Jürgen Habermas (1929)
hình từ internet
Môn học: Triết cận-hiện đại
Giáo sư: Vũ Kim Chính, S.J.
Học viên: Lê Hoàng Nam, S.J.
Jürgen Habermas (1929), nhà triết học và xã hội học nổi tiếng người Đức, cũng là hậu duệ đời thứ hai của trường phái Frankfurt về Lý Thuyết Phê Phán. Học thuyết Hành Vi Tương Liên (The Theory of Communicative Action) của Habermas được đánh giá là điểm son trong những đóng góp ông dành cho nhân loại. Trong phần thứ hai của tác phẩm này, Habermas phân tích hai yếu tố nổi cộm của xã hội là thế giới cuộc sống (lifeworld) và hệ thống (system); đồng thời bàn luận đến việc chiếm dụng của hệ thống trên thế giới cuộc sống (the colonization of system on lifeworld) như là nguyên nhân của tất cả những bệnh lý (pathology) trong xã hội. Bài viết ngắn này là một nỗ lực muốn tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng của Habermas về việc chiếm dụng nói trên. Trước hết, người viết sẽ trình bày sơ lược tư tưởng của Habermas về hai khái niệm “thế giới cuộc sống” và “hệ thống”; sau đó, sẽ là nội dung, hậu quả cùng những giải pháp của việc chiếm dụng này; cuối cùng sẽ là đôi điều suy tư của người viết.
Dẫn nhập
Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) cùng những hậu quả mà nó để lại đích thực là một hồi chuông thức tỉnh con người về những hứa hẹn mà khoa học kỹ thuật và Chủ Nghĩa Ánh Sáng đã cam kết. Vũ trang, phân rẽ, tranh giành, ảo tưởng – chứ không phải hòa bình, tự do – đã trở nên tình trạng thường hằng của xã hội, áp chế xã hội ở mức độ tinh vi đến độ con người khó có thể nhận ra.
Jürgen Habermas (1929), nhà triết học và xã hội học nổi tiếng người Đức, cũng là hậu duệ đời thứ hai của trường phái Frankfurt về Lý Thuyết Phê Phán, không những đã thấy được hiện trạng này như các bậc tiền bối trước ông[1] mà còn đi xa hơn những gì họ đã làm. Học thuyết Hành Vi Tương Liên (The Theory of Communicative Action) của Habermas được đánh giá là điểm son trong những đóng góp ông dành cho nhân loại. Trong phần thứ hai của tác phẩm này, Habermas phân tích hai yếu tố nổi cộm của xã hội là thế giới cuộc sống (lifeworld) và hệ thống (system); đồng thời bàn luận đến việc chiếm dụng của hệ thống trên thế giới cuộc sống (the colonization of system on lifeworld) như là nguyên nhân của tất cả những bệnh lý (pathology) trong xã hội.
Bài viết ngắn này là một nỗ lực muốn tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng của Habermas về việc chiếm dụng nói trên. Trước hết, người viết sẽ trình bày sơ lược tư tưởng của Habermas về hai khái niệm “thế giới cuộc sống” và “hệ thống”; sau đó, sẽ là nội dung, hậu quả cùng những giải pháp của việc chiếm dụng này; cuối cùng sẽ là đôi điều suy tư của người viết.
- Thế giới cuộc sống (lifeworld) và hệ thống (system)
1.1. Thế giới cuộc sống
Thuật ngữ “thế giới cuộc sống”, (Lebenswelt trong tiếng Đức), được sử dụng lần đầu tiên trong Hiện Tượng Học của Edmund Husserl (1859-1938). Husserl đã dùng từ này để ám chỉ đến thế giới mà chủ thể nghiệm trải cách trực tiếp nơi cuộc sống hằng ngày, đối nghịch với thế giới khách quan của khoa học. Thế giới cuộc sống ở đây bao gồm những kinh nghiệm cá nhân, xã hội, nhận thức và thực tiễn[2].
Habermas sử dụng lại từ này với một nghĩa tương tự. Khi nói đến thế giới cuộc sống, ông muốn nhằm vào những lĩnh vực thông thường và không bị thị trường hóa (unmarketized) như gia đình, văn hóa, đời sống chính trị phi tổ chức, phương tiện thông tin truyền thông, các tổ chức tự nguyện v.v…[3] Nơi thế giới cuộc sống, con người gặp gỡ nhau với tư cách là những chủ thể nhờ mối thông giao hằng ngày (everyday communication), từ đó đi đến việc hiểu biết lẫn nhau và sự cộng thức (consensus).
Yếu tố quan trọng nhất làm nên thế giới cuộc sống chính là hành vi tương liên (communicative action), là hành vi diễn ra giữa ít nhất hai chủ thể; những chủ thể này không xem người khác chỉ như phương tiện cho mình, nhưng qua việc ngôn-hành đồng nhất (speech acts), họ đồng lòng với nhau và tìm lợi ích cho nhau. Habermas cho rằng việc tái sản xuất của thế giới cuộc sống được nuôi dưỡng bằng những đóng góp của hành vi tương liên, còn hành vi tương liên bắt nguồn từ những nguồn mạch của thế giới cuộc sống, nên chúng có tương quan rất gắn bó với nhau.[4]
Habermas chia thế giới cuộc sống thành ba yếu tố: văn hóa (culture), xã hội (society) và cá nhân tính (personality). Đối với Habermas, văn hóa là kho tri thức từ đó những ai tham gia vào hành vi tương liên rút tỉa được những giải thích giúp dẫn đến sự cộng thức khi người ấy đi đến một hiểu biết về điều gì đấy trong thế giới. Xã hội là những trật tự pháp lý từ đó những người tham gia vào hành vi tương liên được liên đới với nhau (trong các nhóm) khi họ tham gia vào những tương quan liên vị với người khác. Cá nhân tính là khả năng thảo luận (discourse) và hành động của chủ thể khi tham gia vào những tiến trình hiểu biết lẫn nhau trong một bối cảnh nhất định và vẫn duy trì được căn tính của riêng người ấy khi bối cảnh thay đổi.[5]
Nếu trong thế giới sống, con người cư xử với nhau bằng hành vi tương liên thì quá trình tái sản xuất văn hóa (cultural reproduction), hội nhất xã hội (social integration) và xã hội hóa cá nhân (socialization of member) sẽ được diễn ra cách tốt đẹp và đạt được những thành tựu của nó. Theo tuần tự, ba quá trình này dẫn đến những hiệu quả sau: phản tỉnh tính đối với văn hóa, giúp con người tự ý thức và đi đến những tri thức giá trị đích thực rút ra từ truyền thống; tổng quát hóa đối với các quy tắc trong xã hội, giúp các tương quan liên vị thêm thắt chặt và có trật tự; tương quan hóa cá nhân, giúp nhận ra căn tính cá nhân trong những tương tác của xã hội.[6]
Như thế, trong nhãn quan của Habermas, thế giới cuộc sống là một môi trường lý tưởng, nơi người này thấy mình được liên kết với người khác, làm nên liên chủ thể tính (intersubjectivity), nơi có sự hiểu biết lẫn nhau và sự cộng thức nhờ hành vi tương liên, trong đó thỏa đáng ba yêu cầu của những tuyên bố giá trị (validity claims) là đúng đắn (truth), hợp pháp (rightness) và thành thực (truthfulness).
1.2. Hệ thống:
Đối nghịch và đe dọa tình trạng tốt đẹp của thế giới cuộc sống là các hệ thống xã hội. Thực ra, các hệ thống cùng các thành phần của nó có nguồn gốc từ chính thế giới cuộc sống. Nhưng với sự phát triển của kinh tế thị trường và quản lý nhà nước – cùng sự trợ giúp của mặt trái của khoa học kỹ thuật – chúng có xu hướng lớn mạnh lên và tách ra khỏi thế giới cuộc sống.
Nếu như thế giới cuộc sống được đặc trưng bởi hành vi tương liên thì các hệ thống nổi bật nhờ hành vi chiến lược (strategic action). Loại hành vi này nảy sinh từ quan niệm quy chủ thể, xem mỗi cá nhân con người là trên hết. Từ đó, con người làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cho chính mình mà thiếu sự quan tâm đến những người chung quanh. Mối tương giao hàng ngày qua ngôn ngữ đã bị những ý hướng không ngay lành đục khoét. Từng lời họ nói ra tách khỏi những đòi buộc của validity claims, nghĩa là không còn xuất phát từ sự đúng đắn, hợp pháp và thành thực, nhưng cố gắng sử dụng ngôn ngữ cách lươn lẹo (manipulatedly) và xem người khác như phương tiện để hướng mọi lợi ích về mình. Hành vi ngôn-hành (speech acts) nơi họ trở nên bất nhất.
Có hai hệ thống phụ (subsystem) mà Habermas nói nhiều hơn cả là tiền (hệ quả của kinh tế thị trường) và quyền (hệ quả của quản lý nhà nước). Theo Habermas, đây là hai hệ thống phụ có sức tác động rất mạnh mẽ trong đời sống con người. Hai yếu tố chủ chốt này trở thành trung gian chi phối (steering medium) mọi mối tương quan trong xã hội hiện đại và làm cho nó bị phân mảnh. Đặc biệt, tác động của nó lên các phương tiện thông tin đại chúng khiến cho việc sử dụng ngôn ngữ không còn là những tuyên bố đúng đắn là bao.[7]
2. Sự chiếm dụng (colonization) – định nghĩa, hậu quả và giải pháp
2.1. Định nghĩa
Sự lớn mạnh của các hệ thống chính là mặt trái của tiến trình lý tính hóa xã hội. Đã đành lý tính hóa là cần thiết, nhưng khi nó phát triển đến một mức độ thái quá, các hệ thống phụ trở nên tự đủ (self-sufficient) trong chính nó, phân chia nhiều hơn, thêm phức tạp và trở thành hiểm họa hàng đầu của những vấn nạn nan giải trong xã hội, trong đó có việc con người ngày càng xa cách nhau. Trước lực đẩy (force) của kinh tế, quyền lực và công cuộc lý tính hóa cách thái quá, Habermas thấy được sức phát triển ngày càng nhanh của các hệ thống, mỗi ngày mỗi thoát ra ngoài phạm vi của thế giới cuộc sống và tìm cách lấn át nó. Ông đã diễn tả tình trạng này bằng thuật ngữ: sự chiếm dụng của hệ thống trên thế giới cuộc sống.
Cụ thể hơn, Habermas cho rằng việc chiếm dụng sẽ xảy đến khi có một số điều kiện sau xảy ra: thứ nhất, các hình thức sống truyền thống bị phá bỏ; thứ hai, các vai trò trong xã hội bị phân mảnh đến một mức độ đủ nào đó; thứ ba, sự tha hóa trong lao động được tưởng thưởng bằng tiền và những trò giải trí; thứ tư, ước mơ và niềm hy vọng của con người bị tách khỏi phúc lợi và văn hóa của quốc gia.[8]
Thực ra, khác với các bậc tiền bối trước ông, Habermas không có cái nhìn quá thiếu thiện cảm về công cuộc lý tính hóa công cụ trong chính nó (instrumental rationality in itself – hiểu theo nghĩa trái nghịch với communicative rationality) nói chung và kinh tế tư bản nói riêng. Ông còn thừa nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của chúng trong việc hoàn thành các chức năng xã hội.[9] Để có thể tồn tại và phát triển trong trật tự, xã hội cần sự đóng góp của những cấu tố thuộc hệ thống (structures of system). Tuy nhiên, vấn đề mà Habermas lo ngại chính là sự lớn mạnh cách thái quá của hệ thống đến nỗi lấn át thế giới cuộc sống. Nguy hiểm của quá trình chiếm dụng là việc hệ thống và thế giới cuộc sống bị tách lìa (uncoupling), và gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội.
2.2. Hậu quả
Sự lấn át của hệ thống đã giới hạn tính tự do và cởi mở của việc truyền thông. Nó làm mất đi tính trong suốt (transparency) của ngôn ngữ và những tiềm năng (potencial) góp phần cho sự phát triển của các mối tương liên. Việc truyền thông đã bị chi phối bởi những chuẩn mực tha hóa của kỹ thuật công nghệ. Những người có tiền và quyền trong tay điều khiển các phương tiện thông tin đại chúng theo ý mình. Môi trường công (public sphere), nơi mà các cá nhân được mời gọi góp tiếng nói từ ý kiến và ý chí của mình trong những đối thoại công bằng và tự do, trở nên vô tác dụng. Tầng lớp chính trị chính thức (formal political sphere) hay những nhà cầm quyền lấy ý mình làm ý chung, làm ra những đạo luật đè nặng trên người khác và không còn đoái hoài gì đến tâm tư của tầng lớp chính trị không chính thức nữa (imformal political sphere).
Những mối bận tâm về lợi ích vật chất, hiệu quả và thành công của sản phẩm làm ra, mức tăng trưởng kinh tế dần dần thế chỗ cho những nhu cầu hội nhất của thế giới cuộc sống như các chuẩn mực luân lý, quy tắc xã hội, trưởng thành cá nhân trong cộng đồng. Người ta sẵn sàng phá bỏ – chứ không phải đổi mới – các khu dân cư lâu đời để xây dựng những khu mua sắm, những nhà máy công nghiệp. Tiếng nói của những người quan tâm đến ích chung bị bỏ quên, hay thậm chí còn bị đàn áp. Các cơ quan có thẩm quyền đã không làm hoặc làm rất ít để nâng cao đời sống hội nhất của con người, nhưng chỉ lo tập trung vào những lợi ích do tiền và quyền mang lại.[10]
Nói theo ngôn ngữ của Kant, con người dần dần trở thành phương tiện trong tay người khác, còn cùng đích của họ lại là những cấu tố của hệ thống (tiền và quyền). Con người tự mình làm mất đi tính linh thiêng (sacred) và siêu việt (transcendence) của mình. Họ trở nên bị vật hóa (reified) vì các tương quan liên vị trong xã hội đã bị đồng tiền hóa và quyền lực hóa.[11] Rốt cuộc, con người mất đi khả năng tự mình đưa ra những quyết định mang tính lý trí dựa trên việc tranh luận (argument) và thảo luận (discourse). Thực vậy, không những các hình thức tương liên của việc tái sản xuất văn hóa, hội nhất xã hội và xã hội hóa cá nhân bị các hình thức chiến lược của kinh tế và luật pháp chi phối mà cả những thảo luận mang tính phê bình (critical discourse) diễn ra trong tương giao hàng ngày cũng bị cắt xén. Hệ quả là sinh ra những “ý thức phân mảnh” (fragmented consciousness) không đủ sức để hội nhất những hiểu biết mang tính nhận thức, quy chuẩn và thẩm mỹ của thực tại theo một cách thức có tính phê bình.[12]
Habermas cũng đồng ý với nhận định của Niklas Luhmann (1927-1998) rằng chủ thể của hành vi giao tiếp đã bị thoái hóa (degenerate) trong hệ thống. Cấu trúc liên chủ thể đã sụp đổ; các hệ thống cá nhân và xã hội tự xây dựng cho mình một môi trường riêng. Thế giới cuộc sống, do bị chi phối bởi những hệ thống phụ, đã mất đi ý nghĩa của nó trong những phân mảnh của thế giới hiện đại.[13]
Hậu quả của việc chiếm dụng có thể được tóm lại như sau: thứ nhất, làm suy giảm việc hiểu biết lẫn nhau và những ý nghĩa chung của nhân loại; thứ hai, làm xói mòn các mối dây liên kết xã hội; thứ ba, con người cảm thấy mình bị tha hóa, cảm giác bất lực trong tương quan với người khác và thiếu đi cảm thức thuộc về; thứ bốn, nền luân lý bị suy đồi, con người không dám nhận trách nhiệm cho những hành vi của mình và cho những hiện trạng của xã hội; thứ năm, trật tự xã hội trở nên lỏng lẻo và bị phá vỡ.[14]
2.3. Giải pháp
Thay vì nói “công cuộc lý tính hóa phát triển thái quá”, ta có thể phát biểu rằng “công cuộc lý tính hóa đã phát triển chưa đủ mức, hay chưa phát triển cách đồng đều”. Lý tính hóa hệ thống đã vượt trội hơn lý tính hóa thế giới cuộc sống. Hay nói cách khác, việc tái sản xuất văn hóa truyền thống, việc hội nhất xã hội và xã hội hóa cá nhân trong thế giới cuộc sống đã không có sự cân bằng với những hành vi liên quan đến việc tái sản xuất kinh tế và vật chất, vốn rất cần thiết cho việc sinh tồn.
Dựa vào những gì vừa được phân tích ở trên, để có thể giảm thiểu tình trạng chiếm dụng này, trước hết, vì việc phát triển của nền kinh tế và chính trị là cần thiết nên không thể loại bỏ chúng được. Tuy nhiên, điều thiết yếu là phải kiểm soát được sự phát triển của chúng để chúng không vượt qua vòng kiểm tỏa của thế giới cuộc sống. Thứ đến, phải không ngừng nâng cao công cuộc lý tính hóa nơi hành vi tương liên, sao cho mức độ phát triển của thế giới cuộc sống và hệ thống được ngang bằng nhau, phải làm sao để ba quá trình tái sản xuất văn hóa, hội nhất xã hội và xã hội hóa cá nhân đạt được những hiệu quả của nó nhờ hành vi tương liên.
Để có thể đạt được điều này, Habermas chú trọng đến những hình thức thảo luận lý tính (rational discourse). Mọi người phải được tự do, bình đẳng tham gia vào những cuộc thảo luận chung; có quyền cởi mở và phát biểu những suy nghĩ và mong đợi của mình; có quyền chất vấn và được chất vấn bởi những người khác.[15] Ông gọi đó là “tình huống hành ngôn lý tưởng” (Ideal Speech Situation). Ngoài ra, Habermas cũng cho rằng lý tính hóa thế giới cuộc sống cần phải đạt được một mức độ trưởng thành nào đó trước khi tiền và quyền có thể được thể chế hóa trong đó.[16] Mặt khác, Habermas cũng kêu gọi mọi người tuân thủ những điều kiện của validity claims trong giao tiếp để có thể đi đến sự hiểu biết lẫn nhau và cộng thức. Ông cho rằng, đây là yếu tố mấu chốt giúp hàn gắn lại những phân mảnh mà việc chiếm dụng gây ra.[17]
Habermas còn cho rằng muốn xã hội phát triển thì những thúc bách của thế giới cuộc sống phải có thể đi vào trong những cơ cấu tự vận hành của các hệ thống chức năng (self-steering of functional systems). Điều này đòi hỏi tương quan giữa một bên là những môi trường công tự trị, tự tổ chức và bên kia là những lĩnh vực hành động vốn được điều khiển bởi tiền và quyền, hay nói cách khác: cần phải có một sự phân chia mới các quyền lực trong chiều kích hội nhất xã hội.[18]
3. Chút suy tư
Tư tưởng của Habermas về sự chiếm dụng có đôi nét tương đồng với các triết gia khác. Chẳng hạn như khái niệm “tình trạng thiếu đạo đức” (anomie) của Émile Durkheim (1858-1917). Trong tác phẩm Suicide (1897), Durkheim đã sử dụng từ ngữ này để diễn tả tình trạng lỏng lẻo của các ràng buộc xã hội giữa cá nhân và cộng đồng. Theo ông, tình trạng này nổi lên rộng rãi hơn từ sự bất tương đồng giữa các chuẩn mực cá nhân hay của nhóm với các chuẩn mực rộng lớn hơn của xã hội, hay nói cách khác, từ việc thiếu vắng một nền luân lý xã hội.[19] Karl Marx (1818-1883) thì sử dụng từ ngữ khác – tha hóa (alienation) – nhưng ý nghĩa cũng rất gần với Habermas. Trong Manuscripts of 1844, Marx đã diễn tả tha hóa như một tình trạng tách rời giữa vật và cái thuộc về vật ấy; đặc biệt, ông nói đến việc tha hóa xã hội của con người, khi họ tách bị tách ra khỏi những phương diện của “bản chất con người.”[20]
Cả Marx và Durkheim đều cố công mô tả một tình trạng chung của xã hội đương thời và vạch ra những bệnh lý mà xã hội đang mắc phải. Một trong những “cái mình là” mà Marx nói đến chính là cái “cộng đồng tính” nơi Durkheim. “Tách mình ra khỏi cộng đồng để tìm lợi ích cho mình” của Habermas cũng là “đánh mất chính mình” của Marx và hậu quả là thế giới cuộc sống bị tổn thương do “mất đi mối dây luân lý ràng buộc” của Durkheim. Trước tình cảnh đó, Durkheim đòi hỏi một giá trị luân lý khả dĩ nối kết mọi cá nhân. Marx thì đòi một cuộc cách mạng phá đổ. Còn Habermas thì tìm giải pháp nơi điều bình dị hơn: việc giao tiếp hằng ngày bằng hành vi tương liên. Giải pháp của Habermas tuy có phần lý tưởng nhưng điều đó rất cần thiết để nối lại làm một những phân mảnh đang phô bày nhan nhản trong xã hội thời nay.
Đối với các thế hệ trước, để xã hội được giải phóng, phải kháng cự lại trật tự vốn đang đè nặng trên con người, từ chối điều chỉnh cho phù hợp với thực tại xã hội đương thời. Habermas thì muốn xác định những điều kiện xã hội và thể chế vốn giúp thắt chặt sự tự trị: giải phóng có nghĩa là tạo ra những thể chế dân chủ thực sự khả dĩ rút ra được những hiểu quả tốt đẹp của chủ nghĩa tư và đi đến hòa hợp của phân mảnh khác nhau trong xã hội nhờ hành vi tương liên.[21]
Dù Habermas diễn giải học thuyết của mình bằng việc phân tích xã hội phương Tây, nhưng tư tưởng về sự chiếm dụng của ông có lẽ cũng đúng trong nhiều môi trường khác. Trong giáo dục, tương quan giữa giáo viên và học sinh đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi đồng tiền. Học sinh nào tặng quà cho giáo viên, đặc biệt là những quà có giá trị cao, thì được ưu ái hơn và điểm thi cũng cao hơn. Tương quan giữa các đồng nghiệp với nhau trong cơ quan cũng có phần bị đổ vỡ vì chữ “quyền”. Họ tranh giành nhau để được làm cấp lớn đến độ sẵn sàng hãm hại nhau bằng những thủ đoạn dối trá. Là một người tu sĩ, ý nguyện của tôi là lấy đức ái và phục vụ làm đầu, nhưng liệu tôi có thực sự dành cho những người nghèo cùng một nhiệt huyết và tình thương như tôi đã dành cho những người giàu, những người có thể cho đền trả cho tôi nhiều thứ? Sức ảnh hưởng của các hệ thống và nguy cơ bị tách ra khỏi thế giới cuộc sống vẫn hãy còn. Làm sao để mỗi ngày thêm thắt chặt các tương quan liên chủ thể qua hành vi giao tiếp hàng ngày sẽ luôn là một thách đố lớn cho con người.
Kết luận
Trải qua thời niên thiếu trong giai đoạn Thế Chiến thứ II đã hình thành nơi Habermas một cảm thức sâu sắc về sự tàn khốc của việc thế giới bị phân mảnh. Với Học Thuyết Về Hành Vi Tương Liên và cách cụ thể, khi nói về việc chiếm dụng của hệ thống trên thế giới cuộc sống, Habermas đã chứng tỏ một tầm nhìn rộng lớn và sâu sắc của mình về xã hội nói chung và về con người nói riêng. Nó diễn tả một nỗi băn khoăn trong ông về một xã hội tốt đẹp, nơi con người có thể đi đến sự hiểu biết lẫn nhau. Thoạt đầu, nghe có vẻ như những phân tích của ông đượm nét tiêu cực nhưng đích thị nó là hiện trạng thực của xã hội mà ông đã trực giác và kinh nghiệm được. Xã hội vẫn không ngừng phát triển, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày một tinh vi, hứa hẹn sẽ mang đến cho cuộc sống con người nhiều điều thú vị, nhưng đe dọa cho cuộc chiếm dụng vẫn còn. Học thuyết của ông quả thực đã góp phần không nhỏ cho sự hiệp nhất, công bằng, hòa bình, an lạc của thế giới như ước nguyện của bao người. Ít ra nó cũng thức tỉnh được những ai đang say ngủ trong những thành tựu của khoa học kỹ thuật.
[1] Max Horkheimer (1895-1973) và Theodor W. Adorno (1903-1969)
[2] x. http://www.britannica.com/EBchecked/topic/340330/life-world.
[3] x. FINLAYSON, JAMES GORDON, Habermas – A Very Short Introduction, New York, Oxford University Press, 2005, tr 51.
[4] x. OUTHWAITE, WILLIAM, The Habermas Reader, Cambridge, Polity Press, 1996, tr 345.
[5] x. OUTHWAITE, WILLIAM, sđd, tr 346 và HABERMAS, JÜRGEN, The Theory of Communicative Action, Volume Two: Lifeworld And System: A Critique of Functionalist Reason, translated by Thomas McCarthy, Boston, Beacon Press, 1989, tr 138 (TCA 2)
[6] x. OUTHWAITE, WILLIAM, sđd, tr 347 và TCA 2, tr 140.
[7] x. FINLAYSON, JAMES GORDON, Sđd, tr 53-54.
[8] x. TCA 2, tr 356.
[9] x. FINLAYSON, JAMES GORDON, Habermas – A Very Short Introduction, New York, Oxford University Press, 2005, tr 54-55.
[10] www.radpsynet.org/journal/vol1-2/Sloan.html
[11] x. OUTHWAITE, WILLIAM, Sđd, tr 353-355
[12] http://criticalhermeneutics.com/2011/03/colonization-of-the-lifeworld/
[13] x. OUTHWAITE, WILLIAM, Sđd, tr 354.
[14] x. FINLAYSON, JAMES GORDON, Sđd, tr 57.
[15] x. TCA 1, tr 87-88.
[16] x. OUTHWAITE, WILLIAM, Sđd, tr 355.
[17] x. OUTHWAITE, WILLIAM, Sđd, tr 118-132.
[18] x. OUTHWAITE, WILLIAM, Sđd, tr 362.
[19] http://en.wikipedia.org/wiki/Anomie
[20] http://en.wikipedia.org/wiki/Marx%27s_theory_of_alienation
[21] x. x. FINLAYSON, JAMES GORDON, Sđd, tr 15.