Hồng y không phải là một phần của đặc tính bí tích gồm ba bậc của Chức Thánh. Trong bí tích Truyền Chức Thánh, một người nam Công giáo được phong chức phó tế, linh mục, và Giám mục. Thuật ngữ Hồng y là một tước hiệu danh dự do Đức Giáo Hoàng phong tặng, thường là cho một Giám mục.
Từ cardinal xuất phát từ tiếng Latinh cardo, có nghĩa là bản lề hoặc cột trụ. Các Hồng y dưới tám mươi tuổi có đặc quyền bầu Giáo Hoàng. (Xem Câu 238 về Mật nghị Hồng y). Cùng với nhau, các Hồng y tạo nên một hội đoàn được gọi là Hội đồng Hồng y hoặc Hồng y Đoàn, là một ban cố vấn quan trọng của Đức Giáo Hoàng; và được ngài đặc biệt tin tưởng. Theo nghĩa này, các Hồng y chính là bản lề hay trụ cột quan trọng giúp Đức Giáo Hoàng cai quản Giáo hội.
Các Hồng y đã mặc phẩm phục đỏ kể từ thời Đức Giáo Hoàng Innôcentê IV vào năm 1245. Màu đỏ nói lên rằng họ đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho Đức Kitô và cho Tin Mừng của Ngài. Họ được ví như là các Hoàng tử của Giáo hội vì nếu ở trong một vương quốc thế tục họ có vị trí tương đương như một hoàng tử. Hồng y có thể là người đứng đầu các tổng giáo phận quan trọng trên khắp thế giới. Họ là những người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Giáo hội, chẳng hạn như các bộ và các cơ quan trong giáo triều Rôma. Một Hồng y thậm chí có thể là Giáo Chủ (Primate) của một quốc gia, tức là Tổng Giám mục, người có thẩm quyền Giáo hội trên toàn lãnh thổ quốc gia chứ không chỉ trong giáo phận hoặc giáo tỉnh của mình. Lý do là vì giáo phận của Giáo Chủ ấy là giáo phận đầu tiên được thành lập ở quốc gia đó, vì thế nó được gọi là Tòa Giáo Chủ (Primatial See – một danh từ khác để chỉ giáo phận). Giáo chủ cũng có thể triệu tập và chủ trì các hội đồng Giám mục quốc gia.
Hầu hết các Hồng y đã được tấn phong Giám mục. Có một số ít chỉ là linh mục. Về mặt Giáo luật, giáo dân cũng có thể được Đức Giáo Hoàng phong tước hiệu Hồng y. Hồng y có ba bậc. Tuy nhiên, các bậc này không nói lên Chức Thánh mà họ lãnh nhận, mặc dù chúng có cùng một tên gọi. Ba bậc đó là Hồng y Giám mục, Hồng y Linh mục và Hồng y Phó tế mặc dù tất cả đều được tấn phong Giám mục. Đây là sự phân biệt về mặt tước hiệu danh dự mà thôi, giống như tước hiệu đức ông (monsignor) vậy. Đệ Nhất Lục Sự của Tòa Thánh (prothonotary apostolic) là cấp bậc đức ông cao nhất, sau đó là Giám Chức Danh Dự của Đức Giáo Hoàng (domestic prelate), và cuối cùng là Tuyên Úy của Đức Giáo Hoàng (papal chamberlain).
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).