Nội dung:
4.1 Vấn đề loài hươu
4.2 Xác định Cộng đồng Đạo đức
4.2.1 Thuyết giá trị
4.2.2 Nhân sinh
4.2.3 Những động vật khác
4.2.4 Tất cả các sinh vật
4.2.5 Thuyết giá trị theo chủ nghĩa đa nguyên – chủ nghĩa biểu hiện
4.2.6 Các loài
4.2.7 Hệ sinh thái
4.3 Trở lại với vấn đề của loài hươu
4.2.3. Những động vật khác (Nonhuman Animals).
Liệu chúng ta có thể mở rộng hàm nghĩa công bình tới những loài khác chăng? Thường không quá khó để thuyết phục mọi người rằng họ có một vài bổn phận đạo đức đối với những động vật có tri giác ( nghĩa là, những động vật có khả năng cảm thấy đau đớn). Hầu hết mọi người cảm thấy có nghĩa vụ phải tránh gây ra những đau đớn không cần thiết cho động vật. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không cảm thấy phải có cùng một bổn phận đối với động vật hoang dã hoặc động vật trang trại như chúng ta có đối với vật nuôi của mình. Chúng ta có thể đối xử với loài cá và loài bò sát khác với những gì chúng ta đối xử với loài động vật có vú. Những khác biệt này có ý nghĩa không? Chúng ta mắc nợ những loài động vật khác điều gì, và tại sao?
Hãy khởi đi từ trường hợp khó nhất: Động vật có quyền của chúng không? Hãy nhớ rằng quyền được nối kết với khái niệm về tính tự trị của lý trí. Mục đích của các quyền là để bảo vệ tự do của chúng ta hầu quản trị cuộc đời riêng của mình. Động vật hầu chắc không có tính tự trị đó. Chúng không hoạch định cuộc đời; chúng không cố gắng để sống một cuộc đời có ý nghĩa và hợp lý như con người vẫn thường làm. Đó là lập luận của triết gia R.G. Frey trong bài báo nổi tiếng với đề tựa: “Quyền, Lợi ích, Ước muốn, và Niềm tin” (Rights, Interests, Desires, and Beliefs). Frey cho rằng động vật không thể có quyền vì chúng không có lợi ích gì cả. Có lợi ích nghĩa là có ước muốn, chẳng hạn như muốn ăn một miếng bánh sandwich. Nhưng để có ước muốn đó đòi hỏi bạn phải có niềm tin vào thế giới (Vd: niềm tin vào việc ăn bánh sandwich sẽ làm cho bạn sảng khoái chẳng hạn). Và để có niềm tin vào thế giới, bạn phải có năng lực công thức hóa những ý niệm như: “Miếng sandwich đó sẽ ngon.” Ông cho rằng động vật thiếu đi khả năng ngôn ngữ nên chúng không thể hình thành niềm tin. Không có niềm tin tức là không có ước muốn, cũng có nghĩa là không có lợi ích, và do đó không có quyền nào cả. Tuy vậy, nhiều nỗ lực hoạt động về quyền động vật được hình thành nhằm thách thức những luận lý của Frey.
Ví dụ, triết gia Tom Regan cho rằng động vật có thể có quyền của chúng. Cho dẫu động vật không thể hoàn toàn tự trị như con người, thì chúng vẫn có phúc lợi của chúng; mọi thứ có thể tiến triển tốt hay không tốt đối với chúng. Cụ thể hơn, một vài loài động vật (Regan nhắm vào loài có vú và một vài loài động vật có tri giác khác) có cảm thức xác định căn tính theo thời gian, chúng nhận thức và ghi nhớ. Trái với luận lý của Frey, chúng thực sự có những sở thích (preferences), ước muốn (desires), và mục tiêu (goals). Chúng là “những chủ thể của sự sống”. Chúng ta phải tôn trọng quyền tự do của chúng để theo đuổi những mục tiêu đó.
Lập luận của Regan hệ tại ở tuyên bố cho rằng loài vật có thể nhận thức, ghi nhớ, cũng như có mục tiêu…vv. Tuyên bố đó được thực nghiệm xác minh. Đây là những công trình nghiên cứu về nhận thức và hành vi của loài vật, vốn vén lộ một sự phong phú đa dạng trong tâm trí của động vật. Một số loài vật là những kẻ giải quyết vấn đề vô cùng thông minh, với khả năng tự ý thức và khả năng diễn giải những trạng thái tinh thần của các sinh vật khác. Thậm chí, một số còn có khả năng lừa dối, cảm thấy xấu hổ, và còn mang ý định trả thù. Dĩ nhiên, nghiên cứu này vẫn luôn có những thách đố. Tóm lại, thật khó để nhận biết điều gì xảy ra trong trí của một loài rất khác biệt với chúng ta. Tương tự, chúng ta cũng khó biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí của người khác, hay thậm chí trong tâm trí của chính mình! Tuy nhiên các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này cho rằng những khó khăn đó không hề cản ngăn chúng ta đưa ra những suy luận hợp lý từ hành vi của động vật đến những trạng thái tinh thần và những khả năng của tâm trí, như chúng ta vẫn thực hiện với con người.
Ngay cả khi bạn không đồng ý về việc các loài động vật có loại năng lực lý trí mà người ta cần để cho thấy chúng có quyền lợi đi nữa, thì chắc hẳn bạn có thể đồng ý với những triết gia duy lợi như Peter Singer rằng khả năng chịu đựng đau đớn có thể là cơ sở cho tư cách đạo đức. Singer cho rằng chúng ta có bổn phận phải giảm thiểu đau đớn cho động vật như chúng ta có bổn phận phải giảm đau khổ cho con người. Mặc dầu vậy, ông cho rằng khả năng lý trí của động vật có liên quan đến cách chúng ta cân nhắc sự đau đớn của động vật so với sự đau đớn của con người. Bởi vì con người phức tạp về mặt cảm xúc và nhận thức, nên khả năng chịu đựng của con người lớn hơn hầu hết các loài động vật khác. Ví dụ, con người có thể hình dung về tương lai và đầu tư cho tương lai. Đó là lý do tại sao theo Singer cái chết của một người là một bi kịch lớn hơn rất nhiều so với cái chết của một con mèo. Con người đã đánh mất tương lai mà người đó đã được đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, cái chết của một chú mèo vẫn quan trọng, vì theo Singer, nó cũng có tư cách đạo đức như con người.
4.2.4. Tất cả mọi sinh vật (All Living Things)
Regan và Singer đã thực hiện công trình quan trọng trong việc triển khai một trường hợp triết học nói về tư cách đạo đức của loài vật có tri giác. Tuy nhiên, loài vật có tri giác chỉ là một phần rất nhỏ trong tất cả các sinh vật phi-con người mà đạo đức môi trường cần phải quan tâm đến. Chúng bao gồm virút, vi khuẩn cho đến thực vật và động vật. Dĩ nhiên, đây là tất cả các loại thực thể rất khác nhau, nhưng chúng có một điểm chung: Chúng vẫn đang sống. Một số những nhà đạo đức môi trường lập luận rằng chỉ điều đó là đủ để đảm bảo cho việc chúng ta cần tôn trọng các loài khác. Ví dụ, Paul Taylor bàn đến trong cuốn sách Tôn trọng Tự nhiên (Respect for Nature) rằng chúng ta có thể xem mỗi sinh vật sống là một trung tâm hướng tới mục tiêu của sự sống, theo đuổi lợi ích của chính nó theo cách riêng của nó. Cụ thể hơn, ông gọi mỗi sinh vật là “một hệ thống thống nhất của hoạt động có tổ chức, liên tục hướng đến việc duy trì sự tồn tại của bản thân bằng việc bảo vệ và thúc đẩy phúc lợi của nó” (Taylor 1986, tr. 45). Ông tin rằng chúng ta phải tôn trọng sự theo đuổi lợi ích của mỗi sinh vật. Nói khác đi, mọi sinh vật đều bình đẳng về tư cách đạo đức.
Mặc dầu quan điểm này có vẻ như đang thách đố trực giác đạo đức chung của chúng ta, nhưng Taylor cho rằng nó lại rất khớp với điều mà ông gọi là quan điểm sinh học về tự nhiên (biocentric outlook on nature): cho rằng con người cùng với những loài khác nên được coi là một phần của hệ thống sống phụ thuộc lẫn nhau trên trái đất. Nghĩa là, con người giống với các sinh vật khác ở chỗ sự tồn hữu của con người phụ thuộc vào tương quan của họ với môi trường vật lý cũng như với các sinh vật khác. Quan điểm này không có nghĩa là con người và các loài phi-con người bình đẳng về mặt đạo đức, nhưng muốn làm suy yếu bất kỳ lập luận nào cho rằng con người vốn dĩ tốt hơn hoặc giá trị hơn những phần khác của cộng đồng sinh vật. Tất nhiên, con người khác biệt ở nhiều khía cạnh so với những sinh thể khác – nhưng những sinh thể đó lại cũng rất khác biệt nhau. Tại sao chúng ta nên xem con người là loài quan trọng hơn hay xứng đáng về mặt đạo đức hơn các thành viên khác trong cộng đồng sự sống trên Trái đất này?
Dĩ nhiên, niềm tin cho rằng mọi sinh thể đều bình đẳng về tư cách đạo đức đưa đến việc rất khó khăn để quyết định xem lúc nào thì con người có lý do chính đáng để có thể làm hại đến sự sống khác, mỗi khi con người phải làm như vậy để sống. Chỉ thở thôi và đi dạo loanh quanh có thể cũng làm hại đến các sinh vật chung quanh chúng ta. Nếu chấp nhận quan điểm của Taylor, chúng ta vẫn phải cần đến một vài cách thế nhằm quyết định xem điều gì hình thành nên việc tôn trọng sự sống của một sinh thể và cái gì cấu thành nên một lý do chính đáng hầu có thể gây tổn hại cho sự sống đó, và làm thế nào để cân bằng tất cả lợi ích của những sinh vật khác nhau. Và những suy xét này luôn dẫn chúng ta trở lại với những phẩm tính như khả năng tri giác cũng như khả năng lý trí. Chẳng hạn, chính Taylor thừa nhận rằng vì con người có khả năng tự chủ lý trí, họ có nhu cầu về tự do và các quyền – những điều mà thực vật và động vật vốn không cùng chia sẻ được với con người. Ông cũng nhận thấy chúng ta có nhiều bổn phận đối với động vật có tri giác hơn là đối với thực vật.
Mặc dầu vậy, tính tự trị, khả năng tri giác, và sự sống không phải là những phẩm tính duy nhất có thể phù hợp với tư cách đạo đức. Chẳng hạn, triết gia Clare Palmer chỉ ra rằng bổn phận của loài người với các loài khác có thể lệ thuộc không chỉ vào các khả năng của những con vật đó, nhưng lệ thuộc vào mối tương quan của chúng với con người. Đó là lý do tại sao mà chúng ta thấy có bổn phận hơn với thú nuôi của mình so với với động vật hoang dã; thú nuôi phụ thuộc vào chúng ta theo một cách thức mà không một động vật hoang dã nào có. Bạn có thể nghĩ ra những phẩm tính khác có vẻ quan trọng khi suy tư về trách nhiệm của chúng ta đối với các sinh vật phi-con người. Có lẽ chúng ta đánh giá cao tính xã hội của chúng, khả năng mừng vui, hoặc khả năng sáng tạo. Giữa tất cả những lý do khả dĩ nhằm thừa nhận bổn phận trách nhiệm với những loài khác, chúng ta phải quyết định như thế nào?
Triết gia Mary Midgley cho rằng chúng ta không cần phải quyết định. Nữ triết gia lập luận rằng thực sự có rất nhiều cơ sở khác nhau để nói đến tư cách đạo đức. Nghĩa là, một số sinh vật có tư cách đạo đức đơn giản vì chúng đang sống; một số khác có tư cách đó vì chúng là những sinh vật có tri giác, hoặc có tính tự trị, hoặc có những mối liên hệ đặc thù với chúng ta. Bà Midgley mô tả một thế giới đạo đức phức tạp ở đó nhiều kiểu lý luận khác nhau có thể cho thấy những bổn phận của chúng ta đối với những loài sinh vật khác nhau.
Học thuyết của Midgley rất hấp dẫn vì học thuyết đó miêu tả khá kỹ cách thức chúng ta thực sự chăm lo cho một đời sống đạo đức. Nghĩa là, chúng ta thường đưa ra những lý do khác nhau để tôn trọng đời sống của những loài phi-con người. Lối tiếp cận của triết gia Midgley bị phản đối chính yếu ở chỗ bà không đưa ra cho chúng ta bất cứ cách thức nào nhằm quyết định xem làm thế nào chúng ta có thể dung hòa được những bổn phận của mình đối với tất cả các sinh vật khác nhau đó. Ví dụ, triết gia Midgley sẽ bảo bà Judy K. rằng bà phải có trách nhiệm đạo đức đối với loài hươu trong khu đất của mình vì chúng là loài có tri giác và là những chủ thể của sự sống. Đồng thời bà cũng phải có bổn phận đạo đức đối với những người thuê nhà; những người này có sự tự trị lý trí và có cảm xúc, đồng thời bà có tương quan đặc biệt với họ nữa, vì họ lệ thuộc vào bà trong việc bà đưa ra những quyết định đúng đắn nhằm quản lý tài sản và bảo đảm an toàn cho họ. Cũng vậy, bà Judy có thể cũng phải có trách nhiệm đối với các loài cây cối và thực vật khác trong rừng vì chúng cũng đang sống. Tóm lại, bà Judy bị bủa vây bởi các sinh vật có tư cách đạo đức. Làm sao bà có thể dung hòa được tất cả các bổn phận kể trên? Giả như bà chỉ có một cơ sở duy nhất cho tư cách đạo đức – ví dụ: đó là tri giác (sentience) – thì chúng ta có thể cân đo các bổn phận dựa theo mức độ đau đớn hay vui sướng mà một sinh vật có thể có. Con người sẽ được xem trọng nhất; tiếp đến là loài hươu, và cây cối hay các loài thực vật khác hầu chắc không được xem trọng là mấy.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 44-45