Môn học: Triết học Cổ Đại
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học Viên: Trần Hữu Trung, S.J.
Khi nhắc tới Socrates, người ta thường nhớ tới câu nói nổi tiếng của ông: “tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả.” Câu nói này cần được hiểu như thế nào? Liệu có phải ông thực sự không biết bất cứ điều gì? Hay còn có cách hiểu nào khác về câu nói đó? Bài viết là một nỗ lực làm sáng tỏ những thắc mắc vừa nêu.
Phải chăng có một người nào trên thế giới hiểu biết tri thức chắc chắn đến nỗi mà không một người có lý trí nào có thể nghi ngờ về họ không? Hay nói cách khác, họ là người biết tất cả mọi thứ. Ngược lại với cách suy nghĩ này, triết gia Socrates đã nói rằng, “tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả.” Vậy câu nói này có phải là ông đang thừa nhận rằng, mình chẳng biết điều gì cả theo nghĩa tuyệt đối như một người có vấn đề về não hay người điên chăng? Để hiểu đúng và sâu sắc câu nói này của Socrates, người viết sẽ nỗ lực để làm rõ câu nói này qua việc nhấn mạnh đến cái biết của Socrates có nghĩa gì? Nó giống hay khác với cái biết của con người nói chung, và tại sao ông lại nói tôi không biết gì cả, điều này có ẩn gì đằng sau đó?
Tuy nhiên, trước khi đi vào giải thích và bình luận chính câu nói này, người viết thiết nghĩ nên đi về nguồn gốc của câu nói qua cái nhìn sơ bộ về bối cảnh lúc bấy giờ, đặc biệt với khuôn mặt nổi bật là các nhà Ngụy biện. Tiếp đến, người viết sẽ đi vào phương pháp của ông, để có thể hiểu cặn kẽ hơn về câu nói, vì cũng chính phương pháp tiếp cận này đã làm cho ông luôn khao khát tìm kiếm chân lý. Cuối cùng là một nỗ lực để luận bàn về chính câu nói đó.
Trong tác phẩm Biện Hộ của Plato, Socrates đã kể lại một sự kiện như sau: khi Chaerephon hỏi vị thần ở thành Delphi xem thử có ai khôn ngoan hơn Socrates không và vị đồng cô ở đền đã trả lời rằng không có ai cả. Sau khi nghe lời sấm, ông tự nhủ, lời phán này muốn nói chi, mang ẩn nghĩa gì? Vì ông ý thức rằng ông chẳng mảy may có chút tri thức nào, vả lại vị thần không thể nào nói dối. Sau đó, ông đã quyết định đi đây đó để tìm hiểu ý nghĩa của lời phán này cho rõ ràng, ngọn ngành. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, tất cả những người nổi tiếng nhất đều là những người ngu dốt nhất. Những người ít khôn ngoan hơn lại là những người khôn ngoan hơn và tốt hơn. Từ đó ông kết luận rằng, nếu mình là người khôn ngoan nhất là bởi vì ông đã hiểu ra và thừa nhận sự dốt nát của mình.
- Bối cảnh lúc bấy giờ và một chút so sánh về học thuyết và lối sống giữa Socrates và các nhà Ngụy biện
Nhiều người Athens vẫn lầm tưởng Socrates là một nhà Ngụy biện, có thể một phần là do sự phân tích kỳ cùng của Socrates về mọi vấn đề và từng vấn đề, một thủ pháp mà các nhà Ngụy biện luôn sử dụng. Tuy nhiên, thực ra Socrates là một một trong những người phê bình phái ngụy biện tinh tế nhất. Tác giả Samuel Enoch Stumpf, trong tác phẩm “Lịch sử triết học và các luận đề”, đã cho thấy một vài điểm khác biệt rõ nét giữa các nhà Ngụy biện và Socrates như sau: các nhà Ngụy biện hoài nghi về khả năng con người có thể đạt tới tri thức đáng tin cậy, họ cho rằng, mọi tri thức của con người đều tương đối, các ý niệm và lý tưởng đạo đức cũng tương đối. Nhưng đối với Socrates, ông có một động cơ hoàn toàn khác. Ông say mê theo đuổi sự thật và nghĩ rằng việc tìm kiếm nền tảng cho tri thức chắc chắn và vững bền là sứ mạng của ông. Socrates dấn mình vào lý luận, vào “biện chứng pháp” không nhằm mục đích hủy diệt chân lý hay phát triển những kỹ năng thực dụng mà nhằm đạt tới những khái niệm sáng tạo về chân lý và cái thiện.[1]
Các nhà Ngụy biện chủ trương trước hết là dạy nghệ thuật tu từ và thu học phí cho việc giảng dạy của họ. Thật vậy, khi nghệ thuật thuyết phục nhằm mục đích theo đuổi chân lý, thì không có gì phải tranh cãi. Nhưng vì họ coi chân lý là một vấn đề tương đối, nên họ bị tố cáo là dạy các thanh niên cách đổi trắng thay đen để làm cho một trọng tội thành vô tội, bất công thành hợp pháp. Có thể thấy rằng, đạo đức bị giản lược thành quyền lực, một hệ quả logic tất yếu của chủ nghĩa cực đoan ngày càng gia tăng của các nhà Ngụy biện, dẫn họ tới một chủ nghĩa hư vô về chân lý và đạo đức. Socrates vạch ra những điểm mâu thuẫn trong logic của những nhà Ngụy biện và xây dựng lại một khái niệm về chân lý và cũng thiết lập một nền tảng vững chắc cho các phán đoán đạo đức.[2] Thật vậy, các nhà Ngụy biện tìm cách gây ảnh hưởng và đánh lừa những người khác bằng cách thuyết phục họ, nhưng Socrates lại muốn chính người đối thoại đạt tới được sự nhận thức chân chính bằng sự xác tín của mình. Theo tác giả Guy Maria Nguyễn Hồng Giáo: “chủ trương của phái ngụy biện xưa kia mà Socrates đã chống lại, nó hoàn toàn “phi triết lý”, bởi vì triết học dù mang tính “cá vị” vẫn là một nỗ lực thuần lý hướng về chân lý loại trừ các ảo ảnh, cái giả dối.”[3] Quả thế, phái Ngụy biện đã dập tắt nỗi khao khát của con người đi tìm chân lý khi khẳng định con người là thước đo của mọi sự. Trong khi đó, Socrates lại thắp lên cho con người khao khát cháy bỏng đi tìm chân lý bằng chính phương pháp truy vấn của mình.
- Phương pháp truy vấn của Socrates
Trong một nền văn hóa mà kiến thức được truyền đạt chủ yếu ngang qua các thầy dạy, họ mở các trường lớp để truyền đạt kiến thức về một lĩnh vực nào đó. Giờ đây, Socrates gần như đã làm đảo lộn với một thái độ hoàn toàn khác là tra hỏi để chính mỗi cá nhân tự sản sinh ra những điều hiểu biết, kiến thức. Đối với Socrates, kiến thức hay hiểu biết không phải là một khối mệnh đề hay công thức đã thành khuôn đâu vào đó để rồi người ta có thể mặc sức viết ra, truyền đạt, đem bán và cũng không phải là một đồ vật đã được chế tạo, những gì đã được tích lũy hẳn hoi. Vì tác phẩm Bữa Tiệc cho thấy rằng, ông chủ nhà Agathon đã nài nỉ Socrates đến bên cạnh mình để có thể nhờ chạm sát mà ông may ra được hưởng nhờ những khám phá khôn ngoan của Socrates. Nhưng Socrates đã trả lời, “Nếu như kiến thức là một cái gì đó đầy tràn hơn và do đó có thể chảy vào một cái gì đó hao vơi hơn thì quả là hạnh phúc biết mấy”. Qua đây, có thể thấy rằng, ông đã mang đến một quan niệm hoàn toàn đổi mới và mang tính cách mạng về nhận thức và hiểu biết.[4]
Theo tác giả Đậu Văn Hồng, khi Socrates nói tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả, “có nghĩa là ông từ chối quan niệm cổ truyền về kiến thức và hiểu biết. Do đó, phương pháp triết học của ông sẽ không nhắm truyền đạt kiến thức nhưng là chất vấn các môn sinh, bởi lẽ ông không có gì là hiểu biết lý thuyết để có thể nói với họ và dạy cho họ.”[5] Qua đó, ông muốn đánh bật và làm rõ việc hiểu biết của người khác. Ông muốn họ ý thức được tình trạng vô tri và thiếu khôn ngoan của họ để giúp họ bung ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc và cố hữu đã ở trong họ bấy lâu nay. Hơn thế, việc chất vấn này cũng cung cấp một sự hiểu biết cơ bản, đảm bảo lớn hơn, rộng hơn về kinh nghiệm hằng ngày của con người, giúp đi từ những định nghĩa ít đầy đủ sang một định nghĩa đầy đủ hơn.
Bí quyết trong nghệ thuật đối thoại của Socrates là ở chỗ ông không bao giờ tỏ ra có ý hướng dẫn mọi người. Như vậy, thay vì thuyết giảng như một ông giáo sư truyền thống, ông thảo luận. Ông không chỉ giới hạn trong việc nghe người khác nói nhưng ông sẽ để người kia nhận ra những điểm yếu trong luận cứ của họ, và khi bị dồn vào chân tường, cuối cùng họ sẽ phải nhận ra cái gì đúng, cái gì sai. Công việc của Socrates làm cho mọi người nhận ra sự ngu dốt của mình và khuyến khích mọi người theo đuổi sự khôn ngoan. Hay nói cách khác, “tri thức có thể đến từ sự tương tác giữa các ý tưởng, sự vật để đi đến một sự hiểu biết sâu xa vượt ra khỏi những ấn tượng ban đầu… Ông khôn ngoan trong việc đặt ra những câu hỏi đúng hướng, để có thể vượt lên khỏi những ấn tượng ngẫu nhiên về một điều cụ thể nào đó để dẫn đến một sự hiểu sâu về ý nghĩa và luật phổ quát nào đó.”[6] Đây là một mối quan hệ tương tác bình đẳng, chẳng ai trên ai, tất cả cùng nhau để đi tìm chân lý, tri thức đích thực.
Cũng chính phương pháp này đã làm cho ông đi đến vụ án của chính mình, vì một khi vạch trần sự ngu dốt của những người đối thoại và khiến sự tin chắc của họ sụp đổ, sẽ làm cho họ nổi giận, thậm chí khiến họ lúng túng và cảm thấy bị lăng nhục, và những người trẻ tuổi tụ tập quanh Socrates hả hê thích thú khi thấy những bậc đàn anh của mình bị “nhốt vào rọ”. Nhưng thực tế, mục tiêu của Socrates không phải là muốn lăng nhục họ hay khiến họ lúng túng nhưng điều ông muốn là khám phá chân lý một cách vô tư qua sự thảo luận phân tích.
III. Luận bàn về câu nói: “Tôi chỉ biết một điều là tôi không biết gì cả”
Thật không dễ để hiểu về câu nói này của Socrates, liệu Socrates tuyên bố rằng mình không biết là có đúng hay không? Tại vì trong một số cuộc đối thoại, Socrates nói rằng mình biết (chẳng hạn như trong cuộc đối thoại với Euthydemus). Hơn thế, nếu ông biết, vậy điều ông biết đó là cái gì? Cái biết này có khác với cái biết của con người nói chung không? Mà nếu không biết thì cần phải hiểu không biết đó như thế nào?
Trước khi tìm hiểu cái biết và không biết của Socrates, thật hữu ích để hiểu rõ hơn về sự nhận thức của Socrates. Trong bài báo khoa học có tựa đề Socratess’s Conception Of Philosophy, tác giả Shigeru Yonezawa cho rằng có hai khả thể về tình trạng nhận thức của Socrates:
Thứ nhất, việc Socrates biết, điều này không thể được, vì ông đã từ chối việc mình biết về sự tiết độ trong tác phẩm Charmides hay biết được cái gì là “đẹp và tốt” trong Apology và nhiều điểm khác khi đề cập đến các nhân đức trong các cuộc đối thoại của ông (trạng thái 1).
Thứ hai, việc Socrates không biết lại chia làm hai nhánh. Đầu tiên, ông ấy nghĩ ông ấy biết trong khi ông ấy không biết: điều này cũng không thể, vì nếu Socrates nghĩ ông ấy biết, ông ấy sẽ không có nỗi sợ (việc ông suy xét chính mình liên lỉ là kết quả từ một nỗi sợ) vì đặc tính của tình trạng này được diễn tả như không có nỗi sợ (trạng thái 2a). Tiếp đến, ông ấy nghĩ ông ấy không biết và ông ấy thực sự không biết như trong tác phẩm Biện Hộ ông đã nhận thức (trạng thái 2b). Quả thế, ông nói rằng ông luôn suy xét mình hằng ngày vì nghĩ rằng, mình luôn có nguy cơ nơi vào trạng thái 2a. Vì thế, ông không ngừng suy xét chính mình để luôn ý thức sự ngu dốt của mình.
Thực sự đây là một mũi tên nhưng trúng hai đích, khi suy xét người đối thoại thì cùng lúc đó chính ông cũng suy xét về chính mình. Chẳng hạn, khi bàn về câu hỏi ‘Nhân đức là gì?’ Đầu tiên, mặc dù câu trả lời đến từ người đối thoại, nhưng Socrates có thể suy xét mình trong khi đề cập đến câu trả lời của người đối thoại. Tiếp đến, nếu ông không thể đưa ra câu trả lời thích đáng cho chính câu hỏi của mình, thì rõ ràng ông cũng đang chia sẻ cùng một sự ngu dốt như người đối thoại. Vì thế, khi suy xét và vén mở cho người khác thấy sự ngu dốt thì đồng thời cũng suy xét chính mình và không để mình rơi vào sự kiêu ngạo của tri thức (trạng thái 2a)[7]. Quả thế, nó đem đến lợi ích cho cả hai bên, người truy vấn và người trả lời câu hỏi. Qua đây, ông tự nhận mình không biết và không hề tưởng là mình biết. Một sự nhận thức đích thực về sự ngu dốt của mình và đây là một động thái tích cực để dẫn mình vào cuộc tìm kiếm đích thực. Quả thế, trong cuộc đối thoại với Meno, ông cũng đã thừa nhận rằng, “không phải vì tôi biết rõ câu trả lời mà tôi làm cho người khác hoang mang. Sự thật là tôi làm họ hoang mang bởi vì bản thân tôi cũng hoang mang.” Vậy Socrates không biết và thực sự ông ấy không biết.
Sau khi đã hiểu hơn về sự nhận thức của Socrates, giờ đây, thật cần thiết để đi vào cái biết của Socrate. Quả vậy, các tác giả Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith trong tác phẩm The Philosophy of Socratess Conception cho rằng, chúng ta cần phân biệt hai loại kiến thức (knowledge):[8]
Loại thứ nhất được gọi là tri thức đề xuất thông thường (“ordinary” propositional knowledge). Loại này cung cấp những thông tin cụ thể, thông thường. Về loại tri thức này, một vài nơi trong các cuộc đối thoại, ông Socrates và mọi người đều có. Chẳng hạn, trong cuộc đối thoại với Euthydemus, Socrates đã thừa nhận rằng, tôi biết nhiều điều tuy nó không quan trọng. Khi Euthydemus hỏi Socrates
“ông biết được điều gì?
Vâng, tôi biết nhiều điều, nhưng chẳng điều gì quan trọng.
Điều đó cũng được, anh ta nói. Ông có thừa nhận rằng cái gì cũng là cái nó là và đồng thời cũng không phải là cái nó là?
Không phải thế.
Ông đã chẳng nói rằng ngài có biết một cái gì đó?
Tôi có.
Nếu ông biết thì ông đang biết rồi còn gì.
Hẳn nhiên, về cái tri thức mà tôi có”[9]
Loại thứ hai được gọi là kiến thức chuyên môn, kiến thức người thủ công hay là sự khôn ngoan (expert knowledge, craft knowledge or wisdom). Kiến thức này không chỉ là việc biết làm (know-how) nhưng còn biết một điều gì đó là như thế nào và tại sao, cái biết về định nghĩa (knowledge of definitions). Về phần này, Socrates luôn thấy trong mình sự khắc khoải để biết, nhưng ông chẳng bao giờ đạt tới được. Quả thế, trong các tác phẩm của Plato, Socrates luôn cố gắng đặt ra những câu hỏi để tìm đến bản chất và định nghĩa tổng quát của vấn đề. Tuy nhiên, không thể thấy nơi nào, Socrates và người đối thoại thành công trong việc đạt được định nghĩa tổng quát đó. Chẳng hạn, trong cuộc đối thoại với Euthyphro, khi bàn về việc thế nào là đạo đức và vô đạo, Socrates muốn đi đến một ý tưởng tổng quát hay bản chất làm cho cái gì là vô đạo hay cái gì là đạo đức. Trong khi đó, Euthyphro chỉ có thể đưa ra những sự giải thích xung quanh nó, nói lên những thuộc tính của nó, chứ không giải thích được bản chất hay đi đến một định nghĩa rõ ràng. Và còn nhiều ví dụ khác nữa như: lòng dũng cảm trong Laches, sự tiết độ trong Charmides, công bằng trong Nền Cộng Hòa 1, nhân đức trong Meno. Nếu đi theo con đường này, chắc hẳn, không khó hiểu khi Socrates nói rằng mình không biết. Ông đã nhận ra rằng, ông không hiểu bất cứ điều gì một cách đầy đủ. Cũng thế, nếu theo kiểu truy vấn này, con người chỉ có thể tiếp cận được chân lý, mà không bao giờ có thể đạt tới được.
Trong tác phẩm Biện Hộ, Socrates nói rằng, mỗi khi tôi thuyết phục được ai là anh ta chẳng biết gì, người ta tưởng là tôi biết tất cả những gì anh ta không biết. Nhưng thực ra, tôi đâu biết nhiều hơn họ, “ông chỉ biết rằng không có sự hiểu biết tuyệt đối, và chính nhờ thiếu hụt đó mà lý trí của chúng ta còn rộng mở trước chân lý”[10]. Nếu đặt câu hỏi tại sao con người không thể hiểu biết hết được chân lý, câu trả lời có thể được đưa ra đó là nếu hiểu hết được chân lý thì chắc họ không còn là người mà đã là thượng đế. Họ cũng chẳng còn thao thức, khắc khoải để đi tìm chân lý nữa. Quả vậy, “con người chỉ có thể được gọi là philósophos (kẻ khao khát hiểu biết), chứ không phải là sophós (người hiểu biết), từ dành riêng cho thần thánh. Thành thử, hai thái độ tiêu biểu của philósophos là: tự biết mình không có hiểu biết, và vì vậy, đi tìm cái mình thiếu thốn.”[11]
Socrates đã thừa nhận việc không biết trong lĩnh vực đi đến ngọn nguồn của định nghĩa, vậy việc Socrates nói không biết, còn được hiểu một cách nào khác nữa không? Thật vậy, trong tác phẩm Biện Hộ, Socrates đã nói rằng “thưa quí vị người Athens, chỉ có Thượng đế là khôn ngoan; và qua lời sấm của ngài, ngài có ý cho thấy rằng sự khôn ngoan của con người có giá trị rất ít hay không có giá trị gì cả; ngài không nói về Socrates, ngài chỉ dùng tên của tôi để làm ví dụ, như thể ngài muốn nói, hỡi loài người, kẻ khôn ngoan nhất là kẻ, giống như Socrates, biết rằng sự khôn ngoan của mình thực sự chẳng có giá trị gì.” Qua điểm này, Socrates cho thấy rằng, sự khôn ngoan của con người chẳng là gì trước Thượng đế, việc không biết ở đây được hiểu như là một sự tự nhận về chính mình trước sự khôn ngoan của Thượng đế. Hơn nữa, theo Linh mục Nguyễn Hữu Thy, câu nói này trình bày về sự phát triển sự nhận thức của chính ông (Socrates) về việc vạch trần sự có vẻ hiểu biết băng qua việc ý thức được rằng mình thiếu hiểu biết và tiến tới sự minh triết, tức sự tri thức được sự thiện hảo và nếu đem so sánh với kho tàng tri thức vô tận của nhân loại mà người ta có thể đạt tới được, thì sự tri thức hay sự hiểu biết của tôi chẳng thấm thía vào đâu cả.[12] Chắc hẳn, khi ông đã cất công đi tìm kiếm sự hiểu biết, ông nhận thấy rằng, thật khó để hiểu hết được tri thức. Vì con người chỉ có thể giỏi ở một lĩnh vực nào đó mà thôi, và để hiểu biết rõ ngọn nguồn thì dường như cũng chẳng thể.
Quả thế, nếu nhìn ở một khía cạnh sâu hơn, dường như Socrates không chủ trương tìm kiếm kiến thức chỉ vì kiến thức nhưng đúng hơn đó là một sự hiểu biết về chính mình, từ đó dẫn đến một lối sống, một sự hiện hữu với sự suy xét và tra vấn liên lỉ, như ông đã lấy câu nói ở đền thờ Delphi “người ơi hãy tự biết mình” làm phương châm sống. Giờ đây, cuộc dấn thân vào triết học không còn phải đi tìm kiến thức, kỹ năng hùng biện để thuyết phục người khác như quan niệm của các nhà Ngụy biện nữa nhưng là một cuộc tra vấn liên lỉ về chính bản thân mình. Ông không chỉ nói mà còn sống với những gì mình hằng khắc khoải, tìm kiếm. Hay nói cách khác, ông đã “chiếm hữu” triết lý, nghĩa là đã biến nó thành thái độ sống cụ thể của mình. Quả thế, con người sống không chỉ là một sự tồn tại mà còn là biết cách hiện hữu như thế nào. Ông dám hy sinh cả cuộc đời để bảo vệ cho chính những gì mình nói, ông đã nói trong tác phẩm Biện Hộ rằng “tôi hoàn toàn khó nghèo để phục vụ Thượng đế”.
Câu nói của Socrates tuy khó hiểu nhưng quả là thâm thúy. Ông đã khôn ngoan trong việc lấy khuyết điểm, để bổ túc cho ưu điểm, lấy cái không biết để bổ túc cho cái biết. Hơn nữa, cuộc sống và phương pháp của ông là nguồn gợi hứng và đóng góp lớn cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục, nhiều người cho rằng họ biết rất nhiều điều, và họ muốn nhồi vào đầu người nghe những gì họ biết. Trong khi một số khác thì cố gắng cùng người đối thoại suy nghĩ tìm lời giải đáp. Tuy chẳng phải là sự phê phán điều nào là xấu là tốt, nhưng thiết nghĩ, sự đồng hành để tìm hiểu tri thức thì quả là một sự thiết yếu, vì tri thức phần lớn được sinh ra qua sự tương tác qua lại. Quả vậy, triết gia Kierkegard từng nhận định rằng “Làm thầy không phải là ban phát những khẳng định dứt khoát, hay các bài học… làm thầy thực ra là làm học trò. Sự dạy dỗ bắt đầu khi ông bạn, người thầy, học ở học trò, khi ông bạn đứng vào vị thế đã hiểu những gì và hiểu như thế nào của học trò… Học trò là cơ hội để người thầy tự tìm hiểu, đồng thời người thầy cũng là cơ hội để kẻ đi học tự hiểu mình”[13]. (S. A. Kierkegaard, trích dẫn bởi P. Hadot, Eloge de Socrate, tr. 29-30).
Phương pháp của ông đã trở nên nổi tiếng. Nó phơi bày sự ngu dốt của những người tưởng mình biết nhưng thực ra chẳng biết gì, và nó đánh thức nơi những người dự khán sự quan tâm tới một vấn đề triết học căn bản và khiến họ lao vào tranh luận về nó.[14] Quả thế, nó đã giúp con người biết kiểm tra một cách có phê phán sự hiểu biết của mình, để mình không bị rơi vào một thế giới mù quáng hay kiêu ngạo tri thức. Hơn nữa, ông mời gọi con người hãy nhìn cách sâu xa nơi con người mình, chứ đừng chỉ hời hợt nhìn những biểu hiện bên ngoài. Vì thế, trong mọi vấn đề cần suy xét đúng sai để đi đến chân lý chứ không chỉ để bảo vệ danh dự của mình để rồi đi theo những lý lẽ thiếu nhận định. Khi một trí óc, tâm trí thiếu sự phê bình sẽ dấn đến kết luận thiếu sự xem xét, cân nhắc. Không thể nghi ngờ Socrates có một ảnh hưởng lớn trong nhân loại nói chung và triết học nói riêng. Quả không quá đáng khi tuyên bố rằng, “bao lâu sự toàn vẹn tri thức và nhân cách còn là những lý tưởng thúc bách, thì diện mạo của Socrates vẫn luôn là sự hiện thân thích hợp của những lý tưởng ấy.”[15]
Tóm lại, câu nói của Socrates không phải hiểu một cách bình thường là ông không biết gì cả theo nghĩa tuyệt đối. Thực tế, ông đã có biết và chia sẻ sự hiểu biết chung với mọi người về những thông tin cụ thể, thông thường và tự nhận mình không biết về kiến thức theo định nghĩa phổ quát, sự khôn ngoan. Hơn nữa, ông thấy mình thật nhỏ bé so với tri thức nhân loại và chẳng đáng là gì so với sự khôn ngoan của Thượng đế. Ông khao khát chính mình và mọi người hãy luôn biết mình chẳng là gì để cuộc đời luôn là một hành trình tìm kiếm, khao khát sự khôn ngoan và chân lý.
Thư mục tham khảo
Benjamin Jowett & M.J Knight. Plato Chuyên Khảo. Translated by Lưu Văn Hy & Trí Tri. Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2008.
Giáo, Nguyễn Hồng. Triết học nhập môn. Đại chủng viện thánh Giu-se, 1996.
Honderich, Ted. Hành trình cùng Triết học. Translated by Lưu Văn Hy. Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin, 2002.
Hồng, Đậu Văn. Triết Sử Tây Phương Thời Thượng Cổ. HCM: NXB Tôn giáo, 2015.
Magee, Bryan. Câu Chuyện Triết Học. Hà Nội: NXB Thống kê, 2003.
Plato. Socratess Tự Biện. Translated by Nguyễn Văn Khoa. Hà Nội: NXB Tri thức, 2006.
Stumpf, Samuel Enoch. Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề. Hà Nội: NXB Lao động, 2004.
Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith. The Philosophy of Socratess Conception. the United States of America: West press, 2000.
Thy, Nguyễn Hữu. Những Tuyệt Tác Tiêu Biểu Trong Lịch Sử Triết Tây. 2010.
Tsanoff, Radoslav A. The Great Philosophers. 2nd. New York, Evanston, and London: Harper & Row, n.d.
Yonezawa, Shigeru. “British Journal for the History of Philosophy.” Socratess’s Conception Of Philosophy, 2004: 15-17.
[1] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, trans. Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, 5d ed. (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 35.
[2] X. Ibid. 31-35.
[3] Lm. Guy Maria Nguyễn Hồng Giáo, Triết học nhập môn (Đại chủng viện thánh Giu-se, 1996), 18.
[4] X. Đậu Văn Hồng, Triết sử Tây Phương Thời Thượng Cổ (HCM: NXB Tôn Giáo, 2015), 35-37.
[5] Đậu Văn Hồng, Triết sử Tây Phương Thời Thượng Cổ, 38.
[6] X. Radoslav A. Tsanoff, The Great Philosophers, 2d ed. (New York: Harper & Row), 37.
[7] X. Shigeru Yonezawa, “Socratess’s Conception Of Philosophy,” British Journal for the History of Philosophy 12 (2004): 15-17.
[8] X. Thomas C. Brickhouse and Nicholas D. Smith, The Philosophy of Socratess Conception (the United States of America: West press, 2000), 99-120.
[9] Benjamin Jowett and M.J.Knight, Plato Chuyên Khảo, trans. Lưu Văn Hy * Trí Tri (HN: NXB Văn hóa thông tin, 2008), 699.
[10] Tham khảo trên trang Web: http://tiasang.com.vn/-giao-duc/bai-7-di-san-cua-Socratess-5967 (accessed October 30.2017).
[11] Socratess Tự Biện, trans. Nguyễn Văn Khoa (Hà Nội: NXB Tri thức, 2006), 63.
[12] X. Lm Nguyễn Hữu Thy, Những Tuyệt Tác Tiêu Biểu Trong Lịch Sử Triết Tây, Trier 2010, 25-26.
[13] Tham khảo trên trang Web: http://tiasang.com.vn/-giao-duc/bai-4-socrates-469399-5947 (accessed October 30.2017).
[14] Bryan Magee, Câu Chuyện Triết Hoc, trans. Huỳnh Phan Anh, Mai Sơn (Hà Nội: NXB Thống kê, 2003), 25.
[15]Ted Honderich, Hành trình cùng Triết học, trans. Lưu Văn Hy (Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin, 2002), 1064.