Môn học: Triết học Trung cổ
Giáo sư: Đậu Văn Hồng
Học viên: Nguyễn Hữu Minh Vương, S.J.
Nhắc đến thánh Âu-tinh, chắc hẳn ai cũng biết ngài là một vị thánh lớn trong Giáo Hội Công Giáo và là một thần học gia lỗi lạc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thánh nhân còn là một triết gia lớn thời Trung Cổ. Ngài nổi danh với cuộc hoán cải diệu kỳ. Đó là cuộc hoán cải đức tin, nhưng đồng thời cũng là cuộc hoán cải triết học. Có thể nói, cuộc hoán cải của thánh Âu-tinh là “chuỗi ngày kiếm tìm tình yêu. Đúng hơn, ngài đã mải miết tìm yêu, ban đầu là yêu những gì trần tục. Cho đến một ngày, chàng Âu-tinh trẻ tuổi nhận ra rằng tình yêu mình đã tìm và đã gặp bấy lâu không thể lấp đầy cõi thâm sâu trong ngài. Ngài lại lên đường để tìm yêu; và ngài đã gặp.”
Mục Lục
Dẫn nhập
“Lạy Chúa, con đã yêu Ngài quá muộn!”[1], thánh Âu-tinh đã thốt lên như thế trong kinh nghiệm gặp gỡ Tình Yêu của đời mình. Cuộc đời ngài dường như là những chuỗi ngày kiếm tìm tình yêu. Đúng hơn, ngài đã mải miết tìm yêu, ban đầu là yêu những gì trần tục. Cho đến một ngày, chàng Âu-tinh trẻ tuổi nhận ra rằng tình yêu mình đã tìm và đã gặp bấy lâu không thể lấp đầy cõi thâm sâu trong ngài. Ngài lại lên đường để tìm yêu; và ngài đã gặp. Với thánh nhân, cuộc gặp gỡ ấy là muộn màng, nhưng có lẽ sẽ chẳng bao giờ muộn cho những ai muốn nhìn lại kinh nghiệm tìm và gặp Tình Yêu của ngài vốn được chuyển tải phần nào trong tác phẩm De Civitate Dei. Trước hết, bài viết sẽ đề cập một vài từ ngữ liên quan đến tình yêu được thánh Âu-tinh bàn đến, tiếp đó là hành trình kiếm tìm tình yêu, sau cùng là cuộc gặp gỡ Tình Yêu Tuyệt Đối.
I. MỘT VÀI THUẬT NGỮ LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH YÊU ĐƯỢC BÀN ĐẾN
1. Ý chí – yếu tố chủ đạo chi phối tình yêu
Trước khi bàn về tình yêu, thánh Âu-tinh đề cập đến yếu tố chủ đạo chi phối những chuyển động của linh hồn, đó là ý chí hay ước muốn. Với Plato, tiềm ẩn bên trong ý chí là hai khuynh hướng thiện và ác với hình ảnh hai con ngựa trong một chiếc xe kéo.[2] Dường như đã có một sự tách biệt nào đó giữa thiện và ác trong tư tưởng của ông. Thánh Âu-tinh xem ra không muốn tách biệt thiện và ác thành hai khuynh hướng rạch ròi. Ngài nói: “Ý chí con người mang tính ‘khoảnh khắc’ hay ‘tức thời’, chi phối những chuyển động của linh hồn. Nếu nó sai lầm, chuyển động linh hồn sẽ sai lầm, nhưng nếu đúng đắn, những chuyển động ấy sẽ đáng ngợi ca.”[3] Thánh nhân dường như cho rằng thiện và ác cùng tồn tại trong một ý chí duy nhất, nhưng có khi đúng đắn (tốt), có khi sai lầm (xấu). Theo tựa đề chương 6, quyển XIV, đúng đắn hay sai lầm là hai chiều hướng nảy sinh khi ý chí tác động lên những tình cảm của linh hồn. Như vậy, tình yêu vốn bao hàm những tình cảm bị chi phối bởi ý chí. Từ đó, thánh nhân tiếp tục bàn đến những từ ngữ liên quan đến tình yêu.
2. Tình yêu (amor) và lòng yêu mến (dilectio)
Trong quyển XIV, chương 7, thánh Âu-tinh cho biết, có một vài quan điểm cho rằng amor mang nghĩa xấu còn dilectio mang nghĩa tốt. Khi trưng ra nhiều dẫn chứng trong Kinh Thánh, thánh nhân cho rằng không có sự khác biệt giữa amor và dilectio. Trong đoạn Tin Mừng Ga 21,15-17, với 3 lần Chúa hỏi Phêrô “anh có yêu mến Thầy không?”, 2 lần đầu thánh Gioan dùng dilectio nhưng lần thứ ba lại dùng amor. Trong 3 lần trả lời của thánh Phêrô, thánh sử Gioan đều dùng amor. Trong trường hợp này, amor mang nghĩa tích cực. Còn amor trong 2Tm 3,2: “Người ta sẽ trở thành những kẻ yêu mình (amantes) và kẻ yêu tiền của (amatores)” lại mang nghĩa tiêu cực. Hai ví dụ trên cho thấy amor vừa mang nghĩa tốt vừa mang nghĩa xấu. Dilectio cũng tương tự amor. Thánh Âu-tinh viện dẫn câu Kinh Thánh 1Ga 2,15: “Ai yêu mến thế gian (diligere) thì tình yêu (dilectio) của Chúa Cha không ở trong người ấy.” Chỉ một từ dilectio, thánh Gioan vừa nói đến tình yêu thế gian, vừa chỉ đến tình yêu Thiên Chúa. Qua việc không thể phân biệt rạch ròi tính tốt – xấu trong hai thuật từ trên, có lẽ thánh Âu-tinh muốn nói rằng, chúng ta không thể phân tách tình yêu con người thành hai loại rõ ràng, âu cũng bởi vì tình yêu vốn bị chi phối bởi ý chí, mà ý chí với thánh Âu-tinh thì chỉ có một.
Tình yêu làm nảy sinh những cảm xúc hay tình cảm khác nhau: khao khát (ước ao có được điều mình yêu), niềm vui (sở hữu và tận hưởng điều mình ao ước), nỗi sợ (trốn chạy khỏi điều nghịch với điều mình yêu), và nỗi buồn (khi điều nghịch với điều mình yêu xảy đến).[4] Thánh Âu-tinh cho rằng: “Chúng ta sẽ tệ hơn thay vì tốt hơn nếu hoàn toàn không có các tình cảm trong mình.”[5] Đó là tình trạng impassibilitas, tình trạng không cảm xúc nơi con người. Ngài biện luận: “Nếu không có sợ hãi, buồn đau liệu có có niềm vui và tình yêu hay không?”[6] Như thế, dù những tình cảm có lúc tốt lúc xấu (vì phát xuất từ tình yêu vừa tốt vừa xấu), xem ra ngài không hề coi thường chúng, vì hành trình tìm kiếm tình yêu của ngài có lẽ đã bắt đầu với những cảm xúc chân thật như thế.
II. HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM TÌNH YÊU
1. Hai chiều hướng của tình yêu
Hành trình kiếm tìm tình yêu có thể nói cũng là quá trình mà thánh Âu-tinh tìm để yêu những đối tượng khác nhau trong cuộc đời của ngài. Tình yêu ở đây có lẽ không được hiểu như một khách thể, nhưng như một hành vi. Nó tồn tại ở dạng động từ hơn là danh từ. Có thể ghi nhận sự khác biệt của tình yêu xét như hai chiều hướng dựa trên các đối tượng mà chủ thể yêu nhắm tới. Có lẽ thánh Âu-tinh đã muốn ám chỉ đến điều này khi ngài phân biệt hai loại thành đô trong chương 9, quyển XIV, một bên sống theo Thần Khí hướng về Thiên Chúa và một bên sống theo xác thịt hướng về loài người. Ngài viết: “Về bản chất của hai thành đô trần thế và thiên quốc, chúng được thiết lập bởi hai tình yêu: thành đô trần thế được thiết lập bởi lòng yêu mình, thậm chí coi khinh Thiên Chúa; thành đô thiên quốc bởi lòng yêu mến Thiên Chúa, đến nỗi coi thường bản thân.”[7] Xem ra hai tình yêu mà thánh nhân nhắc đến là hai chiều hướng tình yêu vốn là động cơ của hai thành đô, tức là hai kiểu tương quan hay hai phương cách sống.
Cụ thể, với chiều hướng thứ nhất của tình yêu, thánh Âu-tinh cho rằng kiêu ngạo là nguồn gốc của ý chí xấu xa trong con người (x. Quyển XIV, chương 13). Sống theo đô thị trần thế, người ta kiêu căng sống theo ý mình, tự mình làm hài lòng chính mình, thậm chí muốn trở thành thần minh. Họ “tôn thờ những gì sai trái mà coi khinh những gì chân thật […], sẽ bị giày vò bởi những cảm xúc xấu cũng như bởi bệnh tật và nhiễu loạn.”[8] Trái lại, với chiều hướng thứ hai của tình yêu, con người yêu mến Thiên Chúa, yêu người thân cận như chính mình theo chuẩn mực của Thiên Chúa (x. Quyển 14, chương 6). Đối nghịch với kiêu ngạo, “khiêm nhường được đề cao cách đặc biệt trong thành đô Thiên Chúa.”[9] Thêm nữa, công dân của thành thánh đang trong cuộc lữ hành đời này đều phải trải qua sợ hãi và khao khát, nỗi buồn và niềm vui. Nhưng vì tình yêu của họ được đặt để đúng trật tự nên tất cả những tình cảm này đều tốt đẹp.[10]
Đọc lại cuộc đời thánh Âu-tinh, dường như suốt thời gian tuổi trẻ, ngài đã mải miết chạy tìm tình yêu thế gian. Ngài sống theo đô thị trần thế khi giao du với đám bạn bất hảo, quan hệ nam nữ và có con ngoài hôn thú.[11] Ngài đã yêu cuồng nhiệt hướng chiều thế tục. “Nhưng rồi, càng thèm muốn nên nhiều, con người càng trở nên ít; càng cảm thấy đủ, họ càng rời xa Đấng thực sự làm cho họ nên đủ […], càng cho mình là ánh sáng, họ càng rời xa ánh sáng đích thực.”[12] Thánh nhân nhận ra sự mâu thuẫn nội tại nơi tình yêu của mình. Tiếp tục hành trình tìm kiếm tình yêu, một cuộc hoán cải tình yêu đã manh nha từ năm 373 khi ngài đọc Hortensius của Cicero, rõ ràng hơn từ năm 384 với việc nghiên cứu thuyết Tân-Plato, và cao điểm vào năm 386 khi ngài nghe tiếng một em bé vô hình bảo ngài hãy cầm lấy và đọc thư Rm 13,13-14: “Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng (…). Hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng”.[13]
2. Cuộc chiến trên hành trình tìm kiếm tình yêu
Trong quyển XIV, chương 9, thánh Âu-tinh cho rằng bao lâu còn ở đời này, con người vẫn còn đối diện với sợ hãi và buồn đau. Khi thừa nhận thực tế này của kiếp nhân sinh, xem ra ngài cũng muốn nói đến thực tại khó khăn trên hành trình hoán chuyển chiều hướng tình yêu của mình. Nhận ra chiều hướng cũ là sai lầm đã khó, huống hồ là từ bỏ nó và chuyển sang hướng mới. Có lẽ đó là lý do ngài nhiều lần đề cập đến cuộc chiến giữa ước muốn của xác thịt và ước muốn của Thần Khí (x. Gl 5,17) vốn nảy sinh khi thực hiện cuộc hoán cải tình yêu.[14]
Ở quyển XXII, chương 24, thánh Âu-tinh cho biết người lành phải chịu đựng lao nhọc dành riêng cho mình, đến nỗi họ phải gây chiến với những nết xấu của họ và bị kéo vào các cám dỗ cùng những nguy hiểm khi bước vào cuộc chiến ấy. Vấn đề không phải là nhổ bỏ ham muốn cho bằng nói không với nó, giữ nó trong tầm kiểm soát, thận trọng theo dõi để mình không bị đánh lừa bởi những điều tưởng chừng là chân lý, để không dùng phương tiện tốt cho mục đích xấu và phương tiện xấu cho mục đích tốt… Một cuộc chiến như thế chắc hẳn không hề dễ dàng vì kẻ địch không phải là một đối tượng nào đó bên ngoài nhưng là trong chính bản thân, tức là chiến đấu với chính mình. Mối giằng co nội tại kịch tính ấy có lẽ sẽ gây nhiều đau đớn. Thế nhưng, trong quyển XXI, chương 15, thánh Âu-tinh cho rằng “chiến đấu với các nết xấu thì tốt hơn là không có xung đột để rồi phục lụy chúng.” Dường như bao lâu còn biết mình đang chiến đấu, bấy lâu ngài còn thấy mình có giá trị.
Ngài nhắn nhủ phải luôn kiên vững, chịu đựng nỗi khó nhọc của cuộc chiến này. Thêm nữa, khi đề cập đến vai trò của những nhân đức trụ (khôn ngoan, can đảm, tiết độ và công bình) trong cuộc chiến “chống lại lầm lỗi và các nết xấu, khuất phục chúng bằng cách điều chỉnh đam mê không hướng về bất cứ đối tượng nào ngoài Sự Thiện tuyệt đối và bất biến,”[15] thánh Âu-tinh cách nào đó đã kế thừa tư tưởng của Plato vốn đề cao lý trí của linh hồn trong việc điều khiển “hai con ngựa” tinh thần và dục vọng. Không dừng lại ở đó, thánh Âu-tinh xem ra còn thêm vào chiều kích mới mang tính siêu nhiên khi mời gọi người chiến sĩ “bước đi trong niềm hy vọng, để Thần Khí hủy diệt những hành vi xác thịt nhằm tiến bộ mỗi ngày.”[16] Ngài cũng nhắc đến việc cầu nguyện ở chương 23, quyển XXII, bằng cách lặp đi lặp lại “xin tha nợ cho chúng con” (Mt 6,12). Thật thế, với thánh nhân, người chiến sĩ không đơn độc nhưng được trợ lực và ban ơn. Bóng dáng của tha nhân cũng xuất hiện trong cuộc chiến,[17] cùng với sự hỗ trợ của các thánh, thậm chí có thể “làm cho lòng thương xót hỉ hoan trước sự phán xét.”[18] Cuộc đời của thánh Âu-tinh há chẳng phải đã in dấu hình bóng người mẹ đã ròng rã nguyện cầu cho ngài; cả giám mục Ambrôsiô mà thánh nhân mô tả “là một trong những người nói về chân lý, nói thật hay, thật khôn ngoan và sắc sảo cùng với vẻ đẹp và sức mạnh của sự diễn đạt” (On The Christian Doctrine, quyển IV, chương 21) đó sao?
Hơn hết, thánh Âu-tinh kinh nghiệm về sự hoạt động của Chúa trong cuộc chiến đấu của ngài. Ngài xác tín “Chúa ban cho ta khả năng”[19] để nói không với ham muốn và để kiểm soát nó. Trong quyển XXI, chương 27 mô tả việc Thiên Chúa có thể dùng đến lao nhọc và buồn đau, nguy hiểm và khốn khó, đau đớn và tai nạn, cả mất mùa và bệnh tật để thanh luyện con người. Nhưng Ngài không hoàn toàn bỏ mặc những ai ngài xử phạt, không khép lại lòng thương xót trong cơn giận của ngài. Với nhãn quan đức tin, xem ra thánh Âu-tinh suy nghĩ tích cực về những nguy nan trong cuộc sống. Đặc biệt hơn, với vị thế một người chiến sĩ đang trên đường tìm kiếm tình yêu, ngài mặc cho mọi sự ý nghĩa huấn luyện để giúp ngài tiến bước.
III. TIẾN VỀ TÌNH YÊU TUYỆT ĐỐI
1. Cuộc gặp gỡ
Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi,” (1 Ga 4,18) thánh Âu-tinh trong quyển XIV, chương 9 đã trích dẫn câu Kinh Thánh này để diễn tả tình yêu hoàn hảo. Nỗi sợ hãi ở đây dường như không phải là nỗi lo lắng ưu tư giúp ta tránh tội, nhưng có thể là nỗi sợ sệt, yếm thế và nhụt chí trước nghịch cảnh và cám dỗ. Tình yêu hoàn hảo cũng là khi ta “thích thú trước vẻ đẹp của nhau mà không có bất cứ ham muốn nào.”[20] Nếu với Plato, tình yêu sáng suốt giúp con người hướng thượng, nâng mình lên cao để mong đạt đáo cái Đẹp tự thân và Eidos Thiện,[21] thì tình yêu đích thực với Âu-tinh xem ra không phải là vươn lên cao hầu đạt lấy những giá trị cho bằng cúi sâu xuống để khiêm nhường tùng phục Đấng Trên Cao,[22] nơi đó người chiến sĩ gặp gỡ Đức Kitô, quân vương của thành đô Thiên Chúa.[23] Vị Quân Vương đã mặc lấy bản tính của con người để mang con người đến với Ngài. Ngài thông phần yếu đuối với ta để ta được biến đổi nên tốt hơn, được thông dự vào sự công chính và bất tử của Ngài.[24] Khi ấy, kẻ đi tìm tình yêu gặp thấy Đấng là Tình Yêu, một phần nhờ nỗ lực từ phía kẻ kiếm tìm, nhưng đặc biệt là nhờ ơn sủng và sự tỏ lộ của Đấng được tìm kiếm. Cuộc gặp gỡ tình yêu ấy đúng hơn là một ơn ban. Người ấy bước một bước từ đô thị trần thế sang đô thị thiên quốc, nơi mà “sự thiện tuyệt đối là bình an toàn mỹ và vĩnh hằng.”[25]
Gặp được Tình Yêu, con người có được “hạnh phúc bất diệt trong thành đô Thiên Chúa và ngày Sa-bát vĩnh hằng,” có được niềm vinh dự đích thực không bao giờ hư mất; cả sự bình an đích thực đến nỗi sẽ không còn ai cảm thấy bất an. Quý giá hơn cả, chính Thiên Chúa sẽ là phần thưởng, “Ta sẽ là Chúa của các ngươi, và các người sẽ là dân của ta” (Lv 26,12). Ngài trở thành cùng đích của mọi khao khát trong con người. Cuộc gặp gỡ ấy sẽ đưa con người đến ngày Sa-bát vĩ đại vốn không còn chiều tối mà Thiên Chúa ăn mừng sau những công việc đầu tiên của Ngài. Diệu kỳ thay, “chúng ta sẽ trở thành ngày thứ bảy khi được đổ đầy với sự chúc phúc và sự thánh hóa của Thiên Chúa.”[26] Dường như với thánh Âu-tinh, niềm hạnh phúc ấy đã thực sự bắt đầu ở đời này, và sẽ thành toàn ở đời sau.
2. Liên hệ tới cuộc trở về với Nhất Thể của Plotinus
Khi đi lại kinh nghiệm gặp gỡ tình yêu của thánh Âu-tinh, dường như ta bắt gặp Plotinus với tư tưởng “cứu rỗi trong sự hợp nhất thần bí với Thượng Đế”[27]. Plotinus cho rằng quá trình hợp nhất với Nhất Thể là một nhiệm vụ đầy cam go, cần phát triển đức hạnh tri thức và đạo đức trước khi đạt được trạng thái xuất thần. Khi đó, chủ thể phải khước từ thế giới để linh hồn có thể vươn tới hoạt động tri thức. Linh hồn phải được thanh luyện trong tình yêu và có khả năng trao hiến hoàn toàn mới có thể tái hợp nhất với Nhất Thể. Kinh nghiệm của thánh Âu-tinh có nét tương đồng với tư tưởng thần bí này,[28] nhưng hơn thế, dường như ngài đã thêm vào tư tưởng thần bí này chiều kích thực tiễn. Không những không khước từ thế giới, thánh nhân xem ra còn khởi đi từ chính thế giới khi ngài không coi thường thân xác và dám đối diện với những thứ tình cảm đa tạp trong cõi lòng mình. Thêm vào đó, trong khi Plotinus đề cao vai trò độc tôn của chủ thể, thánh Âu-tinh đưa năng lực tự nhiên của chủ thể về đúng vị trí của nó, đồng thời đề cao vai trò của ân sủng đến từ Thiên Chúa. Như thế, trong khi Thượng Đế của Plotinus là Nhất Thể tuyệt đối mà con người chỉ có thể hy vọng tái “hợp nhất”, Thượng Đế của thánh Âu-tinh là một ngôi vị, có tương quan với con người, đến nỗi thánh nhân có thể “gặp gỡ” Ngài.
Kết luận
Kinh nghiệm gặp gỡ Tình Yêu của thánh Âu-tinh có thể nói là cuộc gặp gỡ giữa người tìm yêu và Đấng Tình Yêu. Thánh nhân đã tìm và gặp thấy tình yêu khi quay về với chính cõi nội của mình. Thành Đô Thiên Chúa đã hiện hữu ngay trong thâm tâm. Kinh nghiệm của ngài không chỉ thuần túy mang tính thần học, có lẽ nó còn thấm đẫm nhân học với chủ thể tính, phương pháp nội quan và chuẩn mực đạo đức. Kinh nghiệm ấy cách nào đó cũng diễn tả tính nhân văn cao đẹp khi thắp lên cơ hội về tiến trình trở nên: sự thức tỉnh và hoán cải. Ai cũng có cơ hội để nên hoàn thiện. Câu nói quen thuộc “không có thánh nhân nào lại không có quá khứ, và không có tội nhân nào lại không có tương lai” xem ra am hợp với kinh nghiệm gặp gỡ tình yêu này. Phải chăng mỗi người cần có cái nhìn kiên nhẫn và cảm thông hơn với chính mình và với anh chị em đồng loại?
Kinh nghiệm gặp gỡ tình yêu không phải là một lần cho tất cả, nó cần được nuôi dưỡng không ngừng. Quan trọng hơn là lòng chung thủy, một sự bền đỗ đến cùng để sống cho tình yêu.
THƯ MỤC THAM KHẢO
Augustine, On The Christian Doctrine, in Four Books (ebook), Grand Rapids, MI: Christian Classics Ethereal Library
Augustine, The City of God, Marcus Dods dịch, New York: Random House Inc., 1999
Plato, Phedrus, Robin Waterfield dịch, New York: Oxford University Press, 2002
Stumpf, Samuel Enouch, Lịch sử triết học và các luận đề, Hà Nội: NXB Lao Động, 2007
Thánh Âu-tinh, Tự thuật, Không rõ dịch giả, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007
Thornton, J. F. & Varenne, S. B., ed, Late Have I Loved Thee, New York: Random House Inc., 1999
[1] Thánh Âu-tinh, Tự thuật, không rõ dịch giả (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007), Quyển X, đoạn 27, 608.
[2] Plato, Phedrus, Robin Waterfield dịch (New York: Oxford University Press, 2002), 246ab, 28.
[3] St. Augustine, The City of God, Marcus Dods dịch (New York: Random House Inc., 1999), quyển XIV, chương 6, 447.
[4] St. Augustine, quyển XIV, chương 7, 448.
[5] St. Augustine, quyển XIV, chương 9, 454.
[6] St. Augustine, quyển XIV, chương 9, 455.
[7] St. Augustine, quyển XIV, chương 28, 477.
[8] St. Augustine, quyển XIV, chương 9, 456.
[9] St. Augustine, quyển XIV, chương 13, 461.
[10] St. Augustine, quyển XIV, chương 9, 452.
[11] J. F. Thornton & S. B. Varenne, ed, Late Have I Loved Thee (New York: Random House Inc., 1999), xxviii.
[12] St. Augustine, quyển XIV, chương 13, 461.
[13] J. F. Thornton & S. B. Varenne, xxix-xxxi.
[14] St. Augustine, quyển XXI, chương 15, 786; quyển XXII, chương 23, 849-850.
[15] St. Augustine, quyển XXII, chương 24, 852.
[16] St. Augustine, quyển XXI, chương 15, 785-786.
[17] St. Augustine, quyển XIV, chương 9, 452.
[18] St. Augustine, quyển XXI, chương 27, 808.
[19] St. Augustine, quyển XXII, chương 23, 849.
[20] St. Augustine, quyển XXII, chương 24, 854.
[21] Plato, Bữa Tiệc, Đậu Văn Hồng dịch (Nha Trang: ĐCV Sao Biển), 90.
[22] St. Augustine, quyển XIV, chương 13, 461.
[23] St. Augustine, quyển XIV, chương 13, 461.
[24] St. Augustine, quyển XXI, chương 15, 786.
[25] St. Augustine, quyển XIX, chương 20, 698.
[26] St. Augustine, quyển XXII, chương 30, 864-867.
[27] Samuel Enouch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề (Hà Nội: NXB Lao Động, 2007), 105.
[28] Thánh Âu-tinh cho biết ngài có đọc các bản văn của Plotinus và nhận thấy ở đó có sự tương đồng với đoạn Ga 1,1-10, cũng như tìm thấy Thiên Chúa Ngôi Hai. X. Tự Thuật, quyển VII, đoạn 9, 432-437.