Ảnh từ Internet

Môn học: Đạo Đức Xã Hội
Giáo Sư: Phạm Văn Ái, S.J.
Học Viên: Nguyễn Đức Thắng, S.J.

 

Bài viết này là một tiểu luận trong môn Đạo Đức Xã Hội. Tác giả muốn áp dụng những giáo huấn về môi trường của Hội Thánh Công Giáo vào những vấn đề thời sự về môi trường của Việt Nam. Giáo huấn Giáo Hội cho thấy thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa. Con người chỉ là người được giao sứ mạng quản lý công trình của Thiên Chúa. Quan tâm đến thiên nhiên chính là thực hiện sứ mạng quản lý của mình. Như vậy, con người cộng tác với Thiên Chúa để bảo vệ môi trường. Từ nền tảng Giáo Huấn Giáo Hội, tác giả rút ra một vài phản tỉnh về vấn đề môi trường ở Việt Nam.

I. DẪN NHẬP

 

Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, ô nhiễm môi trường là một trong những thách đố  lớn mà Việt Nam đang phải đối diện. Việc mở cửa thông thương, tự do đầu tư đã biến Việt Nam từ quốc gia thiên về nông nghiệp thành đất nước công nghiệp hóa. Hàng loạt các khu công nghiệp mọc lên nhiều nơi, khai thác khoáng sản tài nguyên thiên nhiên được đẩy mạnh, người dân từ các vùng quê tập trung đổ về các thành thị để làm việc …Tất cả những thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến cấu trúc xã hội và có ảnh hưởng tiêu cực đến môi sinh tại Việt Nam nói riêng và các nước phát triển nói chung.  

Trước thảm trạng trên,  mọi người, mọi tầng lớp đều phải nghĩ tới những biện pháp liên quan đến bảo vệ môi sinh. Hòa chung với nỗ lực trên của mọi người, bài viết này trước hết sẽ cố gắng khảo sát sơ lược về hiện trạng của môi trường tại Việt Nam trong những năm qua. Sau đó, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội (HTXHGH) nói như thế nào liên hệ đến vấn đề môi trường và con người. Cuối cùng, người viết thử đưa ra vài suy nghĩ và phản tỉnh nhằm áp dụng vào bối cảnh mục vụ ở Việt Nam trước vấn đề trên.

II. THỰC TRẠNG VỀ MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

1. Ô nhiễm Nước – không khí – đất

Chung số phận với các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng bị ô nhiễm nặng nề môi trường do hậu quả của hiện tượng toàn cầu hóa. Thật vậy, trong năm 2014 vừa qua, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố cả hai thành phố lớn của Việt Nam nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trên thế giới.[1] Cụ thể về nồng độ bụi, Hà Hội và Tp. HCM chỉ đứng sau Bắc Kinh, Thượng Hải, New Delhi và Dhaka. Theo ông Jacques Moussafir, công ty ARIA Technologies (Pháp) cho biết: Nếu không có biện pháp nào thì tới năm 2020 nồng độ bụi trong không khí ở Hà Hội cao gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.[2]

Cục Bảo vệ môi trường Việt Nam cho hay, tại các khu đô thị, 70-90% nguồn ô nhiễm là do khí thải từ các phương tiện giao thông. Mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối nước thải độc hại. Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, Hà Nội và Tp. HCM chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của thành phố Hà Nội và Tp. HCM có mức benzen và sunfua đioxit đáng báo động. [3]

Không chỉ ở các thành phố lớn, khu vực ngoại thành và nông thôn cũng đang chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường do các khu – cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Sự ô nhiễm này bao gồm: ô nhiễm không khí, nước mặt, nước dưới đất, đất nhiễm hóa chất. Đáng chú ý nhất là vấn đề ô nhiễm bụi, ô nhiễm do khí thải NH3, SO2, NO2 tại một số khu công nghiệp, làng nghề.[4] Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường…[5] Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng lân cận các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Họ phải sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp

Ở nhiều vùng nông thôn, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt và sinh hoạt của người dân không được thu gom, xử lý đúng quy cách. Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến lưu lượng của thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất làm ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng trong nông nghiệp hoặc do sự thiếu ý thức và thiếu hiểu biết trong việc sử dụng những hóa chất độc hại này.

2. Khai thác cạn kiệt và bừa bãi khoáng sản

Trong những năm qua, nhà nước đã hợp tác và cho phép nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào việc khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Điều này chẳng có gì đáng nói nếu việc khai khác được giám sát chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hoạt động khai khác khoáng sản bừa bãi diễn ra tại nhiều mỏ. Theo ông Hoàng Văn Khanh, Viện Trưởng viện Khoa Học Công Nghiệp, vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, các doanh nghiệp khai thác tận thu đã làm tổn thất tài nguyên và môi trường bị ảnh hưởng. Cũng vậy nhiều đơn vị không đủ khả năng, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý. Họ khai thác bừa bãi bất hợp pháp…gây tác động xấu đến môi trường.[6] Nhiều dự án luyện và khai thác khoáng sản lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải.[7] Như thế, sở dĩ Việt Nam phải đối diện với những tác hại môi trường như hiện nay có một phần không nhỏ do việc thiếu trách nhiệm, thiếu cơ sở vật chất – kỹ thuật, cũng như thiếu điều những luật định rõ ràng để giải quyết các vấn đề môi trường trong khai thác khoáng sản.

3. Phá rừng – chặt đốn cây xanh

Cũng như trong khai thác khoáng sản, việc thiếu ý thức bảo vệ rừng cũng như thiếu trách nhiệm trong quan lý tài nguyên rừng đã dẫn đến nạn chặt phá rừng tràn lan. Ở nhiều nơi, nạn chặt phá rừng bừa bãi đã lên tiếng báo động. Phá rừng vì mối lợi trước mắt đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường và làm biến đối khí hậu, sinh thái. Tàn phá rừng đồng nghĩa với tàn phá cái nôi sự sống, dẫn đến tình trạng đất đai xói mòn, lũ lụt, lở đất, lũ quét. Đây là nguyên nhân cướp đi bao nhiêu sinh mạng người dân hằng năm, cũng như gây thiệt hại đến công việc chăn nuôi và trồng trọt.

Trước những vấn đề liên quan và ảnh hưởng đến môi trường sống của con người  như thế, chúng ta sẽ sẽ phải làm gì? HTXHGH hướng dẫn chúng ta thế nào? Trong phần dưới đây chúng ta sẽ cùng làm sáng tỏ điều đóI

III. GIÁO HỘI NÓI GÌ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG TƯƠNG QUAN VỚI CON NGƯỜI

Môi trường sống là ngôi nhà chung của cả nhân loại. Việc tác động tiêu cực đến môi trường cũng là việc phá hủy chính nơi ở của mọi người. Ý thức rõ về vấn đề này, HTXHGH không ngừng lên tiếng bảo vệ thiên nhiên và môi trường vì đó là thiện ích chung. Không chỉ thế, HTXHGH còn cho thấy tính thánh thiêng nội tại nơi thọ tạo và vai trò của con người trong việc quản lý chúng.

1. Thiên Nhiên – Thọ Tạo Là Quà Tặng Của Thiên Chúa

a. Mọi thọ tạo đều tốt và có giá trị nội tại

Sách Sáng Thế ký lặp đi lặp lại cho chúng ta biết rằng sau khi Thiên Chúa hoàn tất công trình tạo dựng, Người thấy mọi sự tốt đẹp (St 1,31). Người  đã trao tặng sự tốt đẹp ấy cho con người để họ gìn giữ và coi sóc. Thánh Vịnh cũng cho chúng ta biết “Chúa vui sướng vì các công trình của Người”. Thêm vào đó, chính trong tình yêu này của Người, vạn vật được hiện hữu và đạt tới cùng đích mà nhờ đó nó được tạo dựng (x.Tv 104, 29-31). Như thế, trước mặt Thiên Chúa, các sinh vật dù khác nhau, tự nơi chúng có giá trị nhất định.

Hơn nữa, thọ tạo còn phản ánh chính sự tốt lành của Thiên Chúa. Qua thọ tạo, con người khám phá ra sự hiện diện của Người. Thánh Phaolô đã nhận thấy kinh nghiệm: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa… thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20).  Nói cách khác, toàn thể vũ trụ là nơi Chúa ngự và phảng phất dung mạo Thiên Chúa. Người ta có thể thấy sự hiện diện của Người trong sự bao la của biển cả, sự hùng vĩ của đồi núi, sự rạng rỡ của lá hoa… Thiên thiên chất chứa sự thánh thiêng, sự nhiệm mầu của Đấng Tạo Hóa. Có lẽ đó là lý do thánh Thomas Aquinas thốt lên rằng sự đa dạng, diệu kỳ của thế giới này phản ảnh vinh quang của Thiên Chúa.[8]

Trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (GLGHCG), Giáo Hội cũng dạy tương tự: “Mỗi thọ tạo đều có sự thiện và toàn vẹn riêng của mình[… ]Các thụ tạo khác nhau […] mỗi thứ một cách, ánh quang của sự khôn ngoan vô tận và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Chính vì thế, con người phải tôn trọng bản chất tự nhiên của chúng để tránh sử dụng chúng một cách vô trật tự”.[9]

Phần tiếp sau đây, chúng ta sẽ đào sâu hơn vai trò của con người trong tương quan với thọ tạo.

b. Mối tương quan mật thiết giữa thiên nhiên và con người – quản lý của Thiên Chúa

Kinh thánh cho chúng ta biết rằng trái đất đã có trước chúng ta và được ban cho chúng ta (Laudato Si, 67). Việc bóc lột và tàn phá khủng khiếp thiên nhiên như là ông chủ của con người là một điều không thích hợp. Vì thế, HTXHGH cho thấy một sự trái ngược đối với não trạng của con người hôm nay. Thật vậy, trong khi người ta cố gắng làm chủ và thống trị vũ trụ như một kẻ độc tài, tuyệt đối; thì HTXHCG, trở về với nguồn gốc Kinh Thánh, đã cho chúng ta thấy rõ vai trò của con người: chỉ là người quản lý của Thiên Chúa. Việc quản lý, sử dụng thiên nhiên vũ trụ này chỉ có một mục đích duy nhất là giúp con người ngợi khen Thiên Chúa. Thật vậy, Hiến chế Gaudium et Spes viết rằng: “Con người được dựng nên theo hình ảnh Chúa, được làm chủ mọi loài trên trái đất để quản trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa (GS, 12); …Nghĩa là nhiệm vụ của con người là “phải quản trị thọ tạo trong sự công bình và thánh thiện và khi nhận ra Thiên Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài, họ quy hướng về Người chính bản thân họ cũng như muôn vật. Vì thế, khi vạn vật được con người thu phục thì danh Chúa cũng được tôn vinh.(GS 34).

Thánh Inhã khi chiêm niệm về tương quan giữa con người và vũ trụ, ngài cũng cho chúng ta thấy rằng có một liên đới trật tự giữa Thiên Chúa, con người và tạo vật. Đối với ngài, mọi loài được Thiên Chúa dựng nên cho con người là để giúp họ đạt tới cùng đích là Thiên Chúa. Do đó, con người chỉ có thể sống đúng ơn gọi của mình khi biết sử dụng thọ tạo trong mức độ chúng giúp họ đạt tới cứu cánh và phải loại bỏ nếu chúng gây cản trở (x. Linh thao, 23).

Như thế, con người không chỉ liên hệ với đồng loại của mình, nhưng mà còn có một mối liên hệ với cả thiên nhiên vạn vật. Nhiều lần Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết điều đó. Chẳng hạn, “Khi anh thấy lừa hay bò của anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy…Nếu trên đường, anh gặp một tổ chim, ở trên cây hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 22,4.6).[10] GLGHCG cũng khẳng định rất rõ điều này: “Có một sự liên đới với nhau giữa mọi thọ tạo vì tất cả đều có chung một Đấng Tạo Hóa, và tất cả đều quy hướng về Người”.[11] Do vậy, nếu con người đối xử với mọi loài như ông chủ tuyệt đối, họ có nguy cơ tách mình khỏi tương quan với vạn vật và tha nhân. Trong khi giữa họ và thọ tạo có một mối quan hệ khăng khít gắn bó. Chính chúng góp phần hoàn thiện cùng đích của con người.

Tuy nhiên, thực tế ngày nay cho thấy con người dường như đang sa đọa trong  não trạng quy nhân và quy kỷ.  Thay vì hướng về Thiên Chúa, tương quan hài hòa với thọ tạo và tha nhân, con người lại quy hướng về mình, coi mình là trung tâm mọi sự. Hậu quả của điều này dẫn đến nguy cơ đánh  mất hoặc giảm thiểu đi giá trị siêu việt và vẻ đẹp nơi vạn vật.[12] Do sự lạm quyền của con người, thế giới đang phải rên xiết quằn quại do sự ô nhiễm môi trường thiên nhiên (Redemptor Hominis, 8). Sự lạm dụng và coi thường môi trường thiên nhiên dẫn con người đến việc khai thác và phá hoại thiên nhiên cách không thương tiếc. Hậu quả kéo theo chính là sự rạn nứt trong tương quan giữa con người với thiên nhiên. Vì chính khi dùng khoa học kỹ thuật “bóc lột” thiên nhiên như thế thì thiên nhiên lại trở thành mối lo cho con người như thiên tai, hạn hán, biến đối khí hậu…(x. Redemptor Hominis,15) và con người trở thành nạn nhân của những gì mình tạo ra. (x. Octogesima Adveniens,9)

Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp Caritas in Veritate cũng đã đề cập đến hai cách cư xử thái quá, làm cắt đứt sự hiệp thông và liên đới với thiên nhiên này. Một đàng “con người sẽ nhìn vạn vật như một thực tại không được chạm tới hay ngược lại con người sẽ bóc lột chúng. Cả hai thái độ này đều không thích hợp với cái nhìn của Kitô giáo về vạn vật, hoa quả sáng tạo của Thiên Chúa” (Caritas in Veritate,48).  Nói một cách rõ hơn, Đức Bênêđictô XVI giải thích rằng việc áp dụng kỹ thuật vào việc canh tác và giữ gìn trái đất là điều cần để đáp lại mệnh lệnh Chúa trao (St 2,15). Nhưng việc áp dụng ấy phải hướng đến chỗ củng cố giao ước giữa nhân loại và môi trường sống, một giao ước phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa.”(x. Caritas in Veritate,69). Thông Điệp Laudato Si gần đây, Đức Francis một lần nữa lại đề cập tới mối nguy của não trạng “ông chủ”, “duy kỹ trị” này:

Một cách trình bày không đầy đủ về nhân học Kitô giáo có thể đưa đến một quan niệm sai lầm về liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Thường là một giấc mơ ảo tưởng Prométhé về chủ quyền trên thế giới… Cách nghĩ đúng đắn quan niệm con người như “chủ” của vũ trụ, nằm ở chỗ, con người phải là quản lý có trách nhiệm.” (Laudato Si, 116)

Giải thích cho điều trên, Thomas Massaro dẫn giải rằng Đức Francis đã mạnh mẽ lên án mọi hình thức “chủ nghĩa quy nhân chuyên chế” vốn là điều dẫn con người tới tham vọng “đóng vai trò là Chúa” và tước mất đi cảm thức hiệp thông với mọi thọ tạo khác.[13] Trong khi đó, ý định của Đấng Tạo Dựng ban đầu là con người phải thông hiệp với thiên nhiên như người quản lý và bảo vệ thiên nhiên cách thông minh và cao quý. (Redemptor Hominis,15). Hay nói như Thông điệp Evangelium vitae, hình ảnh “cây trái cấm” (St 2,16-17) cho thấy giới hạn mà Thiên Chúa đặt để nơi tự nhiên, con người “phải tuân phục các định luật không những về sinh học mà còn về luân lý, những định luật không thể vi phạm cách vô tội vạ” (Evangelium vitae, 42)

 

2. Bảo Vệ Môi Trường Là Tôn Trọng Sự Sống Và Nhân Phẩm Con Người

Việc chăm sóc, quan tâm đến thọ tạo không chỉ vì con người thực hiện vai trò quản lý của mình, nhưng quan trọng hơn chính là bảo vệ sự sống và nhân phẩm của con người, lẫn sự sống của thọ tạo.

Nơi thiên nhiên, con người nhận thấy sự thánh thiêng, tốt lành và tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ vậy, họ được mời gọi ra sức bảo vệ và trân quý món quà tuyệt vời này thay vì bóc lột và tàn phá chúng.[14] Tuy nhiên, sự đa dạng của thiên nhiên, động vật đang bị đe dọa. Ở nhiều nơi, nhiều vùng, tình trạng ô nhiễm, sự săn bắt và khai thác quá mức đã làm kiệt quệ, tuyệt chủng nhiều loài động thực vật. Đức Gioan Phaolô II đã cảnh báo chúng ta về điều này như sau: 

“Giữa những dấu chỉ tích cực ngày nay, chúng ta cũng phải đề cập tới một ý thức lớn hơn về những giới hạn của nguồn tài nguyên sẵn có, cũng như nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chù kỳ của tự nhiên, và để phải xem xét những điều này trong việc thiết lập kế hoạch phát triển, thay vì hy sinh chúng cho những quan niệm có tính mị dân. Đó là điều ngày nay người ta gọi là sự quan tâm tới môi sinh” (Evangelium vitae, 26)

Những cảnh tỉnh trên đây của Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở cho thấy tài nguyên, thiên nhiên không phải là vô tận. Do đó, cần phải tránh thái độ sử dụng chúng như thể là nhà kho vô cạn kiệt. Ý thức này đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, nghĩa là không chỉ vì mối lợi trước mắt nhưng đúng hơn phải cân nhắc trước sau, phải tôn trọng trật tự và chu trình tái tạo của tự nhiên.  Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng việc áp dụng kỹ thuật vào khai khác tài nguyên ít nhiều cũng để lại những hậu quả về môi sinh mà mọi người phải gánh chịu.[15] Quy cho cùng, điều này lại gây ra hoang mang cho con người, đe dọa sự sống anh em đồng loại.

Ngoài ra, việc can thiệp thái quá vào thiên nhiên, và thiếu ý thức tôn trọng chúng như là một lối sống tiếm quyền, và coi thường Thiên Chúa. Thái độ này dẫn đến việc không chỉ đánh mất đi ý thức về mầu nhiệm của Thiên Chúa mà còn đánh mất luôn cả ý thức về thế giới và về chính bản thân mình. (x. Evangelium vitae,22). Phải chăng chính điều này mà Thomas Massaro đã khẳng quyết “lạm dụng thiên nhiên đó là tội phạm chống lại Thiên Chúa và xúc phạm đến tha nhân.[16] Trong Thông Điệp Laudato Si, Đức Francis càng nói mạnh hơn khi ngài cho rằng “thế giới ngày nay mang một tội lớn lao đối với người nghèo vì cướp đi quyền sống của họ và phẩm giá của họ”. Cụ thể ở đây, ngài đề cập tới việc không cho người nghèo nước sạch hay sự thiếu chăm sóc về tài chính và phân bổ tài nguyên thiên nhiên dành cho họ (x. Laudato Si, 30).

Như thế, Khi chúng ta hoang phí, phá hủy, gây hại cho thế giới tự nhiên là cũng là lúc ta đang hủy hoại nhân phẩm và sự thánh thiêng của chính con người. Điều này không chỉ bởi vì chúng ta phá hủy nguồn sống của người nghèo và thế hệ tương lai. Nhưng đó còn là vì chúng ta đi ngược lại với chính bản chất làm người của mình. Đời sống con người không chỉ là từng cá nhân, nhưng tất cả thọ tạo là một phần tạo nên nhân phẩm của họ. Bảo vệ sự sống không bao giờ tách khỏi bảo vệ thiên nhiên.[17]

Nói như trong Tông thư gửi cho Giáo Hội Á Châu, Đức Gioan Phaolô II viết: “bảo vệ môi trường không còn chỉ là vấn nạn về kỹ thuật nhưng trước hết và trên hết đó là vấn nạn về luân lý. Tất cả mọi người phải có trách nhiệm luân lý trong việc bảo vệ môi trường, không chỉ vì lợi ích của chính mình nhưng còn là lợi ích của tha nhân và chính thọ tạo”.[18]

c. Bảo Vệ Môi Trường Là Thiện Ích Chung

Trong tài liệu “Econmic Justice for All” của HĐGM Hoa Kỳ tóm tắt lời dạy của các Giáo phụ như sau: “mọi sự thuộc về Thiên Chúa và thuộc về mọi người”.[19] Đức Gioan Phaolô II cũng nói tới trong Sollicitudo Rei Socialis số 15 rằng thiên nhiên, thọ tạo chính là món quà chung mà Thiên Chúa ban cho mọi người. Việc chia sẻ món quà thiên nhiên mà Thiên Chúa ban cho con người là cách thức rõ ràng nhất tôn trọng trái đất và diễn tả sự trách nhiệm của chúng ta đối với thọ tạo. Tiếp đó, trong Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2010, Số 12, Đức Bênêđictô XVI lại đề cập một lần nữa: “Giáo hội có trách nhiệm hướng tới thọ tạo… Và Giáo Hội có trách nhiệm bảo vệ đất, nước, không khí như là những món quá Thiên Chúa trao cho mọi người; và trên hết là để cứu nhân loại khỏi nguy cơ tự diệt chính mình”. Như thế, dường như trong suốt dòng lịch sử và truyền thống của mình, Giáo Hội luôn ý thức: “môi trường là tài sản tập thể… thuộc nghĩa vụ chung và phổ quát.”[20]

Sở dĩ Giáo Hội không ngừng lặp lại điều trên bởi vì mối tương quan giữa chúng ta với các hữu thể khác, dù là người hay không, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống. Việc thiếu trách nhiệm gây ra ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng tới sự trong lành của nguồn nước hay mặt đất là cướp đi quyền lợi được hít thở, được hưởng dùng sự tốt lành mà Thiên Chúa đã ban cho con người.[21] Cách thức người ta xử sự với môi trường, sẽ ảnh hưởng đến cách họ xử sự với chính mình, và ngược lại. Thiên Chúa trao cho con người quản lý thiên nhiên, nhưng Ngài không bao giờ cho phép độc chiếm. Hơn nữa, từ chính bản chất của mình, con người được dựng lên không phải một mình nhưng là để liên đới với nhau. Do đó, họ cũng phải quản lý thọ tạo trong mức độ làm cho chúng sinh ích đối với tha nhân như HTXHGH dạy: “khi sử dụng của cải , con người phải coi của cải vật chất mà mình làm chủ một cách chính danh không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa; nghĩa là …có thể sinh lợi…cho cả kẻ khác nữa” (Centesimus Annus, 30)

Ngoài ra như đã nói đến ở trên, vì có một mối liên hệ đặc biệt giữa từng người với tha nhân và thọ tạo. “Mọi việc gây tổn thương tình liên đới và huynh đệ dân sự sẽ đưa đến tại hại cho môi trường, cũng như những tai hại môi trường đến phiên mình lại gây ra những khó khăn cho các mối liên hệ xã hội…” (Caritas in Veritate,51). Chẳng hạn, sự xung đột dẫn chiến tranh, tàn phá môi trường. Từ đó gây ra bao hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người và thọ tạo (nhiễm độc, biến đổi gen…) Như thế, chính mối tương quan liên thuộc này cho thấy việc bảo vệ thiên nhiên rõ ràng gắn liền với thiện ích chung của nhân loại. Hơn nữa  việc bảo vệ thiên nhiên chỉ có thể đạt được không chỉ dựa vào những tiểu chuẩn cổ vũ hay ngăn cản, nhưng quan trong hơn hết chính là thái độ luân lý của toàn xã hội. nghĩa là mọi người từng người phải sống tôn trọng, có trách nhiệm luân lý và liên đới với nhau trong hòa bình (x. Caritas in Veritate,51).

d. Bảo Vệ Môi Trường Công Bằng Đối Với Người Nghèo Và Thế Hệ Sau

Nghĩa vụ của con người là sống tình liên đới với nhau. Sự liên đới này không chỉ dừng lại ở hiện tại nhưng nó còn phải được diễn tà xuyên xuất các thế hệ. Như chúng ta đã được liên đới với các thế hệ trước và thừa hưởng nhưng không bao thành của từ họ. Đến lượt mình chúng ta cũng được mời gọi sống tình liên đới ấy với thế hệ tương lai. Nhận thức được tầm quan trọng của tình liên đới này, GHXHCG ngay trong Thông Điệp Populorum Progessio (1967, Số 17) đã đề cập tới sự liên đới giữa các thế hệ này như là bổn phận của mọi người. Tuy nhiên, trong tình trạng báo động về ô nhiễm sinh thái như hiện nay, điều này một lần nữa lại được nhấn mạnh. Câu hỏi được đặt ra là: chúng ta sẽ trao cho họ món quà gì đây?[22] Chẳng lẽ một trái đất với nhiều thương tổn và một môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng? Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta rằng: “khủng hoảng môi sinh thôi thúc diễn tả một tình liên đới phải được phủ lấp cả không gian lẫn thời gian. Một cảm thức lớn hơn về sự liên đới với các thế hệ phải là nhu cầu cấp bách. Thế hệ tương lai không thể ôm lấy những hậu quả về môi trường mà chúng ta gây ra”.[23] Cũng vậy, Thông điệp Laudato Si của Đức Francis gần đây cũng đòi hỏi chúng ta nhận thức về “món quà vay mượn” này[24]; Nghĩa là chúng ta bị phải trao lại cho thế hệ tương lai một trái đất tốt lành, hợp với lẽ công bình mà ta đã lãnh nhận. Điều đó ắt hẳn lệ thuộc vào quyết định của chúng ta ở lối sống hiện tại, ở những việc chúng ta đang làm.

Như thế, ngay khi nghĩ tới những quyết định và hành xử của mình, người ta luôn phải quy chiếu đến công bằng với thế hệ sau.  Không chỉ vậy, người ta còn được mời gọi: “cần phải nhấn mạnh về mặt luân lý đến sự liên đới ngay trong một thế hệ.”[25] Cụ thể ở đây là sự công bằng dành cho những người nghèo ngay trong hiện tại này. Thật vậy, những người nghèo là những người thường phải gánh chịu những thiệt thòi. Họ phải sống trong vùng ô nhiễm, sử dụng nguồn nước không còn trong sạch hay phải gánh chịu số phận của những kẻ sống chung với rác, với ô nhiễm và những thứ thấp bé nhất. Do đó, bất cứ hành vi thiếu tôn trọng nào đối với môi trường cũng là một sự bất công đối với những người anh em mình. Đó cũng là sự tước đoạt bất công những gì mà Thiên Chúa đã ban chung cho nhân loại và bất cứ ai cũng có quyền hưởng dùng. Ở đây, GHXHCG đề ra cho người ta một hướng dẫn cụ thể: “những người giàu phải chấp nhận một lối sống ít vật chất hơn, ít lãng phí hơn, để trách gây thiệt hại những di sản mà họ bắt buộc phải làm theo lẽ công bình để chia sẻ với mọi người khác.”[26] Thông Điệp Laudato Si cũng hướng dẫn điều tương tự rằng:  “Không ai đòi hỏi phải trở về thời đồ đá… nhưng điều tất yếu là phải làm chậm lại bước tiến để nhìn vào thực tế một cách khác, đón nhận những bước tích cực và lâu dài, đồng thời đánh giá lại các giá trị và những mục đích lớn lao nhưng bị phá vỡ bởi một sự cuồng nhiệt hoang tưởng.”(Laudato Si, 114)

Hơn nữa, GHXHCG còn nhắc nhở chúng ta về căn tính của mình rằng: “Đức ái Kitô giáo đòi buộc không chỉ trao tặng cho người khác những cái mà mình dư thừa, nhưng đôi khi đòi hỏi cả những cái cần thiết của mình để giúp đỡ người nghèo (Centesimus Annus,36). Giải thích thêm về điều này Thông điệp  viết tiếp:  “không chỉ có trái đất được Thiên Chúa ban cho con người và họ phải sử dụng nó trong sự tôn trọng ý hướng nguyên thủy, tốt đẹp của Đấng Tạo Hóa, nhưng cả con người cũng được Ngài ban cho chính mình. Như vậy, con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà mình đã lãnh nhận.” (Centesimus Annus, 38)

Ngoài ra, việc nhấn mạnh ý thức về sự công bằng dành cho người nghèo được GHXHCG nói đến không chỉ ở bình diện cá nhân, từng người; mà quan trọng hơn hết nó phải được thực hiện trong quy mô rộng lớn hơn: Quốc gia giàu giúp quốc gia nghèo; dân tộc giàu giúp dân tộc thiếu thốn. Bởi lẽ chính các quốc gia, dân tộc giàu này đang “mắc nợ môi sinh” những quốc gia nghèo hơn, khi họ mang những phương tiện kỹ thuật đến các quốc gia này khai thác tài nguyên khoáng sản. Đồng thời họ để lại nơi các quốc gia này vô số những hậu quả về môi trường lẫn về kinh tế và xã hội. (x. Laudato Si, 51-52)

Nói tóm lại, việc ý thức về công bằng, cả với người cùng một thế hệ lẫn thế hệ sau,  là một trong những đòi hỏi mà GHXHCG không ngừng nhắc nhở mọi người. Một khi mỗi cá nhân và từng người ý thức được điều này này, chắc hẳn vấn đề môi trường sẽ được cải thiện qua lối sống của họ. Phần tiếp theo dưới đây, người viết sẽ đưa ra một vài phản tỉnh như một gợi ý áp dụng dựa trên HTXHGH.

VI. SUY TƯ VÀ ĐỀ NGHỊ MỘT VÀI GIẢI PHÁP TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM

Trở lại với hiện trạng môi trường mà chúng ta đang phải đối diện hiện nay, điều duy nhất chúng ta có thể thực hiện là bắt tay vào việc hành động và cải tạo thế giới này. Dựa trên những chỉ dẫn của HTXHCG, người viết thiết nghĩ chúng ta có thể đưa ra một số áp dụng như sau:

1. Đẩy mạnh giáo, dục nâng cao nhận thức về môi trường cho mọi người mọi tầng lớp

Mọi sự đều khởi đi từ ý thức. Người ta chỉ có thể bảo vệ môi trường khi hiểu rõ và nhận thức rõ tầm quan trọng của nó trong đời sống con người. Thực tế ở Việt Nam hiện nay đang nảy sinh vấn đề chưa được giải quyết triệt để là nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội còn rất thấp, bao gồm cả các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp và cả người dân. Do đó, phải chăng Giáo Hội cũng như xã hội cần có sự hợp tác với nhau để giúp cho mọi người có cơ hội hiểu rõ hơn về mối tương quan và tầm quan trọng của môi trường. Chẳng hạn, ngang qua việc giảng dạy, lãnh đạo, những người làm công tác giáo dục, giảng dạy (các giám mục, linh mục, giáo lý viên, giáo viên, các cấp lãnh đạo…) có thể trình bày những nhận thức này cho nhiều đối tượng khác nhau để nâng cao tầm nhận thức.

Cách riêng đối với các tín hữu, chúng ta có thể đẩy xa hơn sự ý thức này nhờ cái nhìn chiêm niệm đến từ đức tin để giúp mọi người nhìn nhận những liên hệ qua đó Thiên Chúa liên kết họ với mọi sinh vật, cũng như trao phó cho họ trong tư cách người quản lý thọ tạo. Từ nhận thức này, họ sẽ phát huy khả năng sáng tạo và sự hăng hái vào những hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, họ sẽ biết cách sống điều độ, siêu thoát và tập rèn những thói quen có ích cho mình và xã hội. Như thế, trong mục vụ, người mục tử phải làm sao để  mỗi tín hữu trở thành chứng tá sống động cho việc bảo vệ môi sinh và lợi ích của người nghèo.

Hơn nữa xét về mặt phương pháp và tâm lý, theo suy nghĩ của người viết, người Việt Nam là những người rất giàu tình cảm. Chẳng hạn, người ta dễ dàng rộng tay “trợ giúp trực tiếp” một người bệnh để cho người ấy vượt qua cơn hiểm nghèo. Tuy nhiên, có lẽ ít ai để ý tới việc “trợ giúp gián tiếp” và tận căn hơn. Đó là cùng nhau góp phần cải thiện môi trường để tránh đi những bệnh tật ấy.

2. Khuyến khích một lối sống xanh: thanh đạm, điều độ, tránh lãng phí….

Song song với việc gây ý thức, chúng ta cần đề ra những áp dụng thực hành cụ thể. Nếu làm như thế, HTXGGH không chỉ đề ra một mớ lý thuyết, nhưng là đưa ra  một lối sống, một hành động dấn thân cụ thể cho mọi tầng lớp. Đây là một trong những giải pháp mà Đức Francis trong Thông Điệp Laudato Si đã đề ra. Thay vì nhấn mạnh tới những luật lệ, ràng buộc để bảo vệ môi trường, ngài đề cập tới việc gây ý thức để hình thành một “công dân sinh thái”. Theo ngài, có vô số những thói quen nhỏ nhưng có tác động to lớn đối với việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, “tránh sử dụng các vật có chất liệu nhựa hóa chất và giấy, tiết kiệm trong sử dụng nước, phân loại các rác thải, nấu nướng vừa đủ cho bữa ăn, chú tâm lo lắng cho cách sống của những người khác, sử dụng các phương tiện lưu thông công cộng hay xe ô-tô với nhiều người, trồng cây, tắt đèn khi không sử dụng, tái sử dụng lại một vật thay vì ‘QUANG NÉM ĐI’”[27]Tất cả những thói quen này ai cũng có thể tập và làm được. Và hơn hết, đây là những hành động quảng đại và xứng đáng, sẽ đem lại sự tốt đẹp cho nhân loại.

3. Thành lập, khuyến khích và cổ võ các nhóm, các tổ chức hoạt động cho môi trường xanh trong quy mô giáo xứ, giáo phận…

Tạo những thói quen cá nhân giúp bảo vệ môi trường, dù rất tốt, nhưng có lẽ chưa đủ. Chính vì thế, Giáo Hội cũng cần cộng tác với các tôn giáo khác hay tổ chức khác trong xã hội để thiết lập và cổ võ cho các nhóm, các tổ chức hoạt động về môi trường. Nói như Đức Francis, vì đó là “ngôi nhà chung” của mọi người và cần có một “cuộc hoán cải môi sinh toàn diện”. Như thế, phải chăng chúng ta cần quan tâm và đẩy mạnh nhiều hơn tới các hoạt động công ích xã hội, cụ thể ở đây là cải thiện môi trường nơi các nhóm, đoàn thể. Thật ra, nếu so sánh với các tổ chức, đoàn hội nước ngoài, các đoàn thể ở Việt Nam nói chung dường như còn thiếu hoặc có rất ít các hoạt động mang tính xã hội như thế.

4. Giáo hội địa phương đôi lúc cũng cần đại diện người dân lên tiếng trước những vấn nạn công nghiệp, khai thác khoáng sản ảnh hưởng tới môi trường

Công việc mục vụ của Giáo Hội chỉ thực sự hữu hiệu khi Giáo Hội đứng về phía người nghèo, người không có tiếng nói và dám lên tiếng trước những bất công của xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta có thể thấy những bất công này ở nhiều nơi khi các công ty, xí nghiệp chỉ lo thu lợi nhuận mà không trang bị những phương tiện kỹ thuật và nhân lực cho bảo vệ môi trường tự nhiên. Họ khai thác, sử dụng quá nhiều trong khi không đầu tư tái tạo hoặc sử lý ô nhiễm. Hậu quả của điều này là toàn xã hội phải gánh chịu, nhưng trước hết và trên hết là những người nghèo. Vậy phải chăng Giáo Hội Việt Nam cần có những tiếng nói chính thức bảo vệ những con người như thế? Thật vậy, cho tới nay chúng ta chưa thấy tài liệu hay tiếng nói chính thức nào của Giáo Hội Việt Nam cho vấn đề môi trường như thế. Đồng thời, Giáo Hội cũng có thể tạo điều kiện cho chính những người nghèo ý thức về sự bất bình đẳng mà họ gánh chịu thay vì là im lặng, nhẫn nhục. Nghĩa là giúp họ ý thức về nhân phẩm, quyền lợi của họ trong công việc cũng như môi trường sống.   

Hơn nữa, xét về phương diện pháp lý, Giáo Hội địa phương cũng có thể kiến nghị đòi hòi những quy định nghiêm nhặt liên quan đến môi trường. Thực trạng xã hội Việt Nam cho thấy dường như còn thiếu những hình thức luật và chế tài rõ ràng để ngăn ngừa những doanh nghiệp, cá nhân thiếu tôn trọng môi trường và an toàn sống của người khác. Do đó, phải chăng Giáo Hội cũng cần lên tiếng, kiến nghị để đòi lại sự công bình cho thiên nhiên và người nghèo. Nói như Đức Francis, chúng ta có thể “gây một sức ép lành mạnh”  trên người nắm giữ quyền bính chính trị, kinh tế và xã hội để “thay đổi được cách hành xử của các xí nghiệp, bó buộc họ cứu xét ảnh hưởng về môi sinh và những kiểu mẫu sản xuất” (X. Laudato Si, 206)

5. Yêu cầu trợ giúp cũng như cộng tác với các tổ chức quốc tế

Tương tự như trên, Giáo Hội cũng có thể cộng tác với nhà nước để kêu gọi và xin trợ giúp từ các tổ chức môi trường hay các nước giàu mạnh. Từ đó chúng ta có thể có những dự án và kỹ thuật phù hợp nhằm cải thiện môi trường chúng ta hiện nay. Nếu những đề nghị trên được áp dụng và thực hiện, người viết thiết nghĩ tình trạng môi trường ở Việt Nam sẽ sớm được cải thiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tài Liệu Của Giáo Hội (xếp theo thời gian)

 

  1. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes, 1966.
  2. ĐGH Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progessio, 1967.
  3. ĐGH Phaolô VI, Tông Thư Octogesima Adveniens, 1971.
  4. World Synod of Catholic Bishops, Justice in the World, 1971.
  5. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis,1979.
  6. HĐGM Hoa Kỳ, Econmic Justice for All,1986.
  7. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis,
  8. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á, 1999
  9. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, 1991
  10. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae,
  11. A Pastoral Statement of the United States Catholic Conference, , 1991
  12. HĐGH về Công Lý và Hòa Bình, Compendium of the Social Doctrine of the Church, 2004.
  13. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 1992.
  14. ĐGH Bênêđictô XVI, Thông Điệp Caritas in Veritate,
  15. ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, 2010.
  16. ĐGH Francis, Thông Điệp Laudato Si, 2015.

 

  1. Các Sách Và Websites Tham Khảo

 

  1. Evans, F., Lazarus at the Table: Catholic and Social Justice, Liturgical Press, 2006.
  2. Massaro, Thomas, Living Justice: Catholic Social Teaching in Action, Rowman & Littlefield Publishers, 2015.
  3. http://www.gocnhinalan.com/nhung-cuon-sach-hay/o-nhiem-moi-truong-tai-viet-nam.html
  4. http://www.nguoiduatin.vn/hien-trang-moi-truong-viet-nam-va-nhung-loi-bao-dong-a87789.html
  5. http://thanthienmoitruong.com/tin-tuc/21/thuc-trang-o-nhiem-moi-truong-nuoc-ta-hien-nay.html
  6. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10008&cn_id=724373
  7. http://mtnt.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1107/31498/thuc-trang-va-giai-phap-cho-van-de-o-nhiem-moi-truong-nuoc-o-viet-nam
  8. http://cie.net.vn/vn/Thu-vien/MT-Khoang-san/Hien-trang-khai-thac-khoang-san-o-Viet-Nam.aspx
  9. http://www.nguoiduatin.vn/hien-trang-moi-truong-viet-nam-va-nhung-loi-bao-dong-a87789.html

[1] http://www.gocnhinalan.com/nhung-cuon-sach-hay/o-nhiem-moi-truong-tai-viet-nam.html

[2] http://www.nguoiduatin.vn/hien-trang-moi-truong-viet-nam-va-nhung-loi-bao-dong-a87789.html

[3] http://thanthienmoitruong.com/tin-tuc/21/thuc-trang-o-nhiem-moi-truong-nuoc-ta-hien-nay.html

[4] http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10008&cn_id=724373

[5]http://mtnt.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1107/31498/thuc-trang-va-giai-phap-cho-van-de-o-nhiem-moi-truong-nuoc-o-viet-nam

[6] http://cie.net.vn/vn/Thu-vien/MT-Khoang-san/Hien-trang-khai-thac-khoang-san-o-Viet-Nam.aspx

[7] http://www.nguoiduatin.vn/hien-trang-moi-truong-viet-nam-va-nhung-loi-bao-dong-a87789.html

[8] X. B. F. Evans, Lazarus at the Table: Catholic and Social Justice,Liturgical Press, 2006, tr. 106-107

[9] GLGHCG  số 339

[10] X. Thông Điệp Laudato Si, 68.

[11] GLGHCG số 344

[12] X. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 464

[13] X.Thomas Massaro, Living Justice: Catholic Social Teaching in Action, Rowman & Littlefield Publishers, 2015, tr.183

[14] X.Thomas Massaro, Living Justice: Catholic Social Teaching in Action, Rowman & Littlefield Publishers, 2015, tr. 181

[15] X. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 462-464.

[16] Thomas Massaro, Living Justice: Catholic Social Teaching in Action, Rowman & Littlefield Publishers, 2015, tr.179.

[17] X. A Pastoral Statement of the United States Catholic Conference, November 14, 1991

[18] X. Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á 1999

[19] HĐGM Hoa Kỳ, Econmic Justice for All,(1896), số 34.

[20] Compendium of the Social Doctrine of the Church, số 466.

[21] Thomas Massaro, Living Justice: Catholic Social Teaching in Action, Rowman & Littlefield Publishers, 2015, tr.179.

[22] X. Thông Điệp Laudato Si, số 160

[23] Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, 2010.

[24] X. Thông Điệp Laudato Si , 159-62

[25] Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, 2010.

[26] World Synod of Catholic Bishops, Justice in the World, 1971, số 70.

[27] Thông Điệp Laudato Si, 211