Nếu thánh Phao-lô không phải tác giả của Những Thư Mục Vụ, chắc hẳn phải có một ai đó, ắt phải rất quen thuộc với truyền thống Phao-lô, biên soạn chúng vào cuối thế kỷ thứ nhất, một thời điểm mà Giáo Hội ở vùng Tiểu Á phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng của các thầy dạy giả hiệu vốn sai lạc với tin mừng thánh Phao-lô đã ủy thác cho các giáo hội. Kết quả, tác giả của các Thư Mục Vụ viết nhân danh thầy cả của mình (một việc làm quen thuộc trong thế giới cổ đại) để nhắc nhở các kỳ mục về truyền thống thánh Phao-lô đã ủy thác cho họ, và để hướng dẫn họ cách thức cai quản các giáo đoàn họ được ủy thác chăm sóc. Vì thế, Những Thư Mục Vụ có thể được xem như những cuốn sổ tay mục vụ.
Như những cuốn sổ tay mục vụ, Những Thư Mục Vụ hướng dẫn các chức sắc hội thánh tuân theo học thuyết lành mạnh mà họ đã lãnh nhận, truyền lại giáo huấn này cho các lãnh đạo trung tín những người, đến lượt mình, phải chuyển trao nó cho những lãnh đạo trung tín khác. Vì thế, thật quan trọng để hiểu ý nghĩa của Những Thư Mục Vụ hầu có thể bảo vệ giá trị của đức tin (1 Tm 6:20). Giá trị của giáo huấn lành mạnh này bắt nguồn từ thánh Phao-lô người đã ủy thác nó cho Ti-mô-thê và Ti-tô, những người giờ đây phải ủy thác nó cho những chứng nhân trung tín khác. Để hỗ trợ Ti-mô-thê và Ti-tô trong công việc của hai ông, thánh Phao-lô diễn tả những phẩm tính của những ai thích hợp với chức giám mục (1 Tm 3:1-7), phó tế (1 Tm 3:8-13), và trưởng lão (1 Tm 5:9-16). Tắt một lời, giáo hội của Những Thư Mục Vụ đang ở trong tiến trình tự cấu trúc để mà nó có thể giữ gìn giá trị phong phú của giáo huấn lành mạnh được ủy thác cho nó chống lại các thầy dạy giả hiệu (2 Tm 3:1-9).
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 161 – 162.