Một trận hỏa hoạn đã xảy ra giữa đêm tối. Những người gây ra hỏa hoạn đã bỏ đi và gia đình bị hỏa hoạn xoay sở để thoát khỏi đám cháy, ngoại trừ đứa con gái nhỏ bốn tuổi bị mắc kẹt trên tầng ba của tòa nhà. Cha của cô bé đứng bên dưới cửa sổ phòng cô bé. Ông gọi cô bé từ cửa sổ và bảo cô bé nhảy xuống. Cô bé kêu lên: “Bố ơi, con không thể nhìn thấy bố.” Người bố trả lời: “Không sao đâu con, bố có thể nhìn thấy con. Nhảy đi con gái!” cô bé đã nhảy và người bố đã đỡ lấy cô an toàn. Cô bé đã thoát khỏi đám cháy xung quanh và lại được đoàn tụ với gia đình cô yêu thương.
Câu chuyện này là một dụ ngôn về những thắc mắc và nhu cầu về ơn cứu độ của con người. Giống như cô bé trong câu chuyện, con người nhận thấy mình đang sống trong tình trạng đổ vỡ và đầy nguy hiểm. Tự sức mình, chúng ta không thể giải quyết được tình trạng này. Nhưng cũng giống như cô bé, chúng ta được chỉ cho một con đường đưa đến sự sống và tình yêu. Ơn cứu độ là một thuật ngữ tôn giáo nhằm mô tả tình trạng đổ vỡ và nguy hiểm của con người, đồng thời thuật ngữ ấy cũng trình bày con đường dẫn tới tự do và hy vọng.
Mục Lục
1. THẮC MẮC CỦA CON NGƯỜI VỀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
Nếu bạn kiểm tra danh sách các sách tiếng Anh bạn đọc trong năm nay, chắc chắn ít nhiều những sách bạn đọc có liên quan đến chủ đề ơn cứu đô. Chúng có thể không đề cập đến Thiên Chúa hay Đức Giêsu, nhưng rất nhiều trong số ấy nói đến cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Đây là những chủ đề lớn của văn chương vì là những chủ đề lớn của cuộc sống.
Những câu hỏi liên quan đến ơn cứu độ là những câu hỏi vốn đã được con người đã và đang hỏi hàng ngàn năm qua:
- Tại sao lại có thế giới và con người?
- Tại sao tôi được sinh ra? Đâu là mục đích của đời tôi?
- Tại sao có quá nhiều sự dữ trong thế giới này? Có phải con người căn bản là xấu xa?
- Có hy vọng nào cho một sự đổi mới trên trái đất này không?
- Thiên Chúa có quan tâm đến hoàn cảnh của con người không? Nếu có, tại sao Ngài không làm một điều gì đó?
- Tại sao những người vô tội lại chịu đau khổ?
- Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?
- Sốngđạo đứccó thực sựquan trọng hay không?
Tất cả các tôn giáo cách này hay cách khác đều quan tâm đến những câu hỏi này. Quan tâm chính yếu của tôn giáo là ý nghĩa của cuộc sống. Sống để làm gì? Tại sao chúng ta hiện hữu? Tôn giáo cố gắng đưa ra một giải pháp nào đó cho những câu hỏi này. Có nhiều cách khác nhau để nỗ lực giải đáp những câu hỏi trên. Một trong số đó là triết học. Trong suốt dòng lịch sử đã xuất hiện rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, là những người đã vật lộn với câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Một cách khác không thông qua con đường triết học, nhưng ngang qua những câu chuyện, nghệ thuật và thơ ca. Những cách thức kể trên thường giải quyết cùng một vấn đề nhưng theo những phương thế khác nhau. Triết học nói về phương diện logic của lý trí. Những câu chuyện và nghệ thuật nói nhiều hơn về toàn thể con người, bao gồm cả cảm xúc và trực giác của chúng ta.
Trong Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm thấy những câu chuyện và cả những tư tưởng thần học tìm kiếm về ý nghĩa của ơn cứu độ. Những câu chuyện trong Cựu Ước có thể được tìm thấy trong mười một chương đầu của sách Sáng Thế. Trong những chương này, chúng ta tìm thấy những câu chuyện về sáng tạo, A-đam và E-và sa ngã và trục xuất khỏi vườn Ê-đen, Ca-in và A-ben, Nô-ê và nạn hồng thủy, tháp Ba-ben. Những câu chuyện này không phải là những tường thuật chính xác từng chi tiết về những biến cố đã xảy ra. Đúng hơn chúng là cách thức người Do thái vật lộn với những câu hỏi về cái thiện, cái ác và về ý nghĩa của cuộc đời. Những câu chuyện này trình bày một lịch sử lâu dài của những câu chuyện được kể giữa người Do thái, và cuối cùng, chúng được một kinh sư nào đó gom lại và biên soạn thành một chuỗi các câu chuyện. Nhưng hơn thế nữa, những câu chuyện này là mặc khải được Thiên Chúa linh ứng. Quan tâm chính của chúng ta là tìm xem những câu chuyện này nói với chúng ta điều gì về ý nghĩa của ơn cứu độ.
Câu chuyện thứ nhất trong sách Sáng Thế (1:1-2:4) là câu chuyện mô tả về việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới trong sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Để hiểu câu chuyện này, điều quan trong cần làm là phân biệt hai phạm trù: giải thích khoa học và ý nghĩa tôn giáo. Tác giả của câu chuyện trong Kinh Thánh này biết rất ít về nguồn gốc của vũ trụ theo quan điểm khoa học. (Ngày nay chúng ta biết nhiều hơn, nhưng chúng ta cũng chỉ xới trên bề mặt mà thôi.) Điều quan trọng là ý nghĩa tôn giáo của câu chuyện. Đâu là ý nghĩa đó? Có ba điểm then chốt:
- Vũ trụ là kết quả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Trong tường thuật sáng tạo này, tác giả nhấn mạnh về quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa. Ngài phán và lời của Ngài có quyền năng: “Thiên Chúa phán, ‘Phải có ánh sáng,’ và liền có ánh sáng”. Về mặt tôn giáo, Thiên Chúa sáng tạo thế giới trong bảy ngày hay theo một tiến trình tiến hóa sáng tạo là điều không quan trọng. Chính Thiên Chúa là nguồn gốc của quyền năng sáng tạo này mới là điều quan trọng.
- Việc sáng tạo của Thiên Chúa là tốt đẹp. Tôi đã gặp nhiều người tin rằng thế giới này là hỏa ngục. Tác giả của những câu chuyện sáng tạo này muốn làm rõ một điều: theo ý định của Thiên Chúa, thế giới này là một nơi tốt lành. Sự sáng tạo của Thiên Chúa là tốt đẹp. Điều này được lặp lại từ đầu đến cuối câu chuyện. Sau mỗi ngày, Thiên Chúa nhìn lại công việc tạo dựng của mình và tuyên bố chúng là tốt đẹp. Và sau ngày thứ sáu, ngày kết thúc việc tạo dựng, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.”
- Con người là kiệt tác của Thiên Chúa và được trao ban trách nhiệm chăm sóc tạo thành. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1,27-28). Con người có vị trí độc nhất trong thế giới tạo thành. Chỉ có con người được tạo nên “theo hình ảnh Thiên Chúa.” Điều này có ý nghĩa gì? Bản văn cho thấy rõ rằng con người chia sẻ hình ảnh của Thiên Chúa nhờ được trao ban trách nhiệm để chia sẻ cộng việc tạo dựng. Họ phải làm cho trái đất sinh sôi nảy nở và chăm sóc bảo dưỡng nó. Điều quan trong nên chú ý ở đây là từ “con người” ở đây nói đến cả đàn ông lẫn đàn bà. Không phải chỉ có đàn ông mới được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người là hình ảnh Thiên Chúa.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Lịch sử cho thấy rằng con người đã và đang khai thác trái đất cũng như bảo dưỡng nó. Chúng ta không thể quên rằng con người là thành phần của thế giới tạo thành. Con người không phải là Thiên Chúa. Bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn đối với những quan tâm về môi trường theo những cách thức nào? Bằng cách nào bạn có thể “yêu mẹ trái đất” của bạn hơn?
2. A-ĐAM, E-VÀ VÀ SỰ SA NGÃ
Câu chuyện thứ hai về tạo dựng trong sách Sáng Thế (2:4-25) không nói về việc tạo dựng vũ trụ nhưng về những con người đầu tiên, A-đam (tiếng Do Thái, có nghĩa là “con người”) và người đàn bà, sau này được đặt tên là E-và . Họ sống trong Vườn Địa Đàng Ê-đen. Trong câu chuyện này người đàn ông được tạo dựng trước nhưng không có một động vật nào có thể làm trợ tá tương xứng, và vì thế người đàn bà được tạo ra. Trong bản văn này, có một sự khẳng định mạnh mẽ về giới tính của con người. Người nam và người nữ bổ trợ lẫn nhau.
Cho đến đây, mọi sự đều xảy ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, bây giờ, tác giả sách Sáng Thế phải giải thích vấn nạn làm sao sự dữ lại đi vào thế giới và vào đời sống con người. Vì thế, tác giả kể câu chuyện về con rắn cám dỗ E-và và tội của cả A-đam và E-và , và việc ông bà bị trục xuất ra khỏi vườn Ê-đen.
Câu chuyện này dạy chúng ta điều gì? E-và bị con rắn cám dỗ khi nó nói với bà, “Bà sẽ nên như những vị thần,” nếu bà ăn trái cây bị cấm. Tội của A-đam và E-và một phần là muốn chối bỏ nhân tính của họ, qua đó cũng chối bỏ món quà mà Thiên Chúa đã ban. Tội ấy là ước ao trở thành trung tâm của vũ trụ thay vì là một tạo vật. Những hậu quả do tội của A-đam và E-và diễn ra ngay lập tức. Họ nhận ra sự trần truồng của mình và họ lấy lá che thân. Sự hài hòa với tự nhiên và sự thân mật giữa hai ông bà bị phá hủy hoàn toàn.
Tác giả Kinh Thánh muốn làm rõ một điều: tội lỗi và sự dữ không có trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng xuất phát từ lựa chọn của con người và do con người sử dụng không đúng đắn tự do được trao ban. Hệ quả của tội A-đam và E-và nhanh chóng lây lan. Ca-in, con trai của họ, giết A-ben em mình. Tội lỗi lan truyền giống như một dịch bệnh. Chúng ta thấy chỉ sau một thời gian, cả thế giới đã trở nên đồi bại ngoại trừ Nô-ê và gia đình ông. Một hành vi phạm tội có tính cá nhân thời kỳ đầu giờ đây đã lan truyền và ăn sâu vào hiện sinh của con người. Tuy nhiên, câu chuyện về Nô-ê và nạn hồng thủy kết thúc với một niệm hy vọng. Thiên Chúa không tiêu diệt toàn thể gia đình nhân loại. Thiên Chúa bắt đầu một tạo dựng mới bằng cách ký một giao ước với Nô-ê.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Trong những câu chuyện của sách Sáng Thế, tội mang tính truyền nhiễm. Điều này dường như là một sự thật. Tội lan truyền trong văn hóa và xã hội của chúng ta như thế nào? Chúng ta “thừa hưởng” những thái độ tội lỗi trong quá khứ hay những thái độ tội lỗi đang tồn tại trong xã hội của chúng ta theo những cách thức nào? Chúng ta áp dụng điều này cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bạo lực, thiếu trung thực hoặc lạm dụng rượu bia như thế nào?
3. ĐỨC GIÊSU, A-ĐAM MỚI
Những câu chuyện trong Sáng Thế từ chương 1 đến chương 11 là những kiệt tác vì chúng có thể đạt đến trọng tâm của những vấn nạn tôn giáo. Chúng nói với chúng ta rằng thế giới đã được tạo ra bởi quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa. Nhưng giờ đây, tình trạng tội lỗi, tình trạng xa rời ân sủng một cách bi thảm đang thống trị thế giới này. Thế giới và con người bị thương tích bởi tội lỗi, bởi việc cắt đứt khỏi Thiên Chúa, và ở trong tình trạng cần ơn cứu độ. Tuy nhiên, vẫn còn niềm hy vọng khi Thiên Chúa không bỏ rơi tạo thành của Ngài. Thiên Chúa sẽ ban tặng cho chúng ta một khởi đầu mới. Toàn bộ phần còn lại của Kinh Thánh là câu chuyện về niềm hy vọng đó. Thiên Chúa đi vào một tương quan cụ thể với Israel (một giao ước) và hứa ban cho họ một con đường giải thoát khỏi bóng tối. Ngài hứa ban cho họ một con đường mới đưa đến sự sống. Con đường này phục hồi sự hài hòa đã mất nơi chính bản thân họ, giữa họ với người khác, và với Thiên Chúa. Những lời hứa này cuối cũng đã được hoàn tất nơi con người Đức Giêsu, người được gọi là “A-đam mới”. Đức Giêsu mặc khải ý nghĩa đích thực về nhân tính của chúng ta và mang đến cho chúng ta niềm hy vọng ngay trong một thế giới vẫn bị tổn thương bởi tội lỗi.
Đối với Kitô hữu, Đức Giêsu được xem là Đấng Cứu Thế, Đấng mang lại ơn cứu độ cho toàn thể loài người. Cách cụ thể, ngang qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ cho chúng ta. Ngang qua đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa đã hợp nhất Ngài với dân của Ngài trong tình yêu. Cái chết của Đức Giêsu là sự mặc khải tình yêu tuyệt đối và vô điều kiên của Thiên Chúa cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống của Ngài trong và ngang qua Con của Ngài. Sự phục sinh của Đức Kitô là lời hứa của Thiên Chúa: tình yêu của Ngài lớn hơn tất cả mọi bóng tối, tình yêu ấy giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Sự phục sinh mặc khải rằng cuối cùng tội lỗi và sự chết là những kẻ lừa đảo: chúng không có quyền năng mà con người trao cho chúng. Quyền năng đích thực là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô.
Đức Kitô không chỉ mặc khải về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nhưng Ngài còn chỉ cho chúng ta con đường đưa đến tình yêu đó. Khi bước đi với Đức Kitô, chúng ta bước đi trên con đường mới, một hướng đi mới với một định mệnh mới. Con đường Giêsu, con đường tình yêu và lòng thương xót, chân lý và công bình, tin tưởng và cầu nguyện, là con đường đưa đến Chúa Cha.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Thiên Chúa luôn luôn ban cho chúng ta một khởi đầu mới. Đâu là những khởi đầu mới mà bạn đã kinh nghiệm? Đâu là những mối tương quan bạn có thể dùng như một khởi đầu mới? Tại sao? Và điều gì bạn có thể làm với mối tương quan này?
4. TỘI: NGUYÊN TỔ, CÁ NHÂN, TRỌNG, NHẸ, XÃ HỘI
Nếu Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta, thì chính xác chúng ta được cứu khỏi điều gì? Chúng ta được cứu để đưa vào cái gì? Chúng ta sẽ khác biệt như thế nào? Theo Kinh Thánh chúng ta được cứu khỏi “tội và sự chết.” Tội và sự chết được xem là quyền lực tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Tội là sự cự tuyệt và khước từ của một trái tim chai đá để yêu mến và tín thác nơi Thiên Chúa. Chính sự chai đá này tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Chết không chỉ là sự chấm dứt tồn tại nơi trần thế. Chết còn là kết thúc niềm hy vọng. Chính tuyệt vọng làm cho đời sống không có ý nghĩa và mục đích.
Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ hơn về ý nghĩa của tội lỗi bằng cách xem xét một vài mô tả truyền thống về tội:
Tội Nguyên Tổ. Một trong những giáo huấn khó hiểu nhất của Giáo Hội là tín điều về tội nguyên tổ. Dường như lúc nào cũng vậy, khi sinh viên được yêu cầu trình bày tội nguyên tổ, họ trả lời, “Nó là tội do A-đam và E-và phạm.” Nhưng điều đó có nghĩa gì? Nếu chúng ta khám phá ra rằng A-đam và E-và không phải là những nhân vật lịch sử, thì rõ rằng không thể có chuyện con rắn đưa trái cây cho họ. Vậy, tội nguyên tổ là gì? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy để Kinh Thánh và những lý thuyết này nọ sang một bên và đơn giản chỉ nhìn vào chính chúng ta và thế giới chúng ta đang sống. Trên khắp các mặt báo hôm nay, chúng ta đọc thấy ngập tràn những tội ác đang xảy ra trên khắp thế giới. Một thế giới đầy dẫy bạo lực, phân biệt chủng tộc, thiếu trung thực, cẩu thả, vô liêm sỉ, và tức giận. Một thế giới sặc mùi chiến tranh, nghèo đói, vô gia cư, lạm dụng, tham lam và nghiện ngập. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại, chúng ta cũng có thể thấy tình yêu, tha thứ, phục vụ, can đảm, quan tâm, giáo dục, chữa lành, làm việc chăm chỉ, và hy vọng. Đây là một hành tinh hết sức kỳ cục. Nó bao gồm cả cái tốt lẫn cái xấu. Nếu chúng ta nhìn vào chính chúng ta, chúng ta cũng có thể thấy một bức tranh tương tự. Chúng ta cũng có thể có tình yêu tinh tuyền và lòng tha thứ, nhưng chúng ta cũng có thể phản bội chính những người thân nhất của chúng ta. Chúng ta hướng đến sự tốt lành, nhưng chúng ta cũng bị hướng chiều qui về bản thân mình.
Tình trạng đổ vỡ của xã hội và của cá nhân là điều được gọi là tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ có ý diễn tả một cái gì đó rất thực: kinh nghiệm về sự dữ và sự thiếu hài hòa nơi thế giới và nơi chính bản thân chúng ta. Nhiều người nghĩ tội nguyên tổ như là một tội mà em bé khi được sinh ra đã phải mang và cần rửa tội để được sạch. Nhưng thật ra nó thực tế và phức tạp hơn nhiều. Tất cả chúng ta bị tác động bởi hoàn cảnh, bởi mạng lưới tội lỗi này. Nó là thành phần của bầu không khí chúng ta đang hít thở. Tình trạng tội lỗi này thét gào tự do, giải phóng và ơn cứu độ. Đối với Đức Giêsu, thực tại này dường như là đương nhiên. Ngài tuyên bố rằng Ngài đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối. Ngài nhấn mạnh vào việc thay đổi con tim. Ngài đến để ban cho chúng ta một con đường giải thoát khỏi mạng lưới tội lỗi. Người Kitô hữu tin rằng ơn cứu độ đã được ban cho thế giới nơi Đức Giêsu. Tội nguyên tổ vẫn còn đó, nhưng nó không phải là điều duy nhất. Đức Kitô đã thay đổi thế giới mãi mãi. Nếu chúng ta sống trong Đức Kitô và Thần Khí của Ngài, chúng ta được tự do thoát khỏi sự ràng buộc của sự dữ trong thế giới này, và chúng ta tự do để giúp mang Triều Đại của Thiên Chúa đến trên mặt đất này.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Bạn có cần ơn cứu độ không? Tại sao có và tại sao không?
Tội cá nhân. Tội nguyên tổ là một tình trạng, không phải do một quyết định. Tội cá nhân xảy ra khi chúng ta quyết định phạm tội, khi chúng ta cộng tác với sự dữ trong thế giới và trong chính chúng ta. Tội luôn là sự thiếu vắng tình yêu theo một cách thức nào đó. Tội phá hủy chính chúng ta và những tương quan của chúng ta. Tội cá nhân là những tội chúng ta cố tình phạm, nên chúng ta phải chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên, có tội nặng và tội nhẹ. Giáo Hội Công Giáo từ xa xưa đã phân biệt tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng là những tội rất nghiêm trọng, cắt đứt chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Một số nhà thần học mô tả tội trọng như là đường hướng chung cho đời sống: một lựa chọn nền tảng sống một cách ích kỷ. Một số thần học gia khác nhấn mạnh đến những hành động mang tính cá nhân vốn gây hại một cách nghiêm trọng và phản ánh một trái tim quy kỷ và chai đá. Tội nhẹ được xem là “ít nghiệm trọng”. Những tội này phá vỡ và làm tổn thương tương quan của chúng ta với người khác và với Thiên Chúa, nhưng nó không phá hủy đến nỗi hủy diệt các mối tương quan đó. Tuy nhiên, nên nói thêm rằng, mọi tội lỗi đều nghiệm trọng theo cách này hay cách khác, theo đó chúng làm tổn thương tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với người khác và với chính chúng ta.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Đâu là những tội nghiêm trọng nhất đang đe dọa giới trẻ ngày hôm nay? Những tội nào phá hủy không chỉ người khác nhưng còn phá hủy chính chúng ta?
Tội Thiếu sót. Tội căn bản là thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa, người khác hoặc chính mình. Một trong những tội tồi tệ nhất chúng ta thường mắc phải được gọi là những tội thiếu sót. Có thể chúng ta không làm gì sai trái, nhưng chúng ta vẫn có thể đang phạm một điều gì đó rất nghiêm trọng. Sự vô cảm, không quan tâm là một trong trong tội nặng nề nhất. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, những người đã phớt lờ người đàn ông bị đánh nhừ tử không làm gì sai, nhưng họ cũng không làm gì đúng.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Bạn có thể nghĩ về một thời gian mà bạn đã không làm điều gì đó trong khi lẽ ra bạn nên làm?
Tội xã hội. Thông thường tội được áp dụng cho những lựa chọn cá nhân. Tuy nhiên, ngày hôm nay, nhiều nhà thần học và Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II nói về tội dưới dạng: “những cấu trúc của tội.” Có những yếu tố “tội lỗi” trong lòng xã hội đang phá hủy nhân phẩm của con người. Vì vậy, bất kỳ trường hợp nào khuyến khích bạo lực, tham lam, nghèo đói, phân biệt chủng tộc v.v., có thể được xem như những ví dụ của tội xã hội hoặc tội có tính cơ cấu. Đơn cử như hiện nay tại Mỹ, phụ nữ chỉ được trả bảy mươi phần trăm lương của nam giới trong khi họ cáng đáng cùng một công việc. Tương tự như vậy, khi ly dị, phụ nữ hầu như luôn luôn phải chịu những gánh nặng về tài chính, trong khi đó lối sống của nam giới hiếm khi bị ảnh hưởng. Một ví dụ khác về tội lỗi có tính cấu trúc là tương quan giữa những quốc gia phát triển và những quốc gia chưa hoặc đang phát triển. Thật bất thường khi những nước phát triển thu lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên của những nước nghèo khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thuê mướn nhân công giá rẻ của những nước nghèo ấy.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Đâu là những ví dụ khác bạn có thể nghĩ ra liên quan đến “tội lỗi có tính xã hội”?
5. CHÚNG TA ĐƯỢC CỨU VÌ ĐIỀU GÌ: ÂN SỦNG VÀ TÌNH YÊU
Cho đến nay, chúng ta đã và đang tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của chủ đề ơn cứu độ. Chúng ta đã và đang nhìn vào sự đổ vỡ, tội lỗi và sự dữ trong thế giới và trong chính chúng ta. Nhưng một khía cạnh quan trọng không kém của ơn cứu độ là đời sống mới, thực tại mà chúng ta được mời gọi để đi vào. Có nhiều cách khác nhau để diễn tả đời sống mới này. Nó được gọi là ân sủng, là sự sống và tình yêu của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. Đức Giêsu gọi đời sống đó là Triều Đại Nước Thiên Chúa, một đời sống trong tương quan hài hòa giữa Thiên Chúa và dân của Người. Đó cũng là đời sống chúng ta được tạo nên. Chúng ta sẽ khám phá những chủ đề này trong phần sau của cuốn sách, vì thế, nơi đây chúng ta sẽ chỉ tóm tắt một vài ý niệm then chốt về đời sống mới, một đời sống mà người Kitô hữu được mời gọi hướng đến.
Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thay đổi chúng ta. Tình yêu ấy cho chúng ta một viễn tượng và một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Tình yêu ấy mời gọi chúng ta lớn lên. Nó giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và tuyệt vọng. Chúng ta hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể hơn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều sinh viên có cha mẹ là những người nghiện rượu. Các em này thường phải gánh chịu những hình ảnh tồi tệ về chính mình. Họ sống trong xấu hổ và mặc cảm. Họ thường gặp khó khăn trong việc kết bạn lâu dài. Một số gặp khó khăn về hành vi trong học đường; số khác thì tốt một cách cực đoan để trở thành anh hùng trong gia đình. Tất cả những sinh viên này cần sự giúp đỡ một cách nào đó. Nhiều người trong số sinh viên này thực sự đã cố gắng giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Họ vượt thắng được những mặc cảm và trong mức độ nào đó thoát khỏi những hệ quả tiêu cực đến từ chứng nghiệm rượu trong gia đình họ. Những sinh viên này thật sự đã lớn lên, đảm nhận những rủi ro và đã thay đổi. Họ thoát khỏi những sợ hãi và sống tự do hạnh phúc hơn. Chúng ta cũng gặp thấy các tác động tương tự trên những người gặp được Đức Giêsu. Ngài mời gọi họ đi đến một hiểu biết mới về chính bản thân họ. Ngài biến đổi những ngư phủ thành các vị tông đồ. Nhờ gặp gỡ Ngài, các cô gái điếm nhận ra nhân phẩm của họ; và con người thường được chữa lành khỏi những thái độ tiêu cực đang giam giữ họ. Đối với thánh Phaolô, người Kitô hữu được gọi là một “tạo vật mới”. Đời sống của chúng ta phải có một điểm nhấn khác. Chúng ta phải sống “trong Đức Kitô.” Chúng ta phải tự do để yêu mến.
- Ơn cứu độ liên quan đến toàn thể con người. Khi chúng ta nghĩ về ơn cứu độ, chúng ta thường nghĩ đến cứu độ phần linh hồn. Nhưng ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta tác động đến toàn thể con người: tâm trí, cảm xúc và thân xác. Khi Đức Giêsu đến với người mù, người đau yếu và người đáng bị khiển trách, ngài chữa lành họ. Quyền năng cứu độ của Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào những gì “thiêng liêng”. Đối với những người nghiện ngập, lời mời gọi của ơn cứu độ mang lại kết quả có tính thể lý: nó mang đến sự giải thoát cho cơ thể anh ta khỏi tác hại phá hủy của ma túy.
Ơn cứu độ bắt đầu ở đây và ngay bây giờ. Hầu hết những người Công Giáo mà tôi gặp đều nghĩ ơn cứu độ thuộc về một thế giới khác. Họ xem ơn cứu độ như một cái gì đó xảy ra sau cái chết. Điều đó chỉ đúng một nửa. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa ban cho chúng ta ngay ở đời này. Khi Đức Giêsu sống trên trần gian, Ngài đã nói về việc chúng ta phải đối xử với nhau ở đây và ngay bây giờ như thế nào. Nhiệm vụ của một Kitô hữu là phải mở ra với Triều Đại của Thiên Chúa ở đây, ngay trên mặt đất này (như Đức Giêsu đã cầu nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”) Chúng ta phải xây dựng tình bạn, gia đình và xã hội tràn đầy tình yêu và công bình của Thiên Chúa.
- Ơn cứu độ là một tiến trình. Một số Kitô hữu nói về “được cứu” như thể điều đó là một biến cố xảy ra một lần cho tất cả. Đôi khi, một Kitô hữu “được tái sinh” là người đã và đang dấn thân vào cuộc hoán cải đầy nghị lực trong chính cuộc sống của mình và chấp nhận Đức Giêsu là Chúa, là Đấng cứu độ của mình. Người Công giáo đồng ý tầm quan trọng của việc chấp nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng cứu độ. Tuy nhiên, vì ơn cứu độ tiên quyết là một mối tương quan, nên ơn cứu độ được quan niệm như một tiến trình hơn là một sự kiện xảy ra một lần và cho mãi mãi. Một người nghiện rượu đã ngừng uống rượu luôn nhắc nhở chính anh ta hoặc cô ta rằng mình đang (chứ không phải đã) hết nghiện rượu. Những người như thế đang sống giữa một tiến trình. Nó tương tự với ơn cứu độ và đức tin. Chúng là một tiến trình.
- Ơn cứu độ được hoàn tất trong sự bất diệt với Thiên Chúa. Niềm hy vọng của chúng ta không bị giới hạn trong thế giới này. Sự phục sinh của Đức Giêsu mặc khải rằng quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết. Tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta không kết thúc với cái chết của chúng ta. Chúng ta được hứa sẽ chia sẻ sự phục sinh của Đức Kitô. Theo truyền thống, người Kitô hữu gọi thực tại này là “thiên đàng.” Bất kể chúng ta gọi là gì, ơn cứu độ có nghĩa là hy vọng vượt lên trên sự chết.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Bạn có bao giờ gặp những Kitô hữu “được tái sinh” chưa? Bạn có thể mô tả họ như thế nào không? Đức tin của bạn có thay đổi bạn tí nào không?
6. THIÊN ĐÀNG, HỎA NGỤC VÀ LUYỆN NGỤC
Như chúng ta đã xem xét, ơn cứu độ chỉ đạt đến giới hạn cuối cùng của nó sau cái chết. Chúng ta hãy xem xét một cách kỹ càng hơn những phạm trù thiên đàng, hỏa ngục và luyện ngục thật sự có ý nghĩa gì.
Thiên Đàng.
Đối với tôi, những hình ảnh quen thuộc nhất về thiên đàng dường như lại giống với hỏa ngục: thò đầu ra từ những đám mây và chơi đàn hạc mãi. Nếu Thiên Chúa muốn con người lên thiên đàng, thì có lẽ cần phải nhiều hơn thế! Trong Kinh Thánh, thiên đàng được mô tả qua những hình ảnh. Trong thánh kinh Do Thái, đời sống sau cái chết không phải là một đề tài quan trọng đối với người Do Thái cho mãi tới khoảng năm trăm năm trước khi Đức Kitô được sinh ra. Vào thời của Môsê, Đavít và Salômôn, dường như không có bất kỳ ý niệm rõ ràng nào về thiên đàng như là đời sống vĩnh cửu. Khi mới xuất hiện, những ý tưởng này không mô tả về điều gì sẽ xảy ra cho một cá nhân sau cái chết, nhưng chỉ đơn giản nói về thời gian cuối cùng, một thời gian Thiên Chúa mặc khải sự công chính của Ngài và lời hứa của Ngài được hoàn tất. Một trong những hình ảnh quen thuộc nhất được sử dụng là hình ảnh bữa tiệc:
Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc:
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước (Isaia 25, 6-7).
Hạn từ “thiên đàng” thực sự không phải là một hạn từ quan trọng trong Tân Ước có liên quan đến sự viên mãn cuối cùng của đời sống con người. Trong Tân Ước, Đức Giêsu nói về triều đại Thiên Chúa đang đến. Ngài đề cập đến triều đại Thiên Chúa ở cả hiện tại lẫn sự viên mãn của nó trong tương lai. Triều đại Thiên Chúa được phác họa tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và những tác động của nó trên con người. Trong các dụ ngôn của mình, Đức Giêsu cũng so sánh triều đại Thiên Chúa với một bàn tiệc vĩ đại. Nơi bàn tiệc này, Thiên Chúa mời tất cả chúng ta vào dự, nhưng chúng ta có thể từ chối lời mời của Ngài. Vào thời của Chúa Giêsu, giữa người Do Thái không có sự thống nhất với nhau về niềm tin liên quan đến đời sống sau cái chết. Đức Giêsu đứng về phía những người tin vào sự sống đời sau. Ngài căn dặn cần đề phòng những nguy hiểm của lối sống chỉ tập trung vào hạnh phúc đời này.
Trong các thư của mình, Thánh Phaolô cho thấy rõ ràng rằng sự phục sinh của Đức Kitô được hứa ban cho tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài so sánh Đức Kitô với A-đam “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15, 21-22)
Sự viên mãn của đời sau liên quan đến hạn từ “phục sinh” hơn là hạn từ “thiên đàng”. Sự viên mãn nay (này) không phải là một nơi cho bằng một mối tương quan. Những người ở “trong Đức Kitô” là “ở thiên đàng.” Mối tương quan này đã bắt đầu ngay ở thế gian này, vì vậy chúng ta có thể có kinh nghiệm về những khoảnh khắc mờ nhạt về điều sẽ xảy ra ở tương lai. Những khoảnh khắc đó có thể được tìm thấy tại một thời điểm, giây phút hay người nào đó khi tình yêu Thiên Chúa hiện diện mãnh liệt. Đó có thể là ngày sinh của một em bé, nơi tình yêu của vợ chồng, nơi hòa bình giữa các quốc gia, nơi việc chăm sóc những người nghèo đói, nơi cử hành Thánh Thể, nơi thời khắc thứ tha. Như thế, thiên đàng vừa là kinh nghiệm cá nhân và vừa là kinh nghiệm có tính tập thể.
Cuối cùng, thiên đàng là một món quà đến từ Thiên Chúa. Đó là tình yêu trọn vẹn và tràn đầy của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Một mặt, chúng ta không có cách nào dành lấy nó. Chúng ta không thể làm gì để khiến Thiên Chúa phải ôm lấy chúng ta trong tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Đó hoàn toàn là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta phải đón nhận nó. Chúng ta không được khước từ! Việc khước từ dẫn chúng ta đến khái niệm hỏa ngục.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Dùng trí tưởng tượng của bạn để tưởng tượng xem: thiên đàng sẽ như thế nào? Điều tốt nhất nơi thiên đàng là gì? Bạn muốn xem thấy điều gì nhất nơi kinh nghiệm này?
Hỏa Ngục
Hỏa ngục là một thuật ngữ chung chung được dùng để mô tả về một nơi đau khổ vĩnh viễn dành cho những linh hồn bị đọa đày và ma quỷ. Nếu thiên đàng thường được nghĩ là ở “trên trời”, thì hỏa ngục lại ở dưới địa ngục. Nhưng tương tự như thiên đàng, hỏa ngục cũng không phải là một nơi cho bằng là một tương quan, hay nói đúng hơn, đó là một tương quan bị phá hủy. Trong Tân Ước, Đức Giêsu dùng một hình ảnh quen thuộc để diễn tả hỏa ngục: “Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa Gehenna” (Mt 5, 30). Gehenna là một địa danh ngoài thành Giêrusalem. Gehenna đã từng là địa điểm dân ngoại sát tế con người và vào thời Đức Giêsu, nó giống như một hố rác với “ngọn lửa không thể dập tắt.”
Có nhiều cách thức trong nỗ lực hiểu giáo huấn của Giáo Hội về hỏa ngục. Thứ nhất thực thi sự công bằng. Như một tội phạm bị tuyên án bởi một thẩm phán, thì Thiên Chúa cũng kết án những người sống trong tội lỗi nhưng không chịu hoán cải. Những người bất chính đời này bị kết án trong cuộc phán xét chung. Chúng ta thấy điều này trong dụ ngôn về người phú hộ và anh La-da-rô (xem Lc 16). Vì người phú hộ đã không để ý đến người ăn xin trước cổng nhà mình, nên ông bị kết án chịu hình phạt đời đời.
Cách thứ hai có thể hiểu hỏa ngục như một cách thức nhằm ngăn chặn những hành vi vô luân. Dường như Đức Giêsu đã dùng cách này trong đoạn văn được trích dẫn ở trên về Gehenna. Hỏa ngục là cách Thiên Chúa dùng để dạy con người cư xử đúng đắn.
Ngày hôm nay, hầu hết các thần học gia giải thích hỏa ngục như một tuyên bố về sự tự do của con người. Chúng ta có khả năng chấp nhận hoặc khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Nếu chúng ta khước từ, chúng ta áp đặt hỏa ngục trên chính cuộc đời chúng ta. Hỏa ngục không phải là lời kết án của Thiên Chúa cho bằng được thực hiện bởi chính chúng ta. Đây là điểm then chốt. Khi người ta hỏi “Làm sao một Thiên Chúa tràn đầy yêu thương và thương xót lại có thể ném một con người xuống hỏa ngục?” Câu trả lời là con người tự chọn điều đó cho mình. Thiên Chúa ban cho họ ơn cứu độ và ân sủng, nhưng con người lại khước từ.
Một điều quan trọng cần lưu ý rằng, Hội Thánh không bao giờ nói rằng một ai đó đã xuống hỏa ngục, Hội thánh chỉ dạy rằng hỏa ngục là một khả thể. Có thể tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng tất cả. Nhưng Đức Giêsu cảnh báo giả định như thế khi người nói: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Bạn có thể mô tả hỏa ngục như thế nào? Đối với bạn hỏa ngục là gì? Đành rằng không thể có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, nhưng đoán thử xem: trung bình, bao nhiêu người trong số một trăm người lên thiên đàng. So sánh câu trả lời và những lý do bạn đưa ra với câu trả lời và những lý do của người khác.
Luyện Ngục
Thêm vào giáo huấn của Hội Thánh về thiên đàng và hỏa ngục, có khả thể thứ ba sau khi chúng ta chết. Nó được gọi là luyện ngục. Giáo huấn của Hội Thánh về ngục không trực tiếp đến từ Thánh Kinh. Luyện ngục là một nơi hay một tình trạng con người “được thanh luyện” do những tội của họ, để họ có thể diện kiến Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu. Ý tưởng ẩn sau điều này là trước khi con người có thể diện kiến sự viên mãn của tình yêu Thiên Chúa, thì người ấy phải được tự do thoát khỏi những cản trở đối với một tình yêu như thế (tội lỗi). Đó là luyện ngục. Tiến trình thanh luyện có thể được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của những người đang sống. Những người đang trong luyện ngục là người công chính và sẽ được cứu.
Như chúng ta đã đề cập trước đây, đức tin luôn đưa đến những hệ quả trong thực hành. Thật khó để áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, có một hệ quả quan trọng có thể được áp dụng: các tương quan của chúng ta vẫn được duy trì bất chấp cái chết. Nếu người thân yêu của bạn qua đời, thì tương quan của bạn với người ấy vẫn tồn tại trong tình trạng thiêng liêng. Người thân yêu của chúng ta trở thành một phần của chúng ta và họ tiếp tục sống trong chúng ta. Tín điều về luyện ngục khuyến khích chúng ta tiếp tục gìn giữ những tương quan ấy sống động nhờ ký ức và kinh nguyện.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận
Bạn có duy trì tương quan với những người thân yêu đã qua đời không? Nếu có, bạn duy trì mối tương quan này như thế nào?
Câu Hỏi Ôn Tập
- Mười một chương đầu của sách Sáng Thế quan tâm đến điều gì? Những vấn nạn nào được đề cập đến?
- Những khác biệt giữa ý nghĩa tôn giáo và ý nghĩa khoa học khi tiếp cận những trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế là gì?
- Ba điểm chính của trình thuật sáng tạo trong Sáng Thế là gì?
- Tác giả muốn truyền đạt điều gì trong trình thuật sa ngã? Câu chuyện này nói với chúng ta điều gì về tội lỗi và sự dữ?
- Đức Giêsu là A-đam mới theo cách thức nào?
- Tội nguyên tổ là gì?
- Khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ là gì?
- Tội xã hội có nghĩa gì?
- Hãy mô tả đầy đủ ý nghĩa cách người Kitô hữu hiểu về ơn cứu độ. Chúng ta được cứu khỏi cái gì và vì điều gì?
- Giải thích: “Thiên đàng là một mối tương quan hơn là một nơi chốn.”
- Chúng ta có thể tự mình đạt được phần thưởng thiên đàng không?
- Đâu là hình ảnh mà Đức Giêsu dùng để nói về hỏa ngục? Thiên Chúa giàu lòng thương xót làm sao có thể ném một người xuống hỏa ngục?
- Trình bày ý nghĩa của luyện ngục?
Chuyển dịch: Nhóm Học viên Dòng Tên
Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 35-50.