Các bản văn của thư Rô-ma được sử dụng trong Năm A lấy từ các chương 3-6, 8, 9, 11-14. Tuy nhiên, các nhà giảng thuyết phải ý thức về cách thức mà Bài đọc phân phối những bản văn này để lên kế hoạch giảng thuyết cho phù hợp. Ví dụ, họ phải lưu ý rằng Bài đọc dành năm tuần cho chương 8, hai tuần cho chương 5 và chương 11, nhưng chỉ một tuần cho mỗi chương còn lại (3-4, 6, 9, 12-14).

Ngoài việc tìm hiểu cách thức các bản văn được phân phối, các nhà giảng thuyết phải có một cái nhìn tổng quát về cấu trúc của lá thư. Dàn ý sau chắc sẽ hữu ích cho họ.

1: 1-7         Một lời chào hỏi mở rộng trong đó thánh Phao-lô giới thiệu về mình và về tin mừng ngài rao giảng.

1:8-15        Một lời tạ ơn trong đó thánh Phao-lô diễn tả việc ngài mong mỏi được viếng thăm Rô-ma.

1:16-17      Chủ đề của tin mừng thánh Phao-lô: sự công chính của Thiên Chúa.

1:18-3:20   Một diễn tả về việc phạm tội của con người để xác nhận rằng mọi người đã phạm tội và cần ân sủng của Thiên Chúa.

3:21-31      Chủ đề của tin mừng thánh Phao-lô trong ánh sáng của tình trạng tội lỗi này: sự công chính của Thiên Chúa loại bỏ mọi sự vênh vang.

4:1-25        Sự xác nhận của tin mừng thánh Phao-lô trong câu chuyện về tổ phụ Áp-ra-ham, người đã được nên công chính nhờ đức tin.

5:1-11        Tình trạng mới của những người biết ôm ấp tin mừng: họ được an bình với Thiên Chúa, được công chính hóa, được hòa giải, và mang niềm hy vọng về ơn cứu độ cuối cùng.

5:12-21      Đức Ki-tô, A-đam mới, mà nhờ hành động vâng phục của người mà tội nhân được nên công chính.

6:1-23        Sự tự do khỏi quyền lực của tội lỗi.

7:1-25        Sự tự do khỏi tình trạng lệ thuộc Lề Luật vốn bị tội lỗi làm cho nên vô hiệu.

8:1-39        Đời sống trong Thần Khí làm tín hữu có khả năng chu toàn đòi hỏi công chính của Lề Luật.

9:1-11:36   Sự trung tín của Thiên Chúa và định mệnh của Ít-ra-en.

12:1-15:13 Đời sống luân lý của các tín hữu được công chính hóa bởi đức tin.

15:14-33    Những dự tính viếng thăm Rô-ma của thánh Phao-lô.

16:1-23      Những lời chào thăm của thánh Phao-lô từ Cô-rin-tô dành cho những ai ở Rô-ma.

16:25-27    Bài tụng ca sau cùng.

Mặc dù thư Rô-ma có thể có cấu trúc khác, dàn ý này chỉ cho thấy rằng chủ đề mà thánh Phao-lô phát triển là sự công chính của Thiên Chúa, qua đó ngài muốn nói đến sự công chính hoặc ngay thẳng của chính Thiên Chúa, sự tín trung của Thiên Chúa đối với chính ngài và dân giao ước của ngài, cái cách của Thiên Chúa để ngài là chính ngài, tính đáng tin cậy của Thiên Chúa trong việc hoàn thành những lời hứa của ngài. Vì thế, lá thư này trước hết nói về Thiên Chúa-một chủ đề thích hợp đối với mọi nhà giảng thuyết!

Sự công chính của Thiên Chúa có nhiều ý nghĩa đối với con người; bởi vì qua việc bày tỏ sự công chính của ngài, Thiên Chúa làm cho tội nhân được nên công chính, khiến những ai đón nhận ân sủng của ngài trong đức tin được trở nên công chính. Thế nên, thư Rô-ma cũng nói về con người, bởi vì nó diễn tả đời sống mới của các tín hữu vốn đã được nên công chính bởi Thiên Chúa và giờ đây được sống yên bình với ngài, lòng mang niềm hy vọng về ơn cứu độ sau cuối khi họ sống cuộc đời của họ trong địa hạt của Thần Khí.

Tuy nhiên, việc bày tỏ sự công chính của Thiên Chúa ám chỉ một tình trạng tội lỗi của con người mà con người không thể nào tự giải thoát được. Vì thế, thánh Phao-lô đầu tiên phải giải thích nhu cầu phải có sự công chính trước khi ngài có thể khai triển ý nghĩa của việc sống một đời sống công chính. Tại sao Thiên Chúa lại cần phải gửi Đức Ki-tô đến như một của lễ đền tội? Có nghĩa gì khi nói tình trạng con người khi thiếu Đức Ki-tô làm cho con người không thể thực hiện đòi hỏi công chính của Lề Luật? Đáp án cho những thắc mắc này đòi hỏi một sự bày tỏ đầy đủ hơn nơi tin mừng thánh Phao-lô vốn sẽ được trình bày khi tôi xem xét các bản văn của Bài đọc.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 19 – 20.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *