Do các cuộc xâm lược của người Barbarian và sự cướp phá các thành phố Tây Phương, nền văn minh có nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn. Việc các đan viện mọc lên như các trung tâm văn hóa, nghệ thuật và học tập đã trở thành những nơi phù hợp để bảo tồn những tài liệu lịch sử. Di sản của Đế chế Hy-La, nhà hát, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc, tư tưởng chính trị và triết học đã được lưu giữ trong các văn khố của đan viện. Giáo hội, dù trong thời điểm bị xâm lược dữ dội nhất, luôn cổ võ việc học tập. Nhiều đan viện đã phát triển thành các đại học vốn trở thành trung tâm nghiên cứu và tranh luận.
Trên thực tế, sau sự sụp đổ của Đế chế La mã và những cuộc xâm lăng kéo theo của của người Barbarian, chính Giáo hội đã tham dự vào hoạt động hằng ngày của các chính quyền dân sự. Lãnh địa Giáo Hoàng xuất hiện và vì thế Đức Giáo Hoàng không chỉ là một nhà lãnh đạo về tinh thần nhưng còn là về dân sự. Việc xây đường xá, bệnh viện, nhà tù và những chức năng hằng ngày của các thị trấn được đặt dưới sự bảo trợ của Giáo hội.
Thậm chí ở bên ngoài Lãnh địa Giáo Hoàng, Giáo hội vẫn là trung tâm của tất cả các làng mạc, thành thị. Giấy khai sinh được đăng ký như giấy chứng nhận rửa tội. Hôn nhân có tính vừa dân sự vừa tôn giáo. Thậm chí người chết cũng được đăng ký và lưu giữ trong sổ tang lễ của Giáo hội. Không có giấy báo tử được phát hành bởi các nhân viên pháp y như ngày nay, nhưng việc đăng ký chính thức rửa tội, cưới xin và tang lễ được lưu giữ trong giáo xứ của Giáo hội địa phương. Giáo dục được Giáo hội khuyến khích như là một hình thức giải trí. Các lễ lạt, rước sách và nghi thức mang tính tôn giáo trở thành một lối sống. Các sự kiện này được mong đợi như một hình thức giải trí sau khi lao động vất vả mà một công dân thời Trung cổ phải gánh vác. Những lễ hội này thường đầy màu sắc, âm nhạc và phong phú bởi vì đồ ăn thức uống là một phần của các nghi lễ và được chia sẻ cho mọi người.
Về mặt ngoại giao, Giáo hội thời Trung cổ cũng tham gia vào những cuộc tranh chấp giữa các quốc gia Công giáo, vào những cuộc Thập Tự Chinh để đem lại sự an toàn cho những người hành hương đến các đền thánh tại Đất Thánh, cũng như tham gia vào việc đàm phán hiệp ước. Các hiệp ước với Tòa Thánh được gọi là Thỏa ước (Concordat). Đoàn Ngoại Giao Tòa Thánh là cơ quan hoạt động liên tục lâu đời nhất trên thế giới. Thậm chí ngày nay, quốc gia Vatican, vốn là di tích của Lãnh địa Giáo Hoàng xưa, có tương quan ngoại giao với hơn 125 quốc gia. Vatican có quan hệ ngoại giao chính thức với một đại sứ tại Hoa Kỳ, được gọi là Sứ Thần Tòa Thánh hoặc Đại Sứ của Giáo Hoàng (Apostolic or Papal Nuncio), và có Phái đoàn Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh ở Liên Hợp Quốc. Hoa Kỳ (và các quốc gia khác) có đại sứ riêng tại quốc gia Vatican và tách biệt với Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Ý.
Về mặt văn hóa, Giáo hội trong Thời Kỳ Đen Tối là một ngọn hải đăng soi sáng. Âm nhạc, kiến trúc và nghệ thuật được tài trợ bởi các Giám mục, Hồng y và Giáo Hoàng. Nhiều kiệt tác nghệ thuật vĩ đại, vốn được lưu giữ trong các bảo tàng ngày nay, là do hàng giáo phẩm Công giáo yêu cầu thực hiện. Thật vậy, thư viện và bảo tàng Vatican là một bộ sưu tập khổng lồ và quan trọng về văn hóa Tây Phương.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).