Dẫn nhập
Ở Việt Nam, chắc không khó, nếu không muốn nói là quá thường xuyên[1], để chúng ta thấy những cảnh tượng những nơi công cộng bị phủ trắng bởi rác thải sau một sự kiện được tổ chức; các túi rác nằm vương vãi dọc con đường làng; những chậu nước dơ bẩn được hất ra đường mỗi sáng; v.v. Rác thải vốn là vấn nạn đang đụng chạm tới từng người và tới toàn thể xã hội ở mọi cấp độ từ cá nhân, gia đình đến công ty, đất nước và toàn thể cộng đồng quốc tế[2]. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các hiện tượng lũ lụt; hạn hán; thời tiết bất thường; sạt lở sườn đồi, mé sông, v.v. xảy ra liên tục ở nhiều nơi của nước Việt Nam với những hậu quả nặng nề mà bao người đang phải gánh chịu[3]. Những thiên tai này, chủ yếu là hậu quả của việc biến đổi khí hậu mà một trong những tác nhân chính được nhìn nhận là vấn đề chất thải[4]. Từ những gì đang diễn ra hằng ngày ấy, đâu là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta hôm nay trong tư cách là một người Kitô hữu Việt Nam với truyền thống văn hóa cũng như đức tin của mình?
Trong giới hạn của bài viết ngắn này, chúng ta cùng tìm hiểu vấn nạn theo phương pháp VNC[5] như đề nghị của tác giả Christina A. Astorga. Theo đó, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân của việc xả rác bừa bãi của người Việt qua việc phân tích các chiều kích văn hóa, chính trị, xã hội; cũng như nền tảng Thánh Kinh, và quan điểm của thần học hệ thống của Giáo hội[6] về tính liên đới xét như giá trị liên hệ trực tiếp; Sau đó là việc đánh giá vấn đề dựa trên những Giáo huấn xã hội của Giáo hội; Cuối cùng là một vài gợi ý hành động theo hướng nhìn của Đạo đức xã hội.
I. Vấn nạn xả rác vô ý thức và tính liên đới dưới các góc nhìn khác nhau
Trong cuốn Docat[7], do Hội đồng Giám mục Áo xuất bản, đã cho thấy vấn đề môi sinh trong hiện tại cần phải được xem xét dưới một giá trị mới, giá trị bền vững. Giá trị này vốn đòi hỏi sự gắn kết với tất cả bốn giá trị truyền thống[8] của Đạo đức xã hội để có thể hướng tới “bảo vệ sự ổn định lâu dài của hệ sinh thái trái đất và khả năng tự nhiên của trái đất trong việc tái tạo các nguồn tài nguyên” (Docat, s.263). Mặc dù vậy, truy tìm nguyên nhân của thực trạng xả rác ở Việt Nam, chúng ta nhận thấy mối liên hệ cụ thể và rõ ràng nhất tới nguyên tắc liên đới[9] trong Đạo đức xã hội. Vì vậy, bài viết sẽ tập trung xem xét vấn nạn này trên cơ sở của tính liên đới dưới các góc nhìn khác.
Theo tác giả Trần Ngọc Thêm[10], Việt Nam “thuộc loại văn hóa gốc nông nghiệp điển hình”. Trong đó, vì “nghề trồng trọt buộc người dân phải sống định cư” nên trong cách đối xử với thiên nhiên họ rất có “ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với thiên nhiên”. Bên cạnh đó, về mặt nhận thức, vì nghề nông phải phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thiên nhiên nên họ “hình thành lối tư duy tổng hợp”. Nghĩa là, khởi đi từ những điều cụ thể được xảy ra dần dần họ rút tỉa được những kinh nghiệm phổ quát. Cũng vậy, vì đời sống xóm làng gắn bó lâu dài với nhau nên “con người nông nghiệp ưa sống theo nguyên tắc trọng tình” trong cách hành xử với nhau. Chính lối tư duy tổng hợp suy nghĩ cân nhắc cẩn thận cùng với nguyên tắc trọng tình đã khuôn đúc nơi họ một “lối sống linh hoạt, luôn biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể”. Tuy nhiên, song song với “tâm lí coi trọng cộng đồng, tập thể”, thì “mặt trái của tính linh hoạt chính là thói tùy tiện”. Đây chính là điều đụng tới vấn đề chúng ta đang bàn thảo, vì sự tùy tiện này được xem là nguyên nhân của nhiều loại hành vi không hề nghĩ cho người khác của người Việt mà việc xả rác chỉ là một trong số ấy.
Thế nhưng, tại sao một mặt người ta vừa được cho là biết sống coi trọng cộng đồng, mặt khác lại tùy tiện, không hề nghĩ gì cho cộng đồng? Cũng theo Trần Ngọc Thêm: “tính chất nước đôi chính là một đặc điểm tính cách của dân tộc Việt. Người Việt đồng thời vừa có tinh thần đoàn kết tương trợ lại vừa có óc tư hữu, ích kỉ và thói cào bằng; vừa có tính tập thể hòa đồng lại vừa có óc bè phái, địa phương (…) Tất cả những cái tốt và cái xấu ấy cứ đi thành từng cặp và đều tồn tại ở người Việt Nam; bởi lẽ tất cả đều bắt nguồn từ hai đặc trưng gốc trái ngược nhau là tính cộng đồng và tính tự trị. Tùy lúc tùy nơi mà mặt tốt hoặc mặt xấu sẽ được phát huy: khi đứng trước những khó khăn lớn, những nguy cơ đe dọa sự sống còn của cả cộng đồng thì cái nổi lên sẽ là tinh thần đoàn kết và tính tập thể; nhưng khi nguy cơ ấy qua đi rồi thì thói tư hữu và óc bè phái địa phương có thể lại nổi lên”[11].
Như thế, từ trong chính tính cách của người Việt đã chứa đựng những nguy cơ của sự tùy tiện, của óc bè phái địa phương vốn chỉ biết nghĩ cho mình, cho gia đình mình mà không quan tâm, không liên đới với người khác hay với cộng đồng nhân loại trong lối tư duy và cách sống của mình. Đó chính là một lý do để giải thích cho vấn nạn chúng ta đang tìm hiểu là việc xả rác bừa bãi, thiếu ý thức của người Việt. Tuy nhiên, như đã nói, những mặt xấu này đã trở thành trầm trọng hơn trong những môi trường kinh tế chính trị tạo cơ hội cho nó ‘bùng phát’[12].
Trong ca khúc Gia tài của mẹ, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lặp đi lặp lại: “Một ngàn năm nô lệ giặc tầu, một trăm năm đô hộ giặc tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày” như là lý do cho những vấn nạn của đời sống và tính cách của “lũ con bội tình”[13]. Quả thật, lịch sử đất nước Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến, với những thời bị đô hộ, xâm lăng và hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng trên kinh tế, chính trị của đất nước nhưng còn là chính đời sống và tính cách của con người Việt Nam. Tuy vậy, đời sống và tính cách của người dân Việt hiện nay không chỉ bị tác động bởi chiến tranh nhưng còn là nạn nhân của một thời bao cấp và cũng vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ chính bối cảnh kinh tế chính trị hiện tại.
Tác giả Nguyễn Thái Hợp đã trích lời của Cao Tự Thanh nói cách chua xót về hệ quả của thời bao cấp đối với con người Việt Nam rằng: “bao cấp, nhất là bao cấp kéo dài sau 1975 làm nẩy sinh hai đứa con tệ hại là thói đạo đức giả và thói vô trách nhiệm.”[14] Đâu là lý do cho những điều này? Cũng theo tác giả Nguyễn Thái Hợp, chúng ta có thể nhận thấy lý do quan trọng nhất chính là việc các giá trị bị đảo lộn. Các giá trị cổ truyền vốn được “xây dựng trên đạo đức cá nhân, với sự tự chế bên trong và kiểm soát của lương tâm, cũng như của Trời, Phật, Chúa” giờ đây “bị kết án” và gạt bỏ vì “kể từ năm 1945 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam, các giá trị xã hội chủ nghĩa được sử dụng làm kim chỉ nam cho cuộc sống”[15]. Thế nhưng, xã hội chủ nghĩa vốn theo chủ thuyết vô thần nên nhìn con người “chỉ thuần túy là công cụ cho sự tiến hóa của lịch sử” và hệ quả “hoặc là tự do quá trớn, hoặc là bị ngộp thở trong một tập thể đồng nhất, hoặc là bị vứt ra ngoài xã hội khi không còn ‘xài’ được”[16]. Lý do thứ hai chính là sự nghèo đói trong một nền kinh tế đã bị kiệt quệ vì đất nước “theo đuổi chế độ quan liêu bao cấp, xây dựng một nền kinh tế không cạnh tranh, không theo quy luật cung – cầu”[17]. Thế nên, trong cảnh đói nghèo, “tất cả mọi nỗ lực của họ đều dồn vào việc giải quyết vấn đề sinh tồn cốt yếu. Dân chủ, tự do, nhân quyền…tạm được coi là một thứ xa xỉ phẩm hay một thứ giá trị phụ thuộc”[18]. Vậy là, trong hoàn cảnh kinh tế chính trị như thế “con người với nhau dường như không còn tình nghĩa gì hết”[19], người ta sống chỉ biết lo cho mình chứ chẳng còn chỗ cho mối quan tâm đến người khác.
Tuy nhiên, không chỉ ở thời bao cấp, nhưng ngay trong thời ‘mở cửa’, thời của ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ hiện nay cũng vẫn tiếp tục làm nảy sinh các vấn nạn về đạo đức trong đời sống của người Việt Nam. Quả vậy, nền kinh tế hiện nay của đất nước chúng ta “chứa quá nhiều mưu mẹo, đầy tính xảo trá, lươn lẹo và nhiều khi chụp giựt, hơn là hình thức cạnh tranh đứng đắn dựa trên kỹ năng để nâng cao phẩm chất và giảm giá thành”. Bởi vì, “một nền kinh tế tư bản rừng rú đã ra đời ngay trong lòng một nước mệnh danh là ‘xã hội chủ nghĩa’”. Trong đó, đa số người nông dân vẫn trong cảnh đói nghèo và nhiều vùng “vẫn nghèo xác nghèo xơ” vì vẫn tiếp tục canh tác “dựa vào công cụ sản xuất duy nhất là hai bàn tay!” Mặt khác, “nếu như nạn tham quan cường hào cũ chưa thật sự xóa bỏ, thì lại nẩy sinh lớp cường hào mới ở khắp nơi và đang sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của nông dân.”[20] Bên cạnh đó, đời sống của giới công nhân cũng ở trong tình trạng cơ cực tương tự. Trong bài giới thiệu cho cuốn tổng hợp các nghiên cứu về đời sống của người công nhân Việt Nam, tác giả Nguyễn Đức Lộc đã tóm kết cách đáng buồn về đời sống người công nhân trong xã hội Việt Nam hiện nay rằng: “Ở khía cạnh nào đó, họ trở thành những người nghèo đa diện: nghèo đất quê, nghèo trình độ để đi làm, nghèo vốn sống, thiếu khả năng ứng phó với những tình huống bất trắc, rủi ro trong cuộc mưu sinh.”[21] Mặt khác, “chính sách bất cập và luật pháp chưa nghiêm minh, quy chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn tham nhũng gia tăng,… tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm tới công ích”[22].
Bên cạnh đó, một mặt, cơ chế “lãnh đạo độc quyền của Đảng dẫn đến tình trạng lạm quyền, tham nhũng, bất công, thiếu tôn trọng quyền con người”[23]. Mặt khác, vì “nền chính trị không cho phép người dân nói lên cái xấu, cái tiêu cực bởi đó là “vùng cấm” riết rồi người ta cũng chẳng còn quan tâm để ý đến nữa, phần vì sợ phần vì dần dà trở nên vô cảm”. Hệ quả là, “bên cạnh hai đứa con hư của thời bao cấp là ‘đạo đức giả và vô trách nhiệm’, cơ chế thị trường hoang dã đang được áp dụng tại Việt Nam đã sinh thêm hai đứa con hư nữa: đó là nóng ruột kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Mọi nhược điểm và tệ nạn khác của xã hội Việt Nam hôm nay chỉ phát huy tác hại trong môi trường của bốn thói xấu này.”[24]
Như thế, nền kinh tế chính trị của đất nước Việt Nam như thể đang đẩy mỗi người vào vòng xoáy của vật chất, của việc vun vén cho bản thân mà không quan tâm tới các giá trị xã hội và sự liên đới với tha nhân. Song song với nó chính là nền giáo dục không những không cổ võ cho những giá trị chân thật cho tình liên đới nhưng lại còn làm phát sinh nhiều hơn những gian xảo lọc lừa.
Tác giả Nguyễn Văn Dân đã nói về giáo dục Việt Nam rằng: “văn hóa thị trường đi vào cả trong giáo dục khi giáo viên giữ kiến thức lại để bán trong các giờ dạy thêm”[25] Đó chỉ là một trong những vấn nạn của nền giáo dục của Việt Nam trong mấy thập niên vừa qua. Bởi chưng, như đã nói, khi nền chính trị loại bỏ các giá trị truyền thống và thay vào đó là ‘lý tưởng xã hội chủ nghĩa’ vốn xem con người chỉ như công cụ tiến hóa thì giáo dục cũng chỉ nhắm đến việc đào tạo con người có khả năng để “làm ra nhiều của cải”[26] mà thôi. Nghĩa là, định hướng giáo dục “còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đến việc phát triển con người toàn diện”[27]. Trong khi đó, phương pháp giáo dục thì “giáo điều, ấu trĩ”[28], “chưa chú ý đến việc phát huy tư duy độc lập và sáng tạo của học viên”[29]. Hệ quả là, “trong một xã hội xuống dốc, đạo đức vắng bóng và khủng hoảng niềm tin đó, dĩ nhiên tiền được phong thần, lên ngôi”[30]. Thế nên, “người ta sẵn sàng biện minh và dung túng cho mọi phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng là lợi ích kinh tế”[31].
Tới đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng chính bối cảnh kinh tế, chính trị và giáo dục của đất nước chúng ta dường như đang tạo môi trường thuận lợi cho những mặt tiêu cực trong tính cách người Việt được trỗi dậy. Nơi đó, người ta chỉ chú tâm chăm lo cho cuộc sống của chính mình mà đánh mất đi sự liên đới với người khác. Điều này mời gọi những người Kitô hữu chúng ta nhìn về truyền thống đức tin của mình để được Kinh Thánh soi sáng cho ta về đòi hỏi của tình liên đới với tha nhân.
Trong chương 2 của Laudato Si[32], Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến nền tảng Thánh Kinh về tình liên đới và sự hòa hợp của toàn thể vũ trụ trước vấn nạn của môi trường sinh thái. Đó cũng là nền tảng cho vấn nạn chúng ta đang bàn thảo[33]. Theo đó, Thánh Kinh đã mặc khải về công trình sáng tạo tốt đẹp của Thiên Chúa, trong đó “cuộc sống con người dựa trên ba mối tương quan căn bản có liên hệ mật thiết với nhau: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân và tương quan với trái đất”. Thế nhưng, chính tội lỗi đã làm đổ vỡ các mối tương quan này: “con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và khước từ nhìn nhận những giới hạn thụ tạo của mình”; “sự hòa hợp nguyên thủy giữa con người và thiên nhiên trở nên xung đột” và giữa con người với nhau có biết bao hình thức “chiến tranh, bạo lực và lạm dụng” (LS 66) khiến cho nhiều người “đang bị đẩy vào sự nghèo nàn tuyệt vọng và hèn hạ mà không có lối thoát, trong khi những người khác lại (…) khoe mẽ một cách kiêu căng sự trổi vượt của họ và bỏ lại phía sau quá nhiều lãng phí” (LS 90). Tuy vậy, Thiên Chúa đã luôn kêu mời con người “đào sâu các mối tương quan, không chỉ giữa các cá nhân mà còn với các thực thể sống khác”. Bởi chưng, “coi thường nghĩa vụ phải vun trồng và duy trì mối tương quan đúng đắn với người thân cận của tôi (…) sẽ phá hủy mối tương quan của tôi với chính bản thân, với người khác, với Thiên Chúa và với trái đất” (LS 70; x. 1Cr 12,26). Điều này được nhấn mạnh trong “các lề luật có trong Kinh Thánh” vốn được Thiên Chúa truyền ban (x. LS 68; TV 148,5b-6). Theo đó, sự liên đới sẻ chia và ‘nghĩ cho người khác’ trở thành đòi hỏi thiết yếu trong từng chọn lựa và hành động của cuộc sống. Chẳng hạn, sách Lêvi đã đề cập đến việc phải dành phần lúa “sát bờ ruộng; lúa gặt sót” cho những người nghèo và ngoại kiều (Lv 19,9-10). Hơn nữa, sống cho người khác cũng là trọng tâm trong giáo huấn và chính cuộc đời của Chúa Giêsu, vì chính Người đã “đến để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mc 10,32-45; LS 82)[34].
Trên nền tảng của mặc khải Thánh Kinh, mặc dù có nhiều trường phái khác nhau, nhưng nhìn chung các nhà thần học đã cho thấy tình liên đới với tha nhân cũng như các nguyên tắc đạo đức khác chính là đòi hỏi của đức tin Kitô giáo trong trách nhiệm dấn thân xây dựng thế giới này. McBrien[35] trong bản tóm lược thần học về đạo đức đã cho thấy J.B. Hirscher đặc biệt nhấn mạnh nền tảng tín lý cho đạo đức học chính là Vương quốc của Thiên Chúa, bởi vì con người được mời gọi cùng cộng tác để xây dựng nước Chúa để hướng về ngày mà toàn thể tạo thành được hòa hợp trong Thiên Chúa. Trong khi đó, Joseph Mausbach, Otto Schilling, Fritz Tillmann, Theodore Steinbuechel và sau đó là Joseph Fuchs và Bernard Haring đã cho thấy chính giới luật yêu thương phải là trái tim, là linh hồn của thần học luân lý. Theo đó, mọi đòi hỏi của đạo đức, trong đó có sự liên đới, đều xuất phát từ tình yêu vốn là mệnh lệnh và cũng là bản tính của Thiên Chúa trong sự hiệp thông Ba Ngôi và sự thông chia cho muôn loài qua mầu nhiệm tạo dựng. Điều này cũng được phản ánh trong các sắc lệnh của Công đồng Vatican II. Chẳng hạn, Sắc lệnh Đào tạo Linh mục (s.16) đã khẳng định rằng đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu là sinh hoa trái trong đức ái cho sự sống của thế giới. Còn đối với Christina A. Astorga[36], trong số các chân lý đức tin, mặc khải về tình yêu, về ân sủng và về cộng đoàn chính là nền tảng cho chọn lựa đạo đức xã hội của Kitô giáo. Theo đó, đòi hỏi của tình yêu là cốt lỗi của đời sống con người vì nơi mầu nhiệm Ba Ngôi và Tạo dựng và chính nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mặc khải rằng con người được tạo dựng từ tình yêu, trong tình yêu và cho tình yêu. Cũng vậy, qua mầu nhiệm của sự dữ, chúng ta được mặc khải về chính chiều sâu của con người. Bởi thế, đứng trước thực tại tội lỗi của cấu trúc xã hội, chúng ta vẫn được thôi thúc và mời gọi với niềm hi vọng để làm mới lại thế giới, xây dựng công bình và tình liên đới vì ân sủng vẫn được trao ban. Bên cạnh đó, chính nơi bản chất của Giáo hội, lời mời gọi sống trong cộng đoàn trở nên lời mời gọi về đời sống ngôn sứ cho thế giới về sự hiệp thông, liên đới của thực tại cánh chung.
Như thế, từ nền tảng Thánh Kinh và thần học tín lý của Kitô giáo, chúng ta nhận thấy lời mời gọi của sự hiệp thông của tình liên đới đối ngược với thực trạng của sự vô tâm, và thái độ thờ ơ trước nỗi đau và sự sống còn của người khác cũng như của môi sinh vốn được biểu hiện trong vấn nạn xả rác bừa bãi mà chúng ta đang tìm hiểu. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ tìm về các Giáo huấn xã hội của Giáo hội để tìm nền tảng cho hướng giải quyết cho vấn nạn này.
II. Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công Giáo về tình liên đới[37]
Trong cái nhìn của Giáo hội Công Giáo, “nguyên tắc liên đới (…) là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo” (GLHTCG 1939). Đòi hỏi này sẽ được làm rõ qua việc tìm hiểu về sự phát triển của ý niệm; về giá trị và phạm vi cũng chiều kích nhân đức của nó như được trình bày trong các Giáo huấn của Giáo Hội.
- Quan niệm liên đới[38]
Trong các nền văn hóa và các tôn giáo, ý niệm về sự liên đới vốn không xa lạ gì đối với chúng ta. Nơi đó, “tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp thông, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự thấy mình có trách nhiệm nào đó trước những nối bất hạnh xảy đến cho đồng loại”. Tuy nhiên, “quan niệm liên đới được sử dụng trong triết lý xã hội hiện đại khai sinh ở giai đoạn cách mạng Pháp 1789 và phổ biến rộng rãi vào thời hậu cách mạng để đề cao sự nhạy cảm đối với công bằng xã hội và ý thức tình huynh đệ, nghĩa đồng bào giữa những người dân cùng một nước hay giữa các thành viên của cùng một tổ chức, hiệp hội, đoàn thể”. Theo thời gian, ý niệm liên đới dần được gắn liền với cái nhìn về một “trách nhiệm mang tính bổn phận đối với tha nhân” hơn là chỉ nói về “thái độ quảng đại chung chung”. Theo đó, liên đới diễn tả mối dây liên kết chặt chẽ và thiêng liêng trong Đạo đức xã hội: Sở dĩ chúng ta là người nên “chúng ta kết thành một khối, một thực tại bền vững và một gia đình nhân loại” nên “chúng ta đồng trách nhiệm với nhau và phải đối xử với nhau theo quy luật liên đới: ý thức, cảm nhận và chấp nhận điều kiện nhân loại như một thân phận chung, trong đó mọi người liên đới và đồng hành với nhau”.
Giáo hội Công giáo nhìn nhận rằng tự trong bản chất tồn tại của mình, con người cần đến nhau, liên đới với nhau: “nguyên tắc liên đới diễn tả chiều kích xã hội của con người” (Docat, 100). Điều này vừa cho thấy giá trị của nguyên tắc liên đới, đồng thời cũng cho thấy tính phổ quát của nguyên tắc này.
Một mặt, vì liên đới thuộc về bản chất của con người, nên càng sống chiều kích liên đới chúng ta càng cho thấy mình “thực sự là người”. Nó cũng giúp con người ý thức hơn về giá trị của sự hiện hữu và biết ơn về cuộc sống của chính mình khi họ “nhận thức rõ hơn rằng họ chính là người mắc nợ xã hội mà trong đó họ là thành viên” (TLHTXH 195). Hơn nữa, liên đới còn được xem như nền tảng của hòa bình và phát triển bền vững và là “vấn đề quan trọng nhất của thời đại chúng ta”, vì nó “vừa nối kết các dân tộc, vừa có khả năng làm giảm nhẹ các nguyên nhân gây bất hòa và chiến tranh” (Một cái nhìn, tr.170). Bên cạnh đó, liên đới còn “có một mối tương quan mật thiết” với “công ích”, với “mục tiêu phổ quát của của cải”, và với “sự bình đẳng giữa con người và giữa các dân tộc” (TLHTXH 194).
Mặt khác, liên đới có tầm vóc phổ quát, vì nó đụng chạm tới mọi chiều kích của cuộc sống con người. Chúng ta, phải “dựa vào người khác, không chỉ để nhận sự giúp đỡ thực tế, mà còn để trò chuyện, thăng tiến nhờ hiểu biết các ý tưởng, lý lẽ, nhu cầu, mong ước của người khác, và để có thể phát triển nhân cách của mình trọn vẹn hơn” (Docat, 100). Bên cạnh đó, tính phổ quát của liên đới còn thể hiện ở phạm vi toàn cầu và liên thế hệ. Bởi vì, “mọi người là thành phần của xã hội và thuộc về toàn thể nhân loại”, hơn nữa, “trong thế giới toàn cầu hóa” vốn “ẩn chứa những mối họa lớn: biến động về kinh tế hay chính trị ở vùng này gây hệ quả tức thời đến dân chúng đang sống ở miền xa xôi khác” nên tính liên đới “đòi hỏi chúng ta phải học cách suy nghĩ mở rộng ra toàn cầu” đồng thời “phải có trách nhiệm đối với những người đến sau chúng ta” (Docat 101; x. TLHTXH 192; GLHTCG 1941; Một cái nhìn, tr.172, 178-183). Hơn nữa, trong Laudato Sí, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn cho thấy tính phổ quát của liên đới trong phạm vi của toàn thể vũ trụ, nghĩa là con người còn liên đới với toàn thể tạo vật (x. Laudato Sí, s.89-92).
Chúng ta đã thấy, ở bình diện đạo đức xã hội, mọi người đều phải có trách nhiệm liên đới với người khác. Tuy vậy, trong đức tin Kitô giáo, “liên đới cũng là một đức tính luân lý thực sự”. Bởi chưng, nó “không phải là một cảm giác thông cảm mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ” nhưng “liên đới là có một quyết tâm vừa chắc chắn vừa kiên định muốn dấn thân lo cho công ích (…) vì tất cả chúng ta thật sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người” (TLHTXH 193). Theo đó, sở dĩ “tha nhân không chỉ là một hữu thể nhân loại, có quyền lợi và sự bình đẳng nền tảng với mọi người, nhưng là hình ảnh sống động của Thiên Chúa (…). Do đó, tha nhân phải được yêu mến, ngay cả khi họ là thù địch, bằng chính tình yêu mà Chúa đã yêu thương họ, và phải sẵn sàng hi sinh cho họ” (Một cái nhìn, tr.177).
Khi nói liên đới là một nhân đức Kitô giáo, nghĩa là vừa khẳng định đó là “một điều thiện” vừa cho thấy đòi hỏi chúng ta phải có “thái độ vững chắc” và một sự “dấn thân kiên trì” (GLHTCG 1804). Thế nhưng, đồng thời điều đó cũng mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa vừa để cầu xin ơn trợ lực vừa để noi gương Người trong “kiểu mẫu hiệp nhất” là “phản ảnh đời sống nội tại của một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi”. Hơn thế nữa, chính khi thực thi nhân đức liên đới này, chúng ta đang “góp phần thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa” (Một cái nhìn, tr. 177).
Như thế, từ các Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công Giáo, chúng ta thấy rằng liên đới vừa là đòi buộc của đạo đức xã hội, đồng thời vừa là một nhân đức, nó có giá trị và phạm vi phổ quát cho mọi người trên toàn thế giới và qua các thế hệ. Trên cơ sở này, trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta nhận thấy hành vi xả rác bừa bãi vô ý thức vốn dĩ đi ngược với giá trị liên đới và vì thế nó vừa tác động tiêu cực đến các mối tương quan của chúng ta với chính mình, với tha nhân, với vũ trụ và với Thiên Chúa. Thế nhưng, làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi được thực trạng này? Phần trình bày tiếp theo sẽ đưa ra một vài đề nghị mang tính gợi ý khởi đi từ những nguyên do của thực trạng này như đã trình bày ở phần đầu cũng như từ cái nhìn của Giáo hội Công giáo về tình liên đới, đặc biệt trong chiều kích của một nhân đức.
Trong Laudato Sí, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trích lại lời bài giảng của Đức Benedict XVI trong Thánh Lễ khai mạc Sứ vụ thánh Phêrô năm 2005 rằng “các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la”[39]. Quả thật, cuộc sống bên ngoài chính là biểu hiện của tâm hồn bên trong của mỗi người. Thế nên, đề nghị đầu tiên chính là việc hoán cải nội tâm để đón nhận lấy giá trị của liên đới ở cả hai chiều kích nhân bản và Kitô giáo; Hơn nữa, như đã trình bày ở phần đầu rằng chính nền giáo dục và kinh tế – chính trị của nước ta đã dung dưỡng thói sống tùy tiện, không quan tâm, không liên đới với người khác. Thế nên, hai đề nghị tiếp theo sẽ là về việc giáo dục và về nỗ lực góp phần biến đổi nền kinh tế chính trị.
Trong phần trước chúng ta đã thấy rằng liên đới là một nhân đức Kitô giáo, điều này vừa cho thấy tính phổ quát và giá trị của liên đới nhưng đồng thời cũng vừa cho thấy nó cần một nỗ lực không ngừng của con người với ơn trợ lực của Chúa. Thế nên, khởi đầu cho tiến trình thay đổi lối sống tùy tiện, vô tâm vốn là biểu hiện của thái độ chỉ nghĩ cho mình, của cách sống chọn lựa điều dễ dãi thì đòi hỏi cuộc hoán cải nội tâm liên tục để chân nhận mối tương quan của con người với nhau đặt trên nền tảng tương quan của con người với Thiên Chúa. Bởi chưng, khi con người không còn nhìn nhận Thiên Chúa họ cũng chối bỏ người khác là anh chị em của mình[40]. Hệ quả là, chính họ cũng bị tha hóa. Khẳng định này được xem là một trong hai trọng tâm của toàn bộ Giáo huấn của Giáo hội về Xã hội. Bởi vì, có thể nói rằng con người có được một “đặc tính siêu vượt” vì “bản chất của nó là hữu thể tìm kiếm ý nghĩa cho chính mình”. Thế nhưng, chính bản tính siêu vượt này lại được đặt để trên nền tảng của việc “con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa – Imago Dei (St 1,27)”[41]. Như thế, bước khởi đầu của việc tái khẳng định mối tương quan trách nhiệm với tha nhân đòi hỏi nơi chúng ta một cuộc hoán cải để trở về với Thiên Chúa.
Trong phần Nhận Định Chung[42] về thực trạng của Xã hội Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhấn mạnh rằng: “Trong xã hội hôm nay, con người bị mê hoặc bởi lối sống hưởng thụ và ích kỷ, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và thực hành những giá trị nhân bản và tôn giáo; kết cuộc là đạo đức suy thoái, lương tâm bị coi rẻ và nhân phẩm bị xúc phạm (…) Do đó, việc dạy giáo lý không những phải đổi mới cách trình bày, mà còn phải thoát ra khỏi khuôn khổ của lớp học để vươn ra đời sống cộng đoàn và vươn tới các vấn đề xã hội” (số 19). Lời mời gọi này không chỉ cần thiết cho việc dạy giáo lý, nhưng cũng là lời mời gọi cách chung cho toàn thể nền giáo dục của chúng ta. Quả thật, như ở trên đã trình bày, nền giáo dục của chúng ta cần một cuộc đổi mới toàn diện cả về triết lý, về nội dung và về phương pháp. Ở đây, thiết nghĩ mô hình giáo dục của Wilhelm von Humboldt về một nền giáo dục hướng tới “sự phát triển hài hòa của tất cả các năng khiếu trong đứa trẻ; rèn luyện khả năng của nó không chỉ trên một số ít những đề tài giáo dục nhưng ở tất cả các khía cạnh”[43] có thể là một gợi ý tốt cho một cuộc đổi mới nền giáo dục của chúng ta. Theo đó, đòi hỏi nền giáo dục cần có được ba đặc tính then chốt là tính độc lập, tính thống nhất và tính toàn diện. Trong đó, tính độc lập đòi hỏi cần nhìn nhận “sự dang dở của chân lý”[44] để rồi cả thầy và trò cần nỗ lực và sáng tạo[45] để tiếp tục tìm kiếm; đồng thời nó cũng đòi hỏi sự tự do[46] trong giảng dạy và học tập cũng như cần sự tách biệt[47] của tổ chức giáo dục ra khỏi thể chế chính trị và các thể chế khác. Bên cạnh đó, tính thống nhất đòi hỏi phải được thể hiện trong các mối tương quan giữa nghiên cứu với giảng dạy; giữa thầy với trò; và giữa các ngành khoa học với nhau[48]. Cuối cùng, tính toàn diện cần phải được thể hiện trong sự phát triển con người và sự toàn vẹn của thế giới mà mỗi người là một cá thể trong đó.
Tuy nhiên, giáo dục mà chúng ta nói ở đây không chỉ nhắm đến hệ thống giáo dục trường lớp, nhưng còn ở cả chiều kích gia đình và xã hội. Nơi đó, giáo dục bằng việc gây ý thức, bằng gương sống và kể cả những chế tài trong những trường hợp cần thiết cũng cần phải được xem xét để giúp thay đổi cách nghĩ và lối hành xử vốn đã trở nên quen thuộc của chúng ta mà cách riêng trong ý thức liên đới với người khác trong vấn đề chúng ta đang bàn thảo. Ở khía cạnh này, gần đây chúng ta đang thấy có những dấu hiệu tích cực, chẳng hạn các phương tiện truyền thông đại chúng đang chú ý đưa các tin tức về những ảnh hưởng của rác thải lên đời sống của con người với những hậu quả thiên tai rõ ràng đang xảy ra[49]; các tổ chức phi chính phủ đang có nhiều hoạt động gây ý thức cho người dân[50].v.v.
Nhìn chung, xét ở chiều kích cá nhân và cộng đồng, chúng ta cần tái giáo dục về giá trị của tình liên đới, của mối bận tâm hướng tới tha nhân và tới toàn thể vũ trụ trong từng hành vi sống của mình[51]. Tuy vậy, những đòi hỏi của nền giáo dục như vừa đề cập sẽ không thể thực hiện được nếu nó không được hỗ trợ từ cơ cấu Kinh tế – Chính trị phù hợp.
Quả thật, như ở trên đã trình bày, giáo dục nói riêng và đời sống con người nói chung thì gắn liền và phụ thuộc vào đích nhắm và sự chọn lựa của nền Kinh tế – Chính trị. Thế nên, ở đây chúng ta nhận thấy một đòi hỏi phải có một thể chế chính trị và một nền kinh tế phù hợp cho một định hướng phát triển con người dựa trên những giá trị đích thực. Liệu chúng ta có thể làm gì trước hiện trạng Kinh tế – Chính trị của đất nước hiện nay? Trong bài viết “Tìm hiểu về ơn gọi chính trị của Giáo hội”, tác giả đã tổng hợp các Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo để cho thấy đòi buộc đối với mỗi người tín hữu là phải được “huấn luyện lương tâm chính trị”, để có được “một sự trưởng thành trong đức tin, để mỗi người tín hữu có thể hội nhất giữa việc sống đức tin theo chiều kích thiêng liêng và việc dấn thân xây dựng xã hội ở chiều kích chính trị”, để họ “có khả năng dấn thân xã hội cách hăng say và quân bình, vừa không chính trị hóa tôn giáo vừa đồng thời không tôn giáo hóa chính trị” [52]. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng, “Giáo hội không có thẩm quyền trực tiếp nào để đề xuất các giải pháp kỹ thuật thuộc lãnh vực kinh tế – chính trị. Tuy nhiên, Giáo hội luôn kêu mời phải xem xét tất cả các chế độ cho thích hợp với tiêu chuẩn về phẩm giá con người”[53]. Nghĩa là, bằng sự phân định khôn ngoan dựa trên những giá trị phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi để dấn thân theo nhiều cách thức với nhiều cấp độ khác nhau trong từng hoàn cảnh cụ thể để hướng tới một nền chính trị đảm bảo “bốn cột trụ” theo lời Đức Gioan XXIII là “chân lý, công bằng, liên đới và tự do”[54].
Thế nhưng, bên cạnh việc thay đổi cách nghĩ nhờ hoán cải nội tâm và giáo dục cũng như một môi trường chính trị phù hợp chúng ta còn cần và phải góp phần để tạo lập một đời sống kinh tế phù hợp để mỗi người có thể được sống đúng phẩm giá của mình và điều này cũng bao hàm việc sống tình liên đới với tha nhân. Quả vậy, như ở trên đã trình bày rằng trong một hoàn cảnh cùng cực và bi đát của sự nghèo đói thì người ta khó mà sống được phẩm giá đích thật của mình. Thế nên, bên cạnh những chọn lựa đã được đề nghị, chúng ta còn cần hướng tới việc tạo lập một nền kinh tế phát triển[55]. Tuy vậy, chính ở chiều kích kinh tế này, chúng ta cũng nhận thấy một mối tương quan hai chiều giữa phát triển và phẩm giá con người. Nghĩa là, chúng ta cần phát triển kinh tế để tạo lập môi trường cho con người sống đúng phẩm giá của mình, nhưng đồng thời chúng ta cũng cần đặt để phẩm giá con người trong chính cách thức phát triển kinh tế của mình. Điều này đòi hỏi nỗ lực của chúng ta ở cả cấp độ cá nhân và toàn xã hội[56].
Từ những gì đã được trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng hành vi xả rác cách bừa bãi của người Việt chính là biểu hiện của một lối sống tùy tiện, thiếu tình liên đới, vô trách nhiệm với người khác và với môi trường (và cũng là với chính mình). Lối sống này là một nét tiêu cực trong tính cách người Việt, nhưng quan trọng hơn, nó đã được dung dưỡng trong một môi trường kinh tế, chính trị và cả giáo dục vốn đánh mất những giá trị cốt lõi của đời sống và không đặt sự phát triển con người là trọng tâm mà chỉ chạy theo vật chất và hưởng thụ. Lối sống ấy đáng lên án và cần được thay đổi vì nó đi ngược lại với đòi hỏi thiết yếu của đời sống con người cả ở cấp độ nhân bản và Kitô giáo. Bởi chưng, liên đới vừa là một đòi hỏi của đạo đức xã hội, cũng vừa là một nhân đức Kitô giáo. Thế nên, xét như là một con người và là một Kitô hữu, chúng ta nhận thấy mình được mời gọi dấn thân và thay đổi lối sống này trước hết là từ chính mình và sau là tác động tới mọi người. Nơi đó, điều quan trọng nhất chính là thái độ hoán cải nội tâm để mang lấy giá trị của nước Thiên Chúa thay vì theo đuổi những thứ tạm bợ chóng qua ở đời; Kế đến, là một tiến trình giáo dục liên lỉ vì sẽ không thể có một sự thay đổi trong lối sống nếu không được đón nhận lấy như một giá trị; Cuối cùng, là việc tác động từ chiều kích kinh tế, chính trị để chúng ta có một môi trường sống phù hợp cho việc theo đuổi những giá trị tốt đẹp mà vốn dĩ sẽ không thể làm được trong một cơ cấu kinh tế chính trị vốn không đặt trọng tâm ở phẩm giá con người.
Thế nhưng, có lẽ tất cả những gì chúng ta vừa nói ấy sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều được, nhưng đúng hơn, nó là một tiến trình lâu dài vốn đòi hỏi nhiều nỗ lực, kiên trì và cố gắng khởi đi từ những điều cụ thể, nhỏ bé ngay trong phòng, ngay trong nhà của mình. Dầu vậy, chúng ta cũng nhận thấy những dấu chỉ tích cực của đất nước chúng ta và thế giới hiện nay khi mọi người bắt đầu ý thức, bắt đầu nói tới các vấn đề về rác thải, về môi trường. Cuối cùng, chúng ta có quyền hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn không chỉ vì những nỗ lực và thao thức của chúng ta xét như những con người, nhưng chính yếu là bởi Thiên Chúa đã và vẫn đang tác động để cả hoàn vũ hướng đến một sự hài hòa vốn là Nước Trời mà chính Chúa Kitô đã khai mở nơi trái đất này và mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta tiếp tục xây dựng.
Học viên Đa Minh Đỗ Hùng Dinh, S.J
[1] X. https://nld.com.vn/ban-doc/co-dam-dong-la-co-rac-20180220214426364.htm, truy cập ngày 30.09.2018.
[2] Điều này gần đây cũng đã được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng hạn ở chương trình thời sự 19h của Đài truyền hình Việt Nam phát trên kênh VTV1, từ phút 24:24 đến phút 26:40, x. https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-06-11-2018-333364.htm, truy cập ngày 21.11.2018.
[3] X. http://moitruong.net.vn/thien-tai-bao-lu-hoanh-hanh-o-nuoc-ta-trong-nhieu-nam-qua/, truy cập ngày 30.09.2018.
[4] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Laudato Sí: Thông điêp về việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta, dịch bởi Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam (Sài gòn, 2015), số 20-26.
[5] Về phương pháp VNC: Vision-Norm-Choice, x. Christina A. Astorga, Catholic Moral Theology & Social Ethics: A New Method (Quezon, Philippines: Claretian Publications, 2014), tr. xvi.
[6] Bài viết dùng các thuật ngữ Giáo hội là để chỉ Giáo hội Công giáo.
[7] Tài liệu quan trọng trong việc hướng dẫn thực hành đạo đức xã hội đã được Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm hóa cũng như Bộ Giáo lý Đức Tin của Tòa thánh Vatican chuẩn nhận, x. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ÁO, Docat: Phải làm gì?, dịch bởi ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN HĐGMVN (Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2017), số 263-267.
[8] Bốn giá trị đạo đức xã hội truyền thống là Nhân vị, Công bình, Liên đới và Bổ trợ, x. HĐGM Áo, Docat, s. 84.
[9] Bởi lẽ, khi được hỏi có thể hầu hết mọi người đều xem việc xả rác bừa bãi là xấu, và họ cũng vẫn luôn cố gắng giữ cho nơi ở riêng của mình sạch sẽ, tuy nhiên họ lại không áy náy gì khi xả rác ra những nơi công cộng.
[10] Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hóa Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1999), tr. 22-24.
[11] Trần Ngọc Thêm, sdd, 101.
[12] X. Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường (Dấn thân, 2000), tr. 157.
[13] X. http://www.lyrics.vn/lyrics/262-gia-tai-cua-me.html, truy cập ngày 21.11.2018.
[14] Nguyễn Thái Hợp, Giá trị…, tr. 164.
[15] Nguyễn Thái Hợp, Giá trị…, tr. 165-166.
[16] Henri-Jerome Gagay, Nhân học Kitô giáo, dịch bởi Nguyễn Tiến Dưng (ĐCV Vinh Thanh, 2017), tr. 257.
[17] Nhiều tác giả, Chuyện thời bao cấp, tập 1 (Hà Nội: Nxb Thông Tấn, 2011), tr. 82.
[18] Nguyễn Thái Hợp, Giá trị…, tr. 92.
[19] Nhiều tác giả, sdd, tr. 31; cũng xem một chia sẻ trong https://www.dkn.tv/van-hoa/co-mot-thoi-nhu-the-cai-doi-thoi-bao-cap.html, truy cập ngày 21.11.2018.
[20] Nguyễn Thái Hợp, Giá trị…, các trang 144, 148 và 167; cũng x. Nguyễn Đức Thành (chủ biên), Kinh tế Việt Nam 2008: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam của CEPR 2009 (Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2009), tr. 236.
[21] Nguyễn Đức Lộc (chủ biên), Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 1): Tình cảnh sống của người công nhân – thân phận, rủi ro và chiến lược sống (Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2016), tr. 19.
[22] HĐGM Việt Nam, Hướng dẫn tổng quát việc dạy Giáo lý tại Việt Nam (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017), tr. 7.
[23] HĐGM Việt Nam, sdd, tr. 9.
[24] Nguyễn Thái Hợp, Giá trị…, tr. 168, 214.
[25] Nguyễn Văn Dân, Con người và Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập (Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 2009), tr. 38.
[26] Nguyễn Văn Dân, sdd, tr. 47.
[27] HĐGM Việt Nam, sdd, tr. 10.
[28] Nguyễn Văn Dân, sdd, tr. 111.
[29] HĐGM Việt Nam, sdd, tr. 10.
[30] Nguyễn Thái Hợp, Giá trị…, tr. 176.
[31] Nguyễn Văn Dân, sdd, tr. 207.
[32] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Laudato Sí…, Chương 2: Tin Mừng về Sáng tạo, số 62-100 (viết tắt là LS 62-100).
[33] X. Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo (Nxb Đông Phương, 2013), tr. 21-31; cũng x. Richard P. McBrien, Catholicism: New Edition (NY: HarperCollins, 1994), 886-901.
[34] X. HĐGH về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, dịch bởi UB Bác ái Xã hội – HĐGMVN, (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2007), s. 196.
[35] X. Richard P. McBrien, sdd, tr. 908-910.
[36] X. Christina A. Astorga, sdd, tr. 172-174.
[37] Phần này được trình bày dựa theo các tài liệu: Tóm lược học thuyết Xã hội… (TLHTXH), số 192-196; Vatican, Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo (GLHTCG), dịch bởi UB Giáo lý Đức Tin – HĐGMVN (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012), số 1939-1942; Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn…, trang 163-183; và Docat…, số 100-103.
[38] Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn…, tr. 165-168.
[39] Phanxicô, Laudato Sí, số 217.
[40] X. John Paul II, Reconciliation and Penance, (Rome, 1984), số 18.
[41] Trần Khắc Bá, “Nhìn lại quan điểm của Giáo hội về bản chất con người trong Yếu lược giáo huấn của Giáo hội về Xã hội” in trong Hợp tuyển thần học, số 52 (tr.13-30), Bùi Quang Minh chủ biên, (Nxb Đồng Nai, 2018), tr. 16,19.
[42] Hướng dẫn tổng quát…, số 18-23.
[43] Wilhelm von Humboldt, “Tinh thần và cơ cấu tổ chức của các thể chế khoa học cao ở Berlin” (Bình Nguyễn & Nguyễn Xuân Xanh chuyển dịch) trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010), Trần Hoài Phương biên tập, (Hà Nội: NXB Tri thức, 2011), 194.
[44] Nguyễn Xuân Xanh, “Đại học. Lịch sử một ý tưởng” trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010), 76.
[45] X. Bùi Văn Nam Sơn, “Lý tưởng giáo dục Humboldt: Mô hình hay huyền thoại?”, trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010), 188.
[46] X. Cao Huy Thuần, “Humboldt 1810: Giữa hai tự do”, trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010), 150.
[47] X. Bùi Văn Nam Sơn, “Lý tưởng giáo dục Humboldt…”, 171.
[48] X. Nguyễn Xuân Xanh, “Đại học. Lịch sử một ý tưởng”, 79, 83, 195;
[49] X. https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-sai-gon-khong-phan-loai-rac-se-bi-phat-den-20-trieu-dong-3842695.html và https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-xa-rac-thai-nhua-ra-bien-nhieu-thu-4-the-gioi-3851924.html, truy cập ngày 10.12.2018.
[50] X. https://dantri.com.vn/moi-truong/chuyen-xe-tai-che-thay-doi-nhan-thuc-ve-rac-thai-dien-tu-20180706070301682.htm, và cũng xem một ví dụ, http://thoidai.com.vn/the-gioi/hoc-nguoi-nhat-ban-y-thuc-giu-ve-sinh-moi-truong_t114c6n91160, truy cập ngày 10.12.2018.
[51] Về các đòi hỏi của cải cách giáo dục ở Việt Nam, xin xem thêm trong Hoàng Tụy, “Ba vấn đề của đại học Việt Nam hiện nay” trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010), 491-496; và Đoàn Khảo sát Thực địa thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, Báo cáo – Đệ trình cho Quỹ Giáo dục Việt Nam, (8/2006), số 20: URL = <ome.vef.gov/download/Report_on_Undergrad_Educ_V.pdf >
[52] Cao Gia An, “Tìm hiểu về ơn gọi chính trị của Giáo hội” (tr. 49-78) in trong Hợp tuyển thần học, số 52, tr. 74.
[53] Trích lại từ Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn…, tr. 304.
[54] Trích lại từ Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn…, tr. 309.
[55] Trong khía cạnh này, mối quan tâm tới những người bên lề xã hội cần phải được đặc biệt chú trọng.
[56] Điều này cũng được đức Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh trong thông điệp về môi trường khi bàn về việc phát triển khoa học, cũng như mối tương tác giữa chính trị và kinh tế, x. Laudato Sí, số 189-201.
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Danh mục sách
Astorga, Christina A. Catholic Moral Theology & Social Ethics: A New Method. Quezon, Philippines: Claretian Publications, 2014.
Dân, Nguyễn Văn. Con người và Văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 2009.
Gagay, Henri-Jerome. Nhân học Kitô giáo. Dịch bởi Nguyễn Tiến Dưng. ĐCV Vinh Thanh, 2017.
HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo. Dịch bởi UB BÁC ÁI XÃ HỘI – HĐGMVN. Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2007.
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ÁO. Docat: Phải làm gì? Dịch bởi ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN HĐGMVN. Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2017.
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. Hướng dẫn tổng quát việc dạy Giáo lý tại Việt Nam. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017.
Hợp, Nguyễn Thái. Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường. Dấn thân, 2000.
Hợp, Nguyễn Thái. Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo. Nxb Đông Phương, 2013.
John Paul II. Reconciliation and Penance. Rome, 1984.
Lộc, Nguyễn Đức (chủ biên). Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 1): Tình cảnh sống của người công nhân – thân phận, rủi ro và chiến lược sống. Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2016.
McBrien, Richard P. Catholicism: New Edition. NY: HarperCollins, 1994.
Minh, Bùi Quang (chủ biên). Hợp tuyển thần học, số 52. Nxb Đồng Nai, 2018.
NHIỀU TÁC GIẢ. Chuyện thời bao cấp, tập 1. Hà Nội: Nxb Thông Tấn, 2011.
Phanxicô. Laudato Sí: Thông điêp về việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta. Dịch bởi Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam. Sài gòn, 2015.
Phương, Trần Hoài (biên tập). Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010). Hà Nội: NXB Tri thức, 2011.
Thêm, Trần Ngọc. Cơ sở Văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1999.
Thành, Nguyễn Đức (chủ biên). Kinh tế Việt Nam 2008: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam của CEPR 2009. Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2009.
VATICAN. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo. Dịch bởi UB GIÁO LÝ ĐỨC TIN – HĐGMVN. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012.
- Danh mục các bài viết điện tử
__. Chuyến xe tái chế thay đổi nhận thức về rác thải điện tử. Trong https://dantri.com.vn/moi-truong/chuyen-xe-tai-che-thay-doi-nhan-thuc-ve-rac-thai-dien-tu-20180706070301682.htm. Truy cập ngày 10.12.2018.
Anh, Yến (tổng hợp). Thiên tai, bão lũ hoành hành ở nước ta trong nhiều năm qua. Trong http://moitruong.net.vn/thien-tai-bao-lu-hoanh-hanh-o-nuoc-ta-trong-nhieu-nam-qua/. Truy cập ngày 30.09.2018.
BAN BIÊN TẬP CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ VTV1. Trong https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-06-11-2018-333364.htm. Từ phút 24:24 – 26:40. Truy cập ngày 21.11.2018.
Chính, Gia. Việt Nam xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới. Trong https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-xa-rac-thai-nhua-ra-bien-nhieu-thu-4-the-gioi-3851924.html. Truy cập ngày 10.12.2018.
ĐOÀN KHẢO SÁT THỰC ĐỊA THUỘC VIỆN HÀN LÂM QUỐC GIA HOA KỲ. Báo cáo – Đệ trình cho Quỹ Giáo dục Việt Nam (8/2006) số 20. Trong http://www.vef.gov/download/Report_on_Undergrad_Educ_V.pdf. Truy cập ngày 10.12.2018
Linh, Hà Phương. Có một thời như thế: Cái đói thời bao cấp. Trong https://www.dkn.tv/van-hoa/co-mot-thoi-nhu-the-cai-doi-thoi-bao-cap.html. Truy cập ngày 21.11.2018.
Mỹ, Nguyễn Văn. Người Việt hay xả rác, tại sao? Trong https://nld.com.vn/ban-doc/co-dam-dong-la-co-rac-20180220214426364.htm. Truy cập ngày 30.09.2018.
N.H. Học người Nhật Bản ý thức vệ sinh môi trường. Trong http://thoidai.com.vn/the-gioi/hoc-nguoi-nhat-ban-y-thuc-giu-ve-sinh-moi-truong_t114c6n91160. Truy cập ngày 10.12.2018.
Sơn, Trịnh Công. Gia tài của mẹ. Trong http://www.lyrics.vn/lyrics/262-gia-tai-cua-me.html. Truy cập ngày 21.11.2018.
Trang, Dương. Người Sài Gòn không phân loại rác sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng. Trong https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-sai-gon-khong-phan-loai-rac-se-bi-phat-den-20-trieu-dong-3842695.html. Truy cập ngày 10.12.2018.