• Nghiên cứu các giá trị theo phương thức quy phạm so với thực nghiệm.

Triết học đạo đức không phải là ngành học thuật duy nhất quan tâm nghiên cứu các giá trị. Ví dụ, các nhà sinh vật học đôi khi cũng nghiên cứu đạo đức học. Một số nhà sinh vật học coi đạo đức học như là một hành vi tiến hóa vì nó mang trong mình giá trị sinh tồn đối với các cộng đồng nhân loại: Các cộng đồng đạo đức (theo luận lý này) có nhiều khả năng phát triển và di truyền gen của họ. (Aldo Leopold dùng kiểu lập luận này trong tác phẩm A Sand County Almanac (1949), mà chúng ta sẽ thảo luận ở mục 2.5 dưới đây). Các nhà đạo đức học không nhất thiết phải bất đồng với lối giải thích theo thuyết tiến hóa này về việc tại sao con người lại có khả năng lý luận đạo đức. Tuy nhiên, họ cần khẳng định rằng đạo đức không thể bị giản lược thành môn sinh vật học. Một khi khả năng lý luận đạo đức phát triển, các hệ thống đạo đức sẽ tự đảm nhận lấy lối đi riêng; các nguyên tắc đạo đức không còn đơn thuần là bất kỳ nguyên tắc nào giúp mọi loài có thể tồn tại. Một vài hành vi được các giá trị đạo đức thúc đẩy có thể chẳng mang giá trị sinh tồn nào cả, nhưng không phải tất cả các hành vi có giá trị sinh tồn đều thực sự là đạo đức. Đối với một nhà đạo đức học, việc giải trình giá trị sống còn của một thực hành sẽ chẳng bao giờ trả lời được câu hỏi liệu việc thực hành đó có được biện minh về mặt đạo đức hay không.

Hầu hết các ngành khoa học xã hội cũng có một số phương pháp và lý thuyết nhằm khảo sát các giá trị. Nhưng các nhà khoa học xã hội thường dùng lối tiếp cận thực nghiệm để nghiên cứu đạo đức và các giá trị. Nghĩa là, họ quan tâm đến việc mô tả những gì con người tin và tại sao họ lại tin những điều đó. Trái lại, kiểu phân tích đạo đức như chúng ta đã nói ở trên được gọi là kiểu phân tích quy phạm (normative analysis): nó không chỉ tập trung vào việc mô tả các giá trị (mặc dầu các mô tả chính xác sẽ giúp ích!) nhưng còn tập trung vào việc đánh giá liệu các giá trị đó có thích hợp và chính đáng không.

Ví dụ, thử đối chiếu đạo đức học với một ngành học cũng xem việc  nghiên cứu các giá trị là lĩnh vực của nó: Nhân học văn hóa. Các nhà nhân chủng học thường nghiên cứu các giá trị đạo đức như là một phần của một nền văn hóa cụ thể mà họ quan tâm tìm hiểu. Họ không hỏi liệu các giá trị đó cuối cùng đúng hay sai, thật hay giả. Đúng hơn, mục đích của họ là để hiểu những giá trị đó là gì và làm thế nào chúng lại phù hợp với thế giới quan tổng thể của các thành viên trong nền văn hóa đó. Để thực hiện được loại hình khảo sát này, một nhà chủng nhân học giỏi sẽ phải học cách đặt các giá trị đạo đức của chính mình sang một bên –  tạm dừng phán xét đạo đức về các thực hành xã hội –  để có thể đi vào quan điểm của những người đang được nghiên cứu.

Đó chính là chỗ nhân chủng học và đạo đức học khác biệt nhau. Thực vậy, lập trường cởi mở và không phán xét của các nhà nhân chủng học đối với các giá trị đạo đức dường như đôi lúc cũng hoàn toàn trái ngược với kiểu phân tích đạo đức quy phạm đã được nói trên đây. Các nhà đạo đức học cho rằng các nhà nhân chủng học xem ra rất thiếu óc phê bình về những giá trị mà họ đang nghiên cứu. Trong khi đó, các nhà nhân chủng học cho rằng các nhà đạo đức học dường như quá thiếu tôn trọng những người nắm giữ những giá trị đang được đánh giá. Tuy nhiên, những khác biệt của các ngành học này không nhất thiết dẫn đến những xung khắc như thế. Trái lại! chúng ta chỉ nên ghi nhớ những gì mà mỗi lối tiếp cận đang cố gắng đạt được. Tra vấn đạo đức học quy phạm có thể giúp bạn làm rõ những gì bạn xem là giá trị và tại sao bạn lại xem như thế, nhờ đó bạn có thể giải trình chính bản thân cho người khác. Hay có lẽ tốt hơn nên nói rằng nó làm sáng tỏ những phạm vi ngoại tại về những gì mà bạn có thể tin tưởng, nhận diện điểm giới hạn mà ở đó bạn phải thốt lên, “ừ thì, tôi thực sự chẳng hiểu làm sao mà người ta lại có thể tin điều đó”. Và đây chính là chỗ mà nhà nhân chủng học có thể bước vào. Việc nghiên cứu nhân chủng học có thể giúp bạn hiểu các quan điểm đạo đức vốn rất khác biệt so với quan điểm của chính bạn. Thậm chí còn hơn thế nữa, nó có thể giải thích quan điểm đạo đức của riêng bạn cho những người không có cùng văn hóa với bạn. Tóm lại, cả nhà nhân chủng học và nhà đạo đức học có thể đóng góp vào việc thấu hiểu hơn các giá trị và sự thông truyền các giá trị đó. Trong thời đại đầy dẫy những vấn nạn môi trường toàn cầu mà chúng ta đang sống, lối thấu hiểu theo kiểu giao thoa văn hóa như thế đều rất hữu ích và đặc biệt quan trọng.

  • Sát tế động vật

Một ví dụ về xung đột đạo đức (và chính trị) bắt nguồn từ những khác biệt văn hóa là cuộc tranh cãi về việc sát tế động vật. Sát tế động vật là một phần quan trọng của tôn giáo Santeria vùng Caribê. Một số nhà hoạt động vì quyền động vật đã kêu gọi vận động chấm dứt việc thực hành này, họ coi việc thực hành này như là một ví dụ về sự ngạo mạn và thống trị của con người trên động vật. Tuy nhiên, đối với những người thực hành tôn giáo Santeria, việc sát tế này lại là một phần thiết yếu trong mối tương quan của con người với thần linh. Những lời nguyện cầu chỉ diễn tả những gì mà con người mong muốn từ tương quan của họ với các thần linh; còn việc sát tế, như một hành vi thông hiệp, mới thực sự cấu thành nên mối tương quan đó, và tạo nên sự gắn kết hỗ tương đích thật giữa con người và thần linh. Thực vậy, khác xa với việc thể hiện sự thống trị của nhân loại lên tự nhiên, việc sát tế thừa nhận sự lệ thuộc thể lý và tâm linh giữa các sinh thể. Như học giả Joseph Murphy lý giải: “Con vật chết đi để cho con người có thể sống… Tất cả đều liên quan đến sự trao đổi và cân bằng rất tinh tế của tự nhiên, vốn tạo nên khả thể sống cho con người….máu (con vật) được dâng hiến lên các Orishas nhằm diễn tả cho nhân loại thấy sự lệ thuộc của họ vào một thế giới bên ngoài mình và trả lại cho thế giới vô hình một của lễ vốn đã được đưa vào thế giới hữu hình” (Murphy 1988, tr.44.) Việc thực hành này dựa trên quan điểm cho rằng toàn bộ thế giới vật chất  là thánh thiêng, như một diễn tả của thực tại linh thánh mà tính toàn vẹn của nó hệ ở việc thực hiện những đổi trao như thế. Việc sát tế con vật diễn tả sự lệ thuộc và hiệp nhất của con người với toàn bộ thế giới vật chất và linh thiêng.

Trong thế giới quan này, các con vật có tầm quan trọng và uy quyền cách đặc biệt, vì ngay cả các orishas cũng lệ thuộc vào sinh khí của chúng. Một số nhà thực hành của tôn giáo này khẳng định rằng con vật đã hiến dâng mạng sống mình trong các nghi lễ, cũng giống như việc một người được thần linh thúc đẩy đã dâng hiến hay hiến tế bản thân mình cho vị thần ấy. Nhưng dù con vật có thể được xem như một thành viên tự nguyện tham gia vào nghi lễ hiến tế hay không, thì bản thân việc hiến tế cũng có nghĩa là một hành động thể hiện sự khiêm tốn và lòng biết ơn sâu sắc của con người đối với món quà sự sống.

Hiểu được quan điểm này có thể cho phép những người thực hành tôn giáo Santeria và những nhà hoạt động vì quyền động vật xích lại gần nhau hơn. Thậm chí họ có thể tìm ra những nền tảng chung và cùng nhau hành động hầu giải quyết những mối đe dọa đến quyền lợi của động vật.

Tuy vậy, càng tìm hiểu về những khác biệt văn hóa trong các giá trị đạo đức, có thể chúng ta càng thắc mắc hơn: “Thực sự có một câu trả lời chính xác hoặc đúng mang tính phổ quát cho các vấn đề đạo đức không? Nếu không thì việc phân tích đạo đức có ích lợi gì? Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu sơ lược về Siêu Đạo Đức học (metaethics).

(còn tiếp)

Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Xuân Danh

Nguồn: Kimberly K. Smith, Exploring Environmental Ethics – An Introduction,
(Carleton College, Northfield: Springer, 2018), 12-13.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *