Sách Diễm ca còn được gọi là Diễm tình ca, Diệu ca hay Nhã ca. Tên gọi này phần nào quen thuộc nhưng nội dung của sách thì còn xa lạ với nhiều người vì sách ít được dùng trong phụng vụ. Dẫu có nhiều tranh luận về nội dung và cách hiểu tác phẩm, Diễm Ca vẫn thuộc về thư mục các Sách Thánh của Do thái Giáo cũng như Ki-tô giáo. Trong quy điển Công Giáo, Sách Diễm Ca là quyển thứ năm trong bảy quyển thuộc khối Các sách Giáo huấn.
Ngay từ đầu sách, vua Solomon được nhắc đến như tác giả: “Bài ca tuyệt diệu của Sa-lô-môn”. Tuy nhiên, đây chỉ là một thủ pháp văn chương nhằm tạo uy thế cho tác phẩm; bởi lẽ, vua Solomon thường được xem là đại điện cho những nhà thông thái, và là mẫu người nam lý tưởng cho các thiếu nữ. Thời gian biên soạn tác phẩm là vào khoảng thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ III trước công nguyên, trong đó, giai đoạn chính yếu là thế kỷ thứ năm – hậu lưu đày. Như vậy, sách Diễm ca là công trình biên soạn của nhiều người, là thành quả của nhiều đợt thu thập, từ tinh hoa của dân Israel cũng như từ các dân tộc lân cận như Ai Cập, Ả Rập, Ba Tư.
Sách Diễm ca gồm tám chương, chương dài nhất chỉ có mười bảy câu, được viết hoàn toàn theo thể thể loại thi ca – một loại thi ca linh động với các dạng đơn ca, song ca, đồng ca; có những lúc độc thoại và cũng có những phần đối đáp giữa các nhân vật Chàng – Nàng – các thiếu nữ Giêrusalem – các cô gái ở Xion. Ngoài ra, bằng những biện pháp tu từ phong phú, sách Diễm ca còn khắc họa một thế giới nên thơ đầy âm thanh, màu sắc, biểu tượng; cùng những lời bóng bẩy, hoa mỹ diễn tả tình yêu lứa đôi.
Về nội dung, sách Diễm Ca có thể được chia thành năm bài ca xoay quanh mối tình của đôi uyên ương trong những không gian và thời gian khác nhau: lúc ở chốn đồng quê, khi ở nơi thị thành, lúc nơi không một bóng người, khi ở đền đài phố xá náo nhiệt. Những khung cảnh này nhằm khắc họa những đặc nét của tình yêu: sự nhớ nhung tìm kiếm, niềm khắc khoải khi bị ngăn trở, sự giằng co với thế giới bên ngoài, tương quan thắm thiết khi bên nhau.
Thế nhưng, cần hiểu thế nào về mối tình mà sách Diễm Ca muốn khắc họa? Có những cách hiểu khác nhau về đạo lý của Sách Diễm Ca tùy theo phương thế tiếp cận bản văn. Thứ nhất, theo truyền thống Do Thái, sách Diễm ca là một phúng dụ nói về tình yêu của Thiên Chúa: mối tình giữa chàng-nàng chính là mối tình mà Thiên Chúa và dân Ít-ra-en được trình bày một cách ý nhị, tinh tế. Chính vì thế, Sách Diễm Ca được xem là tinh hoa của toàn bộ Kinh Thánh Do Thái và góp phần quan trọng trong việc đào sâu niềm tin của dân Ít-ra-en. Kế đến là lối đọc theo hướng phúng dụ Kitô giáo. Đây là lối đọc của các giáo phụ và các nhà thần bí trong Giáo hội: Chàng được hiểu là Đức Kitô và nàng là đối tượng tình yêu của Người, nghĩa là Giáo hội hay mỗi Kitô hữu. Từ đây phát sinh mô hình kiểu mẫu diễn tả tình yêu huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và con người trong kho tàng văn chương nghệ thuật Ki-tô giáo. Cách đọc thứ ba là theo các nhà chú giải hiện đại với ánh nhìn trực diện vào bản văn và lối giải thích hiện sinh. Theo đó, Diễm Ca là bài ca ngợi tình yêu nam nữ – một tình yêu được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ khởi thủy. Và cuối cùng là cách đọc theo hướng tổng hợp. Cách đọc này nối kết cả hai tầng nghĩa nhân sinh và phúng dụ, cho thấy tình yêu đôi lứa được diễn tả trong sách Diễm ca rất đậm tình người và giàu chất Chúa vì tình yêu này xuất phát từ chính Thiên Chúa.
Các sứ điệp sâu sắc có thể rút ra từ tác phẩm cho thấy “Diễm Ca không phải là một bài tình ca ngoài đời được đưa vào Kinh Thánh sau khi được diễn giải theo nghĩa đạo, mà ngay từ lúc khởi đầu, truyền thống Do-thái giáo đã nhận ra đó là một bài tình ca thiêng thánh. Việc Thiên Chúa không được nhắc tên là do cố ý, vì Đấng Duy Nhất, vừa là Tình Yêu vừa là Người Tình, vượt xa ‘Thần’ của các tôn giáo do đầu óc con người suy tưởng.” Chính vì thế, Diễm Ca giúp con người nhận ra rằng “khao khát tình yêu chân thật là một trong những nỗi thao thức lớn của lòng người, và tình yêu chân thật luôn là ánh sáng tỏa ra từ Thiên Chúa, và cũng giống như Thiên Chúa, tình yêu thủy chung cho đến chết, và còn hơn thế nữa, tình yêu là vĩnh cửu” (Dẫn nhập Sách Diễm Ca, LCCMN).