Sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước là một sự tiến triển khá mới mẻ. Khi Hoàng đế Constantine trả lại tự do tôn giáo trong Đế quốc La mã theo Chiếu chỉ Milan vào năm 313 s.C.N., Giáo hội đã có thể đi ra khỏi chỗ ẩn náu và bắt đầu hoạt động công khai. Hoàng đế đã chuyển giao nhiều tòa nhà của chính phủ cho Giáo hội sử dụng. Thật vậy, Kitô giáo đã trở thành quốc giáo của toàn Đế chế. Nhưng thật khó để phân biệt vai trò của nhà nước và vai trò của Giáo hội.

Khi thời gian trôi qua, tương quan giữa nhà nước và Giáo hội lại được thắt chặt thêm. Trong nhiều năm, đã chỉ có một tôn giáo – Giáo hội Công giáo. Tất cả dân Châu Âu đều là Công giáo. Đỉnh cao quyền lực thế tục trong Giáo hội thuộc về thời của Đức Innocent III. Tất cả các nhà lãnh đạo và quý tộc đều dưới quyền của Đức Giáo Hoàng và xin hướng dẫn từ ngài. Thêm nữa, Đức Giáo Hoàng cũng là lãnh đạo của một quốc gia, Lãnh địa Tòa Thánh. Đôi khi, ngài cũng cậy dựa vào các nhà lãnh đạo Công giáo hùng mạnh để xin giúp đỡ, chẳng hạn như khi Lãnh địa Giáo Hoàng đang bị xâm lược. Họ có giúp nhưng luôn kèm theo điều kiện. Một trong những điều kiện là Hoàng đế của Đế chế Rôma Thần Thánh sẽ được tham dự vào những cuộc bầu chọn Giáo Hoàng. Các nhà lãnh đạo cũng có tiếng nói trong việc đưa ai lên làm Giám mục giáo phận trong lãnh địa của họ. Sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước mong manh đến độ Hoàng đế có quyền chuẩn nhận cho người được nhận vào một cộng đoàn tu trì hay một dòng tu.

Sự can thiệp này đạt đỉnh điểm khi vua nước Pháp bắt cóc Đức Giáo Hoàng và mang đến Avignon, Pháp. Hơn bảy mươi năm, trung tâm điều hành của Giáo hội không còn ở Rôma nhưng hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của vua ở Avignon. Ông đã sắp đặt các cuộc bầu chọn Giáo Hoàng, và điều này đã làm suy yếu đi thẩm quyền cũng như quyền hành của Giáo hội.

Sau Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ và sự thành lập của một giáo phận Công giáo mới, Tòa Thánh đã bàn bạc với Tổng Thống George Washington về lựa chọn của ông cho vị Giám mục mới. Chính phủ Hoa Kỳ, vốn được xây dựng trên các nguyên tắc về sự tách biệt của Giáo hội và nhà nước, đã nói rằng đó không phải là việc của họ. Lần đầu tiên, Giáo hội đã không cần sự đồng thuận của chính phủ để lựa chọn Giám mục. Nhiều năm trôi qua, điều này trở thành quy tắc. Chỉ trong các quốc gia Cộng sản, chính phủ mới còn can thiệp vào chính sách của Giáo hội.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *