Trường Thần Học Thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam là nơi cha giáo Giuse Vũ Kim Chính, SJ gắn bó và thực thi sứ mạng hướng dẫn, truyền trao tri thức Triết – Thần cho nhiều thế hệ học viên suốt hơn 30 năm qua, từ năm 1991 đến nay.
Suốt hai tháng vừa qua, với chút sức lực như đang dần cạn, cha vẫn tận tụy đồng hành với các học viên. Chiều thứ Sáu ngày 13 tháng 10 năm 2023, khi đang hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho một học viên của trường, cha lịm dần đi, và 24 giờ sau đó, cha mãn phần dương thế, tiến về nhà Cha Vĩnh Cửu, để “Nhân-Thần” được tròn đầy “hội ngộ,” như lòng cha hằng ao ước.
Trong tâm tình biết ơn cha giáo Giuse, 17 giờ thứ Năm ngày 19 tháng 10 năm 2023, đại diện Ban Giám Hiệu Trường Thần Học Thánh Giuse Dòng Tên, quý giáo sư, quý bề trên đại diện các học viên ngoại trú, quý học viên nội trú, ngoại trú cùng quý cha quý thầy thuộc cộng đoàn Dòng Tên Hiển Linh, nơi cha chia sẻ đời sống Giêsu Hữu khoảng thời gian cuối đời vừa qua, đã quy tụ quanh linh cữu cha, cùng hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho cha.
Trong bài giảng lễ, khởi đi từ câu chuyện viên đại đội trưởng tốt lành đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho đứa đầy tớ ông yêu quý (Lc 7:1-10), cha chủ tế Giuse Bùi Quang Minh, SJ, Giám học khối Triết, rút ra ba hình ảnh mô tả những dấu tích vừa nhân bản vừa thiêng liêng có thể tương ứng với thái độ và lối sống của cha giáo Giuse. Ba hình ảnh ấy được gói ghém trong ba hạn từ: philanthropos, strategos và apostolos. Cha khai triển ba hạn từ như sau:
Philanthropos: một cuộc sống yêu mến con người
“Về vị đại đội trưởng dân ngoại này, những người Do Thái được sai đến gặp Chúa Giêsu đã nói về ông như là một philanthropos, một người yêu mến con người. Tuy không cùng chủng tộc nhưng vị sĩ quan Roma này đã sống tốt với những người khác, vượt qua biên giới văn hoá để xây dựng đời sống cho tha nhân, từ quyền lực và tình thương của mình. Đó là những vượt rào không những về văn hoá và tư duy mà còn cả những lao tác tri thức, những thực hành cụ thể để thăng tiến đồng loại… Philanthropos là người mang trong tim mình một tình yêu nhân bản, họ sẽ không ngại khó ngại khổ để ra khỏi cái thế giới nhỏ bé của mình, như rời bỏ một làng quê, một xứ sở để dám dấn mình cho những trải nghiệm văn hoá khác, cho dù khác biệt văn hoá ấy có lớn lao đến mấy như giữa Gia Kiệm và Innsbruck, giữa Việt Nam và Áo Quốc, giữa việc nghiên cứu Triết học Xã hội cho đến Thần học về Hội nhập Văn hoá, giữa việc trung thành với giảng đường và những chuyến đi mục vụ vùng cao … Một philanthropos là một Triết gia, bởi mang lấy thân phận Triết gia là mang lấy ơn gọi yêu mến con người, coi điều ấy như là lẽ sống của đời mình. Tình yêu ấy không phải là một cảm xúc suông nhưng nó luôn tìm cách để hơn nữa trong những cam đoan hiện sinh, như một lối sống hiền hoà và phục vụ của một người thầy, như một sự chỉ giáo khúc chiết, bền bỉ và kiên nhẫn với học trò, như sự làm việc không tìm nghỉ ngơi của một mục tử, với một cuộc dâng hiến dành cho Giáo hội và xã hội như một tu sĩ theo tinh thần hào hiệp của thánh Inhaxiô. Cha giáo Giuse đã là một điển hình theo kiểu philanthropos như vậy!”
Strategos: một người lãnh đạo với tầm nhìn
“Tình yêu ấy không là một cảm xúc suông, nó phải mang lấy những nhận thức và hành động thực tế. Sách Linh Thao nói cũng một điều tương tự: Tình yêu hệ ở việc làm hơn là lời nói. Vì thế, một philanthropos cũng đồng thời là một strategos. Một người biết biến tâm tình yêu mến của mình thành những thành tựu thực tế. Quả vậy, tình yêu dành cho con người mà vị đại đội trưởng này mang lấy đã giúp ông biết biến tình thương thành những hoạt động hữu ích và sinh hoa trái. Ông đặt mình đúng chỗ trong những mối quan hệ và sử dụng chúng cách đúng mực những quyền lực và quyền hạn: tôi tuy dưới quyền kẻ khác nhưng tôi cũng có những người thuộc quyền tôi… Đó là cách nói của người hiểu được mình trong thế giới của những quan hệ trách nhiệm.”
“Sự công chính của một nhà lãnh đạo không gì khác hơn là biến nhận thức đúng đắn của mình về năng lực và quyền lực trở thành những chỉ thị làm cho thế giới sống của những người can dự đến mình có trật tự và hiệu quả. Tầm nhìn ấy của một strategos là chính tư tưởng của ông, chắc chắn được cưu mang từ những hoàn cảnh nhưng được đúc kết thành phương tiện khai sáng cho người khác. Đó có thể là những quyển sách, những lập trường trong đó sự can đảm trí thức của họ được ta thấy như việc dám làm quen, suy tư và hoà giải giữa những dòng chảy Học thuyết và Ý thức hệ, từ cái bỏ ngỏ của vấn đề Liên Chủ Thể của Hussserl cho đến những cố gắng giải đáp mang màu sắc Xã hội học của Peter Berger hay Thomas Lukmann, từ Phê bình Tôn giáo theo kiểu Karl Marx đến Thần học Siêu nghiệm của Karl Rahner, từ đòi hỏi thông diễn của môi trường sống đến việc hội nhập văn hoá… Một strategos là một tri thức không theo kiểu tháp ngà, nhưng để cho những dao động của thế giới, của thời đại tác động vào mình dưới hình thái của đòi buộc về sự thật và tự do, hay theo cách nói của thánh Gioan: Thánh Thần là đấng làm cho khối óc và tư duy của một strategos vang lên những âm thanh huyền diệu, khôn tả của thời đại… Cha giáo Giuse đã là một điển hình của một strategos như vậy!”
Apostolos: người môn đệ được sai đi
“Nhưng dù muốn dù không, hình ảnh của một philanthropos hay một strategos đều không đủ để tải một cuộc đời đáng kính ấy. Trọng tâm của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe không phải là chuyện chữa lành một đầy tớ nhưng tôn vinh niềm tin của người chủ, viên sĩ quan Roma. Lời của ông thưa với Đức Giêsu đã đi vào thánh lễ hàng ngày của chúng ta: Lạy Chúa, con bất xứng nhưng con tin rằng Chúa sẽ đoái thương bước vào ngôi nhà của đời con. Đó là tâm tình của một apostolos, của người môn đệ sấp mình vì thấy mình tội lỗi và để cho Chúa bước vào đời mình như một cuộc chữa lành và một cuộc sai đi. Trở nên một apostolos, một người môn đệ được Chúa thương là trân quý sự thân mật của mối tương quan của mình với vị thầy Giêsu, nơi đó, cái yếu đuối, tội lỗi và bệnh tật của đời người môn đệ không còn là một sự xấu hổ hay tự ti nhưng hoá thành sự khiêm tốn và lời cầu nguyện. Người môn đệ, sau những hoạt động của mình như một người phục vụ tha nhân, như một philanthropos, sau khi dùng năng lực riêng của mình để xây đời người khác như một strategos, thì ưng thuận sống hạnh vận cao nhất của mình như một thụ tạo yếu ớt và bé bỏng trong vòng tay của Thầy chí thánh. Những run rẩy thân mình của chứng Parkinson, những rời rạc trong ngôn ngữ của bệnh mất trí nhớ tuổi gìa, những liêu xiêu của một thân thể bệnh tật, những mệt mỏi hay thở dồn của bệnh tim… không làm cho người môn đệ co lại, sợ hãi hay tiếc nuối. Trái lại, người môn đệ đã để cho sự thụ động và bất lực trong thân xác và tâm trí của mình lớn dần, đến độ ưng thuận rời bỏ cuộc sống mà không cần một đoạn kết với nhiều sự chuẩn bị… bởi người môn đệ ấy nếm trải sự xâm lấn càng lúc càng mãnh liệt của một điều tột đỉnh sắp xảy đến, hay nói trong ngôn ngữ của cha Karl Rahner mà cha giáo Giuse là thế hệ học trò cuối cùng, là một ‘sự lay động, một nỗi vui, dưới hình ảnh cái chết, một sự vén mở đầy ánh sáng của một mầu nhiệm mà ta gọi là Thiên Chúa.’”
“Philanthropos, Strategos, Apostolos – ba hình ảnh mà chúng ta đọc ra từ câu chuyện của người sĩ quan Roma từ Tin Mừng. Ba hình ảnh mà chúng ta muốn khắc hoạ để tưởng nhớ cha giáo Giuse. Trên những dấu tích ấy, chúng ta đọc được những kỷ niệm kép: của một nhân cách đẹp và hơn thế, của một lịch sử được ghi dấu bởi ân sủng của Thiên Chúa. Niềm tin vào sự hiệp thông của cộng đoàn các thánh nhân và niềm hy vọng về ngày cánh chung là lý do để tiếp nối tương quan giữa chúng ta với cha giáo Giuse. Nó được diễn tả bằng chính nỗ lực từng ngày học tập và suy tư, yêu mến và phục vụ của cộng đồng tri thức của chúng tan… là những chiêm niệm trong hoạt động mà khi sống như thế, chúng ta thấy mình là học trò của cha giáo Giuse vì chính cha đã sống như thế… với Đức Giêsu, vị thầy của tất cả chúng ta.”
Thánh Lễ diễn ra trong bầu khí thiêng liêng và ấm cúng, khi tâm tình yêu mến của các học trò dành cho người thầy đáng kính, như của lễ, như hương thơm ngào ngạt dâng trước tòa Thiên Chúa cầu nguyện cho cha giáo Giuse kính yêu.
Ban Đại Diện Sinh Viên SJJS