martin Luther.
Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả
Tuscany, Italy (AD 400–AD 461)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1754
Quan thầy: âm nhạc thánh, nhạc sĩ, ca sĩ
Ngày lễ kính: 10 tháng 11
Lêô được phong danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh nhờ những tác phẩm của ngài, nổi bật nhất trong các tác phẩm đó là “Tome”, một bức thư đưa ra lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội Công Giáo Rôma. (Xin xem Chương 8 để biết thêm về triều đại giáo hoàng của Đức Lêô)
Thánh Phêrô Canisius
Nijmegen, Netherlands (1521–1597)
Hiển thánh: 1925
Tiến sĩ Hội Thánh: 1925
Quan thầy: những người soạn thảo giáo lý
Ngày lễ kính: 21 tháng 12
Phêrô dẫn đầu trong phong trào cải cách Công Giáo ở Đức và soạn thảo sách Giáo Lý tiếng Đức, một cuốn sách dạy về các nguyên lý cơ bản của niềm tin trong đạo Công Giáo. Là một thành viên của Dòng Tên, ngài đã thành lập một cộng đoàn dòng Tên tại Đức, một cộng đoàn đã lớn lên và phát triển thành một lực lượng mạnh mẽ giúp cho việc trở lại đạo.
Phêrô được chỉ định làm thần học gia của giáo hoàng tại Công Đồng Trentô, một Công Đồng cải cách vĩ đại. Ngài mở một số trường cao đẳng, bao gồm các trường tại Munich, Dillingen-Bavaria, và Innsbruck. Ngài trở thành cha giải tội cho con gái của hoàng đế, nữ hoàng Magdalena, và được Đức Giáo Hoàng Piô X tuyên phong danh hiệu Venerable (Người Đáng Kính) vào năm 1906.
Trong một bản văn gọi là “De Maria Virgine”, ngài bảo vệ sự tận hiến cho Mẹ Maria và tích cực quảng bá kinh Mân Côi và những hiệp hội giáo dân của Đức Maria. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Phêrô là “Summa Doctrinae Christinae,” “Catechismus Minimus,” và “Parus Catechismus Catholicorum.”
Thánh Phêrô Chyrsologus
Imola, Bologna (Italy) (AD 406–AD 450)
Tiến sĩ Hội Thánh: 1729
Ngày lễ kính: 30 tháng 7
Sau khi Tổng Giám Mục Ravena qua đời, Phêrô đi cùng Đức Giám Mục của Imola đến Rôma để trình lên sự lựa chọn vị Tổng Giám Mục mới của dân chúng theo tập tục của thời đó. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng, nhận được một thị kiến, đã từ chối sự lựa chọn của họ và thay vào đó, bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phêrô.
Sau khi được thánh hiến, Phêrô khám phá ra giáo phận của ngài vẫn còn liên kết với chủ nghĩa ngoại giáo, và ngài đã sử dụng các khả năng tốt nhất của mình — dạy dỗ và thuyết giảng — để chuyển tải các bài giảng nảy lửa hầu giúp phá vỡ thành trì của các dị giáo.
Ngài được biết đến như là “Tiến Sĩ về các bài giảng” bởi những bài chia sẻ đầy cảm hứng của ngài. Những bút tích còn tồn tại cho đến ngày nay chứng minh sự tinh thông về thần học của ngài. Phêrô đã dạy về bí tích Thánh Thể, cũng như các nguyên lý của Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, về đời sống của Thánh Gioan Baotixita và Đức Trinh Nữ Maria, và về việc Nhập Thể của Chúa Kitô. Hiện nay, hơn 176 bài giảng và giáo huấn được công nhận là của Phêrô.
Thánh Phêrô Damian
Ravenna, Italy (1007–1072)
Hiển thánh: 1828
Tiến sĩ Hội Thánh: 1828
Quan thầy: các nhà ngoại giao
Ngày lễ kính: 21 tháng 2
Phêrô là một gương mẫu vĩ đại về việc cải cách các giáo sĩ và đan viện, cuối cùng chấp nhận chức viện phụ của một đan viện và thành lập thêm năm đan viện nữa. Phêrô nhấn mạnh về lối sống xứng hợp của giáo sĩ, công kích sự hư hỏng về đạo đức của các các giáo sĩ trong luận án của ngài, Liber Gomorrhianus.
Phêrô Damian cũng là một nhà vô địch bênh vực cho vị giáo hoàng đích thực. Ngài đã viết cuốn First Crusade, một cuốn sách về lòng đạo đức cá nhân; Officium Beatae Virginis, một cuốn sách về Đức Maria; và De Divina Omnipotentia, một quyển sách về quyền năng của Thiên Chúa. Ngài cũng đã viết vô số thư từ, bài giảng, và các bài viết khác.
Thánh Robert Bellarmine
Montepulciano, Italy (1542–1621)
Hiển thánh: 1930
Tiến sĩ Hội Thánh: 1930
Quan thầy: luật sư giáo luật
Ngày lễ kính: 17 tháng 9
Robert, một linh mục dòng Tên, đã học cả tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái, những ngôn ngữ giúp ích cho ngài trong việc dịch Kinh Thánh. Ngài trở thành Tổng Giám Mục của Capua ở vương quốc Naples và được tấn phong Hồng Y. Ngài đã trở thành một nhà vô địch về việc ban hành các cải cách của Công Đồng Trentô.
Sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Piô V, Robert trở lại Rôma và phục vụ Đức Giáo Hoàng với nhiều năng lực khác nhau. Ngài là đại sứ đặc biệt được gửi đến Venice khi Đức Giáo Hoàng đặt nước cộng hòa này dưới lệnh cấm chỉ vì không vâng lời. Robert phải đối đầu với vua James I của Anh Quốc và phản bác các chống đối chủ quyền và kết luận thần học sai lầm. Ngài cũng phải đối đầu với Galileo Galilei và khuyên nhà thiên văn rằng ông nên dạy các định kiến khoa học của mình như là những giả thuyết cho đến khi chúng được chứng minh trên thực tế.
Ngài được nổi tiếng nhất về việc biên soạn bốn tập sách về đức tin Kitô giáo, Disputations on the Controversies, được sử dụng trong các chủng viện và các viện thần học trong hơn 300 năm.
Thánh Têrêsa Avila (hay là thánh Têrêsa của Chúa Giêsu)
Avila, Spain (1515–1582)
Hiển thánh: 1622
Tiến sĩ Hội Thánh: 1970
Quan thầy: các nhà sản xuất ren, nước Tây Ban Nha, và những người bị bệnh đau đầu
Ngày lễ kính: 15 tháng 10
Têrêsa, một nữ tu Dòng Cát Minh, đã trở thành một nhà cải cách vĩ đại và làm việc bên cạnh thánh Gioan Thánh Giá (xem mục về ngài phía trước trong chương này). Những việc cải cách đầu tiên của Têrêsa thuộc về nội bộ tu viện của thánh nữ; vào thời đó, tu viện là một nơi dành cho những cô gái giàu có với những món hồi môn và không có ý kết hôn. Têrêsa, nhấn mạnh rằng đời sống tu trì là một ơn gọi để sám hối, cầu nguyện, sống khó nghèo, và làm việc. Đan viện được cải cách của Têrêsa được biết đến với tên gọi là Discalced Cát Minh.
Têrêsa được nhớ đến nhiều nhất qua đời sống thần bí thiêng liêng, mà Têrêsa đã thuật lại trong cuốn Tự Truyện. Những cuốn sách khác mà Têrêsa đã viết, bao gồm El Camino de Perfeccion, Mediation on the Song of Songs, El Castilo Interior, Relaciones, Conceptos del Amor, and Exclamaciones. Không chỉ trong các tác phẩm mà cũng trong thực hành, Têrêsa đã cảm nghiệm một sự cầu nguyện tâm linh sâu sắc. Têrêsa thường được đi vào trạng thái ngây ngất hay đê mê, và đôi khi bay bổng lên, đặc biệt là trong Thánh Lễ.
St. Thérèse of Lisieux
Alençon, France (1873–1897)
Hiển thánh: 1925
Tiến sĩ Hội Thánh: 1997
Quan thầy: truyền giáo nước ngoài; những bệnh nhân bị lao phổi
Ngày lễ kính: 1 tháng 10
Têrêxa Lisieux được biết đến nhiều hơn với tên gọi thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Mặc dù cuộc sống thật ngắn ngủi, Têrêxa đã là một người viết rất nhiều, đặc biệt là tác phẩm Một Tâm Hồn.
Têrêxa mơ ước trở thành nhà truyền giáo và gia nhập dòng Cát Minh ở Hà Nội, Việt Nam, nhưng vì bệnh tật nên thánh nữ không bao giờ rời khỏi Pháp. Têrêxa chỉ mới 24 tuổi khi ngài qua đời vì bệnh lao.
Một Tâm Hồn được chia thành ba phần: thời thơ ấu, thư gửi Chị Marie Sacred Heart, và chi tiết về đời sống tu trì của Têrêxa. Têrêxa đã viết những điều này trong sự vâng lời bề trên, và cuốn sách đã được in sau khi Têrêxa qua đời. Trong hồi ký (và trên thực tế), Têrêxa đã sống với một cụm từ mà chị tự đặt ra, “con đường thơ ấu thiêng liêng”, sự phục tùng Thiên Chúa một cách tình nguyện của tâm hồn. Rất nhiều người lính trong Thế Chiến thứ I đọc hồi ký của Têrêxa cho đến nỗi sau đó chị được tuyên phong là quan thầy của các xứ truyền giáo, mặc dù bản thân Têrêxa chưa bao giờ rời khỏi đan viện ở Pháp. Tác động sâu rộng của câu chuyện cuộc đời Têrêxa đã ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới.
Trong hình 13.2, thánh Têrêxa Lisieux được nhìn thấy đang quỳ gối và giữ trong tay bức ảnh với hai khuôn mặt của Chúa Giêsu, bên trái là Chúa Giêsu lúc còn bé, và bên phải là khuôn mặt Chúa Kitô chịu khổ nạn được in trong tấm khăn của bà thánh Veronica.
Thánh Tôma Aquinô
Roccasecca, Kingdom of Sicily (1225–1274)
Hiển thánh: 1323
Tiến sĩ Hội Thánh: 1567
Quan thầy: thần học gia, sinh viên, học giả, nhà bán sách, trường Công Giáo; chống sấm sét.
Ngày lễ kính: 28 tháng 1
Ơn gọi của Tôma Aquinô đã bị gạt bỏ trong thời gian ngài bị cha của mình bắt cóc và giam cầm, người cha không muốn con trai mình gia nhập Dòng Đa Minh (do thánh Đa Minh Guzman sáng lập). Ông thích Tôma nhập Dòng Benedictine (do thánh Benedictô sáng lập), một hội dòng đã phát triển và có cơ hội được đề bạt lên chức viện phụ (tương đương với chức giám mục). Tuy nhiên, Tôma lại muốn trở thành một tu sĩ của Dòng Đa Minh, một cộng đoàn tu trì mới (cùng thời với dòng Phanxicô, do thánh Phanxicô thành Assisi sáng lập).
Sự hỗn loạn của gia đình không thể phá hủy ơn gọi của Tôma, cuối cùng ngài đã tuyên khấn với tư cách là một tu sĩ Đa Minh và theo học tại đại học Paris. (Xin xem Chương 9 để biết thêm về thánh Phanxicô, Đa Minh, và Benedictô). Trong những ngày đầu tại đại học, cậu thường bị hiểu lầm và bị các bạn cùng lớp gọi là “con bò câm” bởi vì họ không nhận ra thiên tài tri thức thực sự của cậu. Tuy nhiên, một trong những giáo sư, thánh Albertô Cả (xin xem mục đầu tiên trong chương này), tin rằng Tôma Aquinô sẽ trở thành một trong những thầy dạy vĩ đại nhất của Giáo Hội. Những tác phẩm của Tôma quá sâu sắc đến nỗi Tôma thường được gọi là “tiến sĩ thiên thần”, ngụ ý sự khôn ngoan của thiên đàng mà Tôma có được.
Tôma nghiên cứu triết học của Aristotle và viết lại để áp dụng cho Kitô giáo. Ngài cho rằng triết học là “sự trợ giúp của thần học”, chỉ ra tầm quan trọng của triết học trong việc giải thích các vấn đề của học thuyết. Một trong những tổng luận lớn nhất của ngài là Summa Theologica, trong đó ngài sử dụng triết học để giải thích các nguyên lý chủ chốt của đức tin Kitô giáo và đưa ra những biện luận. Tôma có khả năng sử dụng logic và lý luận để hiểu, giải thích và bảo vệ đức tin Công Giáo. Ngài thường thuyết phục sinh viên của mình “không bao giờ phản đối, ít khi khẳng định, và luôn luôn biện phân”. Đó là cách ngài giải gỡ các tranh luận cường điệu và chủ nghĩa cảm xúc vô lý thường xảy ra trong các cuộc thảo luận những vấn đề quan trọng.
Ngài cũng lưu ý về việc biên soạn các lời nguyện và thánh ca cho Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ tưởng niệm một phép lạ Thánh Thể ở Orvieto, Ý. Tên của ngài thường được cầu khấn trong những cơn bão tố. Khi Tôma còn nhỏ, em gái ngài đang ngủ trên giường cạnh ngài, bị sét đánh chết. Sau sự kiện đó, Tôma rất sợ những cơn bão, và mỗi khi có bão xuất hiện, ngài vào nhà thờ cầu nguyện để xin Chúa bảo vệ.
Tôma thường được nhìn thấy với một mặt trời trên ngực của mình (một biểu tượng của việc học tập thánh thiêng), như trong hình 13.3. Cuốn sách trong bức tranh tiêu biểu cho những tác phẩm của ngài, đặc biệt là Summa Theologica, và nhà thờ ngài nắm giữ trong tay phải tiêu biểu cho nền tảng của thần học Công giáo mà ngài đã giúp thiết lập bởi phương pháp triết học chuẩn xác.