(Zeno vs. Epicurus)

Môn học: Triết học Thượng Cổ
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Trần Ngọc Huynh, S.J.

Ra đời trong một bối cảnh xã hội đầy biến động, hai trường phái Khắc Kỷ và Khoái Lạc chia sẻ cùng một lối tiếp cận hướng về hạnh phúc của từng cá nhân. Dẫu là phát triển học thuyết của mình theo các hướng khác nhau, xem ra hoàn toàn trái ngược, nhưng chính vì chia sẻ cùng một đích nhắm nên hai trường phái thực chất lại có những quan điểm rất gần nhau. Liệu có thể nói thuyết Khoái Lạc và Khắc Kỷ có chung một quan điểm nhưng chỉ nói bằng hai cách khác nhau được chăng? Nội dung bài viết này là một nỗ lực tìm hiểu điều đó.

 

Dẫn nhập

Theo dòng triết sử, có thể nói, triết học thời kỳ hậu Aristotle đã chứng kiến những ngã rẽ mới trong việc tìm hướng đi cho một nền triết lý vị nhân sinh. Trong thời kỳ này, vấn đề được đặt ra là, liệu con người có thể sống như con người và sống hạnh phúc không, nếu như nó cùng một lúc từ bỏ cả những lý luận của các triết thuyết lớn và cả những lời hứa, những quy định của các tôn giáo?[1] Chính việc đặt lại vấn đề về hạnh phúc đã dẫn tới những thay đổi lớn về mối quan tâm triết học. Hai trong số đó là trường phái Khắc Kỷ và trường phái Khoái Lạc.

Ra đời trong một bối cảnh xã hội đầy biến động, khi mà hệ thống chính trị và nhà nước đã có những thay đổi rất nhiều, hai trường phái trên chia sẻ cùng một lối tiếp cận hướng về hạnh phúc của từng cá nhân vốn là mối băn khoăn của con người thời đại trong bối cảnh xã hội đầy bất ổn và đầy hỗn tạp ấy. Dẫu là phát triển học thuyết của mình theo các hướng khác nhau, xem ra hoàn toàn trái ngược, nhưng chính vì chia sẻ cùng một đích nhắm và dựa trên chủ nghĩa duy vật nên hai trường phái thực chất lại có những quan điểm rất gần nhau. Vậy phải chăng có thể nói thuyết Khoái Lạc và Khắc Kỷ có chung một quan điểm nhưng chỉ nói bằng hai cách khác nhau?

Để xem xét tính chân xác trong nhận định, trước hết, chúng tôi nhận thấy cần phải làm rõ bối cảnh lịch sử xã hội trong thời kỳ này, vốn là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những yếu tố, những điều kiện làm sản sinh, và tác động tới hướng đi của hai trường phái. Thứ đến, chúng tôi sẽ cố gắng truy về những lý thuyết căn bản của hai trường phái theo phương pháp so sánh hầu đánh giá mức độ đúng đắn của nhận định trên. Theo đó, nội dung bài viết này sẽ bao gồm hai phần chính: bối cảnh và sự ra đời của phái Khắc Kỷ và Khoái Lạc (I), những kiến giải về vấn nạn con người và hạnh phúc theo phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc (II).

I. Bối cảnh và sự ra đời của phái Khắc Kỷ và Khoái Lạc

1. Bối cảnh Hy Lạp sau thời Aristotle

Trường phái Khắc Kỷ và chủ nghĩa Khoái Lạc ra đời trong giai đoạn mà xã hội Hy Lạp lúc này đang trải qua nhiều biến động và bất ổn. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Alexander Đại đế chinh phục vùng rộng lớn các dân quốc và xây dựng một đế chế hùng cường. Ông đã có ý định phổ cập nền văn hóa Hy Lạp vào toàn bộ đế quốc rộng lớn ấy. Nhưng không lâu sau, ông lại qua đời. Các tướng lãnh tranh đoạt và phân chia để quốc, từ đó hình thành các thành phố lớn. Nền văn hóa Hy Lạp cũng phần nào đó được truyền bá vào các thành phố này.[2]

Từ thời Alexander đại đế, dân Hy Lạp trở thành những người theo chủ nghĩa thế giới và là công dân của thế giới. Trong khi đó, quyền lực cai trị ngày càng củng cố hơn, nhưng cùng lúc lại trở nên xa lạ với những chủ đề cá nhân. Kết quả là, thiếu đi sự thu hút trong nền cộng hòa, vì những thời đại của thành phố Hy Lạp – tuyên bố là giờ đây đã quá xa quá khứ. Nhưng lý tưởng về người khôn ngoan vẫn có vị trí quan trọng trong tâm trí của mọi người. Mọi thành phố quan trọng sẵn sàng mở cửa đối với bất kỳ ai có thể truyền đạt cho họ một số điều nào đó.[3] Trong một bối cảnh văn hóa xã hội đầy biến động, con người thời đại đang mất phương hướng và nhu cầu rất lớn là tìm đường lối để đạt được hạnh phúc đích thực. Trong chiều hướng ấy, triết học suy tư và nỗ lực để nhắm tới những sự thay đổi trong bối cảnh mới, phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc nhấn mạnh tới hạnh phúc như là cùng đích của cuộc đời con người.

2. Sự ra đời của phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc

Phái Khoái Lạc được một triết gia sáng lập là Epicurus (341-270 BC) ở thành Samos, Athen. Ngày nay, chỉ còn lại một số rất ít những mảnh nháp từ những công trình Voluminous còn tồn tại. Tuy nhiên, Diogenes Laertius đã giữ lại bốn mươi đoạn trích về các học thuyết chính yếu của Epicurus, Letter to Menoeceus và Lucretius’ De rerum natura.

Nhiều người cho đến ngày hôm nay nghĩ về chủ nghĩa Khoái Lạc có phần tiêu cực khi cho rằng, trường phái này nhấn mạnh tới việc thỏa mãn nhu cầu bản năng của con người. Tuy nhiên, học thuyết này đề cập đến điều cốt yếu của cuộc sống là hạnh phúc. Thật vậy, trọng tâm giáo huấn của Epicurus là “hài lòng-sự khởi đầu và kết thúc của một cuộc sống của người hạnh phúc”. Hài lòng là tiêu chuẩn mà do đó mọi hành động đúng đắn và mọi điều thiện hảo phải được phán đoán.[4]

Về  chủ nghĩa Khắc Kỷ, người thành lập là Zeno thành Citium (336-264 B.C). Ông là một môn đệ của Crates thuộc phái Cynic. Những người theo Zeno được biết tới như những nhà Khắc Kỷ, một danh xưng rút ra từ hành lang các cột thật đẹp (stoa Poikilè) ở Athen nơi mà Zeno thuyết giảng. Ông là một nhà biện chứng đầy năng lực đã giảng giải một học thuyết về apatheia, tức là sự lãnh đạm trong ý hiểu về tự do khỏi những đam mê con người. Các nhà Khắc Kỷ nhìn nhận đời sống tốt lành có thể đạt được chỉ nhờ sự tự kỷ luật năng lượng và lý trí cùng với sự độc lập hoàn toàn đối với tài sản bên ngoài.[5]

II.Những kiến giải về vấn nạn con người và hạnh phúc theo phái Khắc Kỷ và phái Khoái Lạc

  1. Hạnh Phúc cá nhân là tiêu đích của học thuyết

Hai trường phái Khắc Kỷ và Khoái Lạc là hai trường phái mới nổi bật trong kỷ nguyên văn hóa Hy Lạp có những đích nhắm khác biệt so với giai đoạn trước. Thay vì nhấn mạnh tới Triết học thuần túy đi tìm sự khôn ngoan bằng hệ thống lý luận, họ nỗ lực bằng những cách khác nhau để ứng dụng triết học xét như một công cụ để đưa người ta đến hạnh phúc. Hai trường phái triết học mới này nhấn mạnh tới chiều kích cá nhân. Một cách nào đó, có thể nói, xuất phát từ một nhu cầu, bối cảnh và mối bận tâm, trường phái Khắc Kỷ và chủ nghĩa Khoái Lạc đều nhắm tới chủ đề hạnh phúc được giới hạn trong phạm vi cá nhân dẫu bằng hai cách nói khác nhau.Tác giả Richard Tarnas cho rằng, dẫu kế thừa nhiều từ nền văn hóa Hy Lạp trước đó, những trường phái mới này khác biệt chính yếu về nền đạo đức và sự thúc đẩy. Họ ít quan tâm hơn tới những vấn đề siêu hình, nhưng tập trung hơn vào con người, vào hệ thống niềm tin vững vàng và sự bình an bên trong khi đối diện với một môi trường đầy bất định và khủng hoảng.[6]

Chính trong cách tiếp cận này mà nhiều người cho rằng, hai trường phái này đều thao thức về một điều. Thậm chí, tác giả Dominique Folscheid còn cho rằng, nếu người ta liên kết chúng với nhau, bất chấp những trái ngược nhau từng điểm một, thì đó là vì chúng là những dạng khác nhau của cùng một chủ đề, vì chúng chấp nhận một cách giống nhau cái tuyệt đối, cái phi cá nhân và cái tự tạ. Với họ, triết học chỉ còn là một cách sống, một cách sống hạnh phúc. Phần lý luận của nó chỉ còn là một phương tiện. Epicurus từng tuyên bố “lời nói của nhà triết học là vô ích nếu nó không chữa khỏi được cái khổ của tâm hồn”, hay Sénèque nói “triết học dạy người ta làm mà không dạy người ta nói”[7]

  1. Nền tảng duy vật đối với vấn nạn vũ trụ luận, Thượng Đế và cái chết

Cả phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ đều hướng tới việc giải thoát con người khỏi những tác nhân gây đau khổ và bất hạnh trong cuộc sống. Truy về nguồn gốc của những lo sợ và bất an trong cuộc sống, cả hai trường phái đều nhìn nhận những tác động của tư tưởng về sức mạnh siêu nhiên – Thượng Đế. Do đó, để giải quyết vấn đề này, họ đặt nền tảng học thuyết của mình trên cơ sở duy vật. Cụ thể, họ giải phóng những nỗi bất hạnh của cuộc sống này bằng cách phủ nhận sự tồn tại của Thượng Đế xét như một năng lực tác động trực tiếp lên con người. Chính vì đặt nền tảng chung trong chủ nghĩa duy vật, họ nhắm tới việc giải quyết vấn đề về hạnh phúc của con người thời đại bằng một lối biện giải chung. Tuy nhiên, hai trường phái có những nét khác nhau vì giải thích sự tồn tại của vũ trụ và Thượng Đế dựa trên hai hệ thống triết học khác nhau thời trước.

Với chủ nghĩa Khoái Lạc, họ dựa trên lối nhìn của Leucippus và Democritus trước đó để giải thích về vũ trụ và bản chất thực sự của Thượng Đế.[8] Trước hết, Epicurus nhìn nhận thuyết nguyên tử của Democritus mà cho rằng, vũ trụ vật chất chỉ có nguyên tử và khoảng trống, ngoài ra không còn gì khác nữa. Về sự hình thành của mọi thứ trong vũ trụ, ông cho rằng sự va chạm ngẫu nhiên của các hạt nguyên tử rơi xuống qua không gian trống theo những cách khác nhau và tạo nên những vật khác nhau. Thêm vào đó,  vì rằng nguyên tử không thể hình thành từ hư vô hoặc tiêu đi thành hư vô nên nó bất hoại và tồn tại vĩnh viễn. Do vậy, tất cả vật thể vốn là sự kết hợp của các nguyên tử, đều phù du.[9] Với quan điểm này ông đã khẳng định quan điểm duy vật của mình, đồng thời khẳng định tính ngẫu nhiên trong việc hình thành vũ trụ. Trong khi với phái Khắc Kỷ, họ đưa ra nguyên lý là “theo tự nhiên” có nguồn vũ trụ từ trong một lối nhìn nhất nguyên và duy vật về con người và vũ trụ. Vũ trụ được sống động nhờ một linh hồn vũ trụ, Ngài là Độc Nhất, sự thông tuệ và khôn ngoan. Linh hồn này, Là Logos và Lý trí, tổ chức vũ trụ trong một trật tự hài hòa. Linh hồn ấy là ‘hạt giống – mang lý trí’; nó phát sinh trật tự, cái đẹp và sự thiện của vũ trụ. Nó là vật chất và chất liệu “lửa” thân thể tinh vi nhất; và nó có tính thông tuệ, ngọn lửa quan phòng, có tính nội tại trong mọi sự. Mỗi hữu thể của tự nhiên là một phần hay là bộ phận đặc trưng của thân thể cao cả và thần thiêng.[10]

Hai quan niệm về sự hình thành vũ trụ này là tiền đề để kéo theo lối giải thích khác nhau giữa hai trường phái về thái độ với Thượng Đế. Đối với Epicurus, trong bức thư gửi cho Menoeceus, ông cho rằng, “các vị Thần tồn tại, nhưng không phải là tín ngưỡng để chấp nhận những niềm tin chung về các vị thần ấy. Họ không quan tâm tới con người.” [11] Hay nói rộng hơn, nếu Thượng Đế hay các vị thần tồn tại, thì các ngài cũng phải là những hữu thể vật chất. Điều quan trọng trên hết, Thượng Đế không phải là nguồn mạch hay tạo hóa của sự vật nào cả, mà chính Ngài cũng là sản phẩm của một sự kiện tình cờ và vô mục đích.[12] Trong khi Thượng Đế mà phái Khắc Kỷ ám chỉ đó chính là linh hồn vũ trụ kể trên, Ngài toàn nhập vào tự nhiên và hoàn toàn vật chất. [13]

Từ lối nhìn về vũ trụ luận và Thượng Đế, hai trường phái đưa ra lối thực hành khác nhau, song cùng nhấn mạnh tới một điều không nên sợ Thượng Đế và kể cả cái chết cũng không đáng sợ. Với chủ nghĩa Khoái Lạc thì học thuyết bao hàm những vị thần tạo dựng và thuyết mục đích là không cần thiết. Các vị thần sống trong sự thanh bình tĩnh lặng. Thêm vào đó, thần thánh cũng chỉ được cấu tạo từ một chất rất tinh tế và các nguyên tử được kết hợp theo cách khác.[14] Do vậy, về những gì liên quan đến con người, thần thánh không hoạt động và “con người không có gì để hy vọng và không có gì để sợ hãi” thần thánh. Đối với con người, dường như thần thánh không hiện hữu.[15] Tương tự như thế, con người cần tách chính mình khỏi nỗi sợ cái chết và một cuộc sống sau cái chết vì cái chết đến, các nguyên tử của linh hồn bị tách lìa và phân bổ vào không gian. Ông còn cho rằng “bao lâu chúng ta tồn tại, cái chết không là gì với chúng ta; nhưng khi cái chết đến, chúng ta không tồn tại nữa.” Vì thế cái chết không là gì cả, và không gì phải sợ cả.[16] Epicurus tuyên bố những ai thực sự nắm được chân lý đó, tự thâm tâm họ thấy được giải thoát khỏi sự sợ hãi cái chết. Trong khi đó, điểm cốt lõi của triết học Khắc Kỷ là quan điểm cho rằng không thể có một uy quyền nào cao hơn lý trí. Vũ trụ được lý trí trình bày trước mắt chúng ta như một hữu thể, nghĩa là thế giới của tự nhiên, là tất cả thực tại có đó. Và Tự nhiên tự nó cũng bị chi phối bởi những nguyên lý khả tri dựa trên lý trí. [17] Từ quan điểm này, Aurelius, một triết gia Khắc Kỷ khác cho rằng, cái chết và sự bất hạnh của cuộc sống không là điều ác. Chúng thuận theo tự nhiên và không gì thuận theo tự nhiên lại có thể là xấu cả. Họ chấp nhận để lý trí điều khiển chính mình trong những điều này đề cao sự kiểm soát là có thể, tức là với khao khát, niềm tin và sự đáp trả đối với cách thức của tự nhiên. Đời sống con người thực sự được tạo nên khả dĩ nhờ sự phản tỉnh về những cách thức của Thượng Đế trong tự nhiên và bằng sự chấp nhận với ý muốn của Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh.[18]

  1. Đạo đức học

Đặt nền tảng trên chủ thuyết duy vật và quan niệm về Thượng Đế mang tính vật chất như vậy, nguyên lý dẫn tới hạnh phúc của phái Khắc Kỷ và chủ nghĩa Khoái Lạc cũng thay đổi nhiều so với thời trước. Chính vì hạnh phúc là cùng đích của cuộc đời, quan niệm về toàn thể thiên nhiên là vật chất, nên họ cho rằng, vấn đề hạnh phúc là phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân chứ không phải quyền lực từ trên cao chi phối. Do đó, trước những vấn nạn của cuộc đời và sự việc hiện tượng xảy ra trong đời sống, họ cho rằng, sự tự chủ là tâm điểm của đạo đức.

Với Epicurus, những khát vọng cần thiết là sức khỏe cho thể xác và bình an cho tâm hồn; nếu những điều này được thỏa mãn, đó là đủ cho một cuộc sống hạnh phúc. Sự hài lòng là điều thiện hảo lớn lao nhất. Tuy vậy, vẫn có một số sự hài lòng mang đến nỗi đau và trong việc chọn lựa, chúng ta phải suy xét kỹ về chúng. Hạnh phúc đích thực nhất không phải đến từ sự vui hưởng những thú vui thể xác nhưng là từ một cuộc sống đơn giản, giải thoát khỏi sự lo lắng, với sự hài lòng về những nhu cầu thể lý bình thường. Người khôn ngoan là người có thể hạnh phúc từ một điều gì nhỏ bé. Khôn ngoan phải là điều hướng dẫn đời sống của chúng ta.[19] Trong khi đó, thực hành đạo đức của các nhà Khắc Kỷ thì ngược lại với chủ nghĩa Khoái Lạc ở chỗ, họ nhấn mạnh nhiều hơn tới sự nỗ lực hay “căng mình lên” cần thiết nếu ai đó phải sống cách lý trí và đức hạnh, hòa hợp với trật tự được thiết đặt cách thiêng liêng của vũ trụ.[20] Do đó, những người chọn triết học Khắc Kỷ thường có khả năng chịu đựng những nỗi thăng trầm của cuộc đời với tất cả sự điểm tĩnh và phẩm cách lớn lao. [21]

Epicurus còn cho rằng những sự hài lòng có thể là: mang tính tự nhiên và cần thiết, tự nhiên và không cần thiết, hay không tự nhiên cũng chẳng cần thiết. Loại cuối cùng của sự hài lòng là cần phải tránh, và yếu tố đầu tiên phải được làm thành đối tượng chính yếu và mục tiêu của cuộc sống con người. [22] Ông nhìn nhận sự tiết độ chính là đức hạnh của nhà hiền triết, vì nó cho phép đạt tới sự bình thản (ataraxie), không bị bối rối, tức là cái chìa khóa của hạnh phúc.[23] Ông còn đưa ra một châm ngôn giúp tóm tắt sự phân biệt các ước muốn: “cảm tạ thiên nhiên toàn phúc đã làm cho những điều cần thiết trở nên dễ đạt tới và làm cho những điều khó trở nên không cần thiết”.[24] Do vậy, để duy trì sự bình an trong tâm trí, Epicurus đưa ra hai phương tiện. Trước hết, vun trồng các nhân đức, và cách đặc biệt là nhân đức khôn ngoan; thứ đến, là nghiên cứu triết học. Con người của sự khôn ngoan sẽ tập làm quen với những gì đơn giản hơn trong cuộc sống. Cuộc sống được tạo nên sự hài lòng nhờ sự chiêm niệm nhẹ nhàng và bởi việc nghiên cứu triết học.[25] Ông khuyến khích con người xa lánh chốn thị phi mà rút vào ở những nơi giúp thư thái, nơi những người có cùng khuynh hướng.[26] Trong khi đó, một nhà Khắc Kỷ khác là Lucius Annaeus Seneca (5-65) cho rằng, việc sử dụng xét mình hàng ngày và chế ngự những đam mê là một con người cứu độ khỏi những sự ác nói chung của thời đại. Với Epictetus, một triết gia Khắc Kỷ khác, đời sống tốt lành là một đời sống của sự an bình bên trong. Điều này đến từ việc hài hòa với tự nhiên, tức là với lý trí hay sự thật. Để đạt được một đời sống an bình nội tâm, con người phải làm chủ những khát khao của mình, thực hiện các nhiệm vụ, suy nghĩa cách cẩn thận và chính xác, quan tâm đến chính mình và thế giới. Các nhà Khắc Kỷ nhìn nhận đời sống tốt lành có thể đạt được chỉ nhờ sự tự kỷ luật năng lượng và lý trí cùng với sự độc lập hoàn toàn đối với tài sản bên ngoài. Về mặt thực hành, học thuyết này ngụ ý sự tuân theo bốn nhân đức trụ mang tính Khắc Kỷ: Khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ. Họ còn phân biệt sự khác nhau giữa người khôn ngoan và người ngu dốt là việc có nhận ra trật tự cần thiết và có chiều theo những thỏa mãn và ước vọng vô lý hay không.[27] Họ từng nhấn mạnh việc thuận theo tự nhiên: “Đừng tìm cách làm cho điều xảy đến xảy đến như bạn muốn, nhưng hãy muốn rằng điều xảy đến xảy đến như nó xảy đến và bạn sẽ được hạnh phúc.”[28] Sự hòa hợp với tự nhiên sẽ sinh ra hạnh phúc, vì nó thực hiện sự thống nhất giữa cuộc sống và cá nhân con người theo quy tắc của lý trí, mà quy tắc này tự nó cũng hòa hợp với tự nhiên. Theo nghĩa đó, con người hoàn tất tự nhiên. Đồng thời, họ kiên quyết giữ vững quan niệm của họ rằng con người có sự tự do chọn lựa thái độ của mình, nghĩa là bằng một hành vi ý chí, chúng ta có thể quyết định mình sẽ phản ứng thế nào trước các sự kiện.[29]

  1. Tương quan giữa cá nhân và xã hội

Sau cùng, khi nhắm tới hạnh phúc của mỗi cá nhân, trong tương quan đối với xã hội, hai trường phái có những thực hành khác nhau một cách rõ rệt. Với chủ nghĩa Khoái Lạc, họ đã hình thành một triết học mang tính cá nhân vì quan tâm chủ yếu không phải là xã hội nhưng là lạc thú cá nhân. Epicurus quan niệm rằng, hạnh phúc trong đời sống này có thể đạt được tốt nhất là qua sự rút lui khỏi thế giới của những vấn đề để vun xới một sự tồn tại bình lặng của sự hài lòng đơn giản trong cộng đồng những người bạn.[30] Thậm chí đời sống của nhà triết học cũng được coi là phương tiện để tránh đau khổ, chứ không phải một ảnh hưởng để tạo lập một xã hội tốt đẹp. Theo đó, Epicurus cố gắng tách mình ra khỏi sự ham muốn ăn uống xa hoa, ông cũng tìm cách gỡ mình ra khỏi những vướng mắc với người đồng loại, đặc biệt với các người nghèo, là hạng người có rất nhiều nhu cầu và vấn đề. Theo ông, đời sống tốt lành không phải ở trong việc phục vụ đồng loại, mà ở trong tình bè bạn dễ chịu và thích thú trong bầu không khí trí tuệ. Epicurus chỉ nhìn nhận một chức năng duy nhất của xã hội dân sự, đó là chức năng ngăn ngừa những kẻ có thể gây đau khổ cho các cá nhân.

Với các triết gia Khắc Kỷ, họ đã khai triển một khái niệm mạnh về chủ nghĩa thế giới đại đồng, ý niệm cho rằng mọi người đều là công dân của cùng một cộng đồng nhân loại. Bởi vì tất cả con người đều chia sẻ trong Logos thánh thiêng, nên tất cả đều là thành viên của một cộng đồng con người phổ quát, một đời sống huynh đệ của nhân loại vốn cấu thành nên Thành phố Thế giới, hay có tính Vũ trụ, và mỗi cá nhân được mời gọi để tham dự một cách chủ động vào những vấn đề của Thế giới và do đó thực thi bổn phận của mình đối với cộng đời to lớn này.[31] Như Cicero viết[32]:

 […] vì lý trí tồn tại cả trong con người và Thượng Đế, nên vật sở hữu chung đầu tiên của con người và Thượng Đế là lý trí. Nhưng ai có chung lý trí thì cũng có chung lý trí ngay thẳng. Và vì lý trí là qui luật, chúng ta phải tin rằng loài người cũng có chung qui luật với các thần linh. Hơn nữa, những ai có chung Qui luật thì cũng có chung Công lý, và những ai có chung những điều này thì phải được coi là thành viên của cùng một cộng đồng.

Kết luận

Ra đời gần như đồng thời (thế kỷ thứ IV-III tCN), trường phái Khắc Kỷ và Khoái Lạc chia sẻ với nhau nhiều đặc tính chung. Là hai trong số những trường phái triết học hậu Aristotle có tác động nhiều trên xã hội và dân chúng, cả hai đã nỗ lực giải quyết mối quan tâm nhất của thời đại: làm thế nào đạt được hạnh phúc trong cuộc sống vốn đầy nhiễu nhương. Xuất phát từ bối cảnh lịch sử và vấn nạn của thời đại như vậy, cùng với việc so sánh đối chiếu những học thuyết chính yếu, có thể khẳng định phái Khắc Kỷ và chủ nghĩa Khoái Lạc chia sẻ với nhau về cùng một chủ đề, tuy nhiên, cách thức thực hiện có thể nói có nhiều khác biệt.

Trước hết, chủ đề mà cả hai đều chia sẻ là hạnh phúc của cá nhân. Nền tảng để giải quyết mối trăn trở này là chủ nghĩa duy vật. Cả hai thực hiện vũ trụ luận của mình dựa trên học thuyết của những triết gia tiền Socrates qua đó giải thích hiện tượng Thượng Đế – vốn được coi là mối suy tư của con người về những tác động trong cuộc sống của họ.

Về sự hình thành vũ trụ và các sự vật, sự khác biệt giữa hai trường phái là rõ rệt. Dẫu trên nền tảng duy vật, các nhà Khắc Kỷ cho là do linh hồn vũ trụ, một bộ óc khôn ngoan và lý trí tài tình sắp đặt. Trong khi đó, chủ nghĩa Khoái Lạc nhìn nhận sự hình thành vũ trụ hoàn toàn ngẫu nhiên của các nguyên tử.

Với các nhà Khắc Kỷ, Thượng Đế có tồn tại và là một loại vật chất đặc biệt, là linh hồn của vũ trụ và toàn nhập vào toàn thể tự nhiên. Từ đó, con người sống hạnh phúc là hòa nhập với tự nhiên, chấp nhận mọi sự xảy ra với lòng thanh thản và bình an. Trong khi đó, các triết gia Khoái Lạc phần nào thừa nhận sự tồn tại của Thượng Đế nhưng phủ nhận hoàn toàn tác động của Thượng Đế trên cuộc sống con người. Vì thế con người không phải sợ hãi Thượng Đế vốn vẫn được cho là mối gây ra sự bất an cho con người.

Cùng từ nền tảng duy vật, phái Khắc Kỷ cũng nhìn nhận cái chết như hiện tượng tự nhiên, không xấu cũng chẳng tốt, vì thế không phải lo lắng về cái chết và sự sống đời sau. Trong khi các triết gia Khoái Lạc nhìn nhận cái chết cũng là một hiện tượng tự nhiên, là sự phân tán của các nguyên tử như việc nó tụ lại trước đó.

Về lãnh vực đạo đức học, chủ đề hạnh phúc của cá nhân là yếu tố cốt lõi của cả hai trường phái và có nhiều điểm rất giống nhau. Triết gia Khoái Lạc nhìn nhận sự hài lòng như là điều cốt yếu của cuộc sống, còn phái Khắc Kỷ nhìn nhận sự thanh thản của tâm hồn là điều đáng vươn tới. Cả hai đều nhìn nhận sự chọn lựa các yếu tố hài lòng và phương cách đạt tới sự bình an sâu xa trong tâm hồn dựa trên các nhân đức khôn ngoan và tiết độ, trung dung trong mọi sự. Thêm vào đó, cả hai trường phái khuyến khích con đường đạt tới những nhân đức trên bằng con đường chiêm niệm cuộc sống. Tuy vậy, trong mối tương quan với xã hội, các nhà Khắc Kỷ cổ võ một xã hội đại đồng, xây đắp tình liên đới với người khác trong tình huynh đệ là phương cách để toàn nhập trong Thượng Đế với tự nhiên, trong khi chủ nghĩa Khoái Lạc khuyên người ta xa lánh những chốn thị phi, tách biệt cốt để an toàn cho cá nhân, phớt lờ sự đóng góp với xã hội.

Với tất cả sự đối chiếu trên có thể khẳng định chủ nghĩa Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ nói về cùng một chủ đề trong mức độ đặt nền tảng và xây dựng học thuyết của mình, song vẫn còn nhiều điểm thực hành có sự khác biệt.

[1] x.Dominique Folscheid, Các triết thuyết lớn, trans by Huyền Giang, (Hà nội: NXB Thế giới, 1998), 29.

[2] x.Ignatius Yarza, History of Ancient Philosophy, Trans by Ceasar Santos (Manila: Sinag-Tala Publisher, 1994), 189.

[3] x.Ignatius Yarza, History of Ancient Philosophy, 190.

[4] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy (London: Geoffrey chapman, 1987), 81.

[5]x. Martin J.Walsh, A history of philosophy, 78-79.

[6] x.Richard Tarnas, The passion of the Western mind (New York: Ballantine Book,1993), 76.

[7]x. Dominique Folscheid, Các triết thuyết lớn, 30

[8] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 82.

[9] x.Bryan Magee, Câu chuyện triết học, trans by Huỳnh Phan Anh & Mai Sơn (NXB Thống Kê, 2003), 56-58.

[10] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 78-79.

[11] x.Forrest E. Baird và Walter Kaufann, Ancient Philosophy, 4th ed (New Jersey 07458, Upper Saddle Riverm Prentice Hall, 2003), 473.

[12] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy biên dịch (Hà Nội, NXB Lao Động, 2004), 101.

[13] x.Bryan Magee, Câu chuyện triết học, 59.

[14] x.Dominique Folscheid, Các triết thuyết lớn, 31.

[15] x.Bryan Magee, Câu chuyện triết học, 56-58.

[16] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 82.

[17] x.Bryan Magee, Câu chuyện triết học, 60.

[18] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 81.

[19] x.Forrest E. Baird và Walter Kaufann, Ancient Philosophy, 475-476.

[20] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 78.

[21] x.Bryan Magee, Câu chuyện triết học, 61.

[22] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 81.

[23] x.Dominique Folscheid, Các triết thuyết lớn, 33.

[24] Đậu Văn Hồng, Triết sử Tây Phương Thời Thượng Cổ (NXB Tôn Giáo, 2015),149. trích lại từ Lucrèce, De La nature, III, 31. 4.

[25] x.Martin J.Walsh, A history of philosophy, 82.

[26] x.Bryan Magee, Câu chuyện triết học, 57.

[27] Radoslav A. Tsanoff, The Great Philosophers, 2nd ed (New York, Evantston, London: Harper&Row, Publisher), 119.

[28] Đậu Văn Hồng, Triết sử Tây Phương Thời Thượng Cổ ,174. trích lại từ Épicure, Manuel, Les Stoiciens, 114.

[29] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và các Luận Đề, 101.

[30] x.Richard Tarnas, The passion of the Western mind, 77.

[31] x.Richard Tarnas, 76.

[32] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học và các Luận Đề, 102.