- Một cái nhìn sơ lược về Siêu Đạo Đức học
Đạo đức học thường được chia thành hai nhánh phụ: đạo đức học chuẩn tắc và siêu đạo đức học. Siêu đạo đức học bàn đến những vấn đề lớn và trừu tượng như: khi nói làm điều gì đó là sai thì có ý nghĩa gì? Có những chân lý đạo đức tuyệt đối nào mà chúng ta đang cố gắng khám phá, tương tự như việc chúng ta cố gắng khám phá những định luật vật lý vậy? Hoặc “chân lý đạo đức” có khác với “chân lý khoa học” không? Quyển sách này hầu như chỉ quan tâm đến đạo đức ứng dụng và đạo đức chuẩn tắc; nghĩa là tập trung vào những gì được coi là lý do chính đáng cho một phán đoán đạo đức hoặc những gì chúng ta nên làm trong một tình huống cụ thể. Vì thế, chúng ta sẽ không nghiên cứu quá sâu về siêu đạo đức học. Tuy nhiên có những ý niệm hữu ích mà chúng ta có thể vay mượn từ siêu đạo đức học hầu định hướng chúng ta khi dấn thân sâu vào các vấn đề cụ thể hơn, về việc làm thế nào chúng ta có thể xử lý các tình huống nan giải về đạo đức.
- Chủ nghĩa khách quan đạo đức
Một vài triết gia lý luận rằng những phát biểu đạo đức (như: là sai khi gây ra những đau đớn không cần thiết cho động vật) nên được chấp nhận ở giá trị bề mặt; nghĩa là những phát biểu đó đang tuyên bố về một thực tại khách quan, và chúng có thể đúng hoặc sai.
Có nhiều cách khác nhau để tạo nên lập luận như thế. Người ta có thể lý luận rằng phát biểu này đúng, tương tự như mệnh đề 2 cộng 2 bằng 4 là đúng, và nó chỉ tuân theo logic từ cách chúng ta định nghĩa các thuật ngữ của mình. Quan điểm này được ủng hộ, bởi thực tế là, một số bất đồng về đạo đức có thể được giải quyết nhờ việc làm sáng tỏ hơn những gì mà chúng ta có ý muốn nói. Tuy vậy, không phải tất cả các tranh luận đạo đức đều có thể được giải quyết theo cách này; chúng ta dường như thường tranh luận về cách thức thế giới đang tồn tại, chứ không chỉ về những gì chúng ta có ý muốn nói.
Một lối nẻo khác để lập luận là nói rằng các nguyên tắc đạo đức là những chân lý về cách thức thế giới đang tồn tại – nhưng chúng không phải là chân lý “tự nhiên”, giống như chân lý về trọng lượng riêng của nước. Nghĩa là, chúng ta không thể thực hiện những nghiên cứu, tập hợp một số bằng chứng và chỉ ra đâu là điều đúng và sai trong lĩnh vực này, giống như khi chúng ta không tán thành về các hiện tượng vật lý. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có chân lý cho vấn đề. Nhưng đúng hơn, con người có lẽ chỉ có khả năng giới hạn để nhận biết hoặc chứng minh một vài chân lý mà mọi người hoàn toàn tán thành. Có lẽ, có một địa hạt siêu nhiên hoặc phi tự nhiên mà ở đó các chân lý đạo đức trú ngụ. Điều đó sẽ phù hợp với nhiều truyền thống đức tin giảng dạy về sự tồn tại của Thượng đế, hoặc các thần linh, hay một thực tại linh thiêng có can hệ tới đạo đức của con người. Tuy nhiên, người ta có thể chấp nhận quan điểm này, ngay cả khi họ không tin vào những thực tại linh thiêng đó, bởi vì các phương pháp khoa học chỉ giới hạn trong việc giải quyết một vài chân lý mà thôi. Nhưng sau đó, những ai nắm giữ quan điểm này phải giải thích cách thức làm thế nào chúng ta có thể khám phá ra những chân lý ấy.
Tuy nhiên còn có khả thể khác. Có lẽ những tuyên bố đạo đức có thể đúng một cách khách quan bởi chúng có gốc rễ từ trong bản chất con người. Những tuyên bố đạo đức, theo quan điểm này, là những tuyên bố về những sinh vật như chúng ta phải sống thế nào nếu chúng ta muốn phát triển. Giả như bản chất con người và đời sống xã hội đủ tương đồng và ổn định giữa các nền văn hóa, thì bản chất con người có thể đưa ra một nền tảng khách quan cho đạo đức. Điều gì đúng đối với một người Hottentot[1] thì cũng phải đúng đối với một sinh viên đại học Mỹ. (Lưu ý rằng quan điểm này dường như có thể được xác minh ngang qua nghiên cứu thực nghiệm và được kiểm tra nhờ vào những phát hiện của môn nhân chủng học văn hóa).
- Chủ nghĩa chủ quan đạo đức
Thật không dễ cho những người theo chủ nghĩa chủ quan đạo đức tin rằng các nguyên tắc đạo đức là có thật một cách khách quan – rằng chúng đang “ở ngoài kia” trong thế giới – giống như cách mà các chân lý khoa học tồn tại. Thay vào đó, họ đưa ra giả thuyết rằng các tuyên bố đạo đức chỉ diễn tả cảm xúc hay thái độ của người phát ngôn mà thôi. Nghĩa là, tuyên bố “thật sai trái khi gây ra những đau đớn không cần thiết cho động vật” chỉ là một diễn tả thái độ không tán thành của người nói về việc làm này.
Chúng ta có thể bị rơi vào cám dỗ phản đối chủ nghĩa chủ quan dựa trên lý do cho rằng chủ nghĩa này có ý bảo con người chỉ có thể tin vào những gì họ chọn – ví dụ, họ có thể chọn tin rằng việc sát nhân hàng loạt là chấp nhận được. Tuy nhiên, một người theo chủ nghĩa chủ quan nghiêm túc không nhất thiết phải tin rằng bạn có thể tin bất cứ điều gì bạn muốn. Nếu các tiêu chuẩn đạo đức của bạn diễn tả thái độ thâm sâu và chân thực của con người bạn, thì các tiêu chuẩn đó có lẽ đã không nằm trong vòng kiểm soát của bạn rồi. Người khăng khăng cho rằng việc sát nhân có thể chấp nhận được là kẻ đang dối trá và có lẽ kẻ đó cũng cảm thấy tội lỗi khi dối lừa như thế.
Cũng có nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa chủ quan. Hình thức đầu tiên phải kể đến là chủ nghĩa tương đối văn hóa (cultural relativism). Tuy nhiên ở điểm này, chúng ta phải cẩn trọng vì “chủ nghĩa tương đối văn hóa” có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong mỗi ngành học khác nhau. (Một vài ý nghĩa của nó sẽ được giải thích ở bảng dưới đây). Ở đây, chủ nghĩa tương đối văn hóa có nghĩa là thái độ tán thành hay không tán thành về mặt đạo đức của bạn chỉ có thể có ý nghĩa trong bối cảnh văn hóa riêng của bạn; không có bất kỳ tiêu chuẩn đạo đức nào vượt trên nền văn hóa đã sản sinh ra nó. Do vậy, khi chúng ta đánh giá chân lý của một phát biểu đạo đức, thì chúng ta đang nói về việc ít nhiều nó đúng theo các tiêu chuẩn của nền văn hóa X nào đó. Điều này có nghĩa là những gì đúng với các thành viên của nền văn hóa này không nhất thiết phải đúng với các thành viên của nền văn hóa kia. Dĩ nhiên, các nền văn hóa khác nhau có thể chia sẻ cùng một chuẩn mực, và các nền văn hóa có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Chính vì thế, quan điểm trên không nhất thiết có ý cho rằng thành viên của các nền văn hóa khác nhau phải luôn bất đồng với nhau; nhưng có nghĩa là các phán đoán đạo đức chỉ có giá trị giữa những người nhận thức được các phán đoán đạo đức đó. Hay nói khác đi, các phán đoán đạo đức có thể có giá trị với một cộng đồng hoặc nhiều cộng đồng mà chúng ta đang bàn luận, chứ không phải với hết mọi người thuộc mọi nơi và mọi thời.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người theo thuyết chủ quan đều là những người theo thuyết tương đối văn hóa. Người ta có thể tranh luận rằng thái độ chủ quan bắt nguồn từ một điều gì đó còn sâu xa hơn cả văn hóa, trong bản chất cảm xúc căn bản hay tâm lý của chúng ta. Những tuyên bố đạo đức, theo quan điểm này, sẽ vẫn là diễn tả thái độ; tuy nhiên, các thái độ đó có thể mang tính phổ quát hoặc cá nhân, nhưng kiên quyết chống lại sự thay đổi.
Chủ nghĩa chủ quan có một sự cuốn hút mạnh mẽ vì nó công nhận vai trò trọng yếu của nền văn hóa cũng như tâm lý cá nhân trong việc định hình nên những quan điểm đạo đức của chúng ta (cũng như có thể giúp giải thích tại sao các bất đồng đạo đức lại khó giải quyết đến thế). Nhưng nó lại không bàn đến vai trò của các lý luận trong phán đoán đạo đức. Chúng ta muốn nói rằng có một sự khác biệt giữa cảm xúc phẫn nộ không thể giải thích được khi nhìn thấy một con vật bị giết để làm thức ăn và một lập luận được lý giải hết sức chặt chẽ rằng những thực hành như thế là sai.
Chúng ta sẽ không trông mong mọi người có cùng phản ứng phẫn nộ giống chúng ta, nhưng chúng ta có thể mong chờ những lý luận của mình thuyết phục được họ. Chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng một cảm xúc hoặc một thái độ mà không được hỗ trợ bằng những lý do xác đáng, có lẽ nó không thể được xem như cơ sở vững chắc cho một phán đoán đạo đức. Hơn nữa, chúng ta tin rằng nhiều người, và thậm chí những người đến từ những nền văn hóa khác nhau, có thể cùng nhau luận bàn đâu là điều đúng và đâu là điều tốt đẹp về mặt đạo đức. Nhưng nói cho cùng, tất cả những điều này cũng khó có thể dung hòa với niềm tin cho rằng các phán đoán đạo đức đơn thuần chỉ diễn tả các thái độ chủ quan về thế giới mà thôi.
[1] Hottentot là một thuật ngữ được dùng trong lịch sử để chỉ tộc người Khoikhoi, những người chăn gia súc bản địa ở Nam Phi mà không phải thổ dân Bantu.
(còn tiếp)
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh
Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 14-16.