- Tóm tắt bối cảnh “Thư Về Sự Trưởng Thành Thiêng Liêng” của cha thánh I-nhã (1491-1556), Đấng sáng lập Dòng Tên
Những chỉ dẫn chung này cho các học viên đã được Cha Pedro de Ribadeneira[1] ghi chép trong cuốn sách chưa xuất bản Historia de la Assistencia de España (Cuốn 1, chương 6). Cha Ribadeneira viết chúng trong những năm cuối đời tại Tây Ban Nha vì Cha nhận thấy rằng rằng các học viên tại Alcalá “không có Hiến Chương cũng như các quy luật như chúng ta có trong Dòng bây giờ, vì Cha Thánh I-nhã dù chưa viết cho họ, nhưng họ đã ghi lại một số những chỉ dẫn và lời khuyên của ngài mà họ vẫn thường mang ra đọc, và cố gắng tuân giữ hết sức cẩn thận. Vì đây là những lời khuyên dạy của một người Cha vĩ đại, và là những điều đầu tiên mà các học viên có được, nên tốt hơn là đưa chúng vào đây để họ luôn ghi nhớ.” Vì các học viên đầu tiên đến học tại Đại Học nổi tiếng Alcalá de Henares vào tháng 4 năm 1543, nên thời điểm bình thường để trình bày những lời khuyên phụ tử này là năm 1543. Tuy nhiên, rất có thể chúng đã được chuẩn bị trước đó (sớm nhất là năm 1541?) cho các học viên đang học tại Paris hoặc ở Padua, và nhân dịp các học viên này sang Tây Ban Nha, họ đã trao một bản sao cho những anh em ở đây. Các học viên luôn được nhắc nhở rằng trong những năm học của họ, họ cần giữ một tấm lòng trong trắng, luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhìn thấy Đức Kitô trong bề trên của họ, cư xử một cách khiêm tốn và độ lượng, nhân ái, loại trừ bất cứ điều gì làm ngăn trở họ yêu thương tha nhân, v.v. Nói cách khác, những lời khuyên này nhằm huấn luyện một học viên trẻ trở thành một Giêsu hữu trưởng thành; cuối cùng chúng trở thành “Quy Luật cho các Học Viên”. Những lời khuyên này, được viết bằng tiếng Tây Ban Nha, và có thể được tìm thấy trong Ep. 12: 674-676.
- Nội dung thư
Gửi các Học viên tại Alcalá
V/v: Sự Trưởng Thành Thiêng Liêng
- Chúng ta nên cẩn thận để giữ một tấm lòng thanh sạch, tinh khiết trong tình yêu của Thiên Chúa, không yêu thương gì khác ngoài Ngài, và khao khát trò chuyện với chỉ một mình Ngài, và với tha nhân vì tình yêu dành cho Ngài chứ không vì sự thỏa mãn và vui thích của bản thân.
- Chúng ta nên nói chỉ khi nào cần, hoặc để xây dựng bản thân hoặc cho người khác, và bỏ qua những điều không mang ích lợi cho linh hồn, như ham muốn tin tức và các vấn đề thế gian. Chúng ta nên luôn cố gắng quan tâm đến những vấn đề liên quan đến sự khiêm nhường và từ bỏ ý riêng, chứ không phải những điều chọc cười hoặc xầm xì bàn tán.
- Đừng để bất cứ ai tìm cách cho người khác coi mình là lanh lợi, thanh lịch hay khôn ngoan hay có tài ăn nói, nhưng hãy nhìn lên Đức Kitô, Đấng đã không tìm gì hết trong những điều này và đã chọn cách hạ mình xuống và bị loài người xem thường vì lợi ích của chúng ta chứ không phải để được tôn vinh và kính trọng.
- Chúng ta không nên ao ước nhìn xem hay làm bất cứ điều gì mà không được phép làm trước mặt Chúa và các thụ tạo của Ngài, và vì vậy chúng ta nên nghĩ rằng chúng ta luôn ở trong sự hiện diện của Ngài.
- Chúng ta không nên khăng khăng tranh cãi với bất cứ ai; tốt hơn chúng ta nên kiên nhẫn đưa ra những lý do với mục đích nói lên sự thật vì sợ rằng người anh em của chúng ta sẽ đắm chìm trong sai lầm, chứ không để chứng minh rằng mình “cao tay” [the upper hand] hơn.
- Nếu chúng ta muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, một trong những điều chúng ta phải rất kiên quyết, đó là tránh xa mọi thứ có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu thương với tha nhân. Chúng ta nên cố gắng hết sức yêu thương họ với một lòng nhân ái vị tha, vì Đấng Chân lý Tối cao đã phán rằng: Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy. . . . ” [Gioan 13:35].
- Nếu ai đó làm điều gì ảnh hưởng đến danh dự uy tín, và dường như rốt cục anh ta không có được sự mến phục như trước nữa, đừng để anh ta nản chí đến nỗi muốn buông xuôi, nhưng hãy giúp anh ta khiêm tốn hạ mình và xin tha thứ từ những người dường như đã bị ảnh hưởng bởi gương mù của anh ta và tỏ lòng thống hối với bề trên. Người ấy hãy cảm tạ Chúa, Đấng đã để cho anh ta biết khiêm tốn, để mọi người nhận ra bản chất đích thực của anh ta. Ạnh ta không nên muốn ra vẻ tốt hơn trước mắt người đời, nhưng kỳ thực lại không phải như vậy trước mặt Chúa. Những người nhìn thấy anh ta như thế thì cần phải nghĩ rằng họ có thể sa vào những sự yếu hèn lớn hơn, và cần phải xin Chúa ban sức mạnh cho mình.
- Chúng ta phải luôn nhận ra nơi các bề trên của mình chính Đức Kitô, Đấng mà họ đại diện, và trợ giúp chúng ta trong những lúc nghi nan, và tin chắc rằng ngang qua các bề trên, chính Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta.
- Chúng ta không nên che giấu những cám dỗ của mình ta, thậm chí cả những thiện ý, nhưng hãy cho cha giải tội hay bề trên của mình biết, vì Satan hay giả mạo thành một thiên thần ánh sáng [2 Cr 11:14]. Chúng ta cần luôn luôn hành động theo sự phán đoán và lời khuyên của cha tinh thần chứ đừng theo ý riêng, đó là điều chúng ta luôn phải tuân thủ hơn là nghi ngờ.
- Trong tương quan với người khác, chúng ta phải giữ mình khiêm tốn, và cố gắng không để lộ vẻ buồn bã hoặc quá nghiêm trọng; mặt khác, cũng không tỏ ra vui vẻ, hớn hở thái quá, nhưng như thánh Tông Đồ nói: “Sao cho mọi người thấy anh em sống tiết độ” (Pl 4:5).
- Chúng ta không nên trì hoãn một việc tốt, dù nó nhỏ bé đến thế nào, với ý nghĩ sau này sẽ làm một việc lớn hơn. Đó là một cám dỗ rất phổ biến, trong đó kẻ thù luôn đặt ra trước mắt chúng ta sự hoàn hảo của những thứ sẽ đến và khiến chúng ta chỉ làm một chút trong hiện tại.
- Chúng ta hãy kiên trì trong ơn gọi mà Thiên Chúa dành tặng cho chúng ta, và đừng làm cho lời tuyên hứa trung thành ban đầu của chúng ta trở thành sáo rỗng. Vì kẻ thù quen cám dỗ những người ở trong sa mạc bằng những ý nghĩ phải đi giúp tha nhân và cải thiện họ, còn với những ai đang giúp đỡ tha nhân thì kẻ thù sẽ đề xuất sự hoàn thiện lớn lao của sa mạc và đời sống cô tịch. Như vậy, kẻ thù đang nhử chúng ta ra xa để không tận dụng được những gì đang trong tầm tay.
Nguồn: I.Nhã, “On Maturing Spirituality.” (được dịch bởi Dã Quỳ) (http://www.library.georgetown.edu/woodstock/ignatius-letters/letter5 )
[1] Cha Ribadeneira sinh tại Toledo, Tây Ban Nha vào ngày 1 tháng 11 năm 1526. Cha đến Rôma năm 1539 như thành viên trong gia đình của Hồng y Alessandro Farnese và vào Dòng Tên ngày 18 tháng 9 năm 1540. Ban đầu ông học ở Paris và Louvain, nhưng năm 1546 thì đến Padua. Năm 1549, ông được bổ nhiệm giảng dạy tại Palermo và ở lại Sicily cho đến năm 1552, khi cha I-nhã gọi ngài tới Rome để trợ giúp tại Đại Học Đức. Ngài được chiu chức linh mục vào năm 1553, và năm 1555 cha đến Flanders để thành lập cộng đoàn của Dòng. Cha là giám tỉnh của Tuscany (1560-1561) và Sicily (1561-1565), và là khách của Lombardy (1569-1570). Năm 1567, Cha Tổng Quyền Francisco Borja ủy nhiệm ngài viết tiểu sử của thánh I-nhã, xuất bản năm 1572. Sau đó ngài đến Tây Ban Nha và ở lại đó cho tới khi qua đời ở Madrid vào ngày 22 tháng 9 năm 1611.