Nhằm khuyến khích niềm đam mê học tập của các sinh viên cũng như mời gọi các giáo sư nỗ lực đào sâu kiến thức, chiều thứ bảy ngày 17/11/2023, Ban Tông Đồ Trí Thức- Dòng Tên Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo thần học lần I với đề tài: “Second-Order Observation – Một Lối Tiếp Cận Để Đọc Bản Văn Viết Tay”. Hội thảo kéo dài trong vòng hai tiếng dưới sự trình bày của linh mục Nguyễn Mai Kha, S.J., E.H.D.
Cha Trần Thanh Tân S.J. giới thiệu và khai mạc buổi Hội thảo Thần học
Khung cảnh buổi Hội thảo Thần học
Cha Nguyễn Mai Kha S.J., thuyết trình viên của buổi Hội thảo Thần học
Bắt đầu từ câu hỏi: hiện nay ta đọc bản văn viết tay như thế nào? Thông thường, bản văn viết tay được hiểu dưới ảnh hưởng của những kiến thức và văn hóa đương thời của người đọc. Nhưng vì tồn tại khoảng cách về không gian và thời gian, nên người đọc hiểu không đúng ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải qua bản văn ấy.
Giải quyết vấn đề trên, các sử gia hiện tại đề nghị một lối tiếp cận được gọi là phương pháp xây dựng bối cảnh (constructivism), dựa trên một số khái niệm về xã hội học của Niklas Luhmann. Theo đó, tác giả của bản văn chép tay đóng vai trò như quan sát cấp độ một (first-order observation) của thực tại được trình thuật; còn sử gia ngày nay có nhiệm vụ thực hiện một quan sát cấp độ hai (second-order observation). Quan sát cấp độ một là nhìn mọi thứ như một sự vật, quan sát cấp độ hai cho phép ta tự hỏi tại sao đang thấy những gì chúng ta đang thấy.
Tác giả bản văn được xem là quan sát cấp độ một vì sử gia giải thích những quan sát của ông về quá khứ theo một khía cạnh của sự kiện và nhìn nó theo quan điểm của mình, sau đó truyền đạt sự quan sát bằng một hình thức biểu đạt (dicursive form). Hoạt động này là sự thông truyền (communication) của người quan sát, sự thông truyền ấy là lịch sử. Điều mà sử gia thực sự làm không chỉ là một sự giao tiếp đạt được thông qua quan sát mà còn một sự tham chiếu có ý nghĩa tiềm ẩn dưới hình thức biểu đạt.
Vai trò của sử gia hiện nay (quan sát cấp độ hai) là tái xây dựng bối cảnh nơi bản văn được viết, diễn giải bản văn theo bối cảnh ấy và giải thích tại sao bản văn được viết như thế. Chẳng hạn để hiểu khái niệm về “danh dự” trong các bản văn của thế kỷ 16-17, nhà sử học sẽ quay về bối cảnh của văn hoá Âu châu thời bấy giờ. Vào giai đoạn đó, danh dự trở thành tiêu chí chọn lựa cho mọi khía cạnh cuộc sống, đặc biệt cho giới quý tộc. Các nam nhân sẵn sàng đánh liều mạng sống để bảo vệ danh dự chứ không chọn thoả hiệp. Danh dự không đơn thuần là giá trị cuộc sống, đúng hơn, danh dự trở thành tất cả cho đời sống, cả thể lý lẫn tinh thần, đứng trên cả tình yêu dành cho tổ quốc, sự sống hay bất cứ thứ gì khác.
Hay khi nói về tử đạo và ơn gọi Giê-su hữu, hai từ “xung đột hay bách hại” – trong ngôn ngữ của thánh I-nhã – được dùng để diễn tả những khó khăn nội tâm. Sau này, ngài đã đồng nhất hai thuật từ đó thành “bách hại”, coi đó là mọi khó khăn thử thách đến từ Chúa. Lý do là vì thánh I-nhã muốn Dòng Tên, trong cả ý nghĩa xã hội lẫn ý nghĩa thần bí, phải nên đồng hình đồng dạng với Đấng Cứu Thế, Người đã phải chịu mọi sự bách hại. Do đó, bị bách hại phải được coi là ơn gọi của Dòng và là dấu hiệu hữu hình của Cuộc Thương Khó Chúa. Cũng vậy, vào cuối thế kỷ XVI, Cha Tổng Quản Aquaviva muốn viết một khảo luận về các cuộc bách hại Dòng. Cha Ribadeneira liền gợi ý viết về các cuộc bách hại gần nhất, và tựa của khảo luận sẽ phải là Tratado de las persecuciones với khẳng định rằng: “Các cuộc bách hại là dấu chỉ chắc chắn nhất rằng Dòng chúng ta là công trình của Chúa. Đây chính là dấu hiệu của sự chuẩn nhận.”
Ta cũng có thể áp dụng phương pháp tiếp cận này để xem xét hai trình thuật tử đạo của ông Tôma Tín và bé Lucia:
“Khi quan ra hiệu chém đầu, ông Tôma Tín cất cao giọng nói rằng ông ước ao có được cả ngàn cái đầu, cả ngàn mạng sống để dâng cho Chúa để minh chứng mình là Kitô hữu và để bảo vệ đức tin thánh thiện. Rồi ông đưa cổ mình ra cho lý hình, các bạn của ông cũng làm tương tự. Tất cả đã chịu chém đầu cách vinh quang như thế.”
Lối nói “có được cả ngàn cái đầu, cả ngàn mạng sống để dâng Chúa để minh chứng mình là Kitô hữu” là lối văn phong của người Châu Âu thời đó. Khi cha Pedro Marquez trình thuật lại sự kiện đã qua, cha đã lồng ghép vào đó lối quan sát của mình và diễn đạt nó theo cách của người Tây phương (first-order observation). Các sử gia ngày nay đóng vai trò là người quan sát cấp độ hai (second-order observation), diễn giải bản văn và tự hỏi vì sao cha Pedro Marquez trình bày như thế (vì cha Pedro Marquez là người Châu Âu).
Tương tự như trường hợp của bé Lucia, 16 tuổi:
“… ai có thể được vinh dự hơn tôi khi được chính quan và lính của quan hộ tống với gươm đao sáng loáng và 12 con voi chiến…tôi sẽ không có được vinh dự này nếu ở nhà và chết trên giường bệnh. Tôi không bị mất trí khi ao ước cái chết vinh dự này, nhưng sau cái chết ở đời tạm, tôi sẽ vào hưởng Thiên Quốc, nơi tôi sẽ vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu của Đấng đã hứa ban cho ai dám chết vì yêu Ngài.”
Các sử gia hiện nay cho biết, trong văn hóa thời bấy giờ, người phụ nữ không được cất tiếng trên công đường, cho nên có thể suy đoán những lời trên là của người trình thuật chứ không phải của bé Lucia.
Từ đó có thể thấy sử gia không giải thích quá khứ, ông ta chỉ giải thích những quan sát của bản thân về quá khứ trong phạm vi mà ông xem xét và diễn giải chúng. Còn vai trò sử gia hiện nay là giải thích những gì tác giả ban đầu quan sát và diễn giải.
Các tham dự viên đặt câu hỏi
Tham dự buổi hội thảo lần này, Ban Tông Đồ Trí Thức- Dòng Tên Việt Nam vui mừng vì sự hiện diện đông đảo của các anh chị em giáo dân và các học viên đến từ các Học Viện như: Học Viện Mục Vụ, Học Viện Công Giáo Việt Nam, Học Viện Phanxicô và Học Viện Dòng Tên. Song song đó là sự góp mặt của các giáo sư học viện Dòng Tên. Ngang qua các đóng góp và đối thoại sau phần thuyết trình, tinh thần hiếu tri và cởi mở được thể hiện rõ nơi các tham dự viên.
Ban Tông Đồ Trí Thức – Dòng Tên Việt Nam không quên cảm ơn ban đại diện sinh viên Học Viện Dòng Tên và ban Majorica đã cùng quảng đại cộng tác. Mong rằng các kỳ tổ chức hội thảo kế tiếp sẽ tiếp tục ghi nhận sự hiện diện đông đảo của các học viên và các giáo sư.
Ban Majorica