Thánh Inhã-Đấng sáng lập Dòng Tên
(1491-1556)

 

 

  1. Bối cảnh

Vào đầu năm 1549,  Wilhelm IV, Công Tước của cùng Bavaria đã gửi một lời thỉnh cầu đến Đức Giáo Hoàng Phaolô III. Nội dung của lời thỉnh cầu là xin cho ba Giêsu hữu đến dạy tại trường Đại học của Ingolstadt. Kể từ khi Johann Eck [1] qua đời năm 1543, trường đại học đã bị xuống dốc về chất lượng giáo sư cũng như số lượng sinh viên. Wilhelm mong muốn duy trì trường đại học như một thành trì để chống lại phong trào cải cách Tin Lành, như vai trò của nó trong suốt thời gian Eck còn sống. Do đó, ngài yêu cầu các Giêsu hữu đến giúp khôi phục trường đại học và uy thế trước đây của nó. Bởi vì, công tước đã quen biết với Cha Claude Jay là người đã từng giảng dạy ở Ingolstadt nên ngài yêu cầu trực tiếp tên của Cha Claude Jay và mong muốn thêm hai Giêsu hữu khác. Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã gửi thỉnh nguyện của công tước đến Thánh Inhã. Thánh Inhã đã đồng ý gửi Cha Jay, Cha Alfonso Salmerón, và Cha Peter Canisius [2] đến Đức Quốc.

Cả Canisius và Salmerón đều được gọi từ Học Viện ở Messina, và khi nhóm sắp rời khỏi Rome, Thánh Inhã đã soạn thảo một danh sách các hướng dẫn để chỉ ra cách họ hành động và mục tiêu của họ là gì. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là để phục vụ cho trường đại học, nhưng ngài cũng cảm thấy rằng họ phải nhìn thấy những nhu cầu thiêng liêng của các Kitô hữu đang đau khổ bởi những cuộc tấn công của Tin Lành, và ngài cũng nhìn về tương lai với khả năng thành lập một Học Viện của Dòng Tên ở đó. Trên đường về phía bắc, ba linh mục Dòng Tên dừng chân tại Bologna để lấy bằng tiến sĩ, họ đã thành công vào ngày 04 tháng 10 và đến Ingolstadt vào ngày 13 tháng 11. Dưới đây là phần đầu tiên của hướng dẫn, bản gốc được viết bằng tiếng Latin [ Ep. 12: 240-242].

  1. Nội dung thư

THƯ GỬI CÁC CHA KHỞI HÀNH ĐI ĐỨC QUỐC

NHỮNG QUY TẮC THỰC HÀNH                                       Rôma, ngày 24 tháng 09 năm 1549

Jhs

  1. Tài sản đầu tiên và lớn nhất của các cha là không tin vào chính mình nhưng có một lòng tin cậy lớn lao và hào hiệp đối với Thiên Chúa. Hãy thêm vào đó một khao khát mãnh liệt được khích lệ và duy trì bởi đức vâng lời và lòng bác ái nhằm đạt được cùng đích đã đề ra. Một ước muốn như vậy sẽ giữ cho cùng đích ấy luôn luôn ở trong tâm trí các cha, và làm cho các cha cũng ngợi khen Thiên Chúa trong những hy sinh và lời cầu nguyện của các cha cũng như việc siêng năng sử dụng tất cả các phương tiện phù hợp khác.
  2. Phương tiện thứ hai là một đời sống tốt lành, và do đó là một đời sống gương mẫu. Các cha nên tránh xa không chỉ cái ác nhưng cả vẻ xấu xa của cái ác, và thể hiện mình như những mẫu mực của lòng khiêm tốn, bác ái, và tất cả các nhân đức khác. Vì Đức Quốc rất cần những tấm gương sáng, nên họ sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ từ chúng; và mặc dù gương sáng này là không dùng lời nói, nhưng công việc của Dòng sẽ thành công và Thiên Chúa sẽ chiến đấu cho chúng ta.
  3. Các cha nên coi trọng thiện cảm chân thành đối với mọi người và cho mọi người thấy, đặc biệt đối với những người có ảnh hưởng lớn đến ích chung, như chính bản thân công tước. Đối với ngài, các cha nên đưa ra lời xin lỗi của các cha cho việc đến muộn, và với ngài các cha phải thể hiện một thiện cảm là không chỉ Tòa Thánh mà Dòng chúng ta cũng yêu mến ngài. Hãy tuyên hứa cách nhã nhặn với ngài rằng các cha sẽ cống hiến mọi nỗ lực và công sức để giúp đỡ thần dân của ngài.
  4. Hãy thể hiện tình yêu của các cha trong sự thật và trong hành động bằng việc trao ban ơn huệ cho nhiều người, cho họ sự trợ giúp thiêng liêng, và trong các công việc bác ái bên ngoài, như sẽ được giải thích sau.
  5. Hãy chứng minh rằng các cha không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình, nhưng là những điều cho Đức Giêsu Kitô (Phil 2,21), nghĩa là vinh quang của Ngài và điều thiện hảo cho các linh hồn. Để phù hợp với điều này, các cha không được chấp nhận bổng cho bổng Lễ hay thù lao cho bài giảng hay việc cử hành các Bí Tích. Các cha không có thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào.
  6. Hãy làm cho mình được yêu thương bởi sự khiêm tốn và đức ái của các cha, trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9,22]. Cho thấy rằng các cha cư xử phù hợp với phong tục của người dân địa phương theo như Định Thức Thể Chế của Dòng đã đề ra, và có thể xem xét nó bất cứ lúc nào để đảm bảo rằng không ai đi quá xa, trừ khi đó là cho tốt của linh hồn anh ta. Nhưng đừng làm thỏa mãn những người khác bằng phí tổn của lương tâm, và đừng để xảy ra tình trạng thân mật quá mức gây ra sự coi thường (But do not gratify others at the expense of conscience, and let no excessive familiarity breed contempt).
  7. Đừng tham dự trong phe phái và cuộc xung đột giữa các phe phái, nhưng hãy cư xử trung dung và thân thiện với cả hai bên.
  8. Sẽ rất hữu ích nếu các cha được nhận biết là có học thuyết vững chắc cả trong vai trò là những đại diện của Dòng cũng như với tư cách cá nhân. Ngoài ra, một điều nữa nên được công nhận bởi tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là với công tước và những người có ảnh hưởng. Nó sẽ nâng cao danh tiếng của các cha không chỉ để trau dồi sự tĩnh lặng bên trong, mà còn thể hiện nó bên ngoài: cụ thể, đó là việc đi lại, cử chỉ, quần áo thích hợp, và trên tất cả là sự thận trọng trong lời nói, sự chín chắn trong lời khuyên của các cha về cả những vấn đề thực tế cũng như các câu hỏi mang tính suy lý. Sự chín chắn này sẽ giúp các cha không đưa ra chính kiến quá vội vàng nếu gặp vấn đề khó khăn. Trong trường hợp đó, các cha hãy dành thời gian suy nghĩ về vấn đề đó, nghiên cứu câu hỏi và thậm chí thảo luận nó với người khác.
  9. Các cha phải cố gắng hợp tác tốt với những người trong các vị trí của chính quyền và phải đối xử tử tế với họ. Điều sẽ giúp ích cho việc này là nếu công tước và những thành viên trong gia đình của ông (những người có ảnh hưởng rộng lớn) xưng tội với chúng ta, và trong chừng mực mà bổn phận đạo đức của họ cho phép thì giúp họ làm Linh Thao. Các cha nên trổi vượt hơn các giáo sư tại trường đại học và những người có thẩm quyền khác bởi sự khiêm tốn, sự đơn sơ, và sự vâng lời trong phận vụ.
  10. Do đó, nếu các cha biết rằng các cha hoặc Dòng đang bị thiếu sự tôn trọng, đặc biệt là từ những người có quyền lực, các cha nên khôn ngoan thực hiện việc biện hộ và cố gắng làm cho họ hiểu được công việc của Dòng và của chính các cha là để làm vinh danh Thiên Chúa hơn.
  11. Sẽ thật hữu ích khi có một hiểu biết chính xác về thiên hướng và tính cách của những người có liên quan đến công việc của chúng ta, và xem xét trước tất cả các khả năng, đặc biệt là trong những vấn đề quan trọng.
  12. Sẽ thật hữu ích nếu tất cả bạn đường không chỉ suy nghĩ và phát ngôn đồng lòng, cách ăn mặc như nhau, và cũng tuân theo cùng một cách cư xử và phong tục xã hội như nhau.
  13. Mỗi bạn đường nên ngẫm nghĩ cẩn thận về những gì thích hợp với cùng đích đã đề ra, và họ nên cùng nhau trao đổi với nhau về những vấn đề. Sau khi nghe những gì người khác nghĩ, Bề Trên sẽ quyết định những gì cần phải làm hoặc không làm.
  14. Họ nên viết thư cho Rôma để hỏi ý kiến, và để mô tả các điều kiện làm việc. Điều này nên được thực hiện thường xuyên, vì nó có thể mang lại không ít ích lợi cho tất cả chúng ta.
  15. Thỉnh thoảng, họ nên đọc hướng dẫn này và những gì sẽ được nói sau này, và những điểm khác mà họ nghĩ phải được thêm vào để trí nhớ của họ có thể được làm mới nếu nó bắt đầu quên lãng những điều này.

Nguồn: Nguồn: I.Nhã, “On the Study of Theology” (được dịch bởi Đỗ Đại Nghĩa SJ) (https://www.library.georgetown.edu/woodstock/ignatius-letters/letter12 )

………..

[1] Eck là một nhà thần học nổi tiếng sinh năm 1486. Ông đến Ingolstadt năm 1510. Sau khi Martin Luther ly khai khỏi Giáo Hội, Eck tham gia vào việc tranh luận với Luther và Karlstadt. Ông viết nhiều luận thuyết chống lại phái Luther, nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Enchiridion. Tác phẩm này trực tiếp chống lại tác phẩm  Loci communes của Melanchthon. Eck chết ở Ingolstadt ngày 03 tháng 10 năm 1543.

 [2] Thánh Canisius Kanis sinh ngày 08 tháng 05 năm 1521 tại Nijmegen, Hà Lan. Trong khi đang là một sinh viên tại Cologne, ngài nghe nói về việc thành lập Dòng Chúa Giêsu và đến Mainz để tìm gặp thánh Pierre Favre và tìm hiểu thêm về Dòng. Thánh Favre hướng dẫn ngài làm Linh Thao và chấp nhận ngài vào Dòng ngày 08 tháng 05 năm 1543. Ngài chịu chức linh mục ngày 12 tháng 06 năm 1546 và làm cố vấn của Hồng y Truchsess tại Công Đồng Trentô năm 1547. Sứ mạng tiếp theo của ngài là dạy học ở Sicily, từ đó nhiệm vụ ấy, ngài được sai đi đến Đức Quốc. Canisius vẫn ở Ingolstadt cho đến tháng 03 năm 1552, sau đó ngài tới Vienna, và rồi năm 1555 tới Prague. Ngài được bổ nhiệm làm Giám Tỉnh của Tỉnh Dòng Đức vào năm 1556 và giữ chức vụ cho đến năm 1569,  khi ngài đến Innsbruck để dành thời gian cho việc viết lách. Năm 1580, ngài sang Fribourg, Thụy Sĩ để thành lập một Học Viện mới và ở lại đó cho tới khi qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 1597. Ngài được Đức Thánh Cha Piô IX phong chân phước ngày 02 tháng 08 năm 1864 và đã được Đức Piô XI phong thánh vào ngày 21 tháng 8 năm 1925 .