Thấu cảm là một tiến trình trải lòng mình để sẵn sàng lắng nghe, hiểu và giúp đỡ tha nhân.

                                                                                    Môn học: Tư vấn mục vụ

Giáo sư: Nguyễn Đức Hạnh, S.J.

Học viên: Trần Vinh Danh, S.J.

Vết thương nội tâm cần được chữa lành một cách phù hợp, thấu cảm trong tư vấn mục vụ là một khí cụ hiệu quả cho việc chữa lành ấy. Tác giả bài viết lần lượt trình bày từ góc độ khoa học đến cái nhìn đức tin với những dẫn chứng rõ ràng trong Kinh Thánh về vấn đề này. Sự thấu cảm, khi được thực hành đúng đắn trong tư vấn mục vụ, là một lối ngỏ dẫn đến sự chữa lành sâu xa và tận căn hơn.

Dẫn nhập

Người Ki-tô hữu ước mong luôn “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tuy nhiên hành trình cuộc đời có nhiều niềm vui nhưng cũng luôn có sự đồng hành của thập giá. Bởi vậy con người rất cần nhau, cần đến sự thấu cảm để cùng giúp nhau sống sứ mạng làm người và làm con Thiên Chúa. Bài viết ngắn này tôi sẽ trình bày về vai trò của thấu cảm trong tư vấn mục vụ dựa trên nền tảng Thánh Kinh, cùng trình bày sự đồng cảm và vai trò của nó trong tư vấn mục vụ.

1.Thấu cảm (Empathy)

Thấu cảm, theo học giả Arthur P. Ciaramicoli, là khả năng thấu hiểu và đáp lại những kinh nghiệm cá vị của tha nhân; là khả năng đi vào và thấy con tim, tâm hồn của họ để có thể hiểu biết và cảm nhận những động lực, tâm tư tình cảm, cũng như phán đoán của họ. Đây là một tiến trình trải lòng mình để sẵn sàng lắng nghe, hiểu và giúp đỡ tha nhân.[1]

Bên cạnh đó, thấu cảm giúp ta có sự liên kết sâu xa với tha nhân và giúp hiểu biết về những niềm vui lẫn nỗi đau khổ của họ (cf. PE, p. 10). Khi có khoảng cách giữa ta với người khác thì chính sự thấu cảm là cầu nối kết ta lại với họ (cf. PE, p. 12). Bởi vậy, lòng thấu cảm yêu cầu ta có sự khao khát chân thành muốn lắng nghe và hiểu biết đích thực về tha nhân. Để làm được điều này cần có sự từ bỏ cái tôi của mình để hoàn toàn đi vào tâm tình, cảm nhận của tha nhân (cf. PE, p. 65). Ngoài ra, tác giả cuốn sách the Power of Empathy cũng chỉ ra rằng, để có khả năng đồng cảm, ta phải là người biết lắng nghe chính mình. Học lắng nghe chính mình cũng quan trọng như học lắng nghe tha nhân vậy (cf. PE, p. 74). Cách hành xử thấu cảm còn được thể hiện ở những đức tính như chân thành, khiêm tốn, đón nhận, hài hòa, biết ơn, tin tưởng, hy vọng và tha thứ, [2] và nó cũng đòi hỏi sự quân bình giữa nhận thức và cảm xúc, giữa chủ thể và khách thể. [3]

Như vậy, thấu cảm là hòa lòng mình với lòng người khác để nghe, cảm và hiểu thấu những gì diễn ra nơi họ để yêu thương giúp họ vượt qua những khó khăn trong đời sống.

2. Tư Vấn Mục Vụ

Tư vấn mục vụ có các tương quan qua lại giữa ba chủ thể là Thiên Chúa, nhà tư vấn và người được tư vấn (xem sơ đồ)[4] :

Sơ đồ giúp ta thấy nhà tư vấn phải là người có đức tin, tuân giữ các giá trị Ki-tô giáo, có tương quan thân thiết và liên lỷ với Thiên Chúa. Chính sự xác tín và lối sống này đem lại lời chứng nơi nhà tư vấn, đồng thời biểu lộ tư cách cũng như uy tín của họ. Họ được hướng dẫn bởi đức tin. Hơn nữa, nhà tư vấn giúp người được tư vấn theo tinh thần của Đức Giê-su, và phù hợp với huấn quyền của Giáo Hội. Nền tảng của tư vấn mục vụ dựa trên mối tương quan giúp đỡ nhau và nhờ Chúa Thánh Linh soi sáng, dẫn đường để đến với Đức Giê-su, Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Bởi vậy, tư vấn mục vụ khác với đồng hành thiêng liêng.[5]

3. Vai Trò của Thấu Cảm trong Tư Vấn Mục Vụ

    a. Vai Trò của Thấu Cảm Giúp Chữa Lành trong Kinh Thánh[6]

Sự thấu cảm có nguồn gốc thần học trong Kinh Thánh. Thật vậy, từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đồng hành với dân Israel khi nhiều lần Ngài phán “Ta sẽ ở với ngươi”. Ngài luôn đồng hành với các tổ phụ như Áp-ra-ham, I-sa-ac, Gia-cóp, Mô-sê để dẫn dắt dân theo đường lối của Ngài, nhất là đưa họ từ Ai-cập trở về đất hứa trên “cánh chim bằng” (Xh 19,4). Ngài ở với dân qua cột mây che nắng ban ngày, cột lửa soi sáng ban đêm và qua Hòm Bia Giao Ước.[7] Đến thời Tân Ước, Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Chúa Giê-su đã hiện diện với loài người, Ngài cũng có những tình bạn thân tình và đồng hành cùng họ trong cuộc sống. Như Ngài thường đến thăm gia đình chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-gia-rô; Ngài đồng hành với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng Gia-cóp, và với hai môn đệ trên đường Em-mau. Ngài sống thể hiện mạnh mẽ “lòng trắc ẩn”, “chạnh lòng thương” những kẻ đau khổ, bệnh tật, cô đơn và những người đã chết. Ngài luôn làm điều gì đó đem lại sự tốt lành cho họ “đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38). Ngài cũng dạy về luật sống yêu thương và Ngài đã làm gương bằng việc hy sinh mạng sống cho những người Ngài yêu.

   b. Mẫu gương thấu cảm nơi Chúa Giê-su

Người tư vấn mục vụ phải là người có con tim của Chúa Giê-su và thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Cho nên gương thấu cảm của Chúa Giê-su cụ thể nơi việc Ngài đồng hành với hai môn đệ Em-mau (Lc 24,13-35) rất quan trọng đối với người tư vấn mục vụ.

Trong câu chuyện, khi hai môn đệ Em-mau đã chán nản, buồn rầu và bỏ cuộc đi về quê. Chúa Giê-su “tiến đến gần và cùng đi với họ” (c. 15), để đồng cảm và chia sẻ với họ. Ngài chủ động đặt ra những câu hỏi, họ trả lời và Ngài hiểu họ thâm sâu hơn. Sau đó, Ngài dùng Kinh Thánh để giúp họ khám phá về Ngài về chân lý và giúp họ thay đổi nhận thức, rồi Ngài dùng hành động qua việc Bẻ Bánh để giúp họ ngộ ra Ngài đã phục sinh. Ngài đã thay đổi toàn bộ con người của hai môn đệ. Hai môn đệ được gia tăng tinh thần, hạnh phúc, thay đổi lối sống. Họ tiến về Giê-ru-sa-lem và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Như vậy, Chúa Giê-su với tấm lòng thấu cảm của người mục tử đã giúp biến đổi tận căn hai môn đệ của Ngài.

   c. Thấu Cảm trong Tư Vấn Mục Vụ Giúp Chữa Lành

Thấu cảm giúp người được tư vấn và nhà tư vấn cùng mở ra để trao đổi và lắng nghe nhau cách chân tình. Khi hai người biết tôn trọng nhau thì họ tạo nên những mối tương quan tự do và lành mạnh.[8] Đối với Carl R. Rogers, đức tính đầu tiên mà nhà trị liệu lý tưởng cần có là sự đồng cảm vì đây là bước đầu tiên đem lại thành công.[9]

Bên cạnh đó, thấu cảm giúp người được tư vấn mở ra để chia sẻ những khó khăn, những cảm xúc sâu xa của họ. Khi họ chấp nhận những cảm xúc đó thì họ tìm thấy những hướng giải quyết cho những khó khăn của họ. Và cũng nhờ sự trao đổi này mà nhà tư vấn có thể giúp họ chữa trị được bệnh tật.[10]

   d. Thấu Cảm Giúp Đem Lại Một Tiến Trình Chữa Lành Toàn Diện: Từ Khám Phá, Nhận Thức Đến Những Quyết Định.

Thật vậy, trong tác phẩm “Helping Skills in Practice: A Three-Stage Model[11]tác giả Clara E. Hill nói lên vai trò của thấu cảm trong ba giai đoạn để tiến tới chữa lành là khám phá, nhận thức và hành động.

Trước hết, vai trò thấu cảm trong giai đoạn khám phá là nhờ thấu cảm, người tư vấn hiện diện với lòng yêu thương trân trọng, và kiên nhẫn để thấu hiểu chiều sâu nơi tâm hồn và con tim của người được tư vấn để hiểu họ cách đúng đắn và sâu xa. Điều này làm cho người được tư vấn cảm nhận rằng họ được tôn trọng, cảm thông, đón nhận và họ sẽ không còn tự vệ nữa, nhưng dễ mở lòng để chia sẻ những cảm nhận, cảm xúc của họ, hay nói về câu chuyện cuộc đời họ cho nhà tư vấn nghe. Nhờ đó, họ được giúp để khám phá ra những suy nghĩ, cảm xúc, các hành vi, tức là khám phá chính con người họ. Qua sự cộng tác này, nhà tư vấn khám phá ra được đâu là vấn đề chính của người được tư vấn để giúp họ chữa lành.

Kế đến, tác giả Clara E. Hill nói đến vai trò thấu cảm trong giai đoạn nhận thức. Nhờ thấu cảm và phương pháp phân tâm, nhà tư vấn tiếp tục giúp người được tư vấn nhận thức rõ hơn những suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi của họ. Bởi vì nguyên nhân chính gây ra sự xáo trộn, tật bệnh trong đời sống thường do một kinh nghiệm đau thương nào đó. Khi cảm nhận được sự đồng cảm yêu thương và tôn trọng của người tư vấn, người được tư vấn nhận ra và chấp nhận những khuyết điểm của mình. Người tư vấn cùng tham gia vào tiến trình phân tích và phác họa nhận thức mới giúp người được tư vấn đón nhận những suy nghĩ mới, những chân lý mới và dám đưa ra những quyết định theo tự do của họ. Nhờ những giúp đỡ này mà họ thay đổi lối nhìn, lối nghĩ và thay đổi lối sống.

Từ việc khám phá, thay đổi nhận thức, người được tư vấn tiếp tục được giúp đỡ để điều chỉnh các hành vi và dám đưa ra những quyết định đúng đắn. Điều này ban đầu không dễ dàng, nên họ cần được sự động viên và tiếp tục được đồng hành. Vì thế vai trò của thấu cảm nơi người tư vấn là vô cùng quan trọng trong suốt tiến trình chữa lành và phát triển toàn diện đối với người được tư vấn.

   e. Sự Thấu Cảm Mang Lại Các Giá Trị trong Tư Vấn Mục Vụ

Tác giả Arthur P. Ciaramicoli cho rằng sự thấu cảm đem lại nhiều đức tính quý giá giúp cho nhà tư vấn mục vụ làm tốt công việc của họ. Thật vậy, thấu cảm gắn liền với lòng trung thực và đem lại sự khiêm nhường, đón nhận tha nhân và quan tâm đến họ, đặt nhu cầu của họ trên nhu cầu của mình (cf. PE, chapters 8-10). Ở chương 11, tác giả nhấn mạnh thêm một số vai trò của thấu cảm như thấu cảm đem lại lòng bao dung, lòng biết ơn, giúp xây những nhịp cầu để nối kết tương quan, để nhìn với đôi mắt và kinh nghiệm của tha nhân. Nhờ đó mà có được tình yêu hội nhất giữa hai bên. Tình yêu hội nhất chỉ có được khi có sự thấu cảm của hai bên và nó như chất dinh dưỡng cho mối tương quan giữa họ (cf. PE, chapter 11). Đặc biệt tác giả nhấn mạnh vai trò đem lại niềm tin của thấu cảm. Niềm tin hiểu theo nghĩa là lẽ sống, nhờ nó mà người được tư vấn có sức mạnh sống lành mạnh hơn. Nếu con người không tin rằng mình phải sống cho một điều gì đó, thì họ chưa thực sự sống, hay cuộc sống trở nên vô nghĩa đối với họ (cf. PE, chapter 15).

4. Kết Luận

Thấu cảm trong tư vấn mục vụ giúp nhà tư vấn, như một con người của Chúa và đầy ơn Chúa Thánh Linh, để hiện diện với, và thấu hiểu nội tâm của người được tư vấn, hầu giúp họ được biến đổi thực sự. Điều này đòi hỏi nhà tư vấn là người sống các giá trị Tin Mừng trước, để những gì họ làm đều trở thành một lời chứng cho Thiên Chúa và cho những gì họ rao giảng. Nơi họ cần có “Lời hóa thành thịt”, tức là Lời Chúa tái sinh họ và thánh hóa để họ trở thành muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (x. Mt 5,13-14). Họ là hiện thân của Chúa cho tha nhân. Thấu cảm giúp cho nhà tư vấn vượt qua các rào cản của văn hóa, khoảng cách, kinh nghiệm sống, để có được tình yêu đích thực với người được tư vấn. Nhờ tình yêu đích thực này sẽ giúp nối kết và một khi đã nối kết lại biến đổi tận gốc.

Tài liệu tham khảo

  • Arthur P. Ciaramicoli, (2000), “The Power of Empathy, New York, Dulton.
  • Hill, Clara E, (2004), Helping Skills: Facilitating Exploration, Insight and Action, Washington D.C: American Psychological Association.
  • Gerand Egan, (1990), “The Skilled Helper,California, Brooks/Cole.
  • Judith V. Jordan, Alexandra G. Kaplan, Jean Baker Miller, Irene P. Stiver, and Janet L. Surrey, Eds., (1991), Women’s Growth in Connection: Writings from the Stone Center, New York: Guilford.
  • Richard P. Vaughan, S.J., Tư Vấn Mục Vụ – Những Kỹ Năng Căn Bản.
  • Giu-se Phạm Quốc Văn, OP, Trên Đường Em-mau- Một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng.
  • Carl R. Rogers (1980), A Way of Being, Boston, Houghton Mifflin.

[1] cf. Arthur P. Ciaramicoli, The Power of Empathy, New York, Dulton, 2000, pp. 4.10. (từ nay về sau sẽ được trích như sau: (PE, pp, 4.10).

[2] x. Gerald Egan, “Empathy and Probing,” The Skilled Helper, 3rd. Ed. Monterey, California, Brooks/Cole, 1986, 95. (Những đức tính ngược lại với đồng cảm là: không trung thực, kiêu ngạo, không đón nhận, gian dối, cá nhân chủ nghĩa, ngạo mạn, không khoan dung, cầu toàn, thiếu suy nghĩ, vô ơn, chỉ trích, so sánh, cay đắng, hấp tấp vội vàng.)

[3] Judith V. Jordan, “Empathy and Self-Boundaries,” Judith V. Jordan, Alexandra G. Kaplan, Jean Baker Miller, Irene P. Stiver, and Janet L. Surrey, Eds., Women’s Growth in Connection: Writings from the Stone Center, New York: Guilford, 1991, 68-69.

[4] Sơ đồ được trích từ Giáo trình dạy trên lớp của cha Đa minh Nguyễn Đức Hạnh, S.J.

[5] cf. Richard P. Vaughan, S.J., Tư Vấn Mục Vụ – Những Kỹ Năng Căn Bản, pp. 22-23.

[6] Tham khảo sách: Lm. Giu-se Phạm Quốc Văn, OP, Trên Đường Em-mau- Một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng, pp. 35-59.

[7] cf. 2 Sm 6, 12b-15. 17-19.

[8] Eugene T. Gendlin, Focusing, New York, Battam, 1981, p. 147.

[9] Carl R. Rogers, “Empathic: An Unappreciated Way of Being,” Chapter 7, A Way of Being, Boston, Houghton Mifflin, 1980, pp. 137-163.

[10] Cf. Clara E. Hill and Karen M. O’Brien, Chapter 9, “Reflection of Feelings,” Helping Skills: Facilitating Exploration, Insight and Action, Washington, D.C., American Psychological Association, 2000, pp. 122-124.

[11] Hill, Clara E., Helping Skills: Facilitating Exploration, Insight and Action, Washington D.C: American Psychological Association, 2004, chapter 2