(Hình ảnh từ internet)

Cụm từ “xã hội hoàn hảo” (societas perfecta trong tiếng Latinh), vốn là một cụm từ đôi khi được sử dụng để miêu tả Giáo hội Công giáo, không nhằm khẳng định những người Công giáo là những con người hoàn hảo. Thậm chí cụm từ này cũng không có ý nói rằng người Công giáo tốt hơn những người khác, vì họ thật sự không tốt hơn. Tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau về nhân phẩm, về tầm quan trọng và giá trị trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh.

“Hoàn hảo” trong ngữ cảnh này không liên quan đến sự hoàn hảo luân lý. Khi một tổ chức, hiệp hội hay đoàn thể có thể đem lại mọi thứ mà các thành viên cần, thì tổ chức đó được coi là một xã hội hoàn hảo. Tương tự như vậy, vì Giáo hội, do chính Đức Kitô thiết lập, có tất cả bảy bí tích (sự toàn vẹn của ơn sủng), toàn thể Mặc Khải Thánh được chứa đựng trong cả Thánh Kinh và Thánh Truyền (sự tròn đầy của chân lý), Giáo hội có thể đáp ứng một cách hoàn hảo mọi nhu cầu thiêng liêng của tất cả các thành viên trong Giáo hội; họ không cần phải đi đến bất kỳ tổ chức nào khác để được đáp ứng nhu cầu thiêng liêng.

Chính phủ của quốc gia chỉ đáp ứng cho một số nhu cầu thế tục của chúng ta, vì vậy nó không thể được gọi là một xã hội hoàn hảo. Ngoài chính phủ quốc gia, chúng ta cũng cần đến các cơ quan chính quyền thành phố và địa phương. Mặc dù một trung tâm mua sắm có thể có mọi loại cửa hàng, nhà hàng và ngân hàng, nhưng trung tâm ấy không phải là “hoàn hảo” vì chúng ta không chỉ cần quần áo, thực phẩm nhưng còn cần nhiều hơn thế nữa. Chúng ta cần trường học để giáo dục và bệnh viện để chữa bệnh. Tuy nhiên, Giáo hội có mọi thứ mà mỗi thành viên cần cho đời sống và sức khỏe thiêng liêng của mình. Thẩm quyền giảng dạy (huấn quyền), các bí tích, việc thờ phượng (phụng vụ), và cơ cấu phẩm trật đem lại cho những ai thuộc về Giáo hội một cách chính xác và và trọn vẹn những gì họ cần, đó là ơn sủng và chân lý.

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo của Giáo hội (từ Đức Giáo Hoàng đến các cha sở) chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có thể là những con người hoàn hảo hay không phạm tội. Các thành viên (từ giáo dân đến giáo sĩ và tu sĩ) cũng không hoàn hảo. Tuy nhiên, Giáo hội đem lại một cách hoàn hảo những gì các thành viên của mình cần – có thể không phải những gì họ muốn, nhưng là những gì họ cần. Đây là cách giải thích đúng đắn duy nhất của cụm từ “xã hội hoàn hảo”.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 385-386.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *