Môn học: Triết học con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Nguyễn Văn Đương, S.J.
Tình mẹ tựa nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bao tác phẩm nghệ thuật. Tình mẹ ví thể sức mạnh giúp bao người con nỗ lực vươn tới thành công. Tình mẹ quả là tốt đẹp cao quý. Vậy, điều gì làm nên sự tốt đẹp và cao quý của tình mẹ? Liệu tình mẹ có thể luận bàn dưới nhãn quan triết học được không? Bài viết là một nỗ lực trả lời cho vấn nạn vừa nêu.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”
Hai câu thơ trong bài thơ “Con Cò” của Chế Lan Viên nói lên tình yêu vô bờ của những người mẹ. Mẹ không chỉ mang nặng đẻ đau, nhưng mẹ còn nuôi nấng và dạy dỗ con khôn lớn từ lúc con sơ sinh đến hết cuộc đời. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là không phải ai cũng năng suy gẫm và phản tỉnh về những giá trị cao quý ấy. Một lần đồng hành với sinh viên trong ngày Lễ Ra Trường, tôi muốn đề cập đến chủ đề đạo hiếu với hy vọng các bạn sẽ ý thức rằng thành công hôm nay các bạn có được là do công lao to lớn của cha mẹ. Thế nhưng, phần lớn các bạn cảm thấy ngại chia sẻ về đề tài này, bởi vì các bạn ít khi suy nghĩ và diễn tả tình cảm của các bạn về cha mẹ một cách trực tiếp, và dường như các bạn chưa có thói quen suy nghĩ về tình thương của cha mẹ. Do đó, thay vì đề cập đến đề tài “sống đạo hiếu đối với cha mẹ”, các bạn muốn chọn một chủ đề khác thay thế. Thái độ và lối hành xử của các bạn đã làm tôi phải suy nghĩ và phản tỉnh rất nhiều.
Nhìn lại kinh nghiệm cá vị, tôi nhận thấy mẹ đã đóng vai trò vừa là mẹ và mẹ vừa là bố thật tuyệt vời. Vì bố mất sớm và do điều kiện kinh tế còn hạn chế, mẹ thường phải rời xa gia đình, ra Hà Nội làm những công việc nặng nhọc, bất kể thời tiết và thời gian, để kiếm tiền, để tôi có cơ hội sống và học tập như bạn bè cùng trang lứa. Chính vì thế một câu hỏi luôn ẩn hiện trong tâm trí tôi: Tại sao mẹ luôn nỗ lực làm những điều tốt nhất đối với tôi như vậy? Sau khi học xong môn Triết học Con người, tôi đã có một chút suy tư sâu xa hơn về tình mẹ. Với ước mong tìm hiểu và tiếp tục phản tỉnh những động lực sâu xa ẩn dưới tình yêu vô bờ bến của mẹ; đồng thời, với khao khát giúp các bạn sinh viên suy gẫm và sống tốt tâm tình con thảo, tôi thực hiện đề tài – Tình mẹ dưới góc nhìn của Triết học Con người. Bài tiểu luận này sẽ được trình bày thành ba phần. Trước tiên, tôi sẽ đề cập đến con người theo nhãn quan triết học. Sau đó, dựa vào mối tương quan ấy, tôi chỉ ra mối tương quan biện chứng giữa những yếu tố hữu hình (material) và vô hình (immaterial) để xây dựng tình yêu cao quý nơi người mẹ. Cuối cùng, nhắm đến việc sống lòng biết ơn, tôi đề cập đến vấn đề đạo hiếu như một giá trị cốt lõi.
Bài tiểu luận này chủ yếu làm nổi bật những vẻ đẹp đáng trân trọng nơi người mẹ dưới góc nhìn Triết học Con người. Do giới hạn về thời gian lẫn dung lượng bài viết, tôi không có ý định trình bày những người mẹ đã đối xử tiêu cực với con cái, hoặc trình bày những vấn nạn của những người mẹ vì quá nuông chiều con cái nên đã dẫn đến những lối phản giáo dục… Tuy vậy, những thực trạng đáng buồn do người mẹ gây ra, tôi sẽ đề cập trong chừng mực có thể ở phần cuối.
I. Những khái niệm và thuật ngữ về con người trong Triết học Con người
Trong suốt chiều dài lịch sử, các vấn đề triết học về con người ở Phương Tây và Phương Đông vẫn là một đề tài tranh luận chưa dứt. Ngay cả việc chỉ ra một định nghĩa cụ thể về con người cũng chưa ngã ngũ. Theo Thánh Thomas Aquinas, “con người như một hữu thể cá vị (the individual) có bản chất tự nhiên lý trí (x. ST Ia Q.29).” Hữu thể cá vị này không bị phân chia trong chính nó và hiện hữu độc lập với các hữu thể khác.[1] Một hữu thể người sẽ trọn vẹn hơn khi nó thực hiện những gì có thể làm và chu toàn những gì được coi là bổn phận cần được chu toàn. Đó là tính lý trí mà mỗi người được phú bẩm ngay từ khi lọt lòng mẹ.
Lý trí, theo tôi, là khả năng giúp con người tìm hiểu, suy gẫm, ý thức, và đánh giá các sự kiện. Nhờ lý trí, con người có thể biết những gì nên làm và những gì nên tránh để làm chủ và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Như thế, bằng lý trí, con người có khả năng quy hướng đến chân lý và những gì thiện hảo. Để tìm kiếm chân lý và sống những gì thiện hảo, con người cũng có một khả năng đặc biệt khác – ý thức (một tiến trình tra vấn các biến cố giúp con người suy nghĩ, phản tỉnh và nhận thức mình đang suy nghĩ gì và hành động như thế nào trước, trong và sau các biến cố). Như vậy, nhờ kết hợp giữa lý trí và ý thức, con người sẽ biết hành xử như thế nào cho tốt đẹp.
Ngược dòng thời gian về thời cổ đại Trung Quốc, Mạnh Tử cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản thiện.” Nói cách khác, phàm là người, bản tính đầu tiên, vốn có là sự thiện hay tốt lành. Hiểu cụ thể hơn, “tính bản thiện” hệ tại ở việc sống chân thật, khoan dung, rộng lượng, hết lòng yêu thương và hành động vì nhân nghĩa một cách vô vị lợi. Ngày nay, một người được coi là sống “thiện” khi họ biết và thực hành những hành động nên làm, và tránh những hành động nên tránh. Dựa vào lý tính này, tôi trở về vấn đề tôi đã đặt ra: Tại sao mẹ thương con?
II. Những yếu tố hữu hình và vô hình làm nên tình yêu cao quý nơi người mẹ
1. Sinh học và Thể lý
Con cái là cốt nhục, là kết quả của tình yêu giữa cha và mẹ. Một tình yêu trao hiến để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Đối với cha mẹ, con cái là một quà tặng, một món quà vô cùng quý giá mà nếu chỉ có người nam hoặc chỉ có một người nữ thì món quà này không thể hình thành. Dầu vậy, để “món quà” này được thành hình, người mẹ đóng một vai trò đặc biệt. Theo sinh học, việc hình thành và cưu mang con từ lúc trứng được thụ tinh đến khi hình thai nhi là do “công lao” vô cùng to lớn của mẹ. Khi tinh trùng gặp trứng, một nhân tử của tinh trùng và của noãn hòa nhập (fusion) tạo thành một hợp tử, khởi đầu của một hữu thể người mới. Khoảng 30 giờ sau, hợp tử tạo thành phôi nang. Khoảng 6 ngày sau đó, phôi nang bám vào lớp thượng bì của nội mạc tử cung của mẹ, kín múc chất dinh dưỡng từ mẹ, theo thời gian hình thành thai nhi.[2] Trong suốt quá trình mang thai, cuộc sống của mẹ cũng là cuộc sống của thai nhi, và thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc sống của mẹ. Như thế, mỗi người mẹ phải đảm bảo sống khỏe mạnh cả về thể lý và tâm lý để nuôi dưỡng sự sống khỏe cho thai nhi. Việc nuôi dưỡng này chẳng hề dễ dàng, họ phải chịu nhiều nỗi vất vả trong ăn uống, thể lý và tâm lý như chán ăn, buồn nôn, đau nhức vai, khó thở và những trạng thái bất ổn tâm lý như hay tủi thân, lo lắng, trầm cảm, … Vì vậy, ngay từ đầu, tình mẫu tử đã được gắn kết bằng sợi dây huyết thống hay sợi dây sinh học – sự sống của con gắn liền với sự sống của mẹ; thân xác của con là thân thể, là máu mủ của mẹ. Sự gắn kết ấy chất chứa sự yêu thương ngọt ngào, chan chứa vô bờ, một tình yêu trao ban trọn vẹn.
2. Tình cảm
Mẹ thể hiện tình cảm hệ tại ở việc luôn chu toàn sứ mạng “trồng người” cách gần gũi và thân thiết. Thông thường, việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái là trách nhiệm chung của cha mẹ. Thế nhưng chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, thời gian ấy trở thành khoảng thời gian khởi đầu cho sợi dây tình cảm giữa mẹ và con được thể hiện và lớn dần. Bài hát “Nhật ký của mẹ” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung là một trong những minh chứng xác thực về tình cảm của mẹ đối với con từ khi mẹ mang thai, sinh nở, con tập nói, tập đi, đến trường, trưởng thành, có tình cảm với người khác giới và đi làm ăn. Ngoài ra, tục ngữ Việt Nam thể hiện sâu sắc tình mẹ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Mẹ là người chăm lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ. Mẹ thức khuya dậy sớm để chăm chút cho con những ngày con đau ốm hay mạnh khỏe. Những khi con sai, mẹ kiên nhẫn răn dạy, con vấp ngã mẹ dìu dắt con đứng lên… Vô hình chung, mẹ không chỉ là mẹ nhưng mẹ là “bảo mẫu”, “huấn luyện viên”, “bác sĩ tâm lý”, là chỗ dựa cho con… Như vậy, càng quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho con, tình cảm của mẹ dành cho con càng sâu đậm và lớn dần. Như thế, qua sự sinh sản, dưỡng dục, và chăm lo cho con, mẹ đã “vun trồng tình cảm” và tiếp tục “công trình sáng tạo” mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho mẹ.
3. Đạo đức
Con người, đặc biệt là mẹ, có thiên hướng đạo đức tốt. Chính Đấng Tạo Hóa đã phú bẩm cho mẹ thiên hướng này để mẹ chăm sóc con không chỉ vì bổn phận nhưng vì tính thiêng liêng, cao quý của tình mẫu tử. Theo Mạnh Tử, thiên hướng này được thể hiện ở hai mức độ – những thúc đẩy thực hiện lòng nhân từ bởi thấy những nỗi đau khổ hữu hình (visible distress) hoặc ít nhất bởi những nhu cầu mà con người thấy được, và một mức độ cao hơn, có hệ thống (systematic) bằng việc suy nghĩ chín chắn. Tất cả mọi người đều có cảm giác không chịu nổi trước đau đớn của người khác, bất kỳ ai nhìn thấy đứa trẻ chuẩn bị rơi xuống giếng, đều có cảm giác xót xa, chạy đến cứu nó như một sự tự phát hay một sự tinh tuyền của ý hướng. Một cấp độ cao hơn, một ông vua sẽ điều chỉnh chính sách thuế hợp lý và sẽ hỗ trợ thường dân bằng việc dự trữ lương thực từ những năm được mùa cho những năm mất mùa.[3] Khẳng định tình mẫu tử bao la, việc khó nào mẹ cũng gánh vác, đỡ đần cho con, “con đi mẹ cũng đi”, một tác giả khuyết danh Việt Nam đã viết bài ca dao:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi.
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”
Sự dịu hiền, lòng nhân hậu, đảm đang, bất khuất, hy sinh chăm lo cho con… luôn là những biểu hiện đạo đức tốt của mẹ. Những phẩm chất đạo đức này, Đấng Tạo Hóa đã dành riêng cho mẹ như một “bản tính thiện” càng ngày càng được tỏ lộ rõ nét theo thời gian mẹ chăm lo cho con. Hơn nữa, chu toàn việc dạy dỗ con cái, mẹ đang hoàn thành (fulfillment) “bản chất tự nhiên của lý trí”, hay “bản tính thiện” như Tử Tư – hậu duệ của Khổng Tử viết: “Chỉ có người chân thành tột đỉnh trong thiên hạ mới có thể phát huy hết bản tính của bản thân; có thể phát huy hết bản tính của bản thân, thì có thể phát huy hết bản tính của nhiều người; có thể phát huy hết bản tính của nhiều người, thì có thể phát huy hết bản tính của vạn vật; có thể phát huy hết bản tính của vạn vật, thì có thể giúp đất trời gây trồng sự sống.”[4] Như vậy, chăm lo cho con, mẹ trở thành một vai trò trung gian giữa con và muôn người.
4. Tâm lý
Xét ở khía cạnh tâm lý, nguyên nhân sâu xa của tình mẹ thương con vì mẹ mong con sống hạnh phúc. Có một số ý kiến trái nghịch cho rằng, mẹ yêu con vì mẹ yêu chính bản thân mẹ; bởi con cái là một phần thân thể mẹ, và mẹ muốn con hoàn thành những giấc mơ mà mẹ chưa đạt được trong cuộc đời. Điều này có thể đúng nhưng không hoàn toàn. Nhìn vào gương mẫu mẹ Monica, mẹ của Thánh Âu Tinh, mẹ đã không tìm niềm hạnh phúc nào khác ngoài hạnh phúc viên mãn của con mẹ. Cả cuộc đời Mẹ đã lo lắng, chăm sóc cho Âu Tinh để Âu Tinh tìm được hạnh phúc đích thực cũng là cứu cánh của cuộc đời là Đấng Tạo Hóa. Hơn nữa, do mẹ đã trải qua và kinh nghiệm nhiều nỗi gian nan vất vả trong cuộc đời, nên mẹ muốn bao bọc con khỏi những khó khăn thử thách. Tâm lý chung của các bà mẹ, con cái dù lớn đến mấy, họ vẫn coi là đứa trẻ thơ, bé bóng của mẹ thuở nào. Vì thế, các mẹ thường lo sợ con cái phải vất vả, đơn độc; và như vậy, mẹ lại lo lắng và làm mọi chuyện cho con.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.”
5. Văn hóa Việt Nam
Cuối cùng, mẹ thương con vì mẹ thương đồng loại và học được sự thân tình từ đồng loại. Mẹ muốn góp một “ngọn lửa” để tình nhân loại được sáng hơn. Đối với văn hóa Việt Nam, do ảnh hưởng của nền văn hóa lúa nước nên sự tương quan giữa con người với con người khá gần gũi. Tính xã hội hay tính cộng đồng được thể hiện ở câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”. Sống trong bối cảnh văn hóa như thế, mẹ luôn lo lắng, yêu thương, săn sóc và dạy dỗ con, để con được nên người, và để con trở thành niềm vui, hạnh phúc của mẹ, gia đình, và xã hội. Hơn nữa, do ảnh hưởng của Nho giáo – lấy “nhân” làm gốc, nên mẹ lo cho con thì cũng là lo cho xã hội. Khi con trưởng thành, con mới có thể coi người khác làm trọng, lấy xã hội làm trọng và sống có ích cho mọi người[5]. Đó là một hành vi chuẩn mực trong đối nhân xử thế của mẹ.
III. Sống đạo hiếu – Một giá trị cốt lõi của phận làm con
Dù ở phương diện nào, mẹ cũng luôn yêu thương, chăm sóc và muốn dành mọi sự cho con hết mực. Suy rộng, con cái chính là bản thân mẹ; cuộc sống của con là của mẹ. Qua thời gian, và qua những mối tương quan biện chứng giữa yếu tố hữu hình và vô hình ở trên, bất kỳ ai sống có ý thức đều nhận ra tình mẹ càng ngày càng gần gũi, thắm thiết, và triển nở. Vậy con cái nên làm gì để đáp lại tình mẹ? Khổng Tử trả lời: “Hiếu là căn bản của mọi đức hạnh, cũng là nguồn gốc của mọi việc giáo hóa. […] Tứ chi, râu tóc, da dẻ trên con người đều do cha mẹ ban tặng, nên không dám hủy hoại hay làm tổn thương chúng, đấy là sự khởi đầu của hiếu. Con người sống trên đời biết tuân theo nhân nghĩa đạo đức, tạo được công lao, lưu danh hậu thế, khiến cha mẹ hãnh diện, tự hào, đấy là mục tiêu cuối cùng của hiếu. Hiếu bắt đầu từ phụng dưỡng cha mẹ, sau đó phụng sự cho quân vương, cuối cùng tạo dựng công danh sự nghiệp.” [6] Câu trả lời của Khổng Tử thật thâm thúy và đáng suy nghĩ. Ngày nay, không có nhiều người mẹ muốn con họ làm gì cho họ, nhưng việc báo hiếu lớn nhất mà mẹ muốn là con suy gẫm, nhận ra tình yêu của mẹ và sống tròn đầy giây phút hiện tại.
Song song với việc sống hiếu như trên, một người sống hiếu thảo còn là một người biết đặt mình vào vị trí của cha mẹ như thể mình là con của chính mình. Ở khía cạnh nào đó, cha mẹ và con cái cũng là một. Do vậy, tình trạng sức khỏe, cuộc sống thường ngày, sự nghiệp hay thành bại của con luôn là vấn đề quan tâm của cha mẹ. Như thế, mỗi người con cần tự cật vấn: Tôi cần làm thế nào để cha mẹ an tâm, hạnh phúc và tự hào khi nhớ đến tôi, chứ không phải lo lắng và tiếp tục giải quyết những vấn đề của tôi.Trái ngược với người hiếu thảo, trong xã hội ngày nay nhiều người chưa ý thức được tình cha mẹ, họ chán ghét với những lời khuyên răn của cha mẹ, nên thường cãi cọ và không để tâm đến cảm nhận của cha mẹ, coi tình yêu của cha mẹ dành cho con là đương nhiên, ngay cả nghĩa vụ chăm nom cơ bản nhất dành cho cha mẹ, họ cũng không thực hiện. Không những thế, nhiều người còn tỏ ra chán nản với cha mẹ nên sa vào những tệ nạn xã hội. Đó là những thái độ cần loại bỏ. Cuối cùng, người xưa có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh.” Mỗi người cần nhìn vào thực tế hoàn cảnh của mình và của gia đình để suy nghĩ về đạo hiếu theo cách thức riêng. Đối với tôi, việc nỗ lực học hành và sống triển nở “tính bản thiện” là những gì tôi đang nhắm đến.
Trong thực tế, ngày nay có nhiều người mẹ không sống đúng thiên chức của người mẹ, gây phản cảm cho xã hội. Nhiều người mẹ phá thai, bỏ con bơ vơ, không cho con điều kiện sống tốt… Có lẽ, họ có những lý do nhất định: danh dự, kinh tế, bệnh tật, chót dại, thờ ơ, thiếu hiểu biết về giới tính, tuổi trẻ… Tôi không đồng tình với những hành động của họ. Tôi nghĩ rằng một giải pháp tốt hơn là mỗi người trong xã hội tiếp tục thực hành “tính bản thiện” bằng việc sẻ chia và động viên những người mẹ lầm lỡ, hỗ trợ tài chính, công ăn việc làm và ít dành những lời chỉ trích để họ nỗ lực sống tốt hơn, tránh sự lên án và loại trừ. Sống như thế, “tính bản thiện” được thành toàn và triển nở không chỉ trong mẹ, trong con và trong cả mọi người trong xã hội.
Tóm lại, ở phương diện nào, dù nối kết bằng sợi dây sinh học, tình cảm, đạo đức, tâm lý, và nền văn hóa, người mẹ luôn yêu thương và dành tình cảm cho con cách đặc biệt. Tôi tin rằng, ngoài những lý chứng tôi đã tìm hiểu – tại sao mẹ thương con?, sẽ có rất nhiều bà mẹ thương con vô điều kiện mà do giới hạn về thời gian, kiến thức, tôi chưa tìm hiểu hết. Hy vọng mỗi người sẽ cảm nghiệm và ý thức sâu xa hơn tình cảm của mẹ, và các bạn sinh viên sẽ có thêm những cảm nghiệm sâu sắc khác để sống tốt tâm tình con thảo hơn.
[1] Trần Như Ý-Lan, M.D., Thân phận Luân lý và Thần học của Phôi Thai, Nxb: An Tôn & Đuốc Sáng, 2013, 128.
[2] Trần Như Ý-Lan, M.D., Thân phận Luân lý và Thần học của Phôi Thai, 28.
[3] Joel J. Kupperman, Theories of Human Nature, Hackett Publishing Company, 2010, 75 – 76.
[4] Hạng Cửu Vũ & Chiêm Dật Thiên, Lễ, trans:Phạm Ngọc Hàm, Nxb: Chính trị quốc gia, 2016, 29.
[5] Hạng Cửu Vũ & Chiêm Dật Thiên, Nhân, trans:Phạm Ngọc Hàm, Nxb: Chính trị quốc gia, 2016, 13.
[6] Hạng Cửu Vũ & Chiêm Dật Thiên, Lễ, 215.