Theo quy điển Công Giáo, Sách Gióp đứng đầu bảy quyển thuộc khối Sách Giáo Huấn của bộ Cựu Ước. Sách kể về cuộc đời của Gióp như một tiếng kêu lâm li thống thiết về thân phận con người: “Tại sao người công chính lại gặp đau khổ?”.

Sách được gọi theo tên nhân vật chính: Gióp – một thủ lãnh vùng sa mạc ở Út, thuộc Ê-đôm. Thật khó khẳng định chính xác ai là tác giả của sách Gióp. Tuy nhiên, nội dung tác phẩm cho thấy, tác giả là một người Do thái sống ở Giu-đa vì ông rất thông thạo luật Mô-sê, tường tận tư tưởng các ngôn sứ lớn, thuộc lòng nhiều thánh vịnh. Ngoài ra, ông còn là một nhà trí thức với tầm hiểu biết sâu rộng vì đã quen đọc các tác phẩm khôn ngoan Ai cập. Tuy nhiên, điều ý nghĩa hơn cả nơi tác giả là chiều sâu tôn giáo và sự nhạy cảm trước những hoàn cảnh bi thương của cả nhân loại cũng như của từng con người. Từ phần đóng góp chính yếu của tác giả, nhiều nhà biên soạn trong thời gian hậu lưu đày, khoảng giữa thế kỷ VI đến thế kỷ IV trước Công nguyên, đã giúp bổ sung, thích nghi, hoàn thiện… để thành hình tác phẩm như hôm nay.

Sách Gióp là quyển duy nhất trong khối Sách Giáo huấn có một cốt truyện. Sách gồm 42 chương, được viết theo thể văn xuôi và thi ca. Sách có thể được chia thành 3 phần theo trình tự các cuộc đối đáp trong câu chuyện.

– Phần thứ nhất, gồm 2 chương đầu, là cuộc đối đáp giữa Thiên Chúa và Sa-tan. Qua đó, Gióp được kể là người rất đạo hạnh, giàu có, sung túc, đông con và một lòng kính sợ Thiên Chúa. Như một cuộc thử luyện và thanh luyện trong đức tin, Sa-tan được Thiên Chúa cho phép thử thách sự kiên trì và lòng kính sợ Thiên Chúa của Gióp.

– Phần thứ hai, từ chương 3 đến chương 42, được viết hoàn toàn theo thể thơ, kể về những cuộc đối thoại giữa Gióp với các bạn và với Thiên Chúa; cũng như những lời độc thoại của ông. Trước những tai hoạ bất ngờ ập đến, Gióp ba lần biện luận và đối đáp với ba người bạn về sự công bình của Thiên Chúa nơi hoàn cảnh của ông. Sau khi Gióp biện luận, người trẻ Ê-li-hu xuất hiện và lên tiếng biện luận cho sự công bình của Thiên Chúa. Sau đó, chính Đức Chúa hiện ra và phán dạy Gióp về sự hiện diện của Người trong thiên nhiên cũng như lịch sử, để ông xác tín hơn về sự công bình và quan phòng của Người trong vũ trụ.

– Trong phần thứ ba, tức những câu sau cùng của chương 42, Thiên Chúa đưa ra phán quyết cuối cùng. Thiên Chúa khiển trách ba người bạn của Gióp vì đã không biện luận đúng cho Người cũng như không hiểu đúng cho Gióp. Về phần Gióp, vì đã giữ vững niềm tin, nên được Thiên Chúa không chỉ phục hồi mà còn nhân gấp những gì đã mất trong thử thách.

Sách Gióp diễn tả sự thao thức, trăn trở về tính hiện thực của thuyết thưởng phạt. Câu hỏi Gióp đặt ra cũng là câu hỏi của biết bao người: “Thiên Chúa có công bằng không, tại sao người công chính lại chịu đau khổ?”. Với sự tiệm tiến của mạc khải, Sách Gióp chưa thể đưa ra câu trả lời thích đáng. Tuy nhiên, Sách chứng tỏ được rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong đau khổ. Trong bất kỳ cảnh huống nào, Người luôn thấu biết và tìm điều thiện hảo cho những ai trọn niềm tín thác. Chính vì thế, đón nhận đau khổ trong niềm tin yêu cũng là con đường mở ra tương quan thân thiết hơn với Thiên Chúa -Đấng luôn dẫn dắt và sửa dạy con người bằng tình phụ tử. Như thế, dầu vẫn còn nhìn thuyết thưởng phạt trong giới hạn của đời sống trần thế, Sách Gióp đã cho thấy, sự dữ không đến từ Thiên Chúa nhưng từ ma quỷ. Trong cuộc đời người công chính, những gian nan, khốn khó cũng có thể trở thành một cách thức Thiên Chúa dùng để thử luyện, rèn luyện con người nên kiên vững, trưởng thành hơn. Câu chuyện của Gióp cũng là câu chuyện của dân Ít-ra-en trong những lần Thiên Chúa thử thách và thanh luyện đức tin của dân Người. Những khổ đau của Gióp cũng là tiền ảnh mầu nhiệm khổ nạn của Đức Kitô– Đấng đã chấp nhận thử thách thập giá và chịu chết trong thân phận con người như bao người khác. Ngài không có tội nhưng dám chấp nhận chết vì tội nhân loại để nêu gương cho ta trong những lúc gian nan thử thách; đồng thời, để giải thoát ta khỏi sự dữ và sự tội. Như thế, tự bản chất, đau khổ không có giá trị nhưng đón nhận đau khổ trong tình yêu lại trở thành đường cứu độ.

Gióp đã trải nghiệm đêm tối đức tin, và ông đã tìm lại được ‘con đường sáng’ nhờ khiêm tốn lắng nghe và kiên trì tín thác. Mong cho kinh nghiệm đức tin được đúc kết trong những lời cuối cùng của Gióp cũng là cảm nghiệm của những ai đang hoang mang, trăn trở, lung lạc trong niềm tin: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42,5-6).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *