Ngoài phần mở đầu (1:1-10) và kết luận (6:11-18), thư Ga-lát gồm ba phần: phần một là phần tự thuật trong đó thánh Phao-lô bảo vệ tin mừng phi không qua phép cắt bì mà ngài giảng dạy giữa các Dân Ngoại (1:11-2:21); phần hai ngài biện hộ cho mình qua những lập luận về “chân lý của tin mừng” (3:1-5:12); phần cuối là lời kêu gọi hãy sống theo Thần Khí (5:13-6:10).

Ở phần mở đầu, thánh Phao-lô đã gợi mở điều ngài sẽ lập luận trong phần còn lại của lá thư: (1) chức tông đồ của ngài không bắt nguồn từ loài người nhưng từ Chúa Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha; (2) Đức Ki-tô đã tự hiến để giải phóng chúng ta khỏi “thời kỳ tội lỗi hiện tại”; và những kẻ làm các tín hữu Ga-lát xao lòng đang bóp méo tin mừng.

Sau khi thu hút sự chú ý của các tín hữu Ga-lát trong phần mở đầu này, thánh Phao-lô trình bày một phần tự thuật dài để chứng tỏ rằng tin mừng ngài loan báo không bắt nguồn từ loài người nhưng được mặc khải cho ngài khi Thiên Chúa kêu gọi ngài trở thành tông đồ cho các Dân Ngoại (1:11-2:21). Theo đó, thánh Phao-lô kể lại đời sống trước kia của ngài như một kẻ bách hại Giáo Hội, ơn gọi hoặc kinh nghiệm hoán cải của ngài, chuyến thăm viếng đầu tiên của ngài ở Giê-ru-sa-lem, và cuộc tranh luận ở An-ti-ô-khi-a. Ngài sử dụng tiểu sử của mình làm chất liệu để chỉ cho các tín hữu Ga-lát thấy rằng (1) tin mừng không qua phép cắt bì của ngài có gốc rễ nơi tiếng gọi biến ngài thành một tông đồ cho các Dân Ngoại, (2) giáo hội ở Giê-ru-sa-lem đã thừa nhận nguồn gốc thánh thiêng của sứ mạng giữa các Dân Ngoại của ngài, và (3) ngài bảo vệ “chân lý của tin mừng”; tức, một người được công chính hóa nhờ đức tin chứ không nhờ thực hành những đòi hỏi của Lề Luật (xem 2:15-21).

Phần thứ hai của thư Ga-lát (3:1-5:12) trình bày lập trường dài của thánh Phao-lô về “chân lý của tin mừng.” Lập luận của thánh Phao-lô chủ yếu dựa vào vốn kinh thánh của ngài trong ánh sáng của những việc Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô. Chúng ta có thể tóm tắt các luận điểm chính của ngài như sau:

  • Bởi vì các tín hữu Ga-lát đã kinh nghiệm ân sủng của Thần Khí, cho nên họ không cần phải chịu cắt bì và học theo lối sống của các tín hữu Do Thái. Họ đã ở trong tương quan chân thật với Thiên Chúa, bởi vì họ đã được nên công chính nhờ ân sủng của Thần Khí.
  • Bởi vì các tín hữu Ga-lát đã được dìm thanh tẩy trong Đức Ki-tô, hậu duệ độc nhất của Áp-ra-ham, họ cũng trở nên con cái của Áp-ra-ham trong Đức Ki-tô. Phép cắt bì không còn cần thiết đối với họ.
  • Lề Luật có một vai trò giới hạn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nó đóng vai như “kẻ giữ luật” cho Ít-ra-en trong giai đoạn Ít-ra-en chỉ là một dân tộc thiểu số pháp định. Giờ đây khi mà Đức Ki-tô đã đến, vai trò của Lề Luật trong lịch sử cứu độ đã kết thúc.
  • Nếu các tín hữu Ga-lát học theo lối sống của các tín hữu Do Thái, họ sẽ quay trở lại giai đoạn thiểu sổ pháp định và nô lệ chứ không còn là những người thừa kế lời hứa được ban cho hậu duệ của Áp-ra-ham.
  • Các tín hữu Ga-lát thuộc về dòng dõi của người đàn bà tự do, Sa-ra và con trai của bà, I-xa-ác. Ngược lại, kẻ nào thúc đẩy các tín hữu Ga-lát chịu phép cắt bì lại thuộc về dòng dõi của người đàn bà nô lệ, Ha-ga và con trai của bà, Ít-ma-ên.
  • Nếu các tín hữu Ga-lát chấp nhận phép cắt bì và học theo lối sống sống của người Do Thái, Đức Ki-tô sẽ không còn ích lợi gì cho họ. Ân sủng của Thiên Chúa sẽ trở nên vô hiệu đối với họ.

Sau khi lập luận để bảo vệ “chân lý của tin mừng,” ở phần cuối của lá thư (5:13-6:10) thánh Phao-lô kêu gọi các tín hữu Ga-lát sống theo thúc đẩy của Thần Khí. Đối với nhiều độc giả, phần này có vẻ gây thất vọng và thậm chí trái ngược với toàn bộ lá thư. Tuy nhiên, lời kêu gọi luân lý này lại là trung tâm trong lập luận của thánh Phao-lô; bởi vì, sau khi bảo các tín hữu Ga-lát rằng họ không còn sống dưới Lề Luật, có vẻ đời sống luân lý không còn chỗ trong tin mừng của thánh Phao-lô. Không có gì có thể vượt qua chân lý. Mặc dù các tín hữu Ga-lát không còn bị Lề Luật chi phối, họ thực thi chúng nhờ đòi buộc của lòng mến. Được Thần Khí tăng sức, họ thực hiện đòi buộc của Lề Luật qua việc phục vụ lẫn nhau trong tình yêu, tình yêu hiến tế mà Đức Ki-tô đã mặc khải trên thập giá.

Lá thư kết luận bằng cách tóm tắt lập luận của thánh Phao-lô (6:11-18). Nhờ vào điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Ki-tô, cắt bì hay không cắt bì chẳng còn quan trọng. Điều quan trọng là trở thành một thụ tạo mới trong Đức Ki-tô. Ai thuộc về thụ tạo mới này chính là “dân Ít-ra-en của Thiên Chúa” (6:16).

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001),
127-129