Bài đọc: (Đnl 26,4-10)

26

“Hôm nay tôi xin trình với ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, rằng tôi đã vào miền đất mà ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông chúng tôi là Người sẽ ban cho chúng tôi.”

4Tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh (em) và đem đặt trước bàn thờ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em). 5Bấy giờ, anh (em) sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) rằng:

“Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi; tại đó, người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông.6Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. 7Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. 8ĐỨC CHÚA đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. 9Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tuôn chảy sữa và mật. 10Và bây giờ, lạy ĐỨC CHÚA, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.”

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sách Đệ Nhị Luật là bộ sách trong Ngũ Thư (5 sách đầu của Kinh Thánh: Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ Nhị Luật). Nội dung của sách có nhiều dấu hiệu phản ánh việc biên soạn được thực hiện qua nhiều giai đoạn. Có lẽ thời gian trước biến cố sụp đổ của vương quốc Ít-ra-en 721 TCN, các tư tế Lê-vi đã thu thập những truyền thống tôn giáo của dân tộc để tạo nên bộ sách luật, nhắc nhở dân về lịch sử và lối thực hành những điều cha ông đã giao ước với Đức Chúa ở chân núi Sinai. Sau năm 721 TCN, có lẽ các tư tế miền Bắc đem theo sách luật này khi di tản về vương quốc Giu-đa nhưng không rõ có chuyện gì xảy ra tiếp theo. Bộ sách cũng thất lạc cho đến năm 622, khi vua Giô-si-gia công bố tìm thấy bản văn luật và cho cải cách tôn giáo. Chắc chắn khi ấy các tư tế và hiền sĩ đã triển khai bộ luật và thêm vào đó những yếu tố thích nghi với bối cảnh xã hội của vương quốc Giu-đa. Đền thờ tại Giê-ru-sa-lem sẽ thay thế cho Si-khem. Đến thời hậu lưu đày, bản Đệ Nhị Luật được bổ túc phần 3 chương đầu và 4 chương cuối để hoàn chỉnh bối cảnh của sách này.

Bộ sách Đệ Nhị Luật răn dạy về đề cương giáo lý: tin một Chúa duy nhất, một nơi thờ phượng Đức Chúa duy nhất, một Đức Chúa trung tín và hết mực yêu thương dân, vai trò quan trọng của vị trung gian giữa Đức Chúa và dân Người. Sách này gồm 34 chương, gồm bộ luật thánh (12-26,15), ba diễn từ của ông Mô-sê dành cho dân (1-4,43; 4,44-11,32.26,16-28,68; 28,69-30,20) và những việc cuối đời của ông Mô-sê (31-34). Đoạn sách (Đnl 26,4-10) chúng ta tìm hiểu nằm trong phần cuối của bộ luật.

Trong (Đnl 26,4-10), ông Mô-sê truyền cho dân về luật dâng lễ vật đầu mùa lên cho Đức Chúa (x. Xh 23,19). Việc dâng lễ vật này không đơn thuần dừng lại ở những chỉ dẫn về nghi lễ phụng tự mà còn tỏ lòng biết ơn Đức Chúa vì đã chăm sóc dân trong suốt dòng lịch sử và còn ban cho dân những sản phẩm từ thiên nhiên để nuôi sống và làm phong phú mình. Qua đó, việc dâng lễ này cũng thể hiện lòng tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng mạnh mẽ oai hùng, yêu thương và cứu chuộc dân. Chính vì thế mà trong nghi thức dâng của đầu mùa kính Đức Chúa, vị tư tế sẽ kể lại những kỳ công Đức Chúa đã thực hiện cho dân. Người đã nhìn đến những đau khổ của dân trong Ai-cập và đã đưa dân thoát khỏi tình trạng nô lệ, lại còn ban cho dân vùng đất màu mỡ, tràn trề sữa và mật (cc.4-9). Câu 4 và 10 cho thấy bối cảnh và tâm tình của dân. Họ là những con người thiểu số, trắng tay nhưng được Chúa thương ban cho nhiều hoa màu, của cải nên giờ đây họ dâng lên Chúa những sản vật đầu tiên của mùa màng để tỏ lòng biết ơn và tin cậy Chúa.

Cũng như thế, những cám dỗ mà quỷ đề ra cho Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 4,1-13) nhằm vào việc quy kỷ mà không nhìn nhận thực tại giới hạn nơi mình, không biết ơn những gì Chúa ban, không tin cậy vào quyền năng Chúa và dẫn tới cũng chẳng tôn thờ Chúa duy nhất trên hết mọi sự. Đối lại với những cám dỗ ấy, Đức Giê-su một lần nữa dùng lời Kinh Thánh để dạy cho quỷ biết rằng mọi thứ là do Chúa ban và phải tin cậy, tôn thờ một mình Chúa duy nhất mà thôi!

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, 359-360.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.151.