Trang Tử (360 – 280 BC)
Hình từ Internet

Môn học: Triết Trung Quốc
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Nguyễn Phước Bảo Ân, S.J.

Con người ở mọi thời dù Cổ hay Kim, trong mọi xã hội dù Đông hay Tây, với mọi tầm mức dù Vĩ hay Vi đều tìm cầu hai chữ Tự do. Song nếu bản chất của tự do gắn liền với bạo lực, thì e rằng chỉ có những kẻ mạnh mới có được tự do. Và thực tế còn cho thấy, sau bao cuộc cách mạng – trên thế giới cũng như tại Việt Nam – thứ tự do xây trên bạo lực là một lâu đài xây trên cát. Vẫn hoài công thôi! Vậy bản chất đích thực của tự do là gì? Cách đây hơn 2400 năm, có một vị thầy nghèo tên Trang Chu (360 – 280 BC) đã suy tư được tới ngọn nguồn của hai chữ Tự do ấy. Ông đã để lại tư tưởng thâm thúy, sâu xa của mình về Tự do trong tập Nam Hoa Kinh. Bài viết này là một hứng khởi tìm về bản chất của sự tự do và những đặc nét của một tự do mang tính hiện sinh mà thầy Trang đã diễn tả trong hai chương đầu của tác phẩm Nam Hoa Kinh là Tiêu Dao Du (chương I) và Tề Vật Luận (chương II).

Dẫn nhập

Con người ở mọi thời dù Cổ hay Kim, trong mọi xã hội dù Đông hay Tây, với mọi tầm mức dù Vĩ hay Vi đều tìm cầu hai chữ Tự do. Bởi có lẽ, nói như Jacques Rousseau, “Con người sinh ra tự do” nhưng tiếc là “ở bất cứ đâu anh ta cũng bị xiềng xích”. Thế nên, để có được tự do, người ta cứ phải chiến tranh, khởi nghĩa; vì họ nghĩ như Voltaire rằng: “Bản chất thực sự của tự do là độc lập, duy trì bằng bạo lực.“.[1] Song nếu bản chất của tự do gắn liền với bạo lực, thì e rằng chỉ có những kẻ mạnh mới có được tự do. Và thực tế còn cho thấy, sau bao cuộc cách mạng – trên thế giới cũng như tại Việt Nam – thứ tự do xây trên bạo lực là một lâu đài xây trên cát. Vẫn hoài công thôi! Vậy bản chất đích thực của tự do là gì?

Cách đây hơn 2400 năm, có một vị thầy nghèo tên Trang Chu (360 – 280 BC) đã suy tư được tới ngọn nguồn của hai chữ Tự do ấy. Ông đã để lại tư tưởng thâm thúy, sâu xa của mình về Tự do trong tập Nam Hoa Kinh.[2] Đọc sách ông, tôi được hứng khởi để tìm về bản chất của sự tự do. Rồi từ bản chất ấy, tôi lại thấy thấp thoáng chân dung của một con người tự do mà thầy Trang đã vẽ ra. Bản chất và chân dung của tự do kia như mang đậm chất hiện sinh và hiện thực cho cuộc sống hôm nay lắm. Với những chất liệu trên, tôi sẽ ghi lại vài nhận xét của mình như một lời kết. Tuy nhiên vì tác phẩm Nam Hoa Kinh quá đồ sộ, nên tôi tự giới hạn mình trong hai chương đầu của tác phẩm là Tiêu Dao Du (chương I) và Tề Vật Luận (chương II) thôi.

 1. Bản chất của tự do

Một cách hết sức bình dân, ta vẫn hiểu tự do là không bị ràng buộc, là không phải bám víu. Nhưng điều quên sót là ta chưa xác định được đối tượng của sự bám víu là gì. Trang tử gợi ý rằng ta không nên bám víu vào chính cái Tôi của mình và những sự vật của thế giới này.

Về việc bỏ cái Tôi, Trang nói: “Bậc chí nhân thì quên mình, bậc thần nhân thì không lập công, bậc thánh nhân thì không lưu danh” (I.1). Vô kỷ (quên mình) tức không bám vào cái Tôi, cái Ngã đầy tham muốn của ta. Cái Ngã ấy thường thích được “lập công”, “lưu danh”. Bởi ta thường nghĩ “đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông” chứ. Nhưng rồi, lắm khi ngẫm nghĩ lại ta có thể thốt lên:

“Chẳng lợi danh gì lại hóa hay
Chẳng gì phiền lụy chẳng ai rầy.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặc tỉnh say.” [3]

Thế mới thấy, vô kỷ – vô công – vô danh sẽ giúp ta tự do hơn. Thêm nữa, theo lời khuyên của Trang, ta cũng không nên bị vạn vật níu kéo. Vì vạn vật thị phi, cũng như cái Ngã, lại rút mất sức sống của ta: “Từ khi có quan niệm thị phi, ý niệm về Đạo mới suy. Ý niệm về Đạo suy rồi mới có lòng tự ái.” (II.6).

Tuy nhiên tại điểm này cũng phải nói thêm rằng, Trang tử mang tinh thần hiện sinh và thực tế khi không hề phủ nhận sự dính líu của ta với thế giới vật chất xung quanh. Trang viết: “Khi ta đã nhận được cái hình hài của ta rồi thì ta giữ nó cho tới chết. Nó với những vật khác đâm nhau, mài cọ vào nhau, cùng bôn tẩu như những con ngựa, mà không có gì làm cho ngừng được” (II.2).

Đành rằng tự do là không bám víu vào cái Tôi hay sự vật, song tự do không phải là một tình trạng lơ lửng, bay bổng không không. Thật ra, tự do cốt ở việc bám vào Đạo.

Với Trang, ông không bận tâm nghiên cứu xem Đạo là gì, Đạo khởi từ đâu, hay gồm những đặc tính nào: “Không ai biết được chủ tể của vũ trụ là gì. Ví thử có một chủ tể thực đi thì ta cũng không thấy có dấu hiệu, vết tích gì của nó. Thấy tác động mà không thấy hình thể của nó… Nếu có một cái thực là chủ tể (của vạn vật) thì dù ta hiểu biết hay không hiểu biết nó, cũng không làm tăng hay giảm cái chân thực của nó” (II.2). Đạo, đối với Trang, đơn giản là điều để ông chiêm ngắm, lắng nghe, mở lòng đón nhận và dồn lực quy thuận: “Không có cái không phải là ta thì không có ta. Nhưng không có ta thì không thể hiện được sự biến hóa của tự nhiên. Như vậy ta với tự nhiên thật mật thiết với nhau” (II.2). Hay nói cách khác, Đạo là một cái gì vừa siêu việt, trường cửu, vừa nội tại trong ta và có sức giải phóng ta.

Giải phóng bằng cách cho ta biết sự thật về chính ta: “Dù cả nước khen cũng không mừng, cả nước chê cũng không buồn, vì ta biết phân biệt nội và ngoại, vinh và nhục” (I.1). Nội là chân giá trị của mình, là vận mệnh và sứ mạng riêng mà mình phải đảm trách và hoàn thành lấy. Ngoại là những lời khen tiếng chê, những thứ phụ thuộc, không mấy ảnh hưởng lên phẩm giá và số kiếp mà ta đã nghe và nhận lãnh từ Đạo. Như thế, biết sự thật về chính ta là biết bản chân của ta, biết ơn gọi và cùng đích mà ta cần hướng đến và hoàn tất vậy.

Chung quy lại, tự do là tuy dính líu mà không bám víu. Nghĩa là, tuy ta vẫn phải sống giữa vạn vật và với cái Ngã của mình, nhưng tâm của ta lại không bị lệ thuộc nơi chúng. Tâm của ta hướng về Đạo, tìm bám chặt lấy Đạo. Vì ta tin rằng chỉ có Đạo mới chỉ cho ta con đường hoàn thành vận mạng đời mình cách đích thực; và cùng đích đời ta là hợp nhất với Đạo. Vả nữa, không chỉ là điểm kết, Đạo còn đang hiện hữu nội tại trong ta, nuôi dưỡng và truyền sức sống cho ta. Bởi vậy có thể nói, người tự do là người bám vàosống với Đạo.

Tuy nhiên, chọn bám vào và sống với Đạo như thế có giúp gì cho con người ngay trong cuộc hiện sinh này không? Sự tự do được thể hiện như thế nào đây? Đó là những điều ta sẽ bàn ngay tiếp sau.

2. Những đặc nét của một tự do mang tính hiện sinh

Như đã thấy, một con người chỉ bám vào Đạo, chỉ mong cầu hợp nhất với Đạo như thế quả là một con người thanh thoát tự tại. Từ mối tương quan nền tảng với Đạo ấy, con người tự do cũng sẽ rất thong dong trong ba mối liên hệ còn lại của đời người là: với chính mình, với vạn vật, và với tha nhân.

2.1. Tự do với chính mình

Người tự do, như đã nói ở trên, là người vô kỷ. Đã bỏ mình ắt đã hiểu mình, chấp nhận được mình rồi. Do hiểu mình mạnh điểm nào, yếu ở đâu nên chẳng màn so sánh với người, mà cũng đâu còn muốn “vượt thành kiến của mình để phân biệt thị phi” (II.2) nữa. Thật thế, khi Huệ Thi chê học thuyết của Trang, ông hóm hỉnh dùng câu chuyện cây xư để trả lời (I.5). Lời đáp của ông đại khái như sau: Cây xư vì vô dụng mà được hưởng hết tuổi đời. Nhưng nó vô dụng hay người ta không biết dùng nó? Sao không trồng nó trong chỗ tịch mịch, để kẻ khác có thể nghỉ ngơi dưới bóng nó.

Cho nên, kẻ tự do đâu phải là người sống phóng túng, tùy tiện, ba phải. Họ biết mình, có lập trường riêng của mình, và dám sống cho chọn lựa ấy. Họ cứ âm thầm sống mà chẳng cần phô trương. Vì không phô trương nên người đời cứ ngỡ họ ngu ngơ. Mặc! Họ vẫn như cây xư vui với gió Trời, thâm trầm với Đạo thôi.

2.2. Tự do với vạn vật

Người tự do cũng sẽ rất bình an đón nhận những đổi thay của kiếp sống mà không bất ngờ hay than trách. Hoàn cảnh bên ngoài dường như không còn tác động trên họ nữa. “Hình hài mà biến hóa thì tinh thần cũng biến hóa (II.2). Sự thực thì sống cũng như chết, chết cũng như sống. Cái có thể được cũng là không thể được, cái không thể được cũng là có thể được… Thánh nhân không chấp nhất nên mới rực rỡ ở trên trời. (II.3)” Do đó, phong thái của kẻ tự do rất ung dung, tự tại, thanh thản như Phan Khôi có lần diễn tả:

“Làm sao cũng chẳng làm sao,
  Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
  Làm chi cũng chẳng làm chi,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao.”

Tiếp đó, người tự do nhìn vạn vật bằng đôi mắt công bằng, không thiên vị. Bởi một mặt, họ có bám vào vật đâu mà thiên vị làm gì! “Một cọng cỏ nhỏ với một cột lớn, một người đàn bà xấu với nàng Tây Thi, với tất cả các cái bậy bạ, dối trá, quái dị đều hợp nhất ở trong Đạo hết” (II.4). Mặt khác, họ “thấu triệt được toàn diện” nên thường không chấp chứa hay thiên lệch (II.8). Họ cứ chọn sống với Đạo ngay giữa vòng sinh sinh hóa hóa, trôi trôi nổi nổi của kiếp đời này – bây giờ và tại đây.

2.3. Tự do với tha nhân

Còn đối với tha nhân, một khi đã kinh nghiệm được niềm vui của sự giải thoát, người tự do cũng muốn cho người khác đụng chạm được kinh nghiệm ấy. Mà thứ giải thoát đích thực chính là Đạo. Nên người tự do muốn tha nhân nghe, cảm, và theo Đạo, chứ không theo mình. Trên nền ý tưởng này, Trang tử mới chê Chiêu Văn, Sư Khoáng, Huệ Thi dù chơi đàn giỏi, gõ nhịp hay, biện thuyết khéo mà vẫn chỉ nhằm “hướng người khác hiểu sở thích của mình”, nên chỉ toàn gây cho người đời thêm “mê loạn, nghi ngờ” mà chẳng được ích gì (II.6). Bởi còn quy kỷ thì làm sao kéo người khác quy Đạo? Mình chưa tự do thì làm sao hướng người khác đến tiêu dao?

Thêm nữa, người tự do cũng tôn trọng bản chất và tiến trình biến chuyển của tha nhân. Người tự do biết rằng “vật nào [hiểu rộng hơn là bao gồm cả con người nữa] cũng có cái ‘như vậy’ của nó; vật nào cũng có cái ‘có thể’ của nó. Không vật nào không có cái ‘như vậy’ của nó; không vật nào không có cái ‘có thể’ của nó” (II.4). Chính Đạo tạo nên cái bản chất ‘như vậy’, ‘có thể’ kia; rồi cũng chính Đạo tiếp tục điều khiển, huấn luyện, nhào nắn, hướng dẫn họ. Đã có Đạo hướng dẫn, tại sao ta phải vội như Cồ Thước mới thấy trứng đã muốn nghe gà gáy, mới thấy đạn đã mong có thịt chim (II.11)? Thế nên, người tự do biết tôn trọng và kiên nhẫn với người. 

Đã tôn trọng như thế nên đâu còn phân biệt mình và người, Ngã và tha, vì chưng “mình là người khác; người khác cũng là mình… Mình và người đừng chống đối nhau nữa, cái chốt của Đạo ở đó.” (II.3). Quả là nhờ bám sâu trong Đạo mà kẻ tự do mới có được cái nhìn bao dung, khoáng đạt như thế. Nên thầy Trang đã kết luận: “Chỉ hạng đạt Đạo mới hiểu được sự hợp nhất đó mà bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung” (II.4) thôi.

Tắt một lời, người tự do là kẻ biết mình, mở ra với vạn vật, và hòa với người khác. Họ không ba phải, không than trách hoặc nóng vội. Họ âm thầm mà quyết liệt sống cho chọn lựa bám vào Đạo của mình. Họ an tĩnh và công tâm trước sự biến thiên của cảnh huống, của biến cố. Họ điềm đạm, tôn trọng người và mong cầu cho người khác cũng được tiêu dao như họ.

Như thế đó, một mẫu người đạt được phong thái tự do chân thật như vậy thực đáng mơ ước. Dầu vậy, trong thực tế xã hội và con người Việt Nam hôm nay, tư tưởng của Trang tử về tự do có góp được gì không? Cá nhân tôi có học được gì từ thầy Trang chăng? Tôi xin chia sẻ những ưu tư đó dưới đây.

3. Nhận định cá nhân

Thứ nhất, sự tự do đặt nền trên Đạo của Trang tử có thể là lời giải cho đất nước Việt Nam hôm nay trên mọi tầm mức của nó.

Ở phương diện cá nhân, giới trẻ ngày nay chủ trương tự do theo kiểu phóng túng, vô kỷ luật. Họ hô hào tự do tính dục để rồi nạn nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên đứng thứ nhất Đông Nam Á.[4] Họ quảng bá tự do khỏi nền nếp cổ truyền để đánh mất đi lòng hiếu kính cha mẹ, phủ nhận tình bà con làng xóm. Có lẽ những chủ trương ấy đã làm méo mó hai chữ tự do của thầy Trang. Vì đằng sau thứ tự do kia là việc tôn sùng ý riêng. Đã tôn sùng ý riêng tức là còn chấp Ngã. Thế nên, thứ tự do này chưa thoát khỏi chính mình. Chưa “vô kỷ” sao gọi là tự do? Giúp giới trẻ nhận thức được sai lạc này là giúp họ đi vào con đường tự do đích thực và sâu sắc hơn rồi đó.

Ở tầm mức chính trị – xã hội, dù đã được hoàn toàn giải phóng gần nửa thế kỷ, nhưng dường như xã hội Việt cách chung đang loay hoay tìm kiếm một Đạo cho mình. Chính vì không có Đạo làm nền, làm đích tới nên người trên thì mặc sức lạm quyền, tham nhũng; người dưới thì luồn cúi, xin xỏ, cầu nịnh để được tiến thân; người thấp cổ thì không buồn mở miệng, ngậm bồ hòn làm ngọt cho xong. Hóa ra, được giải phóng khỏi một chế độ áp bức này để lại bị nô lệ cho một chế độ tham lam khác. Vậy chẳng phải vẫn ở trong vòng thị phi sao? Còn quay quắt trong vòng vật chất ấy là còn bị giam hãm, bị rút cạn sức lực. Song đồng thời, đấy cũng là cơ hội để người dân cảm thấy cần đến Đạo lắm lắm. Ngày nào còn thấy mến Đạo, ngày ấy xã hội Việt còn có niềm hy vọng được giải thoát đích thực. Mong vậy! 

Thứ hai, sự tự do mà Trang tử đề nghị, xét cho cùng, là một tình trạng tự do nội tâm sâu xa mang tính cá vị hơn là phổ quát, dành cho số ít hơn là số nhiều. Phải, sống giữa những thang giá trị đề cao vật chất và hưởng thụ ngày nay, liệu có mấy ai dám can đảm bứt ra để sống nghèo mà giữ được sự tiêu diêu như thầy Trang? Thêm nữa, để đạt đến cảnh giới tự do nội tâm ắt cần thời gian tu dưỡng. Đi vào con đường tu dưỡng tâm tánh cũng thường đòi người tu tập phải có những duyên cơ tương xứng nào đó. Tóm lại, sự tự do nội tâm kia hay mà cao, đẹp mà xa, sâu, mà khó lĩnh hội. Cho nên, sự tự do nội tâm, một mặt sẽ là món hàng xa xỉ cho đại bộ phận quần chúng; mặt khác lại là một gợi hứng vô giá, một gọi mời vô tận cho những ai có tâm hồn, thời gian và điều kiện.

 Thứ ba, với tôi – là một tu sĩ Dòng Tên, sự tự do mang chiều kích quy Đạo của Trang tử thật gần với sự bình tâm được đặt nền trên Thiên Chúa của thánh I-Nhã. Bởi chỉ còn trông cậy vào Chúa nên người bình tâm “không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống trường thọ hơn sống ngắn ngủi” (Linh thao 23). Sự bình tâm ấy sẽ giúp người Giêsu-hữu sống thanh thoát và ứng trực. Thanh thoát khỏi những dính líu của dục vọng xác thịt, của tiền tài danh vọng, của ý riêng cá nhân. Ứng trực để ra đi phục vụ con người và hướng họ về với Thiên Chúa. Những đặc nét ấy của người tông đồ Dòng Tên cũng là những nét phác họa về kẻ tiêu diêu trong Trang đó thôi. Từ những điểm chung trên, hy vọng con đường đối thoại liên tôn và nhất là công cuộc truyền giáo vào Hoa lục sẽ tiến triển hơn trong tương lai. Còn phần mình, tôi hy vọng tiến gần hơn mức bình tâm ấy để tiêu diêu cùng Chúa và con người, dù cho tôi được gởi đến bất cứ nơi đâu, và ở trong bất cứ bối cảnh nào.

 

[1] http://vinhanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1662:danh-ngon-ve-tu-do&catid=42:danh-ngon-cham-ngon&Itemid=160 (Thứ hai, 05/11/2012; 8h30).

[2] Bài viết này sẽ dựa theo bản dịch và chú giải của Nguyễn Hiến Lê, Trang Tử – Nam Hoa Kinh, (Tp.HCM: Nxb. Văn hóa Thông tin, 2008). Thế nên, cách đánh số các trích đoạn của Nam Hoa Kinh cũng sẽ theo cách đánh số của Nguyễn Hiến Lê.

[3] Hai bài thơ trên đều của Nguyễn Công Trứ. Bài đầu là “Đi Thi Tự Vịnh”, bài sau là “Than Nghèo”.

[4] http://vienthongke.vn/thu-gian/1237-giat-minh-voi-ti-le-nao-pha-thai-cua-hoc-sinh-sinh-vien (Thứ hai, 05/11/2012; 8h30).

Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam (05/03/2012): Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19,  trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.