Nội dung:

4.1 Vấn đề loài hươu

4.2 Xác định Cộng đồng Đạo đức

          4.2.1 Thuyết giá trị

          4.2.2 Nhân sinh

          4.2.3 Những động vật khác

          4.2.4 Tất cả các sinh vật

          4.2.5 Thuyết giá trị theo chủ nghĩa đa nguyên – chủ nghĩa biểu hiện

          4.2.6 Các loài

          4.2.7 Hệ sinh thái

4.3 Trở lại với vấn đề của loài hươu

4.1 Vấn đề loài hươu

Nhà bà Judy K. có nhiều khoảng vườn rộng bao quanh. Đàn hươu hoang dã thường đến đó trú ngụ. Những mảnh vườn nhà bà và đàn hươu không mời đó có vẻ không hợp nhau lắm. Cho dẫu bà đã phun thuốc ngăn chặn đàn hươu, nhưng chúng vẫn phá phách cây cối và hoa màu của bà. Tuy vậy, không những chỉ có vườn nhà bà bị như thế mà cả cánh rừng cũng bị đàn hươu tàn phá.

Vì vùng thôn dã quanh đó là một môi trường sống tuyệt vời cho loài hươu nên không quá ngạc nhiên khi có rất nhiều hươu đến đó cư ngụ. Hầu hết các chủ đất khác thường cho phép săn bắn hươu trong đất nhà mình. Còn bà Judy chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng cho phép các tay săn bắn lang thang trên vùng đất của bà, đặc biệt những lúc có các trẻ nhỏ đang ở đó. Chính vì thế, đàn hươu càng đến trú ngụ đông đúc trong vùng đất của bà. Cháu trai bà và một vài người bạn của cậu thích đi săn với cung tên; cậu ta đề nghị nên giảm bớt số lượng hươu trong vùng. Cô Maria, hàng xóm của bà Judy, cũng tán thành việc cho săn bắn hươu trong vùng vì cô nghĩ điều đó thiết thực cho việc bảo vệ hệ sinh thái (vì con người đã loại bỏ những kẻ săn mồi tự nhiên của đàn hươu). Tuy nhiên, con gái của bà Judy nghĩ rằng việc cho phép săn bắt bằng cung tên độc ác hơn việc cho phép săn bắn bằng súng, vì đạn dược có thể giết nhanh gọn hơn so với cung tên. Bà Judy lại quan ngại việc dùng súng săn như thế sẽ gây nguy hiểm cho những người đang sống trong khu nhà của bà hơn là việc săn bắn bằng cung tên. Bà đã hứa với những người thuê nhà là bà phải có trách nhiệm bảo đảm vùng đất được an toàn. Tuy nhiên, liệu bà phải có bổn phận với đàn hươu chăng? Với cánh rừng chăng? Với những động vật khác đang sống trong rừng chăng? Và làm sao bà có thể dung hòa những bổn phận có vẻ mâu thuẫn như thế?

4.2 Xác định Cộng đồng Đạo đức.

          Bà Judy K. đang phải đối diện với một câu hỏi căn bản trong đạo đức môi trường: Chúng ta phải có bổn phận đạo đức với những ai? Nói khác đi, ai là thành viên của cộng đồng đạo đức? Người nào (hoặc cái gì) có tư cách đạo đức (moral status)? Triết học đạo đức truyền thống luôn cho rằng chúng ta phải có bổn phận với tha nhân (hoặc có lẽ là với tất cả những hữu thể lý tính). Có nhiều lối lý giải cho giả định này, một số người luận lý rằng chúng ta tôn trọng người khác vì chúng ta muốn họ cũng tôn trọng mình. Chương trước chúng ta đã thảo luận về ý niệm khế ước xã hội và sau đây là một áp dụng của ý niệm đó: chúng ta nghĩ đến việc tôn trọng lẫn nhau xét như là kết quả của một thỏa thuận ngầm giữa hai tác nhân đạo đức. Những người khác lại chú trọng vào sự kiện cho rằng con người sở hữu những thứ mà chúng ta phải coi trọng như tính tự trị của lý trí (khả năng tự quản chính cuộc đời một cách hợp lý). Chúng ta coi trọng khả năng đó trong chính chúng ta, vì thế chúng ta cũng phải trân trọng khả năng đó nơi những người khác.

          Tuy nhiên, một số triết gia cho rằng chúng ta cần tôn trọng những người không thể đáp lại sự tôn trọng của chúng ta và cả những người không có sự tự trị của lý trí, như trẻ nhỏ hoặc những người mất khả năng lao tác vì tuổi già hoặc vì một khiếm khuyết tâm thần nào đó. Chúng ta tôn trọng những con người như thế có lẽ đơn thuần vì chúng ta nhận thức được rằng sự sống của họ có giá trị với họ, như thể sự sống của chúng ta có giá trị với chúng ta vậy. Nhưng liệu chúng ta có thể nói rằng sự sống của con vật chẳng có giá trị gì đối với nó? Chúng ta phải tôn trọng các con vật giống như tôn trọng con người chăng? Còn thực vật thì sao? Sự sống của thực vật tự nó có giá trị, hay chỉ có giá trị ở mức độ chúng hữu ích cho những hữu thể lý tính mà thôi?

4.2.1 Thuyết giá trị

          Bây giờ chúng ta đang đi vào một phần quan trọng của đạo đức học, đó là thuyết giá trị. Thuyết giá trị đề cập đến nhiều loại giá trị khác nhau, điều gì hay hoạt động nào được xem là có giá trị, giá trị mang tính khách quan hay chủ quan, và những vấn đề liên quan khác. Chúng ta sẽ không nghiên cứu toàn bộ địa hạt của thuyết giá trị, nhưng cần tìm hiểu hai khái niệm thường thấy trong đạo đức môi trường: Giá trị nội tại và giá trị công cụ. Một thứ gì đó có giá trị công cụ nếu như bạn chỉ đơn thuần coi trọng thứ đó vì nó giúp bạn đạt được một thứ khác. Tiền tệ là một ví dụ tốt để minh họa cho khái niệm giá trị công cụ; bạn sẽ không coi trọng tiền tệ nếu như tiền không là phương tiện giúp bạn có được những hàng hóa khác. Trái lại, một điều gì đó có giá trị nội tại nếu như nó tốt tự thân. Niềm hạnh phúc, sự hoan hỉ, quyền tự chủ, cũng như niềm vui thú, tất cả minh họa về những thứ mà một số người xem là có giá trị nội tại. (Dĩ nhiên, có những thứ có cả hai giá trị vừa nội tại vừa công cụ: một màn trình diễn thể dục dụng cụ xuất sắc tự nó là một điều hay và tốt đẹp, nhưngđồng thời màn trình diễn có thể giúp bạn giành được huy chương vàng). Hầu hết mọi người sẽ cho rằng sự sống con người về bản chất là có giá trị; nghĩa là, chúng ta muốn sống chỉ vì mục đích sống. Nhưng sự sống của những loài khác con người có giá trị nội tại không? Nghĩa là, sự sống của những loài khác con người có giá trị tự thân không, hay chúng đơn thuần chỉ có giá trị phương tiện phục vụ cho hạnh phúc và phúc lợi của con người mà thôi?

          Những độc giả tinh ý sẽ nhận ra rằng đây là vấn nạn mà Richard Sylvan đã nêu lên trong the last man scenario ở phần 2.5: Giả như bạn là người cuối cùng sống trên mặt đất này, liệu bạn có thể tiêu diệt hết sự sống khác trên trái đất mà không vi phạm đạo đức chăng? Giả như sự sống đó chỉ có giá trị công cụ – nếu nó chỉ có giá trị vì làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn – thì việc hủy diệt có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, giả như sự sống đó có giá trị nội tại – nếu nó có giá trị vì lợi ích của chính nó – thì bạn không được phép hủy hoại cách bừa bãi. Đây là một vấn đề quan trọng trong đạo đức môi trường, vì nếu sự sống của loài khác có giá trị nội tại, thì chúng ta phải có phương án để bảo vệ sự sống đó, ngay cả (đôi khi) phải hy sinh phúc lợi của con người. Điều này không có nghĩa là sự sống của loài khác sẽ luôn luôn, hoặc thậm chí thường xuyên, cao hơn giá trị sự sống của con người. Nhưng điều này có nghĩa là bà Judy K. sẽ phải tính đến giá trị sự sống của loài hươu khi bàn đến việc quyết định cách thức bảo vệ khu vườn và cánh rừng trong phần đất do bà quản lý.

          Liệu sự sống của loài khác có giá trị nội tại không? Một lối tiếp cận cho câu hỏi này đó là nghĩ đến những phẩm tính làm nên giá trị cho sự sống con người, và xác định xem liệu những sự sống khác có những phẩm tính đó hay không. Đây là một lối tiếp cận phổ biến trong đạo đức môi trường, và chúng ta sẽ giành thời gian cân nhắc những lập luận khác nhau theo những cách thức đó. Tuy nhiên, tôi sẽ còn giới thiệu một lối nẻo khác để tiếp cận vấn đề, lối tiếp cận này do triết gia Elizabeth Anderson đưa ra. Học thuyết của bà chú trọng nhiều vào cách thức chúng ta đánh giá hơn là điều mà chúng ta đánh giá. Trong chương kế tiếp, chúng ta cũng sẽ thảo luận một câu hỏi tối quan trọng trong đạo đức môi trường: Chúng ta phải đánh giá như thế nào về sinh mạng của những con người chưa được sinh ra? Hai chương này sẽ đưa đến cho bạn một vài cách thức hữu hiệu để bạn suy nghĩ về việc ai sẽ thuộc về cộng đồng đạo đức của bạn.

4.2.2. Nhân sinh

Theo Aldo Leopold, đã đến lúc chúng ta cần nới rộng cộng đồng đạo đức bao gồm cả môi trường tự nhiên nữa. Leopold có lẽ cho rằng chúng ra phải sẵn sàng cho bước đi tiếp theo này trong việc nới rộng phạm vi đạo đức học: bây giờ chúng ta nhận thấy tất cả mọi người đều có tư cách đạo đức như nhau, vì thế đã đến lúc đạo đức học phải hướng đến những loài phi-con người. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nhận ra tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt đạo đức không? Nếu không, lời khuyên của Leopold có làm phai nhạt tầm quan trọng của việc phải đảm bảo sự tôn trọng với hết mọi người không?

          Đây là một trong những quan ngại thường thấy trong đạo đức môi trường, rằng chúng ta sẽ bị sao nhãng, không còn chú tâm đến những bất công đối với con người nữa. Dĩ nhiên, trong một vài trường hợp điều đó có thể xảy ra. Nếu như bạn chỉ có một số tiền nhỏ đóng góp cho mục đích bác ái, bạn phải chọn lựa giữa việc giúp con người hay giúp những loài khác. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến môi trường sẽ cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng về việc ưu tiên cho các loài khác sẽ khiến chúng ta sao nhãng các bổn phận đối với con người.

Trước hết, có rất ít bằng chứng cho thấy việc dấy lên những phong trào về quyền động vật và môi trường lại tương ứng với việc suy giảm sự quan tâm vào các vấn đề công bình xã hội khác. Trái lại, một khi quan tâm đến một vấn đề xã hội thường thì người ta càng quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề xã hội khác nữa.

          Thứ đến, một số lý thuyết gia cho rằng việc không trân trọng sự sống những loài khác cũng như việc không tôn trọng sự sống của tha nhân là những vấn đề có liên hệ với nhau. Họ cho rằng cả hai thất bại trên đều bắt nguồn từ cùng một sự thất bại về mặt đạo đức. Đó là một sự thất bại về phương diện lý luận đạo đức, không có sự đồng cảm, hay là đánh mất tư cách đạo đức của con người. Khi chúng ta học cách quan tâm đến những cá thể của những loài khác, chúng ta cũng có thể hiểu biết và quan tâm hơn đến tha nhân.

          Cuối cùng, nhớ lại lập luận của Murray Bookchin (trong mục 3.4) rằng mọi bất công xã hội đều xuất phát từ cùng một vấn đề căn bản: sự quyến luyến của chúng ta đối với hệ thống phân cấp xã hội. Bookchin cho rằng chủng tộc, giai cấp, giới tính và các cấp bậc xã hội khác có liên hệ với nhau và đồng thời củng cố sự thống trị của con người trên tự nhiên. Theo quan điểm này, việc giải quyết công bình xã hội đòi chúng ta phải điều chỉnh những thực hành và thái độ của chúng ta đối với thế giới tự nhiên.

          Ví dụ, Alice Walker, một nhà văn người Mỹ và là người ủng hộ công bằng chủng tộc, nhận thấy rằng không có bất kỳ mâu thuẫn nào giữa chủ nghĩa môi trường và công bình xã hội. Bà khởi đi với tiền đề cho rằng con người có mối tương quan mật thiết và sống động với những chốn cư ngụ của mình và với những loài khác. Đối với bà, một trong những tác hại chính của sự bất công chủng tộc là nó phá hủy những mối liên hệ này. Bất công tách biệt con người với nhau, và thậm chí có thể phá vỡ mối liên kết giữa con người và đất đai. Như bà diễn tả trong quyển sách In Search of Our Mother’s Gardens:“Lịch sử của tất cả dân miền Nam da đen là lịch sử của sự bất công. Chúng tôi đã yêu quý đất đai và đã lao tác trên vùng đất ấy, nhưng chưa bao giờ được sở hữu nó” (Walker 1983, tr. 143-145). Bà kể cho chúng ta biết, những con người miền Nam da đen đó được cho là sẽ rời khỏi vùng đất miền Nam nếu như họ cơ hội. Sự tàn bạo của  một chế độ xã hội bất công chủng tộc làm cạn kiệt sự gắn bó của họ với đất đai. Một thành tựu lớn của phong trào dân quyền là nhằm thuyết phục những người miền Nam da đen như bà Alice Walker rằng họ đã tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất mình được sinh ra. Theo quan điểm này, việc đạt được công bình xã hội là rất quan trọng nhằm giúp một cộng đồng tạo ra những gắn bó lành mạnh với môi trường tự nhiên của họ.

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 41-43

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *