Martin Heidegger

 

 

Môn Học: Triết Sử

Giáo Sư: Giuse Vũ Kim Chính SJ

Học Viên: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

I. Dẫn nhập[1]

Có ai trên đời lại không chung chia cảm thức “cắn rứt lương tâm” vốn thúc đẩy làm lành lánh dữ. Có lẽ vì thế mà khi dùng từ “Lương tâm”, Heidegger đã dễ dàng kết nối độc giả vào tư tưởng khá phức tạp của ông về con người xét như Dasein (Hữu-tại-thế). Đối với Heidegger, Lương tâm là cội nguồn của Dasein. Không những thế, ông đã tạo một bước chuyển mang tính cách mạng khi cho rằng Lương tâm là chính Dasein. Nhưng tiên vàn, chúng ta cần biết tư tưởng của Heidegger về hữu thể xét như Dasein-hướng-về-cái-chết.

II. Dasein-hướng-về-cái-chết

Có thể nói, Heidegger là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Lối phân tích con người xét như Dasein bằng phương pháp hiện tượng luận đã tạo nên một bước chuyển đáng giá cho môn Siêu hình. Nếu truyền thống coi trọng không gian hơn thời gian (như Kant), thì Heidegger lại coi trọng thời gian hơn. Tựa đề Hữu Thể và Thời Gian đã tỏ lộ điều đó. Khi nghiên cứu hữu-thể-trong-thời-gian, Heidegger tìm kiếm ý nghĩa của hữu thể; tức là, hữu thể từ đâu ra và đi về đâu? Và ông khám phá ra rằng: hữu thể nào cũng phải khởi sinh trong thời gian và phải đối diện cái chết như cái cùng tận của mình.

Chi tiết hơn, Heidegger đặt Dasein làm đối tượng nghiên cứu chính yếu. Dasein không có gì khác hơn chính là con người. Da- nghĩa là ở-đó; -Sein là hữu thể. Heidegger dùng từ Dasein để ám chỉ đến con người thì luôn luôn tồn tại trong không thời gian và tồn tại với những người khác (being-with) trong thế giới (being-in-the-world). Dasein từ đâu ra vậy? Không biết! Heidegger chỉ thấy nó ở đó: bơ vơ và trơ trọi; và ông gọi đó là sự quăng ném (throwness). Dasein bị ném vào thế giới và Dasein phải đảm nhận cuộc sống của mình một mình với cái chết là cùng tận của nó.

Quả vậy, Heidegger, vì chú trọng thời gian tính, đơn giản nhìn Dasein từ điểm khởi đầu là lúc sinh ra cho đến điểm kết thúc là cái chết. Sau cái chết không có gì; mà nếu có gì thì cũng không ai biết. Chết là hết? Nếu chết là hết thì ý nghĩa của Dasein trong thế giới là gì đây? Lúc này xuất hiện hai khả thể hiện hữu (possibility) của Dasein: hiện hữu phi chân (inauthentic) và hiện hữu bản chân (authentic).

1. Hiện-hữu-phi-chân

Phi chân nghĩa là không chân thực. Hiện-hữu-phi-chân là lối hiện hữu vô nghĩa của Dasein. Ta đã biết, Dasein luôn hiện hữu với Dasein khác trong thế giới. Khi bị quăng ném vào thế giới, Dasein hiển nhiên chịu ảnh hưởng của thế giới, được gọi là cái thường hằng (the they). Chịu ảnh hưởng thì không sao nhưng vấn đề là Dasein lại bị vong thân (lostness) trong cái thường hằng: Dasein ăn; nói ngủ, Dasein ngủ… Cái thường hằng (they-self) đã nuốt chửng cái riêng tư (self) của Dasein.

Cái Dasein lúc này không còn khả năng chọn lựa vì mọi lựa chọn của Dasein thực ra là của cái thường hằng. Cho nên, Dasein cũng không có tự do và trách nhiệm. Nếu thế làm sao Dasein có thể đảm nhận cái chết như đích điểm đời mình? Quả thực, Dasein trở nên sợ hãi (fear) và trốn tránh (avasion) cái chết. Có thể Dasein tự lừa dối mình rằng Dasein có thể đảm nhận cái chết; nhưng thực ra, Dasein chỉ nghe cái thường hằng nói về cái chết chứ tự thâm tâm, Dasein trốn tránh nó. Sống như thế làm cho sự hiện hữu của Dasein trở nên vô nghĩa. Ta gọi đó là lối hiện-hữu-phi-chân.

2. Hiện-hữu-bản-chân

Liệu Dasein có khả năng hiện hữu bản chân (authentic) không? Để câu trả lời là “có” thì Dasein phải tìm lại chính nó vốn bị đánh mất trong cái thường hằng. Nhờ tìm được chính mình, Dasein có tự do và trách nhiệm để đối diện với cái chết. Đối diện với cái chết-là-hết, Dasein thấy cần phải tìm cho cuộc sống mình một ý nghĩa. Cho nên, cái chết lúc này đối với Dasein là một sự hoàn thành ý nghĩa cuộc đời. Đó cũng là ý nghĩa của Dasein vậy. Nhưng câu hỏi là: Dasein có tìm được chính nó tự trong cái thường hằng không? Có! Câu trả lời này sẽ được chứng nhận (attested) bởi Lương tâm.

III. Lương tâm[2]

1. Lương tâm là tiếng gọi của cội nguồn

Lương tâm là hiện tượng khả nghiệm vì ai cũng có lúc bị “cắn rứt lương tâm”. Đối với Heidegger, sự cắn rứt ấy mang hai đặc điểm: tiếng gọi và cội nguồn. Trước tiên, Lương tâm được diễn tả như một tiếng gọi – tiếng gọi của sự quan tâm.[3] Tiếng gọi ấy mời Dasein trở về với chính nó từ sự vong thân trong thế giới; mời Dasein đảm nhận lấy vận mệnh của mình vốn là một hữu thể hướng đến cái chết.

Tuy nhiên, tiếng gọi lại không có nội dung cụ thể nào cả. Đúng hơn, nội dung tiếng gọi chỉ là sự im lặng (reticence) làm đứt đoạn những tiếng ồn ào của cái thường hằng và giúp Dasein quay về với chính nó. [4] Nhưng quay về để làm gì? Để nhận hiểu.[5] Hiểu cái gì? Hiểu Lương tâm ở khía cạnh “mang-nợ” (Guilt = Schuld = debt). Đây là đặc điểm thứ hai của Lương tâm xét như cội nguồn của Dasein.

Xét ở khía cạnh hữu thể luận, Dasein vốn là một hữu thể bị quăng ném ra trước nó (thrown projection; ahead-of-itself). Vì thế, nó luôn hiện hữu một cách thiếu hụt (a lack). Nó cảm thấy mình phải lệ thuộc vào cái gì đấy vốn sinh ra nó giống như con cái đối với cha mẹ vậy. Dasein luôn muốn đáp trả lại cái nó lệ thuộc vào. Đó là cảm thức “mang-nợ”. Cảm thức “mang-nợ” vốn sóng đôi với hiện hữu.[6] Vì Dasein hiện hữu nên Dasein lệ thuộc Lương tâm.

Nhưng câu hỏi là Lương tâm ở đây có phải là cội nguồn chưa hay còn một cội nguồn khác? Người ta thường đồng hóa lương tâm với luân lý: thiện-ác, tốt-xấu. Lương tâm thì phải hướng dẫn cho con người làm lành lánh dữ chứ! Không sai! Nhưng cái quan niệm lành dữ đó có là cội nguồn chưa? Đối với Heidegger, cái cội nguồn thực ra có trước cả thiện-ác (pre-moral).[7] Lúc con người còn chưa có quan niệm về luân lý thì cội nguồn đã có rồi. Đó mới là cội nguồn xét như là cội nguồn.

Quả thế, mang-nợ không chỉ là sự thiếu hụt mà còn là cảm thức chung và ban sơ của mọi người. “Mang-nợ” ở đây là nền tảng của mọi nền luân lý truyền thống. Nó nằm ngoài và có trước tốt hoặc xấu. Nó nguyên sơ hơn bất kỳ hiểu biết nào về nó. Nó không tốt không xấu. Nó là cái chúng ta là. Chúng ta ai cũng “mang nợ”. “Mang-nợ” chính là tính chất của Dasein. Và Heidegger, thông qua cảm thức mang-nợ, dùng từ Lương tâm để gán cho cội nguồn ấy.

2. Lương tâm là chính Dasein

Tiếng gọi cội nguồn ở đây là gì? Phải chăng là Thượng Đế như Âu Tinh đã kinh nghiệm?[8] Không! Cội nguồn ở đây không là Thượng Đế, cũng chẳng phải Lương tâm như người ta nghĩ, nhưng là chính Dasein. Chính Dasein kêu gọi Dasein.

Nói như vậy thì có đến hai Dasein hay sao? Một Dasein như hữu thể gọi (caller = cái tôi trong nỗi hoài hương) và một Dasein như hữu thể được gọi (called = cái tôi chìm lụt trong cái thường hằng). Không! Thực ra chỉ có một Dasein. Dasein vừa là “caller” vừa là “called”. Đó không phải là hai thực thể. Chính Dasein, xét như tiếng gọi của sự quan tâm, đã tỏ lộ chính nó trong Lương tâm, đã gọi Dasein trở về với tiềm năng hiện hữu bản chân của mình. Tiếng gọi ấy từ tôi và cho tôi.[9]

Dasein không mang lấy “món-nợ” vào mình nhưng đơn giản Dasein thì luôn luôn và vốn dĩ “mang-nợ”. Như thế, hiện hữu của Dasein là một hiện-hữu-mang-nợ. Chỉ có một thay đổi khi chuyển sang hiện hữu bản chân là hữu thể hiểu tiếng gọi của Lương tâm và muốn đảm nhận nó. Nghĩa là, hữu thể nghe, hiểu, và muốn đáp lại tiếng gọi. Đáp lại tiếng gọi không làm cho hữu thể có một Lương tâm (vì vốn dĩ nó đã có rồi), nhưng làm cho hữu thể “muốn có một Lương tâm”; nghĩa là, hữu thể chọn lấy ý muốn làm cho hữu thể là hữu thể. [10]

Khả năng chọn lựa ấy làm cho hữu thể có đủ khả năng để được tự do.[11] Quả vậy, lúc nghe tiếng gọi, Dasein có hai khả thể (possibility) để lựa chọn: Một là nghe theo cái thường hằng; hai là nghe theo tiếng gọi. Dù chọn cái nào Dasein cũng bộc lộ khả năng chọn lựa. Nhờ vậy, Dasein có tự do và trách nhiệm để nắm lấy vận mệnh của mình. Chỉ có như thế Dasein mới có khả năng đảm nhận cái chết. Đấy là khả năng hiện hữu bản chân của Dasein.

Mặt khác, tiếng gọi của Lương tâm gọi hữu thể trở về (back to) bằng cách mời tiến lên (forth to): tiến đến khả thể bản chân như nó vốn có tự thuở nào; kêu quay về sự bị quăng ném để nhận ra cảm-thức-hoài-hương (uncanniness) vốn lấp ló nơi tận sâu kín trong sự hiện hữu của nó.[12] Để rồi, khi diện đối diện với cảm-thức-hoài-hương ấy, hữu thể, thay vì sợ hãi như trước kia, trở nên sẵn sàng cho sự lo lắng khắc khoải (Angst) vốn hướng hữu thể đến ý-muốn-có-một-lương-tâm; nghĩa là lắng nghe tiếng gọi của cội nguồn.[13]

Nhưng cẩn thận! Lòng muốn ấy có rồi nhưng chưa hẳn đã đạt được. Một sự quyết tâm bước theo tiếng gọi thì cần thiết. Ta gọi đó là sự cương quyết (resoluteness).[14]

Tóm lại, Dasein, từ việc đánh mất mình trong cái thường hằng, đã tìm lại được chính nó nhờ sự chứng nhận của Lương tâm. Việc mở lòng ra để lắng nghe tiếng cội nguồn, vốn là chính Dasein, đã giúp Dasein hoàn toàn tự do và đủ khả năng đảm nhiệm đời mình xét như một hữu-thể-hướng-về-cái-chết.

IV. Một vài nhận xét và nối kết với tư tưởng Kierkegaard

1. Một vài nhận xét

Dù lối viết của Heidegger làm cho độc giả khó nắm bắt nhưng tư tưởng của ông về Lương tâm lại rất gần gũi và hữu ích với thường nghiệm của con người. Cuộc sống vồn vã như một dòng thác tuôn đổ khiến con người trong đó phải vật lộn mưu sinh và bị cuốn đi mà không ý thức. Trong một phút giây nào đó, ắt hẳn ai cũng được thôi thúc trở về với chính mình. Lời mời gọi hãy mở lòng trước cội nguồn của Heidegger là một thái độ cấp thiết của thời đại để mỗi người tìm thấy ý nghĩa cho đời mình.

Đề cập đến Dasein, Heidegger cũng trả lại tự do và trách nhiệm cho con người. Đứng trước tiếng gọi cội nguồn và dòng thác cuộc đời, ai cũng có quyền tự do lựa chọn một hướng đi cho mình. Heidegger cũng không ép người ta phải nghe tiếng cội nguồn; nhưng theo ông, chỉ ai nghe theo tiếng nói ấy họ mới thực sự có tự do đích thực –  cái tự do làm con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc.

Tuy nhiên, sự tự do ở đây lại là con dao hai lưỡi: Nếu hiểu đúng hướng, tự do sẽ dẫn con người đến việc tìm kiếm một ý nghĩa cho cuộc đời tại thế. Lúc ấy, cái chết chỉ là một sự hoàn thành mục đích cuộc đời. Nhưng nếu hiểu sai, con người có nguy cơ muốn làm gì tùy ý bất chấp luân thường đạo lý. Phải chăng việc Heidegger đồng hóa tiếng gọi cội nguồn với chính Dasein vô tình hoặc hữu ý đã cổ súy cho việc Jean-Paul Satre quan niệm chết là hết (đồng nghĩa muốn làm gì cứ làm)? Và phải chăng việc Heidegger tham gia Chủ nghĩa Phát xít là bằng chứng đáng kể cho nguy cơ sa lầy ấy chăng?

2. Nối kết tư tưởng Soren Kierkegaard[15]

Sự vong thân của con người có thể là điểm được Heidegger phát triển nhiều nhất nhưng không phải là điểm được ông phát hiện trước nhất. Thực ra, người đầu tiên lên án sự rập khuôn theo xã hội và đề cao chủ thể tính chính là triết gia người Đan Mạch Soren Kierkegaard (1813 – 1855). Qua câu nói có phần thần bí “Chân lý là chủ quan tính”, (71) Kierkegaard đề cập đến một lối hiện hữu hiện sinh, điều mà Heidegger gọi là hiện hữu bản chân:

“’Hiện sinh’ không phải cứ sinh ra là đã có. Đấy là cái anh phải phấn đấu mà có, thường là bằng cách tự phân biệt chính anh với “đám đông”… Chỉ khi nào ý thức được tình thế thực sự của mình – biết rằng mình được tự do lựa chọn và do đó chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình – thì họ mới thực sự ‘hiện sinh’” (70)

Tuy nhiên, khác với Heidegger, Kierkegaard không cho rằng con người là cội nguồn của con người. Đằng sau mọi sự ắt hẳn phải có một Đấng Siêu Việt, phải có một nguồn cội bất diệt nào đó; và đấy là Thiên Chúa:

“Nếu không có một ý thức bất diệt bên trong con người, nếu tận trong sâu thẳm mọi sự chỉ là một cơn sôi sục hoang dại (…) thì cuộc đời là gì ngoài một nỗi tuyệt vọng.”[16]

Nếu Heidegger cho rằng Dasein vốn dĩ là tiếng gọi của chính Dasein thì Kierkegaard lại cho rằng tiếng gọi ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa như một ân ban (tùy Thánh Ý Ngài). Thực ra, Kierkegaard không dùng từ “tiếng gọi hoặc cội nguồn”. Đúng hơn, ông cho rằng để có thể lựa chọn đời sống tôn giáo, con người phải thực hiện một bước nhảy đức tin vốn là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa.

“Bước nhảy đức tin” là thuật ngữ Kierkegaard dùng để diễn tả tự do lựa chọn của con người ở mức độ cao nhất: đi từ cái vô lý của kẻ hiếu mỹ, vượt qua cái luân lý tốt xấu của thẩm phán Wilthem, để vươn đến cái phi lý của Thiên Chúa. (59, 61) Kẻ hiếu mỹ chỉ đi tìm niềm vui qua việc lừa tình phụ nữ. Điều đó trái luân thường đạo lý. Kết quả là kẻ hiếu mỹ rơi vào trạng thái buồn chán. Trong tận cùng buồn chán, kẻ hiếu mỹ được Thiên Chúa ban ơn để có thể thực hiện bước nhảy vào giai đoạn luân lý.

Sống luân lý ở một mức độ nào đó, kẻ ấy sẽ lại được ban ơn để thực hiện bước nhảy đức tin đến đời sống tôn giáo khắt khe hơn. (61) Nhân vật Abraham trong cuốn Run Rẩy và Sợ Hãi đã diễn tả mức độ đức tin tột bật như thế. Abraham sẵn sàng hiến tế Isaac để thực hiện Thánh Ý. Giết người là hành động trái luân lý và Abraham biết điều đó. Nhưng tại sao ông đủ can đảm làm? Ông làm được là nhờ sức mạnh của phi-lý vốn được ân ban cho Abraham thông qua đức tin. Ân sủng này Thiên Chúa ban cho ai tùy ý và Abraham đã được ban cho. Bởi vậy, Abraham mới được gọi là “Cha của kẻ tin”. Kierkegaard cho rằng sống như Abraham là hạnh phúc và rằng chính ông không thể làm được như vậy.

“Cuối cùng, Johannes cũng nhận ra cái đẹp kinh hoàng trong đức tin của Abraham, nhưng cái đẹp ấy bị quy thành nỗi “sợ hãi và run rẩy” khi anh tự hỏi liệu mình có làm được như thế không. Anh kết luận rằng cá nhân anh không được chuẩn bị để đi tiếp một lối sống không sao hiểu nổi như thế.” (103)

Vì tiếng gọi của nguồn cội, theo Kierkegaard, là từ Thiên Chúa; cho nên, tự do của con người phải là thứ tự do gắn kết với Thiên Chúa chứ không phải tự do muốn làm gì thì làm. Nghĩa là, con người có tự do chọn lựa lối sống của mình và phải chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Nếu tự do đó gắn kết với Thiên Chúa, anh sẽ sở đắc hạnh phúc tôn giáo mà Abraham đã được thông ban; nếu không, anh sẽ tự chịu trách nhiệm với những hư nát của đời mình. Tự do là việc thực hiện những bước nhảy đức tin đầy kịch tính trong lựa chọn chứ không phải là lựa chọn theo số đông.

“Tự do đúng hơn là một thuộc tính của con người mang tính tuyệt đối và thần bí, chỉ có ý nghĩa khi một cá nhân từ chối sự chấp thuận của phe nhóm.” (60)

V. Kết luận

Tóm lại, Heidegger cho rằng nhờ Lương tâm, xét như tiếng gọi của Dasein, Hữu thể đã có khả năng tự do để đảm nhận cái chết và vươn đến sự hiện hữu bản chân. Nhưng nếu chỉ có thế thì liệu Heidegger có bỏ qua một khả thể về một Thiên Chúa, một đời sau, thứ mà hữu thể sẽ không bao giờ biết khi còn tại thế. Có lẽ tư tưởng hậu Heidegger chính là những tái tra vấn của Heidegger về cội nguồn. Trong tác phẩm Buông Xả Thanh Thản, Heidegger đã khuyên con người hãy “buông xả trước mọi sự vật và mở lòng ra với huyền nhiệm”[17], một huyền nhiệm vượt trên và đằng trước vốn sẽ tỏ lộ huyền tính cho con người. Làm như thế phải chăng ông đã nhìn Lương tâm, xét như tiếng gọi, như một điều gì đó lớn hơn chính Dasein?[18] Phải chăng ông đã thừa nhận một điều gì đó vượt trên con người và sự chết? Có lẽ vì vậy mà người ta không xem lập trường tôn giáo của ông là Vô thần hoặc Hữu thần, nhưng là Phi thần. Và lạ lùng thay, về cuối đời – năm 1966, trong bài trả lời phỏng vấn báo Spiegel, Heidegger đã thừa nhận: “Only God saves us – Chỉ có Thiên Chúa cứu chúng ta”.

NGUỒN THAM KHẢO

Martin Heidegger, Hữu Thể và Thời Gian, trans. Joan Stambaugh, State University of New York Press, 1996.

Martin Heidegger, Buông xả thanh thản, Hoài Khanh dịch, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, 2007.

Martin Heidegger, What is called thinking?, Trans. J. Glenn Gray, Harper and Row, Publishers, New York, Evanston, and London, 1968.

Soren Kierkegaard, Fear and Trembling, trans. Alastair Hannay,Peguin Books – Great Ideas, 1985.

Âu Tinh, Tự Thuật, Nxb. Tôn Giáo, 2007.

Kết quả làm việc nhóm và chất liệu từ những bài giảng của giáo sư Vũ Kim Chính SJ, môn triết Cận-Hiện Đại, khóa học 2013-2014, tại Học Viện thánh Giuse, Thủ Đức, Tỉnh Dòng Tên Việt Nam.


[1]Lưu ý:

– Đây là bài phản tỉnh phần thuyết trình “Sự chứng nhận về một tiềm năng hiện hữu bản chân của Dasein, và sự cương quyết” trong cuốn Being and Time của Heidegger. Vì thế, người viết không lạm bàn những phần chưa nghiên cứu.

– Riêng phần Dasein-hướng-về-cái –chết, người viết không trích nguồn vì đó là tổng hợp kết quả làm việc nhóm.

– Ngoài ra, để bài viết được đầy đủ hơn, người viết tổng hợp thêm những chi tiết nghe được trong bài giảng môn Triết Cận-Hiện Đại của giáo sư Đỗ Quang Chính SJ. Những chi tiết ấy thiết nghĩ không cần phải trích nguồn.

[2] Mọi số trong ngoặc đơn ở phần này đều là số trang trong: Martin Heidegger, Hữu Thể và Thời Gian, trans. Joan Stambaugh, State University of New York Press, 1996.

[3] “Conscience reveals itself as the call of care.”. (256)

[4] “Conscience speaks solely and constantly in the mode of silence.” (252)

[5] “Conscience gives us “something” to understand, it discloses.”. (249)

[6] “This “guilty” turns up as a predicate of the “I am”.”. (259)

[7] “Being guilty is more primordial than any knowing about it.” (264)

[8] Trong cuốn Tự Thuật, Q.8, Đoạn XIII, Âu Tinh nghe được tiếng gọi “Cầm lấy, đọc đi! Cầm lấy, đọc đi!”. Tiếng gọi ấy đối với ông là từ Thiên Chúa. (Âu Tinh, Tự Thuật, Nxb. Tôn Giáo, 2007, tr. 500)

[9] “The calls comes from me, and yet over me.”. (254)

[10] “Understanding the summons means: wanting to have a conscience.”. (265)

[11] “When Dasein understandingly lets itself be called forth to this possibility, this includes its becoming free for the call (…) It has chosen itself.”. (265)

[12] “The summons calls back by calling forth.”. (264)

[13] “The fact of the Angst of conscience is a phenomenal confirmation of the fact that in understanding the call Da-sein is brought face to face with its own uncanniness. Wanting to have a conscience becomes a readiness for Angst.”. (272)

[14] “Resoluteness worked out as a self-projection upon one’s ownmost being-guilty.”. (277)

[15] Phần này, người viết chủ yếu dựa trên:

Dave Robinson và Oscar Zarate, Nhập Môn Kierkegaard, Ngân Xuyên Dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003.

Vì thế, số trang sẽ được ghi trực tiếp trong ngoặc đằng sau câu trích dẫn.

[16] Soren Kierkegaard, Fear and Trembling, trans. Alastair Hannay,Peguin Books – Great Ideas, 1985, p. 8.

“If there were no eternal consciousness in a man, if at the bottom of everything there were only a wild ferment, a power that twisting in dark passions produced everything great or inconsequential; if an unfathomable insatiable emptiness lay hid beneath everything, what would life be but despair?”

[17] Martin Heidegger, Buông xả thanh thản, Hoàn Khanh dịch, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, 2007, tr. 31, 32.

[18] Nt, tr. viii

 

“Tư tưởng là gì? Tư tưởng chỉ bắt đầu tư tưởng là lúc chúng ta đã lịch-nghiệm-lĩnh-hội được rằng cái lý trí, vốn từ bao thế kỷ vốn được xiển dương xưng tụng, chính nó là thù địch ngoan cố nhất của tư tưởng.”

Và trong What is called thinking?, Trans. J. Glenn Gray, Harper and Row, Publishers, New York, Evanston, and London, 1968,

Heidegger lại diễn tả tư tưởng như cái gì đó, đầu tiên khơi gợi con người, để rồi lại rút lui khi con người đã để ý; và mãi mãi con người cũng không lĩnh hội trọn vẹn được.