Các giáo sĩ Dòng Tên và công cuộc La Tinh Hoá Tiếng Việt ở thế kỷ 17-18
Bài thuyết trình tại hội thảo khoa học
“Bình Định và Chữ Quốc Ngữ”
Quy Nhơn, 13/1/2016
T.S. Trần Quốc Anh* ĐH Santa Clara, California
Lời Dẫn : Nhắc đến chữ Quốc ngữ mà ngày nay đa số người Việt Nam đều biết đọc, biết viết, người ta thường nghĩ đến « công khó » của linh mục Alexandre Rhode bởi linh mục đã để lại hai tác phẩm để đời là Từ điển Việt – Bồ – La và quyển sách Giáo lý Công Giáo Phép Giảng Tám Ngày. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng linh mục Alexandre Rhode không phải là tác giả đầu tiên và duy nhất của chữ Quốc Ngữ. Đúng hơn, thứ chữ này là thành quả của nhiều thừa sai người Bồ và Ý trong nỗ lực phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh. Tiến trình này đã diễn ra trong một thời gian dài với nhiều lớp thừa sai, tất nhiên không thể thiếu sự đóng góp của một bộ phận người Việt. Tiến trình này diễn ra như thế nào ?
Năm 2015, Dòng Tên Việt Nam kỷ niệm 400 năm sự hiện diện của dòng trên đất Việt. Một trong những đóng góp của các nhà truyền giáo dòng Tên ở Việt Nam là sáng tạo ra một hệ thống chữ viết dựa trên mẫu tự La tinh, mà ngày nay ta gọi là chữ Quốc ngữ. Lối chữ viết này lúc đầu chỉ được dùng để các giáo sĩ học tiếng Việt, cũng như để các cộng sự viên người bản xứ trao đổi thư từ với các nhà truyền giáo, và học các ngôn ngữ Tây phương, đặc biệt là tiếng La tinh, được dễ dàng hơn. Ngoài ra nhu cầu truyền giáo cũng đòi hỏi các giáo sĩ dòng Tên dùng một thứ văn tự dễ học, dễ nhớ để phổ biến giáo lý và kinh kệ Công giáo cho tín hữu người Việt.
Sau này khi người Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, họ mau chóng nhận ra giá trị của thứ chữ viết này và bắt đầu áp dụng nó trong giáo dục phổ thông và báo chí.1 Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp đến khi Phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, nửa thế kỷ trôi qua, chữ Việt theo mẫu tự La tinh đã lột xác dưới mắt các sĩ phu Việt Nam. Cái thứ văn tự trước kia bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng Au hóa nền quốc học Việt Nam, và được xem như môt thứ chữ rẻ tiền dưới con mắt của các sĩ phu thì bây giờ loại chữ viết này được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới. Sang đến thập niên 1920-30, lối viết mới, bấy giờ được xem là “quốc ngữ”, dần thay thế chữ Hán và nền giáo dục mới dần thay thế nền giáo dục Khoa cử đã tồn tại cả ngàn năm. Từ năm 1945 trở đi, chữ quốc ngữ chiếm địa vị độc tôn, là văn tự chính thức của nước nhà độc lập.
Năm 1941, người Pháp đã dựng một tấm bia ở gần hồ Hoàn Kiếm để ghi công giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes (1593-1660),2 phiên âm sang tiếng Hán-Việt là A-lịch-sơn Đắc Lộ, người quê ở Avignon, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ.3 Ông được ghi nhận là tác giả của hai cuốn sách in ở Bộ Truyền giáo Roma năm 1651: Từ điển Annam-Bồ-La tinh (Dictionarium Annamiticum Lusitanum e Latinum) và Phép giáng Tám ngày (Catechismus pro iis, qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus).
Sự đề cao Rhodes của chính quyền thuộc địa đã khiến dư luận cho rằng “một người Pháp” đã sáng chế ra một thứ văn tự mới cho người Việt, góp phần vào việc xoá nạn mù chữ. Như thế, nước Pháp đã có công “khai hoá” và “hiện đại hoá” xã hội Việt Nam. Thái độ kể công của người Pháp đã khiến nhiều học giả Việt Nam cũng như ngoại quốc trước 1960 đánh giá không chính xác về vai trò của Rhodes trong lịch sử chữ quốc ngữ. Họ đã bỏ qua vai trò của các giáo sĩ người Bồ, người Ý và kể cả của người Việt Nam trong việc hình thành chữ quốc ngữ.
Các cuộc nghiên cứu về nguồn gốc của chữ quốc ngữ của các học giả Việt Nam, như Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Xuyên, Võ Long Tê và Đỗ Quang Chính, trong giai đoạn 1960-1972 đã xét lại vai trò của Rhodes.4 Họ đã tìm tòi và nghiên cứu những lá thư và văn bản trong các văn khố ở Roma, Lisbon, và Madrid, nơi lưu trữ những tài liệu quý giá về việc truyền giáo ở Đàng Trong (Cochinchina) và Đàng Ngoài (Tonkin) trong giai đoạn 1615-1680.5 Những văn bản này cho thấy việc ghi âm tiếng Việt ở thế kỷ 17 chịu ảnh hưởng khá nhiều của cách phiên âm tiếng Bồ và Ý, yếu tố tiếng Pháp gần như không có.6
Dựa trên các văn bản đã được công bố, lịch sử chữ quốc ngữ có thể chia thành 4 (hoặc 5) giai đoạn:
1) thời kỳ sơ khai (1620-1626): với các bản tường trình từ ở Đàng Trong;
2) thời kỳ phát triển (1632-1651): với các lá thư ở Đàng Ngoài, đặc biệt là việc xuất bản các sách của Rhodes năm 1651;
3a) thời kỳ hoàn thiện I (1659-1822): ở Đàng Ngoài, từ Bentô Thiện đến Philippê Bỉnh;
3b) thời kỳ hoàn thiện II (1772-1838): ở Đàng Trong, với các từ điển của Pignaeux de Béhaine và Jean-Louis Taberd.
4) thời kỳ phổ biến (1865 đến nay).
Bài viết này chú ý đến sự đóng góp của các giáo sĩ người Bồ và Ý cũng như của người Việt ở ba giai đoạn đầu trong công cuộc La tinh hoá tiếng Việt.
Dòng Tên và Công cuộc La tinh hoá các Ngôn ngữ phương Đông
Khi các giáo sĩ Dòng Tên theo thương nhân người Bồ đến Viễn Đông họ nhanh chóng nhận thấy các dân tộc phương Đông như Nhật Bản và Trung Hoa có một nền văn minh khá cao. Để công cuộc truyền giáo được hiệu quả, họ phải học ngôn ngữ bản địa và soạn sách vở bằng ngôn ngữ ấy để truyền đạt tư tưởng Kitô giáo. Nhưng việc học tiếng Nhật tiếng Hoa, không hề dễ dàng. Các dân tộc Đông Á đã có những loại chữ viết riêng rất khó học khó nhớ, mà nhìn vào thì không thể phát âm được. Trong quá trình học ngôn ngữ, các nhà truyền giáo phải phiên âm bằng ngôn ngữ của họ. Ở thế kỷ 16-18, tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chung cho các giáo sĩ Dòng Tên ở Á Châu vì các trụ sở truyền giáo của dòng lúc ấy được đặt ở Goa và Macau, là các lãnh địa của người Bồ.
Khi các giáo sĩ dòng Tên đến trền giáo ở Nhật, họ gặp nhiều trở ngại với hệ thống chữ viết của người Nhật bao gồm hệ thống katakana, hiragana và kanji. Để học nói và viết tiếng Nhật, họ sáng tạo cách ghi âm tiếng Nhật bằng mẫu tự La tinh, gọi là romaji (La mã tự). Trong khoảng những năm 1564 hoặc 1567, Duarte da Silva đã soạn một cuốn ngữ pháp và từ điển Nhật-Bồ, Bồ-Nhật.7 Sau đó Alessandro Valignano (1538-1606) tiếp tục cải cách phương pháp học tiếng bản địa và cho ra đời cuốn Từ điển Bồ-Nhật năm 1585 bằng văn bản viết tay. Đến năm 1591, dòng Tên ở Nhật đã có xưởng in tại Amacusa để xuất bản một số sách bằng chữ romaji. Năm 1595 cuốn Từ điển La-Bồ-Nhật (Dictionarium Latino- Lusitaneum ac Japonicam) ra đời. Đến năm 1603 thì xưởng in ở Nagasaki phát hành cuốn Từ điển Nhật-Bồ (Nippo Jisho, Vocabulario da lingoa de Iapam). Năm sau, quyển Ngữ pháp Nhật ngữ (Arte grammaticae Japonicae Linguae) của Joaõ Rodrigues (1561/62-1633/34) cũng ra đời ở Nagasaki.8
Cùng một tinh thần đó, giáo sĩ Michele Ruggieri (1543-1607) và Matteo Ricci (1552-1610) ở Macau đã soạn Từ vựng Bồ-Hoa trong những năm 1585-1589 dưới dạng bản thảo.9 Đến năm 1626, giáo sĩ Nicholas Trigault (1577-1628) cũng cho ra mắt cuốn phương pháp học tiếng Trung Xĩrú ẽrmù 2ĩ : Tây nho Nhĩ mục Tư) còn gọi là Ầm Vận Kinh. Đây là từ điển sắp âm vận Hoa ngữ theo chữ cái La tinh. Các cuốn từ điển của Ruggieri-Ricci và Trigault được các nhà truyền giáo ở Trung Hoa chép lại và chuyền tay nhau sử dụng cho đến thế kỷ 19.
Macau ở thế kỷ 17-18 là trung tâm truyền giáo của dòng Tên tại Viễn Đông, nơi các giáo sĩ dừng chân, liên lạc, tập trung, học tập trước khi lên đường đi Nhật Bản, Trung Hoa, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Champa, Cao Miên, Thái Lan, v.v.
Tuy hoạt động các đoàn truyền giáo mang tính đặc thù của từng địa phương, nhưng họ thống nhất về tinh thần và phương thức truyền giáo, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm học tập ngôn ngữ. Vì vậy có thể nói là công cuộc La tinh hoá tiếng Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng của các cuộc chế tác văn tự La tinh cho tiếng Nhật tiếng Hoa.
Bức Tranh tiếng Việt ở Thế kỷ 17
Khi các giáo sĩ sang nước ta vào thế kỷ 17, dân ta dùng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày nhưng vẫn phải dùng văn tự là chữ Hán trong các văn bản hành chính, còn chữ Nôm lại không được quan lại hay trí thức ưa chuộng. Cho đến đầu thế kỷ 20, đa số người Việt mù chữ, không đọc thông viết thạo chữ Nôm chữ Hán. Theo một báo cáo ở thế kỷ 18, “trong 20.000 người Công giáo Đàng Trong thì không có lấy nổi 100 người biết văn tự chữ Hán. Và trong số 100 người này, không có lấy nổi 1 người biết đọc”.10
Cả hai dạng chữ Hán và Nôm là dạng văn tự ngữ tố : mỗi một chữ biểu thị một âm tiết. Hai thứ chữ này khó học vì đòi hỏi người học phải nhận dạng và học thuộc lòng cách viết các nét. Chữ Nôm tuy gần gũi với tiếng nói của người Việt, nhưng khi viết thì lại khó, vì phức tạp hơn chữ Hán. Cách đọc cũng không thống nhất nên dễ bị tình trạng “vừa đọc vừa đoán”. Về mặt ngữ học thì do âm tiếng Việt nhiều hơn âm Hán Việt và lại có tình trạng đồng âm khác nghiã nên dễ bị đọc sai, hiểu sai.
Chữ “Quốc ngữ”, chính xác phải gọi là “quốc âm La tinh”, ra đời trong hoàn cảnh nêu trên. Khi đến truyền giáo ở Việt Nam thế kỷ 17, các giáo sĩ Dòng Tên gặp trở ngại trong vấn đề học nói tiếng Việt cho chuẩn xác, một thứ tiếng nghe ríu rít như chim hót với các thanh điệu khác nhau.11 Giáo sĩ Giovanni Filippo de Marini (1608-1682), người Ý ở Đàng Ngoài từ 1647 đến 1658 nhận xét rằng đối với người Việt, “nói và hát cũng là một”.12 Rhodes cũng ghi nhận rằng, mỗi âm được phát ra đều có một thanh điệu và mang ý nghĩa khác nhau, nên rất nhiều khi người ta đã hiểu sai những gì họ muốn nói.13
Nói đã vậy, viết còn khó hơn. Một người Ý khác, giáo sĩ Cristoforo Borri (1583-1632) sống ở Đàng Trong từ 1618-1622 đã than phiền rằng học trong 6 tháng thì có thể nói được, nhưng nếu muốn đọc thông viết thạo thì mất ít là bốn năm trọn.14 Vì không thể ghi lại tiếng Việt bằng chữ Hán, chữ Nôm, các giáo sĩ đã cố gắng ghi âm tiếng Việt theo bảng chữ cái Latin để dễ đọc và dễ ghi nhớ nhằm có thể giao tiếp và truyền đạo.
Trong số các giáo sĩ Dòng Tên thời kỳ đầu, các giáo sĩ người Bồ Francisco de Pina (1585-1625), Gaspar do Amaral (1592-1645) và Antonio Barbosa (15941647) được coi như là những nhà ngữ học xuất xắc.
Francisco de Pina đến Đàng Trong vào năm 1617 và học tiếng Việt khá nhanh. Khi Rhodes, Majorica và các bạn đến Đàng Trong vào năm 1624 thì Pina đã rất thạo tiếng Việt và trong khi đó giáo sĩ Francisco Buzuomi (đến năm 1615) vẫn phải dùng thông ngôn để giảng đạo.15 Pina là thầy dạy tiếng Việt vỡ lòng cho Rhodes và các bạn khi họ đến Đàng Trong vào năm 1624. Vì ông đã biết òtiếng Nhật và quen với cách ghi âm romaji, ông cũng đã bắt tay vào việc một cuốn sách giáo lý bằng tiếng Việt (bị thất lạc). Ông cũng soạn cuốn Thủ bản tiếng Việt để giúp các giáo sĩ học tiếng cho nhanh.16 Tiếc là ông đã bị đắm tàu chết đuối năm 1625 trước khi hoàn thiện được chữ viết mới này.
Gaspar do Amaral hoạt động ở Đàng Ngoài cùng với Rhodes từ năm 1629 đến 1630, và bắt đầu học tiếng Việt ở Thăng Long. Sau khi bị trục xuất cùng với Rhodes năm 1630, ông lại đến Đàng Ngoài từ năm 1631 đến 1638. Trong giai đoạn này, ông đã phát triển giáo đoàn ở Đàng Ngoài với sự cộng tác của các thầy giảng/giáo lý viên người Việt. Những bản báo cáo của ông từ Đàng Ngoài trong những năm 1632, 1637 đã cho thấy trình độ tiếng Việt của Amaral khá cao, vượt xa Rhodes.17 Năm 1638, ông về Macau làm bề trên học viện Madre de Deus đến năm 1642 làm phó bề trên tỉnh dòng Nhật cho đến 1645. Chính trong thời gian này (1638-45) Amaral và Rhodes có dip trao đổi với nhau về tiếng Việt khi Rhodes dạy thần học ở đây. Theo Rhodes ghi nhận, Amaral đã soạn cuốn Từ vựng Việt bồ (Diccionario annamitica-português) để giúp các giáo sĩ học tiếng Việt. Chỉ tiếc là cuốn từ vựng của ông chưa kịp xuất bản thì ông đã qua đời trong vụ đắm tầu gần đảo Hải Nam cuối năm 1645 trên đường trở lại Đàng Ngoài.
Antonio Barbosa đến Đàng Ngoài năm 1636 khi Amaral làm bề trên giáo đoàn truyền giáo. Ông được gửi xuống vùng Nghệ An để cộng tác với Majorica. Trong thời gian này ông đã cố gắng học hỏi tiếng Việt. Vì sức khoẻ không tốt lắm, hay đau yếu nên sau 6 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài, ông trở về Macau năm 1642 để dưỡng bệnh. Ở đây tình hình cũng không khá hơn nên năm 1647 ông rời Macau đi Goa để chữa bệnh, nhưng đã từ trần cùng năm đó. Ông để lại cuốn tự vựng Bồ- Việt, có lẽ đã bắt được soạn thảo trong những năm ở Đàng Ngoài khi ông trau dồi tiếng Việt và hoàn thiện ở Macau khi ông về dưỡng bệnh.
Ngoài ra còn phải kể đến bạn đồng hành của Rhodes, giáo sĩ người Ý Girolamo Majorica (1591-1656), người đến Đàng Trong cùng chuyến tầu với Rhodes và cùng học tiếng Việt với thầy Pina. Năm 1632 Majorica ra Đàng Ngoài để tiếp nối công cuộc truyền giáo ở vùng Nghệ An. Hơn 27 năm ở đất Bắc, có thể nói ông là một trong những người thành thạo tiếng Việt nhất thời kỳ đó. Cùng với các cộng sự viên, Majorica đã để lại một công trình chữ Nôm khá đồ sộ, trên 48 cuốn.18
Quá Trình La Tinh Hóa Tiếng Việt
Dựa vào các văn bản viết tay bằng chữ Bồ Đào Nha, La tinh hiện được lưu trữ tại Lisbon và Roma có điểm xuyết những chữ quốc ngữ đầu tiên, hầu hết là tên các địa danh hoặc tên người, chúng ta thấy các nhà truyền giáo vẫn ghi tiếng Việt với các âm tiết liền vào nhau. Điều này không lạ vì các ngôn ngữ châu Âu đều là đa âm tiết, còn tiếng Việt thì chủ yếu là đơn âm tiết. Trong những văn bản viết tay có chữ quốc ngữ đầu tiên, dấu ấn cách ghi đa âm tiết thể hiện rất rõ trong các văn bản này.
João Roiz (1621)19 | Christoforo Borri (1622)20 | Gaspar
Luis (1626)21 |
Antonio de Fontes (1626)22 | Rhodes
(1647)23 |
Quốc ngữ ngày nay |
Annam | Anam | An Nam | |||
Sinoa | Sinuua | sinuâ, sinoá | Xứ
[Thuận] Hóa |
||
Cacham | Cacciam | Cacham | Cacham | Ke cham | Kẻ Chàm |
Nuocman | nuoecman | Nuocman | Núocmam | Nuoc man | Nước
mặn |
Quignin | Quinhin | Quinhin | Qui nhin | Qui Nhơn | |
Quamguya,
Quanghia |
Quanghia | Quảng
Nghĩa |
|||
Bendâ | Ben Da | Ben da | Bến Đá | ||
Ungue | Omgne | Unghe | Onghe | On ghe bo, Oũ ghe bo | Ông
Nghè [Bộ] |
Unsai | Onsaij | Ông sãi | |||
Banco | Bancò | Bàn Cổ | |||
Oundelim | Ondelim | Ondelimbay | Ông Đề lĩnh
[Bảy] |
Ondedoc | Ondedoc | Ông Đề đốc |
Họ bắt đầu ghi chép những câu ngăn ngắn, như “Nhit la khaum, khaum la nhit” (nhất là không, không là nhất),24 “Daden lut” (đã đến lụt), “scin motcaij” (xin một cái), “muon bau dau christiam ciam” (muốn vào đạo Christiăng chăng?), “tuijciam biet” (tôi chẳng biết).25
Từ từ rồi họ cũng phân biệt được các âm tiết trong tiếng Việt và thanh điệu. Trong các tài liệu từ năm 1632 trở đi chúng ta thấy chữ được tách ra theo âm tiết và hệ thống dấu thanh từng bước một đi vào hoàn thiện như “đàng ngoằy” (đàng ngoài), “Kẻ Chợ”,“nhà hién” (nhà hiến), “nhà phũ” (nhà phủ), nhà huyẹn” (nhà huyện), “oũ nghè” (ông nghè), oũ Khỏũ” (ông ông Khổng), “thầĩ phù thũĩ” (thầy phù thuỷ), xứ Thinh hỗa (xứ Thanh Hóa).26
Chính Rhodes cũng nhận xét “Những dấu thanh không được ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ biểu hiện trong giọng nói mà thôi: điều này thực sự làm khó chúng tôi, mặc dầu sự đa dạng các thanh này cũng thể hiện trí thông minh của dân nước này”.27 Chúng ta đều biết tiếng Việt có 6 thanh và vì các ngôn ngữ Châu Âu không có thanh điệu cho nên thời kỳ đầu các nhà truyền giáo viết tiếng Việt không có dấu, như kiểu romaji. Tuy nhiên vì tiếng Nhật là một ngôn ngữ không có thanh điệu, có lẽ các giáo sĩ dòng Tên đã áp dụng các âm vận tiếng Trung vào tiếng Việt. Phải mất tới 17 năm kể từ khi các giáo sĩ đặt chân đến Việt Nam, hệ thống dấu thanh của tiếng Việt mới xuất hiện đầy đủ trên các văn bản viết tay.
Công Cuộc Biên Soạn và Xuất Bản Từ Điển và Sách Giáo Lý
Cuốn từ điển này là sản phẩm “hoàn hảo” của một quá trình lâu dài, khó nhọc của các giáo sĩ Dòng Tên thời kỳ đầu giới thiệu Tin Mừng. Kể từ khi cuốn Việt-Bồ-La được in ấn tại Roma, rồi được đưa vào lưu hành, chúng ta vẫn quen gọi nó là cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes. Nhưng chính bản thân ông cũng không nhận mình là tác giả của cuốn từ điển, ngay trong phần “Ad lectorem” (cùng độc giả), ông đã giải trình: “Tôi học ngôn ngữ với Francisco de Pina” Rồi ông giải thích quá trình làm cuốn Việt-Bồ- La: “Tôi cũng sử dụng công trình của các Cha khác cùng hội Dòng, đặc biệt là của hai Cha Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa”, và “tôi còn thêm tiếng La tinh của các vị Hồng y đáng kính vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho người bản xứ học tiếng La tinh”28
Vậy đã rõ, cuốn Việt-Bồ-La là một công trình tập thể của các giáo sĩ Dòng Tên, và vì Rhodes là người chịu trách nhiệm in ấn tại Roma cho nên cuốn Từ điển mang tên của ông. Phần đóng góp của Rhodes là tổng hợp hai cuốn từ điển của hai vị người Bồ, dịch phần Latin, và viết phần giới thiệu về thanh điệu và ngữ pháp tiếng Việt. Nếu vậy, chúng ta sẽ xem hành trình của ba vị giáo sĩ ra sao, họ gặp nhau khi nào? Và tại sao Rhodes lại có bản thảo của hai vị kia?
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố thời gian và địa điểm Rhodes đã soạn quyển từ điển và sách giáo lý. Có lẽ ông khởi đầu trong khoảng thời gian từ năm 1636-1645 khi dậy thần học ở Macau.29 Sách giáo lý có lẽ được soạn trước từ điển, vì theo bản tường trình về Đàng Ngoài do Rhodes viết ở Macau năm 1636, thì ông cũng chưa phân biệt được âm tiết và các dấu thanh rõ ràng.30 Có lẽ Rhodes đã ghi lại bằng tiếng La tinh những bài giáo lý của ông khi còn ở Đàng Ngoài. Tài liệu này dần dà được bổ sung thêm phần tiếng Việt khi Amaral về Macau làm bề trên học viện thần học từ năm 1638.
Trước khi Rhodes rời Macau đi Đàng Trong lần thứ hai năm 1640, ông cùng sống với Amaral trong một cộng đoàn, nên rất có thể hai ông đã trao đổi với nhau về công việc truyền giáo. Amral đã ở Đàng Ngoài hơn 7 năm và từng làm bề trên giáo đoàn truyền giáo ở đó, nên ông rất quan tâm đến việc giúp các nhà truyền giáo học hỏi tiếng Việt và đào tạo các giáo lý viên người bản xứ. Vì hai người cùng có chung quan tâm nên chắc Amaral cũng đã chia sẻ với Rhodes cách ghi âm tiếng Việt của ông cũng như công việc của các thầy giảng ở Đàng Ngoài, nơi ông đã bắt đầu soạn các sách vở để giúp các giáo đoàn địa phương.
Với Barbosa, thì Rhodes đã gặp ông này trong khi Barbosa mới đến Macau năm 1636 trước khi đi truyền giáo Đàng Ngoài. Đến năm 1642 thì Barbosa cũng từ Đàng Ngoài về Macau nhưng lúc này Rhodes đang ở Đàng Trong cho nên mãi đến tháng 8/1643 họ mới gặp lại. Sau 6 năm ở Đàng Ngoài, chắc tiếng Việt của Barbosa tiến bộ khá nhiều.
Trong thời gian đi về về giữa Macau và Đàng Trong từ năm 1640-1645, có lẽ Rhodes không có nhiều giờ để soạn từ điển và sách giáo lý. Nhưng ông cũng có nhiều cơ hội để trao đổi về tiếng Việt với Amaral, và sau này với Barbosa, mỗi khi ông về Macau.31 Trong những chuyến đến Đàng Trong, ít là 3 tháng, nhiều là 19 tháng, Rhodes cũng có dịp để trao đổi với các cộng sự viên người Việt để hoàn thiện cách ghi âm, cũng như bổ sung thêm từ vựng và phương ngữ của Đàng Trong cho hai cuốn từ vựng của Amaral và Barbosa, vốn được soạn để ghi âm tiếng Đàng Ngoài.
Theo dấu chân của Rhodes, chúng ta biết năm 1645 là điểm mốc quan trọng. Thời gian từ đầu tháng 7-1645 đến 20-12-1645 là thời gian cả ba linh mục Rhodes, Amaral và Barbosa đều có mặt tại Thần Học Viện ở Macao. Cả ba đều tham dự hội nghị bàn thảo về công thức rửa tội bằng tiếng Việt vào mùa thu năm đó. Trong hội nghị này Amaral và Barbosa được đánh giá là “rất thành thạo” và “thành thạo” tiếng Việt trong số 35 tham dự viên.32
Cuối năm 1645, bề trên ở Macau gửi Rhodes đại diện vùng Viễn Đông về Roma tham dự đại hội đại biểu của dòng theo hiến pháp của dòng quy định. Có lẽ trước khi đi Roma, Rhodes đã bàn chuyện với Amaral và Barbosa về dự tính in sách giáo lý và từ điển để phục vụ nhu cầu truyền giáo. Rất có thể là ông có đem theo bản sao của hai cuốn từ điển của Amaral và Barbosa về Roma. Cho đến bây giờ, số phận hai cuốn từ điển của hai giáo sĩ người Bồ vẫn là một ẩn số.33
Ngày 20-12-1645, Rhodes rời Macau để đi Roma, nhưng chuyến hải trình gặp nhiều trắc trở. Sau khi lưu lạc ở Malacca, Java, Maccasar, Ấn Độ, Ba Tư, Armênia, Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ), mãi đến 27-6-1649 ông mới cập bến ở Roma. Trong ba năm ở Roma, một mặt ông tiếp tục hoàn thiện bản thảo cuốn tự điển ông đã soạn dựa trên công trình của Amaral và Barbosa, một mặt khác Rhodes tiếp tục vận động cho công cuộc truyền giáo ở Đại Việt. Trong bản báo cáo gửi Bộ Truyền Giáo vào tháng 8 năm 1650, Rhodes kể về số 300000 tín hữu ở An Nam với tỉ lệ tăng 15000 mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu to lớn này cần phải xây dựng hàng giáo sĩ bản xứ. Ông vận động để có giám mục cho miền truyền giáo để phong chức linh mục cho các thầy giảng đã được đào tạo. Ngoài ra cũng cần thêm kinh phí và nhân sự. Ông cũng trình lên Bộ Truyền Giáo bản thảo của sách giáo lý bằng chữ quốc ngữ và cuốn tự điển ông mới hoàn thiện.
Ngày 5-2-1651 Linh mục F. Piccolomineus Bề Trên Cả Dòng Tên cho phép xuất bản cuốn Từ điển Annam-Bồ-La tinh. Sau đó mấy tháng sách giáo lý song ngữ La tinh-Việt Phép Giảng Tám Ngày cũng nhận được phép ấn hành do linh mục Gossus Nickel, quyền Bề Trên Cả Dòng Tên ký ngày 8-7-1651. Tháng 10-1651,
Bộ Truyền Giáo ra lệnh cho nhà in của bộ tạm ngưng hết các việc khác để in cho xong hai quyển sách này. Việc in ấn khá phức tạp vì nhà in phải đúc riêng các phông (font) chữ Việt, và Rhodes phải theo dõi kỹ càng từng công đoạn in vì tầm quan trọng của sách giáo lý và từ điển. Cả một cuốn từ điển phức tạp như thế mà chỉ sai sót khoảng 250 từ tiếng Việt trong hơn 9000 từ thì quả là một kỳ công đáng phục.
Từ điển Việt Bồ La là một công trình khá đồ sộ xét về hoàn cảnh in ấn và phát hành của nó ở thế kỷ 17. Sách chia làm ba phần. Phần thứ nhất có đánh số
trang riêng, tổng cộng 31 trang là một bài tiểu luận về ngữ âm và ngữ pháp tiếng Việt mang tựa đề Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis declaratio (Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh). Trong cách sách ngữ pháp ở thế kỷ 16-17 của các nhà truyền giáo, các giáo sĩ đã lấy ngữ pháp tiếng Latin hoặc Hy Lạp làm chuẩn và áp các thứ tiếng khác (như trường hợp tiếng Hoa, Nhật, Việt) vào quy tắc các ngôn ngữ Châu Âu.34
Phần thứ hai là phần từ vựng mang tựa đề Dictionarium Annamiticum seu Tunchinense cum Lustitana, et Latina declaratione (Tự điển tiếng An Nam hay Đông Kinh kèm theo diễn nghĩa tiếng Bồ và La tinh). Phần từ vựng này có 450 trang in thành hai cột mỗi với số trang riêng cho mỗi cột (đánh số 1 đến 900). Hơn 6100 mục từ chính được sắp theo bảng chữ cái của tiếng Việt, phiên dịch sang tiếng Bồ, tiếng La tinh, kèm theo giải thích. Cộng thêm các từ ngữ khác được trích dẫn vì có liên quan đến nghĩa các mục từ, tổng cộng hơn 9000 mục từ.35
Phần thứ ba là mục lục các cụm từ bằng tiếng La tinh (Index Latini sermonis). Phần này chiếm 175 trang cũng in làm hai cột, có thể xem là cuốn từ vựng La-Việt rút gọn mà không cần phải ghi tiếng Việt vì mỗi chữ La tinh đều có tham chiếu với số trang trong phần thứ hai. Cộng thêm phần giới thiệu ở đầu cuốn sách và mấy trang những sai sót của bản in, cuốn Từ điển gồm cả thẩy gần 530 trang khổ 14 x 20 cm.36
Cộng Tác Viên Người Việt và Chữ Quốc Ngữ
Công cuộc La tinh hoá tiếng Việt không thể không có sự góp phần của người bản xứ. Khi các giáo sĩ dòng Tên đến Thanh Chiêm, họ đã quy tụ một số cộng tác viên người bản xứ theo mô hình judoku ở Nhật. Đây là những người trẻ giúp các giáo sĩ học tiếng Việt, làm thông ngôn, thư ký và giúp việc cho các giáo sĩ. Họ là tiền thân của Hội Thầy Giảng sau này.
Nhiều tài liệu đã nhắc tới “những người thầy không tên” của các giáo sĩ. Trong là thư viết từ Đàng Trong năm 1623, Pina nhắc đến một cộng sự viên là Anrê dạy các cha phát âm. Ông còn nhờ một người thông ngôn cho cha Buzuomi là Augustô đọc những câu trong sách vở được để ông chép lại bằng ký tự La tinh để dạy lại cho các thừa sai khác.37 Trong hồi ký của mình Rhodes nhắc đến một cậu bé người Đàng Trong trạc 12-13 tuổi đã giúp ông phát âm tiếng Việt: “Chỉ trong vòng ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ”.38
Nhiều người Việt còn là cộng tác viên của các giáo sĩ trong truyền giáo và góp phần truyền bá thứ văn tự mới này. Một tài liệu khác cho biết có ít nhất 14 người Việt đã tham gia cuộc tranh luận về công thức rửa tội bằng tiếng Việt.
Những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất … xuất hiện trong một biên bản mang tên “Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam” (1645).39
Trong số các văn bản chép tay có 2 lá thư viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ xuất hiện năm 1659 của các thầy giảng (giáo lý viên) Igesico Văn Tín và Bentô Thiện gửi cho giáo sĩ Filippo de Marini.40 Ngoài ra Bentô Thiện cũng soạn một tập sách Lịch Sử Nước Annam theo yêu cầu của Marini khi ông về Macau 7-1658.41 Được soạn trong năm 1658-1659, đây thể coi là tập lịch sử Việt Nam sớm nhất viết bằng chữ quốc ngữ, hơn 160 năm trước khi linh mục Philippê Rosario Bỉnh viết cuốn Truyện Nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong (1822). Các bản văn này đã cho thấy một số người Việt đã sử dụng thành thạo lối viết mới này để diễn tả tư tưởng của họ.
Trong thế kỷ 18 ở Đàng Ngoài và Đàng Trong có nhiều lá thư và sách vở viết bằng chữ quốc ngữ còn được lưu trữ ở văn khố của Hội Thừa Sai Ba Lê (Archives des Missions Étrangères de Paris, AMEP) của các tín hữu người Việt cũng như các thừa sai người Ý, Tây Ban Nha, và Pháp. 42 Việc khảo sát những văn bản này nằm ngoài phạm vi của bài tham luận này, nhưng có thể nói cách chung, từng bước cho thấy chữ quốc ngữ ngày càng giống với ngày nay hơn.
Trải hơn 400 năm kể từ khi các giáo sĩ dòng Tên đến truyền giáo ở Việt Nam, chữ quốc ngữ đã từng bước một đi sâu vào mọi từng lớp dân chúng thành phương tiện hữu hiệu truyền bá tư tưởng dân tộc. Dấu ấn tiếng Bồ và Ý trong cách ghi âm tiếng Việt thời kỳ sơ khai khá rõ nét, nhưng chính những người Việt ở thế kỷ 18-19 đã định hình cho chính tả chữ quốc ngữ. Công lao của những tiền nhân người Việt, mà phần lớn là khuyết danh ngoại trừ một ít người được nhắc đến như Bentô Thiện, Filippê Rosario Bỉnh, Phan Văn Minh, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, đã góp phần hoàn thiện thứ chữ viết mà ta dùng trên cả nước ngày nay.
PHỤ LỤC:
Tự Điển Việt-Bồ-La và Ngữ Âm Tiếng Việt Thế Kỷ 17*
Mặc dù không phải là các nhà ngôn ngữ, nhưng các giáo sĩ đã ghi âm với khả năng tuyệt vời theo nguyên tắc: nghe thế nào ghi lại thế ẩy. Các ông đã qua rất nhiều vùng, ghi lại tiếng nói của người dân để thành lập bảng từ vựng. Chính vì vậy đôi khi độc giả có cảm giác tiếng Việt trong Việt-Bồ-La không đồng nhất và pha trộn nhiều phương ngữ. Quả đúng như vậy ta thấy dấu ấn tiếng Quảng Nam trong cách thành lập vần, ta thấy dấu ấn tiếng địa phương của Vinh, của Quảng Bình trong phụ âm đầu. Các ông cũng không quên ghi cả các thổ ngữ của mỗi vùng như trường hợp chữ “rà, rện” (nhà, nhện) mà theo Rhodes đó là khuyết điểm của tiếng nói trong nhiều thành lân cận kinh đô.
Chúng ta còn tìm thấy ba tổ hợp âm đầu tl, bl và ml (đôi khi là mnh), đó là dấu tích còn lại của một số tổ hợp âm đầu có từ thời tiền Việt – Mường. Từ nửa sau thế kỷ 17 đến nay các âm tl, bl và ml có những sự biến đổi rõ rệt; tl, bl > tr hoặc gi, ml > nh và l. Đây là con đường biến đổi cơ bản của ba tổ hợp âm đầu. Ngay trong Việt-Bồ-La, ta thấy các tổ hợp phụ âm kép đang dần biến đổi ví dụ như ở mục từ tla, Rhodes có ghi thêm: “có người nói tra, có nghĩa là người ta đổi l thành r.”
[trang 801]. Trong 3 tổ hợp âm kép này bl, ml biến đổi trước rồi mới tới tl.
Chúng ta còn tìm thấy dấu tích các âm chưa bị xát hóa của tiếng Việt thế kỷ 17 như âm phụ âm [b / [bẽ [ß], d/dẽ [ỗ]. Trong từ điển có hai chữ B: một chữ là “b”, chữ kia tạm gọi là “bv” được chép với ký hiệu [b trong từ điển và phát âm như beta [ß] của Hy lạp. Sau này [b / [bẽ [ß] biến thành v[v] và d/dẽ [ỗ] thành d[z]. Đó là lý do tại sao mà chúng ta thấy có tận hai chữ B trong Việt-Bồ-La. Hiện nay chỉ còn rất ít người già tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch tỉnh Quảng Bình là còn nói âm này.
Ngoài ra trong phần ngữ pháp, tác giả còn giải thích nghệ thuật ghi âm, tại sao lại dùng chữ này mà không phải là chữ kia. Ví dụ tại sao dùng ph thay vì f ? tại sao lại dùng gi? Tại sao không có j trong tiếng Việt? Tại sao lại phải có cả u và ü? Qua đó ta thấy đây quả là một công trình tinh tế, tài tình của các nhà truyền giáo Dòng Tên.
So sánh cách viết của Việt-Bồ-La với quốc ngữ ngày nay, chúng ta có thể nhận thấy một vài khác biệt như sau:
ă dùng trước nguyên âm o (hăọc = học, nhăọc = nhọc), hoặc đứng một mình, nhưng có sự lẫn lộn giữa ă và a (bàng = bằng, mạt = mặt, sắch = sách) => cái này có thể do ảnh hưởng của tiếng Quảng Nam, trong hệ thống ngữ âm tiếng Quảng, âm ă không tồn tại, ví dụ thay vì nói ăn cơm họ nói eng côm . Và nếu ă đứng giữa ví dụ hăọc thì được coi là âm đệm ỗ (có dấu ngửa như ă) thường dùng trước nguyên âm như a hoặc u (đỗạn = đoạn, hỗa = hoa, ngỗục = ngục).
Thêm cách lý giải nữa, trong tiếng Latin, dấu mũ trên chữ ă dùng để chỉ a ngắn;
dấu mũ trên ỗ để chỉ o ngắn. Và các giáo sĩ dùng ký hiệu này áp dụng cho
nguyên âm tiếng Việt.
ẽ không còn dùng nữa (dẽa = da, dàẽi = dài) => tương tự ẽ là âm đệm, nếu chúng ta khảo sát kỹ thì sẽ thấy ẽ chỉ xuất hiện sau 2 âm chưa bị xát hóa là [b và d (thế kỷ 17), để các cơ quan ngữ âm phát âm được từ 1 chưa bị xát hóa sang 1 nguyên âm mở như a, o thì cần một tích tắc chuyển vì âm [b và d chủ yếu được phát bằng môi.
ê thường dùng thay cho â (lếy = lấy, đết = đất) => ảnh hưởng tiếng Quảng
â đã được thay thế bằng ô (muấn = muốn, nhưầng = nhường, uấng = uống).
ưâ đã được thay thế bằng ươ (phưâng = phương, cưầng = cường, cưấi = cưới).
uo thường dùng thay cho uô (guóc = guốc)
ou đã đựợc thay thế bằng u (coục = cục)
i dùng thay vì y trong các nguyên âm kép (huinh = huynh, nguiên = nguyên).
dấu (tilde) dùng để thay cho ng cuối một chữ (cũ = cung, oũ = ông; tuy nhiên có nhiều chữ vẫn viết với ng như chẳng, chưng, gương) => đây là ảnh hưởng chính tả của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha
aõ thường thay cho ong (laõ = lòng, đáõ = đóng, saõ = song) => ảnh hưởng tiếng Bồ
oũ thường thay cho ông (sóũ = sống , đòũ = đồng, khoũ = không).
chữ “Bêta” Hy Lạp (b) dùng thay cho v ([bua = vua, [bèao =vào, [bui- [bẻ = vui vẻ, [bẽai, [bai = vai). Đến mục u (trong cuốn tự điển chữ u vừa là chữ u thay cho v, chúng ta thấy nhiều chữ bắt đầu bằng phụ âm v: uì = vì, uêy = vây, vạy, vạn, uàng/vàng).
c nhiều khi thay cho q (cuên = quên, cuấn = quấn; tuy nhiên chữ q có lúc vẫn đúng như ngày nay: quan, quỉ).
d có khi dùng lẫn với nh hoặc r (dọn = nhọn, rọn; dìn = nhìn, rình; dẹ = nhẹ; dện = nhện; duộm = nhuộm, dường = nhường)
Cách viết này phản ánh tình trạng ngữ âm Việt ở thế kỷ 17, và theo phát âm vùng miền. Trong từ điển có rất nhiều chỗ tác giả ghi những cách viết tương đương. Có những âm vị dài hơn bây giờ, có những âm vị không còn nữa. Sang thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, với Từ điển Việt-La của Taberd (1838) thì ta thấy cách viết quốc ngữ gần giống với ngày nay.
Ở thế kỷ 17 còn tồn tại ba phụ âm kép bl, ml và tl mà ngày nay không còn trong tiếng Việt hiện đại:
bl đã được thay thế bằng tr, gi hay l (blời = trời/giời/lời; blái = trái/lái).
ml đã được thay thế bằng nh hoặc l (mlẽ = nhẽ/lẽ; mlớn = nhớn/lớn; mlạt = nhạt/lạt; mlời = nhời/lời). Có khi ml dùng như bl, thay thế bằng gi, tr (mlả = giả/trả)
tl đã được thay thế bằng tr (tláng = trắng, tlâu = trâu; tuy nhiên từ điển cũng ghi nhận có sự hoán chuyển giữa l và r, như tla cũng phát âm là tra).
Thực ra các phụ âm kép này vẫn còn tổn tại đến thế kỷ 18-19, tuy nhiên chúng cũng biến mất với tốc độ khác nhau tùy theo từng vùng miền. Dựa vào các tài liệu ở thế kỷ 18, phụ âm kép biến mất sớm nhất ở miền Nam. Bằng chứng là trong Từ điển Việt-La của Pigneaux de Béhaine (1772) tl chỉ còn xuất hiện một lần là tla (tra), còn hai phụ âm kép bl, ml đã biến mất hoàn toàn. Điều này có thể do sự giao lưu giữa người Việt với nhóm người Minh hương (người Hoa) đến định cư ở miền Nam, đặc biệt vùng Hà Tiên dưới sự bảo trợ của Chúa Nguyễn.43
Thế nhưng tại miền bắc hướng biến đổi này hơi khác một chút. Trong lời chứng của các Thánh tử đạo năm 174544, thì phụ âm kép tl đã biến mất và được thay thế bằng tr, tuy nhiên bl, ml vẫn còn tồn tại. Trong cuốn từ điển Dictionarium annamiticum seu Tunkinense Lusitana & Latina declaratione (Từ điển xác định tiếng Annam hay tiếng Đàng Ngoài, Bồ và Latinh)45 mà Filippe Rosario Bỉnh chép lại của cuốn Việt-Bồ-La của Rhodes năm 1797 có chỉnh lý theo hệ thống ngữ âm của thế kỷ 18 thì bl và ml vẫn còn tồn tại. Mãi đến nửa sau thế kỷ 19 thì các phụ âm kép này mới biến mất trên bảng ngữ âm ở miền bắc.
CHÚ THÍCH
* Bài tham luận này có sự cộng tác của Phạm Thị Kiều Ly, nghiên cứu sinh tại Université Sorbonne nouvelle Paris 3, trong phần phân tích ngữ học.
Ngày 1-1-1882, chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.
Một số tác giả trước kia ghi năm sanh của De Rhodes là 1591, theo tài liệu chính thức của dòng Tên thì ghi là 1593.
Tấm bia này hiện nay đặt ở trong khuôn viên của Thư viện quốc gia Hà Nội.
Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của Alexandre de Rhodes, giới học giả ở miền Nam đã bắt đầu những cuộc nghiên cứu sâu rộng về chữ quốc ngữ. Nguyễn Khắc Xuyên, “Chung quanh vấn đề thành lập chữ quốc ngữ” trong Vẫn hoá Nguyệt san, số 48, tháng 1-2/ 1960; Thanh Lãng, “Những chặng đường của chữ viết Quốc ngữ” trong Đại Học, năm thứ IV, số 1, tháng 2/1961; Võ Long Tê, Lịch Sử Vẫn Học Việt Nam (Tư Duy, 1965); đặc biệt Đỗ Quang Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ: 1620-1659 (Ra Khơi, 1972; Tái bản: Antôn-Đuốc Sáng, 2007).
Roma: văn khố Archivum Romanum Societatis Jesu (ARSI), bộ sưu tập Japonica-Sinica (Jap-Sin); Lisbon: văn khố Biblioteca da Ajuda (BA), bộ sưu tập Jesuítas na Asia; Madrid: văn khố Real Academia de la Historia de Madrid (RAHA), bộ sưu tập Jesuitas.
Gần đây Roland Jacques đã nghiên cứu về ảnh hưởng của tiếng Bồ trong việc hình thành chữ quốc ngữ. Xem tác phẩm tiêu biểu, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics [Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong ngành ngữ học Việt Nam] (Orchid Press, 2002).
Minako Debergh, “Les débuts des contacts linguistiques entre l’Occident et le Japon (premiers dictionnaires des missionnaires chrétiens au Japon au XVIè et XVIIè siècles)”, Langages, 16è année, No 68, pp. 27-44.
Năm 1632, Bộ Truyền giáo ở Roma in lại cuốn Từ điển La-Bố-Nhật và cuốn Ngữ Pháp Nhật ngữ để giúp các thừa sai học tiếng Nhật. Cuốn ngữ pháp này của Rodrigues đã được google số hóa https://books.google.fr/books/about/Arte da lingoa de Iapam.html?id=NwnUAAAAMAAJ&hl=fr.
Xem bản văn ở ARSI, Jap-Sin I-198, tờ 32r-169r. Năm 2001, tập sách quý giá này được xuất bản: Michele Ruggieri and Matteo Ricci, Dicionário Português-Chinês : (Pu-Han cidian) : Portuguese-Chinese dictionary, edited by John W. Witek (Lisbon: Biblioteca Nacional Portugal, 2001).
A.M.E, vol 727, p. 363, thư viết ngày 7/12/1717 của P.Heutte cho ban giám đốc của chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
De Rhodes ghi nhận: “Khi vừa tới Đàng Trong nghe người bản địa với nhau, nhất là phụ nữ, tôi có cảm tưởng như mình nghe tiếng chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ là mình không bao giờ có thể học được tiếng này.” Xem Divers voyages et missions (Paris, 1653), tr. 72. Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên, Hành Trình và Truyền Giáo (Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo TPHCM, 1994), tr. 55.
Giovanni Filippo de Marini, Delle missioni de’padri della Compagnia di Giesù nellaprovincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tumkino (Roma, 1663), tr. 95.
Theo De Rhodes một câu như sau “ba bà bả [vả] bá bạ bã” có đủ sáu thanh tiếng Việt và đủ nghĩa; ông giải thích câu trên có nghĩa là “ba bà tát vào mặt (vả) bà thứ phi (bá) đã bị ruồng bỏ (bạ) một thứ cặn (bã): tres dominae colaphizant concubinam derelictam magma.” Xem Rhodes, “De tonis seu accentibus linguae Annamitae”, ARSI, Jap-Sin 83, tờ 62r. Ngoài ra trong cuốn Histoire du Royaume de Tunquin (Lyon 1651, tr. 111-112), ông có kể lại một vài hiểu lầm do việc phát âm không chuẩn. Thí dụ như sai người nhà đi mua “cá” thì họ lại đi mua “cà”; kêu đi chém “tre” thì làm cho bọn trẻ trong nhà bỏ chạy toán loạn vì là chém “trẻ”. Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên,
Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài (Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo TPHCM, 1994), tr. 71.
Christoforo Borri, Relatione della nuova missione delli PP. de ’la Compagnia di Giesu, al regno della Cocincina [Tình hình đợt truyền giáo mới của đoàn truyền giáo Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong] (Roma, 1631). Bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy “Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine” trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, 1931, tr. 277-405. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, Tường Trình về Xứ Đàng Trong (NXB Tổng Hợp TPHCM, 2014), tr. 75-76.
Xem Divers voyages et missions, tr. 72; bản dịch Việt ngữ, tr. 55.
Trong một lá thư viết khoảng 1622-23 ông kể lại: “con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và về các cung điệu của ngôn ngữ này, con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp”, Biblioteca da Ajuda, bộ sưu tập Jesuítas na Asia Vol 49/V/7, tờ 413r-416r. Jacques Roland chụp lại và dịch sang tiếng Anh/Pháp, xem Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics, tr. 43 (Anh). Chúng ta không có bản gốc của Pina, nhưng có một bản chép tay, có lẽ là bản sao của giáo sĩ Onofre Borges hiện tàng trữ tại thư viện quốc gia Bồ Đào Nha ở Lisbon (Biblioteca da Ajuda) Manuductio ad Linguam Tunckinensem, trong bộ sưu tập Jesuítas na Asia, Vol 49/VI/8, tờ 313r-323v. Xem Portuguese Pioneers of Vietnamese, tr. 146-197 (bản La tinh), tr. 94-122 (bản dịch tiếng Anh).
Hai tài liệu viết tay của Amaral là Annua de reino de Annam do anno de 1632 [Bản tường trình hàng nãm về nước Annam, nãm 1620] (Kẻ Chợ, 31-12-1632), ARSI 85, tờ 125r-174r và Relacam dos catequistas da Christamdade de Tumkin e seu modo de proceder [Tường thuật về các thầy giảng của giáo đoàn Đàng Ngoài và về cách thức tiến hành của họ] (Kẻ Chợ, 25-3-1637), Real Academia de la Historia de Madrid, Jesuítas, Legajo 21 bis, Fasc. 16, tờ 31- 37r.
Năm 1953 học giả Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện ra các sách chữ Nôm của Majorica lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Paris (BNF). Từ năm 2000, nhóm dịch thuật Hán Nôm Công giáo ở TPHCM đã lần lượt cho phiên dịch sang quốc ngữ các công trình của Majorica.
João Roiz, Annua de Cochinchina do anno de 1620 [Bản tường trình ở Đàng Trong nãm 1620], ARSI, Jap-Sin 72, tờ 2-16. Xem Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (2007), tr. 29-32.
Cuốn sách được in năm 1631 nhưng Borri viết nó năm 1621-22, sau này ông có bổ sung thêm một chương về Đàng Ngoài 1626-27.
Gaspar Luis, Cocincinae missionis annuae litterae, anni 1625 [Bản tường trình năm 1625 ở Đàng Trong], ARSI, Jap-Sin 71, tờ 56r-71r. Xem Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (2007), tr. 42-44.
Antonio de Fontes, Annua da missao de Anam, a que vulgarmte chamão Cochinchina [Bản tưởng trình tình hình truyền giáo ở Đàng Trong], ARSI, Jap-Sin 72, tờ 69-86r. Xem Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, tr. 45-48.
De Rhodes, Alexandri Rhodes è Societate Jesu terra marique decem annorum Itinerarium [Cuộc hành trình mươi năm trên bộ dưới biển của Đắc Lộ, thuộc dòng Tên], ARSI, Jap-Sin 69, tờ 95r-140v.
Gaspar Luis, sđd, tờ 70rv. Fontes ghi hơi khác: “Nhít la khâu, khâu la nhít”, sđd, tờ 85r.
Tưởng trình về xứ Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri (Roma, 1631), dẫn lại trong Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (2007), tr. 37-40.
ARSI, Jap-Sin 85, tờ 125-174; tham khảo Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (2007), tr. 74-83.
Alexandre de Rhodes, Histoire du Royaume du Tonkin (Lyon 1651), tr. 109. Bản dịch Việt ngữ, Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, tr. 69.
Alexandre de Rhodes, Từ điển Annam Lusitan Latinh (NXB Khoa Học Xã Hội TPHCM, 1991). Bản dịch Việt ngữ của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, tr. 3.
Cuốn giáo lý này phải soạn sau khi De Rhodes viết bản tường trình về Vương quốc Đàng Ngoài (bản thảo La tinh, 1636) và trước khi ông viết bản tường trình Hành Trình và Truyền Giáo (bản thảo 1647). Trong cuốn đầu, ông không nhắc gì đến cuốn từ điển hay giáo lý, chỉ ghi một vài nhận xét về thanh điệu tiếng Việt, còn trong cuốn sau thì ông nhắc đến cuốn giáo lý hai lần (tr. 74 và 96; bản dịch tr. 56, 73).
ArSI, Jap-Sin 83 và 84, tờ 1-62v. Xem Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (2007), tr. 57-61.
Trong những năm 1640-1645, De Rhodes ở Macau có 20 tháng: 20/9 đến 17/12/1640; 21/9 đến cuối 1/1641; đầu tháng 8/1743 đến tháng 3/1744; 23/ 7/1645 đến 20/12/1645.
Trong biên bản cuộc bàn thảo về công thức Rửa tội bằng tiếng Việt vào năm 1645 ở Macau, có trên 35 vị tham dự và ký tên thì ta thấy Amaral được ghi là “rất thông thạo ngôn ngữ” (peritissimus linguae) và Barbosa là “thông thạo ngôn ngữ” (peritus linguae). Không thấy biên bản ghi trình độ Việt ngữ của De Rhodes. Xem ARSI, Jap-Sin 80, tờ 35-38, tham khảo Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong Xã Hội Đại Việt (Antôn-Đuốc Sáng, 2007), tr. 166-167.
Thanh Lãng có khám phá tại Thư Viện Tòa thánh Vatican có hai bản sao tự điển mà ông ngờ rằng là của hai giáo sĩ. Trong thư mục Borg. Tonch, có cuốn Dictionarum Annamiticum Lusitanum ký hiệu Borg. Tonch 23 và cuốn Dictionarum Lusitanum – Annamiticum, ký hiệu Borg. Tonch 23. Hai cuốn ấy do linh mục Philiphê Bỉnh sao lục và không đề tên tác giả. Cuốn trên Thanh Lãng gọi là cuốn BTA 23, dày 288 trang, cuốn dưới là BTB 23 dày 324 trang. Ngoài ra Philiphê Bỉnh còn trích sao cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes và Thanh Lãng gọi là cuốn BT 28 dày 411 trang. Thanh Lãng nghi rằng hai cuốn tự điển BTA 23 và BTB 23 có thể là hai cuốn tự điển Việt-Bồ và Bồ-Việt của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Tuy vậy cho đến khi có điều kiện nghiên cứu và so sánh các bản văn với Việt-Bồ-La thì chúng ta mới có thể xác định được. Xem Thanh Lãng, “Những Chặng Đường của Chữ Quốc Ngữ”, Đại học số 19, tháng 3-1961, tr. 35.
Bằng chứng là khi Rogrigues soạn cuốn Arte da lingoa de Iapam (Vắn tắt về tiếng Nhật) năm 1604 bao gồm 3 tập, ông đã xử lý ngữ pháp tiếng Nhật theo mô hình biến đổi danh từ, chia động từ, thời, thức, cú pháp, v.v. như một cuốn ngữ pháp Latin. Và chúng ta cũng thấy điều tương tự khi De Rhodes viết ngữ pháp tiếng Việt.
Phạm Thị Kiều Ly đếm được 6129 mục từ chính, tổng thể là 9085 từ.
Xem bản chụp kỹ thuật số ở Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha: http://purl.pt/961/4/#/0
Xem Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistic prior to 1650, bản gốc tr. 136, bản dịch Anh ngữ tr. 43.
Divers voyages et missions, tr. 73; bản dịch trang 56. Sau này cậu theo đạo, lấy tên thánh là Raphel Rhodes và trở thành một cộng tác viên đắc lực của các giáo sĩ.
ARSI Jap-Sin 80, tờ 78r-79r có ghi tên 14 người Công giáo Việt Nam bằng cả chữ Nôm lẫn Quốc ngữ.
ARSI Jap-Sin 81, tờ 247 (thư của Igesico Văn Tín gửi Marini, 12-9-1659), và ARSI Jap-Sin, tờ 246 (thư của Bentô Thiện gửi Marini, 25-10-1659). Xem bản chụp trong Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, phần phụ lục.
ARSI, Jap-Sin 81, tờ 254-259. Đỗ Quang Chính đã chép lại theo lối viết ngày nay trong Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (2007), tr. 148-178. Bản thảo này được soạn trước khi Bentô Thiện viết thư cho Marini.
Đoàn Thiện Thuật (sưu tầm và chủ biên), Chữ Quốc ngữ Thế kỉ XVIII (NXB Giáo dục, 2008).
Kiều Ly giải thích sự biến mất của các phụ âm kép này ở miền Nam có thể do những nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó có nhân tố là do sự tiếp xúc với tiếng Trung (tiếng Hán) từ cuối thế kỷ 18. Pigneaux de Béhaine sống ở Hà Tiên mà thời đó là phần đất của Mạc Cửu được Chúa Nguyễn bảo trợ, nên cư dân ở đó chủ yếu là người Hoa và người Việt sinh sống làm ăn buôn bán. Và trước tình hình Chúa Nguyễn cấm đạo ở Đàng Trong thì tại vùng đất này các Linh mục vẫn được tự do đi lại để truyền giáo, hơn nữa ở đó cũng có rất nhiều giáo dân sinh sống. Cho nên có lẽ sự tiếp xúc giữa nhóm cư dân nói tiếng Việt và tiếng Trung đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình biến mất của các phụ âm kép.
Archivio Segreto Vaticano, Fondo Riti, No 3014.
Biblioteca Apostolica Vaticana, Borg.Tonch.8.