Ảnh từ Internet

Môn học: Tư Vấn Mục Vụ – Phân Định và Đồng Hành Thiêng Liêng
Giáo sư: Nguyễn Đức Hạnh
Học viên: Trương Minh Cao

 

Lắng nghe thấu cảm là một trong những chìa khóa quan trọng trong đồng hành thiêng liêng. Nó giúp cho người đồng hành hiểu biết chiều sâu nội tâm và vấn đề của người thụ hướng để cùng phân định và đồng hành thiêng liêng với họ. Bài viết này trình bày cái nhìn của tác giả về giá trị của lắng nghe thấu cảm, đồng thời cũng giới thiệu một vài kỹ năng và lời khuyên để thực hành “lắng nghe thấu cảm” một cách hiệu quả.

 

Thật không ngẫu nhiên, nhà thơ Xuân Quỳnh đã mượn hình ảnh của Thuyền và Biển để diễn tả tâm tình thấu hiểu, nỗi khắc khoải được nên một và câu chuyện tình tứ của đôi trai gái đang yêu:

Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu.

Những ngày không gặp nhau biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau lòng thuyền đau rạn vỡ.

Thuật ngữ “thấu hiểu” hay “thấu cảm” người ta thường dùng trong những tương quan yêu đương. Chỉ trong tương quan tình yêu, thuật ngữ này mới có thể được diễn tả tương đối trọn vẹn nội hàm của chính nó.

Thế mà nay, việc lắng nghe thấu cảm được đòi hỏi một cách nghiêm túc trong tương quan đồng hành thiêng liêng. Đòi hỏi ấy giả định trước một tương quan tiến đến yêu thương giữa người đồng hành và người thụ hướng. Tình yêu này được hiểu theo nghĩa bao quát nhất, nghĩa là bao gồm tất cả những gì tốt đẹp nhất mà hai bên mang lại cho nhau. Như thế, để một tương quan đồng hành mang tính trợ giúp đúng nghĩa, ta không thể bỏ qua việc lắng nghe thấu cảm trong việc đồng hành. Như nhà tâm lý học Ba Lan Krytyna Skarzyska[1], trong một bài viết của mình, đã có câu kết luận khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Chất lượng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc khá lớn vào việc xung quanh chúng ta có nhiều người thấu hiểu chúng ta hay không.” Tuy nhiên, trước tiên ta cần tìm hiểu đôi nét về thuật ngữ “thấu cảm.”

“Thấu cảm” là một từ được rút ra từ tiếng Hy Lạp cổ (ἐμπάθεια (empatheia)), nghĩa là cảm xúc hay đau khổ bên trong (ἐν (en) = “in, at” + πάθος (pathos) = “passion” or “suffering”). Thấu cảm (empathy) có nhiều định nghĩa khác nhau chứa đựng một khoảng rộng các trạng thái cảm xúc gồm: chăm sóc người khác và khao khát giúp họ, kinh nghiệm về những cảm xúc am hợp với cảm xúc của người khác, nhận thấy những gì mà người khác đang nghĩ hay đang cảm và có một sự khác biệt chút ít trong hiểu biết giữa chính mình với người kia. Thấu cảm là khả năng để hiểu hay cảm nhận và chia sẻ những gì mà người khác đang kinh nghiệm từ trong “khung trời” của họ; nghĩa là khả năng đặt chính mình trong vị trí của người khác.[2]

Tuy nhiên người ta vẫn thường hay lầm lẫn và bối rối trong khi sử dụng giữa “thấu cảm” (empathy) và “đồng cảm” (sympathy). Cả hai từ đều diễn tả tính tương quan mà một người có những cảm xúc và những kinh nghiệm về người kia. Tuy nhiên, Sympathy được dùng với nghĩa phổ biến là sự thương hại, thương xót hay những cảm xúc sầu buồn cho một ai đó đang kinh nghiệm sự đau khổ. Còn Empathy được sử dụng rộng rãi hơn với nghĩa phổ biến thông thường nhất, là năng lực hay khả năng để tự hình dung trong hoàn cảnh của người kia, nhờ đó mà kinh nghiệm được một cách gián tiếp những cảm xúc, những ý niệm hay những quan niệm của người kia.[3]

Như vậy, lắng nghe thấu cảm là một khả năng lắng nghe với tất cả đặc tính của sự thấu cảm ấy, để người lắng nghe có thể hiểu người kia như là chính người kia hiểu mình.

Vậy đồng hành thiêng liêng là gì? Tại sao nó có liên hệ với khả năng lắng nghe thấu cảm? Đồng hành thiêng liêng là trợ giúp mục vụ dành cho cá nhân muốn khao khát tăng trưởng trong tương quan với Thiên Chúa, muốn tìm biết ý Chúa trên đời mình.[4] Trong việc đồng hành thiêng liêng này, người đồng hành cũng cần phải giúp cho người thụ hướng nghe biết và phân định những tác động của các thần trong nội tâm của anh ta. Đôi khi, vị ấy cũng trợ giúp những xáo trộn tâm lý ít trầm trọng, cũng như là tư vấn các vấn nạn về mục vụ nảy sinh trong tiến trình đồng hành của người thụ hướng. Một cuộc đồng hành thiêng liêng không bao giờ chỉ là đồng hành thiêng liêng, nhưng nó bao hàm cả những vấn đề liên quan đến đức tin, tâm lý và nhân cách. Đó là những khía cạnh rất phức tạp của con người. Chính vì thế, khả năng lắng nghe thấu cảm giúp cho người đồng hành có khả năng nối kết với môi trường hay câu chuyện cuộc đời của người thụ hướng. Vị ấy có thể giúp người kia theo như “cái rất riêng” của anh ta, để anh ta được lớn lên trong Chúa.

Kỹ thuật nào được người ta ứng dụng để có thể lắng nghe thấu cảm trong đồng hành thiêng liêng? Nhiều kỹ thuật khác nhau được người ta sử dụng để diễn tả việc lắng nghe thấu cảm như: nhắc lại ý của thụ hướng để kiểm tra thông tin hay để chính xác hóa thông tin, nên dùng những câu hỏi gợi mở nhằm khuyến khích chia sẻ và bộc lộ, tránh những phán đoán bồng bột nóng vội, lắng nghe cách chăm chú cả những ngôn ngữ có lời lẫn những ngôn ngữ không có lời (cử chỉ, thái độ…), để ý đến quá khứ và những nét ẩn khuất khác…[5] Tuy nhiên, tôi thấy rằng, có một số điều cần được chú ý đặc biệt hơn trong kỹ năng này.

Trước tiên, để có thể thấu hiểu, vị đồng hành không nên để mình bị lôi cuốn một cách dễ dàng vào sự cứng nhắc trong phán đoán của riêng mình. Việc lắng nghe chăm chú phải là một quá trình tích cực, không chỉ là thu thập thông tin mà còn là sắp xếp thông tin và tái tạo chúng, thậm chí còn gán cho nó một ý nghĩa nhất định trong chính ngữ cảnh của điều người đồng hành hiểu về người kia. Một sự phán đoán cứng nhắc có thể là phán đoán nóng vội khi chưa đủ hiểu biết thông tin hay thiếu kiên nhân lắng nghe; cũng có thể nó đến từ một quyến luyến lệch lạc của người đồng hành về một khía cạnh nào đó. Ví dụ, vị đồng hành có lòng sùng kính Đức Maria rất nhiều, vị này dễ “chụp mũ” ngay những kinh nghiệm của người thụ hướng dưới lăng kính kinh nghiệm của mình khi thụ hướng chia sẽ về Đức Mẹ hay những kinh nghiệm thiêng liêng khác liên quan. Vì thế, vị đồng hành cần có một khách quan trong lắng nghe thấu cảm.

Hơn nữa, để có năng lực thấu hiểu người khác, người đồng hành phải có năng lực để hiểu rõ bản thân mình.[6] Hiểu rõ người khác và hiểu rõ bản thân mình là hai điều có tương quan mật thiết với nhau. Một sự thấu đáo nhất về nhau chỉ có thể xảy ra trong mối quan hệ giữa hai cá nhân, nhờ sự tập trung trọn vẹn cho nhau. Thấu hiểu một người là hiểu một cách chính xác về nhu cầu, mục đích, nỗi lo lắng, niềm hy vọng, cảm xúc và cả thế giới quan của người đó. Nhưng một cách thực tế cho thấy, việc quan sát, nhận thức và hiểu biết của người đồng hành về người kia lại bị bó gọn trong cái chân trời của vị ấy. Cái chân trời ấy là một núi kinh nghiệm, kiến thức, tính cách, thế giới quan… riêng tư của vị ấy. Điều này thật là nghịch lý: để thấu hiểu người kia, một mặt người đồng hành phải có kinh nghiệm về bản thân mình cách phong phú và chỉ có thể hiểu được người kia dưới lăng kính thế giới quan đó.[7] Song, mặt khác chính lăng kính riêng của người đồng hành có thể là nguy cơ làm nghèo nàn cái hiểu về người kia. Và một trong hai khía cạnh hiểu mình và hiểu người khác sẽ được bổ túc cho nhau nếu một khía cạnh nào đó bị khuyết. Maria Jarymowice[8] nói rằng, cách và mức độ đánh giá bản thân cũng ảnh hưởng lớn đến mức độ hiểu chính xác về người khác. Hiểu được người khác cũng nhờ (và cũng giúp) hiểu được chính mình.

Cuối cùng, việc lắng nghe thấu cảm phải là một việc lắng nghe mang tính sẻ chia.[9] Việc thấu hiểu giữa hai cá nhân làm nổi bật đặc tính chia sẻ trong lắng nghe. Trọng tâm của tính chia sẻ ấy phải là tình yêu đại đồng. Tình đại đồng không đồng nghĩa với sự bao che giữa hai cá nhân, tức không phải là một sự thừa nhận, nhưng đặt nền trên sự đón nhận nhau. Nó cũng không chính yếu là đồng nhất mình với người khác (cùng sẻ chia gánh vác trách nhiệm cho nhau) nhưng chính yếu là thái độ gắn kết giữa người với người. Chính vì thế, người đồng hành cần phải đặt mình vào cái tổng thể phức tạp của người thụ hướng để lắng nghe cả những điều kín ẩn bên trong anh ta với một sự tôn trọng nhất thiết. Tuy nhiên, xu hướng và thái độ đại đồng đôi khi cũng làm cho việc nhận thức và hiểu sai về người khác. Người ta dễ dàng lấy quy chuẩn số đông hay đồng hóa mà quy gán một đặc tính cho một nhóm người nào đó. Ví dụ, vị đồng hành dễ có nguy cơ thành kiến với thụ hướng có quê ở Vinh, vì nhiều người trong xã hội có định kiến với những người gốc Vinh – Nghệ An. Chính vì thế người đồng hành cần phải làm sạch lăng kính tâm lý của mình để có thể tiếp nhận và có thể lắng nghe thấu cảm người khác. Lắng nghe mang tính chia sẻ là một lắng nghe biết hy sinh.

Điều cản trở chính yếu để người đồng hành có thể lắng nghe thấu cảm là cái “tôi” cá nhân. Có nhiều điều cần tránh vì chúng gây cản trở để hiểu người khác như: tránh sự thấu cảm mà chỉ có tính chức năng, tránh hiểu thấu cảm chỉ như là lòng tốt, hay tránh đổ lỗi…[10] Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là chính cái khuôn mẫu “tôi” của chính tôi. Yếu tố chủ quan này bao gồm những kinh nghiệm của tôi, kiến thức của tôi, cảm nhận của tôi, nhân cách của tôi và cả thế giới quan của tôi. Tôi không thể hiểu người khác vượt ra khỏi cái không gian “tôi” này. Nói như thế, ta có thể giả định rằng, không ai có thể thấu hiểu thật sự được người khác; ai cũng có một thế giới quan riêng và mọi người đều chỉ có thể hiểu trong đó. Điều đáng nói, con người là một mầu nhiệm, ta không thể hiểu biết con người chỉ giới hạn trong những thước đo căn bản. Nhưng ta cần hiểu biết từng con người cụ thể trong từng hoàn cảnh rất riêng của người ấy. Vì thế, vị đồng hành cần có một thái độ luôn rộng mở cho những kinh nghiệm mới, những khung trời mới, mà nơi đó vị ấy nhường chỗ cho Thần Khí Thiên Chúa đang hoạt động không ngừng trên thụ hướng.

Việc lắng nghe thấu cảm cũng có các mức độ khác nhau. Theo Friedemann Schulz von Thun[11], dựa trên mô hình phân tích phát ngôn, mỗi phát ngôn, cho dù là phát ngôn ngắn gọn nhất, đều chứa đựng trọn gói thông tin có xuất phát điểm từ bốn cấp độ sau: cấp độ nội dung (thông tin ở cấp độ từ ngữ), cấp độ hé lộ bản thân (qua thái độ hay tình cảm), cấp độ tương quan ( giữa tôi với người đang đối thoại ra sao) và cấp độ trao lời kêu gọi (tôi muốn khuyến khích làm gì, tôi muốn gây ảnh hưởng gì). Nhờ lắng nghe thấu đáo các cấp độ này, vị đồng hành sẽ được giúp gia tăng khả năng thấu hiểu sâu xa thụ hướng hơn. Nó cũng giúp cho người đồng hành có khả năng đưa ra những phản hồi phù hợp và hiệu quả hơn.

Như vậy, việc lắng nghe thấu cảm thật là quan trọng trong đồng hành thiêng liêng. Lắng nghe thấu cảm là cửa ngõ để hiểu biết sâu xa nội tâm của thụ hướng và là khía cạnh nền tảng trong đồng hành thiêng liêng. Nhờ thấu cảm, người đồng hành nắm bắt được các trạng thái tâm cảm thiêng liêng của thụ hướng như: cám dỗ, chiến đấu, hoán cải, an ủi, sầu khổ, sốt mến, dấn thân,… Người đồng hành cũng xác định được bước phát triển của thụ hướng trên hành trình thiêng liêng của anh ta và giúp nhận ra những dấu chỉ hoạt động của Thiên Chúa trên cuộc đời của anh ta. Nhờ thế, người đồng hành có thể đưa ra những hướng dẫn hay khuyến khích hoặc cảnh giác chính xác hơn cho người thụ hướng. Ngược lại, người thụ hướng một khi được lắng nghe thấu cảm, họ cảm thấy tin tưởng vào sự dẫn dắt của người đồng hành để tiến đến trong tương quan với Thiên Chúa: nhờ được thấu hiểu thụ hướng không còn cảm thấy cô đơn hay mù tối. Việc thấu cảm giúp cho người đồng hành có những lời hướng dẫn khách quan, nhờ đó người thụ hướng có thêm sự tự tin để nhận ra chính mình, để mở ra với những điều mới mẽ trong Thần Khí và mạnh dạn thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi cho phù hợp với thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đúng như một tác giả nói, Empathy là món quà được tặng ban từ bản chất để đảm bảo sự sống còn của tất cả con người.[12]

Ngày nay, người ta ứng dụng việc lắng nghe thấu cảm trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam, để việc đồng hành có nhiều hoa trái hơn. Trong văn hóa giao tiếp của người Việt,[13] có những nét văn hóa nổi bật mà ta nên để ý trong tương quan đồng hành. Trước tiên, có một nghịch lý là người Việt vừa rất thích giao tiếp nhưng lại vừa rụt rè trong giao tiếp. Một mặt người Việt có tính cộng đồng và tính hiếu khách rất cao nhưng mặt khác tính tự trị làm cho họ trở nên rụt rè. Có thể nói, chúng là hai mặt của cùng một bản chất, biểu hiện cách ứng xử của người Việt. Thứ đến, người Việt luôn lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử. Điều đó nói lên rằng, họ luôn có trách nhiệm quan tâm đến những người khác. Đây cũng là lý do tại sao người Việt hay có những câu hỏi về cá nhân của người tương quan. Cuối cùng, người Việt rất trọng danh dự, luôn thích sự ý nhị và hòa hợp trong giao tiếp. Khi hiểu biết được những nét này, việc lắng nghe thấu cảm trong đồng hành thiêng liêng có được mãnh đất mầu mỡ để canh tác; đồng thời, người đồng hành cần để tâm cách đặc biệt những khoảng “rụt rè”, “ý nhị”, “trọng tình” và “sĩ diện” ấy mà thiết lập tương quan đồng hành sao cho có hiệu quả hơn. Một mặt, những nét này có thể dễ gây tổn thương và xáo trộn cho người thụ hướng, nhưng mặt khác nó cũng là điểm mạnh giúp người đồng hành dễ thấu cảm thụ hướng và đồng hành hiệu quả hơn.

Lắng nghe thấu cảm là cuộc giao duyên giữa người với người, là nụ hôn giữa đất với trời. Qua lắng nghe thấu cảm hai con người được kết nối lòng trong lòng, nơi ấy chiều sâu tâm hồn được rộng mở và rộng cửa cho một cuộc gặp gỡ siêu nhiên. Thiên Chúa đến gặp gỡ con người và con người đón tiếp Ngài vào nhà của mình. Thấu cảm mở rộng con đường để một cuộc đụng chạm yêu đương cháy lửa tình của một Vị Thiên Chúa luôn khát khao yêu thương từ trời cao với những tầm nhân ở nơi đất thấp. Nơi ấy con người tìm thấy được mãnh đất mầu mỡ của đời mình và sẵn sàng bán đi tất cả để tậu được nó. Việc lắng nghe thấu cảm trở nên linh thiêng và cao quý khi người sử dụng nó ôm ấp hết vào nơi mình những nhân đức thánh thiện: sự trung thực, lòng khiêm hạ, lòng biết ơn, luôn tin tưởng và đầy tràn hy vọng…[14]

[1] Krystyna Skarżyńska (1935- ): là một nhà tâm lý học Ba Lan, giáo sư về Khoa học nhân văn, chuyên môn Tâm lý học xã hội. Bà thành viên của Hiệp hội tâm lý Ba Lan; członek European Association of Experimental Social Psychology; thành viên của Hiệp hội các thực nghiệm Tâm lý học xã hội châu Âu…

[2] Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Empathy: Emphathy; The Power of Empathy, (NY: Penguin Group, 2000), (tr. 4): Empathy là khả năng để hiểu và đáp trả lại những kinh nghiệm duy nhất của người kia.

[3] http://blog.dictionary.com/empathy-vs-sympathy/,  đăng vào ngày 9/2/ 2016 bởi Dictionary.com.

[4] Trương Thanh Tùng, SJ., Đồng Hành Thiêng Liêng, (2004) tr. 10.

[5] The Power of Empathy, NY: Penguin Group, (2000), ch. 4 và 5.; Theo Phạm Quốc Văn, OP., Trên Đường Emmau – Một Thoáng Nhìn về Việc Đồng Hành Thiêng Liêng,(2012-2011), (tr. 19-23): lắng nghe nhưng không được xét đoán, ý thức mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa dùng, không bao giò quyết định dùm người khác.

[6] TS. Nguyễn Chí Thuật, Tạp chí Tri Thức Trẻ: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nghe_thuat_lang_nghe_thau_hieu_nguoi_khac.html, đăng vào thứ sáu, 08/11/2013.

[7] Theo Phạm Quốc Văn, OP., sdd., (tr. 24-26): người đồng hành phải có khả năng biết lắng nghe, biết mình và sẵn sàng đón nhận tha nhân với tất cả sự khác biệt.

[8] Maria Jarymowice (1942 –  ): nhà tâm lý học người Ba Lan, giảng viên đại học và là nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm Lý Học đại học Warsaw.

[9] TS. Nguyễn Chí Thuật, sdd.

[10] The Power of Empathy, sdd., ch. 7.

[11] Friedemann Schulz von Thun (1944 – ): nhà tâm lý người Đức, là giáo sư tâm lý của đại học Hamburg, là chuyên gia về truyền thông và là người sáng lập của Viện Truyền Thông Schulz von Thun.

[12] The Power of Empathy, NY: Penguin Group, (2000), tr. 18.

[13] Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, (Nxb. Giáo dục, 1999), tr. 155-160.

[14] The Power of Empathy, sdd., Phần II, tr. 98-161; Phạm Quốc Văn, OP., sdd., (tr. 26-28).